Tuesday, September 23, 2014

Biểu tình

Biểu tình thời VNCH, biểu tình thời CSVN
 

Trong bài viết Vì Sao Chính Quyền Ngăn Biểu Tình trên trang web của BBC, đài BBC đã phỏng vấn ý kiến của hai nhân vật chủ động tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 9-12-2012 là ông Hồ Ngọc Nhuận và ông Huỳnh Tấn Mẫm . Ông Huỳnh Tấn Mẫm có vài lời so sánh cuộc biểu tình thời nay và các cuộc biểu tình và ông Huỳnh Tấn Mẫn đã từng tham gia dưới thời Việt Nam Cộng Hòa . Sự so sánh này chẳng tránh khỏi cho người đọc liên tưởng thêm đến những điểm giống và khác nhau giữa các cuộc biểu tình dưới hai chế độ.



Người dân miền Nam biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, năm 1974


 Học sinh, sinh viên tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, 1974

Về qui mô cuộc biểu tình thời Việt Nam Cộng Hòa, ông Huỳnh Tấn Mẫm nói rằng “ngoài sự ủng hộ của khoảng 200.000 sinh viên còn được đông đảo các thành phần khác tham gia, nhất là thành phần lao động buôn bán”.

Rồi ông nói các cuộc biểu tình thời đó đã thành một mặt trận rộng lớn . Điều chắc chắn là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt giữ và bỏ tù ông Huỳnh Tấn Mẫm là vì việc ông biểu tình nằm dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam . Ông Huỳnh Tấn Mẫm lúc đó không chỉ có vài chục người như việc 42 nhân sĩ cùng nhau làm đơn thỉnh nguyện xin biểu tình mà nằm trong một guồng máy khổng lồ, kết hợp việc đấu tranh tại thành thị với việc dùng quân đội vũ trang tấn công vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa để lật đổ chế độ này, thiết lập một chế độ khác với đường lối kinh tế, chính trị khác hẳn đường lối của chế độ Việt Nam Cộng Hòa . Cái guồng máy mà ông Huỳnh Tấn Mẫm nằm trong đó, dù ông có ý thức được hay không, nó bao gồm toàn thể sự hoạch định, tính toán và sự hỗ trợ của miền Bắc và toàn thể khối Xã Hội Chủ Nghĩa gồm Liên Xô, các nước Đông Âu khác và Trung Quốc .  Miền Bắc hành động trong kế hoạch rộng lớn hơn của Liên Xô, Trung Quốc nhằm mục đích lấn vùng ảnh hưởng của Mỹ, mở rộng vùng ảnh hưởng của Liên Xô, Trung Quốc.

Về sự ủng hộ của quần chúng thời Việt Nam Cộng Hòa, ông Huỳnh Tấn Mẫn ước lượng có 200 ngàn sinh viên ủng và đông đảo các thành phần khác trong xã hội. Không biết thời Việt Nam Cộng Hòa con số sinh viên có lên đến 200 ngàn hay không, nhưng phần lớn sinh viên thời đó lo học hơn là lo xuống đường đấu tranh . Nói rằng có sự ủng hộ của nhiều thành phần khác, nhất là thành phần lao động, buôn bán thì đúng vì có guồng máy tuyên truyền tổ chức của đảng Cộng Sản Việt Nam đang nằm tại miền Nam lúc đó và họ chú trọng đến việc lôi kéo người lao động. Còn thời nay, liệu con số người ủng hộ việc biểu tình chống Trung Quốc có lên đến 200 ngàn người hay không ? Có lẽ hơn . Con số đó có thể lên đến hàng chục triệu . Nếu chính quyền không ngăn cản biểu tình chống Trung Quốc thì số người tham gia biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn có thể lên đến hàng ngàn, hàng trăm ngàn.

Bộ trưởng Y Tế Lê Minh Trí bị Cộng Sản ám sát, 1969. Cộng Sản kích động sinh viên biểu tình, dùng bộ đội tấn công vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa đồng thời cho đặc công ám sát những người làm việc trong chính quyền miền Nam để làm suy yếu chính quyền

Về sự đàn áp ông Huỳnh Tấn Mẫm nói rằng “Nói chung là tra tấn đánh đập đủ hết, mọi cực hình nói chung là ngoài sức tưởng tượng của anh chị em sinh viên thời đó.”

