Monday, September 30, 2013

Trần Trung Đạo

 Mùa Thu Ở Trại Sikew
 
Boston hôm nay trời mưa. Mùa thu đang qua trên thành phố. Lá rơi đầy trên con đường nhỏ và nhiều nhất là trên bãi đậu xe bên hông nhà. Nhìn ra vườn tôi chợt nghĩ đến một cuối tuần bận rộn đang chờ đợi và những việc phải làm để tiễn đưa đám lá vàng khô đi theo luật tuần hoàn của vũ trụ.
 
Tôi đã đến với nhiều mùa thu trên nước Mỹ nhưng mùa thu New England với tôi vẫn là mùa thu đẹp nhất. Mỗi năm hàng trăm ngàn người đổ về các tiểu bang miền Đông Bắc chỉ để xem lá vàng. Hầu hết khách sạn thường được giữ chỗ từ nhiều tháng trước. Dân chúng trong các khu vực quanh hồ Winnipesaukee hay vùng ven núi White Mountain ở New Hampshire và Washington Mountain ở Vermont lại có dịp sửa soạn nhà cửa để cho du khách mướn. Thật vậy. Khi đứng trên đỉnh Loon Mountain nhìn xuống mặt hồ thu phản chiếu những cánh rừng phong đỏ rực, dù một người có tâm hồn khô khan, chai đá bao nhiêu cũng không khỏi nghe lòng dâng lên một niềm xúc cảm đầy thi vị. Đó là phút hồi sinh của mối tình đầu để nghe lòng khe khẻ hát “người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây”.
 
Mùa thu là mùa của thi ca, là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài thơ tình tuyệt vời của nhiều thi sĩ. Hai câu thơ “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô” có thể là tưởng tượng của nhà thơ Lưu Trọng Lư nhưng ở Vermont là chuyện rất thường xảy ra vào mỗi đầu tháng Mười. Có khi xe phải dừng lại một đoạn khá dài để chờ cho cặp tình nhân nai chầm chậm dẫm lên trên xác lá băng qua đường. Phải chăng vì những gì đẹp nhất thường dễ tàn phai nên mùa thu thường được đưa vào văn chương gắn liền với những hạnh phúc vội vàng và chia ly tan nát.
Mười tám năm trước tôi có viết một bài thơ về mùa thu:
 
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em?


Thoạt nghe như mang âm hưởng của Đinh Hùng trong “Trời cuối thu rồi em ở đâu/Nằm trong đất lạnh chắc em sầu“. Nhưng không phải. Tôi không viết cho một người tình mà viết về một cô gái không quen, 26 tuổi, đã sống, chịu đựng và chết trong một hoàn cảnh vô cùng thương tâm ở trại Sikew Thái Lan.
Tôi nhắc đến mùa thu chỉ vì đó thời điểm tôi viết bài thơ và cũng vì tên em là Thu Cúc, Hoàng Thị Thu Cúc. Ba của em là một cựu công chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị tù và chết trong tù. Em dắt bốn người em và một người cháu vượt biên sang Thái Lan. Cuối năm 1992, gia đình em bị từ chối quyền tỵ nạn chính trị. Phẫn uất trước quyết định quá phũ phàng của Cao Ủy, em treo cổ tự tử. Tấm hình em nằm bên cạnh cuộn dây đã được nhiều báo Pháp đăng và câu chuyện cũng đã được các hãng tin quốc tế gởi đi từ Bangkok.
 
Trong lúc trại tại các quốc gia khác, đồng bào tỵ nạn là những thuyền nhân đúng với định nghĩa, đồng bào tỵ nạn tại Thái Lan bao gồm một số không ít đã vượt biên bằng đường bộ qua ngã Campuchia. Tôi không biết Thu Cúc và các em đến Thái bằng ngã nào. Nói đến Thái Lan là nói đến thảm cảnh hải tặc đã và đang ám ảnh trong tâm trí của nhiều đồng bào bất hạnh. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi ghe tỵ nạn trong hải lộ từ Việt Nam vào vịnh Thái Lan đã bị hải tặc tấn công trung bình 3.2 lần. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ghi nhận 881 vụ hảm hiếp. Tuy nhiên con số đó như chúng ta biết chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế bi thảm mà đồng bào ta đã gánh chịu.

Những năm đầu của thập niên 90, tôi và bạn bè sinh hoạt trong phong trào Chống Cưỡng Bách Hồi Hương ở Mỹ để yểm trợ đồng bào đang chống cưỡng bách hồi hương ở các trại tỵ nạn. Chúng tôi không phải là hội đoàn hay tổ chức gì mà chỉ là một nhóm nhỏ từ VietNet và các tổng hội sinh viên. Công việc chính của chúng tôi là quyên tiền cho các trại qua hình thức các buổi đi bộ phần lớn do LAVAS tổ chức, cho các cơ quan đang giúp đồng bào làm hồ sơ tỵ nạn và gởi thư đến chính giới của nhiều nước kêu gọi họ tiếp tục nhận người tỵ nạn Việt Nam. Chúng tôi thường đặt bàn ở các chợ để phân phối tài liệu về các thảm cảnh đang diễn ra cho số phận hàng trăm ngàn đồng bào đang chờ thanh lọc ở các trại Đông Nam Á.
 
Những cố gắng của chúng tôi chỉ là những hạt nước nhỏ, không thay đổi được gì. Rất nhiều đồng bào ở các trại Sikew, Galang, Pulau Bidong, Whitehead phẫn uất và đã chọn cách phản đối trong tuyệt vọng. Một Hoàng Thị Thu Cúc ở Sikew, 26 tuổi, treo cổ, một Lâm Hoàng Mạnh ở Pulau Bidong, 22 tuổi, nhảy xuống vực sâu, và cũng có trường hợp đáng thương hơn như em Lưu Thị Hồng Hạnh chỉ mới 16 tuổi trong diện không thân nhân đã tự thiêu.
 
Nhân loại có nhiều cách sống nhưng có lẽ trên thế giới này không có một dân tộc nào lại có nhiều cách chết hơn dân tộc Việt Nam.
Tôi hay nghĩ đến đến những chịu đựng, những cách chết thương tâm của đồng bào mình trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố. Đất nước chúng ta có một thời như thế. Một thời, hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ lại sau lưng những gì mình trân quý nhất để ra đi tìm tự do. Một thời, những bài ca không còn được phép hát lên thay cho lời tỏ tình của những kẻ mới yêu nhau. Một thời, những bài thơ không còn được khắc lên hàng phượng đỏ trong sân trường làm chứng tích cho mối tình học trò đầy kỷ niệm. Một thời những căn nhà thân yêu đã bị thay đổi chủ và những trường học, những con đường thân quen đã bị đổi thay tên.
 
Trên website của tôi, bên cạnh bài thơ Vĩnh Biệt Em, Thu Cúc, là bức hình bốn người em ruột và một người cháu đang ngồi chung quanh thi hài đắp vải trắng của Thu Cúc. Chiếc dây đã được tháo khỏi cổ ra nhưng vẫn còn đặt bên cạnh em. Cả gia đình ngồi chung quanh em trong căn phòng đầy bóng tối. Không một ai nói lời nào. Bến bờ tự do còn quá xa xôi nhưng cánh chim đầu đàn vừa trúng đạn. Vách đá vô tri. Lời than vô nghĩa. Ngôn ngữ dù phong phú bao nhiêu cũng không thể nào tả được nỗi đau thương của các em lúc đó.
 
