Saturday, September 27, 2014

TS

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!




Tháng Ba năm 1974, hai tháng sau khi Trung Cộng tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đưa một phái đoàn đi thăm một đảo trong quần đảo Trường Sa; chắc để ủy lạo tinh thần các quân nhân đồn trú. Trong số người tham dự chuyến đi có Ðại Úy Ðinh Thành Tiên, lúc đó 36 tuổi.

Ông cũng là thi sĩ nổi danh Tô Thùy Yên từ 20 năm trước, xuất thân từ tạp chí Sáng Tạo.

Khi trở về Tô Thùy Yên viết bài thơ Trường Sa Hành, đăng trên tạp chí Văn, ở Sài Gòn. Trong lúc đó Việt Cộng đang tấn công tỉnh Phước Long, dọn đường cho cuộc tổng tấn công vào năm sau, mặc dù đã ký hiệp định đình chiến ở Paris. Trong không khí chiến tranh bùng trở lại, viện trợ của đồng minh bị cắt đứt, người dân miền Nam ngơ ngác, không ai có thời giờ nghĩ tới Trường Sa, những hòn đảo lẻ loi giữa trùng dương xa tắp. Bài Trường Sa Hành chìm vào đáy sâu kho trí nhớ của những người yêu thơ, yêu tiếng Việt.

Năm 1975, Thiếu Tá Ðinh Thành Tiên bị đưa vào tù sống 13 năm, cho đến khi được tự do ông viết bài Ta Về, một áng văn chương rực rỡ trong ngôn ngữ Việt.

Cho đến mấy năm gần đây, người Việt tìm lục trong ký vãng thấy lại bài thơ Trường Sa Hành, và chuyền tay nhau đọc, tới tấp gửi cho nhau trên các mạng lưới. Vì Trường Sa đã là một đề tài thời sự. Nhiều nhà văn sống ở miền Bắc trước đây không biết đến Tô Thùy Yên, giờ cũng đọc và nhắc tới bài thơ khi nói về nỗi uất hận của dân tộc trước cảnh Trung Cộng đánh chiếm nhiều đảo ở Trường Sa năm 1988, và đang tính nuốt hết cả quần đảo. Trong một bài thơ viết thời còn trẻ đăng trên Sáng Tạo, Tô Thùy Yên tự giới thiệu, “... là thi sĩ, là người viết sử tương lai.” Câu thơ nay đã nghiệm. Trường Sa Hành viết năm 1974, sau 30 năm bài thơ đang xuất hiện trở lại trong lịch sử dân tộc để chúng ta đọc và hướng đến tương lai.

Trường Sa Hành mở đầu bằng câu dẫn làm tựa đề trên đây. Thi sĩ viết:

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Ðọc một câu “Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chếnh choáng!” chúng ta đã thấy, Trường Sa Hành không phải là một tiếng trống thúc quân, không viết để tuyên truyền cho bất cứ một chính quyền một chủ nghĩa hay một cuộc chiến đấu nào. Tất cả chỉ là những xúc động của người thi sĩ khi đặt chân lên một hòn đảo rất xa nhưng vẫn thuộc về đất nước mình, chia sẻ nỗi lòng những người “lính thú” đóng trên đảo. Tô Thùy Yên là một con người tự do sáng tác theo cảm xúc cá nhân dù ông là một sĩ quan trong quân đội. Các thi sĩ trong Quân đội Cộng Hòa không viết theo kế hoạch, theo chính sách hay chỉ thị của cấp trên, không ai chấp nhận thân phận “bồi bút.” Phan Nhật Nam viết “Dấu Binh Lửa,” hay Tô Thùy Yên viết “Chiều trên Phá Tam Giang” đều do những xúc động tự trong lòng thúc đẩy. Trong vùng đất coi tự do là một lý tưởng xứng đáng cho cuộc sống, không có thi sĩ nào viết như câu vè cổ động giết đồng bào, như:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin...bất diệt.”

Trái lại, người cựu thiếu tá Việt Nam Cộng Hòa, sau 13 năm tù đầy biệt xứ, vẫn còn đủ tấm lòng thương cảm với những người lính bên kia đã chết trong cuộc chiến:
“Ta địch bạn thù chung bia mộ,
Chung lời thương tiếc tiễn đưa nhau...”