Quả đúng là có nhiều sinh viên bị bắt, bị tra tấn đánh đập . Đó là vì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thấy các sinh viên này có liên quan đến Cộng Sản, là những người đang có quân đội cầm vũ khí tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngoài mặt trận, có đặc công ám sát các viên chức chính quyền miền Nam ở thành phố và các làng quê. Việc tra tấn, đánh đập là để họ khai ra đầu mối, tổ chức của họ. Ngày nay, chính quyền cũng bắt những người biểu tình, cụ thể là anh Điếu Cày. Một số người tham gia biểu tình bị chính quyền dùng áp lực bắt phải ngưng. Như đạo diễn Song Chi bị phê bình và không còn được giao cho làm đạo diễn phim nữa, xem như là chặn đường kiếm sống và sự nghiệp của đạo diễn này khiến cho bà phải xin tị nạn tại Na Uy. Nếu những người tham gia biểu tình ngày nay là một bộ phận của guồng máy lớn hơn đang dùng vũ khí để lật đổ chính quyền thì họ cùng sẽ bị tra tấn, đánh đập để bắt họ khai ra tổ chức của họ.

 Sinh viên biểu tình thời Việt Nam Cộng Hòa

Về mục đích của việc biểu tình thời xưa thì ông Huỳnh Tấn Mẫm nói rằng “giữa một bên đòi dân sinh dân chủ, đòi Mỹ rút quân, thì đó là cái mục tiêu rất lớn, nên chính quyền Sài Gòn chắc chắn là phải đàn áp.”

Về việc đòi dân sinh, dân chủ thì thời đó có dân chủ hơn là thời nay. Lúc ông Huỳnh Tấn Mẫn xuống đường thời xưa thì lúc đó vẫn có báo chí tư nhân, người dân được tự do hơn trong việc ứng cử vào quốc hội Việt Nam Cộng Hòa. Thí dụ những người chủ trương thành phần thứ ba, nghĩa là không theo đường lối của chính quyền, như Ngô Công Đức, Lý Quí Chung vẫn được ứng của quốc hội và đắc cử. Anh sinh viên kiến trúc Nguyễn Hữu Thái lúc đó có lập trường đứng giữa, không chống cộng, không theo cộng sản cũng được ứng cử quốc hội nhưng không đắc cử.

 Đoàn Thanh Niên Quyết Tử Đà Lạt tuyên thệ, 1966. Lợi dụng lực lượng an ninh miền Nam bị suy yếu sau vụ đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm, Cộng Sản thành lập Đoàn Thanh Niên Quyết Tử. Tại Đà Nẵng, Đoàn Thanh Niên Quyết Tử vũ trang đánh chiếm thành phố, định tách rời miền Trung ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa. (Ảnh của Nguyễn Đắc Xuân)

Còn việc đòi Mỹ rút quân thì những sinh viên như ông Huỳnh Tấn Mẫm thời đó cho rằng Mỹ là nguồn gốc gây ra chiến tranh. Mỹ phải rút đi để người dân miền Nam hợp tác với nhau, sống với nhau. Vì Mỹ đem quân vào miền Nam và hỗ trợ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nên mới sinh ra việc đảng Cộng Sản Việt Nam chống lại Mỹ, và xảy ra chiến tranh. Đó là cách nhìn sai lầm do đảng Cộng Sản Việt Nam cho người tung ra luận điệu đó để thúc đẩy người dân miền Nam đứng lên đuổi Mỹ đi. Thực sự thì dù Mỹ không giúp miền Nam thì Cộng Sản cũng bằng cách này hay cách kia lật đổ chính quyền miền Nam để đặt toàn thể Việt Nam dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản rồi tiếp tục bành trướng thế lực ra toàn vùng Đông Nam Á theo sách lược của phe Liên Xô. Nhà văn Võ Phiến trước đây trong bài Bắt Trẻ Đồng Xanh đã vạch ra rằng đảng Cộng Sản chuẩn bị đánh miền Nam ngay từ khi ký Hiệp Định Genève bằng cách đưa trẻ em miền Nam ra Bắc huấn luyện để tung trở lại miền Nam sau đó.

Cộng Sản một mặt kích động sinh viên biểu tình để gây rối ở đô thị, một mặt dùng quân đội tấn công để lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa

Việc đòi Mỹ rút đi, tất nhiên là làm nguy hại đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa vì Mỹ rút đi và cắt viện trợ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa sẽ làm cho chế độ này không còn phương tiện để tự vệ và sẽ bị đánh bại bởi lực lượng quân sự của đảng Cộng Sản Việt Nam, lúc đó đang nhận viện trợ của toàn thể khối Đông Âu và Trung Quốc. Vì thế chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải ra tay đàn áp những sinh viên như ông Nguyễn Tấn Mẫm. Việc biểu tình đòi Mỹ rút đi là một phần trong kế hoạc của đảng Cộng Sản Việt Nam, muốn dùng vũ lực đánh sụp chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vào thời tranh chấp Quốc Cộng tại Trung Hoa vào thập niên 1930, 1940, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng dùng mưu kế loại bỏ nguồn hỗ trợ cho chế độ Tưởng Giới Thạch bằng cách kích động các sinh viên, người dân thành thị Trung Hoa lúc đó biểu tình đòi Mỹ rút đi, không viện trợ cho chế độ Tưởng Giới Thạch nữa.

