Thursday, August 6, 2015

Bài thơ đòi kiếm của Nguiễn Ngu Í


Một  nhà văn rất có công với các đồng nghiệp và nghề văn nghề báo ở miền Nam song lại thường bị bỏ quên là Nguiễn Ngu Í (1921-1977). Giờ đây tuy rất muộn màng, nhưng trang Văn Học Nghệ Thuật Thứ Năm xin tưởng niệm ông với tấm lòng thương nhớ xa xôi. Mới có mặt vài năm trong văn đàn miền Nam, tôi đã được ông tới phỏng vấn (1) và ông đã làm như thế với các bạn khác như với Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), lúc chúng tôi mới 20, 21.
Nguiễn Ngu Í chụp năm 1956, in trong thi tập “Có Những Bài Ca” của ông,
xuất bản năm 1992. (Hình do Viên Linh làm lại qua photoshop, 2012)


 Ông là người đã lục lạo khắp Sài Gòn Chợ Lớn, đi tìm từng số nhà có hai ba cái “suyệc” (sur - ví dụ như Nguyễn Văn A, số nhà 51/51B/1.. đường, hẻm) để phỏng vấn họ, đưa họ và độc giả tới gần nhau, tìm hiểu thân thế và ý hướng của từng cây viết, nhiều khi tôi tự hỏi tại sao ta quên ông, rồi lại bỏ qua, song may mắn thay, ba năm trước đây tôi đã nhớ và ra một số báo đặc biệt về ông. Nguiễn Ngu Í là tác giả cuốn sách nghiên cứu và phỏng vấn kỹ càng nhất theo ý kiến người viết bài này, về vài chục danh nhân văn hóa Việt Nam, đó là cuốn “Sống và Viết Với... Nhất Linh, Lê Văn Trương, Lê Văn Siêu, và cả chục người nữa như Đông Hồ, Bình Nguyên Lộc, Hồ Hữu Tường.”

Người ta ít nhắc đến ông trên báo chí văn học, vì nhiều nguyên do, đúng hơn nên dùng chữ lý do; lý lẽ, trước hết người ta bảo Nguiễn Ngu Í lập dị, điên, hay khùng. Cái gây ra khó chịu dễ hiểu nhất có lẽ là do cái bút hiệu của ông: chữ Nguiễn viết i ngắn rồi chữ Í cũng viết I ngắn, thông thường hai con chữ ấy viết với chữ y dài. Nhiều tờ báo tự ý, hay vì theo thói quen, vô tình, tự động viết ra Nguyễn Ngu Ý, đã bị ông phản bác khá dữ. Nghe nói sau này ông đã phải xin một cái án tòa, công nhận cái tên Nguiễn Ngu Í là một tên pháp định, viết sai có thể bị kiện. Trên thực tế, con người ấy từng phải nằm bệnh viện Biên Hòa nhiều lần, trong cuốn sổ bệnh viện có một người bệnh tâm thần khác đã nhận xét về ông, tôi may mắn được đọc.

Nhiều năm trước một bạn đọc đã cho tôi mượn cuốn sách của tác giả Châu Hải Kỳ (2) viết về Nguiễn Ngu Í, đọc rồi mới thấy đa số người ta đã sai, đã bất công hay đã vì một chút bất ưng không đáng có để gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Riêng trường hợp tôi, cả chục năm trước khi đọc một tài liệu bằng Anh ngữ viết rằng năm 1945, Mỹ đánh đắm tới khoảng 200 chiến thuyền của Nhật trong các hải trình tiếp tế cho mặt trận ở Đông Nam Á, mới tỉnh ngộ rằng không phải chỉ có Nhật gây ra nạn đói giết hại “cả triệu người” Việt Nam. Chính là tất cả các phe trong chiến tranh ở Đông Dương.

Cuốn sách của Châu Hải Kỳ viết ra một chuyện hi hữu. Là vì sao Nguiễn Ngu Í, tên khai sinh do cha mẹ đặt là Nguyễn Hữu Ngư, đã bị “ủy ban cách mạng” khai trừ khỏi đoàn thanh niên kháng chiến ở Phan Thiết: anh từ chối lệnh thu góp lúa gạo gửi ra trung ương ở Hà Nội, tức là cả Việt Minh cũng thu góp lúa gạo gây nên nạn đói thảm khốc kia, chứ không gì Nhật, hay Mỹ, hay Pháp. Chàng thanh niên 24 tuổi Nguyễn Hữu Ngư cãi rằng dân chúng vùng quê anh và Phan Thiết cũng chỉ đủ gạo ăn, thì gạo đâu mà gửi ra Hà Nội cho trung ương. Nhận được lệnh khai trừ, năm 1946 con người yêu nước yêu dân Phan Thiết này đã ra thẳng Hà Nội xin gặp ông Hồ để biện minh, nhưng dĩ nhiên làm sao họ lại cho anh như ý được. Nguiễn Ngu Í đã lang thang nhiều ngày quanh Hồ Gươm, và tức khí làm một bài thơ nhắn gửi ông Hồ!

