Saturday, August 22, 2015

Chiếc Xích Lô


image
Nếu đi để mà đến thì phải hối, phải thúc, phải giục đi cho nhanh, cho lẹ. Đằng này, người Sài Gòn xưa nào cũng thích đi chầm chậm. Đi chỉ để mà đi. Đi một cách an lạc và thoải mái, không hối hả, xô bồ, bon chen,… Đi thật chậm để còn chỉ cho con, cho cháu mình thế nào là kinh nghiệm sống, thế nào là cuộc đời, thế nào là đối nhân, thế nào là xử thế. Đi thật chậm, để con có thể hấp thụ, có thể tận hưởng vị ngọt ngào vô biên bất tận của tình cảm mà bà, mà mẹ dành cho con và nuôi con lớn lên. Đi thật chậm để bao cung đường, bao căn nhà, bao mái chùa, bao kỷ niệm, bao hình ảnh,… thân quen của quê hương, của đất nước, của con người, của làng, của xóm và của tuổi thơ được ghi dấu và in đậm hơn trong tâm trí, trong trái tim của con. Để sau này, con có lớn lên thì những phút giây hạnh phúc đó vẫn còn hiện hữu vô cùng sinh động. Cái điều mà ngày nay con người ta không thể nào còn tận hưởng được nữa.

Với Sài Gòn, có lẽ hình ảnh đậm nét trong dòng tâm trí của người dân phải nói đến chiếc xe xích-lô.
Hồi còn bé, đi xích-lô với đứa con nít nào cũng là một điều thích thú. Xe ôm thì quá xa xỉ (ít nhất là với điều kiện hoàn cảnh của gia đình tôi). Xe lam thì chật chội và nhiều khi không thuận tiện với điểm cần đến. Xích-lô là phương tiện tuyệt vời.

Một chiếc xích-lô be bé thế thôi nhưng có thể chở được những 2 người lớn và 2 em bé cỡ chừng tuổi tiểu học. Hai em sẽ được ngồi phía trên, còn hai người lớn sẽ ngồi bắt chân đan xen và chéo phía nhau. Ngẫm ra thì chiếc xe honda ôm không thể chở được như vậy mà có chở được thì cũng không thoải mái bằng chiếc xích-lô. 

Nếu đi đông người thì mấy đứa con nít thế nào cũng sẽ được ngồi ở trên cái tay cầm của xe. Cái chỗ chật chội thế mà 2 đứa con nít ngồi vẫn thấy rộng. Ngồi ở đó sướng lắm! Tầm nhìn bao quát mọi phía, cảm giác mình cao nhất trên con đường với những chiếc xe đạp, xe máy ở phía dưới. Tha hồ mà huyên thuyên trò chuyện. Con gái thì tưởng mình đang được bay trên mây như chị Hằng hay cô tiên có phép thuật. Con trai thì thành siêu nhân trừ gian diệt bạo hoặc đang chinh phục và được cỡi lên lưng của một con mãnh thú mà phóng tới. Cái chất liệu hồn nhiên và thơ ngây của tuổi thơ luôn là chất xúc tác tuyệt vời để làm thăng hoa những xúc cảm và trí tưởng tượng bay cao… 

Vừa dễ thương, vừa tốt bụng là đặc điểm của con nít. Ngồi trên chỗ cao đấy với những ước mơ bay bổng nhưng vẫn tinh ý để tâm đến mọi người xung quanh lắm. Nhất là mỗi khi xe lên dốc, bác tài (à mà không, phải gọi là “chú chạy xe xích-lô” thì mới đúng với cách gọi của tuổi thơ) phải leo xuống xe, hì hục đẩy cả chiếc xe lên dốc bằng chính sức lực của mình. Mồ hôi nhễ nhại. Cái nắng chói chang, oi ả vốn dĩ đặc trưng của Sài Thành dường như lại càng thử thách con người nhiều hơn nữa. Những lúc ấy, đám con nít trên xe lại nhoi người. Mông đẩy ra sau, sau đó, lại kéo mạnh về trước. Dường như, mà chính xác là muốn phụ chú chạy xe xích-lô một tay bằng cái sự “cộng hưởng” từ việc nhoi người và đẩy mông đó. Xe lên dốc. Chú lại leo lên yên xe. Nụ cười tươi, có cả ở chú và ở các cháu.

