Ông Bụt
Văn học thế giới từ ngàn xưa đã có biết bao vần thơ và áng văn hoài niệm, tán tụng cũng như kể khổ về những mối tình đầu. Những cuộc tình trai gái có đôi mắt khóc, có đôi mắt cười. Những cuộc tình tắm gội trong hạnh phúc và những cuộc tình đầy nước mắt đau thương. Tuổi thanh xuân của tôi không có những mộng mơ và cũng chẳng có những rụt rè hay sôi nổi của một mối tình. Gia đình tôi nghèo quá, bụng dạ lúc nào cũng đói, một bát cơm vun đầy với miếng cá kho mặn chát cũng chỉ là giấc mơ. Chiếc áo vá chằng vá chịt che tấm thân da bọc xương như một bóng ma lởn vởn chui ra chui vào túp lều rơm ngập ngụa ruồi nhặng. Nhưng tôi cũng có một cuộc tình đầu đời, không phải với một người con gái đẹp như trong tranh vẽ nhưng ngày cũng như đêm lúc nào tôi cũng mộng cũng mơ được nhìn thấy, được ngửi mùi thơm và được ăn một bát phở.
Trong cái đầu óc quê mùa và lại quá nghèo khổ, tôi vẫn chưa hình dung ra được bát phở như thế nào, ngay cả chưa được nhìn hình ảnh một bát phở. Tôi hoàn toàn không biết cái hình dạng cũng như mùi vị của bát phở mà chỉ được nghe phong phanh là thơm lắm, ngon lắm. Ăn một bát phở là người ngợm phổng phao xinh đẹp hẳn ra, sức khoẻ chẳng thua gì ông Hạng Võ ở bên Tầu. Chẳng biết từ đâu và vì một cơ duyên nào mà tôi lại biết trong các món ăn của con người ta lại có một thứ được gọi tên là phở. Bởi vì ngay cả những ngày lễ tết thì tôi cũng chẳng được nhấm nháp cái gì khác hơn mấy quả cà pháo muối với bát rau muống luộc. Nói đến chuyện được ăn một bát phở thì cũng chẳng khác nào chuyện lên cung trăng rửa chân cho chị Hằng Nga.
Tôi mơ được ăn một bát phở trong giấc ngủ. Tôi ước ao được ăn một bát phở lúc trời vừa sáng. Hình ảnh bát phở mà tôi hoàn toàn không có lấy một tưởng tượng dù nhỏ nhoi cứ lởn vở trong tôi cả ngày cả đêm. Mối tình đầu đời của tôi không phải là những nụ cười rạng rỡ hay tiếng khóc hờn dỗi của một người đẹp mà là hình bóng và mùi vị của bát phở. Tôi chưa nhìn thấy bát phở lần nào để mà thương mà nhớ. Tôi chưa được ngửi thấy mùi vị bát phở ra làm sao để mà đợi mà mong, nhưng tôi yêu và mê phở lắm.
Mãi đến năm mười bẩy tuổi tôi mới được nhìn, được ngửi mùi thơm và được ăn phở. Cuộc cách mạng nhẩy vọt đi từ quả cà thâm và gắp rau muống đã ngả mầu vàng úa lên đỉnh cao của sự thèm khát là bát phở chẳng cần súng đạn mà cũng không có máu đổ thịt rơi. Tôi đã được âu yếm mời mọc bằng những lời lẽ thân thương đi ra tiệm phở và…Giời ạ! ở nơi chốn đó tôi đã được ăn hai bát phở, uống một chai xá xị. Cả hai thứ đồ ăn thức uống này là niềm mơ ước, là nỗi mộng mơ của tôi từ bao nhiêu năm rồi. Bây giờ tôi đã hạnh phúc ôm vào lòng. Phở và xá xị đã ở trong tôi và tôi đã thực sự trở thành một con người mới trong trời mới và đất mới.
