CÂU CHUYỆN NHỎ CỦA TÔI
Kết
tội:
Tôi bị bắt với một lý do rất… cười: tọa kháng tại nhà với biểu
ngữ (được phía Cơ quan An ninh điều tra kết luận rằng mang nội dung xấu):
“Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày
14/9/1958 của Phạm VănĐồng”. Hơn 16 tháng sau ra tòa, tôi nhận bản án 4 năm tù
giam, thêm 3 năm quản chế về cái gọi là tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mà không hề dính dáng đến việc “tọa kháng”, hành
vi trực tiếp được nhà cầm quyền làm lý cớ bắt bỏ tù.
Hai chứng nhân “quan
trọng” được đưa từ Thanh Hóa vào làm công cụ buộc tội bị cáo. Ông Nhiểm, ông
Kính trông tội nghiệp với bộ mặt méo mó, khắc khổ ngồi lọt thỏm, bị bao vây
giữa vô vàn những mật vụ dưới hàng ghế dự khán, thay vì ở vị trí dành cho người
làm chứng theo quy định một phiên tòa: “Nếu thời gian quay trở lại hoặc có cơ
hội khác, tôi vẫn sẽ giúp đỡ họ - những ngư dân Thanh Hóa - dù tôi biết trước
có thể những con người này sẽ quay lại kết tội tôi. Họ buộc phải làm thế. Và
tôi sẵn sàng tha thứ cho họ.” Tôi đã nói những lời này trước tòa dành cho những
ngư dân Thanh Hóa tôi đã gặp và giúp đỡ hồi cuối tháng hai năm 2008.
Trong khuôn khổ bài viết
ngắn này, tôi sẽ không tường thuật lại chuyến đi Thanh Hóa cùng Ngô Quỳnh. Bạn
đọc nào quan tâm và muốn tìm hiểu sự thật, xin tìm đọc bài viết “Uất ức - biển
ta ơi!”tôi viết năm 2008. Tôi tin rằng, nếu ai còn là người Việt Nam thì không
thể không đau xót trước việc đồng bào mình bị bắt giết ngay trên lãnh hải của
Tổ Quốc mình, cũng như không thể phủ nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Chỉ vì vạch trần và tố cáo một sự thật bị Đảng và Nhà nước giấu nhẹm, chỉ vì
đòi quyền lợi chính đáng cho những nạn nhân, ngư dân Thanh Hóa mà tôi và Ngô
Quỳnh đã bị tước mất tự do - dù là một thứ tự do đang hấp hối.
Biệt giam:
Những ngày đầu, tôi bị
giam chung với các nữ tù hình sự khác. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, trở thành
đủ lọai tội phạm (họ vẫn thường tự hào rằng phải rất bản lĩnh mới dám thách
thức pháp luật) thì sự xuất hiện của một cô gái nhỏ bé bị gán tội “chống Nhà
Nước…” là điều ngoài sức tưởng tượng. Từ ngạc nhiên, tò mò rồi thiện cảm, chúng
tôi trở nên gần gũi với nhau. Được vài hôm, những ánh mắt thân thiện, cảm mến
biến mất. Thay vào đó là thái độ dè dặt, lảng tránh pha chút sợ sệt. Chính sách
cô lập bắt đầu có hiệu quả!
Sắp đến giờ cơm chiều.
Tiếng ổ khóa vang lên chát chúa. Tiếp đó là giọng nói lạnh tanh của quản giáo:
“Phạm Thanh Nghiên chuẩn bị nội vụ!”. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi, lo lắng,
thương cảm, hoảng hốt: “Chết rồi, bị đi ép cung rồi”, “chị ơi! Biệt giam rồi.