Mười tám năm sau.
 
Cách đây không lâu, một độc giả viết vào mục ý kiến bằng tiếng Anh phía dưới bài thơ. Tôi xin dịch ra tiếng Việt: “Tôi đánh tên của chị tôi trong Google và tìm được bài thơ này, và cũng thấy hình của 3 người anh, tôi, và cháu trai. Tôi cảm thấy thật buồn. Đó là ngày buồn nhất trong đời. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó. Cám ơn ông Trần Trung Đạo, người đã viết bài thơ để san sẻ với hương hồn của chị em và san sẻ với chúng tôi về cái ngày khủng khiếp trong cuộc đời của chúng tôi. Tôi sẽ thương, sẽ nghĩ về và sẽ không bao giờ quên chị cho đến cuối đời mình. Tất cả gia đình tôi hiện đang sống ở Mỹ (tiểu bang Maryland). Tôi là người ngồi thứ hai từ phía trái và bà con trong trại ngày đó gọi tôi là CuBi”.
 
Tôi rất mừng khi đọc được ý kiến của CuBi. Hoàng Thị Thu Cúc đã chết trên đất Thái xa xôi để lại bốn người em trong đó có CuBi, ngày đó còn rất nhỏ. Chết là thách thức, võ khí và hy vọng cuối cùng của một con người trước hoàn cảnh. Em chọn cái chết, có thể một phần, vì nghĩ rằng chỉ với cách đó Cao Ủy mới chấp thuận cho các em của em được định cư. Thu Cúc nghĩ đúng, gia đình còn lại sau đó đã được công nhận quy chế tỵ nạn như CuBi đã viết dù đã trả bằng một giá quá đắt. Đúng, sai, nên, không nên đều chỉ là những phán xét của hôm nay và vô nghĩa đối với những người ngày đó đang quằn quại trong vực thẳm.
 
Cám ơn Hoàng Thị Thu Cúc. Thân xác em như chiếc lá thu ngoài sân trại tỵ nạn Sikew ngày nào, đang hòa tan vào trong lòng đất nhưng cũng từ nơi đó những bụi Cúc vàng xinh đẹp và đầy hy vọng cho tương lai sẽ vươn lên.
 
Trần Trung Đạo
...
 
Vĩnh Biệt Em, Thu Cúc


( Gửi hương hồn em Hoàng Thị Thu Cúc Trại Sikew, Thái Lan)
 
Con chim nhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Ðôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Ðường về Nam phảng phất một linh hồn
Em trở lại bóng ma từ viễn xứ
Cổng trường xưa nghe đá rỉ mồ hôi
Như nước mắt đong đầy trong quá khứ
Bướm hoa ơi, vườn mộng cũ đâu rồi ?
Khi treo cổ bằng sợi dây oan nghiệt
Em nghĩ gì về đất nước mai sau
Chúng ta có quá nhiều điều thua thiệt
Trách chi em ước vọng đã phai màu
Hai chữ tự do treo trên thánh giá
Tiếng kinh cầu không đủ sáng vô minh
Em run sợ nhìn loài người giương ná
Con chim non trúng đạn chết vô tình
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại
Một tình thương tha thiết sẽ không quên
Chúng ta lớn với trăm điều mất mát
Tuổi thơ qua theo dấu đạn bom cày
Quê hương đó vẫn chìm trong tiếng khóc
Vẫn hận thù chồng chất xuống tương lai
Vĩnh biệt em, người con yêu xứ Huế
Ngủ đi em, đừng oán hận cuộc đời
Anh đứng lặng nghe đau từ tim phế
Xin thơ này lau vết máu em rơi.
 
Trần Trung Ðạo
 
Farewell ! O, Little Thu Cuc


Poetic English version of a poem in Vietnamese by Tran Trung Dao
This evening, the Little Bird ceases to sing for ever
The Refugee Camp in the last sun rays looks sadder
Your eyelids suddenly closes, leaving life behind
In the direction of Vietnam, your soul. does fly
You return home as a ghost from a foreign country
The old school gate is wet with perspiration, aplenty
Like tears of dolor that fill up the past time
Where is the dream garden of yore? O, flowers and butterflies!
When trying to hang yourself with the rope of demise,
About Motherland’s future, what did you have in mind ?
We do have to suffer from misfortune and misery,
And I don’t blame you for letting hope end so suddenly.
Hung on the Saint C ross is the word LIBERTY
Prayers do not have enough power to dissipate obscurity
When man pointed a gun, you were seized with fright
The bullet hit you, the Little Bird, and caused demise!
On your grave, there, a yellow leaf is slowly landing
O, Little Sister! Is autumn already returning ?
I suddenly feel depression totally invade me
But, always intense, my love for you will be !
We grew up with so many losses that made us suffer
Our youth was crisscrossed with bullets and bomb craters
Now Motherland is immersed in heavy tears of dolor
Hatred and revenge really weight heavily on our shoulders .
Adieu! O, girl of Hue, now a city of no light
Go to sleep ! Please, do not bear hatred against life
I am standing with pangs in my heart and mind
May the blood you shed be cleaned by these lines !
   
Hoài Văn Tử
 

Sunday, September 29, 2013

Phạm Tín An Ninh

Nợ đời chưa trả

 
(Viết cho em và những người vợ lính trung hậu)
 
Thời còn đi học, lang thang từ Nha Trang đến Sài Gòn, dù con nhà nghèo, học tàm tạm, và nhan sắc dưới trung bình, tôi cũng đã mang tiếng đào hoa. Cho nên có muốn kéo dài thêm cái đời học trò để được mơ mộng đủ thứ chuyện dưới biển trên trời thiên hạ cũng đâu có cho. Rồi có phải thuộc dòng hào kiệt gì đâu, tôi cũng xếp bút nghiên theo việc kiếm cung. Nói kiếm cung cho nó vẻ văn chương và lãng mạn, chứ thực ra tôi vào lính, mà lại là thứ lính hạng bét thì làm gì có kiếm với cung. Có phải lính tàu bay tàu thủy gì đâu, mà là lính đi bộ. Lúc băng rừng lội suối, mặc bộ đồ trận hôi hám cả tuần không tắm, tôi ghét cay ghét đắng cái ông nào là tác giả cái câu ” Bộ Binh là nữ hoàng của chiến trường ” mà tôi đã đọc được ngay từ khi mới vào quân trường, đếm bước một hai để hát bài “đường trường xa”.