Sinh viên Huế biểu tình đốt tòa lãnh sự Mỹ đòi đuổi Mỹ đi, 1966. (Ảnh của Nguyễn Đắc Xuân)

Về việc đòi dân sinh, dân chủ thì chính ra Mỹ là nguồn hỗ trợ cho dân sinh, dân chủ tại miền Nam. Chính Mỹ đã viện trợ về kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa để cải thiện dân sinh. Các viện trợ kinh tế không phải chỉ thuần là giúp lương thực cứu đói mà nhằm mục đích phát triển kinh tế bằng cách phát triển canh nông và công nghiệp. Việc cải thiện dân sinh đó nằm trong cách nhìn là kinh tế cũng là yếu tố đưa đến ổn định. Người dân có được đời sống ấm no thì họ sẽ không còn bất mãn mà gia nhập các tổ chức chính trị chủ trương bạo lưc, cụ thể là không còn nghe theo lời kêu gọi của đảng Cộng Sản Việt Nam dùng bạo lực ám sát, thủ tiêu, cầm súng chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Phật Giáo biểu tình trên đường Lê Duẩn (xưa là đường Thống Nhất), trước dinh Độc Lập, 1967


 Phật Giáo biểu tình, các nhà sư ngồi xếp bằng tròn hai bên đường Lê Duẩn (xưa là đường Thống Nhất) trước Dinh Độc Lập, 1967


Hai ông Nguyễn Cao Kỳ (quần áo trắng, đeo kính đen, đứng trước người lính mặc đồ rằn ri) và Nguyễn Văn Thiệu (mặc quần áo ka ki vàng đứng trước micro) ra trước dinh Độc Lập nói chuyện với các nhà sư biểu tình, 1967

Các nhà sư biểu tình đi tuần hành trước Nhà Hát Lớn Sài Gòn, 1967

Việc đòi dân chủ thì cũng chính Mỹ là nguồn hỗ trợ cho dân chủ tại miền Nam. Lúc đó Mỹ đòi hỏi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ như tự do báo chí, quyền được biểu tình, tự do lập đảng, lập hội, cho phép đa đảng, các cuộc bầu cử phải có sự tham dự rộng rãi các khuynh hướng chính trị tại miền Nam.  Những người cầm quyền như ông Nguyễn Văn Thiệu có thể vi phạm các nguyên tắc này để bảo vệ quyền lợi, địa vị của mình. Nhưng họ chỉ vi phạm đến một mức độ nào đó mà thôi và luôn luôn bị sự chỉ trích của Mỹ. Vì Mỹ đang viện trợ cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa nên sự nhắc nhở, chỉ trích của họ có tác dụng trong việc giữ cho chế độ miền Nam tương đối có tự do và dân vẫn được quyền biểu tình. Những điều đó người Mỹ cũng làm tại Nam Hàn, Tây Ban Nha, tại Chi Lê… Việc đòi phải có tự do nằm trong quan niệm ổn định của chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ quan niệm sự ổn định có được khi mọi người có thể nói lên sự bất mãn của mình và có thể hoặc tranh chấp, hoặc hợp tác để giải quyền nguồn gốc sự bất mãn. Nếu không cho tự do phát biểu để nói lên sự bất mãn thì nó sẽ chất chứa và nổ bùng lên thành các cuộc cách mạng bạo động. Quan niệm này khác với quan niệm ổn định của đảng Cộng Sản Việt Nam. Theo quan niệm ổn định của đảng Cộng Sản Việt Nam thì đảng Cộng Sản Việt Nam phải là lực lượng duy nhất có sức mạnh để đàn áp tất cả mọi sự chống đối. Để duy trì vai trò uy quyền tuyệt đối, đảng Cộng Sản Việt Nam tìm mọi cách không để cho quần chúng có tiếng nói, không để cho quần chúng có khả năng kết hợp lại thành tổ chức mà cạnh tranh với quyền lực của đảng Cộng Sản Việt Nam. Các sự bất mãn sẽ được giải quyết bằng cách dùng tuyên truyền để người dân thay đổi cách suy nghĩ và dùng bạo lực đàn áp. Việc đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc là để không cho người dân có cơ hội tập hợp với nhau để trở thành một sức mạnh cạnh tranh với đảng Cộng Sản.


