Saturday, September 26, 2009

Người Việt tị nạn CS


Cảm tưởng của Luật sư Trúc Celine Phạm
nói trước các chính trị gia Đức, và hơn 1200 người tham dự
trong ngày khánh thành Tượng Đài Tỵ nạn CS tại Hamburg 12/9

Kính thưa Ông Bà Tiến sĩ Neudeck,
kính thưa quí vị Quan khách,

Tôi tên là Trúc Celine Phạm, một trong những cựu thuyền nhân may mắn đã được tàu Cap Anamur cứu vớt. Tôi hiện đang sống với ba mẹ và ba chị em ở Hamburg. (Hình bên phải:Luật sư Trúc mặc áo màu đen đứng cạnh chủ tịch Nguyễn Hữu Huấn, chị của Trúc là Tâm mặc áo dài trắng)

Tôi thường bị hỏi, do đâu mà tôi đã đến Hamburg, thế là tôi phải ngược về dĩ vãng và kể lại chuyến vượt biên bi thảm thoát khỏi Việt Nam của chúng tôi bằng chiếc thuyền gỗ nhỏ, chật cứng với những người vượt biên khác. Và lúc ở trong Vịnh Thái Lan, ghe chúng tôi đã bị những ghe cướp bao vây và bị cướp như thế nào, khi các người đàn ông, thanh niên bị cưỡng bách rời khỏi ghe (trong đó có cả ba tôi) và lại lúc ấy, sự may mắn không ai ngờ đã đến, chiếc trực thăng của tàu Cap Anamur từ chân trời bỗng dưng xuất hiện và đã đuổi bọn cướp biển chạy đi và cũng nhờ đó, chúng tôi đã thoát chết ở những giây phút cuối cùng.
Sự kiện này chỉ được tóm gọn lại trong vài dòng chữ, nhưng dư hưởng của nó đã làm cho tôi nhận thức được, nếu tôi để tâm suy nghĩ thêm một chút. Gia đình tôi đã gặp may mắn là nhờ có những con người đã động tâm khi nhìn thấy sự nguy khốn của tha nhân, và với sự động tâm đó họ có thể làm thay đổi được nhiều sự kiện.

Vào năm 1980, khi ba mẹ tôi dẫn chị tôi và tôi vượt biên khỏi Việt Nam, với hy vọng cho hai chúng tôi sẽ được lớn lên trong một đất nước, nơi chúng tôi có đầy đủ điều kiện được phát triển TỰ DO, trong tư tưởng cũng như trong hành động.

Tôi chỉ có thể đoán rằng, sự quyết định lúc ấy của ba mẹ tôi khó biết là dường nào, khi họ phải bỏ lại gia đình, nhà cửa, cũng như cuộc sống nơi đó, để mạo hiểm bước vào một tương lai bấp bênh, đến một thế giới xa lạ.

Vâng cái thế giới xa lạ ấy, nơi chúng tôi bỗng nhiên đã có mặt. Tôi còn nhớ, khi chị tôi và tôi lần đầu tiên đã nhìn thấy tuyết trắng xóa và chúng tôi đã cố gắng chụp bắt những hoa tuyết bay bayHoặc là khi chúng tôi gặp „ông già Noel“ lần đầu tiên và khi nhìn thấy hình tướng của ông, thú thật, chúng tôi cảm thấy sợ hơn là vui mừng. Một cảm giác đẹp khôn tả đã đến với chúng tôi, với cặp mắt mở to, miệng thì há rộng khi đứng trước cây Giáng sinh thật đẹp với đầy quà tặng. Cái thế giới xa lạ đầu tiên ấy cũng đã trở thành thế giới của chúng tôi.

Sau khi được cứu vớt nhờ tàu Cap Anamur, qua sự bốc thăm, quê hương thứ hai của chúng tôi đã được xác định: Hamburg. Qua nhiều chứng minh trong quá khứ, là tôi đã luôn không được may mắn trong việc bốc thăm, nhưng điều này chắc phải xét lại: Không những chỉ riêng thành phố Hamburg mở vòng tay chào đón chúng tôi, một thành phố tuyệt đẹp và đa dạng mà còn có những người đáng yêu đã và đang giúp đỡ chúng tôi không vụ lợi qua những lời khuyên nhủ, cũng như qua những hành động cụ thể.

Tổ chức Cap Anamur đã thành công trong thời điểm đó, chiếm được cảm tình của nhân dân Đức qua mục tiêu nhân đạo, trong việc kêu gọi sự thông cảm cần thiết và sự tự nguyện giúp đỡ của người dân Đức. Thí dụ như sự phối hợp với tờ báo „ Hamburger Abendblatt“ để tìm những nguời bảo trợ cho các gia đình tị nạn có con trẻ, qua đó từ những ngày đầu, chúng tôi đã quen được với gia đình Zibell, gia đình này, từ 30 năm qua đã có mặt trong mọi tình huống với chúng tôi như chung trong một gia đình. Và cũng đã nẩy sinh thêm biết bao nhiêu tình bạn thắm thiết, từ trường học, láng giềng, trong đại học, qua nghề nghiệp cũng như ngoài đời. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi được hạnh phúc khi có được những người đáng yêu này.

