Thursday, August 14, 2014

Trần Văn Thạch

Về Một Người Yêu Nước,
 Trần Văn Thạch (1905-1945)



Đọc tựa-đề bài viết, người ít để ý đến lịch-sử cận-hiện-đại Việt-nam chắc cũng tự hỏi: Không hiểu tôi, NNB, đang muốn nói về ai đây? Tại sao cần phải biết đến ông Thạch này? Ông ta làm gì? Tại sao đáng nhớ?

Thưa, có nhiều lý-do.

Lý-do đầu tiên là tôi nhận được cuốn sách từ tác-giả, Trần Mỹ Châu, và không để phụ lòng người đã có nhã-ý tặng mình--dù gì thì một cuốn sách đứng đắn bao giờ cũng là việc vắt tim óc của người viết ra mà thành--tôi phải liếc ngay vào, và chả mấy lúc đã bị lôi cuốn vào truyện.

Người Mỹ có câu "a labor of love," sản-phẩm của một tấm lòng yêu thương, để tả về một cuốn sách như thế này. Trong tiếng Việt thì có lẽ phải nói hơi khác đi một chút, đây là sản-phẩm của tình hiếu-tử, của chữ "hiếu" bởi đây là con gái, chị Trần Mỹ Châu, viết về cha mình. Trả lại sự thật cho một người cha kính yêu, và do đó cũng là trả lại sự thật cho lịch-sử.

Nhưng lý-do thứ ba tại sao tôi muốn giới-thiệu cuốn sách đến độc-giả là vì "ba chị Châu" đã có một chỗ đứng nhất định trong lịch-sử cận-hiện-đại VN nhưng chẳng may, cuộc đời của ông đã bị cắt ngắn đi một cách dã-man bởi người Cộng-sản Đệ tam chỉ vì ông đã thuộc nhóm Đệ tứ, nhóm Trốtskít VN mà đã có một thời đóng một vai trò nổi trội, trội hơn hẳn nhóm Đệ tam của Hồ Chí Minh, đặc-biệt ở Miền Nam với những tên tuổi sáng chói như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh v.v. trong nhóm La Lutte ("Đấu tranh"), tên của một tờ báo tiếng Pháp phát hành khá rộng rãi ở miền Nam vào thập niên 30 thuộc Pháp. Giết nhóm Đệ tứ là một chủ-trương không chỉ của Trần Văn Giàu, ông "giáo-sư đỏ" ("le professeur rouge") được huấn luyện ở Liên-Xô về, mà còn của cả Hồ Chí Minh trong vụ ám-sát Tạ Thu Thâu ở Quảng-ngãi khi ông Thâu đang trên đường từ Hà-nội trở về Nam. Như vậy, đây không còn là chuyện cá-nhân nữa mà là một chính-sách của người Cộng-sản Đệ tam tìm cách diệt trừ mọi thành-phần có thể cạnh-tranh được với họ vào lúc Việt-nam đang lấy lại độc-lập (1945-46).

Tuy người CS thành công trong âm-mưu diệt địch-thủ này của họ--mặc dù những "địch-thủ" này không hề nghĩ là tranh đấu cho tự do, độc-lập của đất nước, họ phải làm như người CS Đệ tam, nghĩa là đi giết đồng-bào của mình--song chính bàn tay "nhuốm máu đồng-bào" của người CS sẽ vĩnh viễn tố-cáo họ là tay sai của ngoại-bang, chính-xác là của Liên-Xô và Đệ-tam Quốc-tế, trong nỗ lực tìm cách nhuộm đỏ Việt-nam và Đông-dương. Đây là khởi đầu cho một cuộc nội-chiến tương-tàn, trước cả khi Pháp trở lại Đông-dương, mà sẽ kéo dài ít nhất đến 30/4 năm 1975, lấy đi sinh-mạng của khoảng 4 triệu người Việt, chưa kể khoảng 10 triệu người phải đi tỵ nạn và vô vàn tài-sản của đất nước bị tàn phá trong thời-gian 30 năm đó. (Ông Trần Văn Thạch bị giết vào cuối tháng 10/1945 nghĩa là sau khi Pháp trở lại Sài-gòn, ngày 23/9/1945, nhưng Trần Văn Giàu đã đưa ra thông-cáo chống "bọn khuấy rối... làm hại quốc dân làm hại tổ quốc" nhằm vào những người không CS từ ngày 7/9/1945.)

