Sunday, March 31, 2013

Philipp Roesler

 
Philipp Roesler, Người Đức Gốc Việt Vẫn Giử Chức
Chủ Tịch Sau Đại Hội Đảng Tự Do Dân Chủ Đức

Đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP) bắt đầu hai ngày Đại Hội đảng ở Berlin với cuộc bỏ phiếu rất quan trọng để bầu lại chức chủ tịch, ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Quốc hội Đức 2013 cũng như chọn lựa ba vị đại diện đảng trưởng và nhân sự vào Ủy Ban lãnh đạo đảng!(Right, Philip Roesler và Rainer Bruederle)

FDP khai mạc đại hội đảng tại Berlin hôm thứ bảy, ngày 9-3-2013. Phó chủ tịch đảng, bà Birgit Homburger ca ngợi “thành quả của FDP đã thực hiện trong liên minh chính phủ Đen+Vàng (CDU/CSU+FDP) đương nhiệm trong bài diễn văn chào đón khoảng 660 đại biểu. Bà ta nói trong tiếng vỗ tay của đảng viên: “Chúng ta có thể tự tin đứng trước các công dân nam nữ và tự hào về những gì chúng ta đã đạt được!”.
Sau đó Roesler đã gây “ấn tượng tốt” đối với các đại biểu bằng một bài diễn văn “đầy chiến đấu tính” (kaempferische Rede= combative speech) liên quan đến chiến dịch bầu cử Quốc hội Đức của đảng FDP. Trong bài phát biểu của mình, được nhiều đại biểu đánh giá là thành công, Roesler đã nói: “FDP phải để phân biệt mình là đảng với đường lối kinh tế có ý thức và sức mạnh của công lý. FDP lo củng cố tài chính, ổn định tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cho người dân và chủ trương một chính sách tự do xã hội”.

Kỳ đại hội đảng lần này kéo dài hai ngày, 9-3 và 10.3.2013, Philipp Roesler tái tranh cử chức đảng trưởng FDP, không có đối thủ.
Và ngay trong ngày đầu Đại Hội đảng, các đại biểu tham dự của đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP) ở Berlin đã tín nhiệm Rösler vào chức chủ tịch đảng FDP. Tuy nhiên, không được sự ủng hộ như hai năm trước đây! Roesler, 40-tuổi, nhận được 85,7% số phiếu bầu và hỗ trợ, ít hơn nhiều so với cuộc bầu cử đầu tiên của ông vào chức vụ lãnh đạo FDP hai năm trước đây (95,1%). Roesler chiếm 534 phiếu hợp lệ trong tổng số 623 đại biểu tham dự; 72 đại biểu bỏ phiếu chống lại ông, 17 bỏ phiếu trắng. Trong số 662 đại biểu chỉ có 631 người đã bầu, tám phiếu không hợp lệ. Qua kết quả bầu cử khá rõ ràng với 85,7% tín nhiệm Philipp Roesler lần nữa vào chức vụ chủ tịch FDP đã cho thấy dấu hiệu của sự hiệp nhất trong nội đảng FDP sau thời gian tranh chấp kéo dài.
Rösler chấp nhận cuộc bầu cử. Roesler nói: “Tôi có một cảm giác tốt cho cuộc bầu cử liên bang sắp tới”. “Hãy đi, cảm ơn!”. Và như vậy với Roesler là chủ tịch đảng, FDP bắt đầu vận động cho cuộc bầu cử vào tháng Chín 2013.

Bên cạnh chức chủ tịch, trong hai ngày đại hội FDP cũng bầu lại ban lãnh đạo, cơ quan cao nhất của đảng Tự Do Dân Chủ Đức. Cho ba chức phó chủ tịch có bốn thành viên ứng cử vì thế đó là một cuộc bỏ phiếu quan trọng. Sau khi bầu Roesler xong, kế tiếp là cuộc bầu cử ba vị phó chủ tịch và các bồi thẩm viên trong ban lãnh đạo mới. Nhà lãnh đạo FDP của tiểu bang Nordrhein-Westfalen, Christian Lindner ứng cử vào chức Đệ nhất phó chủ tịch. Nhìn chung, bốn chính trị gia ra ứng cử cho ba chức phó chủ tịch, ngay cả với các bồi thẩm viên cũng đã có nhiều thành viên ra tranh cử hơn so với các “vị trí” được bổ nhiệm!.
Kết quả bầu cử ba vị phó chủ tịch đại diện cho đảng trưởng Roesler: Đệ nhất PCT, ông Christian Lindner, chủ tịch FDP tiểu bang NRW được 77,8%, bà bộ trưởng tư pháp Sabine Leutheusser-Schnarrenberger chiếm 83,7% và tỉnh bộ trưởng tiểu bang Sachsen Zastrow được 49,9%. Bà Homburger chỉ có 45,6%, bị mất chức phó chủ tịch vào tay ông Zastrow.

Có khá nhiều bất ngờ khác trong quyết định về thành phần nhân sự hàng đầu của FDP: Các đại biểu không ủng hộ vài ứng cử viên, đã đánh rớt bà Birgit Homburger, hai ông Bộ trưởng Daniel Bahr và Dirk Niebel ra khỏi các chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo mới của FDP!.
Homburger, lãnh đạo FDP tiểu bang Baden-Württemberg tuy mất chức phó chủ tịch nhưng đã được lựa chọn làm một bồi thẩm viên của ủy ban chỉ đạo đảng.
Ngoài ra, các đại biểu đã tín nhiệm ông Patrick Doering với 65,6% làm tổng thư ký FDP.


Trước khi bầu thành viên ủy ban lãnh đạo FDP, người ta chưa rõ liệu Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel một lần nữa được bầu làm thành viên trong ban lãnh đạo?. Niebel đã làm mất lòng nhiều thành viên FDP qua những lời chỉ trích Roesler của ông ta.

Và việc gì đến phải đến, trong cuộc bầu cử ủy ban chỉ đạo đảng, như mong đợi, các đại biểu đã trừng phạt Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel về sự phê bình công khai lãnh đạo đảng là Roesler vào đầu tháng Giêng 2013 vừa qua. Chỉ với 25,3% số phiếu bầu ông Niebel bị loại ra khỏi ban lãnh đạo. Kế vị Niebel là ông Wolfgang Kubicki (Ct FDP tiểu bang Schleswig-Holstein). Điều này gây nhiều ngạc nhiên cho mọi người vì Kubicki đạt tới 63,7% sự ủng hộ của các đại biểu hiện diện và đã đánh bại ứng cử viên đối thủ là Bộ trưởng Y tế Liên bang, Daniel Bahr chỉ có 33,3%.
 
Chủ tịch đảng Roesler kêu gọi FDP phải kiên định, thúc đẩy giới hạn tiền lương

Nhà lãnh đạo FDP, Philipp Roesler đã lên tiếng gọi thành viên đảng của ông hãy vững lòng khi đối mặt với mức thấp mà FDP đang có qua các cuộc thăm dò ý kiến cử tri diễn ra. Roesler nói trước hơn 660 đại biểu tham dự đại hội đảng ở Berlin: “Chúng ta gìn giữ nước Đức dựa theo đường lối (Kurs), chúng ta không bao giờ để bị xao xuyến. Thành viên đảng Tự do không có thể không chiếm được lòng của cử tri. Chúng ta không ôm ấp chính sách, chúng ta không nhảy múa trong cơn mưa hoa anh đào!”.

Roesler thừa nhận rằng FDP đã trải qua một giai đoạn khó khăn: “Tất nhiên, trong ba năm qua không dễ dàng”. Ông Roesler nói: “Nhưng đó không là lý do cho sự bi quan khi đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu 2013. Chúng ta có mọi cơ hội vào tháng Chín. Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong tháng Chín”. Đảng FDP phải chiến đấu ngay từ bây giờ.

Roesler cũng vận động cho đề án giới hạn tiền lương, hiện đang gây tranh cãi trong nội đảng của ông. Roesler nói trong bài phát biểu của mình: “Trong một xã hội, nơi mà năng suất sẽ được tưởng thưởng thì những ai có thể tạo ra một cái gì đó, không thể để rồi kết thúc, đứng đó với hai bàn tay trắng”. “Vì vậy, ở đây chúng ta hãy đứng lên và chiến đấu cho mức lương công bằng”. Ông nói thêm như là một kiến nghị của ban lãnh đạo đảng, ủng hộ cho mức lương tối thiểu tùy theo vùng và ngành. Roesler lần nữa từ chối kịch liệt một mức lương tối thiểu theo luật dịnh!.

Roesler cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự tự trị về lương bỗng”, nhờ đó bảo đảm được ở Đức trong hơn 60 năm dài “sự thịnh vượng, tăng trưởng và tiền lương công bằng”. Nhưng cũng có những khu vực và ngành không có sự thương lượng về lương bỗng. Roesler đòi hỏi: “Ở đây, FDP phải “chấp nhận đời sống thực tế và cung cấp các giải pháp”. Ngoan cường với vị trí cũ: “Tôi thấy không tốt, và điều này không xứng đáng với một đảng Tự Do”.
Liên quan đến đề nghị của ban lãnh đạo đảng ở Berlin người ta chờ đợi sẽ có cuộc tranh luận khốc liệt vì nhiều thành viên phản đối mức lương tối thiểu. FDP sẽ đưa nó vào chương trình của họ trong kỳ Đại hội Đảng vào tháng năm ở Nuernberg để lấy một quyết định chung về vấn đề này.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, đồng thời cũng là ứng cử viên hàng đầu của FDP trong cuộc tổng tuyển cử cho Nordrhein-Westfalen đã nói qua báo “Neue Osnabrucker Zeitung” và kêu gọi thành viên FDP hãy gửi một tín hiệu “đoàn kết và quyết tâm” trong kỳ đại hội đảng liên bang. FDP cần phải đi với vị trí mạnh mẽ và với đội ngũ mạnh trong chiến dịch tranh cử”. Westerwelle kêu gọi chấm dứt các tranh chấp trong nội bộ.

Ông Westerwelle còn yêu cầu; “Điều quan trọng là chúng ta sau kỳ đại hội đảng này hãy đặt hết sức lực với để đối chọi với các đối thủ chính trị”. Nước Đức hiện đang đứng trước một “sự lựa chọn về đường hướng” trong tháng Chín. Bộ trưởng ngoại giao nói: “Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đất nước của chúng ta thôi mà còn ảnh hưởng đến châu Âu”. Chắc chắn FDP muốn rằng sự thành công và đường lối cần thiết của chính phủ liên bang liên quan đến sự đoàn kết, sự tăng trưởng và kỷ luật tài chính ở châu Âu sẽ được tiếp tục!.
Đại hội đảng FDP được tiếp tục vào ngày Chủ Nhật hôm sau, 10-3 ở Berlin. Trọng tâm của ngày thứ hai và cuối cùng là chương trình lâu dài của chủ tịch khối nghị sĩ FDP tại quốc hội Đức, Rainer Bruederle, ứng cử viên hàng đầu của FDP cho cuộc bầu cử vào tháng Chín 2013.

