Sunday, March 31, 2013

Philipp Roesler

 
Philipp Roesler, Người Đức Gốc Việt Vẫn Giử Chức
Chủ Tịch Sau Đại Hội Đảng Tự Do Dân Chủ Đức

Đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP) bắt đầu hai ngày Đại Hội đảng ở Berlin với cuộc bỏ phiếu rất quan trọng để bầu lại chức chủ tịch, ứng cử viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Quốc hội Đức 2013 cũng như chọn lựa ba vị đại diện đảng trưởng và nhân sự vào Ủy Ban lãnh đạo đảng!(Right, Philip Roesler và Rainer Bruederle)

FDP khai mạc đại hội đảng tại Berlin hôm thứ bảy, ngày 9-3-2013. Phó chủ tịch đảng, bà Birgit Homburger ca ngợi “thành quả của FDP đã thực hiện trong liên minh chính phủ Đen+Vàng (CDU/CSU+FDP) đương nhiệm trong bài diễn văn chào đón khoảng 660 đại biểu. Bà ta nói trong tiếng vỗ tay của đảng viên: “Chúng ta có thể tự tin đứng trước các công dân nam nữ và tự hào về những gì chúng ta đã đạt được!”.
Sau đó Roesler đã gây “ấn tượng tốt” đối với các đại biểu bằng một bài diễn văn “đầy chiến đấu tính” (kaempferische Rede= combative speech) liên quan đến chiến dịch bầu cử Quốc hội Đức của đảng FDP. Trong bài phát biểu của mình, được nhiều đại biểu đánh giá là thành công, Roesler đã nói: “FDP phải để phân biệt mình là đảng với đường lối kinh tế có ý thức và sức mạnh của công lý. FDP lo củng cố tài chính, ổn định tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cho người dân và chủ trương một chính sách tự do xã hội”.

Kỳ đại hội đảng lần này kéo dài hai ngày, 9-3 và 10.3.2013, Philipp Roesler tái tranh cử chức đảng trưởng FDP, không có đối thủ.
Và ngay trong ngày đầu Đại Hội đảng, các đại biểu tham dự của đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP) ở Berlin đã tín nhiệm Rösler vào chức chủ tịch đảng FDP. Tuy nhiên, không được sự ủng hộ như hai năm trước đây! Roesler, 40-tuổi, nhận được 85,7% số phiếu bầu và hỗ trợ, ít hơn nhiều so với cuộc bầu cử đầu tiên của ông vào chức vụ lãnh đạo FDP hai năm trước đây (95,1%). Roesler chiếm 534 phiếu hợp lệ trong tổng số 623 đại biểu tham dự; 72 đại biểu bỏ phiếu chống lại ông, 17 bỏ phiếu trắng. Trong số 662 đại biểu chỉ có 631 người đã bầu, tám phiếu không hợp lệ. Qua kết quả bầu cử khá rõ ràng với 85,7% tín nhiệm Philipp Roesler lần nữa vào chức vụ chủ tịch FDP đã cho thấy dấu hiệu của sự hiệp nhất trong nội đảng FDP sau thời gian tranh chấp kéo dài.
Rösler chấp nhận cuộc bầu cử. Roesler nói: “Tôi có một cảm giác tốt cho cuộc bầu cử liên bang sắp tới”. “Hãy đi, cảm ơn!”. Và như vậy với Roesler là chủ tịch đảng, FDP bắt đầu vận động cho cuộc bầu cử vào tháng Chín 2013.