Gia đình tôi quá túng bấn, cái ăn còn phải chạy vạy từng bữa rau cháo thì làm gì có tiền đi học. Tôi mơ được đến trường học với tất cả những hồn nhiên vui thú của tuổi học trò. Tôi ước ao được ẩn núp trong vòng tay yêu thương của thầy cô. Nhưng tôi đã không được đến trường và ngay cả không có đến một cuốn sách để học. Tôi làm công việc lau chùi chiếc xe gắn máy hiệu Puch cho một người cùng tuổi là học sinh một trường tư nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của tôi là phải giữ cho chiếc xe lúc nào cũng như còn để trong tủ kính, không dính một hạt cát. Đổi lại tôi được mượn đủ loại sách cần để học thi. Tôi tự học, tự tìm hiểu và nếu có gì bế tắc thì hỏi chủ nhân của chiếc xe, một học sinh con nhà khá giả nhưng tính tình lại rất hiền hoà. Tôi nâng niu, tôi o bế chiếc xe mầu đỏ chói chang như con ngươi trong mắt mình. Những buổi trưa trời nóng như đổ lửa, những buổi chiều mưa như trút nước, ngày thứ hai cũng như ngày chuá nhật, tôi lau chùi những bụi bặm trên chiếc xe còn hơn những ghẻ lở trên thân xác còm cõi mình.
Năm vừa mười bẩy tuổi, tôi nộp đơn thi tú tài phần thứ nhất thuộc thành phần thí sinh tự do là những học sinh không được nộp đơn thi bởi các trường công lập hay tư thục. Thí sinh tự do ngoài những học sinh gia cảnh nghèo túng không được đến trường, phần còn lại tất cả là quân nhân và công chức. Chúng tôi là một thứ con ghẻ, một loại “con bà phước” của trường thi. Các thí sinh được sắp xếp ngồi từng phòng theo tên gọi, nhiều khi vài ba người ngồi bên cạnh có tên họ giống hệt như nhau. Tôi ngồi cạnh một ông chắc đã trên ba chục tuổi. Chẳng biết là quân nhân hay công chức nhưng nhìn vẻ hiền lành điềm đạm của ông, tôi cũng thấy yên lòng. Cái chòi lá của gia đình tôi chỉ cách khu thị tứ đô hội của Sài Gòn chừng nửa tiếng đồng hồ đạp xe nhưng mà sao phố phường vẫn xa lạ như ở một nơi nào trên trái đất. Cảm giác rụt rè đến sợ hãi trong phòng thi mà đa số những thí sinh thuộc vào hàng tuổi cha chú lại càng làm cho tôi lo sợ hơn.
Bài thi buổi sáng của ngày thứ nhất là môn Việt văn trôi qua một cách bình thường. Chúng tôi thi ban toán nên bài toán buổi chiều mới chính là một quyết định. Sau khi nộp bài Việt văn, tôi đi ngang qua đường chỗ có những tàng cây cao và một hồ nước nhỏ lềnh bềnh những mảng lá khô. Vừa ngồi xuống một rễ cây to với một nắm xôi có chút muối vừng để dằn bụng chờ đến giờ vào lớp thì ông thí sinh ngồi cạnh tôi đã đi vội đến nói như ra lệnh:
“Đi ra tiệm ăn với tôi. Thanh niên mà có một nắm xôi thì bõ bèn gi.”
Cả đời tôi chưa bao giờ đứng trước cửa tiệm ăn chứ nói gì đến vào tiệm ngồi ăn món này món nọ. Nhưng tôi cũng biết rằng đi ăn ở tiệm thì phải có tiền nên vội vàng thưa:
“Cháu làm gì có tiền mà đi ăn tiệm.”
Ông thí sinh cùng tên cùng họ cúi xuống kéo tôi lên, lôi về phía chiếc xe Vespa nói:
“Cứ đi với tôi, tiền bạc thì đừng lo.”
