Thursday, March 28, 2013

Nguyễn Văn Huy

 
Hôn Nhân Đồng Tính Đi Về Đâu
 
Vào tháng 7 năm 2012, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã chấp nhận sẽ thụ lý hai vụ kiện vào mùa Xuân năm 2013: Cứu xét tính cách hợp hiến của Dự Luật số 8 California (Proposition 8) và cứu xét tính cách hợp hiến của Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act). Tòa sẽ nghe lập luận của hai phía, ủng hộ và chống đối, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng.

Theo đúng lịch trình đã định, vào ngày Thứ Ba, 26/3, TCPV bắt đầu nghe luật sư đại diện hai bên, bênh và chống Dự Luật số 8 trình bày, và qua ngày hôm sau, Thứ Tư, 27/3, Toà sẽ xem xét lại phán quyết của Toà Kháng Án liên quan đến Luật Bảo Vệ Hôn Nhân.

Dự Luật số 8 là một dự luật được thông qua bởi cử tri California vào tháng 11 năm 2008. Dự Luật này đồng thời là Tu Chính Án đối với Hiến Pháp của tiểu bang. Căn bản của Luật này là xác nhận hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà là có hiệu lực và được công nhận trong tiểu bang mà thôi. Ngoài ra, Luật này còn lật ngược phán quyết của Tối Cao Pháp Viện California chuẩn nhận rằng các cặp đồng tính có các quyền hiến định như mọi cặp khác.

Vào năm 2000, Dự Luật số 22 được cử tri California bầu và trở thành luật có hiệu lực toàn tiểu bang. Luật này có nội dung tương tự như Luật số 8. Thế nhưng vào tháng 5 năm 2008, Tối Cao Pháp Viện California đã vô hiệu hoá Luật này. Để phản ứng lại, và đồng thời xác nhận lập trường và định nghĩa của hôn nhân truyền thống cho nên cử tri California vào tháng 11 năm 2008 đã đồng loạt đi bầu với tỉ lệ gần 80 phần trăm, trong đó hơn 52 phần trăm bầu cho Dự Luật này và gần 48 phần trăm cử tri chống Dự Luật này. Theo nguyên tắc dân chủ, chính phủ và dân chúng từ đó có thể thi hành Luật này được rồi. Thế nhưng cũng dựa theo nguyên tắc dân chủ, phe thiểu số có quyền đưa vụ này ra tòa liên bang phân xử.

Phe ủng hộ hôn nhân đồng tính kiện vụ này ra Toà Liên Bang, nại lý do kỳ thị, đối xử phân biệt với người đồng tính, và tính cách bất hợp hiến của Luật này.

Để phản pháo, phe ủng hộ Luật số 8 viện dẫn lý do bảo vệ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ, giới hạn hôn thú cho những cặp này mà thôi. Ngoài ra, vai trò sinh nở và nuôi dưỡng con cái giữ một tầm mức quan trọng mà người ta không thấy phù hơp với các cặp đồng tính.

Vào tháng 4 năm 2010, Chánh án liên bang Vaughn Walker tại San Francisco đã phán rằng Luật này vi phạm cả hai điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ liên quan đến nguyên tắc pháp lý theo đó quyền hiến định của một người không thể bị vi phạm bởi bất cứ ai và mọi người phải được bảo vệ bình đẳng, được công nhận, bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ. Phe ủng hộ Luật số 8 không đồng ý với phán quyết của chánh án Walker đã kháng án lên toà trên, trong đó họ có nêu một lý do quan toà Walker là một người đồng tính nhưng đã giữ kín không chịu tiết lộ phái tính của mình và từ đó quyết định của ngài vô hình chung có thể có lợi cho bản thân của đương sự trong tương lai. Chỉ một thời gian ngắn, sau khi đưa ra phán quyết này, chánh án Walker đã tự ý về hưu luôn.

Vào tháng 2 năm 2012 , một ủy ban gồm ba thẩm phán của Toà Kháng Án thứ Chín đã quyết định với tỉ lệ 2-1, sau khi được Toà này giao cứu xét vụ kháng án, xác định là, y án phán quyết của ông Walker, theo đó Luật số 8 là bất hợp hiến và xác nhận ông Walker không có bổn phận tự mình phải rút lui không phán xử vụ kiện này với lý do ông là người đồng tính. Tuy nhiên, Toà Kháng Án đã cấm tiểu bang không được cho phép xúc tiến hôn nhân đồng tính, trong lúc chờ đợi vụ này được phân xử bởi toà cao hơn. Vào tháng 6 năm 2012, Toà Kháng Án thứ Chín với sự đồng ý của đa số các thẩm phán của Toà đã bác bỏ đơn yêu cầu xử lại vụ này, xác định phán quyết vừa kể và chờ một trong hai phía kháng án.