(Ở đây, tôi cũng xin mở một dấu ngoặc, đó là trong 30 năm nội-chiến, CSVN đã đem lại cái chết cho khoảng 4 triệu người Việt, chưa kể những người vĩnh-viễn bị thương-tật, có nghĩa là đã gây ra cái chết cho hơn gấp đôi số người bị Pol Pot và các đồng-chí của ông giết ở xứ Chùa Tháp--khoảng 2 triệu người.)

Một cuốn sách đáng đọc, cần phải đọc

Tưởng một cuốn sách do con viết về bố của mình thì ta sẽ dễ gặp chủ-quan. Đằng này không, cuốn Trần Văn Thạch (1905-1945) do Trần Mỹ Châu viết chung với Phan Thị Trọng Tuyến (in ra năm rồi, 2013), là một mẫu mực về viết sử và rất chính-xác với tiểu-tựa "Cây bút chống bạo quyền áp bức."

Đây là câu chuyện của một thanh-niên yêu nước, sinh ra trong một gia-đình tiểu-công-chức ở Chợ-lớn thời Pháp-thuộc nhưng đã sớm có những tư tưởng yêu nước dù học trường Pháp (Lycée Chasseloup Laubat). Vì học giỏi (Tú-tài Pháp hạng ưu, 1925), không có học bổng nhưng được gia đình vợ giúp du học, theo khoa Triết tại Đại-học Toulouse. Nhưng chỉ 6 tuần lễ sau khi đến Pháp, ông đã có bài viết trên báo chống chính-sách thực-dân của Pháp ở Đông-dương. Sau, ra báo sinh-viên viết bằng tiếng Pháp (Le Journal des Etudiants annamites) rồi lập với một số anh em "Tổng-hội Sinh-viên Đông-dương." Vì thế nên bị Mật-thám Pháp theo dõi.

Lấy xong bằng Cử-nhân Giáo-khoa văn-chương ở ĐH Sorbonne (Paris) năm 1929, ông về nước năm sau. Tuy-nhiên, vì nhiều sinh-viên ở Pháp lúc đó bị ảnh-hưởng cánh tả nên Trần Văn Thạch cũng bị ảnh-hưởng Mác-xít khi về nước. Ông bắt đầu bằng nghề dạy học (sau ông có quyển sách rất nổi tiếng về dạy tiếng Pháp, Le français correct) nhưng rồi bắt đầu tranh đấu công-khai khi thấy những ảnh-hưởng của cuộc khủng-hoảng kinh tế năm 1929 lên kinh tế VN cũng như những vụ lụt lội miền Trung. Năm 1934 gia nhập nhóm "La Lutte" (với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường) có tờ báo cùng tên, năm sau ra tranh cử công-khai vào Hội-đồng Thành phố Sài-gòn và đắc cử. Lập Hội Nhà báo An-nam (mang tên "Hội Liên Hữu Báo Giới Nam Kỳ") rồi lợi-dụng Mặt Trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, triệu tập Đông-dương Đại-hội.

Khi Liên-Xô và Mặt Trận Bình Dân ở Pháp ủng-hộ các "vụ án Moscou" ngụy-tạo của Stalin thì Trần Văn Thạch và một số trong nhóm La Lutte tách ra, không đồng-hành với CS Đệ tam nữa, tức thì bị nhóm sau này bôi nhọ. Tháng 7/1979, Nguyễn Ái Quốc (sau thành Hồ Chí Minh) đã tuyên chiến: "Đối với bọn tơrốtskít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị."