Tôi ngồi lên sau chiếc xe. Lần đầu tiên được ngồi trên xe Vespa, tôi sướng đê mê. Qua vài dẫy phố, ông dừng lại trước cửa một tiệm phở, cầm tay dẫn tôi đi vào trong tiệm. Mùi đồ ăn thức uống ùa vào mặt mũi, tôi thấy dễ chịu và tươi tỉnh hơn. Đến một cái bàn trống, tôi lớ ngớ chẳng biết làm gì thì ông bảo:
“Ngồi xuống đi, ăn phở cho có sức mà thi toán. Phở chín hay tái?”
Nếu ông đưa ra một phương trình lượng giác, không cần giấy bút tôi cũng có thể tính nhẩm và có một đáp số chính xác. Câu hỏi “tái hay chín” thì tôi xin chịu. Bởi vì lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ lạ lẫm này. Thấy tôi không trả lời, ông đứng lên đi đến quầy hàng nói chuyện với bà chủ tiệm. Trong lúc ngồi chờ, ông nhỏ nhẹ bảo tôi sau khi nhận đề thi toán thì ráng làm thật nhanh trên giấy nháp và để ngay bên cạnh để có gì ông sẽ “giúp ý kiến”. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ vâng dạ theo ý ông. Ông dặn đi dăn lại, cứ thế mà làm.
Nhà hàng bưng ra hai bát to, hơi nóng bốc lên mùi vị thơm ngào ngạt. Đến bây giờ thì tôi đã được nhìn thấy hình thù bát phở và được ngửi mùi phở. Tôi nhìn người gia ân cho mình. Ông làm gì thì tôi cũng làm theo như vậy. Ông với miếng chanh vắt vào bát phở, rắc chút hạt tiêu, ngắt mấy lá rau thơm bỏ vaò bát phở. Ông bắt đầu ăn và tôi cũng làm theo. Húp một thìa nước phở loáng thoáng những hạt mỡ vàng rộm điểm vài nhát hành xanh rờn. Thơm ngon quá sức. Những con tì con vị trong cơ thể tôi bao năm ngủ vùi với cà thâm và rau muống vàng úa như được đánh thức dậy trong một ngày nắng với hoa lá xinh tươi.. Cắn miếng thịt mỡ, chất béo ùa vào tận chân răng như sinh khí của Trời Đất ôm ấp cả thân mình. Mùi thơm của lá ngò gai, vị cay nhạt chỉ đủ tê đầu lưỡi của lá húng quế quyện vào mùi béo ngậy của miếng thịt là cả một phối trí tinh xảo. Một sắp đặt nghệ thuật trên cả tuyệt vời.
Tôi như hổ đói vồ được con mồi. Chỉ một thoáng bát phở đã hết sạch. Tôi bưng bát phở lên húp chút nước còn đọng lại dưới đáy bát. Trong khi đó thì ân nhân của tôi vẫn phải đánh vật một cách khó nhọc gắp lên rồi lại thả những sợi bánh phở xuống bát một cách quá hờ hững như đang có một lo nghĩ to lớn. Ông nhìn tôi, có vẻ khẩn khoản:
“Ăn bát nữa nhé?”
Bụng tôi như mở hội nhưng lại chẳng dám trả lời. Tuổi mười bẩy ăn cả nồi cơm to còn thòm thèm thì vài ba bát phở có nhằm nhò gì. Ông lại đứng lên ra quầy hàng nói với chủ tiệm. Lúc quay về, một tay cầm một ly nước đá, tay kia có chai nước mầu nâu đậm mà sau này tôi đưọc biết tên là xá xị. Ông ngồi xuống ghế, rót chai nước vào ly rồi đẩy sang phía tôi cũng vừa lúc người đàn bà chủ tiệm bưng ra một bát phở. Bây giờ tôi đã quen nước quen cái, đã biết ăn phở mà không cần phải ngó ngàng trước sau để học kiểu học cách ăn sao cho đúng điệu. Tôi lùa những miếng phở ngai ngái mùi thơm của mỡ bò và rau thơm thật mạnh bạo. Miếng nào ra miếng nấy. Hành ngò bám chặt vào miếng thịt vừa chín tới, cắn ngập răng mà thân xác như bay bổng chín tầng mây. Chỉ vài ba phút, bát phở đã sạch ngoén.