Trong bài diễn văn của mình, Brüderle đã “thề nguyện” một chiến dịch chống lại liên minh đối lập SPD + đảng Xanh và Đảng Tả Khuynh (hậu thân đảng cộng sản DDR cũ). Bruederle lên tiếng: “Chúng ta không nhường nhóm Fuzzis này, những loại có đường lối sai lầm đối với đất nước chúng ta”. FDP là đảng chủ trương có một “nền kinh tế chín chắn” chống lại “sự phân phối màu đỏ-đỏ-xanh (ý nói SPD+Tả Khuynh (die Linke) và Gruene)”.
Bruederle cũng kêu gọi các đại biểu hãy vững lòng xuyên qua những chỉ trích đối với FDP. Ông ta nói: “Các bạn có thể chửi chúng tôi, họ có thể ném vào chúng tôi, nhưng họ không thể khuất phục được chúng tôi. Chúng ta không để cho họ có thể uốn cong chúng ta.” Đôi khi FDP phải hết sức chống lại “sự hận thù”. Ông kêu gọi các đại biểu: “Các anh đừng để bị đe dọa bởi những kẻ thù của Tự Do!”.

Sau bài phát biểu được chào đón với tràng pháo tay kéo dài vài phút từ các đại biểu, FDP đã chính thức bầu Rainer Bruederle tại đại hội đảng ở Bá Linh làm ứng cử viên hàng đầu cho cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Đức 2013. Qua đó các đại biểu đã xác nhận Bruederle 67 tuổi trong vai trò lãnh đạo chiến dịch tranh cử. Philipp Roesler nói sau bài phát biểu của Bruederle:”Chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc, dẫn đầu đội ngũ trong một cuộc chiến!”.
Đối với cuộc bầu cử vào ngày 22 Tháng Chín 2013, Bruederle dự đoán một triển vọng tốt cho FDP, “Cơ hội cho chúng ta có đó, chúng ta phải sử dụng nó. Ông ta đã sẵn sàng đứng ngay tuyến đầu cho FDP trong chiến dịch tranh cử”.

Thay lời kết
 
Như tôi đã trình bày trong bài phiếm luận chính trị trước đây, Roesler đã củng cố vai trò của mình sau chiến thắng vẻ vang, bất ngờ của FDP trong cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang Niedersachsen vào tháng Giêng 2013. Từ đó xem như ông đã loại được hầu hết các đối thủ trong nội đảng tìm cách chống lại hay muốn lật đổ ông ta. Vì vậy chuyện Roesler (gốc Việt) ứng cử viên duy nhất được bầu lại vào chức chủ tịch FDP là chuyện hiển nhiên, dễ hiểu.
Ông Bruederle được bầu làm ứng cử viên hàng đầu của FDP cho cuộc bầu cử Quốc hội Đức 2013 đã là một thỏa thuận với Roesler trước đây nhằm giải tỏa sự tranh chấp nội đảng không làm cho những chuyên gia hay những ai thích tìm hiểu chính trị Đức ngạc nhiên.

Chuyện ông Niebel bị “cô lập và loại ra khỏi ban lãnh đạo” dựa vào diễn tiến trong vài tháng qua chắc mọi người đều có thể hiểu được nguyên nhân của nó.
Điều ngạc nhiên đối với giới chuyên gia chính trị, ngay cả đối với người viết là ông Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr thất bại trước Kubicki và bà cựu pct Homburger phải nhường chỗ cho ông Zastrow (tiểu bang Sachsen/Đông Đức) và “bằng lòng” với chức vụ thấp hơn trong uỷ ban lãnh đạo của đảng FDP.
Chúng ta có thể nhìn ra điều là ngay cả ở Đức chuyện “phe phái” cũng không thể nào tránh được (vấn đề chỉ ít hay nhiều thôi!) nhưng theo thiển ý thì FDP đã lựa chọn nhân sự vào các trách vụ quan trọng dựa theo khả năng thật sự của các ứng cử viên.


Một điểm khá quan trọng mà nếu ai muốn (nhấn mạnh nếu muốn, không thì thôi) có thể học hỏi từ người Đức là họ tranh cử trong nội đảng rất DÂN CHỦ. Thành viên nào cũng có quyền ra tranh cử mà hầu hết họ đều là những người đầy “kinh nghiệm chính trường” và sự chọn lựa tùy vào lá phiếu của hơn 630 đại biểu tham dự (nhiều khi đến cả ngàn!). “Chuyện bắt cóc bỏ dĩa, tự vận động cho cá nhân nào đó hay thầm chia nhau trước chức vụ hoặc trách vụ” như ta thấy rất rõ qua kỳ đại hội đảng FDP ở Bá Linh nêu trên đã không xảy ra vì họ dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho đại hội đảng hay tổ chức bầu cử dân chủ, điển hình cho ba chức phó chủ tịch có bốn thành viên, toàn những chính trị gia sáng giá, có điạ vị ra tranh cử vì thế đó là cuộc bỏ phiếu quan trọng, chắc chắc một người phải bị loại. Ngay cả việc bầu các bồi thẩm viên cũng có nhiều thành viên ra tranh cử hơn so với các “vị trí” được bổ nhiệm!.

Đặc điểm nữa, FDP nói riêng với những lời phát biểu của các chính trị gia hàng đầu cũng cho chúng ta thấy rằng họ luôn ưu tiên cho lo quốc gia, dân tộc. Họ khẳng địch rõ ràng đường lối chính trị và mục đích đảng muốn đạt được, nói chung vì phúc lợi cho nước Đức.

Ưu điểm của chính trị gia Đức theo tôi họ không phải là những ông “nghị gật”. Ngoài khả năng, kinh nghiệm lâu năm vì đa số tham gia chính trị khi còn theo học bậc trung học (và nếu cần sẵn sàng từ chức, rút lui nhường chỗ mà lương bỗng chẳng phải ít cho người khác thay thế họ đứng ra nhận trách nhiệm như TT Koehler, Westerwelle, TT Wulff, von Guttenberg ….) ra, họ luôn lo lắng cho người dân như chính Westerwelle đã lên tiếng cảnh giác trước viễn ảnh rằng đường lối chính trị Đức có thể sẽ bị thay đổi nếu chính phủ hiện tại bị thay đổi nếu Đỏ+Đỏ+Xanh lên nắm quyền. Westerwelle lo ngại: “Điều này (ý nói nếu có sự thay đổi chính phủ với sự tham chính của Tả Khuynh) không chỉ ảnh hưởng đến đất nước của chúng ta thôi mà còn ảnh hưởng đến châu Âu”.

Một điểm khác mà riêng tôi ưng ý nhất là những lời phát biểu của Rainer Bruederle. Theo sự nhận xét của người viết, có lẽ Bruederle (dựa theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri được công bố thường xuyên) nghĩ rằng SPD+Xanh nếu muốn lên nắm quyền thì phải liên minh với Tả Khuynh (hậu thân đảng cộng sản DDR) nên ông ta muốn “gián tiếp ám chỉ” đã mạnh dạn nói: “Chúng ta không nhường nhóm Fuzzis này, những loại có đường lối sai lầm đối với đất nước chúng ta”.

Xa hơn nữa ông Bruederle còn lên tiếng: “Các bạn có thể chửi chúng tôi, họ có thể ném vào chúng tôi, nhưng họ không thể khuất phục được chúng tôi, chúng ta không để cho họ có thể uốn cong chúng ta”. Đôi khi FDP phải hết sức chống lại “sự hận thù”. Ông kêu gọi các đại biểu: “Các anh đừng để bị đe dọa bởi những kẻ thù của Tự Do!”. Tuyệt vời, không còn gì rõ ràng hơn.
Vâng, “Chúng ta đừng để bị đe dọa bởi những kẻ thù của Tự Do!”. Có vậy một ngày nào đó không xa người Việt chúng ta ở quê nhà mới thật sự được nhìn thấy một cuộc sống “Nhân Nghĩa, Tự Do, Dân Chủ ” với đầy đủ các quyền làm người giống các quốc gia Âu Mỹ như: Tự Do Tôn Giáo, Báo Chí, Ngôn Luận, Biểu Tình,…!.
 
Lê Ngọc Châu
10.3.2013
((Phóng dịch và phóng tác dựa theo tài liệu tham khảo của AFP, Yahoo-News, dapd)

Saturday, March 30, 2013

Ngô Nhân Dụng

 
Đảng Cướp Đất
 
Sau này lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhận trong thế kỷ 20 diễn ra một vụ cướp đất khổng lồ do đảng Cộng sản Việt Nam chủ động, bắt đầu từ năm 1952, được điều chỉnh năm 1980, và cho tới đầu thế kỷ 21 vẫn còn gây ra cảnh tượng đầy máu và nước mắt. Việc thi hành vụ cướp đoạt đất đai này dựa theo mô thức của cộng sản Liên xô, Trung Quốc, sử dụng đủ các khẩu hiệu, thủ đoạn, và luật lệ của nước đàn anh. Công cuộc cướp đất kéo dài hơn nửa thế kỷ, đã tạo ra những cảnh đớn đau oan khuất, như sắp diễn ra trong phiên xử ông Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng.Bà Trần Thị Mạp mới gửi một thư nhỏ tới “Toàn thể mọi công dân Việt nam,” và gửi tới cả “Những người có lương tâm trong hệ thống công quyền,” để, “Xin hãy cứu lấy các con, cháu tôi.” Bà là người mẹ già 85 tuổi của các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, sắp bị truy tố ra tòa án Hải Phòng về tội “giết người,” sẽ bị xử với các đứa cháu Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ. Tội giết người có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Mọi người Việt Nam có lương tâm đều nhớ câu chuyện xẩy ra 15 tháng trước đây. Gia đình Đoàn Văn Vươn, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã nghe theo chính sách của nhà nước cộng sản; trong mấy chục năm dùng sức lao động ngăn nước mặn, tạo nên một khu đầm nuôi tôm tại khu bãi bồi ngoài đê biển. Có người con nhỏ trong gia đình đã chết, như bà Trần Thị Mạp viết: “Ở đó đã thấm máu và tính mạng của các con và cháu tôi.” Tháng Giêng năm ngoái, chính quyền đã đưa công an, bộ đội tới “cưỡng chế” lấy lại gần 20 mẫu (ha) đất đầm nuôi thủy sản của họ. Các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã dùng chất nổ và súng nhỏ chống cự nhưng không gây thưng tích nặng cho ai cả. Vụ cưỡng chiếm này đã làm chấn động dư luận trong nước; ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải họp báo ngay và tuyên bố thẳng rằng hành động chiếm đất này “là việc làm trái cả pháp lý và đạo lý.”