Tên chính thức của Dự Luật số 8 là: Loại bỏ Quyền Thành hôn của Người Đồng tính, Tu chính án Hợp hiến bằng Bầu cử (Eliminates Rights of Same-Sex Couples to Marry. Initiative Constitutional Amendment)

Hiện nay, có chín tiểu bang công nhận quyền của cặp đồng tính giống như quyền của các cặp có hôn nhân bình thường gồm có, California, Colorado, Delaware, Hawaii, Illinois, Nevada, New Jersey, Oregon và Rhode Island.

Hôn nhân đồng tính được công nhận hợp pháp tại chín tiểu bang không kể Washington D.C., gồm có, Connecticut, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New York, Vermont, và Washington.

California được xem là thành trì của phe cấp tiến và Dân Chủ, khá cởi mở và thực tế, ấy thế mà đa số dân chúng nơi đây lại chống đối hôn nhân đồng tính mới là lạ.

Trên toàn quốc, còn 30 tiểu bang có Hiến pháp cấm đoán hôn nhân đồng tính và 10 tiểu bang có luật cấm tương tự.

Trên thực tế, theo thời gian, quan niệm về hôn nhân đồng tính đã thay đổi nhiều. Dựa theo cuộc thăm dò dư luận trong tháng này (Pew Research), tỉ lệ này đang chuyển hướng và tăng dần, 49 phần trăm số người được thăm dò ủng hộ trong khi 44 phần trăm phản đối hôn nhân đồng tính. Chính trị gia là thành phần thức thời, đáp ứng nhanh đối với sự biến chuyển của tình thế. Chính vì thế mà chính quyền Obama đã thay đổi lập trường về vấn đề này. Vào tháng trước chính phủ Mỹ lần đầu tiên đã nói Luật số 8 California bất hợp hiến và cho biết chính phủ liên bang cũng như Bộ Tư Pháp không còn căn bản pháp lý vững chắc căn cứ vào Hiến Pháp để bênh vực Luật này nữa.

Vào ngày Thứ Ba, 26/3, chín Thẩm phán TCPV Hoa Kỳ đã ngồi nghe hai phía trình bày quan điểm. Đại diện cho chính phủ, muốn nghe xem phán quyết của TCPV ra sao là luật sư Donald Verrilli. Đại diện cho phe ủng hộ Dự Luật số 8, tức là phía đã vận động ráo tiết, thu thập chữ ký của cử tri để đưa Dự Luật ấy ra cho dân bầu thông qua vào tháng 11 năm 2008, là luật sư Charles Cooper. Đại diện cho phe chống Dự Luật, ủng hộ cho các cặp đồng tính là hai luật sư Theodore Olson và David Boies. Phe ủng hộ đưa ra lý luận, Dự Luật số 8 là sự bày tỏ ý nguyện của cử tri do đó Toà nên giữ lại Luật ấy và duy trì hiệu lực cấm đoán của nó và hãy để cho các cuộc tranh luận liên quan đến hôn nhân đồng tính được tiếp tục. Phe chống đối cho rằng Dự Luật này thiếu căn bản pháp lý, vi phạm Hiến Pháp, kỳ thị, đối xử phân biệt, bất bình đẳng giữa các công dân với nhau.

TCPV Hoa Kỳ gồm có chín Thẩm phán trong đó có năm người phái nam thuộc phe bảo thủ (Roberts, Scalia, Thomas, Alito, Kennedy) và 4 người; ba nữ một nam, thuộc phe cấp tiến (Ginsburg, Kagan, Sotomayor, Breyer) . Thẩm phán Anthony Kennedy vốn gốc bảo thủ nhưng trong quá khứ đã có những quyết định cấp tiến. Ngài này ngả theo bên nào là bên đó có hy vọng thắng.