Còn gần nửa tiếng nữa mới đến giờ vào phòng thi. Chúng tôi trở về gốc cây ở một khoảng đất trống bên kia địa điểm thi. Tôi ngồi cạnh người đàn ông hào phóng mới quen biết nghe nhắc nhở những gì phải làm cho bài thi toán. Lúc vào phòng thi, ông cũng không quên nói lại một lần nữa. Đề thi toán năm nay là một bài hình học có hai câu hỏi lượng giác. Xem qua đề thi, tôi an tâm thở dài nhẹ nhõm vì đề thi không có gì khó mà phải nói là quá “ngon ăn”. Tôi bắt đầu làm bài trên giấy nháp, viết rõ ràng mạch lạc rồi cẩn thận đóng khung các đáp số. Tôi để tờ giấy nháp sang bên cạnh. Mấy phút sau, vị giám khảo đi vội ra ngoài hành lang và người cho tôi ăn hai bát phở uống một chai xá xị đã không bỏ lỡ cơ hội vội vàng đổi tờ giấy nháp của tôi với tờ giấy nháp của ông. Tôi sợ tái người, nhỡ mà giám khảo bắt được là bị đuổi thi. Nhưng tôi hơi yên lòng vì giám khảo đi ra ngoài và phòng thi cũng bắt đầu nhốn nháo. Người này hỏi người kia, tuy không ồn ào như vỡ chợ nhưng cũng đủ phá cách nghiêm nghị thinh lặng của phòng thi. Làm bài xong, xem đi coi lại cũng chưa hết giờ. Tôi ngồi nhìn quanh quẩn phòng thi thấy nhiều người nhăn nhó xem chừng như không làm bài được. Khi ra khỏi phòng thi, vừa bước ra khỏi cổng trường đã thấy ông thí sinh hàng xóm mà từ bây giờ tôi gọi là ông Bụt cười toe toét. Ông Bụt dẫn tôi sang bên kia đường chỉ vào tờ giấy giải đề thi toán của một trường tư thục nói như trúng số:
“Đúng hết. Không sai câu nào.”
Nói xong, ông rút túi lấy ra một nắm tiền dúi vào tay tôi:
“Giữ lấy may bộ quần áo mà mặc. Ngày mai thi lý hoá thì cứ vẫn thế nhé”.
Trời đất như quay cuồng. Nắm tiền chẳng biết bao nhiêu nhưng chắc là cả nhà tôi cũng chưa bao giờ có một số tiền như vậy. Tôi chẳng biết nói lời cám ơn mà chỉ vâng dạ. Ông Bụt hỏi tôi về nhà bằng xe gì và còn dặn thêm là ngày mai lại đi ăn phở nữa.
Tôi rướn sức đạp để mau về nhà đưa nắm tiền cho u tôi. Chiếc xe bị tuột xích mấy lần nhưng niềm vui vỡ bờ ào ạt trong tôi nên dầu mỡ bụi bặm chẳng phải là nỗi phiền hà. Vừa về đến, tôi chạy vội ra sau nhà. U tôi đang thổi cơm, ngọn lửa đốt bằng tầu lá chuối khô cháy èo uột như chính cuộc đời nghèo khó đầy rẫy những buồn tủi của u tôi. Thấy tôi cầm nắm xôi trong tay, u tôi hỏi có vẻ lo âu:
“Sao lại không ăn lấy sức mà thi?”
Tôi thở dồn dập, cầm nắm tiền đưa cho u tôi và kể lại câu chuyện được ông Bụt dẫn vào tiệm ăn hai bát phở, uống một chai xá xị và lại còn cho tiền nữa. U tôi vẫn không yên lòng, nói trong sợ hãi:
“Nhặt được của ai thì phải trả lại cho người ta.”
