Sunday, March 17, 2013

John McCain

 
Một cựu tù binh chiến tranh Việt Nam:
 Bốn mươi năm nhìn lại
 
Tôi đã làm bạn với những kẻ cựu thù, điều đáng tiếc là họ chưa vui hưởng những tự do mà người Mỹ trân trọng.

Ngày 14 tháng Ba bốn mươi năm trước, các bạn tù binh chiến tranh tại Bắc Việt Nam và tôi, trong y phục dân sự rẻ tiền mà 108 người chúng tôi được cấp vào dịp này, lên xe bus ra phi trường Gia Lâm ở ngoại thành Hà Nội. Một phi cơ C-141 mầu xanh, loại vận tải cỡ lớn của Hoa Kỳ, đợi sẵn để chở chúng tôi về Căn cứ Không quân Clark tại Philippines.

Tại phi trường, chúng tôi xếp hàng theo thứ tự ngày chúng tôi bị bắn rơi, và cố gắng giữ phong cách quân nhân trong khi máy quay phim kêu rè rè cùng với tiếng bấm máy chụp hình và tiếng ồn ào của một đám đông người Việt quan sát chúng tôi. Các sĩ quan Hoa Kỳ và Việt Nam ngồi tại một cái bàn, mỗi người cầm một tờ danh sách tù binh.

Khi đến lượt một tù binh tiến lên phía trước, đại diện quân sự của cả hai bên cùng gọi lớn tên người đó. Họ xướng tên tôi, tôi tiến vài bước về phía cái bàn và chào. Một sĩ quan Hải quân chào lại tôi, cười và bắt tay tôi, rồi hướng dẫn tôi qua sân bay, tới tận cầu lên máy bay.

Tôi đi cùng với hai người bạn thân nhất, là các sĩ quan Không quân Bud Day và Bob Craner, những người mà trong hơn 5 năm qua tôi đã dựa vào cách hành xử và gương can đảm của họ. Mấy phút sau khi chuyến bay bắt đầu, phi công loan báo chúng tôi đã “chân ướt”,  nghĩa là bây giờ đang bay trên Vịnh Bắc Việt và trong không phận quốc tế.  Mọi người reo vui.

Tôi không nghĩ có ai trong chúng tôi lại chờ đợi sẽ có ngày trở lại đất nước mà từ lâu chúng tôi mong được rời bỏ. Thật nặng lòng khi nói lời từ biệt nhau tại Clark, và cảnh từ biệt của chúng tôi vô cùng cảm động.

Chúng tôi hứa sẽ giữ liên lạc thường xuyên, điều mà chúng tôi đã làm được trong nhiều năm, cho đến khi cái chết bắt đầu làm cho nhân số chúng tôi giảm đi. Dầu sao, khi rời Việt Nam chúng tôi đã không hề bị xáo trộn tình cảm và không khao khát tái lập mối quen biết này trong tương lai.

Thế mà tôi đã trở lại Việt Nam. Tôi đã trở lại nhiều lần kể từ khi chấm dứt chiến tranh. Đó là một đất nước đẹp đẽ, và người Việt là những chủ nhân hiếu khách. Phần lớn những chuyến viếng thăm của tôi là vì công việc chính thức: tìm kiếm những chiến binh Hoa Kỳ bị bắt hay mất tích trong thời chiến, giúp cho việc bình thường hóa liên lạc giữa hai nước chúng ta, và phát triển một quan hệ trong tương lai sẽ phục vụ cho lợi ích của cả hai nước.

Tôi đã làm bạn với những người trước đây là kẻ thù của tôi. Đã chuyển sang yêu một nơi tôi từng ghét bỏ. Tôi vui thấy Hoa Kỳ và Việt Nam đã tạo được rất nhiều tiến bộ trong việc kiến tạo một mối liên lạc hiệu quả đôi bên cùng có lợi trong sự đổ nát của một cuộc chiến từng là thảm cảnh của cả hai dân tộc chúng ta.

Hôm nay, những oán trách cũ đã được thay thế bởi những hy vọng mới. Con số người Mỹ tới thăm Việt Nam tăng thêm hàng năm – kể cả ba vị Tổng thống Mỹ khi tại chức – lôi cuốn bởi một đất nước có vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời và một dân tộc thân thiện. Thương mại song phương tăng hơn 80 lần so với năm 1994, khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận. Điều này có lợi cho người dân của cả hai quốc gia và giúp cho hàng triệu người Việt có thể ra khỏi tình trạng nghèo khó.

Tương tự như thế, quan hệ quốc phòng của hai nước đã phát triển tới mức không thể tưởng tượng được ngay cả một thập niên trước. Quân đội của hai bên đã cùng tập trận và Vịnh Cam Ranh lại trở thành nơi cập bến cho Hải quân Mỹ. Thật vậy, chiến hạm USS John McCain, một khu trục hạm của Hải quân được đặt tên theo cha và ông tôi, mới đây đã tới thăm cảng Đà Nẵng; điều này chứng tỏ chuyện gì cũng có thể xảy ra nếu ta sống đủ lâu để chứng kiến.

Tuy vậy, khi đề cập tới những giá trị mà người Mỹ trân trọng gìn giữ như tự do, nhân quyền và chế độ pháp trị (rule of law), hy vọng cao nhất của chúng ta cho Việt Nam phần lớn vẫn chỉ là hy vọng mà thôi. Nhà cầm quyền Hà Nội vẫn giam cầm và ngược đãi các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa, các nhà báo, blogger, những nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo vì những lý do chính trị.

Những luật lệ chung chung vẫn được duy trì, như điều 88, cho nhà nước quyền hành gần như vô hạn đối với người dân. Nhà cầm quyền vẫn chưa có những hành động dù nhỏ nhất để có thể đặt Việt Nam về phía những nước trên trường quốc tế thừa nhận nhân quyền, như phê chuẩn và thực hiện Công ước chống tra tấn.

Trong một bước tích cực gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt đầu một cuộc đối thoại với tổ chức Ân xá Quốc tế và cuối cùng cũng hứa hẹn rằng Việt Nam có thể sửa đổi hiến pháp để bảo vệ tốt hơn những quyền về dân sự và chính trị của công dân. Tôi thành tâm hy vọng như thế – vì các quan hệ lớn như giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện tại có thể xây dựng trên nền tảng những lợi ích chung, nhưng sự cộng tác tốt đẹp và lâu bền nhất thì luôn dựa trên nền móng của sự chia sẻ các giá trị. Trong thử thách này, cũng như trong thử thách khác mà hai nước đã từng vượt qua, tôi vẫn muốn là một người bạn tận hiến của Việt Nam.

Hai nước chúng ta đã có một quá khứ khó khăn và đau lòng. Nhưng đã không tự trói mình vào quá khứ đó và đang đi tiếp trên con đường từ hòa giải đến tình hữu nghị thực sự. Viễn cảnh hứa hẹn này là một trong những bất ngờ lớn nhất và thỏa mãn nhất trong đời tôi, điều mà tôi chờ đợi sẽ còn khiến tôi ngạc nhiên hơn trong những năm sắp tới.

Nguồn: John McCain, A FORMER POW ON VIETNAM, FOUR DECADES LATER, Wall Street Journal, 14-3-2013

Ảnh: Cựu tù binh chiến tranh Việt Nam JohnMcCain năm 1973, sau khi được phóng thích. Ảnh: Wikipedia

Bản tiếng Việt © 2013 Đinh Từ Thức & pro&contra
 
John McCain
Đinh Từ Thức dịch