Thursday, December 11, 2014

30/4

Cái chào của vị niên trưởng


Ðầu tháng 3, 1975, tôi là y sĩ đại đội quân y của Lữ Ðoàn 258/TQLC, ngày 18 tháng 3, 1975, LÐ di chuyển từ Quảng Trị về đèo Phước Tường, nằm trên QL1, phía Bắc đèo Hải Vân và phía Nam Huế. Theo Trung Tá LÐP Huỳnh Văn Lượm thì LÐ có nhiệm vụ:

- Bảo vệ trục giao thông trên QL1, phía Bắc đèo Hải Vân để LÐ 147/TQLC, SÐ1/BB, Liên Ðoàn 14 BÐQ, Thiết Ðoàn I Thiết Giáp, Pháo Binh và các đơn vị bạn tại mặt trận QT, Huế rút về Ðà Nẵng.
- Làm thành phần ngăn cản các đơn vị truy kích của Cộng Sản sau khi các đơn vị kể trên rút an toàn về Ðà Nẵng.

Từ ngày 18 đến 25 tháng 3, 1975, LÐ 258/TQLC đã giao tranh nhiều lần với các đơn vị lớn của Cộng quân có đại bác và xe tăng yểm trợ nhưng nhờ sự quyết tâm của quân nhân các cấp nên LÐ 258/TQLC vẫn giữ vững vị trí để chờ quân bạn rút qua.

Sáng ngày 25 tháng 3, 1975, lữ đoàn ra lệnh cho chúng tôi rút khỏi đèo Phước Tường! Lệnh này làm chúng tôi kinh ngạc bởi vì đoạn QL1 chạy qua đèo Phước Tường là con đường bộ duy nhất để các đơn vị đang chiến đấu tại Quảng Trị và Huế rút về Ðà Nẵng, bỏ đi có nghĩa là “khai tử” các đơn vị này. Hay là thượng cấp đã có kế hoạch khác, đổi hướng ra biển Ðông chăng?

Tuy kinh ngạc nhưng là thuộc cấp và đơn vị chuyên môn nên chúng tôi không có quyền, không có thời gian để thắc mắc, việc trước mắt là thương binh.

Tôi được lệnh mang các thương binh về tổng y viện Duy Tân (ÐN) bằng đường bộ vì trực thăng không thể đáp được. Thương binh được chở trên 3 xe GMC có một Trung Ðội TQLC bảo vệ, rời đèo Phước Tường lúc 6 giờ sáng ngày 25 tháng 3, 1975, đường đi khó khăn nên mãi tới 8 chiều chúng tôi mới tới được Ðà Nẵng.

Vì ở ngoài mặt trận lâu ngày không được biết tin tức của hậu phương nên tôi vô cùng sững sờ khi thấy Ðà Nẵng trước kia phồn hoa bao nhiêu thì nay tang thương bấy nhiêu! Một thành phố đang chết, vắng bóng người dân, trên vỉa hè, dưới lòng đường, lang thang từng toán 5, 6 quân nhân đủ mọi sắc phục vừa đi vừa hướng mũi súng lên Trời bắn từng loạt đạn vu vơ, vắng bóng dáng Cảnh Sát và Quân Cảnh, không biết giờ này họ đang ở đâu?

Nhà cháy, xe nhà binh cháy, xe dân sự cháy do chủ nhân tự phá hủy hay bị phá hoại! Trong bóng đêm hiện rõ lên là những cột lửa, thỉnh thoảng những tiếng nổ bùng phát ra từ đám cháy đó, có thể là do bình xăng, là chất nổ làm những cột lửa phụt bốc cao khiến thành phố đúng là đang giãy chết.

Chúng tôi đến tổng y viện Duy Tân vào lúc 9 giờ tối, cổng chính của tổng y viện tối đen, không một bóng đèn mà cũng chẳng có người gác, tuy nhiên phòng nhận bệnh ở phía sau cổng chính vẫn còn ánh đèn vàng hắt ra, nhìn kỹ tôi thấy có mấy người lính y tá đang cặm cụi săn sóc cho thương binh.

