Wednesday, March 20, 2013

Nguyễn Văn Huy


Sự Kiện Thời Sự Nổi Bật

Video Inaugural Mass
 
Có người nói rằng sự vỗ cánh của một con bươm bướm tại cấm thành Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến giá cà-phê ở Ba Tây. Điều này nói lên sự liên hệ và ảnh hưởng hỗ tương của những sự việc xảy ra trên quả đất, nơi mà loài người đang sinh sống. Điều này cũng diễn tả các sự kiện xảy ra ở một nơi mà ta tưởng là rất xa nhưng trên thực tế nó lại rất gần, bắt nguồn ở tận đâu nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của chúng ta.

Trong tuần qua Tòa Thánh Vatican vừa có một tân Giáo Hoàng và Trung Hoa vừa có một tân Chủ Tịch nước. Hai quốc gia có một số lượng tín đồ và dân số tương đương; trên một tỉ người, với hai nhà lãnh đạo mới, Giáo Hoàng Francis và Chủ Tịch Tập Cận Bình, thế giới sẽ có dịp chứng liến nhiều biến đổi trong tương lai và hẳn nhiên các quyết định của hai nhà lãnh đạo này sẽ ảnh hưởng sinh hoạt chung của toàn thế giới.

Vào ngày 13/3/13, khói trắng đã tỏa ra từ ống khói của nguyện đường Sistine Chapel của Vatican và tiếng chuông vừa reo vang báo hiệu tin vui xong thì liền sau đó niên trưởng Hồng Y Đoàn Jean-Louis Tauran đã xuất hiện tại tiền đình Basilica thuộc công trường Thánh Peter để thông báo cho các tín đồ đang đứng chờ tin tại đây và đồng thời thông báo cho toàn thể thế giới biết:"Habemus Papam" - Chúng ta đã có Giáo Hoàng.

Chỉ sau hai ngày mật nghị, 115 Hồng Y thuộc Hồng Y Đoàn đã bầu ra Hồng Y Jorge Mario Bergolio 76 tuổi vào chức vụ Giáo Hoàng thứ 266. Ngài sẽ kế nhiệm Giáo Hoàng Benedict 16 vừa thoái vị vào ngày 28/2 trước đó để nắm trọng trách lãnh đạo hơn một tỉ tín đồ của Công Giáo La Mã trên khắp thế giới.

Giáo Hoàng mới có tên là Francis. Ngài sinh ra ngày 17/12/1936 trong một gia đình có năm người con tại Argentina. Cha mẹ ngài gốc Ý, di cư qua nước ấy vào thời gian Phát xít lên cầm quyền tại Ý. Vì không hợp với chế độ mới nên thân phụ ngài bỏ nước ra đi. Ông bố ngài là nhân viên ngành hỏa xa, còn mẹ ngài là một người nội trợ.

Thuở thiếu thời, ngài theo học văn chương và tâm lý. Ngài dạy hai môn này tại trung học. Sau đó ngài lấy thêm cấp bằng Cao Học Hóa Học, hoàn tất học trình thần học vào năm 1967, rồi thụ phong linh mục vào năm 1969. Ngài trở thành giáo sư thần học. Ngài đã từng theo học thêm về tâm lý và thần học tại Đại Học San Miguel tại Argentina, Chile và Đức. Vào năm 2001 ngài thụ phong tước vị hồng y do Giáo Hoàng John Paul II ban. Ngài cai quản giáo phận Buenos Aires với tư cách Tổng Giám Mục trước khi trở thành giáo hoàng vào tháng này.

Giáo Hoàng chọn tên thánh Saint Francis căn cứ vào những đặc điểm của vị thánh này. Vào ngày Thứ Sáu sau ngày bầu chọn, trước đại diện truyền thông, Giáo Hoàng đã nói về Thánh Francis:"Một người cho chúng ta tinh thần của hoà bình, người nghèo....Tôi thích một Giáo Hội nghèo, và cho người nghèo như thế nào." Được biết Thánh Francis sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng sau đó từ bỏ giàu sang phú quý và thành lập ra dòng tu Francican; ngài đã rong ruổi ở miền quê để giảng đạo cho nhiều người bằng một ngôn ngữ giản dị. Ngài trở thành nổi tiếng về tính thánh thiện này đến độ ngài đã được phong thánh; Saint Francis of Assisi, chỉ vào hai năm sau khi ngài mãn phần vào năm 1220. Nói đến Thánh Francis, người đời lại nhớ đến hòa bình, nghèo khó và tính giản dị. Tân Giáo Hoàng chọn tên thánh này với mục đích vinh danh Thánh Francis cho các đức tính trên, cho những quan tâm của Thánh đến người nghèo và việc làm của Thánh đối với giới này.