”, “khổ thân, người bé như cái kẹo, chịu sao nổi cháu ơi”. Mỗi người góp một
tí, từ chai mắm, gói lạc, ít bột canh, cuộn băng vệ sinh… tất cả được đùm vào
một túi ni-lông, ấn vội vào tay tôi. Tôi không đủ thời gian đùn đẩy. Nhận cũng
tốt. Đây sẽ là vốn liếng giúp tôi “cầm cự”, chờ đợi đến lúc nhận được quà tiếp
tế từ gia đình. Tôi không sợ biệt giam, không sợ bị ép cung. Tôi sợ những ánh
mắt thương cảm của họ. Những tình cảm rất con người mà vì một sức ép đáng sợ
nào đó, họ đã buộc phải thủ tiêu đi.
Tôi bước ra cửa, không
ngoái lại nhìn. Sau lưng, vài giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Nhà tù, thì ra vẫn còn
chỗ cho tình thương yêu và lòng nhân ái.
Dẫn
tôi đi là người cán bộ tên C. Sau này tôi được nghe nhiều chuyện về ông ta, chủ
yếu thành tích làm giầu bất chính và đánh tù. Tôi cắp túi quần áo, chân đất đi
trên những con hẻm nhếch nhác vì mưa phùn, qua những dãy nhà giam lạnh ngắt và
cũ kỹ. Trong những bức tường lặng câm kia là những sự chờ đợi và tuyệt vọng.
Chờ đợi để được phán xử không theo cách của con người, rồi hiến mình cho sự khổ
ải và hao mòn trong các trại cải tạo.
Khu giam giữ mới có
khoảng sân khá rộng. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, C giao tôi cho đồng
nghiệp. Tôi đi theo K, cảm giác như đang bị nuốt vào một đường hầm. Lần đầu
tiên kể từ khi bị bắt, tôi mới thực sự thấy hết cái âm u của chốn ngục tù. Chỉ
khi dừng lại, tôi mới biết mình đang đứng trước một cánh cửa. Cửa mở, hai đồng
tử của tôi giãn ra: đây là nơi dành cho con người ư?
Cái gọi là buồng giam
rộng chừng 6m2. Hai bệ xi-măng đối diện nhau (chừa một lối đi hẹp ở giữa, tù
quen gọi là “xa lộ”) dùng làm chỗ nằm. Từ cửa đến chân bệ nằm còn khoảng trống
nho nhỏ để đồ ăn. Trong buồng không có nhà vệ sinh nên phải dùng bô. Chỗ để bô
cách chỗ để đồ ăn chừng 3 bước chân. Một trong hai bệ nằm có gắn cố định một
cùm sắt, dùng để cùm chân những người tù bị kỷ luật hoặc tử tù chờ ngày thi
hành án. Tôi vào sau L vài ngày, đương nhiên phải nằm chung với cái cùm. L
thường mắng tôi vì tội hay cho chân vào cùm. Bảo tôi không chịu kiêng kỵ, có
ngày bị cùm thật cũng nên. Hàng ngày tôi đi bộ dọc trên “xa lộ”, coi như tập
thể dục. Đoạn đường ngắn mấy bước chân, đi vài vòng phải nghỉ một lần để khỏi
chóng mặt.
Mỗi ngày hai lần: sáng và chiều, công an mở cửa cho tù nhân ra ngoài làm vệ
sinh cá nhân và lấy cơm. Mỗi lần chừng 20 đến 30 phút. Hầu như ngày nào tôi
cũng phải đi cung nên mọi việc, từ giặt giũ, đổ bô, lấy cơm, rửa bát… L phải
kiêm hết. Có hôm, chưa làm vệ sinh xong, điều tra viên đã đứng đợi ngoài cửa.
Chắc chỉ có tù nhân lương tâm chúng tôi mới phải trải qua tình trạng ngồi bệ xí
trong sự chờ đợi và thúc giục của cả cai tù lẫn điều tra viên mà thôi. Gần 4
tháng biệt giam, tôi phải đi cung hàng chục lần, chưa kể thời gian ở buồng
chung hơn một năm. Chuyện này xin được kể trong một dịp khác.