Theo sự tường thuật của báo chí vào ngày 26/3, các Thẩm phán đã bày tỏ ý kiến liên hệ đến vụ kiện này. Có vị cho rằng thời gian chưa thật đúng để Toà ra một phán quyết chi phối toàn quốc. Có vị nói với luật sư đại diện chính phủ là không nên trông ngóng vào quyết định của Toà. Có vị dè dặt bảo là vụ kiện này lẽ ra không nên đưa lên TCPV ngay từ đầu. Và có vị nhận xét là quyền lợi của bốn chục ngàn trẻ em, con cái của những cặp đồng tính, rất là quan trọng và vì thế Toà cũng phải lưu ý đến điểm này. Có vị lại hỏi rằng nếu Toà quyết định có lợi cho người đồng tính thì thành phần đối nghịch có bị thiêt hại gì hay không.v.v...

Với tình hình trắng đen không rõ rệt như thế, dân chúng phỏng đoán một trong hai trường hợp sau đây có thể xảy ra:

TCPV sẽ ra phán quyết có lợi cho các cặp đồng tính. Phe chống đối hôn nhân đồng tính không có căn bản pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ Dư Luật số 8, Dự Luật này là bất hợp hiến và vì thế không có hiệu lực thi hành. Như vậy các cặp đồng tính có thể thành hôn thả dàn theo ý muốn một cách hợp pháp từ nay về sau.

Hoặc để tránh trách nhiệm vì có phán đằng nào TCPV cũng gặp phải sự chống đối mãnh liệt của quần chúng, các Thẩm phán sẽ chọn giải pháp hoãn binh, từ chối không ra phán quyết tối hậu, để cho dư luận có đủ thời gian làm quen dần với biến chuyển tuần tự của tình thế. Sau này có kháng án nữa, các Thẩm phán sẽ quyết định sau cũng chưa muộn. Trong trường hợp này, Toà sẽ không mất nhiều thời giờ, chỉ cần tuyên bố không có phán quyết cho vụ kiện Hollingsworth vs. Perry số 12-144, và như thế vấn đề có thể sẽ được giải quyết sau vào lúc tình thế phù hợp.

Qua ngày Thứ Tư, 27/3, các Thẩm Phán TCPV ngồi nghe về Đạo Luật Bảo vệ Hôn nhân. Luật này được Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành vào năm 1996. Điểm chính của Luật này bao gồm: Thứ nhất, xác nhận cuộc hôn nhân hợp pháp là hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà và thứ hai, các quyền lợi liên bang của các cặp đồng tính, liên quan đến thuế vụ cho đến tiền hưu trí liên bang Social Security, vì thế bị từ khước, không được chấp nhận bởi chính phủ liên bang. Cho đến ngày hôm nay, vẫn còn 37 tiểu bang, tức là đa số vẫn duy trì lệnh cấm hôn nhân đồng tính. Chỉ có chín tiểu bang đã được đề cập ở phần trên chấp thuận mà thôi. Cái rắc rối nằm ở điểm này. Được tiểu bang công nhận hôn nhân là hợp pháp nhưng cùng một lúc liên bang lại bác bỏ một số quyền lợi mà đáng lẽ ra những cặp vợ chồng lấy nhau hợp pháp phải được hưởng.

Về đạo luật Bảo Vệ Hôn Nhân này, vấn đề tương đối giản dị và rõ ràng. Các Thẩm phán TCPV dễ dàng quyết định hơn so với Luật số 8. Đây là trường hợp của bà Edith Windsor. Bà sống ở New York và hôn nhân đồng tính của bà được xem như hợp pháp tại đây. Thế nhưng căn cứ vào Luật này, chính phủ liên bang đã từ chối không công nhận cuộc hôn nhân của bà và vì thế bà đã phải trả cả hàng trăm ngàn đô la tiền thuế khi người phối ngẫu của bà mất đi. Một Toà Kháng Án đã phán rằng sự từ chối quyền lợi liên bang dành cho cặp đồng tính như thế là bất hợp hiến. TCPV kỳ này sẽ xem xét kỹ lưỡng phán quyết nói đây của Toà Kháng Án. Có vài dấu hiệu cho thấy các Thẩm phán TCPV sẽ giữ y án của Toà dưới. Nói cách khác, Luật Bảo vệ Hôn nhân có nội dung vi hiến. Két quả Luật này sẽ không được thi hành và từ đó quyền lợi liên bang của các cặp đồng tính, thuộc phạm vi các tiểu bang chính thức công nhận cuộc hôn nhân ấy, sẽ được bảo đảm.