Khổ thì khổ vậy, chứ mấy cô gái bé bỏng hậu phương lại mê lính trong mấy bản nhạc của ông Nhật Trường. Vì “nếu em không là người yêu của lính, ai thương nhớ em chiều rừng hành quân, ai băng gió sương cho em đợi chờ, và giữa chốn muôn trùng ai viết tên em lên tay súng? .. “. Nhờ vậy trong mấy năm đóng quân dọc đường số 1, nơi nào tôi cũng để lại vài mối tình con. Tôi nghĩ đời lính như vậy mà vui, thì thôi chớ tính chuyện vợ con làm gì cho nó vướng chân vướng cẳng. Hơn nữa, tôi cũng hiên ngang với đám con gái lắm, nên làm gì có chuyện “chết trong mắt em”. Vậy rồi trời xuôi đất khiến thế nào, sau mấy năm đánh đấm ở Quãng Ðức, Ban Mê Thuột rồi Bình định, Phú Yên, đơn vị tôi được mấy cái tàu há mồm chở vào bỏ xuống bãi biển Nha Trang vào lúc đường phố mới lên đèn. Tôi thấy lòng lâng lâng sung sướng vì không khí yên bình của thành phố biển, mà cũng vì tưởng mình đã được trở về với những “hang động tuổi thơ ” của ông Nguyễn Xuân Hoàng. Nào ngờ, khi còn mải mê với mộng mị, tôi bị đánh thức lúc nửa đêm cùng đơn vị leo lên một đoàn xe mấy chục chiếc để tiếp tục “hát khúc quân hành “. Ðoàn xe ra khỏi thành phố, qua Ty Thông Tin, ra quốc lộ 1, trực chỉ hướng bắc. Tôi lại mừng thầm, nghĩ là sẽ được về dưỡng quân ở Dục Mỹ. Nhưng tôi đã “ước tính tình hình” sai bét. Ðoàn xe dừng lại tại bùng binh, ngã ba Ninh Hòa. Một tiểu đoàn lính đổ xuống cái thị trấn còn đang say ngủ. Ðại đội tôi nhận lệnh vào đóng quân trong sân vận động. Sáng hôm sau tôi rủ mấy thằng bạn, quần áo chỉnh tề, ra phía trước ” thăm dân cho biết sự tình”.
 
Thấy một ngôi nhà mở cửa, bọn tôi bước vào làm quen. Chủ nhà là một cô gái nho nhỏ dễ thương, mời đón mấy thằng lính trời ơi đất hởi mà miệng vui cười, e thẹn nhìn tôi bằng cặp mắt nai tơ. Vậy mà thằng lính ngang tàng như tôi lại chết trong đôi mắt ấy. Bắt đầu từ một chuyện tình cờ như vậy đó, mà tôi trở thành chú rể của Ninh Hòa hơn một năm sau. Trường Trần Bình Trọng cũng vừa có một cô học trò bỏ trường, bỏ lớp, bỏ bạn bè và bỏ cả đội múa “Trăng Mường Luông “.
Bây giờ cứ mỗi lần đọc bài thơ của ông nhà thơ Quan Dương, người Ninh Hòa, là tôi nhìn thấy có tôi trong đó :

Hồi nhỏ tôi rất anh hùng
Một mình dám nhảy cái đùng xuống sông
Bơi nghiêng, bơi ngửa giữa dòng
Hiên ngang trấn giữ một vùng tuổi thơ
…………………………………………
Lớn lên trở chứng ngu khờ
Mắt em nào phải bến bờ sông sâu ?
Cớ sao chưa kịp lộn nhào
Ðành chịu chết đuối, thiệt đau đúng là..
 
Nàng làm vợ lính đúng tám năm. Tám năm khốn khổ lo âu. Vì lúc nào cũng có thể trở thành góa phụ. Ðã vậy đứng ở Ninh Hòa lúc nào nàng cũng nhìn thấy hòn núi vọng phu sừng sững cuối chân trời! Nhưng rồi nàng không trở thành góa phụ mà lại trở thành tù phụ. Cơn sóng bất ngờ phủ xuống miền Nam, cuốn nàng theo cùng những người có chung số phận. Thân phận bọt bèo với một đàn con dại, cô học trò Trần Bình Trọng bé nhỏ ngày nào bây giờ phải một mình chống chọi với phong ba.
Riêng tôi, một thằng lính bất ngờ thua trận thì chuyện tù đày nào có than chi. Chỉ tội nghiệp cho “người tình bé nhỏ ” ngày xưa. Tôi tự trách mình, giá mà ngày đó tôi đừng ra khỏi cái sân vận động, không gặp nàng, thì biết đâu nàng chẳng tìm lại một cố nhân nào đó - mà tôi thường nghe nàng nhắc đến với lòng ngưỡng mộ - bây gìờ đã là một ông quan hải quân, sẽ đưa nàng xuống tàu ra khơi đi tìm vùng đất hứa.
 
Rồi nàng bỗng dưng trở thành con cò lặn lội bờ sông của ông Trần Tế Xương, để nuôi đủ sáu con với một chồng - ông chồng gần tám năm biền biệt ở các trại tù Lào Cai, Yên Bái.
Tôi còn nhớ lúc ở trong tù, tôi may mắn nằm bên cạnh nhà thơ lớn Tô Thùy Yên. Tôi rất quý Anh vì Anh là một người tù có tư cách. Thấy tôi dốt nát mà cũng thích thơ văn, Anh làm tặng tôi một bài thơ khá dài và hay lắm. Nhưng lúc bị cai tù kiểm tra, tôi nhát gan nên bỏ cả bài thơ vào miệng nhai nát rồi nuốt vào cái dạ dày đang đói. Vì vậy tôi không còn nhớ hết mà chỉ thuộc lòng mấy câu viết về nàng:
 
Tám năm áo rách bao nhiêu lượt
Em vá chồng lên những nỗi niềm.
Từ thuở anh đi nhà tróc nóc
Con thơ đâu còn biết vui cười
. . .
Cô gái Ninh Hòa, thương quá đỗi
Một mình chèo chống giữa phong ba
 
Ra khỏi trại tù, dường như tôi chỉ đem về cho nàng thêm những đắng cay. Với một người chồng còn mang đầy những vết thương cả trên thể xác lẫn tâm hồn, một đàn con thơ dại, giữa một xã hội chất chồng thù hận, nàng biết xoay sở làm sao? Cuối cùng, nàng phải cùng chồng con, đem sanh mạng đánh một canh bạc cuối cùng.
 
Có lẽ ông trời không phụ lòng nàng. Chuyến đi vội vã, chuẩn bị chưa xong, rồi cũng đến được bến bờ. Trong lúc bao nhiêu người tìm cách tận hưởng hạnh phúc của một điều tưởng chừng may mắn nhất của con người, hoặc ít ra cũng ngơi nghỉ để hoàn hồn từ cõi chết, nàng lại tiếp tục làm kiếp con cò trong một vùng tuyết lạnh mênh mông, lo lắng cho con, để cho chồng học thêm vài chữ và vác ngà voi chạy đủ thứ chuyện bao đồng..

Bây giờ những đứa con đã trưởng thành. Nàng chiều chồng để cho mỗi đứa tự chọn quốc gia nào nó thích mà dung thân. Mỗi đứa một phương trời. Nàng lại là một hậu phương cho các con đi vào trận mới. Ngôi nhà trở nên trống vắng. Cuối cùng nàng cũng chỉ còn có tôi, ngưới lính thất trận năm nào đã mang đến cho nàng biết bao là hệ lụy. Dư âm cuồng nộ của những cơn giông bão năm nào dường như vẫn còn đâu đó trong giấc ngủ của riêng nàng.
 
Tuổi sắp già, mà tôi còn mang nhiều món nợ. Biết làm sao trả cho xong. Nợ núi sông, nợ máu xương bè bạn. Mà tôi thì cứ mãi là thằng lính hèn mọn, bạc tình . Và tôi còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mãnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng tôi qua bao nhiêu cuộc biển dâu.
 
Phạm Tín An Ninh
 

Saturday, September 28, 2013

@nbgblog

Đại Vệ Chí Dị


Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Mùa thu năm ấy, nước Vệ có nhiều chuyện xấu. Ở phủ Thiên Trường có người dân bị quan lại cướp mất đất đai, gia cảnh bị đẩy vào cảnh cùng khổ, thân phụ buồn sinh bệnh nằm liệt trên giường. Người ấy mang súng hỏa mai, giữa ban ngày đột nhập vào công đường, hạ sát lũ tham quan, làm chết một mống , gây cho hai mống bị thương. Sau vác súng đến chùa tự vẫn dưới chân tượng Phật.