Nhưng bây giờ cả gia đình họ Đoàn bị đem ra xét xử về tội “giết người” và hai người con dâu, Phạm Thị Báu (ông Quý), Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) sắp bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ.” Nhóm cán bộ từ huyện đến xã sau đó sẽ bị đem ra xử về tội “Hủy hoại tài sản và Thiếu trách nhiệm hây hậu quả nghiêm trọng.” Nếu bị kết tội thì họ chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ nhiều nhất là 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Pháp lý và đạo lý đâu không thấy, chỉ thấy hành động côn đồ cướp đất.

Bà Trần Thị Mạp còn kêu gọi “Toàn thể giáo dân, các tín hữu và các chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam” hãy cứu các con, các cháu bà. Hai Linh mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi ở Huế đã lên tiếng: “Đây là sự thóa mạ công lý, thách thức công luận, chà đạp nhân quyền và vi phạm luật pháp quốc gia … một cách ngang nhiên trắng trợn. Đây cũng là sự bao che lấp liếm, cho hành vi đàn áp nhân dân và cướp bóc tư sản, của nhà cầm quyền địa phương.”

Từ hơn một năm qua, dư luận cả nước Việt Nam đều đồng ý là hành động của gia đình Đoàn Văn Vươn chỉ là phản ứng nóng nẩy của những người dân bị cưỡng chiếm đất đai một cách phi pháp, của một guống máy nhà nước độc quyền, vô đạo. Họ cũng gây phẫn uất cho nông dân khắp nơi, gần đây nhất là hàng ngàn nông dân ở Phước Long, Thủ Thiêm, Văn Giang, Vụ Bản, Dương Nội, vân vân, đã biểu tình, bạo động. Riêng gia đình Đoàn Văn Vươn vì thế cô, sức yếu, bị chính quyền từ huyện xuống xã đe dọa, đàn áp, kêu oan tới đâu cũng không hiệu quả, cho nên phải sử dụng vũ khí để bảo vệ thành quả bao nhiêu công lao động của họ trong hơn 20 năm trời. Khi người dân thấy việc tranh đấu “từ bên trong hệ thống” không có kết quả, nỗi uất ức không thể nào giải tỏa, họ phải tranh đấu ở “bên ngoài hệ thống.”
Việc đưa gia đình Đoàn Văn Vươn ra tòa sẽ khiến mọi người dân Việt Nam phải thấy rõ một sự thật. Sự thật là, sau cùng, chỉ còn cách phải “tranh đấu đòi thay đổi tất cả hệ thống.” Vì cả hệ thống luật lệ hiện nay được đặt ra để bảo vệ quyền hành và lợi lộc của đám quan chức, cán bộ trong Đảng Cướp Đất, bất chấp liêm sỉ và đạo lý.

Điều này càng thấy rõ qua màn kịch “Sửa đổi hiến pháp” đang được một cơ quan của đảng cộng sản là “quốc hội bù nhìn” đem ra trình diễn. Một điều trong bản hiến pháp ra đời năm 1980 đã tước bỏ quyền sở hữu đất đai của dân Việt Nam. Như bản kiến nghị của 72 nhân sĩ và trí thức trong nước nhận xét: “Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội.”

Việc sao chép hiến pháp Liên Xô chỉ là một bước trong quá trình cướp đất của đảng Cộng sản. Trở về từ năm 1930, một khẩu hiệu đầu tiên của đảng Cộng sản là “Lấy ruộng đất trả về tay dân cầy.” Năm 1952, họ tiến bước đầu tiên trong quá trình cướp đất. Hồ Chí Minh đã viết thư riêng hai lần, nộp trình bản dự thảo Luật Cải cách Ruộng đất” cho Stalin xin ý kiến, trước khi thi hành. Cuộc cải cách “long trời lở đất” này, duới sự chỉ đạo của các cố vấn do Mao Trạch Đông cử sang, đã cướp hết ruộng đất từ tay các địa chủ. Nhưng họ không hề trả ruộng cho dân cầy làm chủ. Bước thứ hai là họ “tập thể hóa” ruộng đất, theo chương trình mà Stalin đã thi hành trong thập niên 1930 khiến hàng chục triệu nông dân Liên Xô chết đói. Chương trình này khiến nông dân miền Nam cũng đói, dân Thanh Nghệ đã nhiều người chết đói. Tóm lại, đảng Cộng sản đã cướp đất của các địa chủ, nhưng không có khả năng sử dụng hiệu quả cho nên làm dân chết đói. Hiến pháp 1980 mô phỏng Liên Xô là bước thứ ba trong công cuộc cướp đất trường kỳ của đảng. Đoàn Văn Vươn, và các nông dân ở Dương Nội, Phước Long, Văn Giang, đều là nạn nhân của vụ cướp đất vĩ đãi này.

Như 72 nhà trí thức trong nước mới nhận định, dự thảo sửa đổi hiến pháp của đảng cộng sản không những giữ nguyên quy định kiểu Liên Xô mà còn trao thêm vũ khí cho các quan chức để kéo dài cuộc cướp đất cho phù hợp với tình thế mới. Các nhân sĩ vạch ra là điều 57 trong dự thảo hiến pháp mới ghi rõ hơn: “Đất đai tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu.”
Nhà nước đóng vai đại diện cho chủ sở hữu, cho toàn dân. Nhưng “Chủ sở hữu” nghĩa là gì? Người chỉ biết một chút về luật pháp cũng hiểu rằng trong quyền sở hữu có hai điều quan trọng nhất dành cho người chủ. Một là quyền sử dụng, hai là quyền chuyển nhượng, mua bán. Khi nói “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” thì guồng máy nhà nước, do đảng Cộng sản giữ trong tay, sẽ nắm cả hai quyền đó. Họ nắm quyền cho phép ai được sử dụng. Họ nắm quyền thu hồi quyền sử dụng của người này, chuyển cho người khác, dù đất đai, ruộng nương đã được người dân đổ mồ hôi khai phá, cải thiện, nâng cao giá trị.
Nắm quyền “đại diện chủ sở hữu” nghĩa là tất cả đất đai, tài nguyên của quốc gia đều thuộc vào tay ông chủ mới, đó là guống máy nhà nước do đảng Cộng sản dựng lên. Ông địa chủ vĩ đại này nắm toàn quyền trên ruộng đất, rừng biển của toàn dân. Ông địa chủ vĩ đại có quyền cho người Trung Quốc vào thuê rừng trồng cây theo nhu cầu và kế hoạch của họ. Ông nắm quyền đòi lại đất người này đang dùng để trao cho người kia khai thác. Ông địa chủ vĩ đại đó, cụ thể là ai? Đó là tất cả các cán bộ quan chức đang nắm quyền. Vì vậy, các quan chức huyện Tiên Lãng đã nhân danh “Ông địa chủ vĩ đại” đòi trục xuất gia đình Đoàn Văn Vươn ra khỏi 20 mẫu đầm nước mà họ đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt khai phá trong mấy chục năm.

Hiến pháp của đảng Cộng sản đã trao toàn quyền sử dụng và quyền chuyển nhượng đất đai vào tay các cán bộ. Họ thu hồi đất của nông dân, trao cho các nhà tư bản trong nước và nước ngoài sử dụng. Họ nhân danh cái gì mà làm như vậy? Họ có sẵn trong tay cả một hệ thống luật lệ và dùng một đám tay sai kể cả bọn côn đồ để thực hiện chính sách cướp đất.

Bản kiến nghị của 72 nhân sĩ và trí thức viết rằng bản Dự thảo Hiến pháp mới còn “hợp hiến hóa” công cuộc cướp đất, bằng cách mở rộng phạm vi áp dụng cho phép thu hồi đất để làm các “dự án phát triển kinh tế - xã hội.” Dự án nào thì đáng gọi là ““dự án phát triển kinh tế - xã hội?” Ai quyết định điều đó? Chỉ có đám quan quyền toàn quyền quyết định. Nghĩa là họ có thể cướp đất của dân rồi trao cho ai cũng được, nhân danh những “dự án phát triển kinh tế - xã hội!” Họ đã từng cho biến ruộng đất thành sân goff, xây cất các cư xá, nhà nghỉ mát đắt tiền, cho giới quý tộc mới hưởng thụ. Mỗi một công trường xây cất là cơ hội cho các quan chức từ trên xuống dưới chia nhau tham nhũng. Với mỗi chữ ký các cán bộ, quan chức đều được đánh giá bằng đô la! Nắm trong tay quyền cấp phát đất là nắm chìa khóa mở cửa kho vàng! Cho nên, khi Ngân Hàng Thế Giới nghiên cứu dư luận đã thấy dân Việt Nam nhìn bọn quan chức quản lý ruộng đất là bọn tham nhũng nhất, không kém gì đám cảnh sát giao thông. Nhưng các cảnh sát lưu thông còn phải cực nhọc đi đứng đường, rình rập, có ăn tiền cũng chỉ chấm mút được từng trăm ngàn đồng. Còn bọn quan chức ruộng đất chỉ cần ngồi trong phòng máy lạnh ký một chữ là kiếm hàng trăm ngàn đô la như không! Cho nên cụ bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, đã nhận được các lá thư kêu oan vì bị cướp đất đến từ 57 tỉnh trong số 63 tỉnh ở Việt Nam. Cụ không ngần ngại tố cáo: “Họ nhân danh các dự án phát triển kinh tế - xã hội; nhưng tôi gọi đó chỉ ăn cướp!”

Vụ xét xử Đoàn Văn Vươn là một cơ hội để người Việt Nam đòi tái lập quyền sở hữu ruộng đất. Năm 2013 này là cơ hội phát động phong trào đòi quyền làm chủ đất. Vì đến năm nay, thời hạn cấp phát quyền sử dụng đất năm 1993 dang chấm dứt. Quốc hội bù nhìn tay sai của đảng Cộng sản sẽ làm một đạo luật triển hạn thời gian thêm 20 năm nữa, hoặc sẽ nới rộng ra thành 30 hay 50 năm. Nhưng dù có nới rộng, người dân được cấp quyền sử dụng cũng không biết bao giờ sẽ bị cướp mất, như Đoàn Văn Vươn đã phải gánh chịu. Đây là nguồn gốc của nỗi đau khổ mà hàng chục triệu nông dân đang gánh. Một nhóm người đã tước đoạt quyền làm chủ ruộng đất của nông dân từ hơn nửa thế kỷ. Đảng Cướp Đất đã cướp mất nguồn sống của bao nhiêu triệu người Việt Nam. Phải chấm dứt tình trạng bất công đó.
 
