Friday, December 19, 2014

Dầu lửa

Dầu lửa mất giá:
Nguyên nhân và hậu quả

Giá dầu xuống thấp nhanh chóng đang là vấn đề thời sự được mọi người quan tâm hơn hết. Mới nửa năm trước, không ai có thể dự đoán chỉ trong vòng 6 tháng, dầu thô mất giá 45%, một thùng dầu thô từ $107 còn $56, và giá xăng trên toàn quốc Hoa Kỳ xuống dưới $3/gallon.

Biến động của giá dầu lửa là do những tác động trong cơ chế phức tạp của thị trường. Nhưng cũng như tất cả mọi loại hàng hóa khác, giá cả chịu tác động trước hết bởi luật cung cầu.

Cần bơm kiểu “cò mổ” đang vận hành tại một giếng dầu quy ước ở Sakhir, Bahrain. (Hình: AP/Hasan Jamali)
 
Sản lượng dầu trên thế giới tăng mạnh

Nhiều năm liên tiếp dầu lửa lên giá do nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, Ấn Ðộ cũng như Nhật và Âu Châu tiếp tục cao đã khiến các công ty dầu lửa nỗ lực khai thác tất cả những nguồn tài nguyên dầu khí có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

Hoa Kỳ thành công nhất trong nỗ lực đó với sự khai thác dầu trong đá phiến (shale oil). Nguồn dầu khí có trữ lượng rất lớn này đã được biết đến từ lâu, nhưng không tập trung thành mỏ có dung lượng đáng kể mà phân tán trong những khe chật hẹp nằm giữa các tầng đá phiến. Vì vậy shale oil cũng được gọi là tight oil, phân biệt với dầu khai thác từ túi dầu ở các mỏ quy ước.

Những năm cuối thập niên 2000, nhờ các tiến bộ kỹ thuật mới như phương pháp fracking và khoan ngang, người ta có thể bẻ gẫy các vách đá phiến, đưa dầu vào một nơi để hút lên bằng máy bơm bình thường kiểu “cò mổ.”

Từ 2008, sản lượng dầu Mỹ tăng lên 70% đạt tới 3.5 triệu thùng mỗi ngày, chỉ kém Saudi Arabia và hơn sản lượng của mọi nước thành viên OPEC. Cùng lúc với những biến động ở Trung Ðông và Bắc Phi, dầu cung cấp từ Iran, Lybia cùng các nơi khác giảm, dầu lửa Mỹ đã đủ khả năng bù vào thiếu hụt. Ðến khi cung cấp từ OPEC và các nước khác ổn định trở lại thì lượng cung cấp dần dần vượt cao hơn nhu cầu tiêu thụ.

Nhu cầu tiêu thụ không tăng bằng khả năng cung cấp


Nhu cầu tiêu thụ dầu gia tăng khi kinh tế phát triển. Mức tiêu thụ toàn cầu hy vọng sẽ tăng vào năm 2015, tuy nhiên nếu có thì cũng ít hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Âu - những nước tiêu thụ dầu nhiều nhất - đều tỏ ra yếu kém không thể có mức tăng trưởng cao.

Mặt khác, Hoa Kỳ là nước tiêu thụ dầu nhiều nhất nhưng cũng sẽ không có thêm nhu cầu. Trong những năm gần đây Hoa Kỳ, dưới chính quyền Obama, đã cố gắng phát triển những nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo và đồng thời sử dụng xe hơi tiết kiệm xăng. Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ dự đoán năm tới tiêu thụ xăng sẽ giảm đi chút ít và giá xăng sẽ còn xuống nữa dù cho kinh tế hy vọng là phát triển tốt.

Tuần trước OPEC đã ước lượng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới năm 2015 là 28.9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Trong khi đó OPEC dự tính vẫn duy trì sản lượng 30 triệu thùng có nghĩa là cung vẫn cao hơn cầu và giá dầu sẽ còn tiếp tục xuống nếu không có chuyển biến nào khác ở thị trường.