Trong lúc đang điều khiển các y tá và anh em binh sĩ TQLC mang thương binh vào phòng nhận bệnh, tôi thoáng trông thấy một quân nhân dáng người mảnh khảnh trong quân phục Nhảy Dù đứng khuất trong ánh đèn vàng vọt chiếu ra từ phòng nhận bệnh, khi tôi đi tới gần thì anh đứng nghiêm đưa tay chào tôi đúng quân cách. Thoạt đầu tôi nghĩ anh là một trợ y, vả lại đang lúc quá vội vàng gấp rút đưa thương binh vào cấp cứu nên tôi chỉ kịp chào lại và không để ý anh là ai.

Sau khi nhập thương binh xong và từ phòng nhân bệnh quay ra tôi vẫn thấy anh ta còn đứng đó và đưa tay chào tôi một lần nữa, quá ngạc nhiên tôi tiến lại gần và nhận ra anh là Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương, một huynh trưởng nổi tiếng trong giới y sĩ của chúng tôi, anh càng được nhiều người biết đến kể từ khi mang lựu đạn và ngồi tuyệt thực trước Quốc Hội tại Sài Gòn để phản đối tệ nạn tham nhũng.

Tôi đứng nghiêm chào lại vị huynh trưởng, anh đưa tay bắt kèm theo nụ cười đầy lo âu. Anh hiện là y sĩ trưởng khu giải phẫu TYV Duy Tân nhưng một số các đồng nghiệp tại TYV đã bỏ đi cho nên anh phải đảm nhận thêm công tác nhận bệnh. Khi biết vậy, tôi đề nghị với anh để tôi đem thương binh TQLC về bệnh viện dã chiến của sư đoàn tại phi trường trong căn cứ Non Nước, anh buồn rầu cho biết ở đó đã hết chỗ và anh bảo đảm với tôi là anh sẽ săn sóc thương binh TQLC tận tình. Tôi hỏi anh:
“Tại sao anh còn ở lại Ðà Nẵng?”

Y sĩ thiếu tá trưởng khu giải phẫu tổng y Viện Duy Tân ngần ngừ như không muốn trả lời, thấy tôi vẫn ngó anh chờ đợi, anh khẽ thở dài:
“Nếu tôi cũng bỏ đi thì không còn ai để săn sóc thương binh, và chưa bao giờ thương binh lại cần đến các anh em y sĩ chúng ta như lúc này.”

Tôi cho anh biết sơ qua tình hình chiến sự phía Bắc đèo Hải Vân thì anh cũng buồn rầu cho tôi biết tình hình chiến sự phía Nam ÐN, phòng tuyến bắt đầu tan rã và thành phố Ðà Nẵng sẽ mất trong một vài ngày tới và chợt thoáng vui, anh tiếp:
“Thấy TQLC các cậu về Ðà Nẵng, tôi hy vọng và tin tưởng rằng các anh (TQLC) sẽ bảo vệ được thành phố này.”

Nghe anh nói, bỗng nhiên tôi cảm thấy thật buồn và cô đơn! Ðà Nẵng, một nơi mà tôi thường mơ ước được trở lại thăm sau những tháng ngày dài hành quân vùng rừng núi tỉnh Quảng Trị, dù chỉ vài giờ để thưởng thức ly café nóng và ngắm cảnh phồn hoa đô hội. Nay tôi đã về và đang đứng đây, không thưởng thức café nóng mà chỉ là những giọt nước mắt đắng cay chảy xuống môi, vị mặn của máu và nước mắt làm tê đầu lưỡi thay cho hương vị ngọt ngào. Cảnh phồn hoa đô hội chỉ còn là những khói lửa và kinh hoàng! Thành phố thân yêu này đang chết, mọi thứ đều chết nếu một mai bị đổi chủ!