L có tật xấu, đi ngoài vô
tội vạ, không theo giờ giấc. Nhiều hôm cứ đóng cửa buồng cô nàng mới đi, mỗi
lần như thế lại chữa ngượng: “Em luyện mãi mà không được, cứ nhìn thấy công an
là nó lại thụt vào. Hình như c*t sợ công an chị ạ”. Hai cái bô chứa đầy “sản
phẩm” của L. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Đã thế, cô nàng còn lên lớp tôi: “Chị
phải uống thật nhiều nước mới tốt cho sức khỏe, người đâu mà gầy đét, trông
chán lắm”. Tôi bảo: “Có hai cái ngai vàng, mày ngự cả hai, chị uống nhiều nước
thì chứa vào đâu?”. Cô nàng nhe hàm răng ám khói thuốc cười trừ. Nhìn L, tôi
thấm thía hai câu thơ (được cho là của ông Hồ): “Cửa tù khi mở không đau bụng,
đau bụng thì không mở cửa tù”.
Cánh cửa sắt, may quá có
sáu lỗ thông hơi (to bằng quả trứng chim cút) - thứ duy nhất làm chúng tôi tạm
quên mình đang ở trong một cái hộp. Hàng ngày được ra ngoài, tôi thường vãi cơm
ra sân để dụ lũ chim sẻ đến. Qua sáu cái lỗ thông hơi quý giá đó, tôi và L luân
phiên nhau chiêm ngưỡng, ngắm nghía chúng. L ước: “Giá biết bay như chúng, em
sẽ bay về ôm hôn thằng Cu cho thật đã”. Rồi như tiếc rẻ “Nhưng làm con chim bay
được thì lại không lắc, không phê được. Làm người như em, tuy tù tội nhưng được
biết mùi đời. Sướng thân! Như chị thì thiệt, chả biết đếch gì. Chán chết”. Tôi
không thích tranh cãi với L những lúc như thế. Lũ chim vô tâm, chúng nhặt nhạnh
những hạt cơm cuối cùng rồi bay đi, mặc kệ tôi ngẩn ngơ. Không có cách nào gọi chúng
lại. Tôi tủi thân, đâm ra giận chúng, hôm sau không vãi cơm cho chúng nữa. Theo
thói quen, lũ chim bay đến ngơ ngác, tìm kiếm rồi bỏ đi. Tôi buồn! Từ đó không
dám tự trừng phạt mình nữa.
Một lần đi cung:
Một vật gì giống như con
rắn nằm lù lù giữa sân. Vừa nhận ra thứ đó dành cho mình, một luồng hơi lạnh
chạy dọc sống lưng. Sau cái rùng mình, mặt tôi nóng ran, hai thái dương giật
liên tục. Không thể để cơn phẫn nộ được dịp bung ra. Tôi sẽ luồn chân vào đó.
Phải nếm trải hết mọi cay đắng của người tù. Tôi đứng im, ngoan ngoãn cho K
xiềng chân mình. Nét ái ngại lộ rõ trên gương mặt anh ta: “Chị Nghiên đi chậm
thôi, sẽ đỡ đau”. Tôi hít một hơi thở sâu chờ K mở cửa. Ánh mắt tôi đập vào ánh
mắt người điều tra viên. Dù cố tỏ ra tự nhiên, nhưng tôi biết anh ta chứ không
phải tôi đang bị chi phối bởi cái xiềng chân. Tôi không đi chậm như lời khuyên
của K. Bị thôi thúc bởi lòng kiêu hãnh, tôi bước thật nhanh bất chấp hai vòng
xích đập vào mắt cá chân đau điếng. Tôi không cho phép anh ta có cơ hội thấy
tôi trong bộ dạng chậm chạp và đáng thương. Chỉ thể hiện ở bước đi thôi chưa
đủ, tôi bông phèng:
- Này anh, giúp tôi một
việc được không?
- Việc gì chị?
- Nhờ anh đăng ký với kỷ
lục ghi-nét, công nhận tôi là người phụ nữ có cái lắc chân to và độc nhất thế
giới nhé?
Bị bất ngờ, anh ta im
lặng. Sau một hồi, tính háo thắng trỗi dậy, anh ta trả đũa:
- Nếu bây giờ tôi bắc
thang cho chị trèo tường về, chị có về không?