Người đời cảm thán, gọi là anh hùng dân oan. Dân mất đất tứ xứ kéo nhau đến viếng, hương khói cả tuần chưa dứt.
 
Kế đó xảy đến bọn công sai đường bộ, ăn chia tiền mãi lộ không đều. Sinh mâu thuẫn, súng nổ ầm cả góc trời, một viên quan năm thiệt mang, viên quan tư là thủ phạm thì hôn mê bất tỉnh, mấy công sai nữa cũng phải nằm nhà thương chưa biết sống chết ra sao.

Có một ông già nợ bọn du thủ du thực 3 lượng bạc không có trả, lãi mẹ đẻ lãi con, Bị thúc ép đe dọa, cụ ông mang dầu đến cổng phủ hình cấp huyện tự thiêu giữa thanh thiên , bạch nhật.

Cũng năm ấy, tháng ấy trong Nam có người vợ trẻ, uất hận gia đình túng bấn, châm lửa tự thiêu chết cùng hai con nhỏ.

Miền Trung nước lũ cuốn trôi xe tứ mã chết cả gia đình.Vẫn chưa hết, quan coi đập bất ngờ xả lũ chết  mấy mạng người, bao nhiêu tài sản, hoa mầu, gia súc, gia cầm cuốn theo lũ. Thiệt hại đến hàng triệu lượng bạc.

Cháy chợ ở trấn Kinh Sách  mạn tả ngạn Huyết Giang, cháy từ sáng đến chiều quân chữa cháy triều đình chưa thấy mặt, khí đến nơi thì hàng tỷ quan tiền đã ra tro. Dân chúng khóc than rầm trời, khiến trời đất tối tăm, mù mịt.

Triều đình huy động 4 ngàn binh mã bao vây đất Mỹ thuộc châu Hoan, phủ Diễn để trấn áp người dân theo Đạo Trời. Quân lính chỉ trong chớp mắt như từ dưới đất mọc lên,giăng tứ ngả trùng điệp, khiên giáp, vũ khí tinh nhuệ. Đánh cho đám dân ấy không kịp chạy, mấy chục mạng nằm la liệt khiến nhà thương không có chỗ chứa. Đánh trận ấy xong, cho loa rao khắp bốn phương vu cho đám ấy là theo giặc Cờ Mới. Dân tình ai nghe cũng hoang mang. Khắp nơi than rằng.

- Thời nay dân chúng  đói khổ, vỡ nợ, thất nghiệp tràn lan. Dân tình mất đất oan khiên khắp chốn. Vợ chồng nghèo khó sinh mâu thuẫn đến nỗi đem cả con quyên sinh. Người dân mất đất cùng đường hại quan rồi tự vẫn. Đường đời quẩn bách thế.  Nay lại giặc giã nổi lên thế, làm sao mà sống nổi.

Có người đáp.

- Giặc đâu mà giặc, triều đình muốn dẹp đám ấy, vu là thế để bịt miệng thiên hạ dễ bề điều quân. Giá như hôm cháy chợ Kinh Sách. Cứ la là đám Cờ Mới đốt, quân triều đình đến còn nhanh hơn chớp thì đâu đến nỗi dân táng gia bại sản vì chậm chữa cháy.

Bấy giờ tể tướng là Bạo mải công du bên phương Tây, việc nước tạm gác đó. Mọi khi xảy chuyện thế này, đích thân ngài tự tay chỉ đạo sâu sát, khắc phục hậu quả. Cách xử lý của Bạo rất tài tình chỉ cần nói tể tướng đã chỉ đạo giải quyết là đâu vào đấy, dân tình không ai oán than. Bởi người ta mất của, mất người thân chỉ đau đớn phẫn uất lúc đầu, sau thì nỗi đau cũng tự nhạt như vết thương tự lành vậy. |Chả ai chờ được kết quả giải quyết của tể tướng triển khai hay không. Nắm được tâm lý ấy, nên cái gì lớn nhỏ Bạo đều có thể trực tiếp xử lý và theo thời gian kết quả tự khắc tốt đẹp vì không ai nhớ đến việc ấy nữa.

Lại nói về Bạo khi ấy dẫn quân bản bộ sang phương Tây, đến thành Ba Lê xứ Phú Lãng Sa. Được triều đình Phú Lãng Sa tiếp đón tử tế, bàn bạc , ký kết nhiều chuyện trọng đại. Như thế đáng gọi là chuyến công du của Bạo thành công.

Nhân lúc Bạo đi xa, Vệ Kính Vương mật dụ cho các đạo quân thân cận triển khai đánh vào các cơ sở của  Bạo. Các tướng như Thánh Ba, Quả Sáng, Quả Thanh, Vương Hạ, Xuân Phước đồng loạt ra quân rầm rộ đánh từ miền Trung trở ra Bắc. Duy có miền Nam, từ dạo đất ấm tập của Bạo là khu Cửu Giang tập trận đến nay, các đại thần nghị sự nhà Sản không ai dám bén mảng vào. Bài học khi xưa Cù tiên sinh đơn đao, độc mã bị công sai thân tín của Bạo mưu hại ai cũng rõ.

Nhưng Bạo cũng đã phòng xa từ hồi tay chân Trì Bạch Thủ là hào phú đất Bắc bị Quả Sáng triệt hạ, nên lúc công du những thuộc hạ nào có thể bị nhà Sản hại, Bạo đều đem theo hết. Bạo đi lần này, thừa thắng ở thành Ba Lê kéo quân sang Hoa Thịnh Đốn quyết đánh trận Kim Tiền, Dầu Khí...quân Bạo không tinh nhuệ. Nhưng hy vọng gặp thời, phương Tây mở lòng chiếu cố mà cho lập hai trận ấy, thì may ra nhà Chúa còn vững được thêm mươi năm nữa. Nếu không chắc hẳn quay về đất sinh thành phương Nam nơi có sẵn quân thủ túc miệt Cửu Giang, lại bao nhiêu kho tàng, vựa thóc, nhà xưởng ở đó. Chỗ  thực túc, binh cường nơi ấy đủ để Bạo hùng cứ một phương. Thân gia quyến thuộc nhà Baọ bẵng đi dạo gần đây không thấy hiện diện ngoài Bắc. Các đại thần nghị sự thân Vệ Kinh Vương chẳng thấy vào Nam. Thế nước  chông chênh  dường như sắp thể chia đôi.

Trong cảnh rối bời ấy nghĩa quân khắp nơi nổi lên. Thanh niên lập đội Nhị Ngũ Bát, cao niên lập đội Thất Thập Nhị, rồi đội Dân Chủ, đội Dân Sự...cơ man nào là các đội nghĩa quân khắp miền giương cờ tụ nghĩa, đòi nhà Sản phải trả  quyền tự do, dân chủ, công bằng, bác ái cho dân tộc. Tiếc rằng có đội quân vừa đánh nhà Sản, vừa đánh các đạo quân khác không kém phần gay gắt. Đôi khi  mải tranh giành cát cứ ảnh hưởng, cất quân đánh tứ tung  sang đội nghĩa quân khác. Y như thời hậu Hán trước lúc Tam Phân, âu cũng là quy luật chẳng biết sao được.