Giáo Hoàng Francis là giáo hoàng đầu tiên, duy nhất về ba phương diện: xuất thân từ Dòng Tên, từ Châu Mỹ và từ Tây Bán cầu. Ngài là người không thuộc Châu Âu được bầu sau 1200 năm. Ngài nổi tiếng là người bình dị. Hồi còn ở Á Căn Đình, ngài sống một mình, di chuyển bằng xe buýt và tự nấu ăn lấy. Ngài bị bệnh phổi nặng vào lúc còn rất trẻ mà kết quả là một lá phổi của ngài đã bị cắt bỏ. Ngài tiếp xúc, giúp đỡ và bênh vực người nghèo. Ngài nhắc mọi người noi gương Chúa Jesus vì ngày xưa ngài cũng đã từng tiếp cận, giúp đỡ những người cùi và phụ nữ làng chơi là các giới bị người đời hất hủi đó thôi. Ngoài ra, trong thời gian cư ngụ tại Rome gần đây, ngài sử dụng xe buýt để đi đến khách sạn vì nơi ở chính thức của ngài đang được sửa chữa. Trong lúc đến thăm Hồng Y Jorge Maria Mejia tại bệnh viện, ngài đã vui vẻ chuyện trò với các bệnh nhân và nhân viên nhà thương. Mặc dù đã là Giáo Hoàng cao tột, ngài vẫn nói năng khiêm nhường với tín đồ, vẫn tiếp tục đeo ở cổ cây thánh giá cũ của ngày trước làm bằng kim loại bình thường. Và đặc biệt là ngài vẫn mặc bộ áo choàng và đội mũ trắng thay vì dùng màu đỏ cho mũ, áo và giày như các Giáo Hoàng tiền nhiệm. Các sự kiện này nói lên một điều là, ngài có lời nói, chủ trương song hành với việc làm.

Vatican City là một quốc gia được quốc tế công nhận, với một diện tích là 0.44 km2 và dân số là 800, được kể là nhỏ nhất trên thế giới.

Vào Thứ Ba 19/3 buổi lễ nhậm chức của Giáo Hoàng Francis đã được long trọng tổ chức tại địa điểm Basilica trong công trường Thánh Peter trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn tín đồ Công giáo, các hồng y và nhiều nguyên thủ các nước. Trong buổi thánh lễ đầu tiên do ngài cử hành hôm ấy, Giáo Hoàng Francis nói rằng, trong lúc tràn ngập bóng tối, chúng ta cần nhìn thấy ánh sáng của hy vọng và hãy là những người mang lại hy vọng cho người khác. Ngài nói, quyền lực chân chính là phục vụ, phục vụ người nghèo nhất, kẻ yếu nhất và người kém quan trọng nhất. Ngoài ra, ngài còn khuyến khích lãnh đạo các nước hãy là người bảo vệ sự sáng tạo, bảo vệ lẫn nhau và môi trường. Và hãy đừng cho phép những điềm xấu của sự hủy diệt và chết chóc đi theo sự tiến bộ của thế giới này.

Cũng trong cùng một tuần lễ vừa qua, ông Tập Cận Bình đã lần lượt thâu tóm hết cả ba chức vụ cao nhất và cuối cùng vào ngày 14/3 đã trở thành một người có nhiều quyền lực nhất của Hoa lục; bao gồm Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Quân Ủy Hội Trung Ương và Chủ Tịch nước.