Ngô Nhân Dụng

Friday, March 29, 2013

Cờ Vàng


Áo Cờ Vàng Tự Do Xuất Hiện Tại Việt Nam:
Áo Vàng Ba Sọc Đỏ của Sinh Viên Luật Hà Nội




 
Photo
Photo
 
Photo
 
Photo
 
Photo
 
Photo
 
Photo
 
Tin Hà Nội: Nhiều hình ảnh hiện đang lưu truyền trên Facebook với hình các bạn trẻ mặc áo cờ vàng có ba sọc đỏ. Đó là áo thể thao của các bạn sinh viên Khóa 37 Đại Học Luật Khoa Hà Nội. Ba hình phía dưới có bạn thuộc lớp 6, lớp 17 và lớp 25. Có thể tòan khóa sử dụng màu áo này. Có hình khác các bạn khác mặc áo thể thao xanh đỏ.

Các hình này chủ yếu xuất phát từ albums và Facebook cá nhân của Hà Ngọc và của Mỹ Hà, có thể là hai sinh viên đại học luật khóa 37.
Các hình chụp là ở sân vận động Mỹ đình Hà Nội, ở công viên Hòa bình Mỹ đình, Hà Nội và ở trước cổng trường Đại Học Luật, đường Nguyễn chí thanh, Đống Đa, Hà Nội.

Một cư dân Hà Nội đã thấy các bạn mặc áo vàng có ba sọc đỏ cho biết: “Thực ra chả có tin tức gì cả, chả phải phong trào mặc áo cờ vàng gì hết, nhưng việc xuất hiện những bộ áo như này giữa thủ đô làm tôi ấm lòng lắm, tôi nhận ra tổ quốc ta phải đại diện bởi lá cờ đó, không thể là cờ cộng sản được. Đó là những hình ảnh đẹp về sinh viên thủ đô mà là sinh viên trường luật”.

Một người ở Melbourne Úc lại cho biết: “Nếu màu áo cờ này, mặc trong ngày 30-04-2013, thì nó sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và mọi người muốn thay đổi chế đô cộng sản bán nước hại dân, thì tiếp tục vận động, mặc áo cờ vào những ngày như vậy, nó biểu hiệu cho việc bất tín nhiêm chế độ, cộng sản rất sợ nhưng rất khó lấy lý do để trấn áp . Cám ơn người có sáng kiến này.”
 
Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
29-3-2013

Thursday, March 28, 2013

Nguyễn Văn Huy

 
Hôn Nhân Đồng Tính Đi Về Đâu
 
Vào tháng 7 năm 2012, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã chấp nhận sẽ thụ lý hai vụ kiện vào mùa Xuân năm 2013: Cứu xét tính cách hợp hiến của Dự Luật số 8 California (Proposition 8) và cứu xét tính cách hợp hiến của Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act). Tòa sẽ nghe lập luận của hai phía, ủng hộ và chống đối, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng.

Theo đúng lịch trình đã định, vào ngày Thứ Ba, 26/3, TCPV bắt đầu nghe luật sư đại diện hai bên, bênh và chống Dự Luật số 8 trình bày, và qua ngày hôm sau, Thứ Tư, 27/3, Toà sẽ xem xét lại phán quyết của Toà Kháng Án liên quan đến Luật Bảo Vệ Hôn Nhân.

Dự Luật số 8 là một dự luật được thông qua bởi cử tri California vào tháng 11 năm 2008. Dự Luật này đồng thời là Tu Chính Án đối với Hiến Pháp của tiểu bang. Căn bản của Luật này là xác nhận hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà là có hiệu lực và được công nhận trong tiểu bang mà thôi. Ngoài ra, Luật này còn lật ngược phán quyết của Tối Cao Pháp Viện California chuẩn nhận rằng các cặp đồng tính có các quyền hiến định như mọi cặp khác.

Vào năm 2000, Dự Luật số 22 được cử tri California bầu và trở thành luật có hiệu lực toàn tiểu bang. Luật này có nội dung tương tự như Luật số 8. Thế nhưng vào tháng 5 năm 2008, Tối Cao Pháp Viện California đã vô hiệu hoá Luật này. Để phản ứng lại, và đồng thời xác nhận lập trường và định nghĩa của hôn nhân truyền thống cho nên cử tri California vào tháng 11 năm 2008 đã đồng loạt đi bầu với tỉ lệ gần 80 phần trăm, trong đó hơn 52 phần trăm bầu cho Dự Luật này và gần 48 phần trăm cử tri chống Dự Luật này. Theo nguyên tắc dân chủ, chính phủ và dân chúng từ đó có thể thi hành Luật này được rồi. Thế nhưng cũng dựa theo nguyên tắc dân chủ, phe thiểu số có quyền đưa vụ này ra tòa liên bang phân xử.

Phe ủng hộ hôn nhân đồng tính kiện vụ này ra Toà Liên Bang, nại lý do kỳ thị, đối xử phân biệt với người đồng tính, và tính cách bất hợp hiến của Luật này.

Để phản pháo, phe ủng hộ Luật số 8 viện dẫn lý do bảo vệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ, giới hạn hôn thú cho những cặp này mà thôi. Ngoài ra, vai trò sinh nở và nuôi dưỡng con cái giữ một tầm mức quan trọng mà người ta không thấy phù hơp với các cặp đồng tính.

Vào tháng 4 năm 2010, Chánh án liên bang Vaughn Walker tại San Francisco đã phán rằng Luật này vi phạm cả hai điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ liên quan đến nguyên tắc pháp lý theo đó quyền hiến định của một người không thể bị vi phạm bởi bất cứ ai và mọi người phải được bảo vệ bình đẳng, được công nhận, bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ. Phe ủng hộ Luật số 8 không đồng ý với phán quyết của chánh án Walker đã kháng án lên toà trên, trong đó họ có nêu một lý do quan toà Walker là một người đồng tính nhưng đã giữ kín không chịu tiết lộ phái tính của mình và từ đó quyết định của ngài vô hình chung có thể có lợi cho bản thân của đương sự trong tương lai. Chỉ một thời gian ngắn, sau khi đưa ra phán quyết này, chánh án Walker đã tự ý về hưu luôn.

Vào tháng 2 năm 2012 , một ủy ban gồm ba thẩm phán của Toà Kháng Án thứ Chín đã quyết định với tỉ lệ 2-1, sau khi được Toà này giao cứu xét vụ kháng án, xác định là, y án phán quyết của ông Walker, theo đó Luật số 8 là bất hợp hiến và xác nhận ông Walker không có bổn phận tự mình phải rút lui không phán xử vụ kiện này với lý do ông là người đồng tính. Tuy nhiên, Toà Kháng Án đã cấm tiểu bang không được cho phép xúc tiến hôn nhân đồng tính, trong lúc chờ đợi vụ này được phân xử bởi toà cao hơn. Vào tháng 6 năm 2012, Toà Kháng Án thứ Chín với sự đồng ý của đa số các thẩm phán của Toà đã bác bỏ đơn yêu cầu xử lại vụ này, xác định phán quyết vừa kể và chờ một trong hai phía kháng án.

Tên chính thức của Dự Luật số 8 là: Loại bỏ Quyền Thành hôn của Người Đồng tính, Tu chính án Hợp hiến bằng Bầu cử (Eliminates Rights of Same-Sex Couples to Marry. Initiative Constitutional Amendment)

Hiện nay, có chín tiểu bang công nhận quyền của cặp đồng tính giống như quyền của các cặp có hôn nhân bình thường gồm có, California, Colorado, Delaware, Hawaii, Illinois, Nevada, New Jersey, Oregon và Rhode Island.

Hôn nhân đồng tính được công nhận hợp pháp tại chín tiểu bang không kể Washington D.C., gồm có, Connecticut, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New York, Vermont, và Washington.

California được xem là thành trì của phe cấp tiến và Dân Chủ, khá cởi mở và thực tế, ấy thế mà đa số dân chúng nơi đây lại chống đối hôn nhân đồng tính mới là lạ.

Trên toàn quốc, còn 30 tiểu bang có Hiến pháp cấm đoán hôn nhân đồng tính và 10 tiểu bang có luật cấm tương tự.

Trên thực tế, theo thời gian, quan niệm về hôn nhân đồng tính đã thay đổi nhiều. Dựa theo cuộc thăm dò dư luận trong tháng này (Pew Research), tỉ lệ này đang chuyển hướng và tăng dần, 49 phần trăm số người được thăm dò ủng hộ trong khi 44 phần trăm phản đối hôn nhân đồng tính. Chính trị gia là thành phần thức thời, đáp ứng nhanh đối với sự biến chuyển của tình thế. Chính vì thế mà chính quyền Obama đã thay đổi lập trường về vấn đề này. Vào tháng trước chính phủ Mỹ lần đầu tiên đã nói Luật số 8 California bất hợp hiến và cho biết chính phủ liên bang cũng như Bộ Tư Pháp không còn căn bản pháp lý vững chắc căn cứ vào Hiến Pháp để bênh vực Luật này nữa.

Vào ngày Thứ Ba, 26/3, chín Thẩm phán TCPV Hoa Kỳ đã ngồi nghe hai phía trình bày quan điểm. Đại diện cho chính phủ, muốn nghe xem phán quyết của TCPV ra sao là luật sư Donald Verrilli. Đại diện cho phe ủng hộ Dự Luật số 8, tức là phía đã vận động ráo tiết, thu thập chữ ký của cử tri để đưa Dự Luật ấy ra cho dân bầu thông qua vào tháng 11 năm 2008, là luật sư Charles Cooper. Đại diện cho phe chống Dự Luật, ủng hộ cho các cặp đồng tính là hai luật sư Theodore Olson và David Boies. Phe ủng hộ đưa ra lý luận, Dự Luật số 8 là sự bày tỏ ý nguyện của cử tri do đó Toà nên giữ lại Luật ấy và duy trì hiệu lực cấm đoán của nó và hãy để cho các cuộc tranh luận liên quan đến hôn nhân đồng tính được tiếp tục. Phe chống đối cho rằng Dự Luật này thiếu căn bản pháp lý, vi phạm Hiến Pháp, kỳ thị, đối xử phân biệt, bất bình đẳng giữa các công dân với nhau.

