Sunday, January 9, 2011

Anti DDoS


Một cuộc chiến “không quy ước” khác

Điều không thể nào chối cãi, bên kia, dường như một đoàn quân tin tặc chuyên nghiệp làm việc cho chính phủ độc tài Việt Nam – những người nhất định bóp nghẹt tiếng nói không cùng chính kiến. Bên này, một cậu bé vũ trang bằng iPhone, thỉnh thoảng có thêm cái MacBook, đang len lỏi qua những ngõ ngách phức tạp trên internet.

Thiếu niên ấy là Christopher Tran, 14 tuổi, đã đến góp tay đưa DCVOnline qua khỏi những đợt tấn công “từ chối dịch vụ” dồn dập và kịck liệt nhất của tin tặc Việt Nam.

Đợt tấn công đầu tiên vào trang DCVOnline xẩy ra vào ngày 18 tháng 12, 2010. Chỉ vài phút sau toà soạn nhận được từ nơi cung cấp dịch vụ thông báo phải khoá cổng trang nhà. DCVOnline phải tạm thời offline. Dữ liệu ở máy chủ cho biết nhóm tin tặc đã huy động 8.000 IP (8.000 máy tính) khắp nơi trên thế giới, trong đó có 4.900 IP tại Việt Nam.

Hôm sau, 19 tháng 12, theo yêu cầu của DCVOnline – nghĩ rằng cuộc tấn công của đã xong – công ty cung cấp dịch vụ đưa tờ báo online trở lại. Chỉ sau vào phút, toà soạn DCVOnline nhận được một thông báo khác, “các bạn phải đưa trang báo đi nơi khác”.

Trong vài ngày sau đó, DCVOnline trở thành tờ báo di cư. Ba trại tạm cư, một ở Anh Quốc (England), một tại Đức (Germany), và một ngay tại Hoa Kỳ. Cả ba đều quảng cáo là nơi cung cấp dịch vụ internet có khả năng nảo vệ khách hàng không bị các cuộc tấn công DDoS.

Tuy nhiên, những cuộc tấn công vào DCVOnline quá dữ dội và lớn ngoài sức chịu đựng, tất cả hệ thống mạng và máy chủ của ba công ty cấp dịch vụ chống DDoS vưa kể đều đã sụp đổ.

Dữ liệu từ máy chủ ở England ghi lại hơn 34 triệu lần truy cập vào DCVOnline trong một ngày. Cuộc tấn công trong hai ngày đó đã dùng mất 100 Gigabit, 1/5 số lượng băng thông (bandwidth) mỗi tháng của DCVOnline. Công ty cung cấp dịch vụ đã phải tạm thời đưa DCVOnline vào địa chỉ không có trên mạng internet, nghĩa là DCVOnline phải tạm trú trong “vùng tối” của vũ trụ. Lần này DCVOnline không bị “đuổi nhà” nhưng trang báo kể như đã chết.

Toà soạn DCVOnline ghi thông báo cáo lỗi với bạn đọc trên trang blog Google và cùng ngồi lại vẽ những bước đi sắp tới.

Dọn nhà đến một máy chủ khác không còn là một chọn lựa có thể dùng được nữa. Ba trại tạm cư sau cùng đã chứng minh đó là giải pháp chỉ làm mất thời gian. Dọn vào một máy chủ của riêng mình với khả năng chống chọi với DDoS là một lựa chọn có thể làm được nhưng lại đưa DCVOnline một thử thách khác. Đó là cái khó khăn ở mặt tài chính. Vài trăm đô-la phải chi dùng hàng tháng (cho máy chủ) là cả một gia tài cho những trang báo cổ-suý-tự-do-ngôn-luận-ngân-sách-tiểu-ly như tờ DCVOnline.

Với một máy chủ có khả năng chống DDoS, “chúng ta chỉ có đủ tiền chi trả vài tháng thôi,” người phụ trách tài chánh cho hay. “Thế thì cứ trả tiền vài tháng; sau đó mình sẽ về lại chung cư,” người trưởng toán tuyên bố. Cuộc thảo luận tiếp tục; sau cùng chúng tôi tạm đưa DCVOnline về một nơi an toàn trước khi quyết định bỏ tiền chi cho máy chủ chống DDoS.