Chỉ có những con người tự do mới có cơ hội cho lòng từ bi được nảy nở và sẵn sàng bày tỏ. Nhà giáo Nguyễn Anh Khiêm có dịp kể rằng: Một lần tôi hỏi Tô Thùy Yên vì sao “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề,” ông giải thích rằng đứng trên đài chỉ huy chiến hạm thấy sóng vây quanh đảo như vành khăn tang. Một người đi du lịch có khi thích thú thấy cảnh đó vô cùng ngoạn mục nhưng ở đây, thi sĩ nhìn theo tâm cảnh u sầu, chưa nguôi ngoai về cái chết oanh liệt nhưng không thể nói không bi thảm của bao thanh niên ưu tú con yêu dân tộc bỏ mình khi bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng,” trong trận hải chiến Hoàng Sa trước đó.

Ở thời điểm đó, Trung Cộng có thể tiến chiếm Trường Sa bất cứ lúc nào. Có thể những người “lính thú này sẽ nối gót Ngụy Văn Thà mới vừa tử thủ ở Hoàng Sa, hay theo chân những người lính vô danh trong lịch sử dân tộc.

Nhưng khi đã lênh đênh lần đầu trên mặt biển suốt mấy ngày đêm, khi bước chân lên mặt đất, cũng giống các thuyền nhân vượt biển tìm tự do sau này, những ngày sau mỗi lần nằm xuống ngủ còn mang theo cảm giác “Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”; thì một thi sĩ đã vượt lên trên thân phận nhỏ nhoi của kiếp người, để tiếp xúc với cả vũ trụ. Trước vũ trụ không cùng, xúc động đầu tiên là một nỗi Hiu Quạnh Lớn.
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Nỗi Hiu Quạnh Lớn trùm lên cả 16 đoạn thơ, được diễn tả dưới nhiều hình ảnh gió miên man, gió ngất trời, xa đến nhớ không tới, gió xoay chiều, gió khốc liệt, gió ngất trùng điệp, cây bật gốc chờ tan xác, chim đen thảng thốt quần, đất trời kinh động, khỏng cách đặc. Tô Thùy Yên luôn xao xuyến trước vũ trụ bao la im lặng, vô biên, vượt trên khả năng hiểu biết của loài người “Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi.”

Trong bài “Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ” ông lại viết:
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn,
Mà trí ta không đủ lực đo lường.
Tô Thùy Yên có thể, thay hai câu của thi sĩ người Pháp Saint John Perse ở đầu bài thơ mà ghi hai câu thơ Cao Bá Quát: “Lôi oanh điện bác thảm nhân diện - Duy hữu điểm điểm phù khinh âu.” Cao Chu Thần đứng trước biển cả mênh mông cũng cảm thấy một nỗi Hiu Quạnh Lớn như các thi sĩ khac, trong hai câu thơ chỉ thấy sấm, chớp chiếu lên mặt người thê thảm, và trên không mấy con chim hải âu vỗ cánh. Tâm trạng Tô Thùy Yên cũng như vậy.

Trước đất trời bao la, hung hãn, “coi vạn vật như chó rơm,” thi sĩ nhìn lại “dưới hồn ta tịch mịch” thì phải thấy không thể nào diễn tả bằng lời nói những xúc động của mình. Ông có thể nghĩ về cái tang những chiến sĩ đồng đội đã hy sinh ở Hoàng Sa trước đó, hay cảnh sống heo hút của những “Lính thú mươi người lạ sóng nước” cô lập trên một hòn đảo ở Trường Sa. Vì trời mây, biển cả đã nói hết cả nỗi niềm tang chế rồi:
Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Tô Thùy Yên chia sẻ với những đồng ngũ ở Trường Sa bằng những bài hát, những chén rượu mang từ đất liền tới:
Chú em hãy hát, hát thật lớn,
Những điệu vui, bất kể điệu nào,
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Tâm sự những người lính tiền đồn này được thi sĩ diễn tả với khoảng cách giữa quần đảo Trường Sa và đất liền, liên lạc với nhau bằng làn sóng điện không đáng tin cậy:
Ðất liền, ta gọi, nghe ta không?
Ðập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, không biết số phận những người lính giữ đảo đó ra sao. Họ có được coi là những chiến sĩ đang bảo vệ tổ quốc hay không? Khi quân Trung Cộng đánh chiếm mấy đảo Trường Sa năm 1988, bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác bị hy sinh mà không được ai nhắc tới, cho đến năm nay mới có người Việt Nam làm lễ tưởng niệm “chui.” Nhưng đối với thi sĩ, những chiến sĩ Việt Nam, dù thuộc chế độ chính trị nào, cũng đã được tưởng niệm:

Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Ðài tưởng niệm bất diệt nằm trong lòng dân Việt mãi mãi: Bài thơ Trường Sa Hành.

Ngô Nhân Dụng