Monday, December 22, 2014

Samuel G. Freedman

Thư gửi một nhà báo trẻ (2)

Nhà báo với tư cách con người

Để trở thành một nhà báo có đạo đức, bạn phải giữ được lòng nhân đạo. Bạn có thể nghĩ tôi đang nói điều hiển nhiên. Tuy nhiên, lý tưởng khách quan kêu gọi nhà báo viết một cách vô tư dù họ viết về ai, thái độ khách quan được xem là sự đảm bảo cho công bằng. Về phần mình, tôi luôn nghĩ rằng “khách quan” là một từ không chính xác bởi vì con người không thể không chủ quan. Những gì chúng ta cố gắng làm với tư cách nhà báo nên được gọi là “công bằng”, và chủ đề này đáng để chúng ta thảo luận riêng sau. Dù bạn gọi nó là khách quan hay công bằng hay bất cứ tên gì khác thì nghề báo cũng không thể và không nên lấn át bản chất con người của chúng ta. Báo chí là để truyền tải cảm xúc chứ không phải để tiêu diệt cảm xúc. Trong một số trường hợp đặc biệt và hiếm khi xảy ra, nghề báo đã phá bỏ rào cản – mà giới kịch nghệ gọi là “bức tường thứ tư”[4] – ngăn cách chúng ta với những người và sự kiện mà chúng ta tường thuật. Nếu bạn không thể là một con người thì cuối cùng bạn cũng chẳng thành nhà báo.

Câu chuyện về hai bức ảnh đoạt giải và hai tác giả dưới đây thể hiện đúng quan điểm của tôi. Nếu bạn đã học về Chiến tranh Việt Nam, có thể bạn đã thấy bức ảnh một cô bé người Việt – nạn nhân của đợt ném bom napalm của quân đội Mỹ – trần truồng vừa chạy vừa kêu khóc kinh hoàng trên đường. Hình ảnh đau thương về cô bé đã góp phần không nhỏ làm gia tăng dư luận phản đối chiến tranh ở Mỹ và nó cũng đem lại giải thưởng Pulitzer cho phóng viên ảnh Nick Út của hãng thông tấn Associated Press (AP). Rất ít người biết rằng sau khi chụp ảnh cô bé, cô Phan Thị Kim Phúc,  Nick Út đã đưa cô lên chiếc xe buýt nhỏ, yêu cầu xe chở cô đến bệnh viện và xin bác sĩ cứu chữa cho cô ngay lập tức. Chỉ sau khi Kim Phúc lên bàn phẫu thuật Út mới về văn phòng AP để nộp cuộn phim ông chụp. Hai mươi tám năm sau, trong một buổi lễ có mặt Nữ hoàng Anh, Kim Phúc nói về Út, “Ông ấy đã cứu mạng tôi”. Tôi có thể nói thêm rằng ông cũng đã cứu chính tâm hồn mình.

Một bức ảnh khác đoạt giải thưởng chụp cảnh nạn đói ở Sudan năm 1993. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc một em bé tuổi mới chập chững đang gục xuống trong khi đang cố lết tới trạm phân phát lương thực, một con kền kền đang chờ sẵn phía sau. Giống như Nick Út, Kevin Carter, người phóng viên tự do đã chụp bức ảnh, làm dấy lên làn sóng công luận mạnh mẽ. Điều đó khiến Tổng thống Bill Clinton đưa quân đội Mỹ đến thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại Sudan. Cũng giống Nick Út, Kevin Carter được vinh danh bằng giải Pulitzer. Tuy nhiên, không như Út, anh đã không can thiệp để cứu đứa bé trong bức ảnh. Một người bạn thân của Carter, David Beresford ở báo The Guardian (Anh), nhớ lại khi hỏi nhà báo này: “Anh đã làm gì với đứa bé?” Carter trả lời: “Chẳng làm gì cả, ở đó có hàng ngàn đứa như vậy”. (Những lần khác khi được hỏi, Carter trả lời rằng anh đã đuổi con kền kền đi và khóc hàng giờ liền sau khi chụp bức ảnh). Carter tự sát chưa đầy bốn tháng sau ngày đoạt giải. Bạn không bao giờ biết chính xác người ta nghĩ gì khi tự sát, nhưng sau này, nhiều đồng nghiệp của Carter sẽ vẫn nhớ về cái ngày anh để cho gã phóng viên bên trong lấn át nhân tính mình.