Khi vẫn đang ở gian đoạn chuẩn bị cho bước sắp đi thì Christopher xuất hiện. Chú bé thường đến nhà chơi với những đứa cháu trai và gái của tôi từ khi mới 4, 5 tuổi. Ai cũng biết Chris thích làm việc với máy tính, theo lời Ba của Chris, “thường thức khuya” ngồi trước computer. Oscar, cháu tôi, cách đây một hay hai năm gì đó đã nói rằng Chris đã tự làm website và để trên máy chủ của mình. “Đúng rồi Cô, Chris có một máy chủ để ở Florida,” Oscar nói. Câu chuyện ngừng ở đó và tôi băn khoăn tự hỏi tại sao một chú bé 12 tuổi ở miền Trung Tây Hoa Kỳ lại để máy chủ của minh nằm tại Florida, không biết rằng có ngày mình sẽ phải tìm đến cái máy chủ này.

Sau Thánh lễ đêm Giáng sinh, đứng ở sau nhà thờ của xứ đạo của chúng tôi, tay cầm iPhone, Chris đang chuẩn bị dọn DCVOnline về máy chủ của mình ở miền Nam nước Mỹ.

Nhưng đây vẫn chỉ là đáp án tạm thời vì cuộc tấn công vẫn diễn ra tới tấp. Vài ngày sau đó Chris đã cùng làm việc với chúng tôi để thiết kế và thực hiện một kế hoạch tương đối khá tinh vi để chống trả lại cuộc tấn công khổng lồ và giữ trang DCVOnline online.

DCVOnline được đưa vào trong “Mây”, hay nói một cách văn vẻ thì “DCVOnline Lên Mây”.

Đứng sau những người khổng lồ

Trước nhất, chúng tôi đưa tên miền www.dcvonline.net đến một trang trên Google Blog. Tất cả mọi người tìm đọc (hay tìm đánh) DCVOnline sẽ được đưa đến Google – với cơ sở hạ tầng có khả năng chống đỡ tất cả những cuộc tấn công DDoS, bất kỳ ở mức độ nào. Dữ liệu của chúng tôi cho biết có 14 triệu pageviews (lần xem 1 trang) trong vòng 2 ngày.(Hình phải : DCVOnline Lên Mây Nguồn: DCVOnline)

Từ trang Google Blog, bạn đọc (người thực thay vì máy tính) được mời đến một trang xác minh đặt ở máy chủ trên Tầng Mây Amazon (Amazon Cloud) rồi sau đó vào đến trang DCVOnline cũng ở trên Mây.

(Đến đây người dịch chợt nhớ đến câu chuyện thời chiến tranh năm nào. Ngày đó giới tuyên truyền của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Công hoà thường kể chuyện phi công Phạm Tuân, nay là Trung tướng, lái Mig-21, tắt máy núp trên mây đợi máy bay B-52 [Mây đen] của Mỹ tới bắn. Lịch sử oái oăm! Ngày nay DCVOnline, một loài chim Việt, bay vào Mây của Mỹ để tránh đạn của các đồng chí của Trung tướng Phạm Tuân. Tuy nhiên, Lên Mây lần này là chuyện có thật không phải là tuyên truyền huyễn hoặc. – TM).

Chỉ nửa tiếng sau khi DCVOnline đã “lên Mây”, nhóm tin tặc cũng đã phải đổi chiến thuật để tiếp tục tấn công. Lần này tin tặc đã ra lệnh cho botnets ở Việt Nam bỏ cổng tên miền đặt ở trang Google Blog và đánh thẳng vào DCVOnline đang đặt ở tầng Mây Amazon. Mặt khác, theo dữ liệu của Google cung cấp, tất cả những người máy (botnet) mà tin tặc có ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang tiếp tục tấn công vào “mặt trận” Google Blog với cường độ 500,000 pageviews mỗi ngày.

Một lần nữa, điều này cho thấy tin tặc Việt Nam quyết tâm đánh sập DCVOnline. Tin tặc đã phải viết lại chương trình chỉ để tấn công vào một cổng http à chúng tôi vừa cài đặt 15 phút trước đó. Ai ở Việt Nam, nếu không phải là chính quyền hiện tại, có quyền lực và vật lực điều động hàng ngàn máy tính để mở cuộc tấn công DDoS mới chỉ trong vòng vài phút?

Chúng tôi đi thêm một bước xa hơn chút nữa; Chris viết một loạt mệnh lệnh (script) cho thay đổi số cổng http, không theo một thứ tự nào, khi có dấu hiệu tin tặc đang bắt đầu đợt phá hoại mới.

Chúng tôi cũng tạo ra nhiều sub-domain (miền phụ) với địa chỉ IP khác nhau để di chuyển trang chính ngay khi tin tặc đã tìm được IP hiện sử dụng. Cuộc chiến này không khác với trò mèo đuổi chuột; và chúng tôi tin rằng DCVOnline có thể đổi địa chỉ IP và cổng http nhanh hơn nhóm tin tặc có thể viết lại chương trình và ra lệnh cho người máy tiếp tục đánh phá vào DCVOnline, ngay cả khi tin tặc đang làm chủ hàng ngàn máy tính cùng một lúc như hiện nay.

