Thursday, August 7, 2014

Tưởng Năng Tiến

Những trận chiến bất nhân



Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Nguyễn Trãi


“Ngày 21/7 vừa qua, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ở New York, Ngoại trưởng Hà Lan, ông Frans Timmermans đã có bài phát biểu vô cùng xúc động về vụ việc chiếc máy bay MH17 gặp nạn tại miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.

Trong suốt bài phát biểu của mình, khóe mắt ông Frans Timmermans luôn chực trào nước mắt khi bày tỏ sự choáng váng, bàng hoàng trước quy trình xử lý thi thể các nạn nhân cũng như hàng loạt những thông tin nhiễu loạn xung quanh vụ MH17.”
Những dòng chữ trên được trích dẫn từ trang Dân Luận, đọc được vào hôm 27 tháng 7 năm 2014, cùng với lời dẫn nhập (hay nói chính xác hơn là nỗi băn khoăn) của ban biên tập:

“Bài phát biểu xúc động của vị chính khách một nước dân chủ phương tây, thể hiện rõ rằng đất nước của họ luôn quan ngại, lo lắng xót xa cho tính mạng người dân của mình. Không giống như tại Việt Nam, tính mạng của người dân không được quan tâm, đảm bảo, luôn bị đe dọa ở khắp nơi ngay cả ở những nơi công quyền, ví dụ như đồn công an. Chúng tôi tự hỏi, liệu các vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam sẽ như thế nào nếu có xảy ra tình huống tương tự?”


Câu trả lời cho nghi vấn thượng dẫn, thực ra, đã có sẵn (cũng trên trang Dân Luận) từ hai ngày trước – hôm 25 tháng 7 năm 2014 – qua một đoạn văn ngắn của tác giả Nguyệt Quỳnh:
Từ những phát biểu của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang như:“ngư dân hãy yên tâm bám biển giữ chủ quyền” đến các phát biểu của Trung tướng Tô Lâm: “Ngư dân là cột mốc sống chủ quyền lãnh hải”, và sau đó báo đài đồng loạt lập lại. Nhưng đến khi tàu hải quân Trung Cộng đuổi bắn những “cột mốc sống” này thì sự im lặng gần như tuyệt đối; không còn một quan chức nào đếm xỉa đến họ nữa. Có thể nói, trong những giờ phút đó, Hà Nội đã lạnh lùng xem bà con ngư dân như những “cột bia xi măng” vô tri vô giác. Khi tàu ngư chính Trung Cộng đâm, đánh, bắt họ thì Hà Nội lặng lẽ coi ngư dân như những “cột gỗ mục” vô giá trị.
Tàu đánh cá việt nam mang số hiệu QNa 90152 bị tàu Trung quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam, chiều 26/5/2014. Nguồn ảnh và chú thích: RFA

Và KHỐN KIẾP không kém là khi có ngư dân nào thoát chết, tả tơi vào bờ thì lại có những buổi lễ trao tặng bằng khen kế tiếp cho những “cột mốc sống dở chết dở” ấy để lại đẩy họ và đẩy thêm các “cột mốc còn sống” khác ra khơi trở lại.(Tàu đánh cá việt nam mang số hiệu QNa 90152 bị tàu Trung quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam, chiều 26/5/2014. Nguồn ảnh và chú thích: RFA)
 