Mỗ có người bạn họ Lê làm thầy cãi, sinh ở châu Hoan, lập thân ở đất kinh kỳ. Cuối năm ngoái bị công sai bắt bỏ ngục vì tội lậu thuế. Người đời cứ cho rằng vì Lê thầy cãi hoạt động chính trị, nên vì thế mà triều đình vu tội lậu thuế mà bỏ ngục. Lê thầy cãi bạn mỗ người thiện lương, tất không lậu thuế triều đình, chuyện làm chính trị của Lê thầy cãi chỉ quanh quẩn thư phòng, bên mâm rượu, bàn trà. Thảng viết một thiên ngắn luận bàn thế sự. Gọi là có quan tâm đến thời thế So với các anh hùng khác trong gầm trời Nam, Lê thầy cãi cũng chưa thấm đâu. Nếu vì e sợ Lê thầy cãi làm chính trị tranh quyền đoạt tước với mình, mà nhà Sản cho quân bắt vì tội lậu thuế cũng không đúng cho lắm, nhưng bảo không phải là chuyên chính trị cũng không hẳn là đúng.

Lê thầy cãi đam mê phân tích kinh tế, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp các doanh nghiệp, hãng , xưởng, ngân hàng nhà Sản. Đến thời đình đốn, suy thoái, nợ  nần be bét khắp đất nước. Vì muốn che đậy để yên lòng bên trong, để dụ nhà đầu tư, để chủ tướng đi mượn tiền bên ngoài dễ dàng,  các thủ hạ tay chân của Bạo lấy cớ trốn thuế khám xét tịch thu tư liệu, sách vở, hồ sơ của anh em nhà Lê thầy cãi, bắt cả hai anh em nhốt vào ngục. Thế nên nói chính trị là oan cho Lê ,vì nói có khi khiến dân chúng nghĩ kiểu buông tuồng như '' được làm vua thua làm giặc'' mà xuê xoa oan khuất của anh em Lê thầy cãi. Nói lậu thuế là kiểu cờ bạc được'' ăn cả, ngã về không '' người đời tặc lưỡi chép miệng là qua.

 Chính xác tội anh em nhà Lê oan  thấu trời, dậy đất. Tựu chung  vì dám tìm hiểu sự thật về tư cách làm ăn của những bọn bất lương, hòng giúp người lương thiện phòng tránh bị lừa đảo. Rồi cơ sự xảy ra y như thế,lúc đổ vỡ kinh tế cận kề, phủ Chúa đang muốn bịt tin đồn để còn xoay sở  mới bắt Lê thầy cãi vì tội '' lậu thuế'' để nói thiên hạ, mập mờ chuyện tranh quyền để nói với  nhà Sản bên trong.

Bao nhiêu tâm cơ của anh em nhà Lê thầy cãi đã bị tịch thu, thiết nghĩ chả còn gì gây hại đến các cơ sở , hãng, xưởng của tay chân nhà Chúa. Bạo đi Bá Lê thành công như vậy cũng là may mắn lắm rồi. Sao còn chưa để người vô tội về với con thơ. Đừng cố thủ đoạn một công đôi ba việc, đã đạt mục đích này rồi. Lại đem người ta ra xử tội, dùng bọn nhân chứng tay trong bịa đặt để vu khống người lương thiện. Lấy người lương thiện ra làm con bài đối ngoại xong lại quay sang đối nội. Nếu thất đức thế, thì chuyện quân nhà Sản tấn công khắp nơi cũng là nhân quả mà thôi. Chả còn kịp trở tay về phương Nam nương náu nữa đâu.
 
 Người Buôn Gió
@nbgblog  -  quechoa

Friday, September 27, 2013

CSVN

Mặt thật của chế độ cộng sản Việt Nam
 
Hiện vẫn còn một số người dựa vào:
 
- bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 (đọc tại vườn hoa Ba đình Hà nội ngày 2 tháng 9) trong đó ông Hồ Chí Minh cóp lại nguyên văn một câu trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ (Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc), đồng thời cũng sao y bản chánh một câu trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 (Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.).
 
- mấy bản Hiến pháp pháp dưới thời ông (1946 và 1959) trong đó ghi rõ Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa,để cho Hồ Chí Minh là người chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ ở Việt Nam.
 Đối chiếu với mọi diễn biến trong thực tế, ai cũng thấy đó chỉ là những chiêu bài mị dân, một khi nắm trọn quyền hành, ông Hồ nhất nhất nhắm mắt tuân theo giáo điều sắt máu cộng sản, không nghĩ gì đến quyền lợi đất nước hay tình tự dân tộc, kể cả các quyền căn bản và sơ đẳng nhứt (quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc) của người dân cũng đều bị tước đoạt.

Thật vậy!
 
 Về mặt chính trị:
 
- Lúc cần vận dụng sự đoàn kết thì mời gọi các đảng phái, nhân sĩ độc lập hợp tác gia nhập Chánh phủ liên hiệp (ngày 2-3-1946, người cộng sản chỉ có 3 trên tổng số 14 người), nhưng thực tế họ chẳng có quyền hành gì cả, “Xét thành phần chính phủ liên hiệp lúc ấy kể cả những người không đảng phái, có thể gọi là 5 đảng, nhưng chỉ có đảng Việt minh cộng sản là có chương trình chính trị rõ ràng và có thế lực hơn cả. Còn các đảng khác thì chỉ có tên nêu ra mà thôi, chứ không có chương trình phân minh, Xã hội đảng và Dân chủ đảng là những đảng phụ thuộc của Việt minh và không có thế lực, Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội tuy có thế lực là nhờ có quân đội Tàu bênh vực, nhưng không có tánh cách thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ. Bởi vậy đảng Cộng sản chỉ có 3 người trong chính phủ nhưng quyền bính ở cả Cộng sản.”. (Trần Trọng Kim -Một cơn gió bụi [tr 107]).

Dầu hữu danh vô thực, lần hồi họ cũng đều bị loại ra khỏi các nội các kế tiếp, đảng cộng sản một mình một chợ mặc tình múa gậy vườn hoang.

Như vậy thử hỏi gọi Hồ Chí Minh là tên bịp bợm có oan chăng?

Không những bịp bợm mà còn tàn ác nữa, dưới thời ông, những ai có vẻ cản trở đường lối cộng sản đều bị tàn sát không thương tiếc như các Ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi bị bắt và thủ tiêu vào khoảng tháng 8-1945, Tạ Thu Thâu bị Việt Minh bắt và sau đó xử tử tại Quảng Ngãi vào tháng 9-1945, như thủ tiêu các Ông Phan Văn Hùm năm 1946, Huỳnh Phú Sổ năm 1947, …kể cả những người đã từng tận tình giúp họ trong lúc còn trốn chui trốn nhủi, điển hình là bà  Cát Hanh Long (nhũ danh Nguyễn Thị Năm), một phú thương đã từng che giấu, dung dưỡng nhiều tên cộng sản gộc (Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, …) cũng như đã đóng góp nhiều vàng bạc đã bị đem ra đấu tố (tội địa chủ cường hào ác bá) và xử tử hình, điều đáng ghê tởm là việc này lại do những tên đã từng được bà cưu mang chủ xướng (Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, …) và chính ông Hồ tố cáo đích danh “tội ác của mẹ con mụ địa chủ Cát Hanh Long …” (trong bài viết nhan đề “Địa chủ ác ghê” đăng trong báo Nhân dân, theo «Hồ Chí Minh -Những sự kiện tr 188»).

Cho người cộng sản là bọn mất cả tính người liệu có quá đáng chăng?
 