Tôi hiện đang sống ở Barmbek, làm việc tại hãng Beiersdorf, thích món ăn Labskaus và mỗi khi có dịp, cũng đi xem các trận đá bóng của đội banh St. Pauli. Tuy nhiên, khi tôi cảm nhận Hamburg là quê hương tôi, đó là phát sinh từ những bối cảnh, do những người chung quanh hằng ngày đã tặng tôi cái cảm giác là tôi cũng thuộc vào đó.

Hiện giờ tôi đang nói Hamburg như là quê hương mới của tôi và tôi không thể không nhắc đến, cạnh đó còn có quê hương xưa của tôi. Việt Nam là quê cha, đất tổ, Việt Nam là nơi tôi đã được sinh ra. Vì khi rời khỏi Sài Gòn, tuổi tôi còn rất nhỏ, nên trong một thời gian dài tôi đã tưởng rằng, trong tim tôi chỉ có chỗ cho một thành phố quê hương thôi. Nhưng hôm nay, tôi có thể nói ra với đầy hãnh diện rằng, trong tôi đang có hai quả tim đang đập: cho hai thành phố, mỗi thành phố có mỗi cách riêng của nó, đều tạo cho tôi cảm giác đẹp là tôi đang ở trên quê hương tôi. Buổi tổ chức hôm nay là một cơ hội tuyệt vời cho người Việt chúng tôi được nói lên lời tri ân sâu sắc nhất đến ông bà Tiến sỉ Neudeck, các quan khách tham dự và nhân dân Đức.

Trước hết, chúng tôi xin cám ơn đến tất cả những người bạn và những người quen biết- đặc biệt, tôi xin cám ơn người bạn đời của tôi, anh rể tôi và gia đình của họ - về sự cởi mở đối với những đặc thù Việt Nam và sự rộng lượng khi đụng phải sự „bướng bỉnh“ đầy Việt Nam tính của chúng tôi.

Hơi riêng tư một chút, chị em chúng tôi cũng muốn chân thành cám ơn ba mẹ chúng tôi, hai người đã vì tương lai chúng tôi, cố gắng bền bỉ và đã hy sinh nhiều cho chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng và tri ân, hai người đã giáo dục thận trọng cho chúng tôi biết gìn giữ những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, nhưng bên cạnh đó hai người cũng đã cho chúng tôi những tự do cần thiết để chúng tôi có điều kiện hội nhập và phát triển ở Đức được.

Kế đến, lời cám ơn của chúng tôi xin gửi đến chính quyền và nhân dân Đức, những người đã hợp tác với dự án của Tiến sĩ Neudeck và sự yểm trợ tài chánh lớn lao của nhân dân Đức, nhờ đó những chuyến Cap Anamur mới có thể thực hiện được.

Sự tri ân thật đặc biệt của chúng tôi ngày hôm nay, xin gửi đến ông bà Tiến sĩ Neudeck, vì con tim, vì sự can đảm và vì sự bền chí của ông bà. Với tổ chức Cap Anamur, ông bà đã cứu sống hơn 10.000 người Việt và đã tặng họ cũng như các thế hệ kế tiếp của họ một đời sống trong tự do.

Xin ông bà nhận từ chúng tôi, những người đã được cứu sống nhờ qua lý tưởng trọn đời cho nhân bản của ông bà, lòng tri ân sâu sắc nhất.

Hamburg, ngày 12.09.2009

Vài dòng tiểu sử về Trúc Celine Phạm:

Sinh ngày 09.08.1976 tại Sài Gòn-Việt Nam
Đầu năm 1980, lúc 3 tuổi cùng cha mẹ và người chị (5 tuổi) vượt biên thoát khỏi Việt Nam và từ tháng 6 năm 1980 được định cư tại Hamburg, Đức Quốc
1983 – 1996 : Tiểu học và Trung học tại Hamburg
1996 : Tốt nghiệp Trung học
1996 – 2002 : Học tại Universität Hamburg khoa Luật
2002 : Tốt nghiệp kỳ thi Luận án Quốc gia Kỳ I
2002 – 2004 : thực tập tại các Văn Phòng Luật sư và các Đại Công ty thương mãi
2004 – 2006 : Luật sư thực tập tại Tiểu Bang Schleswig Holstein ở nhiều bộ phận chuyên môn trong Tòa án, tại các Công sở, các hãng Bảo hiểm, Văn phòng Luật sư tại Newyork – USA
2006 : Tốt nghiệp kỳ thi Luận án Quốc gia Kỳ II
2006 – nay : làm Luật sư của Đại công ty Beiersdorf AG

Nguồn lyhuong.net