Tôi phải kể lại đến từng chi tiết. U tôi có vẻ an tâm rồi đếm nắm tiền đủ cho gia đình tôi sống tiệm tạm trong vài tháng. U tôi kéo vạt áo tôi lên ngửi hít hà:
“Cái mùi phở nó như thế này đây à?”
Nói xong rồi u tôi còn lẩm bẩm:
“Sao lại có người tốt đến như vậy. Đúng là ông Bụt.”
Đến ngày xem bảng thi, tôi đậu hạng bình thứ và tên ông Bụt ở ngay dưới tên tôi.
Trương Phú Thứ
Trong cái đầu óc quê mùa và lại quá nghèo khổ, tôi vẫn chưa hình dung ra được bát phở như thế nào, ngay cả chưa được nhìn hình ảnh một bát phở. Tôi hoàn toàn không biết cái hình dạng cũng như mùi vị của bát phở mà chỉ được nghe phong phanh là thơm lắm, ngon lắm. Ăn một bát phở là người ngợm phổng phao xinh đẹp hẳn ra, sức khoẻ chẳng thua gì ông Hạng Võ ở bên Tầu. Chẳng biết từ đâu và vì một cơ duyên nào mà tôi lại biết trong các món ăn của con người ta lại có một thứ được gọi tên là phở. Bởi vì ngay cả những ngày lễ tết thì tôi cũng chẳng được nhấm nháp cái gì khác hơn mấy quả cà pháo muối với bát rau muống luộc. Nói đến chuyện được ăn một bát phở thì cũng chẳng khác nào chuyện lên cung trăng rửa chân cho chị Hằng Nga.
Tôi mơ được ăn một bát phở trong giấc ngủ. Tôi ước ao được ăn một bát phở lúc trời vừa sáng. Hình ảnh bát phở mà tôi hoàn toàn không có lấy một tưởng tượng dù nhỏ nhoi cứ lởn vở trong tôi cả ngày cả đêm. Mối tình đầu đời của tôi không phải là những nụ cười rạng rỡ hay tiếng khóc hờn dỗi của một người đẹp mà là hình bóng và mùi vị của bát phở. Tôi chưa nhìn thấy bát phở lần nào để mà thương mà nhớ. Tôi chưa được ngửi thấy mùi vị bát phở ra làm sao để mà đợi mà mong, nhưng tôi yêu và mê phở lắm.
Mãi đến năm mười bẩy tuổi tôi mới được nhìn, được ngửi mùi thơm và được ăn phở. Cuộc cách mạng nhẩy vọt đi từ quả cà thâm và gắp rau muống đã ngả mầu vàng úa lên đỉnh cao của sự thèm khát là bát phở chẳng cần súng đạn mà cũng không có máu đổ thịt rơi. Tôi đã được âu yếm mời mọc bằng những lời lẽ thân thương đi ra tiệm phở và…Giời ạ! ở nơi chốn đó tôi đã được ăn hai bát phở, uống một chai xá xị. Cả hai thứ đồ ăn thức uống này là niềm mơ ước, là nỗi mộng mơ của tôi từ bao nhiêu năm rồi. Bây giờ tôi đã hạnh phúc ôm vào lòng. Phở và xá xị đã ở trong tôi và tôi đã thực sự trở thành một con người mới trong trời mới và đất mới.
Gia đình tôi quá túng bấn, cái ăn còn phải chạy vạy từng bữa rau cháo thì làm gì có tiền đi học. Tôi mơ được đến trường học với tất cả những hồn nhiên vui thú của tuổi học trò. Tôi ước ao được ẩn núp trong vòng tay yêu thương của thầy cô. Nhưng tôi đã không được đến trường và ngay cả không có đến một cuốn sách để học. Tôi làm công việc lau chùi chiếc xe gắn máy hiệu Puch cho một người cùng tuổi là học sinh một trường tư nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của tôi là phải giữ cho chiếc xe lúc nào cũng như còn để trong tủ kính, không dính một hạt cát. Đổi lại tôi được mượn đủ loại sách cần để học thi. Tôi tự học, tự tìm hiểu và nếu có gì bế tắc thì hỏi chủ nhân của chiếc xe, một học sinh con nhà khá giả nhưng tính tình lại rất hiền hoà. Tôi nâng niu, tôi o bế chiếc xe mầu đỏ chói chang như con ngươi trong mắt mình. Những buổi trưa trời nóng như đổ lửa, những buổi chiều mưa như trút nước, ngày thứ hai cũng như ngày chuá nhật, tôi lau chùi những bụi bặm trên chiếc xe còn hơn những ghẻ lở trên thân xác còm cõi mình.