- Khi cần xách động quần chúng, cộng sản hô hào bài phong -đả thực, lúc nắm được chính quyền thì đời sống người dân thua xa thời phong kiến, thực dân:

- «Đó là triều đình phong kiến mang danh cộng sản để tạo nên tệ quan liêu bao cấp, bè cánh ô dù, tranh giành quyền lợi địa vị … » (theo Nguyễn Văn Trấn (1) trong cuốn Viết cho Mẹ & Quốc hội – NXB Văn Nghệ California 1995, tr 398),

- «Điều rất khó hiểu là trong xã hội thuộc địa cũ trước đây của xứ Nam kỳ (Cochinchine) người cộng sản đã dựa vào luật tự do báo chí của chánh quốc (Đế quốc Pháp) mà ra báo l’Avant-garde (Tiền phong) do đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn phụ trách, báo Le Peuple và báo Dân chúng năm 1938 do đồng chí Nguyễn Văn Trấn phụ trách mà không xin phép, chỉ có tờ khai báo đơn giản (simple déclaration) thôi. Còn ngày nay trong chế độ xã hội chủ nghĩa -chế độ tự do –mà những người kháng chiến cũ lại không được quyền ra báo, làm báo được, mặc dù Hiến pháp đã qui định các quyền tự do của công dân trong đó có quyền tựdo báo chí. Thật là kỳ quặc!» (sđd tr 392),

- «Các vị lãnh đạo ĐCS tại sao không suy nghĩ trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kỳ nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ.» (Lê Hiếu Đằng (2) Trong bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…),

- So với chế độ miền Nam, nhà văn Nguyễn Khải (3) nhớ lại: «Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ nguỵ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà “quê một cục.” (Đi tìm cái tôi đã mất [Tùy bút cuối đời])

Đó không phải là lời của những người chống cộng muốn bôi bác chế độ mà chính là nhận xét của những nhân vật đã từng theo cộng sản một thời gian dài, hưởng đủ quyền cao chức trọng.
 
Về mặt dân sinh:
 
- Để lôi kéo lực lượng nông dân (chiếm 90% dân chúng thời đó), họ đề ra chủ trương cải cách ruộng đất, nói là để lấy ruộng đất của địa chủ cấp cho bần nông, kết quả là:
* hàng trăm ngàn lương dân bị thảm sát, tàn ác nhứt là ra lịnh giết người theo chỉ tiêu ấn định sẵn,
* được ban cho chiếc bánh vẽ “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân”, giới nông dân tay trắng vẫn hoàn trắng tay, ruộng cày đâu chẳng thấy, chỉ thấy bị cưỡng bức vào “lao động” trong các nông trường tập thể, các hợp tác xã để được bình công chấm điểm, đời sống còn tệ hơn là thời làm tá điền; hiện nay giới nông dân vẫn còn bị khốn đốn nhiều bề, bị ép giá lúa gạo, nông phẩm, đảng lại đóng vai trò đầu nậu bảo trợ cho giới trung gian thu mua, tàng trữ, chế biến, xuất cảng để chia chát các khoản khống lợi.

 - Dầu tự mệnh danh là đảng của giai cấp thợ thuyền, nhưng mỉa mai thay, đảng (thông qua Công đoàn nhà nước) lại đứng về phía chủ nhân ngăn chận mọi đòi hỏi quyền lợi hợp lý, bóp nghẹt các yêu sách và sẵn sàng đàn áp giới công nhân, ngăn cấm quyền thành lập các nghiệp đoàn độc lập.
 
- Tự cho mình là đội tiên phong nhưng luôn đi sau quần chúng, tiêu biểu là những người dám «xé rào» (4) như:
* để cải thiện đời sống người dân, vào khoảng đầu thập niên 1960, bí thư Kim Ngọc tỉnh Vĩnh Phú cho “khoán hộ” (5), ông bị qui chụp tội đi “chệch hướng, mất lập trường, mất chủ nghĩa xã hội”,
* ở miền Nam sau 1975, trong chủ trương triệt hạ tư sản, người dân khốn đốn vì chính sách giá cả (ép nông dân để mua thóc và lợn với giá chỉ bằng một nửa giá mà người dân trao đổi với nhau ngoài chợ), nhiều “thủ trưởng” linh động cho người dân mua bán theo giá thị trường thì có thể nhận lãnh hậu quả khó lường như Đỗ Mười dặn vị Trưởng đoàn thanh tra: “Chú vô Nam, thằng nào phá rào là phải bắt. Chú không bắt được thằng nào, tôi bắt chú.». (Bên thắng cuộc (tr 450) -Huy Đức)
 
Bây giờ thì ai cũng rõ, Khối cộng sản sụp đổ, nước nào tự lo thân nấy, để cứu nguy chế độ, việc áp dụng mô hình kinh tế thị trường là chuyện chẳng đặng đừng, như vậy «đội tiên phong tụt hậu» sau quần chúng hàng mấy chục năm, tức kéo lùi sự phát triển đất nước một khoảng thời gian dài, tuy vậy vẫn gắn thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” lấy “quốc doanh làm chủ đạo”, một nghịch lý hãm đà phát triển, cốt để bảo vệ và duy trì những quyền lợi đảng đang hưởng.
 
Về mặt lý thuyết lẫn thực tế, chủ nghĩa Marx –Lénine đã phá sản, chủ trương thế giới đại đồng biến thành các cuộc tranh giành đất đai, đấu đá nhau chí tử, vậy mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng: «Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ... Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội » ... & ... «Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.» (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Cuồng si đến thế là cùng!
 
Sau khi khối cộng sản tan rã, đám hậu duệ lại chêm thêm tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp theo sau chủ nghĩa Mác -Lênin trong bản Hiến pháp 1992, trong khi chính đương sự đã thừa nhận: «Tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác Lê Nin. Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết thoả đáng từng vấn đề của ta. Như tôi thường nói “lạt mềm buộc chặt” đó là phương pháp của tôi. Mà cho đến phương pháp như vậy thì cũng có sự chỉ biểu của phương pháp biện chứng.» (sđd tr 151), và viết ra hẳn hòi: «Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản» (“Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” -Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, tr 128)

Theo Lê Hiếu Đằng: “Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó.

Sau một thời gian dài Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả quy luật tự nhiên, cop-py mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển.

… Có thể nói tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không thể nói khác được. … Hiện nay xu hướng chạy theo CN Mác-Lênin CNXH đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lung đoạn nhà nước.» (bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…)
 
Vậy mà giờ này nhà nước còn bắt buộc sinh viên học môn triết học Marx –Lénine, tư tưởng Hồ Chí Minh, theo ông Lữ Phương (6) (trả lời phỏng vấn của đài RFI ngày 21-8-2013): “Đấy không phải là triết học! Bởi vì triết học, nó gợi cho người ta cái suy tưởng, cái vấn để bao quát, để mà nhìn lại mọi thứ một cách phê phán. Ở đây người ta dạy như một công cụ, một công cụ sửa xe, hay làm cách mạng…. Và cứ như thế áp từ trên áp xuống, không học cũng bắt phải học. Đầu tiên là gây ra một tình trạng phản thực tế hoàn toàn.