Những cột mốc sống, cột bia xi măng, cột gỗ mục … ở biển Đông – hôm nay – khiến tôi nhớ đến “Những Cọc Tiêu Sống Trên Đèo Đá Đẽo,” trong cuộc chiến vừa qua:
“Sinh ra trong một gia đình nghèo có bảy chị em. Là con cả, ngày ngày Ðinh Thị Thu Hiệp phải lo bắt tép, mò ốc đỡ đần mẹ cha nuôi các em khôn lớn. Ðến tuổi thanh niên, chị theo phong trào ‘Ba sẵn sàng’ xung phong lên đường, nhưng địa phương không duyệt vì thân hình quá nhỏ. Không còn cách nào khác, chị đã viết đơn vào trận tuyến bằng máu với tất cả tình cảm thống thiết để được kết nạp vào đội hình TNXP và được phân công về làm nhiệm vụ ở đèo Ðá Ðẽo. Ngày đó, đèo Ðá Ðẽo được xem như lằn ranh giữa sự sống và cái chết, là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược 15A vào Nam. Từ năm 1967, không quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, vùi lấp đèo Ðá Ðẽo, Ðinh Thị Thu Hiệp đã không ngần ngại bám sát mặt đường từng ngày, từng giờ, đếm từng quả bom rơi, vác từng thùng đạn chạy băng qua bãi bom nổ chậm. Chỉ nặng chưa đầy 40 kg nhưng lúc đó vác trên mình những kiện hàng, thùng đạn vượt bãi bom dài hơn cây số chạy băng đến điểm tập kết an toàn.
Cuối năm 1967, khúc cua 516+300 mái phía tây đèo Ðá Ðẽo thường xuyên trúng bom nổ chậm, nhiều người không có kinh nghiệm tiếp cận bom đã thiệt mạng. Cấp trên giao Ðinh Thị Thu Hiệp chốt giữ trọng điểm nóng đó nhằm bảo đảm thông tuyến nhanh nhất cho xe ra tiền tuyến.


tnt2Ngày đầu tiên, một quả bom nổ chậm rơi đúng tim đường. Lập tức chị yêu cầu mọi người tản ra xa, một mình chị vào kích nổ quả bom. Khi công việc hoàn thành, vừa trở ra khoảng 150 m thì bom nổ, chị bị sức ép khiến một tai bị điếc. Một lần khác, một đoàn xe chở hàng ra mặt trận bị ứ lại do vướng bãi bom ở chân đèo Ðá Ðẽo. Mọi người chưa biết làm sao thông tuyến, trong khi tiếng gọi chiến trường đang hết sức cần kíp thì chị Hiệp đã nhanh trí, quyết định biến mình thành cọc tiêu sống đưa đoàn xe 20 chiếc vượt qua bãi bom an toàn…
Sau những thành tích trong chiến tranh, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1972. Hòa bình, chị trở về sống bình dị với ruộng nương, xóm làng…” (Hương Giang. “Cọc Tiêu Sống Trên Đèo Đá Đẽo.” Nhân Dân 7 July 2010.)


Có vô số những chị Đinh Thu Hiệp (khác) đã vùi thây trong bom đạn, hoặc không bao giờ còn có thể “trở về sống bình dị với ruộng nương, xóm làng …” mà nhà báo Hương Giang không biết hay không … dám biết.

Các chị bị lãng quên, và chỉ được nhắc đến – với rất nhiều xót sa, cùng với sự trân trọng – bởi một người ngoại cuộc (*) bằng một thiên tiểu luận [Trực Diện Với Cái Chết Và Nỗi Đau: Vấn Đề Thanh Niên Xung Phong Trong Chiến Tranh Việt Nam (1950-1975)] đã được Phương Hoà chuyển ngữ, và đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas. Chúng tôi xin phép ghi lại vài trích đoạn – ngăn ngắn – để rộng đường dư luận, cùng với ước mong được xem đây như một lời tri ân để gửi đến tác giả, cùng dịch giả:
- Đối với những thiếu niên-lính này (thậm chí trong một vài trường hợp là trẻ em-lính), vũ khí chỉ là cuốc chim đơn giản, xẻng lớn và hành trang trí thức ít ỏi mang theo người chỉ là vài năm học sơ cấp ở trường. Họ gặp nhau và chỉ trong mấy ngày là bị đẩy ra tuyến lửa. Không có kiến thức quân sự, tất cả họ đều được huấn luyện tại chỗ như câu khẩu hiệu “Khắc làm, khắc biết” đã tóm ý. Đối với những học sinh nữ ở các thành phố chẳng biết gì ngoài việc cầm bút, tham gia các công việc lặt vặt trong gia đình, hay còn được mẹ nuông chiều và ban đêm vẫn còn sợ ma thì sự hụt hẫng của họ thật dữ dội. Sau khi được tập hợp và biên chế thành đơn vị, những TNXP được nhanh chóng gởi ra tuyến lửa.