Năm vừa mười bẩy tuổi, tôi nộp đơn thi tú tài phần thứ nhất thuộc thành phần thí sinh tự do là những học sinh không được nộp đơn thi bởi các trường công lập hay tư thục. Thí sinh tự do ngoài những học sinh gia cảnh nghèo túng không được đến trường, phần còn lại tất cả là quân nhân và công chức. Chúng tôi là một thứ con ghẻ, một loại “con bà phước” của trường thi. Các thí sinh được sắp xếp ngồi từng phòng theo tên gọi, nhiều khi vài ba người ngồi bên cạnh có tên họ giống hệt như nhau. Tôi ngồi cạnh một ông chắc đã trên ba chục tuổi. Chẳng biết là quân nhân hay công chức nhưng nhìn vẻ hiền lành điềm đạm của ông, tôi cũng thấy yên lòng. Cái chòi lá của gia đình tôi chỉ cách khu thị tứ đô hội của Sài Gòn chừng nửa tiếng đồng hồ đạp xe nhưng mà sao phố phường vẫn xa lạ như ở một nơi nào trên trái đất. Cảm giác rụt rè đến sợ hãi trong phòng thi mà đa số những thí sinh thuộc vào hàng tuổi cha chú lại càng làm cho tôi lo sợ hơn.
Bài thi buổi sáng của ngày thứ nhất là môn Việt văn trôi qua một cách bình thường. Chúng tôi thi ban toán nên bài toán buổi chiều mới chính là một quyết định. Sau khi nộp bài Việt văn, tôi đi ngang qua đường chỗ có những tàng cây cao và một hồ nước nhỏ lềnh bềnh những mảng lá khô. Vừa ngồi xuống một rễ cây to với một nắm xôi có chút muối vừng để dằn bụng chờ đến giờ vào lớp thì ông thí sinh ngồi cạnh tôi đã đi vội đến nói như ra lệnh:
“Đi ra tiệm ăn với tôi. Thanh niên mà có một nắm xôi thì bõ bèn gi.”
Cả đời tôi chưa bao giờ đứng trước cửa tiệm ăn chứ nói gì đến vào tiệm ngồi ăn món này món nọ. Nhưng tôi cũng biết rằng đi ăn ở tiệm thì phải có tiền nên vội vàng thưa:
“Cháu làm gì có tiền mà đi ăn tiệm.”
Ông thí sinh cùng tên cùng họ cúi xuống kéo tôi lên, lôi về phía chiếc xe Vespa nói:
“Cứ đi với tôi, tiền bạc thì đừng lo.”
Tôi ngồi lên sau chiếc xe. Lần đầu tiên được ngồi trên xe Vespa, tôi sướng đê mê. Qua vài dẫy phố, ông dừng lại trước cửa một tiệm phở, cầm tay dẫn tôi đi vào trong tiệm. Mùi đồ ăn thức uống ùa vào mặt mũi, tôi thấy dễ chịu và tươi tỉnh hơn. Đến một cái bàn trống, tôi lớ ngớ chẳng biết làm gì thì ông bảo:
“Ngồi xuống đi, ăn phở cho có sức mà thi toán. Phở chín hay tái?”