Công tác tải thương tạm ổn định, tôi chào anh Lương để trở về đơn vị. Khi đến tôi thấy anh đứng cô đơn giữa những thương binh, bây giờ ra đi, bỏ anh lại một mình để tôi về cùng đơn vị thì lại càng thấy anh cô đơn hơn! Nhưng không làm sao khác hơn được, thương binh của tôi đã được anh nhận săn sóc thì tôi phải về cùng đồng đội đang ở phía trước. Nơi đó anh em đang còn chiến đấu và sẽ có thêm tử sĩ và thương binh khác cần săn sóc. Chỉ ở đó tôi mới cảm thấy bình yên và ấm cúng bên cạnh các chiến hữu TQLC, chúng tôi có cùng một quyết tâm bảo vệ Ðà Nẵng đến cùng. Nhưng rồi một con én không làm nổi mùa Xuân và cuối cùng ÐàNẵng bị đổi chủ và mất tất cả.

Sau khi đi tù về, tôi được biết Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn Lương đã tuẫn tiết trong trại tù “cải tạo”! Tôi rất phục hành động cao cả của anh, bởi vì với địa vị và quyền hạn đang có trong tay, anh có thể rời Ðà Nẵng bằng nhiều phương tiện để vào Sài Gòn và biết đâu anh đã qua Mỹ trước 30 tháng 4, 1975 như bao nhiêu cấp chỉ huy khác.

Nhưng không, anh Phạm Văn Lương đã lựa chọn cho mình một con đường nghiệt ngã nhưng lại quá hào hùng, anh ở lại với thương binh, anh ở lại với tổng y viện đến giờ phút cuối cùng dù biết rằng “định mệnh” tàn bạo sẽ đến với anh và rồi nó tàn bạo hơn anh tưởng.

Khi quân Cộng Sản vào thành phố Ðà Nẵng, (vào chứ không phải đánh chiếm, vì SÐ/TQLC được lệnh QÐ I rút bỏ Ðà Nẵng vào khuya 28 rạng sáng 29 tháng 3 năm 1975) thì họ đã bắt và xử tử một số thương binh chống đối và đuổi tất cả thương bệnh binh, dù cho bất cứ vết thương như thế nào, ra khỏi tổng y viện Duy Tân, riêng các bác sĩ quân y thì bị bắt vào trại cải tạo! Chính trong hoàn cảnh này anh Lương đã đứng lên phản đối hành động dã man của họ và người anh hùng cô đơn Phạm Văn Lương đã tuẫn tiết!
Những cuộc gặp gỡ trong thời chiến và loạn ly thường bất ngờ và ngắn ngủi nhưng thật đậm đà. Lúc 9 giờ đêm 25 tháng 3, 1975, trước cửa phòng nhận bệnh của tổng y viện Duy Tân, tôi bất ngờ gặp anh lần đầu và không ngờ đó cũng là lần sau cùng tôi gặp huynh trưởng Pham Văn Lương.

Ðã hơn 30 năm qua, tôi không quên hình ảnh một y sĩ thiếu tá trong quân phục Nhẩy Dù đứng cô đơn buồn bã dưới ánh đèn vàng của bệnh viện nhưng lại thật hào hùng.

Hào hùng vì anh là ánh sáng, là niềm tin và là sự sống hiếm hoi còn lại cho tất cả những thương binh đang thoi thóp, nhìn thấy anh họ như tìm thêm được hơi thở.

Cái chào của vị huynh trưởng Phạm Văn Lương đã làm tăng niềm tin và can đảm cho tôi giữa lúc tôi cũng cô đơn cùng anh em thương binh trong thành phố Ðà Nẵng thân yêu đang hấp hối! Cái chào của vị huynh trưởng làm tôi hãnh diện hơn tất cả những huy chương mà tôi đã nhận, mặc dù tôi biết anh đã chỉ chào bộ quân phục TQLC mà tôi đang mặc trên người cũng như tôi đã nghiêm chỉnh chào bộ quân phục Nhẩy Dù và hành động hào hùng của anh.

MX Phạm Vũ Bằng