- Giống như các đồng nghiệp ở Liên Xô, phụ nữ Việt Nam không những không bị cấm ra mặt trận, mà còn ở ngay chính giữa mặt trận. Các cô gái TNXP trực tiếp tham gia chiến đấu, đặc biệt là trên đường mòn HCM, nơi có sự hoà nhập nhất với quân chủ lực, và với những người trong đội TNXP Giải phóng miền Nam thì chiến đấu là nhiệm vụ chính thức. Như chúng ta thấy, trong phần lớn thời gian, ranh giới giữa bộ đội nơi tiền tuyến và các lực lượng hậu cần không hề tồn tại. Việc lực lượng hậu cần cũng hứng chịu lửa đạn là chuyện bình thường của mọi cuộc chiến, nhưng trường hợp Việt Nam trở nên đặc biệt do một số lý do: độ tuổi tuyển mộ quá trẻ, họ gần như hoàn toàn không được chuẩn bị chút nào, và cách thức quản lý thuần chính trị và quân sự được áp dụng với họ. Sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và cựu cán bộ TNXP bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đau đớn khủng khiếp thường nhật của các cô gái làm việc cùng họ, hoặc dưới quyền họ, phải chịu đựng. Nhưng tất cả bị tấm màn im lặng phủ kiến, bởi người ta muốn đây phải là cuộc chiến tranh nhân dân.

Một mái nhà ở “xóm không chồng.” Nguồn ảnh: Báo Mới

Sau “cuộc chiến tranh nhân dân” kể trên – nếu sống sót – những cành lan trong rừng cháy, những đoá hoa nhầu nát, hay những quả chanh khô (theo như cách nói của đời thường) sẽ trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!(Một mái nhà ở “xóm không chồng.” Nguồn ảnh: Báo Mới)

Và cái lọai “chiến tranh nhân dân” (bất nhân) này vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam với những ngư dân làm cột mốc sống giữa biển khơi, thay cho những thanh niên xung phong (như cột tiêu sống) trên mọi nẻo đường đầy dẫy bom đạn – giữa thế kỷ trước. Và ai mà “lỡ dại” lên tiếng than phiền về thái độ vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền thì thế nào cũng bị nhốt tù, như trường hợp của nhà báo Tạ Phong Tần:

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên cho hay: “Thời gian vừa qua, đặc biệt hơn 10 ngày nay, tàu cá TQ xâm phạm nhiều lần trong vùng biển nước ta. Theo thông tin ngư dân báo về, trung bình mỗi ngày vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến quần đảo Trường Sa có từ 120 đến 150, cá biệt có những ngày lên đến hơn 200 tàu cá TQ khai thác trong vùng biển nước ta”.
Cái đau của người Việt Nam là thông tin này do “ngư dân báo về” chớ không phải do Hải quân hay Cảnh sát biển phát hiện. Câu “ngư dân báo về” khiến người đọc hình dung ra bối cảnh lúc đó ngư dân với những chiếc tàu nhỏ bé trang bị thô sơ đang ở ngoài biển xa đối mặt với tàu to đùng tối tân của Trung Quốc, còn lực lượng có chức năng bảo vệ ngư trường, ngư dân và lãnh hải thì ngồi trong bờ… chờ nghe báo cáo.

Tôi không rõ những vị lãnh đạo đất nước Việt Nam hiện nay như qúi ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, ông Trung Tướng Thứ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm , hay ông Đại Tá Nguyễn Trọng Huyền có bị vấn đề về não bộ hoặc trí nhớ hay không nhưng tôi biết chắc (chắn) điều này: cái thời mà qúi vị huyễn hoặc và lừa mị để đẩy dân Việt vào chỗ chết (rồi thản nhiên phủi tay) đã qua rồi. Không ai có thể lường gạt mọi người mãi mãi.

Tưởng Năng Tiến
—————-
  (*) Chú thích của talawas: François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.

@danchimviet