Sunday, September 28, 2014

Nguyễn Xuân Thu

Hành trình từ trường làng
đến Ðại Học Quốc Tế RMIT Việt Nam
(kỳ 19)

Ban Văn Công Chí Linh gồm khoảng trên 50 người có nhiệm vụ hỗ trợ tinh thần cho cán bộ XDNT tại các tỉnh bằng những chuyến lưu diễn, sinh hoạt thường xuyên với các khóa sinh tại TTHL/VT và thu băng, thu hình cho các chương trình phát thanh và truyền hình của Tổng Bộ Xây Dựng.

Tôi học được rất nhiều từ công việc mới của tôi tại TTHL/VT này. Ðể có đủ kiến thức và kinh nghiệm, tôi đã phải đọc hàng ngàn trang đúc kết từ các cuộc phỏng vấn hay báo cáo của hàng vài chục ngàn khóa sinh đến học tại trung tâm mỗi năm. Ngoài ra, cứ hai tuần một lần tôi đến khảo sát tình hình công tác của CB/XDNT tại một tỉnh. Ðây cũng là dịp tôi học và biết được nhiều kinh nghiệm thực tế về những đau khổ cùng cực và mất mát lớn lao của nhân dân miền Nam trong cuộc chiến kéo dài ngót 20 năm. Những bài viết in trong các tập “Những ý tưởng trên đường xây dựng nông thôn” mang tên Tường Vân Nguyễn Bé là kết quả của những năm tôi tiếp xúc và học được từ những người dân ở tận các vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước và từ những người cán bộ áo đen khát khao xây dựng lại xóm làng đổ nát của mình. Ðó chính là máu, nước mắt và cuộc đời khốn cùng của họ.

Trong một chuyên công tác với một người cố vấn Mỹ tên Erich (tôi quên họ của anh) về tỉnh Châu Ðốc vào những ngày cuối năm 1967 (chỉ hai ngày sau là xảy ra biến cố Tết Mậu Thân) chúng tôi thấy được rằng chương trình XDNT khó có thể thành công nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ của các cấp chính quyền từ quận, huyện đến xã, ấp. Ðể có được sự tham gia của họ, tôi đã nói cho người cố vấn Mỹ của tôi biết là phải huấn luyện các viên chức hành chính này, đưa họ về học tập tại Rừng Chí Linh (TTHL/VT) như các CB/XDNT.

Sau chuyến công tác ấy, Khối NCPT và Ban Cố Vấn Mỹ phối hợp lập đề án “Huấn luyện cán bộ xã ấp.” Ðúng như chúng tôi suy nghĩ, các cấp có thẩm quyền của Bộ Nội Vụ lúc đầu đã chống đối quyết liệt. Nhưng khi Ðại Sứ Mỹ William Colby, đại diện cho phía Hoa Kỳ, đưa đề án ra với phía Việt Nam, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lúc ấy đồng ý ngay vì ông biết là ông không có lý do để phản đối. Thế là suốt năm 1968, nhóm xây dựng Ðề AÔn Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia đã làm việc cật lực với các chuyên gia trong Ban Cố Vấn Mỹ và Bộ Nội Vụ để hoàn thành chương trình huấn luyện. Ðến giữa năm 1969, lớp huấn luyện cán bộ quốc gia đầu tiên tốt nghiệp, có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, các tổng bộ trưởng, đoàn ngoại giao đến tham dự. Erich và tôi ngồi cuối phòng bắt tay tự chúc mừng nhau về sự kiện quan trọng mang tính lịch sử này. Từ đó về sau, trung tâm cán bộ XDNT được đổi thành trung tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia và cán bộ từ các bộ, tỉnh, đến quận, huyện, xã, ấp đều phải đến dự các lớp huấn luyện tại trung tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia này.

Biến cố Tết Mậu Thân 1968 để lộ một lỗ hỏng lớn trong hệ thống an ninh và quốc phòng tại miền Nam. Các bộ phận trong cả phía Mỹ lẫn Việt Nam đã đổ trách nhiệm cho nhau trong việc đã không phát hiện được quân đội chính quy Bắc Việt xâm nhập vào tận thủ đô Sài Gòn và hầu hết các tỉnh lỵ của miền Nam. Các bản báo cáo từ phía Hoa Kỳ cũng cho thấy quốc sách XDNT không thành công vì thiếu sự phối hợp có hiệu quả từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Ðây là cơ hội Hoa Kỳ xem xét lại toàn bộ quốc sách chống Cộng tại miền Nam.

Trước sự chống đối mỗi ngày một quyết liệt của dân chúng Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại miền Nam, Tổng Thống Richard Nixon hứa sẽ làm mọi cách để chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam và đưa những người lính Mỹ về lại Hoa Kỳ để không phải chiến đấu và chết trên rừng núi Việt Nam. Ðể thực hiện lời hứa đó, Tổng Thống Nixon đã thay đổi chiến lược tại Việt Nam bằng chính sách Việt Nam hóa cuộc chiến Việt Nam (”Vietnamisation of the Vietnam War”), nghĩa là cuộc chiến tại Việt Nam phải do người Việt Nam đóng vai trò chủ động.

Với chính sách mới, quân đội Hoa Kỳ giúp quân đội Việt Nam Cộng Hòa đánh bại quân đội chính quy của Cộng Sản Bắc Việt trên chiến trường miền Nam và chương trình XDNT phải được cải tổ lại để có thể mang lại an ninh cho 100 phần trăm dân và đất tại miền Nam. Theo đó, Hội Ðồng Bình Ðịnh và Phát Triển Trung Ương được thành hình, trong đó chủ tịch hội đồng là tổng thống (trước đây là thủ tướng), thủ tướng chính phủ làm tổng thư ký (trước đây là tổng trưởng tổng Bộ Xây Dựng), các bộ trưởng trong nội các, tư lệnh các vùng chiến thuật... là các thành viên. Ðứng đầu phía Hoa Kỳ trong Chương trình này là Ðại Sứ William Colby (chức vụ là phó đại sứ nhưng ngạch trong ngành ngoại giao là đại sứ) và thành viên là các vị đứng đầu của các bộ phận Viện Trợ Mỹ (USAID), cơ quan Tình Báo Trung Ương (CIA), cố vấn các vùng chiến thuật. Trung tâm BÐPT/TƯ (Bình Ðịnh và Phát Triển) là văn phòng thường trực của Hội Ðồng BÐPT/TƯ. Tại mỗi vùng chiến thuật có Hội Ðồng BÐPT/Vùng, tỉnh có Hội đồng BÐPT/Tỉnh, Hội Ðồng BÐPT/Quận.


Nguyễn Xuân Thu
@nguoiviet