Tôi hiểu, với bạn, người mới vào nghề và cố gắng để có tính cách phù hợp với công việc, sẽ khó khăn thế nào khi phải phân tích những đòi hỏi đối lập như thế với lương tâm mình. Tôi hiểu nhờ dạy lớp nhập môn báo chí ở Trường Báo chí Columbia hồi tháng Chín năm 2001. Vào buổi sáng Al-Qaeda tấn công toà Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, sinh viên của tôi mới chỉ bắt đầu chương trình đào tạo báo chí được chưa đầy một tháng. Tuy còn đang chật vật học những kỹ thuật sơ đẳng nhất của nghề báo nhưng họ đã ngay lập tức lao vào câu chuyện gây chấn động nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế chiến. Không giống như một số đồng nghiệp trong khoa báo chí, tôi đã không cử sinh viên đến Ground Zero vì lo cho sự an toàn của họ nhưng tôi đã phân công họ đưa tin về hậu quả của vụ khủng bố ở các khu vực lân cận trong thành phố. Khi hồi tưởng lại, tôi có thể nói chính trải nghiệm đó đã giúp họ vượt lên chính mình. Sinh viên của tôi đã viết về những người gác cổng, vốn là người Dominica nhập cư, chết khi Tháp Đôi sụp đổ; về những người Sikh phải chịu tiếng là gây tội vì bị nhầm với người Ả Rập; về những người làm dịch vụ tang lễ chuẩn bị chôn cất những phần thi thể vương vãi; về đội kèn túi của Cục Cứu hỏa phải chơi trong hàng trăm đám tang và lễ truy điệu, và hai người trong số họ cũng thiệt mạng.

Trong quá trình tường thuật những sự kiện này, các sinh viên của tôi cũng vấp phải những câu hỏi đau đớn nhưng cần thiết. Nếu người em phỏng vấn khóc thì sao? Em có thể chạm vào họ không? Em có thể ôm họ không? Nếu như em khóc thì sao? Nếu em làm như vậy em có phải là một nhà báo tồi không? Người trợ giảng của tôi, cô Mirta Ojito của báo The New York Times đã dần dần trả lời những câu hỏi như vậy. Mirta viết “Chân dung thảm họa” cho báo Times trong suốt nhiều tuần liền sau vụ khủng bố; chùm bài tập hợp thông tin về tất cả các nạn nhân đã được xác định danh tính trong vụ tấn công của Al-Qaeda. Nói cách khác, cô dành toàn bộ thời gian làm việc để phỏng vấn những người sống sót. Cô kể với cả lớp cô đã khóc ra sao khi nói chuyện qua điện thoại với cha của hai cô gái chết ở Tháp Đôi. Cô nhớ lại khi bước vào nhà vệ sinh nữ ở tòa báo Times và thấy một đồng nghiệp đang thổn thức vì căng thẳng. Mirta hiểu rằng nước mắt không làm tổn hại tư cách nhà báo của cô. Không cảm nhận và truyền tải nỗi đau của những người vợ mất chồng, những người chồng mất vợ, những đứa trẻ mất cha mẹ và cha mẹ mất con − sự vô nhân đạo đó mới là thất bại của nhà báo.

Một trong số những sinh viên của Mirta và tôi mùa Thu năm đó là Kerry Sheridan. Những bài báo của Kerry về đội kèn túi của Cục Cứu hoả giúp cô viết nên một cuốn sách đặc biệt về họ, cuốn Bagpipe Brothers. Hơn hầu hết các nhà báo ở mọi độ tuổi, Kerry đã lao vào ranh giới mơ hồ giữa nhà báo và con người và cố gắng xác định rõ cả quy tắc đạo đức và những quy tắc nghề nghiệp. Cô muốn viết một cuốn sách lớn nhưng cũng muốn được yên giấc mỗi đêm. Gần đây, tôi hỏi cô muốn nói gì với bạn. “Trong thảm kịch, ranh giới bị xóa mờ và lời khuyên tốt nhất tôi có thể cho một nhà báo trẻ về việc giữ nhân tính là hãy nương theo chiều gió”, Kerry nói. “Chú ý quan sát, bằng lòng với hoàn cảnh, hãy giúp đỡ nếu bạn có thể nhưng đừng coi việc đó là ưu tiên. Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu gia đình mình ở trong hoàn cảnh đó. Và hãy mang khăn tay.”

Đọc toàn bài : 

Samuel G. Freedman
Lưu Quang dịch và giới thiệu