Sinh ngày 15/6/1953, Tập Cận Bình (Xi Jinping) năm nay 59 tuổi. Ông thuộc thế hệ thứ năm của lãnh đạo cộng sản Trung Hoa. Ông được xem là thành phần của Thái Tử Đảng (Crown Prince Party), con cháu của các công thần lập quốc. Là con của Phó Thủ Tướng Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun) (1913-2002), ông gia nhập đảng năm 1974. Ông chủ trương đối phó cứng rắn với nạn tham nhũng và cởi mở về chính trị và cải cách kinh tế thị trường. Tập Cận Bình từng là Bí thư Thượng Hải và sau đó là Phó Chủ tịch nước. Có các cấp bằng kỹ sư hoá học, cử nhân chính trị từ Đại Học Thanh Hoa (Tsinghua). Sau này ông tiếp tục đi học thêm và lấy được bằng Luật. Ông lập gia đình với bà Bành Lệ Viện vào năm 1987, một ca sĩ trẻ đẹp, nổi tiếng của Trung Quốc chuyên hát nhạc đồng quê. Bà sinh năm 1962, hiện là một nghệ sĩ văn công với cấp bậc Thiếu Tướng. Cha mẹ bà không chấp thuận cho bà lấy Tập Cận Bình vì cảm thấy gia thế của mình thấp kém hơn đối phương. Ở bên Tàu thực ra bà Lệ Viện nổi tiếng hơn chồng nhờ sắc đẹp và hát hay vào thời gian ông ấy chưa cầm quyền. Trước đây Tập Cận Bình có nói với bà Lệ Viên là, chỉ 40 phút sau khi hai người gặp nhau lần đầu ông ấy đã nhận ra là muốn lấy bà làm vợ rồi. Hai người có với nhau một con gái, tên là Minh Trạch (Mingze), sinh viên Đại Học Havard (Hoa Kỳ) năm thứ nhất vào mùa thu 2010.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Standard, Đức, ngày 16/11/2012, Giáo sư Lâm Trung Bân (Lin Chong Pin) phụ trách môn Bang giao Quốc tế Đại học Đạm Giang Đài Loan, nguyên là cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài loan, có đưa ra nhận xét về Tập Cận Bình, mà trang Web Procontra của Phạm Thị Hoài có dịch lại và đăng tải, như sau:
"Vốn liếng chính trị để thực hiện điềuđó thì ông ấy chắc chắn có đủ, thậm chí có nhiều hơn cả Hồ Cẩm Đào hoặc Giang Trạch Dân. Ông ấy có bảy lợi thế.

Thứ nhất, ông ấy am tường Đài Loan và mô hình Đài Loan.

Thứ hai, ông ấy hiểu nước Mỹ và thế giới hơn tất cả bốn vị tiền nhiệm. Ngay từ năm 1980 ông ấy đã đến thăm Lầu Năm góc. Ông ấy có quan hệ tốt với những nhân vật thượng tầng của Hoa Kỳnhư Henry Paulson hay Joe Biden. Ở cương vị Phó Chủ tịch nước, ông ấyđã công du nước ngoài 50 chuyến, nhiều gấp ba lần Hồ Cẩm Đào trong cùng một thời gian.

Lợi thế thứ ba là vị trí của ông ấy trong đảng. Cha ôngấy ba lần bị mất chức, nhưng vẫn kiên định giữ lập trường. Điều đó cácđảng viên nhớ rõ. Là một “thái tử”, Tập Cận Bình cũng từng lao động nhiều năm ở nông thôn. Điều đó khiến ông ấy thêm khả tín.

Thứ tư, ôngấy am hiểu bộ máy quân sự, điều này tôi đã nói ở trên.

Thứ năm, ông ấyđược đào tạo hàn lâm quy củ, đọc và viết là hai việc ông ấy ưa thích. Ở điểm này, ông ấy cũng khác những người tiền nhiệm.

Thứ sáu, ông ấy có một người vợ nổi tiếng, đủ tầm để trở thành một đệ nhất phu nhân.

Và điểm cuối cùng, Tập Cận Bình quan tâm đến Phật giáo, khí công và những hiện tượng siêu nhiên. Điều đó có thể bao hàm khả năng giải quyết những quả bom nổ chậm là những xung đột ở Tây Tạng và Tân Cương. Bởi lẽ ở đó, chính sách vừa đàn áp vừa khuyến khích phát triển kinh tế của Bắc Kinh cho đến nay hoàn toàn thất bại. Tập Cận Bình có thể chọn một cách tiếp cận khác, với sự tôn trọng văn hóa của các khu vực này."