Bảo là giai cấp công nhân làm chủ, giai cấp công nhân bây giờ nó đói, nó khổ, nghèo nàn hơn tất cả các giai cấp khác, nó phải đấu tranh chống lại những người chủ mới, còn người nông dân – đồng minh chia sẻ chính quyền Xô viết -, thì bây giờ bị cướp đất, cướp nhà…còn người trí thức được hứa hẹn tự do tư tưởng, chúng tôi hồi đó là sướng lắm, mình mơ tưởng một ngày nào mình tự do, tư tưởng bay bổng lên, sáng tạo những điều tuyệt vời… nhưng bây giờ đây bị cấm đoán trăm điều… Tức là nó ngược lại hoàn toàn những gì mà sách vở nói.»
 
Luôn bị tánh gian dối và đa nghi ám ảnh, nên lúc nào cũng muốn tỏ ra là đảng quý trọng sự thật, từ đó bày ra trò “phê và tự phê”, cốt để rình rập bươi móc nhau, thực tế cho thấy tự nói ra sự thật dưới chế độ cộng sản là đồng nghĩa với tự sát, cái chết thảm thương của giáo sư Phạm Thiều (trọn đời theo cộng sản) vào cuối năm 1986 là một bằng chứng hùng hồn, ông viết trong bức thư tuyệt mạng, gởi cho đại hội đảng Q3: “Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại. Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối. Dốt, Dại, Dối, đó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”.(theo bác sĩ Trần Ngươn Phiêu thuật trong cuốn Gió mùa đông bắc)

Một thí dụ khác, trong Quốc hội khóa VII triệu tập kỳ họp thứ 10 (tháng 12-1985), để phản ảnh thực tế xã hội đối với chính sách “giá –lương -tiền” phi lý lúc đó, bà đại biểu Đào Thị Biểu, với biệt danh là bà Sáu Trầu (tỉnh Cửu Long) trước khi lên diễn đàn, bà dặn các đồng chí của mình: “Gia đình tôi năm người tham gia cách mạng, hy sinh hết bốn rồi, giờ dẫu có ‘hy sinh’ thêm nữa thì cũng chẳng sao. Nếu tôi có bị sao thì nhớ chăm sóc con tôi và giáo dục nó sống tốt, xứng đáng như mẹ nó”. (trích trong Bên thắng cuộc của Huy Đức).

Một đại biểu quốc hội muốn nói lên sự thật mà run sợ như sắp bước lên máy chém thì người dân đen còn dám hó hé gì?

Thế mà đảng cộng sản vẫn huênh hoang khẩu hiệu “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
 
Đảng lãnh đạo như thế nào?
 
Họ cai trị đất nước bằng những nghị quyết, mọi luật lệ kể cả Hiến pháp cũng phải tuân thủ đúng theo các nghị quyết, nên tuy gọi là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” (điều 83 Hiến pháp), Quốc hội cũng chỉ là bù nhìn, đúng ra là cánh tay nối dài của đảng, vì đảng viên chiếm 92% (chỉ có 42 người ngoài đảng trên 500 đại biểu, sự thật số người đó đều cũng đều do guồng máy đảng sàn lọc và giới thiệu), mà đã là đảng viên thì phải: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, …” (điều 2 Điều lệ đảng), xem thế thì mới hiểu tư cách đại biểu nhân dân của họ chẳng còn nghĩa lý gì, nên chi khi một đại biểu đặt vấn đề tín nhiệm thủ tướng thì Nguyễn Tấn Dũng trân tráo trả lời là do đảng giao phó thì đương sự phải tiếp tục thi hành (coi như không có lệ thuộc gì với quốc hội).

Đảng xài tiền của dân (Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác.” [điều 46 -Điều lệ đảng]), nhưng việc chi thu thuộc loại bí mật quốc gia, người dân không có quyền biết tới.

Tóm lại, đảng lãnh đạo đất nước nhưng tuyệt nhiên không có một trách nhiệm nào trước quốc dân, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm ngoài danh sách 47 chức danh trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hôm 11-6-2013, tuy việc bỏ phiếu này cũng chỉ là một trò hề (chỉ diễn ra ở nước CHXHCNVN), gọi là bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không có lá phiếu bất tín nhiệm, chỉ có ba hạng (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp), rốt cuộc ai cũng được tín nhiệm cả, như Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 42% phiếu tín nhiệm nhưng vẫn là Thủ tướng, đúng là trò úm ba la!
 
Còn Nhà nước quản lý ra sao?

Cứ nhìn vào thành quả các công ty quốc doanh thì đủ rõ, nhiều công ty làm ăn thua lỗ, gây thất thoát những khoản tiền lớn như công ty quốc doanh Vinashin (trên 4 tỷ mỹ kim), Vinaline (khoảng 3 ngàn tỷ đồng) vậy mà không một ai trong chính phủ phải chịu trách nhiệm, lại còn được đảng giải tội, theo tin đài RFI ngày 21-3-2011: “ông Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận, chính phủ, thủ tướng và một số thành viên trong chính phủ đã phạm sai lầm trong vụ Vinashin. Nhưng, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận và bỏ phiếu về việc có nên kỷ luật hay không. Căn cứ theo kết quả bỏ phiếu, «Bộ Chính trị quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân», yêu cầu nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn Vinashin.”
 
Và số phận làm chủ của nhân dân thì sao?

Chỉ thấy cái bánh vẽ to tướng, chiếc bánh thật thì cán bộ đảng viên hưởng hết, người dân đã đói khổ lại còn nai lưng đóng góp cho bọn đầy tớ nhân dân vung tiền qua cửa sổ, sống phè phỡn, chỉ cần đối chiếu hình ảnh các bịnh viện dành cho dân thường và cán bộ thì đủ rõ.Trong nhà thương thí, bịnh nhân nằm la liệt:trong khi các bịnh nhân «cán bộ» nằm trong các phòng ốc thênh thang,các cơ sở bảo vệ cán bộ với trang thiết bị y tế tối tân:
 
«Huy động sức mạnh của toàn hệ thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.» là một tựa bài trong Tạp chí Xây dựng đảng ngày 22/2/2011, trong đó có các đoạn: «Nhiều ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, thành phố được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị y tế hiện đại, phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh như đầu tư máy siêu âm màu, máy X quang, máy xét nghiệm huyết học, máy nội soi tai mũi họng, máy đo lưu huyết não…

Một số địa phương đã thu hút được những y bác sỹ giỏi về công tác tại Ban. Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đã chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp tập trung các giáo sư, bác sỹ giỏi đầu ngành trong và ngoài hệ thống trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.»
 
Tự coi là có công với đất nước (cũng là một sự kiện độc nhứt vô nhị trên thế giới) nên người dân phải trả công cho đảng, quyền ăn trên ngồi trước suốt đời của các đảng viên là chuyện đương nhiên, không những các đảng viên mà cả dòng họ cũng được hưởng lây, thậm chí cả những tội ác gây ra cũng được hưởng giảm khinh tùy theo gia đình đó có công lớn nhỏ.

“Nhà nước của dân, do dân” hay “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” là như thế ư?

Thật là trân tráo hết chỗ nói!
 
Mấy năm qua, bọn đầy tớ này thường dùng bạo lực (dùi cui, hơi cay, chó “nghiệp vụ”) đối với dân (gần đây nhứt là vụ hành hung giáo dân giáo xứ Mỹ Yên -Nghệ An hôm 4-9), họ còn sử dụng cả bọn côn đồ đón đường hành hung những người bất đồng chánh kiến, đàn áp người dân khiếu kiện, bắt cóc (như trường hợp nữ sinh Nguyễn Phương Uyên bị bắt, mấy tuần sau gia đình mới được biết), bắt người tùy tiện hay với những bằng cớ ngụy tạo, nào quan hệ với gái mải dâm như Ls Cù Huy Hạ Vũ, nào trốn thuế như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Ls Lê Quốc Quân, ….