Bên cạnh chức chủ tịch, trong hai ngày đại hội FDP cũng bầu lại ban lãnh đạo, cơ quan cao nhất của đảng Tự Do Dân Chủ Đức. Cho ba chức phó chủ tịch có bốn thành viên ứng cử vì thế đó là một cuộc bỏ phiếu quan trọng. Sau khi bầu Roesler xong, kế tiếp là cuộc bầu cử ba vị phó chủ tịch và các bồi thẩm viên trong ban lãnh đạo mới. Nhà lãnh đạo FDP của tiểu bang Nordrhein-Westfalen, Christian Lindner ứng cử vào chức Đệ nhất phó chủ tịch. Nhìn chung, bốn chính trị gia ra ứng cử cho ba chức phó chủ tịch, ngay cả với các bồi thẩm viên cũng đã có nhiều thành viên ra tranh cử hơn so với các “vị trí” được bổ nhiệm!.
Kết quả bầu cử ba vị phó chủ tịch đại diện cho đảng trưởng Roesler: Đệ nhất PCT, ông Christian Lindner, chủ tịch FDP tiểu bang NRW được 77,8%, bà bộ trưởng tư pháp Sabine Leutheusser-Schnarrenberger chiếm 83,7% và tỉnh bộ trưởng tiểu bang Sachsen Zastrow được 49,9%. Bà Homburger chỉ có 45,6%, bị mất chức phó chủ tịch vào tay ông Zastrow.

Có khá nhiều bất ngờ khác trong quyết định về thành phần nhân sự hàng đầu của FDP: Các đại biểu không ủng hộ vài ứng cử viên, đã đánh rớt bà Birgit Homburger, hai ông Bộ trưởng Daniel Bahr và Dirk Niebel ra khỏi các chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo mới của FDP!.
Homburger, lãnh đạo FDP tiểu bang Baden-Württemberg tuy mất chức phó chủ tịch nhưng đã được lựa chọn làm một bồi thẩm viên của ủy ban chỉ đạo đảng.
Ngoài ra, các đại biểu đã tín nhiệm ông Patrick Doering với 65,6% làm tổng thư ký FDP.


Trước khi bầu thành viên ủy ban lãnh đạo FDP, người ta chưa rõ liệu Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel một lần nữa được bầu làm thành viên trong ban lãnh đạo?. Niebel đã làm mất lòng nhiều thành viên FDP qua những lời chỉ trích Roesler của ông ta.

Và việc gì đến phải đến, trong cuộc bầu cử ủy ban chỉ đạo đảng, như mong đợi, các đại biểu đã trừng phạt Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel về sự phê bình công khai lãnh đạo đảng là Roesler vào đầu tháng Giêng 2013 vừa qua. Chỉ với 25,3% số phiếu bầu ông Niebel bị loại ra khỏi ban lãnh đạo. Kế vị Niebel là ông Wolfgang Kubicki (Ct FDP tiểu bang Schleswig-Holstein). Điều này gây nhiều ngạc nhiên cho mọi người vì Kubicki đạt tới 63,7% sự ủng hộ của các đại biểu hiện diện và đã đánh bại ứng cử viên đối thủ là Bộ trưởng Y tế Liên bang, Daniel Bahr chỉ có 33,3%.
 
Chủ tịch đảng Roesler kêu gọi FDP phải kiên định, thúc đẩy giới hạn tiền lương

Nhà lãnh đạo FDP, Philipp Roesler đã lên tiếng gọi thành viên đảng của ông hãy vững lòng khi đối mặt với mức thấp mà FDP đang có qua các cuộc thăm dò ý kiến cử tri diễn ra. Roesler nói trước hơn 660 đại biểu tham dự đại hội đảng ở Berlin: “Chúng ta gìn giữ nước Đức dựa theo đường lối (Kurs), chúng ta không bao giờ để bị xao xuyến. Thành viên đảng Tự do không có thể không chiếm được lòng của cử tri. Chúng ta không ôm ấp chính sách, chúng ta không nhảy múa trong cơn mưa hoa anh đào!”.

Roesler thừa nhận rằng FDP đã trải qua một giai đoạn khó khăn: “Tất nhiên, trong ba năm qua không dễ dàng”. Ông Roesler nói: “Nhưng đó không là lý do cho sự bi quan khi đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu 2013. Chúng ta có mọi cơ hội vào tháng Chín. Chúng ta sẽ giành chiến thắng trong tháng Chín”. Đảng FDP phải chiến đấu ngay từ bây giờ.