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba nói rằng:"Tập Cận Bình là một người thận trọng, đã từng nếm trải rất nhiều gian nan cực khổ....Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela, một người đàn ông với sự tiêt chế cảm xúc đến kinh ngạc, một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định đưa ra."

Trên đây là nhận định của chuyên gia Á Đông. Còn Tây phương thì thế nào?

Theo báo Washington Post năm 2011, Tập Cận Bình là một người thực tiễn, nghiêm chỉnh, thận trọng, làm việc chăm chỉ, sát với thực tế và kín đáo không lộ diện.

Cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd vào khoảng cuối năm ngoái bình luận, Tân Chủ tịch và Tổng bí thư Tập Cận Bình của Trung Quốc có đầy đủ thành phần nhân sự cải cách, kinh nghiệm đảng và quân sự như thế sẽ là một người tự mình lo liệu hết được.

Ông ấy cũng được nhiều người biết đến nhờ khéo léo giải quyết vấn đề, không thích ngồi bó chân trong văn phòng lãnh đạo và thích thú thưởng thức phim ảnh Hollywood.

Ngày hôm qua trong chuyến thăm Trung Quốc hai ngày tân Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Jacob Lew, từng là một chuyên gia ngân sách thân cận của Tổng thống Obama, đã gặp gỡ Tập Cận Bình 45 phút. Mục đích chuyến đi lần này, đồng thời là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Lew là, nhằm thảo luận với các tân lãnh đạo Trung Hoa, Tân Thủ Tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang), Chủ Tịch Ủy Hội Phát triển và Cải cách Quốc gia và Thống Đống Ngân hàng Trung ương về các vấn đề: Chương trình nguyên tử của Bắc Hàn, kiểm soát hối suất của Trung quốc, an ninh của hệ thống mạng và việc đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ. Ông nói:"Chúng ta cần phải hành động chung để đảm bảo là chúng ta đang bảo vệ cho tài sản, thành quả của những sáng tạo của chúng ta."

Tập Cận Bình biết rằng ông Lew là đại diện chính thức của Obama cho nên những gì mà ông ấy nói với ông này kể như là nói với Tổng Thống Mỹ:"Trong bang giao Trung Quốc - Hoa Kỳ, chúng ta có rất nhiều quyền lợi được chia sẻ. Và dĩ nhiên chúng ta cũng có vài khó khăn không thể tránh được...Tôi tin rằng chúng ta sẽ luôn luôn định hướng để cho quan hệ này tiến triển sao cho có lợi cho dân tộc của hai nước."

Người lãnh đạo của nước nào vào hoàn cảnh chính trị, kinh tế tài chánh và xã hội hiện nay đều phải đối phó với một thực tế phức tạp.

Vatican tuy bé về diện tích nhưng không vì thế mà không gặp những khó khăn vừa mang tính thế tục vừa có tính tôn giáo, ảnh hưởng đến sự vững mạnh của tòa thánh và niềm tin của hàng tỉ giáo dân khắp thế giới. Sứ mạng của tân Giáo Hoàng Francis quả thật sẽ phải giải quyết nhiều cam go trước mắt. Với một đức tin vững mạnh, một kinh nghiệm thực tế, với bản lãnh sẵn có, với một quyết tâm vững chắc và với một mục tiêu phục vụ rõ ràng thành phần kém ưu thế chiếm đa số trên thế giới, cộng thêm bản chất bao dung khiêm nhường, ngài sẽ thích ứng nhanh với tình thế và giải quyết xong các vấn đề trọng đại, hướng dẫn Giáo hội vượt qua các trở ngại, đạt được tương lai sáng lạn. Nhiều người tin tưởng Giáo Hoàng Francis sẽ thành công.