TCPV Hoa Kỳ gồm có chín Thẩm phán trong đó có năm người phái nam thuộc phe bảo thủ (Roberts, Scalia, Thomas, Alito, Kennedy) và 4 người; ba nữ một nam, thuộc phe cấp tiến (Ginsburg, Kagan, Sotomayor, Breyer) . Thẩm phán Anthony Kennedy vốn gốc bảo thủ nhưng trong quá khứ đã có những quyết định cấp tiến. Ngài này ngả theo bên nào là bên đó có hy vọng thắng.

Theo sự tường thuật của báo chí vào ngày 26/3, các Thẩm phán đã bày tỏ ý kiến liên hệ đến vụ kiện này. Có vị cho rằng thời gian chưa thật đúng để Toà ra một phán quyết chi phối toàn quốc. Có vị nói với luật sư đại diện chính phủ là không nên trông ngóng vào quyết định của Toà. Có vị dè dặt bảo là vụ kiện này lẽ ra không nên đưa lên TCPV ngay từ đầu. Và có vị nhận xét là quyền lợi của bốn chục ngàn trẻ em, con cái của những cặp đồng tính, rất là quan trọng và vì thế Toà cũng phải lưu ý đến điểm này. Có vị lại hỏi rằng nếu Toà quyết định có lợi cho người đồng tính thì thành phần đối nghịch có bị thiêt hại gì hay không.v.v...

Với tình hình trắng đen không rõ rệt như thế, dân chúng phỏng đoán một trong hai trường hợp sau đây có thể xảy ra:

TCPV sẽ ra phán quyết có lợi cho các cặp đồng tính. Phe chống đối hôn nhân đồng tính không có căn bản pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ Dư Luật số 8, Dự Luật này là bất hợp hiến và vì thế không có hiệu lực thi hành. Như vậy các cặp đồng tính có thể thành hôn thả dàn theo ý muốn một cách hợp pháp từ nay về sau.

Hoặc để tránh trách nhiệm vì có phán đằng nào TCPV cũng gặp phải sự chống đối mãnh liệt của quần chúng, các Thẩm phán sẽ chọn giải pháp hoãn binh, từ chối không ra phán quyết tối hậu, để cho dư luận có đủ thời gian làm quen dần với biến chuyển tuần tự của tình thế. Sau này có kháng án nữa, các Thẩm phán sẽ quyết định sau cũng chưa muộn. Trong trường hợp này, Toà sẽ không mất nhiều thời giờ, chỉ cần tuyên bố không có phán quyết cho vụ kiện Hollingsworth vs. Perry số 12-144, và như thế vấn đề có thể sẽ được giải quyết sau vào lúc tình thế phù hợp.

Qua ngày Thứ Tư, 27/3, các Thẩm Phán TCPV ngồi nghe về Đạo Luật Bảo vệ Hôn nhân. Luật này được Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành vào năm 1996. Điểm chính của Luật này bao gồm: Thứ nhất, xác nhận cuộc hôn nhân hợp pháp là hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà và thứ hai, các quyền lợi liên bang của các cặp đồng tính, liên quan đến thuế vụ cho đến tiền hưu trí liên bang Social Security, vì thế bị từ khước, không được chấp nhận bởi chính phủ liên bang. Cho đến ngày hôm nay, vẫn còn 37 tiểu bang, tức là đa số vẫn duy trì lệnh cấm hôn nhân đồng tính. Chỉ có chín tiểu bang đã được đề cập ở phần trên chấp thuận mà thôi. Cái rắc rối nằm ở điểm này. Được tiểu bang công nhận hôn nhân là hợp pháp nhưng cùng một lúc liên bang lại bác bỏ một số quyền lợi mà đáng lẽ ra những cặp vợ chồng lấy nhau hợp pháp phải được hưởng.

Về đạo luật Bảo Vệ Hôn Nhân này, vấn đề tương đối giản dị và rõ ràng. Các Thẩm phán TCPV dễ dàng quyết định hơn so với Luật số 8. Đây là trường hợp của bà Edith Windsor. Bà sống ở New York và hôn nhân đồng tính của bà được xem như hợp pháp tại đây. Thế nhưng căn cứ vào Luật này, chính phủ liên bang đã từ chối không công nhận cuộc hôn nhân của bà và vì thế bà đã phải trả cả hàng trăm ngàn đô la tiền thuế khi người phối ngẫu của bà mất đi. Một Toà Kháng Án đã phán rằng sự từ chối quyền lợi liên bang dành cho cặp đồng tính như thế là bất hợp hiến. TCPV kỳ này sẽ xem xét kỹ lưỡng phán quyết nói đây của Toà Kháng Án. Có vài dấu hiệu cho thấy các Thẩm phán TCPV sẽ giữ y án của Toà dưới. Nói cách khác, Luật Bảo vệ Hôn nhân có nội dung vi hiến. Két quả Luật này sẽ không được thi hành và từ đó quyền lợi liên bang của các cặp đồng tính, thuộc phạm vi các tiểu bang chính thức công nhận cuộc hôn nhân ấy, sẽ được bảo đảm.

Thông thường TCPV giải quyết các vấn đề pháp lý. Cơ quan này không thoải mái can dự và quyết định vào vấn đề có tính cách chính trị và xã hội như Dự Luật số 8 California. Tuy nhiên, nguyên tắc là như thế nhưng trên thực tế TCPV bấy lâu nay đã từng quyết định tối hậu về một số các vấn đề chính trị và xã hội ở tầm mức quốc gia. Nếu các cá nhân, phe nhóm, và các chính quyền các cấp không thể nào đồng thuận với nhau được thì cuối cùng cơ quan tài phán cao nhất nước là TCPV phải nhúng tay vào giải quyết rốt ráo thôi. Thử hỏi khi dân chúng không trông mong vào đâu được, không còn cách nào khác, và để tránh cho xã hội khỏi loạn, giải pháp cuối cùng và tiếng nói cuối cùng vẫn là TCPV. Không giữ vai trò lập pháp làm ra luật, chỉ xét xử và ra phán quyết chi phối mọi lãnh vực sinh hoạt hàng ngày của toàn dân. Phán quyết ấy trở thành án lệ liên bang có hiệu lực bao trùm như thế thì có khác gì luật do Quốc Hội làm ra đâu! Mà ngay cả luật do Quốc Hội làm ra TCPV vẫn có thể vô hiệu hoá nó như thường là đằng khác.

Lần này, nếu TCPV tỏ ra tránh né, không muốn va chạm đến hai tầng lớp lớn dân chúng, không đưa ra phán quyết rõ ràng và dứt khoát liên quan đến tính cách vi hiến của Dự Luật số 8 California, phán quyết của Toà Kháng Án thứ Chín tại San Francisco sẽ chính thức có hiệu lực và sẽ được thi hành. Các cặp đồng tính tại California có thể thành hôn chính thức và hợp pháp. Nhóm người nào trông chờ TCPV có phán quyết tối hậu công nhận hôn nhân đồng tính cho toàn quốc vào tháng Sáu 2013 là hơi sớm; điều này chưa có triển vọng thành hình được đâu. Tình hình nói chung xem ra sẽ chẳng có thay đổi lớn lao nào. Các tiểu bang sẽ tự mình giải quyết vấn đề thôi.

Riêng về Luật Bảo vệ Hôn nhân, các Thẩm phán TCPV đang có chiều hướng bác bỏ Luật này bằng cách giữ y phán quyết của Toà Kháng Án cấp dưới để tránh sự mâu thuẫn giữa liên bang và tiểu bang. TCPV cũng sẽ phó mặc cho chính phủ các cấp từ liên bang xuống đến tiểu bang giải quyết vấn đề này. Nhất là chính phủ Obama nay đã xoay chiều, công nhận hôn nhân đồng tính, và như thế liên bang có công nhận quyền lợi của các cặp đồng tính hợp pháp tại một số tiểu bang cũng là lẽ bình thường tự nhiên thôi.

Hoa Kỳ đã phải đương đầu với một số vấn đề khá nhạy cảm chẳng hạn như di dân bất hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Sự việc xem ra giản dị, dễ giải quyết, dựa trên luật pháp và sinh hoạt dân chủ. Thế nhưng vì lá phiếu và cuối cùng vì chiếc ghế, nồi cơm của các chính trị gia, sự việc lại trở nên rối rắm khiến cho họ không quyết định dứt khoát phù hợp với lương tâm của mình. Rồi từ đó họ đưa ra những lập luận không trung thực, mỵ dân, chỉ vì nhu cầu kiếm phiếu. Và họ cũng chẳng còn can đảm tranh đấu cho lẽ phải, cho niềm tin, kể cả niềm tin tôn giáo. mà họ đã từng ấp ủ. Chẳng trách xã hội càng ngày càng loạn!

Nhớ lại, vào tháng trước Việt Nam đã phải đương đầu với một thực tế là hôn nhân đồng tính. Thế nhưng nhà cầm quyền đã quyết định gác lại vấn đề này, chờ cho đến một thời gian thuận tiện trong tương lai sẽ tính sau. Kỳ này nếu TCPV Hoa Kỳ có một quyết định giống như thế về Dự Luật số 8 thì Đông và Tây quả thật đã gặp nhau rồi vậy.

"Một cái bao tử trống rỗng không phải là một cố vấn chính trị tốt."

(An empty stomach is not a good political advisor. - Albert Einstein)

"Chớ có sợ những người nào chịu tranh luận, có chăng là những người muốn né tránh mà thôi."

Nguyễn Văn Huy

Wednesday, March 27, 2013

Thái Bá Tân


Những người khốn khổ

Hắn là đội viên đội cảnh vệ một cơ quan trung ương, chính xác hơn là đội cảnh vệ riêng của thủ trưởng cơ quan ấy, một nhân vật quan trọng và nổi tiếng, đến mức được treo ảnh trên đường phố vào những dịp đại lễ. Hắn là lính mới nhưng rất được tin cậy, vì đích thân ông đội trưởng quân hàm trung tá vào tận quê tuyển mộ. Riêng việc này đủ bảo đảm cho hắn một chỗ đứng vững vàng trong ngành và một tương lai chắc cũng vững vàng không kém.