Thích nhất là đi xe mà chỉ có 2 người: mẹ và con hoặc bà và cháu. Khi đó, mẹ hoặc bà sẽ ngồi lên trước. Sau đó, con hoặc cháu sẽ được ngồi vào lòng. Ấm áp, hạnh phúc, thương yêu, tuổi thơ, dịu ngọt, không lo, không buồn, không giận,… cái thứ mà cả đời con người ta theo đuổi lại hiện diện một cách bình dị như thế. Xe bon bon chạy (2 người ngồi thì đỡ vất vả cho chú chạy xe xích-lô hơn). Đi đến đâu, mẹ hoặc bà sẽ chỉ cho em những điều tuyệt vời đến đó.

- Đây là đường Trương Minh Giảng con nha, nhớ nhé, khi nào lạc đường là phải nhờ các chú xích-lô đưa về đây rồi bà nội sẽ trả tiền…
- Con phải thuộc tên đường và nhớ con đường có cái gì để mai mốt con sẽ biết được nhiều đường trong thành phố…
- Chùa Vĩnh Nghiêm nè con, nơi Hòa Thượng Thanh Kiểm làm viện chủ và Phật đản thường có xe hoa đẹp lắm đó, con nhớ không?
- …
Tâm hồn, tri giác và trí tuệ của lũ con nít chúng tôi ngày ấy được nuôi lớn bằng những chuyến xích-lô như thế.

Những ngày mưa… đi xích-lô cũng có cái thú riêng của nó. Để tránh ướt hành khách, các chú chạy xe xích-lô sẽ kéo phần mái che lên và che hành khách bằng 1 tấm bạt phía trước. Nếu ngồi phía trên thì phải rút người lại vì chiều cao bị hạn chế. Còn nếu ngồi phía dưới thì lại bị cản tầm nhìn. Nhưng cái cảm giác ở trong cái không gian bé nhỏ đó giữa cơn mưa rả rích thì ấm áp vô cùng. Mẹ sẽ ôm chặt mình và hỏi: “con có lạnh lắm không?”. Có lạnh đi chăng nữa thì cũng trả lời là “dạ không” vì con của mẹ “đã lớn”. Bà sẽ ngoảnh người lại hỏi: “con có mỏi lưng không?”. Dù là mỏi lưng cũng sẽ trả lời là “dạ không” vì cháu của bà đang là siêu nhân – trời có mưa đi chăng nữa, nhưng siêu nhân vẫn là siêu nhân. Mưa vẫn tí tách, rào rào,… không ngớt.

Giờ, con nít quen với chiếc xe máy nhiều hơn; không thì tụi nhỏ cũng gần gũi với chiếc taxi sang trọng. Chiếc xích-lô ngày nào giờ chỉ còn chở khách du lịch tham quan một vòng Sài Gòn như để níu kéo một cách gượng ghịu những gì chỉ còn là kỷ niệm.

Làm sao các em biết cái cảm giác lạ lẫm khi nghe bà nói với chú chạy xe xích-lô: “Dì không trả giá nhưng con chạy chậm chậm cho dì nha”. Xưng dì chứ không xưng tôi; vì dì là chị, là em của mẹ; vì dì là người trong nhà, là ruột thịt của con. Và từ trong cái cách xưng hô đó, cũng thấy được ân tình của con người với nhau. Đánh đổi không vì tiền và không bằng tiền. Mà lạ lẫm nhất: đi không phải vì muốn đến. Nếu đi để mà đến thì phải hối, phải thúc, phải giục đi cho nhanh, cho lẹ. Đằng này, người Sài Gòn xưa nào cũng thích đi chầm chậm. Đi chỉ để mà đi. Đi một cách an lạc và thoải mái, không hối hả, xô bồ, bon chen,… Đi thật chậm để còn chỉ cho con, cho cháu mình thế nào là kinh nghiệm sống, thế nào là cuộc đời, thế nào là đối nhân, thế nào là xử thế. Đi thật chậm, để con có thể hấp thụ, có thể tận hưởng vị ngọt ngào vô biên bất tận của tình cảm mà bà, mà mẹ dành cho con và nuôi con lớn lên. Đi thật chậm để bao cung đường, bao căn nhà, bao mái chùa, bao kỷ niệm, bao hình ảnh,… thân quen của quê hương, của đất nước, của con người, của làng, của xóm và của tuổi thơ được ghi dấu và in đậm hơn trong tâm trí, trong trái tim của con. Để sau này, con có lớn lên thì những phút giây hạnh phúc đó vẫn còn hiện hữu vô cùng sinh động. Cái điều mà ngày nay con người ta không thể nào còn tận hưởng được nữa.

Tôi đã hạnh phúc được học những bài học không phấn, không bảng, không giấy, không mực như thế đó…