Trung Quốc với dân số và diện tích lớn nhất thế giới. Vì dân số ngày càng tăng cho nên nhu cầu tiêu thụ tỉ lệ thuận. Từ đó,Trung Quốc mới phải cần đi tìm thêm và khai thác tài nguyên tại các nước khác. Cùng một lúc, ỷ vào thế của nước lớn Trung Hoa không còn e dè trong sách lược bành trướng theo vết dầu loang. Dùng quân sự chiếm bừa các vùng lân cận ở Á Châu, nơi thuộc về lân bang nhưng họ không đủ sức mạnh để bảo vệ lãng thổ hay lãnh hải của mình. Trước hành động trắng trợn ấy của Trung Quốc, một trong các nước nạn nhân nói trên là Phi Luật Tân đã đâm đơn kiện nước Tàu tại Liên Hiệp Quốc.

Nên nhớ dù là nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình của Trung Quốc đã công du nhiều nước thời còn làm Phó Chủ Tịch vào các năm trước, tỏ ra hoà hoãn và muốn hợp tác với thế giới, nhưng hành động của họ lại làm cho các nước dè dặt và không mấy tin tưởng. Dù là Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình, họ cũng chỉ phục vụ cho quyền lợi và lòng tham của nước họ mà thôi. Cái cách hay nhất vẫn là các nước ở Đông Nam Á và Á châu cần phải liên minh với nhau về quân sự để bảo vệ quyền lợi chung, liên kết với Hoa Kỳ, phát triển bang giao và hợp tác chặt chẽ về quân sự với họ, giống như Phi Luật Tân, Nam Hàn và Nhật Bản đang làm. Và trong nội bộ cần cải tổ nhân quyền khiến cho các cường quốc tin tưởng và giao hảo chặt chẽ hơn về nhiều mặt và nhờ thế đất nước được phát triển và thu phục được hậu thuẫn của toàn dân thì cái mộng bành trướng của Tàu ở Á châu khó thành tựu được.

Ngay cả trong trường hợp lãnh tụ Tập Cận Bình dù có thực lòng thay đổi chính sách khác với người tiền nhiệm của ông ta, không có chủ trương xâm lăng các nước láng giềng, nhưng lãnh đạo cộng sản là lãnh đạo tập thể, ông ấy làm sao cưỡng lại quyết định của số đông cho được. Đó là chưa nói đến nội bộ của họ gồm nhiều phe phái khác nhau và chủ trương đối ngoại vì thế không thống nhất và hậu quả là lân bang bị ảnh hưởng. Mặc dù kinh tế Trung Quốc có tiến triển, nhưng giải quyết ổn thỏa nhu cầu của hàng tỉ người như thế không giản dị đâu. Trong lúc chờ xem thái độ ứng xử trong tương lai của nhà lãnh đạo Trung Quốc tốt nhất các nước vẫn phải tiếp tục củng cố mọi mặt.

Nhà lãnh đạo Tàu có nói gì thì nói nước Mỹ vẫn cứ nghe nhưng cùng một lúc họ tiếp tục chương trình thao dợt quân sự với các nước Á châu. Ngoài ra, hải quân Mỹ vẫn tiếp tục gởi thêm các chiến hạm của họ qua tuần hành Thái Bình Dương với mục đích xác định vị trí và xác nhận quyền lợi của họ trong vùng, và cho thấy Trung Quốc không thể dành độc quyền tại đây.

Nước Tàu có quá nhiều vấn đề to lớn và phức tạp liên quan đến sự khác biệt chủng tộc, giai cấp, giàu nghèo, tôn giáo, chính trị v.v...và tình trạng giống như một thùng thuốc súng lớn chỉ chờ cơ hội, không biết sẽ nổ bùng lúc nào. Mặc dù các nhà phân tích chính trị tỏ ra lạc quan và tin tưởng khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình nhưng điều này cũng không lấy gì bảo đảm cho cái sự cầm quyền êm thắm trôi chảy vì các trở ngại vừa nói. Hãy chờ xem kinh nghiệm và bản lãnh của nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ thể hiện ra sao đối với tình thế gay go hiện nay, quốc nội và quốc tế.

"Chìa khoá đối với lãnh đạo thành công ngày nay là ảnh hưởng chứ không phải quyền hành." (The key of successful leadership today is influence, not authority. - Kenneth Blanchard)

"Phương tiện hoàn hảo, và mục tiêu mù mờ, dường như lại là vấn đề chính của chúng ta."
(A perfection of means, and confusion of aims, seems to be our main problem.- Albert Einstein

Nguyễn Văn Huy