Tất nhiên quê hắn phải là Nghệ An, ở một huyện cách mạng, xã cách mạng, làng cách mạng, và gia đình hắn không chỉ cách mạng nòi, mà còn nhất thiết phải là cố nông, tức là bậc thấp nhất trong thứ bậc tài sản ở nông thôn Việt Nam vốn đã rất nghèo thời đó. Bản thân hắn cũng không chê vào đâu được – khỏe mạnh, 22 tuổi, lạnh lùng, lầm lì ít nói, khuôn mặt vô cảm kín bưng, không nghiện bất kỳ cái gì, đến trà và bia cũng không mà chỉ uống nước sôi để nguội, ấy là nói sau này, chứ lúc ở nhà hắn uống nước lã, có khi nước ruộng. Ông trung tá đội trưởng bỏ hẳn một ngày dò hỏi trong làng về thời trẻ của hắn, thấy nói hắn không biết sợ là gì, thích đánh nhau và thường đánh thắng. Sau này ông phát hiện thêm hắn có kỷ luật thép, luôn tuân lệnh cấp trên mà không hỏi một câu nào thừa, không cử chỉ nào thừa. Tóm lại, hắn là một cái máy, một rô-bốt hoàn hảo chỉ cần có người điều khiển. Duy nhất một điều ông chưa thật vừa ý, là hắn không mù chữ mà lại học hết lớp bảy. Hơn thế lại học không đến nỗi. Nhưng không sao, ông chép miệng, con người ta hiếm ai trọn vẹn mọi bề. Vả lại cái khiếm khuyết ấy có thể khắc phục được cùng với thời gian.
Một hôm, hắn được gọi vào phòng đội trưởng. Chỉ một mình ông với hắn.

“Đội có nhiệm vụ này giao cho đồng chí…” ông kia vào đề luôn.

Hắn biết có chuyện quan trọng. Bình thường ông vẫn cậu tớ thân mật với hắn. Cả vẻ mặt nghiêm khắc thái quá của ông cũng khẳng định thêm điều đó.

“Tôi sẵn sàng nhận và hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào đồng chí và tổ chức giao” Hắn ưỡn người đáp, cũng là một ngoại lệ, vì xưa nay ít khi hắn phải nói cái câu nghi thức khô khan ấy.

 “Tốt. Mời đồng chí ngồi xuống”.

 Ông đội trưởng chỉ chiếc ghế cho hắn, rồi chậm chạp và rõ ràng, ông nói rõ cái nhiệm vụ đặc biệt hắn sẽ làm lần này. Hắn không cắt ngang lần nào, cũng chẳng hỏi gì. Chỉ lặng thinh nghe và trả lời các câu hỏi về xử thế khi giả định có khâu nào đó không diễn ra suôn sẻ như kế hoạch.

Hắn trả lời tốt. Ông đội trưởng hài lòng, thể hiện sự hài lòng ấy bằng cách vỗ nhẹ vào vai hắn:

“Thôi, cậu đi được rồi”.
Hắn được giao giết một người. Theo ảnh thì đó là một cô gái trẻ và khá xinh. Hắn không hỏi, mà rồi cũng chẳng được phép hỏi người hắn sắp giết là ai và vì sao bị giết. Hắn biết cư xử như tên giết thuê chuyên nghiệp, nhưng không vì tiền mà vì lý tưởng, vì an ninh quốc gia và vì sự bình yên của Thủ Trưởng.

Hắn đã học một năm ở trường đặc biệt của Bộ, nơi hắn được dạy những gì một người như hắn cần biết. Sau đó là hai năm công tác – cũng chẳng có gì phức tạp và hắn luôn làm tốt. Nhưng giết người thì đây là lần đầu. Tuy vậy, hắn chẳng vì thế mà run tay hoặc suy nghĩ nhiều. Cái chất máy có sẵn trong người đã được củng cố thêm, nâng tới mức hoàn hảo trong ba năm qua. Và bây giờ hắn, cái con người – rô-bốt ấy đang sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu, chắc phải là một tên gián điệp hoặc một đối tượng nào đó rất nguy hiểm cho nhân dân và đất nước. Một khi Trên đã quyết định thủ tiêu ai thì nhất định người đó phải có tội, không thừa hơi băn khoăn thắc mắc. Thậm chí hắn háo hức làm việc này vì muốn chứng tỏ cho đội trưởng và Trên biết hắn là người thế nào. Ông đội trưởng có thể giao nó cho nhiều người khác trong đội giỏi và kinh nghiệm hơn, nhưng ông đã giao cho hắn. Chắc cũng vì mục đích thử thách ấy.

Năm giờ chiều, hắn lái chiếc xe com-măng-ca bịt kín đến chỗ qui định và bình thản chờ. Mười lăm phút sau đối tượng xuất hiện, từ cái chợ cóc ở phố Hàng Gỗ đi ra, tay xách chiếc làn xanh căng phồng. Hắn giở ảnh kiểm tra lần nữa rồi cho xe từ từ lại gần. Đến nơi, hắn mở cửa nhảy xuống, lịch sự nói: “Chị lên đây tôi chở giùm”. Trong khi người kia ngơ ngác không hiểu chuyện gì xẩy ra thì hắn đã nhanh nhẹn kéo lên xe, đóng sập cửa rồi rồ máy phóng đi. Đúng như kế hoạch. Hắn thủ sẵn chiếc khăn nhỏ định nếu đối tượng làm ầm lên thì nhét vào mồm, nhưng cô kia ngồi im, chắc do sợ quá, nên hắn chẳng phải làm cái việc thô lỗ ấy.

Theo kế hoạch thì hắn sẽ đưa cô ta đi về hướng Chèm, càng xa xa thành phố càng tốt, rồi giết. “Bóp cổ chứ đừng bắn, và vứt xác xuống sông Hồng”. “Nếu thích thì có thể hiếp trước khi giết,” ông đội trưởng bảo thế càng tăng bằng chứng đây thuần túy là vụ án hình sự. “Rồi người ta sẽ tìm ra kẻ phạm tội”.

Cô gái quả xinh thật, dù trời sắp tối nhưng hắn vẫn nhận ra điều ấy. Cô trạc hai mươi lăm tuổi, nét mặt thanh tú kiểu trẻ con, và rất trắng. Có thể đó là màu trắng bệch do quá sợ hãi. Xe đã qua Yên Phụ và đang đi ngược theo bờ đê về phía bắc. Cô gái ngồi im, có vẻ bình tĩnh hơn, và điều này làm hắn thấy lạ. Chiếc làn đổ ngang dưới ghế, mấy quả chanh lăn ra ngoài. Hai tay cô đặt lên chiếc bụng lùm lùm. Sao cô ta không kêu lên nhỉ? Không đập phá đòi thoát ra ngoài? Thậm chí không thèm hỏi đang bị đưa đi đâu. Hắn tự hỏi nhưng không tìm được câu trả lời.

Xe vẫn chạy đều, tuy không còn nhanh như trước. Trời chập tối. Cô gái vẫn bướng bỉnh im lặng. Từ ngạc nhiên, hắn chuyển sang bực mình. Đây là điều không nằm trong kế hoạch và chưa được dự tính trước nên hắn thấy lúng túng không biết nên làm gì.

“Này, con phản động kia, sao mày ngồi đực ra thế?” Hắn quát hỏi một câu ngu ngốc, chính hắn cũng nhận ra sự ngu ngốc ấy. “Mày không biết đang bị đem đi giết à?”

“Biết”, cô gái đáp, lạnh lùng và khinh bỉ.

Hắn càng lúng túng hơn, và vì không tìm được gì nữa để nói nên từ đó ngồi im.

Quá Chèm chừng năm cây số thì hắn cho xe rẽ xuống bờ sông và dừng lại sau mấy bụi tre um tùm đủ che lấp hành động tội lỗi hắn sắp làm. Trời tháng Tám đầy sao. Nước sông vỗ vào bờ ì oạp. Xung quanh vắng lặng không người, chỉ xa xa phía nam hầng lên vừng sáng nhạt những ngọn đèn thành phố.

“Xuống!”

Hắn ra lệnh, rút ở lưng ra khẩu súng lục rồi lách tách lên cò. Đó là hắn dọa chứ không có ý định dùng súng. Hắn sẽ bóp cổ rồi vứt xác xuống sông, như ông đội trưởng dặn, lại đỡ gây tiếng ồn không cần thiết. Tuy nhiên hắn sẽ không hiếp cô theo gợi ý của ông, vì suy cho cùng hắn là cán bộ, là chiến sĩ bảo vệ an ninh đất nước sống có lý tưởng chứ không phải một tên tội phạm hạ đẳng. Lúc nào hắn cũng nghĩ việc mình làm là đúng và đang phụng sự một sứ mạng cao cả. Phương tiện không quan trọng, cái chính là mục đích, người ta dạy hắn thế. Mà mục đích của những người như hắn là tiêu diệt bọn phản động, kẻ thù của giai cấp. Hắn là người thừa hành giai đoạn chót. Các giai đoạn trước đó thuộc người khác. Bao giờ cũng vậy, khi thừa hành nhiệm vụ, chất máy trong hắn luôn lấn át chất người, và bây giờ cái cỗ máy ấy đã sẵn sàng. Vậy sao hắn phải vờ lên cò súng dọa một đối thủ yếu ớt không muốn và không biết tự vệ? Thực ra hắn cũng chẳng hiểu vì sao hắn làm thế. Dọa cho vui? Hoặc trả thù vì lúc nãy làm hắn lúng túng bằng cách ngồi im không kêu la, van xin?

“Xuống. Xuống ngay, con phản động kia!” Hắn cao giọng quát khi thấy cô gái vẫn ngồi bất động trong ca-bin. Lại lần nữa hắn lên cò lách tách. “Tao không muốn bắn mày trên xe để mất công cọ rửa. Xuống”.

Cô gái không đáp. Hắn tò mò, thận trọng lại gần.

“Có chuyện gì thế? Định giở trò hả?”

Trong ánh trăng nhờ nhờ, hắn thấy cô kia đang mím môi ôm bụng vật vã, mặt méo xệch lấp lánh mồ hôi.

“Thôi đi, không lừa được ai đâu”. Giọng hắn có vẻ bớt gay gắt. “Kéo dài thêm mấy phút chẳng ích gì”.

“Anh chờ cho một lát, cuối cùng cô gái hổn hển đáp. Tôi đau quá. Nhưng chắc sắp qua rồi…”

“Đau gì?”

Cô gái chỉ vào bụng mình. Mãi đến bây giờ hắn mới phát hiện thấy cô đang có chửa, mà có lẽ đã già tháng. “Rách việc”, hắn lầu bầu, vừa bực mình vừa lúng túng không biết làm gì. Đây là tình huống không hề lường trước và rất tế nhị.

Hắn ngồi phịch xuống vệ cỏ, và vì không biết hút thuốc nên thừa tay chân, nhặt một viên đá ném xuống sông, nơi sóng vẫn vỗ ì oạp vào bờ. Mặt nước ban ngày đỏ ngầu bây giờ đang lung linh nghìn đốm sáng nhỏ.

Hình như có cái gì đấy khác thường xuất hiện trong hắn. Nhỏ thôi, yếu ớt thôi nhưng rõ ràng đã xuất hiện. Dấu hiệu về một trục trặc nào đó trong cỗ máy.