Bài học thu gặt được

Đứng sau những người khổng lồ như Google Blog và Amazon Cloud trong cuộc chiến này không phải là sáng kiến của chúng tôi. Đây là sáng kiến của Ethan Zukerman và các đồng nghiệp của ông đã đề xuất qua bản báo cáo nghiên cứu về chủ đề những cuộc tấn công vào các trang báo cổ suý Nhân quyền và Dân chủ. Bản báo cáo này đã phổ biến ngày 22 tháng 12, 2010. (“Distributed Denial of Service Attacks Against Independent Media and Human Rights Sites”, Ethan Zuckerman, Hal Roberts, Ryan McGrady, Jillian York, John Palfrey. The Berkman Center for Internet & Society at Harvard University, December 2010).

Mở cuộc tấn công DDoS, về mặt kỹ thuật, là chuyện đơn giản nhưng bảo vệ một trang web chống đỡ lại DDoS attack là một thử thách lớn, đặc biệt đối với những trang báo có ngân sách hoạt động rất giới hạn. Những trang báo cổ suý dân chủ nhân quyền thường thuộc vào web loại vừa kể.

Giặc tấn công, dù có người và của ở mức khổng lồ do đàn anh như chính quyền Việt Nam hiện nay cung cấp cũng không thể đánh đổ hạ tầng cơ sở mạng của Google hay Amazon. Như thế, đưa tờ báo vào tầng Mây Amazon còn cho phép chúng tôi có quyền sở hữu nhiều máy chủ riêng cho DCVOnline với một số chi phí rất ít so với phí tổn phải chi cho một máy chủ riêng – loại thông thường.

Hai tuần trước đây chúng tôi vẫn còn trong thảo luận nên hay không dùng hết nguồn tài lực để giữ DCVOnline được “sống” thêm vài tháng. Hôm nay, chúng tôi đã có vài máy chủ có khả năng như thế đặt ở Amazon Cloud và vẫn còn chút đỉnh để phòng khi trái gió trở trời.

Trên thực tế, và nhờ vào loạt tấn công 2010-2011 này, DCVOnline hôm nay đã có cả cánh đồng web đặt trên tầng Mây Amazon. Nếu tin tặc đánh sập một máy chủ, chúng tôi sẽ đưa máy chủ khác vào hoạt động trong giây khắc (hay nhanh như tốc độ của ngón tay của Chris có thể di chuyển trên mặt iPhone).

Cuộc chiến vẫn còn

Chính phủ Việt Nam, cũng như những chế độ độc tài khác trên thế giới, sẽ không bao giờ ngưng bóp nghẹt tự do ngôn luận. Đợt tất công DDoS khổng lồ vào DCVOnline, bắt đầu từ 18 tháng 12, đã tiếp tục qua suốt cuối tuần lễ Giáng sinh và Năm mới. Cuộc tấn công đó sẽ còn tiếp tục kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sắp tới nữa. Cuộc đấu tranh giành quyền tự do được nói, được viết, được phê bình, để lên tiếng trên mạng lưới toàn cầu hôm nay còn có cả quyền được hoạt động trên mạng (online). Kỹ thuật và công nghệ thông tin, dù đã cho kẻ địch tự do mở hàng loạt các cuộc tấn công vào chúng ta, vẫn đang ở cùng phía với lẽ phải.

Nếu một thiếu niên 13 tuổi, chỉ với một iPhone trong tay, có thể đẩy lùi những đợt tấn công mãnh liệt của một đoàn quân tin tặc với hàng ngàn máy tính khắp nơi trên thế giới, thì chúng ta vẫn còn lý do để tin rằng tự do ngôn luận trên mạng lưới toàn cầu, cuối cùng, sẽ chiến thắng.(Hình phải : Vũ khí chống DDoS Nguồn: DCVOnline)

Một thế hệ người Mỹ gốc Việt Nam khác ở Hoa Kỳ đã nhập cuộc đấu tranh. Chris có thể không đọc được những bài viết đăng ở DCVOnline, nhưng khái niệm làm những gì trong tầm tay để giữ trên mạng một trang báo mà cha mẹ của Chris thích đọc đã quá đủ để thúc đẩy em làm việc suốt những ngày nghỉ mùa đông khi chúng bạn đang thảnh thơi không phải bận tâm đến bài vở.

Trong lúc này, DCVOnline đang trở lại hoạt động, và chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho mặt trận sắp tới.

Tina Torok
Trà Mi lược dịch
Chicago, ngày đầu năm 2011
Nguồn dcvonline
Đọc thêm nguyenvanluc