Roesler cũng vận động cho đề án giới hạn tiền lương, hiện đang gây tranh cãi trong nội đảng của ông. Roesler nói trong bài phát biểu của mình: “Trong một xã hội, nơi mà năng suất sẽ được tưởng thưởng thì những ai có thể tạo ra một cái gì đó, không thể để rồi kết thúc, đứng đó với hai bàn tay trắng”. “Vì vậy, ở đây chúng ta hãy đứng lên và chiến đấu cho mức lương công bằng”. Ông nói thêm như là một kiến nghị của ban lãnh đạo đảng, ủng hộ cho mức lương tối thiểu tùy theo vùng và ngành. Roesler lần nữa từ chối kịch liệt một mức lương tối thiểu theo luật dịnh!.

Roesler cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự tự trị về lương bỗng”, nhờ đó bảo đảm được ở Đức trong hơn 60 năm dài “sự thịnh vượng, tăng trưởng và tiền lương công bằng”. Nhưng cũng có những khu vực và ngành không có sự thương lượng về lương bỗng. Roesler đòi hỏi: “Ở đây, FDP phải “chấp nhận đời sống thực tế và cung cấp các giải pháp”. Ngoan cường với vị trí cũ: “Tôi thấy không tốt, và điều này không xứng đáng với một đảng Tự Do”.
Liên quan đến đề nghị của ban lãnh đạo đảng ở Berlin người ta chờ đợi sẽ có cuộc tranh luận khốc liệt vì nhiều thành viên phản đối mức lương tối thiểu. FDP sẽ đưa nó vào chương trình của họ trong kỳ Đại hội Đảng vào tháng năm ở Nuernberg để lấy một quyết định chung về vấn đề này.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, đồng thời cũng là ứng cử viên hàng đầu của FDP trong cuộc tổng tuyển cử cho Nordrhein-Westfalen đã nói qua báo “Neue Osnabrucker Zeitung” và kêu gọi thành viên FDP hãy gửi một tín hiệu “đoàn kết và quyết tâm” trong kỳ đại hội đảng liên bang. FDP cần phải đi với vị trí mạnh mẽ và với đội ngũ mạnh trong chiến dịch tranh cử”. Westerwelle kêu gọi chấm dứt các tranh chấp trong nội bộ.

Ông Westerwelle còn yêu cầu; “Điều quan trọng là chúng ta sau kỳ đại hội đảng này hãy đặt hết sức lực với để đối chọi với các đối thủ chính trị”. Nước Đức hiện đang đứng trước một “sự lựa chọn về đường hướng” trong tháng Chín. Bộ trưởng ngoại giao nói: “Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đất nước của chúng ta thôi mà còn ảnh hưởng đến châu Âu”. Chắc chắn FDP muốn rằng sự thành công và đường lối cần thiết của chính phủ liên bang liên quan đến sự đoàn kết, sự tăng trưởng và kỷ luật tài chính ở châu Âu sẽ được tiếp tục!.
Đại hội đảng FDP được tiếp tục vào ngày Chủ Nhật hôm sau, 10-3 ở Berlin. Trọng tâm của ngày thứ hai và cuối cùng là chương trình lâu dài của chủ tịch khối nghị sĩ FDP tại quốc hội Đức, Rainer Bruederle, ứng cử viên hàng đầu của FDP cho cuộc bầu cử vào tháng Chín 2013.