Thông thường TCPV giải quyết các vấn đề pháp lý. Cơ quan này không thoải mái can dự và quyết định vào vấn đề có tính cách chính trị và xã hội như Dự Luật số 8 California. Tuy nhiên, nguyên tắc là như thế nhưng trên thực tế TCPV bấy lâu nay đã từng quyết định tối hậu về một số các vấn đề chính trị và xã hội ở tầm mức quốc gia. Nếu các cá nhân, phe nhóm, và các chính quyền các cấp không thể nào đồng thuận với nhau được thì cuối cùng cơ quan tài phán cao nhất nước là TCPV phải nhúng tay vào giải quyết rốt ráo thôi. Thử hỏi khi dân chúng không trông mong vào đâu được, không còn cách nào khác, và để tránh cho xã hội khỏi loạn, giải pháp cuối cùng và tiếng nói cuối cùng vẫn là TCPV. Không giữ vai trò lập pháp làm ra luật, chỉ xét xử và ra phán quyết chi phối mọi lãnh vực sinh hoạt hàng ngày của toàn dân. Phán quyết ấy trở thành án lệ liên bang có hiệu lực bao trùm như thế thì có khác gì luật do Quốc Hội làm ra đâu! Mà ngay cả luật do Quốc Hội làm ra TCPV vẫn có thể vô hiệu hoá nó như thường là đằng khác.

Lần này, nếu TCPV tỏ ra tránh né, không muốn va chạm đến hai tầng lớp lớn dân chúng, không đưa ra phán quyết rõ ràng và dứt khoát liên quan đến tính cách vi hiến của Dự Luật số 8 California, phán quyết của Toà Kháng Án thứ Chín tại San Francisco sẽ chính thức có hiệu lực và sẽ được thi hành. Các cặp đồng tính tại California có thể thành hôn chính thức và hợp pháp. Nhóm người nào trông chờ TCPV có phán quyết tối hậu công nhận hôn nhân đồng tính cho toàn quốc vào tháng Sáu 2013 là hơi sớm; điều này chưa có triển vọng thành hình được đâu. Tình hình nói chung xem ra sẽ chẳng có thay đổi lớn lao nào. Các tiểu bang sẽ tự mình giải quyết vấn đề thôi.

Riêng về Luật Bảo vệ Hôn nhân, các Thẩm phán TCPV đang có chiều hướng bác bỏ Luật này bằng cách giữ y phán quyết của Toà Kháng Án cấp dưới để tránh sự mâu thuẫn giữa liên bang và tiểu bang. TCPV cũng sẽ phó mặc cho chính phủ các cấp từ liên bang xuống đến tiểu bang giải quyết vấn đề này. Nhất là chính phủ Obama nay đã xoay chiều, công nhận hôn nhân đồng tính, và như thế liên bang có công nhận quyền lợi của các cặp đồng tính hợp pháp tại một số tiểu bang cũng là lẽ bình thường tự nhiên thôi.

Hoa Kỳ đã phải đương đầu với một số vấn đề khá nhạy cảm chẳng hạn như di dân bất hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Sự việc xem ra giản dị, dễ giải quyết, dựa trên luật pháp và sinh hoạt dân chủ. Thế nhưng vì lá phiếu và cuối cùng vì chiếc ghế, nồi cơm của các chính trị gia, sự việc lại trở nên rối rắm khiến cho họ không quyết định dứt khoát phù hợp với lương tâm của mình. Rồi từ đó họ đưa ra những lập luận không trung thực, mỵ dân, chỉ vì nhu cầu kiếm phiếu. Và họ cũng chẳng còn can đảm tranh đấu cho lẽ phải, cho niềm tin, kể cả niềm tin tôn giáo. mà họ đã từng ấp ủ. Chẳng trách xã hội càng ngày càng loạn!

Nhớ lại, vào tháng trước Việt Nam đã phải đương đầu với một thực tế là hôn nhân đồng tính. Thế nhưng nhà cầm quyền đã quyết định gác lại vấn đề này, chờ cho đến một thời gian thuận tiện trong tương lai sẽ tính sau. Kỳ này nếu TCPV Hoa Kỳ có một quyết định giống như thế về Dự Luật số 8 thì Đông và Tây quả thật đã gặp nhau rồi vậy.

"Một cái bao tử trống rỗng không phải là một cố vấn chính trị tốt."

(An empty stomach is not a good political advisor. - Albert Einstein)

"Chớ có sợ những người nào chịu tranh luận, có chăng là những người muốn né tránh mà thôi."

Nguyễn Văn Huy