"Thì chờ”, hắn nghĩ bụng, đưa mắt nhìn khoảng trống bao la trước mặt.

Trời tối chẳng thấy gì, ngoài hình ảnh cô gái hắn sắp giết đang đau quằn quại. Đau đẻ. Thế thì thật phiền cho hắn. Sao lại chọn đúng lúc này để đau, để đẻ? Hắn nghĩ phải ra tay bóp cổ một người trong hoàn cảnh thế này thì chẳng đẹp đẽ chút nào.

Bỗng hắn nhớ đến mẹ hắn. Mấy năm qua ít khi hắn nhớ bà hoặc bất kỳ người nào ở quê. Mẹ hắn đã chết trước mắt hắn, cũng trong một cơn đau đẻ quằn quại kéo dài. Chết cùng đứa con chưa kịp ra đời. Lúc ấy hắn chỉ biết khóc chứ chẳng thể làm gì giúp mẹ. Từ đó hắn đâm sợ những người đàn bà chửa, sợ những cơn đau đẻ. Bây giờ lại cô này nữa, người hắn có nhiệm vụ bóp cổ cho chết rồi vứt xác xuống sông. Hắn rùng mình, thấy mệt rã rời, yếu ớt và thậm chí buồn. Sao trong đau đẻ phụ nữ giống nhau thế?

Hắn đứng dậy, rùng mình lắc lắc đầu như muốn xua đuổi giây phút ủy mị vốn rất xa lạ với những người làm nghề hắn. Rồi hắn uể oải bước lại gần chiếc xe.

Trăng đã lên cao, trông sần sùi và nhợt nhạt như đĩa trứng rán gà công nghiệp chỉ toàn lòng trắng. Cô gái đang tựa người vào thành ghế, mắt nhắm, mặt còn tái nhợt tuy thở đều. Hình như cơn đau đã qua.

Hắn lên xe, ngồi xuống cạnh sau vô lăng.

 “Hết đau rồi chứ?” Hắn muốn quát lên như lúc nãy nhưng chỉ nói được thế, thậm chí muốn dùng chữ “cô”.

Cô gái khẽ gật đầu.

“Bây giờ anh muốn làm gì tôi thì làm. Bắn đi”.

 “Tôi sẽ bắn. Nhưng không vội. Sao cô vội chết thế?”

“Vì tôi không thiết sống nữa. Sống thế này thì thà chết còn hơn”.

“Thế nào là thế này?”

“Đi mà hỏi người sai anh giết tôi ấy. Hắn đã dọa nhiều lần và lần này thì tôi biết hắn làm thật”.

“Hắn là ai?”

Cô gái lặng lẽ cúi nhìn xuống bụng.

“Không cần hỏi nhiều. Bắn thì bắn đi, nhưng bắn vào đầu ấy. Đừng bắn vào bụng. Đứa bé không có tội gì. Đau nó. Chỉ bố nó mới là thằng khốn nạn”.

“Ý cô muốn nói cô không là gián điệp nước ngoài hay phần tử phản động nguy hiểm?” Hắn hỏi một câu ngốc nghếch với giọng cũng ngốc nghếch không kém.

Cô gái không trả lời câu hỏi ngốc nghếch ấy, nhưng lát sau, một cách miễn cưỡng và vì bị hỏi dồn, cô kể hắn nghe cô là ai và vì sao bị người ta muốn giết.

Một lần đi săn ở mạn ngược, Thủ Trưởng hắn, con người quan trọng, nổi tiếng và có ảnh treo trong những dịp đại lễ ấy, gặp cô đang lúc làm rẫy, thấy xinh bèn bắt cô về Hà Nội. Hai tên mặc thường phục có súng làm điều đó. Chúng ngồi hai bên, ép chặt cô ở giữa suốt dọc đường đi. Mấy lần chúng suýt đánh khi cô định lêu cứu. Nhưng thằng Thủ Trưởng thì đối xử khá lịch sự. Hắn đưa cô đến môt căn phòng nhỏ, chu cấp đầy đủ và chẳng bắt làm gì ngoài mỗi tuần cô phải tiếp hắn trên giường ba lần vào các tối thứ Ba, thứ Sáu và Chủ nhật. Thậm chí có lần hắn nói có thể cưới cô làm vợ nếu cô ngoan ngoãn chiều hắn và nhất là không để lộ ai biết chuyện này. Thời kỳ đầu bị nhốt, nhưng sau mấy tháng cô được tự do ra khỏi nhà để đi chợ và nấu nướng cho mình. Khi thấy cô có chửa, hắn bắt đi nạo nhưng cô không chịu. Từ đấy hắn trở nên cáu giận và thô lỗ, mấy lần thẳng tay đánh cô, dọa sẽ giết nếu tiếp tục bướng bỉnh. Tuần vừa rồi thì ngày nào hắn cũng đến, đánh và dọa giết. Cô xin được về quê, thề không cho ai biết điều gì, nhưng hắn không chịu. Vậy là cô quyết định nhất thiết phải giữ đứa con này, vì cô rất yêu và muốn có nó, không thì chết cả hai. Cô biết sớm muộn hắn sẽ cho người đến đưa cô đi thủ tiêu. Và hôm nay chuyện ấy đã xẩy ra…

“Chuyện chỉ có thế, bây giờ anh bắn tôi được rồi đấy”, cô gái nói, tay vuốt vuốt bụng. “Chỉ xin bắn vào đầu”.

 Hồi lâu hắn ngồi im không đáp. Hắn đang bối rối. Trước đấy thì bàng hoàng sửng sốt, thậm chí công phẫn. Dẫu sao thì hắn cũng là lính mới, và dù biết trong đời chuyện gì cũng có thể xẩy ra, nhưng những gì hắn được nghe về Thủ Trưởng mình thì thật quả hắn không ngờ, không tin nổi. Không được tiếp xúc nhiều nhưng hắn thực lòng kính trọng Thủ Trưởng, một lãnh tụ, một người đáng kính về mọi mặt mà nếu cần hắn sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ, không chỉ vì hắn được trả lương để làm điều ấy, mà vì cả sự kính trọng của hắn với ông. Hắn hiểu vì sao Thủ Trưởng sợ câu chuyện này vỡ lỡ – sắp tới có cuộc hội nghị quan trọng bàn về nhân sự. Uy tín của Thủ Trưởng có thể bị phương hại, mà nhiệm vụ của hắn là bảo vệ uy tín cho ông. Nhưng liệu hắn có nỡ giết người con gái khốn khổ này không, nếu không thì chuyện gì sẽ xẩy ra với cô và với cả chính hắn? Hắn đã bị đẩy vào một tình huống nguy hiểm và khó xử. Bất giác hắn thấy mình chẳng hơn gì cô gái khốn khổ đang ngồi bên. Hắn cũng là một thằng khốn khổ.

Hắn nhìn sang bên, thầm nghĩ nếu mẹ hắn không chết, có thể hắn cũng có một người em gái thế này. Cơn hấp hối đau đẻ vật vã của mẹ hắn lại hiện lên trong đầu. Hai mắt rưng rưng, hắn để mặc trí nhớ đưa hắn trở lại những ngày xa xưa ấy. Những ngày chăn trâu đói ăn phải moi trộm khoai hàng xóm. Những trò trẻ con láo lếu. Những cuốn sách hắn đã đọc – thời nhỏ hắn rất ham đọc sách và đọc khá nhiều nhờ mượn được của một ông giáo già trong làng – trong đó có những cuốn làm hắn cảm động đến phát khóc. Cuốn “Không gia đình” hay cuốn “Những người khốn khổ” chẳng hạn…

Hắn ngồi im, lặng người suy nghĩ rất lâu, rồi đột ngột với cả chính mình, hắn rồ máy phóng xe đi. Lúc này đã khuya. Mặt trăng sáng và tròn hơn nhưng không hiểu sao có màu vàng vàng.

Ông trung tá – đội trưởng đội cảnh vệ đã phạm một sai lầm lớn khi tuyển dụng hắn. Ông đã bỏ sót không biết một chi tiết, nhỏ thôi nhưng rất quan trọng trong việc chọn người cho cái nghề của ông, là hắn từng đọc sách, hơn thế đọc cả những cuốn có thể làm người ta xúc động và hướng thiện.

Câu chuyện này tôi nghe được trong một quán ăn Việt Nam ở quận 13, Paris(Right:Chân dung nhà văn, nhà giáo Thái Bá Tân. Courtesy FB Thái Bá Tân). Chính ông chủ quán kể. Ông sang Pháp mới mấy năm nay, trước có vấn đề với chính quyền, thậm chí phải đi tù một thời gian vì lý do chính trị. Vì cùng giới nên trước đây chúng tôi có biết nhau, sơ sơ thôi chứ không thân, vì tôi viết văn mà ông thì dịch và làm điện ảnh, lại nhiều tuổi hơn. Tôi không biết ông có dụng ý gì không khi kể tôi nghe câu chuyện trên, cũng như mức độ xác thực của nó.

Phải thừa nhận đây là một chuyện cảm động, hơi chút ít ly kỳ, thậm chí có thể dựa vào đó để viết thành cuốn tiểu thuyết chững chạc. Dạo này tôi lười, ngại không muốn tập trung viết dài hơi nên cuối cùng quyết định gói gọn trong một truyện ngắn. Mà cũng chỉ mới phần mở đầu. Phần sau nhiều sự kiện hơn, và không kém phần bi kịch.

Đại khái ông kể thế này:

Bị tác động mạnh bởi cuốn “Những người khốn khổ” của Victo Huygô đọc nhiều năm về trước, đột nhiên hắn có một quyết định táo bạo, là đưa cô gái trở lại quê cô, sau đó muốn ra sao thì ra, hắn có bị sa thải, bị kỷ luật hay bị giết cũng không sao. Khi biết chuyện, cô kia phản đối, vì chắc người của Thủ Trưởng sẽ tìm đến và có thể còn giết cả nhà cô để bịt mối. Hắn thấy có lý. Cuối cùng, hai người quyết định cùng bỏ trốn, thay đổi tên họ và sống đâu đó thật xa. Đến một huyện miền núi Lai Châu, hắn lăn xe xuống vực rồi hai người dìu nhau vượt núi vào một bản người Mèo hẻo lánh. Họ làm thuê cho một ông già sống tách biệt trong rừng, chăm sóc nửa quả đồi trồng cây thuốc phiện, không tiền công, không đòi hỏi gì ngoài việc giữ kín tung tích họ. Cô gái sinh con ở đây, con trai. Được hai năm thì xem chừng bị lộ, cả ba vượt rừng trốn qua Lào, giữa đường bị một toán phỉ bắt rồi nhập bọn với chúng. Vì giỏi bắn súng và dũng cảm, chẳng bao lâu hắn trở thành một trong những tay trùm của toán phỉ ấy. Được mấy năm thì hắn quay lại Việt Nam, sau khi bắn chết một tên có ý sàm sỡ với vợ hắn. Lúc này họ đã thành người Mèo thực sự, ăn nói, sinh hoạt y hệt người Mèo, họ tên cũng thay đổi giống họ.