Trong bài diễn văn của mình, Brüderle đã “thề nguyện” một chiến dịch chống lại liên minh đối lập SPD + đảng Xanh và Đảng Tả Khuynh (hậu thân đảng cộng sản DDR cũ). Bruederle lên tiếng: “Chúng ta không nhường nhóm Fuzzis này, những loại có đường lối sai lầm đối với đất nước chúng ta”. FDP là đảng chủ trương có một “nền kinh tế chín chắn” chống lại “sự phân phối màu đỏ-đỏ-xanh (ý nói SPD+Tả Khuynh (die Linke) và Gruene)”.
Bruederle cũng kêu gọi các đại biểu hãy vững lòng xuyên qua những chỉ trích đối với FDP. Ông ta nói: “Các bạn có thể chửi chúng tôi, họ có thể ném vào chúng tôi, nhưng họ không thể khuất phục được chúng tôi. Chúng ta không để cho họ có thể uốn cong chúng ta.” Đôi khi FDP phải hết sức chống lại “sự hận thù”. Ông kêu gọi các đại biểu: “Các anh đừng để bị đe dọa bởi những kẻ thù của Tự Do!”.

Sau bài phát biểu được chào đón với tràng pháo tay kéo dài vài phút từ các đại biểu, FDP đã chính thức bầu Rainer Bruederle tại đại hội đảng ở Bá Linh làm ứng cử viên hàng đầu cho cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Đức 2013. Qua đó các đại biểu đã xác nhận Bruederle 67 tuổi trong vai trò lãnh đạo chiến dịch tranh cử. Philipp Roesler nói sau bài phát biểu của Bruederle:”Chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc, dẫn đầu đội ngũ trong một cuộc chiến!”.
Đối với cuộc bầu cử vào ngày 22 Tháng Chín 2013, Bruederle dự đoán một triển vọng tốt cho FDP, “Cơ hội cho chúng ta có đó, chúng ta phải sử dụng nó. Ông ta đã sẵn sàng đứng ngay tuyến đầu cho FDP trong chiến dịch tranh cử”.

Thay lời kết
 
Như tôi đã trình bày trong bài phiếm luận chính trị trước đây, Roesler đã củng cố vai trò của mình sau chiến thắng vẻ vang, bất ngờ của FDP trong cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang Niedersachsen vào tháng Giêng 2013. Từ đó xem như ông đã loại được hầu hết các đối thủ trong nội đảng tìm cách chống lại hay muốn lật đổ ông ta. Vì vậy chuyện Roesler (gốc Việt) ứng cử viên duy nhất được bầu lại vào chức chủ tịch FDP là chuyện hiển nhiên, dễ hiểu.
Ông Bruederle được bầu làm ứng cử viên hàng đầu của FDP cho cuộc bầu cử Quốc hội Đức 2013 đã là một thỏa thuận với Roesler trước đây nhằm giải tỏa sự tranh chấp nội đảng không làm cho những chuyên gia hay những ai thích tìm hiểu chính trị Đức ngạc nhiên.

Chuyện ông Niebel bị “cô lập và loại ra khỏi ban lãnh đạo” dựa vào diễn tiến trong vài tháng qua chắc mọi người đều có thể hiểu được nguyên nhân của nó.
Điều ngạc nhiên đối với giới chuyên gia chính trị, ngay cả đối với người viết là ông Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr thất bại trước Kubicki và bà cựu pct Homburger phải nhường chỗ cho ông Zastrow (tiểu bang Sachsen/Đông Đức) và “bằng lòng” với chức vụ thấp hơn trong uỷ ban lãnh đạo của đảng FDP.
Chúng ta có thể nhìn ra điều là ngay cả ở Đức chuyện “phe phái” cũng không thể nào tránh được (vấn đề chỉ ít hay nhiều thôi!) nhưng theo thiển ý thì FDP đã lựa chọn nhân sự vào các trách vụ quan trọng dựa theo khả năng thật sự của các ứng cử viên.