Bao giờ giá dầu tăng trở lại?

Ðây là niềm hy vọng của các nước sản xuất và xuất cảng dầu như OPEC và Nga, quốc gia đứng đầu về bán dầu.

Khi cung thấp hơn cầu thì giá dầu sẽ lên ở thị trường. Trước kia OPEC đã nhiều lần thành công trong cách dùng áp lực cắt giảm sản lượng để làm giá. Bây giờ phương cách này ít tác dụng và khó khăn hơn vì nhiều nguồn cung cấp khác có thể bù đắp phần thiếu hụt. Muốn có hiệu quả phải cắt giảm sản lượng với một con số lớn đáng kể, nhưng như thế các thành viên OPEC cũng bị thiệt hại vì số dầu bán được ít đi, thu nhập giảm và mất thị phần.

Sau hội nghị định kỳ của OPEC tháng 11 vừa qua, tổ hợp này loan báo giữ nguyên sản lượng 30 triệu thùng mỗi ngày. Quyết định ấy do Saudi Arabia thúc đẩy mặc dầu nhiều thành viên nhỏ không muốn. Là nước sản xuất dầu thô đứng thứ nhì thế giới, sau Nga, Saudi Arabia lo ngại sẽ mất thị phần trong tương lai nếu giảm số bán. Ðây cũng là chiến lược của Saudi Arabia hy vọng giá dầu thấp sẽ đánh bại kỹ nghệ dầu đá phiến ở Hoa Kỳ mà với mức độ phát triển hiện nay dự đoán sản lượng sẽ còn tăng thêm 20% trong năm tới.

Khai thác dầu đá phiến tốn kém hơn nên nếu giá dầu thấp sẽ không có lợi ích kinh tế. Kỹ nghệ dầu đá phiến phát triển từ cuối thập niên 2000 được trợ lực bằng giá dầu thô trên thế giới lên cao. Chiến lược giá cả của Saudi Arabia có thành công hay không chưa thể biết. Theo tính toán trước kia nếu giá dầu thô xuống dưới $85 một thùng, khai thác dầu đá phiến sẽ không còn có lời. Nhưng gần đây người ta cho rằng nhờ những cải tiến kỹ thuật mới, chi phí khai thác giảm đi nhiều, và các chuyên gia dự đoán với giá dầu thô trên dưới $60 một thùng, các công ty khai thác dầu đá phiến ở Hoa Kỳ vẫn còn có thể hoạt động có lãi. Tất cả những tính toán này đều chỉ là trên lý thuyết, thực tế thị trường và bí mật kinh doanh có những ẩn số không tiết lộ để giới quan sát khó có thể dự đoán chính xác.

Thành phần hưởng lợi

Người lái xe, các công ty vận chuyển đường bộ và đường thủy, các hãng hàng không thương mại là những giới hài lòng với giá nhiên liệu xuống. Giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ hạ thấp liên tiếp trong 81 ngày còn $2.55 một gallon giữa tháng 12, theo AAA là giá rẻ nhất kể từ tháng 10 năm 2009.

Ðồng thời nhiên liệu sưởi ấm mùa Ðông cũng hạ. Mỗi hộ gia đình trung bình bớt được $100 mỗi tháng và như thế mua sắm trong mùa lễ gia tăng. Mua sắm của giới tiêu thụ chiếm 70% trị giá sinh hoạt, là thước đo tình hình kinh tế và như thế là dấu hiệu tốt cho nước Mỹ.

Các công ty hàng không tiết kiệm được hàng trăm triệu dollars nhiên liệu. Giá vé máy bay không giảm vì nhưng khoản tiền này được sử dụng vào các mục tiêu cần thiết như mua sắm trang thiết bị và máy bay mới, mà kể từ sau 9/11 ngành hàng không luôn luôn đến gần tình trạng thua lỗ không có thặng dư ngân khoản để tái đầu tư.