Nhưng tiêu diệt đâu chưa thấy, chỉ thấy tại cuộc bầu cử Hội-đồng Quản-hạt tháng 4/1939, nhóm Đệ Tứ là Thâu, Hùm, Thạch thắng lớn (được 80 phần trăm số phiếu) đè bẹp nhóm Đệ tam là Ninh, Tạo, Mai. Tháng 11/1940, Đảng CS Đông-dương phát động Nam-kỳ khởi nghĩa, thất bại. Mặc dầu không tham-gia trong cuộc chính-biến đó, nhóm Đệ tứ cũng vẫn bị Pháp bắt và đày ra Côn-đảo. Tháng 8/1945, Nhật đầu hàng Mỹ, chính-phủ Trần Trọng Kim cho thả hết các tù-nhân chính-trị từ Côn-đảo. Nhóm Đệ tứ về Sài-gòn, tái-lập nhóm La Lutte và tham-gia kháng-chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu (cuối tháng 9/45 sang đến tháng 10/45). Dù như nhóm Tranh Đấu chống Pháp rất gan dạ, Trần Văn Giàu vẫn cho người đi bắt hết các lãnh-đạo của nhóm này rồi mang đi thủ tiêu. Trần Văn Thạch bị bắt nhân dịp này và sau đó chết ở tuổi 40.

Kinh hãi

Phần tiểu-sử viết rất kỹ càng, chính-xác và khách-quan về Trần Văn Thạch chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Hai phần ba còn lại là những bài báo của Trần Văn Thạch, viết hầu hết trong tiếng Pháp, đã được nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến dịch từ các số báo cũ còn kiếm được ở thư-viện và văn-khố Aix-en-Provence ở Pháp. Đọc những bài này, tôi đâm kinh hãi.

Bởi đa-phần những đề-tài được Trần Văn Thạch bàn luận và trình bầy vẫn còn nguyên tính thời-sự của chúng. Như tại sao phải "tham gia vào việc nước"? Như "Sinh viên chúng ta và chánh trị." Như sự yếu kém và phân-hóa của "Các chánh đảng An Nam." Như "Trí thức bản xứ và chế độ thuộc địa" nói về tính nô-lệ của trí-thức đối với chính-quyền ("ở xứ ta, tuổi trẻ tri thức lại rất yếu mềm, thờ ơ, cực kỳ chán ghét đấu tranh, sợ hãi gian nguy, rúng động đến tột cùng khi nhà nước mới dợm ra tay đe dọa" thật y như ngày hôm nay ở VN). Như "Đạo đức trưởng giả," "Thành phần ưu tú xã hội đang làm gì?", "Lợi ích của tinh hoa đất nước" rồi những bài về tình-cảnh của người nghèo, công-nhân và nông-dân hay báo-giới thời bấy giờ.

Thời bấy giờ? Tôi giật mình vì đọc nhiều bài cứ như đang đọc báo về tình-cảnh ở trong nước thời nhà Sản hôm nay!

Thế thì 80 năm sau những bài báo này của Trần Văn Thạch, đất nước không có tiến-bộ gì à? Hay là thời Sản đã làm cho đất nước thụt lùi sau khi "man rợ đã thắng văn minh" (mượn lời Dương Thu Hương) năm 1975?

Ngày xưa, Phật đã dạy ta có thể trông thấy cả 3000 thế-giới trong một hạt cát... thì có lẽ ngày nay, đọc cuốn Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức của hai tác-giả Trần Mỹ Châu và Phan Thị Trọng Tuyến, ta cũng có thể nhìn được ra tất cả cái lợi và cái hại mà họ nhà Sản đã mang lại cho dân-tộc ta trong hơn 80 năm qua.



Nguyễn Ngọc Bích
Houston, Texas
Ngày 14/8/2014