- Sao nghiệp vụ anh kém
thế?
- Gì cơ?
- Tôi bảo nghiệp vụ anh
kém vì anh đi điều tra tôi mà không hiểu gì về tôi. Này nhé, tôi vào đây một
cách đường hoàng thì cũng đường hoàng rời khỏi đây. Không phải các anh tùy tiện
bắt rồi thả vô tội vạ là được.
Có lẽ anh ta thấy tiếc về
câu hỏi vừa rồi.
Một cán bộ trực trại và
một điều tra viên khác đã chầu sẵn ở buồng hỏi cung. Chờ tôi ngồi xuống, trực
trại rướn người qua mặt tôi, kéo thanh sắt vốn được bắt vít cố định nơi tay
vịn, khóa lại. Động tác rất dứt khoát với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Chắc đấy là
thứ công cụ được phát minh ra để bảo vệ các nhân viên điều tra khi hỏi cung
những tên tội phạm thuộc diện đặc biệt nguy hiểm. Thế ra, tôi được liệt vào
loại “đặc biệt nguy hiểm” cơ đấy. Tôi quan sát việc liên quan đến mình như một
kẻ thực sự bị thuần phục. Xong việc, viên trực trại lui về đứng phía sau tôi
(chắc sẵn sàng tung đòn cứu đồng đội nếu đối tượng manh động). Hai điều tra
viên đặt hồ sơ lên bàn:
- Chúng ta bắt đầu làm
việc!
Tôi lơ đễnh nhìn lên trần
nhà.
- Chúng ta làm việc thôi
chị Nghiên.
- Anh bảo gì cơ?
Vẻ ngoan ngoãn lúc đầu
của tôi khiến họ không chuẩn bị tâm lý đối phó cho sự phản công.
- Chúng ta vào việc…
- Làm gì có chuyện ấy.
Các anh nghĩ tôi sẽ làm việc với các anh trong tình trạng này sao?
- Đây là quy định của…
- Là quy định của các anh
thôi. Nguyên tắc của tôi là không làm việc với các anh trong tình trạng này.
Hai điều tra viên nhìn
tôi chằm chằm. Tôi tiếp tục nhìn lên trần nhà, lưng dựa ra sau, các ngón tay gõ
gõ vào thanh sắt chắn ngang trước mặt, chân đung đưa khiến cái xiềng cọ xuống
nền nhà phát ra thứ âm thanh khô khốc, nghe đến sốt ruột. Cuối cùng, một trong
hai người điều tra viên phải ra hiệu cho trực trại mở xiềng chân và thanh sắt
chắn ngang ra.
Tôi thôi nhìn lên trần
nhà:
- Đây sẽ là lần đầu và
cũng là lần cuối tôi cho phép các anh làm thế. Nếu việc này còn tái diễn thì
các anh sẽ chỉ nhận được một thứ duy nhất từ tôi, đó là sự im lặng. Mong các
anh nhớ cho.
Trở về buồng giam, tôi mệt mỏi nằm vật
xuống. Nhìn L với đôi mắt đỏ hoe, tôi đâm cáu. Cô nàng mặc cho tôi mắng mỏ, cứ
sấn vào xoa xoa bóp bóp chỗ đau cho tôi. Tôi hắt hủi cô nàng để khỏi phải
thương hại mình. Tôi nghĩ đến chú Nghĩa, đến Ngô Quỳnh và các anh em khác bị
bắt cùng đợt với tôi. Không biết họ bị đối xử ra sao? Nhưng tôi tin, dù ở trong
hoàn cảnh nào thì những người anh em ấy (sẽ không cáu gắt bạn tù vô lối như
tôi) mà sẽ ngạo nghễ và nở nụ cười nhân ái vì nhà tù là sự lựa chọn “bất khả
kháng”, là cánh cửa duy nhất để đến với tự do.
Viết sau những ngày
mới ra tù.
Phạm Thanh
Nghiên