Các trạm xăng tăng lợi nhuận vì áp lực cạnh tranh giảm bớt. Với giá nhiên liệu thấp, người lái xe tỏ ra dễ dãi hơn không cần đi tìm những trạm bán rẻ nhất. Các hãng lọc dầu cũng có lợi vì có thể dùng dầu mua với giá thị trường trong khi dầu đã mua giá cao hơn để dự trữ sử dụng khi giá dầu lên cao trở lại.

Thành phần bị thiệt

Các công ty dầu khí, trước hết là các công ty nhỏ khai thác dầu đá phiến, phải đối diện với tình hình giá dầu tiếp tục xuống, bằng hành động thận trọng sẽ hạn chế sản lượng và không tiến hành những dự án phát triển mới.

Kỹ nghệ khai thác dầu khí lo ngại về giá cả dầu thô, sẽ buộc phải dè dặt trong công tác thăm dò và mở mang các khu mỏ dầu mới. Tuần trước đại công ty dầu khí BP đã loan báo sẽ tìm cách cắt giảm chi tiêu $1 tỷ trong năm 2015.

Hậu quả của tất cả những động thái này trong ngành kỹ nghệ dầu sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhân dụng khi số công việc không tăng thêm và hàng ngàn công nhân có nguy cơ bị sa thải.

Hai khu mỏ dầu đá phiến quan trong nhất ở Mỹ đang được khai thác là Eagle Ford ở Texas và Bakken ở North Dakota đã sử dụng nhiều công nhân và làm cho hai vùng này phát triển vượt bậc. Một khu mỏ khác đang có triển vọng phát triển mạnh là Central Valley ở California. Tình hình thị trường dầu khí hiện nay chưa làm các công tác ở đây phải ngưng như tính toán của Saudi Arabia nhưng chắc chắn sẽ làm chậm bớt sự phát triển.

Tiểu bang Wisconsin cũng sẽ bị ảnh hưởng vì các mỏ cát tại đây cung cấp nguyên liệu dùng làm chất xúc tác trong kỹ thuật fracking khai thác dầu đá phiến. Năm ngoái một mét khối cát đã có giá tới $75 và nếu việc khai thác dầu giảm bớt, thu nhập của Wisconsin sẽ giảm theo và nhiều công nhân không còn việc làm.

Nói chung với giá dầu hạ thấp, các tiểu bang có ngân sách dựa vào thuế sản xuất dầu như Alaska, Texas, Oklahoma, North Dakota sẽ giảm thu nhập và phải chuẩn bị cắt giảm chi tiêu, hậu quả liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Trên thế giới những quốc gia xuất cảng dầu như Nga, Iran, Iraq, Venezuela sẽ gặp khó khăn trầm trọng. Chẳng hạn theo ước lượng của Bank of America, với mỗi thùng dầu thô mất giá $1, Venezuela thiệt hại thu nhập $770 triệu một năm. Như thế với giá dầu hiện nay rẻ hơn trung bình năm ngoái $47 một thùng, và nếu tình hình này tiếp tục, thu nhập của Venezuela sẽ mất $36 tỷ.

Hiện nay nền kinh tế toàn cầu là một mạng lưới những quan hệ ràng buộc, không thể có những quốc gia nào hoàn toàn hưởng lợi trong khi những quốc gia khác lâm vào tình trạng khó khăn. Tình hình năng lượng mất giá là một dấu hiệu kinh tế hiện nay không tốt đẹp như nhận định của các chuyên gia phân tích. Nền kinh tế toàn cầu yếu kém tác động đến kinh tế Mỹ bằng sự giảm xuất cảng, ít việc làm và bớt chi dụng. Như thế cái lợi của giá dầu thấp chưa hẳn đã là tốt, vì những tác động phức tạp ở nhiều lãnh vực khác.

Hà Tường Cát