 Nhìn qua các sự kiện trên, việc dị ứng với thành phần trí thức là hệ quả tất nhiên của một chính sách ngu dân, đảng coi thành phần này luôn có đầu óc mong muốn thay đổi xã hội, tiêu biểu như trường hợp Viện nghiên cứu phát triển (IDS -Institute for Development Studies) qui tụ nhiều vị trí thức tên tuổi hàng đầu ở trong nước (7), đây là cơ quan nghiên cứu xây dựng theo mô hình think-tank đầu tiên ở Việt Nam, Viện này quyết định tự giải thể để phản đối Quyết định 97 của Chính phủ, coi đây là «một quyết định hạn chế vô lý, phản tiến bộ, phản khoa học và ngu dân».

Thật vậy, mọi cơ sở nghiên cứu độc lập được coi như là túi khôn của dân tộc, cái vốn quý của quốc gia, nước nào cũng trân trọng và khuyến khích phát triển, duy chỉ có chế độ cộng sản Việt Nam là tìm mọi cách ngăn cản.

Một xã hội kềm hãm tri thức như vậy làm sao có một tương lai xán lạn?

 Luôn lo sợ giới trí thức độc lập, đảng chỉ qui tụ và dung nạp những người chỉ biết tuân lịnh một cách mù quáng.

Họ chia nhau nắm giữ hết mọi cơ cấu tổ chức, nên các định chế gọi là dân chủ đều dư thừa:

- Quốc hội là nơi tập trung các đảng viên thì có khác gì BCHTƯ đảng đâu, dẹp bỏ Quốc hội cũng chẳng tác hại gì đến công việc điều hành đất nước: “Tễu tôi vừa thương cảm, vừa cười thầm các sĩ tử Mác –Lê lẩm cẩm. Toàn là giáo sư, tiến sị, viện trưởng về “Mác học” lại không hiểu và không nhớ là chính quyền của vô sản bắt bớ, giam cầm cần quái gì đến Hiến pháp và pháp luật. Chỉ cần đụng đến “lông chân của đảng” là vào tù thôi.” (Vũ Cao Quận -Gởi lại trước khi về cõi, tr 39),

- Duy trì Mặt trận tổ quốc (Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. (điều 41 Điều lệ đảng) như vậy cũng dư thừa (chỉ cốt mị dân), bỏ quách nó đi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến các sinh hoạt xã hội,

- Còn bao tổ chức trùng dụng khác như các hội đồng nhân dân (tỉnh, huyện, …) cũng đều thuộc loại vô tích sự cả, các bí thư tỉnh ủy, huyện ủy quyết định cả rồi.

Một ngân khoản to lớn chi ra một cách vô ích cho một guồng máy cai trị trùng dụng và dân chủ giả hiệu, liệu nhân dân còn phải tiếp tục gồng gánh gánh nặng phi lý này đến bao giờ, ông Nguyễn Cao Quận kêu gọi:

Đừng sống như bầy cú
Lặng lẽ nấp trong đêm
Nỡ nào đành ngoảnh mặt
Khi máu chảy, ruột mềm.
 
phải vùng lên “phá xiềng” như tựa một bài mới đây của Hồ Ngọc Nhuận phụ họa với bài của Lê Hiếu Đằng, không thể tiếp tục để bị một đảng mù quáng dẫn dắt:

Tiến lên! Ta quyết tiến lên,
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu,
Hàng đầu, không biết đi đâu?
Đi đâu? Không biết, hàng đầu cứ đi.
Bút Tre
 
Cũng may, nhờ phương tiện truyền thông hiện đại, mọi tin tức được loan truyền nhanh chóng, sự thật không thể bưng bít như thời còn bức màn sắt, qua những lời trần tình của những người đã từng chung chăn với cộng sản hay tiếp tay cho chúng, những phân tích (qua các bản kiến nghị) của giới trí thức, qua những gương uy vũ bất năng khuất của giới trẻ, qua các cuộc đàn áp bắt bớ thô bạo của lực lượng công an, qua những phiên tòa qua quít với những bản án định sẵn, bất chấp lẽ phải, mặt thật của cộng sản đã bị lột trần, ý thức chính trị của người dân ngày càng được trưởng dưỡng, nhận rõ sự tồi tệ của giai cấp thống trị và cảm thấy xấu hổ sống trong một chế độ toàn trị:

Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét,
Lãnh đạo thì ngu đần.

Riêng hai chữ “cộng sản”
Đã đủ nói phần nào.
Thái Bá Tân (8)
 
Một khi “kẻ thống trị coi dân như bùn rác thì người dân coi kẻ thống trị như kẻ cướp người thù” (Quân thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù), người dân đã ý thức sức mạnh của mình, giờ phải biết sử dụng sức mạnh đó, như lời Tuân Tử: “Người cầm quyền ví như thuyền, người dân ví như nước, nước có thể nâng thuyền nổi lên hay nhận cho thuyền chìm xuống.” (Quân giả chu giả, thứ dân giả thủy giả, thủy tắc tải chi, thủy tắc phúc chu).

Thời thế đã dần dần thay đổi, một phong trào giành lại các quyền đã bị tước đoạt đang hình thành, ai theo dõi thời cuộc hẳn thấy phong trào này ngày càng lớn mạnh, bạo lực không làm chùn bước những con dân yêu nước, những phản ứng thô bạo, bất chấp lý lẽ của nhà nước đối với những người binh vực công lý là chất xúc tác kết hợp toàn dân.
Vận nước đang xoay vần:

 
Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lớp người đói rét
Phục sẵn một đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử
(Nguyễn Chí Thiện)
 
 Vạng Lộc
 
 (1) Gia nhập hàng ngũ cộng sản từ thời chống thực dân Pháp vào khoảng cuối thập niên 1930, nổi tiếng sắt máu với những người không theo cộng sản nên có tiếng là hung thần Chợ Đệm (nơi sinh), đã từng là giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc, rồi Vụ Phó Ban Tuyên huấn Trung ương.
(2) Nằm vùng ở miền Nam, đã từng là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học, nguyên phó CT Ủy ban MTTQ VN ở Sài gòn (từ 1989-2009)
(3) Nhà văn quân đội (cấp bậc đại tá), từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VII
(4) tức ra ngoài khuôn khổ chính sách qui định (tập trung đất đai vào các công, nông trường quốc doanh, các hợp tác xã). 
(5) tức cho các hộ nông dân tự khai thác và đóng góp tùy theo mức thu hoạch các vụ mùa.
(6) Dạy học ở trường trung học Thoại Ngọc Hầu –Long Xuyên, theo Việt cộng vào mật khu trong dịp xảy ra biến cố Tết mậu thân 1968, được phong là Thứ trưởng kiểng (do chính ông viết trong bài Bản thảo chuyền tay) bộ thông tin văn hóa trong chánh phủ lâm thời miền nam Việt Nam
(7) Hoàng Tụy (chủ tịch hội đồng IDS), Nguyễn Quang A (viện trưởng), Phạm Chi Lan (phó viện trưởng), Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Vũ Kim Hạnh, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, Vũ Quốc Huy, Tương Lai, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Trần Đức Nguyên, Huỳnh Sơn Phước, Trần Việt Phương, Nguyễn Trung.
(8) Nhà văn, vừa dịch thuật và dạy học ở Hà Nội.