Nếu ông đưa ra một phương trình lượng giác, không cần giấy bút tôi cũng có thể tính nhẩm và có một đáp số chính xác. Câu hỏi “tái hay chín” thì tôi xin chịu. Bởi vì lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ lạ lẫm này. Thấy tôi không trả lời, ông đứng lên đi đến quầy hàng nói chuyện với bà chủ tiệm. Trong lúc ngồi chờ, ông nhỏ nhẹ bảo tôi sau khi nhận đề thi toán thì ráng làm thật nhanh trên giấy nháp và để ngay bên cạnh để có gì ông sẽ “giúp ý kiến”. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ vâng dạ theo ý ông. Ông dặn đi dăn lại, cứ thế mà làm.
Nhà hàng bưng ra hai bát to, hơi nóng bốc lên mùi vị thơm ngào ngạt. Đến bây giờ thì tôi đã được nhìn thấy hình thù bát phở và được ngửi mùi phở. Tôi nhìn người gia ân cho mình. Ông làm gì thì tôi cũng làm theo như vậy. Ông với miếng chanh vắt vào bát phở, rắc chút hạt tiêu, ngắt mấy lá rau thơm bỏ vaò bát phở. Ông bắt đầu ăn và tôi cũng làm theo. Húp một thìa nước phở loáng thoáng những hạt mỡ vàng rộm điểm vài nhát hành xanh rờn. Thơm ngon quá sức. Những con tì con vị trong cơ thể tôi bao năm ngủ vùi với cà thâm và rau muống vàng úa như được đánh thức dậy trong một ngày nắng với hoa lá xinh tươi.. Cắn miếng thịt mỡ, chất béo ùa vào tận chân răng như sinh khí của Trời Đất ôm ấp cả thân mình. Mùi thơm của lá ngò gai, vị cay nhạt chỉ đủ tê đầu lưỡi của lá húng quế quyện vào mùi béo ngậy của miếng thịt là cả một phối trí tinh xảo. Một sắp đặt nghệ thuật trên cả tuyệt vời.
Tôi như hổ đói vồ được con mồi. Chỉ một thoáng bát phở đã hết sạch. Tôi bưng bát phở lên húp chút nước còn đọng lại dưới đáy bát. Trong khi đó thì ân nhân của tôi vẫn phải đánh vật một cách khó nhọc gắp lên rồi lại thả những sợi bánh phở xuống bát một cách quá hờ hững như đang có một lo nghĩ to lớn. Ông nhìn tôi, có vẻ khẩn khoản:
“Ăn bát nữa nhé?”
Bụng tôi như mở hội nhưng lại chẳng dám trả lời. Tuổi mười bẩy ăn cả nồi cơm to còn thòm thèm thì vài ba bát phở có nhằm nhò gì. Ông lại đứng lên ra quầy hàng nói với chủ tiệm. Lúc quay về, một tay cầm một ly nước đá, tay kia có chai nước mầu nâu đậm mà sau này tôi đưọc biết tên là xá xị. Ông ngồi xuống ghế, rót chai nước vào ly rồi đẩy sang phía tôi cũng vừa lúc người đàn bà chủ tiệm bưng ra một bát phở. Bây giờ tôi đã quen nước quen cái, đã biết ăn phở mà không cần phải ngó ngàng trước sau để học kiểu học cách ăn sao cho đúng điệu. Tôi lùa những miếng phở ngai ngái mùi thơm của mỡ bò và rau thơm thật mạnh bạo. Miếng nào ra miếng nấy. Hành ngò bám chặt vào miếng thịt vừa chín tới, cắn ngập răng mà thân xác như bay bổng chín tầng mây. Chỉ vài ba phút, bát phở đã sạch ngoén.