Thật là vui thay, bài thơ nguyên văn, cả các câu chú thích, đã qua mắt các nhà “Chịu Trách Nhiệm Xuất Bản” (tức là các kiểm duyệt viên trông coi các nhà xuất bản ở mỗi địa hạt trên toàn nước Việt Nam hiện nay - khoảng vài trăm ngàn người):

Nguiễn Ngu Í
TRÊN “HỒ TRẢ KIẾM LẠI*

Mưa, Nắng: bao lần chơi mặt Nước,
Kiếm thần một lặn biết vùi đâu?
Ngàn sau ngược lại đường Nam tiến,
Có kẻ im lìm ngắm nước cau.
Tháp Rùa, Trung Thu Bính Tuất, 1946

* “Ngoài nghĩa: hồ Hoàn Kiếm, xin hiểu thêm: họ Hồ, hãy trả lại kiếm thần cho dân tộc.” (Chữ được đánh theo kiểu của nhà thơ) Lưu ý chú thích hoa thị * của bài thơ trên đây do Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư viết từ năm 1946.


CÓ MỘT THUỞ *
Ta đói à?
Thì ta dắt trâu ta cày ruộng ta
Ta xúc giống ta rải ruộng ta
Ta bắt mạ ta cấy ruộng ta
Rồi ta hát ta ca đợi ngày...
Ta khát ư?
Thì ta vác cuốc ta đào
Ta đào giếng ta
Nước đây rồi ta múc uống
Rồi ta nằm xuống
Đánh một giấc ngon lành
Dưới vòm lá cây xanh
Cái người ở tận đâu đâu
Mang danh là vua là chúa
Có ăn thua gì đến sự ta đói ta khát
Ta còn ta mất.
(Trung học Trương Vĩnh Kí, 1937* Làm sau khi nghe thầy Quấc văn kiêm Hán văn đọc và giảng một bài trong Kinh Thi, đại í nói người dân thời ấy coi nhẹ vua chúa).

TỪ CHÙA NÚI CÚ, NHÌN XUỐNG HÒN BÀ

Nhè nhẹ sương bông ôm núi lịm.
Êm đềm cây cỏ đắm trong mơ...
Tiếng chuông đâu bỗng run lòng đá,
Ngó xuống trần ai, thấy: mịt mờ...
Chùa Linh Sơn, 1944


CHỜ MỘT MÙA XUÂN

Bao hương thơm ngạt đưa nhân loại,
Bao thác rền tung giận thét đời.
Uất ức thay: Người! Căm hận: Đất!
Ai gom gió nước nhận bao Trời?
Chân núi Trường Sơn Nam Ngãi, Thu 1947

Một số tác phẩm của Nguiễn Ngu Í đã xuất bản: 1. Việt Sử. 2. Hồ Thơm Nguyễn Huệ. 3. Hồ Quí Li. 4. Sống Và Viết Với... 5. Quê Hương. [ông viết không có chữ u] 6. Suối Bùn Reo. 7. Khi Người Chết Có Mặt. 8. Khi Người Điên Trở Về. 9. Thơ Điên. 10. Thái Bình Thiên Quấc. 11. Có Những Bài Thơ. 12. Hạnh Phúc Chính Nơi Bạn (phỏng theo tác phẩm của Marcell Auclaire, với biệt hiệu Nghê Bá Lí.)

Đến năm 1977 ông vào dưỡng trí viện Biên Hòa lần cuối. Sau bà Thoại Dung, vợ ông đem chồng về nhà, một thời gian sau ông từ trần trong vòng tay thương yêu của vợ và các con, lúc 18 giờ 30 ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, nhằm ngày 18 tháng 2, 1979.


Chú thích

1- Bách Khoa số 118, ngày 1 tháng 12, 1961, Nguiễn Ngu Í “Phỏng Vấn Văn Nghệ” Thiên Giang, Phi Vân, Viên Linh, Sao Trên Rừng. Tài liệu của anh Phan Văn Lít sao tặng.
2- Châu Hải Kỳ, “Nguiễn Ngu Í, Cuộc Đời và Văn Nghiệp,” nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 1999. 176 trang không đề giá bán. Tài liệu của anh Nguyễn Công Thuần cho mượn. Nguiễn Ngu Í còn có tên Nguyễn Hữu Ngư, sinh ngày 20 tháng 4, 1921 tại Hàm Tân, Phan Thiết. Châu Hải Kỳ người Quảng Nam, tên thật Võ Văn Côn (1920-1993) khoảng 1945 dạy Bình Dân Học Vụ tại quê nhà, sau 1954 dạy Quốc Văn tại Nha Trang, có bài đăng trên các báo Bách Khoa, Văn, Sinh Lực, Tân Văn. Chú thích của Viên Linh.

Viên Linh