Một điểm khá quan trọng mà nếu ai muốn (nhấn mạnh nếu muốn, không thì thôi) có thể học hỏi từ người Đức là họ tranh cử trong nội đảng rất DÂN CHỦ. Thành viên nào cũng có quyền ra tranh cử mà hầu hết họ đều là những người đầy “kinh nghiệm chính trường” và sự chọn lựa tùy vào lá phiếu của hơn 630 đại biểu tham dự (nhiều khi đến cả ngàn!). “Chuyện bắt cóc bỏ dĩa, tự vận động cho cá nhân nào đó hay thầm chia nhau trước chức vụ hoặc trách vụ” như ta thấy rất rõ qua kỳ đại hội đảng FDP ở Bá Linh nêu trên đã không xảy ra vì họ dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho đại hội đảng hay tổ chức bầu cử dân chủ, điển hình cho ba chức phó chủ tịch có bốn thành viên, toàn những chính trị gia sáng giá, có điạ vị ra tranh cử vì thế đó là cuộc bỏ phiếu quan trọng, chắc chắc một người phải bị loại. Ngay cả việc bầu các bồi thẩm viên cũng có nhiều thành viên ra tranh cử hơn so với các “vị trí” được bổ nhiệm!.

Đặc điểm nữa, FDP nói riêng với những lời phát biểu của các chính trị gia hàng đầu cũng cho chúng ta thấy rằng họ luôn ưu tiên cho lo quốc gia, dân tộc. Họ khẳng địch rõ ràng đường lối chính trị và mục đích đảng muốn đạt được, nói chung vì phúc lợi cho nước Đức.

Ưu điểm của chính trị gia Đức theo tôi họ không phải là những ông “nghị gật”. Ngoài khả năng, kinh nghiệm lâu năm vì đa số tham gia chính trị khi còn theo học bậc trung học (và nếu cần sẵn sàng từ chức, rút lui nhường chỗ mà lương bỗng chẳng phải ít cho người khác thay thế họ đứng ra nhận trách nhiệm như TT Koehler, Westerwelle, TT Wulff, von Guttenberg ….) ra, họ luôn lo lắng cho người dân như chính Westerwelle đã lên tiếng cảnh giác trước viễn ảnh rằng đường lối chính trị Đức có thể sẽ bị thay đổi nếu chính phủ hiện tại bị thay đổi nếu Đỏ+Đỏ+Xanh lên nắm quyền. Westerwelle lo ngại: “Điều này (ý nói nếu có sự thay đổi chính phủ với sự tham chính của Tả Khuynh) không chỉ ảnh hưởng đến đất nước của chúng ta thôi mà còn ảnh hưởng đến châu Âu”.

Một điểm khác mà riêng tôi ưng ý nhất là những lời phát biểu của Rainer Bruederle. Theo sự nhận xét của người viết, có lẽ Bruederle (dựa theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri được công bố thường xuyên) nghĩ rằng SPD+Xanh nếu muốn lên nắm quyền thì phải liên minh với Tả Khuynh (hậu thân đảng cộng sản DDR) nên ông ta muốn “gián tiếp ám chỉ” đã mạnh dạn nói: “Chúng ta không nhường nhóm Fuzzis này, những loại có đường lối sai lầm đối với đất nước chúng ta”.

Xa hơn nữa ông Bruederle còn lên tiếng: “Các bạn có thể chửi chúng tôi, họ có thể ném vào chúng tôi, nhưng họ không thể khuất phục được chúng tôi, chúng ta không để cho họ có thể uốn cong chúng ta”. Đôi khi FDP phải hết sức chống lại “sự hận thù”. Ông kêu gọi các đại biểu: “Các anh đừng để bị đe dọa bởi những kẻ thù của Tự Do!”. Tuyệt vời, không còn gì rõ ràng hơn.
Vâng, “Chúng ta đừng để bị đe dọa bởi những kẻ thù của Tự Do!”. Có vậy một ngày nào đó không xa người Việt chúng ta ở quê nhà mới thật sự được nhìn thấy một cuộc sống “Nhân Nghĩa, Tự Do, Dân Chủ ” với đầy đủ các quyền làm người giống các quốc gia Âu Mỹ như: Tự Do Tôn Giáo, Báo Chí, Ngôn Luận, Biểu Tình,…!.
 
Lê Ngọc Châu
10.3.2013
((Phóng dịch và phóng tác dựa theo tài liệu tham khảo của AFP, Yahoo-News, dapd)