Cả nhà hắn yên ổn sống trong một bản hẻo lánh sát biên giới suốt mười năm, là nơi vì có học, hắn được bầu làm chủ tịch xã, còn vợ thì phụ trách hội phụ nữ. Ba đứa con thông minh, khỏe mạnh và đều học hết cấp một, mức học cao nhất mà địa phương hắn có thể có. Vậy là dường như mọi chuyện tốt đẹp. Hắn thầm hài lòng rằng cuộc đời vợ chồng hắn hóa ra cũng không đến nỗi. Viễn cảnh một cuộc sống yên ổn cho tới già bên vợ con ở nơi nghèo đói xa xôi này làm hắn hạnh phúc. Thế mà một hôm, khi cả nhà đang ngồi ăn cơm vui vẻ trong sân, hắn có cảm giác như ai đó chăm chú nhìn mình. Ngước lên nhìn, hắn thấy môt người đàn ông mặc đại cán, đội mũ kếp đang đứng trước ngõ, chắc theo dõi hắn từ lâu. Cán bộ miền xuôi, hắn chột dạ, hơn thế lại trông quen quen. Liền sau đó hắn nhận ra đó là ông trung tá, đội trưởng, thủ trưởng trực tiếp của hắn. Ông đã già, thay đổi nhiều, nhưng hắn vẫn nhận ra, bằng linh tính sắc nhạy của người suốt đời lo lẩn trốn. Ông ấy đến để bắt hắn sau nhiều năm tìm kiếm và cuối cùng đã tìm ra. Làm thế nào bây giờ? Không thể nghĩ tới việc chống lại vì chắc ông ta không đến đây một mình. Chạy trốn? Chạy cách nào? Một mình hắn còn được, nhưng vợ con thì sao?

Mắt hai người gặp nhau. Ông trung tá nhìn hắn không chớp, đứng thêm một chốc rồi bỏ đi. Hắn lặng lẽ ăn nốt bữa cơm, nghĩ chỉ chốc nữa ông kia quay lại cùng nhiều người khác, và hắn sẽ bị bắt, có thể cả nhà, hoặc chí ít với vợ hắn.

Nhưng ông ta đã không quay lại. Ngay tối hôm ấy hắn đưa cả nhà trốn đi nơi khác. Từ ấy đến nay không ai biết họ ở đâu, sống chết thế nào.

Giải thích cho hành động kỳ quặc này của ông trung tá, ông chủ cửa hàng ăn Paris cho biết rằng sau vụ giết cô gái không thành, ông bị kỷ luật nặng, đình chỉ công tác những một năm, sau mới được gọi trở lại để tiếp tục truy tìm những kẻ bỏ trốn. Theo ông chủ quán thì có thể trong quãng thời gian ngồi không ấy ông ta đã có dịp đọc sách, và biết đâu sách đã chẳng giúp ông ta trở nên có tính người hơn, dẫn dến việc tha không bắt những con người khốn khổ mà ông ta phải vất vả lắm mới tìm được. Theo tôi, đó chỉ là lối suy diễn chủ quan thuần túy. Nhưng thôi, điều ấy không quan trọng. Điều quan trọng là ông ta đã không bắt, có thể vì cảm động trước hạnh phúc đơn sơ của họ, cũng có thể vì những lý do khác ta không biết.

Ông Thủ Trưởng – Lãnh tụ kia đã chết từ lâu. Gần đây người ta lấy tên hắn đặt cho một đường phố Hà Nội. Nghĩa là hắn vẫn được kính trọng, và chẳng công lý nào sờ đến hắn vì những tội ác trước đấy. Thực ra tôi chẳng quan tâm mấy đến hắn. Chỉ hơi bực mình mỗi lần có việc đi qua phố ấy, bực mình và buồn vì nỗi ngày càng nhiều đường phố thủ đô với những cái tên thân thương, dân dã bị xóa sổ, bắt mang tên các vị lãnh đạo cách mạng đủ cỡ, từ ủy viên bộ chính trị đến trung ương ủy viên thường, hay thậm chí còn thấp hơn thế.

Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới gia đình những con người khốn khổ kia. Họ đã chết hay đang sợ hãi chui lủi đâu đó? Nếu còn sống thì đang ở đâu, và phải chăng đã đến lúc họ thẳng lưng bước ra ánh sáng để tố cáo lũ bất lương nhân danh nhân dân làm điều ác?

Lại còn ông trung tá – đội trưởng kia nữa. Tự nhiên tôi thấy thiện cảm với con người này. Suy cho cùng ông ta cũng là nạn nhân của sự mù quáng lý tưởng, một rô-bốt bình thường của thời công nghệ thấp mà người lập trình chưa đủ trình độ để bảo đảm không bao giờ trục trặc.
(1/8/2004)

Thơ châm ngôn số 40

Muốn thành người mạnh mẽ,
Tuyệt đối không kêu ca.
Càng không mau nước mắt
Như một mụ đàn bà.
Người mạnh mẽ luôn biết
Cách thu xếp cuộc đời.
Dẫu buồn đau, muốn khóc,
Họ vẫn cố mỉm cười.
(5/10/2012)
 
Thái Bá Tân
           @vietthuc

Tuesday, March 26, 2013

Hà Thị Cầu & Trần Đức Thảo


Chuyện Hà Thị Cầu & Trần Đức Thảo

Cộng sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”
 
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói vừa ghi. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hoè ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, cha nội?

 Mà chả chỉ riêng hoa, ở nước ta, cái (mẹ) gì mà không thiếu nên mọi thứ vẫn thường phải phân phối theo tiêu chuẩn – ngoại trừ huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng… thì mới thừa thôi. Bởi vậy, tôi xin được có ý kiến (hơi) khác với T.T. Thích Trí Quang chút xíu: “Cộng sản nó chôn sống mình hôm nay, mai nó mang huân chương hay giải thưởng đến để… làm lễ truy tặng!”

Ông Trần Đức Thảo là một nạn nhân điển hình cho cái cách chôn sống (rất) bất nhân như thế – theo như lời của một bà cụ bán nước trà ở đầu khu tập thể Kim Liên, nơi mà triết gia của chúng ta cư ngụ cho đến gần lúc cuối đời:

Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…”

Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế.. ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái ‘pooc ba ga’, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… (Phùng Quán – “Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo”. Ba phút sự thực, Văn Nghệ, Sài Gòn: 2007, bản in lần thứ hai)

 Nếu bạn thấy những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đôi câu nữa, của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng:

Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc… Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra.

Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.

Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót cho mãi đến năm 1991 – năm mà ông được nhà nước tha (tào) và cho trở lại Paris, theo như tường thuật của tác giả Minh Diện:

Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40 năm ông cô đơn bên trời Nam,giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ cơ hội thì khó mà tìm lại được.

Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt, há miệng thở như thổi bễ.”

Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa… Năm 2000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Xã hội.

Thiệt là… có hậu!
 
Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của… một bà già khác, cùng thời, bà Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, ít ra là ở phạm vi quốc nội. Trên báo Bắc Giang, phát hành vào ngày 1 tháng 4 năm 2009, một nhà văn Việt Nam đã viết những dòng chữ chí tình như sau về người nghệ sĩ này:

 Với bà, tên tuổi, sự nghiệp tôi đã đọc quá nhiều trên báo chí, một nghệ nhân lớn, một người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, một tài sản dân gian quý báu, một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà ở thế giới

Và tôi choáng váng vì không thể ngờ, một nghệ sĩ tên tuổi như vậy, báo chí ngợi ca như vậy, các cấp quản lý thay nhau tôn vinh như vậy lại đang có cuộc sống khó khăn đến không tin được. Ngôi nhà bà Hà Thị Cầu bé tí nằm cận kề trụ sở UBND xã Yên Phong. Ngôi nhà bé thế lại còn chia làm hai, một nửa cho bà Cầu ở, nửa còn lại là nhà thờ họ. Phần ở của bà lại chia đôi, phía ngoài đủ đặt cái giường đôi, bộ bàn ghế uống nước, phía trong là nơi bà ngủ, diện tích cũng chỉ nhỉnh hơn cái giường một chút xíu.

BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn bã đi tin: “Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình…” Hung tin này đã khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận:

Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như thế, được coi là “báu vật nhân văn” của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài…

Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà – nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói…

Leo lẻo ca ngợi, leo lẻo thuyết giảng, leo lẻo leo lẻo… ở mọi cấp để rồi bỏ rơi một nghệ nhân lớn, cay đắng hơn, còn lợi dụng tài năng, tên tuổi của bà để trục lợi cả tiền, danh tiếng, uy tín của cá nhân mình.
Thôi nhé, bà mất rồi, im cả đi, đừng lại ngoạc mồm “bà mất đi là địa phương mất đi một tài năng, đất nước mất đi một nghệ nhân lớn… vô cùng đau xót”. Câm đi…
 
Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối, cũng như chính sách, của Đảng và Nhà nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin của BBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định:

Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị ‘mất đi’ trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian… hát xẩm bị coi là “hạ cấp” và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường.

Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị chính quyền chôn sống từ lâu nhưng mãi đến tháng Ba năm nay mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, báo Thể thao Văn hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013) đã có… tin vui:

Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà danh hiệu NSND… Thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc này.

 Thiệt là tử tế hết sức!

Theo Wikipedia: Năm 1977 bà Hà Thị Cầu là tác giả của bài Theo Đảng trọn đời. Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề cương văn hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho nó.
Những người “hát xẩm bị coi là hạ cấp,” đã đành, thế còn triết gia thì sao? Giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta, cả hai Đảng đều coi họ không bằng … cục cứt!

Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy – bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là phương tiện, được sử dụng tùy theo lúc mà thôi.

Sau đó đều bị mang chôn sống ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.

Ảnh 1: Hình chụp từ tạp chí Nghiên cứu Đông Dương. Nguồn: vnu.edu
Ảnh 2: Báu vật nhân văn sống của Việt Nam, hình chụp trước tư gia. Nguồn: vnexpress.net
Ảnh 3: Bà Hà Thị Cầu. Nguồn: wikipedia
 
Tưởng Năng Tiến