Sinh viên đòi dân chủ nhưng biểu tình phá hoại dân chủ bằng cách đốt bích chương bầu cử tổng thống năm 1971

Cho nên có sự mâu thuẫn trong mục tiêu của các sinh viên tranh đấu như ông Huỳnh Tấn Mẫm. Vừa đòi dân sinh, dân chủ vừa đòi Mỹ rút đi là hai việc làm trái ngược nhau. Quả thật Mỹ đã rút đi thì sau 1975 về mặt dân sinh, dân chủ tại miền Nam kém hơn trước 75 rất nhiều. Sau 1975, kinh tế bết bát hơn trước mà không còn báo chí tư nhân nữa, người dân không còn tự do lập đảng, lập hội nữa. Đó là vì những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam chỉ muốn dùng thanh niên, sinh viên miền Nam đòi dân sinh, dân chủ để quấy rối xã hội miền Nam mà không thực tâm muốn cho Việt Nam có chế độ dân chủ. Cho nên những người biểu tình tại miền Nam thời đó ở trong tình trạng éo le là tranh đấu đòi dân chủ, lật đổ chế độ miền Nam để rồi sau khi miền Nam bị lật đổ thì lại không có dân chủ mà họ bắt buộc phải im miệng. Họ chỉ là công cụ của đảng Cộng Sản Việt Nam dùng để quấy rối dù cho trong số đố có người lúc xuống đường tranh đấu họ thực tâm muốn tranh đấu cho dân chủ.

Các sinh viên, với Lê Văn Nuôi mặc áo đen, bị đưa ra tòa án, năm 1972, đã cắt tay lấy máu viết lên tường tòa án "Tự Do hay là chết". Sau 1975, dưới chế độ Cộng Sản mất tự do cấm biểu tình, cấm dân ra báo, các sinh viên này lặng thinh, không phản đối, không tranh đấu gì cả.

Như vậy trong số những người tổ chức các cuộc biểu tình xuống đường cũng như những người tham gia biểu tình có những người thực tâm tin vào các giá trị dân chủ và mong muốn xã hội miền Nam có dân chủ hơn và những người không quan tâm gì đến dân chủ mà chỉ dùng các khẩu hiệu, các đòi hỏi dân chủ để có lý do biểu tình gây rối loạn. Điều oái ăm cho những người thực tâm tin tưởng vào các giá trị dân chủ là sau khi miền Nam bị sụp đổ, đảng Cộng Sản Việt Nam thiết lập chế độ chuyên chính vô sản tại miền Nam thì những người đã từng tin tưởng vào dân chủ và tiếp tục tin tưởng như thế thì bị xem là những kẻ nhiễm phải tư tưởng dân chủ tư sản, khó cải tạo được và không đáng được tin tưởng. Thực vậy, nhiều người trong số đó không leo cao lên được trên bậc thang quyền lực của đảng Cộng Sản. Còn những kẻ không màng đến lý tưởng mà chỉ xem các khẩu hiệu dân chủ là phương tiện kích động những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết biểu tình và say mê với thứ quyền lực có thể kích động, sai khiến người khác thì lại là những kẻ có thể leo lên cao trong nấc thang quyền lực vì họ cùng một loại với những người ở trên cao.

 Các nhà sư biểu tình đi tuần hành ngoài đường phố Sài Gòn, 1967

Phong trào chống Trung Quốc ngày nay có thể giống phong trào chống Mỹ thời xưa ở điểm là cùng chống lại thế lực ngoại bang mà chính quyền đang dựa vào. Nhưng điều khác nhau là Mỹ không có tham vọng chiếm đất đai của Việt Nam mà chỉ muốn ngăn cản không cho miền Nam đi theo đường lối của phe Xã Hội Chủ Nghĩa . Còn Trung Quốc thì thật  sự đã biến một phần đất của Việt Nam thành đất của Trung Quốc trong việc biến Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong quận Tam Sa của Trung Quốc.

Việc ngăn cản Việt Nam Cộng Hòa đi theo đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa là đúng hay sai? Ngày nay, đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải xóa bỏ nhiều biện pháp kinh tế theo lối xã hội chủ nghĩa đã thực hiện sau 1975 và đường lối kinh tế ngày nay có nhiều điểm gần giống với kinh tế miền Nam trước 1975. Còn chuyện chống Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc thì luôn luôn đúng.
 
December 10, 2012 
Minh Đức