Còn gần nửa tiếng nữa mới đến giờ vào phòng thi. Chúng tôi trở về gốc cây ở một khoảng đất trống bên kia địa điểm thi. Tôi ngồi cạnh người đàn ông hào phóng mới quen biết nghe nhắc nhở những gì phải làm cho bài thi toán. Lúc vào phòng thi, ông cũng không quên nói lại một lần nữa. Đề thi toán năm nay là một bài hình học có hai câu hỏi lượng giác. Xem qua đề thi, tôi an tâm thở dài nhẹ nhõm vì đề thi không có gì khó mà phải nói là quá “ngon ăn”. Tôi bắt đầu làm bài trên giấy nháp, viết rõ ràng mạch lạc rồi cẩn thận đóng khung các đáp số. Tôi để tờ giấy nháp sang bên cạnh. Mấy phút sau, vị giám khảo đi vội ra ngoài hành lang và người cho tôi ăn hai bát phở uống một chai xá xị đã không bỏ lỡ cơ hội vội vàng đổi tờ giấy nháp của tôi với tờ giấy nháp của ông. Tôi sợ tái người, nhỡ mà giám khảo bắt được là bị đuổi thi. Nhưng tôi hơi yên lòng vì giám khảo đi ra ngoài và phòng thi cũng bắt đầu nhốn nháo. Người này hỏi người kia, tuy không ồn ào như vỡ chợ nhưng cũng đủ phá cách nghiêm nghị thinh lặng của phòng thi. Làm bài xong, xem đi coi lại cũng chưa hết giờ. Tôi ngồi nhìn quanh quẩn phòng thi thấy nhiều người nhăn nhó xem chừng như không làm bài được. Khi ra khỏi phòng thi, vừa bước ra khỏi cổng trường đã thấy ông thí sinh hàng xóm mà từ bây giờ tôi gọi là ông Bụt cười toe toét. Ông Bụt dẫn tôi sang bên kia đường chỉ vào tờ giấy giải đề thi toán của một trường tư thục nói như trúng số:
“Đúng hết. Không sai câu nào.”
Nói xong, ông rút túi lấy ra một nắm tiền dúi vào tay tôi:
“Giữ lấy may bộ quần áo mà mặc. Ngày mai thi lý hoá thì cứ vẫn thế nhé”.
Trời đất như quay cuồng. Nắm tiền chẳng biết bao nhiêu nhưng chắc là cả nhà tôi cũng chưa bao giờ có một số tiền như vậy. Tôi chẳng biết nói lời cám ơn mà chỉ vâng dạ. Ông Bụt hỏi tôi về nhà bằng xe gì và còn dặn thêm là ngày mai lại đi ăn phở nữa.
Tôi rướn sức đạp để mau về nhà đưa nắm tiền cho u tôi. Chiếc xe bị tuột xích mấy lần nhưng niềm vui vỡ bờ ào ạt trong tôi nên dầu mỡ bụi bặm chẳng phải là nỗi phiền hà. Vừa về đến, tôi chạy vội ra sau nhà. U tôi đang thổi cơm, ngọn lửa đốt bằng tầu lá chuối khô cháy èo uột như chính cuộc đời nghèo khó đầy rẫy những buồn tủi của u tôi. Thấy tôi cầm nắm xôi trong tay, u tôi hỏi có vẻ lo âu:
“Sao lại không ăn lấy sức mà thi?”
Tôi thở dồn dập, cầm nắm tiền đưa cho u tôi và kể lại câu chuyện được ông Bụt dẫn vào tiệm ăn hai bát phở, uống một chai xá xị và lại còn cho tiền nữa. U tôi vẫn không yên lòng, nói trong sợ hãi:
“Nhặt được của ai thì phải trả lại cho người ta.”
Tôi phải kể lại đến từng chi tiết. U tôi có vẻ an tâm rồi đếm nắm tiền đủ cho gia đình tôi sống tiệm tạm trong vài tháng. U tôi kéo vạt áo tôi lên ngửi hít hà:
“Cái mùi phở nó như thế này đây à?”
Nói xong rồi u tôi còn lẩm bẩm:
“Sao lại có người tốt đến như vậy. Đúng là ông Bụt.”
Đến ngày xem bảng thi, tôi đậu hạng bình thứ và tên ông Bụt ở ngay dưới tên tôi.
Trương Phú Thứ
Seattle 01/2011