Wednesday, September 18, 2013

Syria

SYRIA ĐI VỀ ĐÂU
 
Vào Thứ Bảy, 14 tháng 9 năm 2013, báo chí đăng tin Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đạt được một thỏa hiệp tại Geneva, Thụy sĩ, về lịch trình hủy bỏ tất cả võ khí hóa học của Syria. Cả hai bên sẽ can thiệp với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để có biện pháp chế tài Syria, kể cà quân sự, nếu nước này không tuân hành thỏa hiệp này.

Cộng Hòa Ả Rập Syria là một quốc gia nằm ở Tây Á (Western Asia), được độc lập từ tay người Pháp vào tháng 4 năm 1946. Syria bao quanh bởi Lebanon và Địa Trung Hải về phía tây, Thổ Nhĩ Kỳ về phía bắc, Iraq về phía đông, Jordan về phía nam và Do Thái về phía tây nam. Syria bao gồm bình nguyên, núi đồi và sa mạc. Diện tích vào khoảng 186 ngàn cây số vuông với một dân số gần 23 triệu. Chủng tộc và tôn giáo bao gồm Alawite, Sunni, Christian, Armenian, Assyrian, Druze, Kurd và Turk. Arab Sunni chiếm đa số dân nhưng hầu hết giới cầm quyền có gốc Alawite. Tổng Thống nước này là Bashar Assad thuộc về nhóm Alawite. Thủ đô của Syria là Damascus.

        Vào tháng 2 năm 2011, nhiều thanh niên đã bị bắt giữ tại thành phố Daraa vì đã tham gia kêu gọi lật đổ chế độ. Vào tháng kế tiếp, nhà tranh đấu kêu gọi dân chúng biểu dương một Ngày Thịnh nộ của Syria. Kết quả lực lượng an ninh của chính phủ đã ra tay đàn áp khiến 5 người tử thương. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Liên Hiệp Âu Châu đòi hỏi Tổng Thống Assad từ chức. Trong không khí Ả Rập Vùng Lên, dân chúng các nơi tham gia tranh đấu chống chính quyền. Syria bùng lên một cuộc nội chiến giữa hai phe, một bên là Free Syria Army (Quân đội Syria Tự do) và bên kia là lực lượng quân chính phủ Assad. Tình trạng chiến đấu giữa hai bên tiếp tục kéo dài, chưa ngã ngũ. Sau hai năm rưỡi, số nạn nhân bị chết đã vượt quá con số 100 ngàn, và cả triệu người mất nhà mất cửa, phải di tản qua các nước làng giềng lánh nạn.

        Chính phủ Syria cai quản một số lượng võ khí hóa học rất lớn. Hoa Kỳ qua hệ thống vệ tinh quan sát biết được địa điểm của các hầm võ khí này. Gần đây Mỹ còn nhận ra việc nước ấy đang cho di chuyển một số võ khí hóa học ra khỏi hầm chôn. Vì cuộc chiến kéo dài khá lâu cho nên có thể đây là dấu hiệu chính phủ Assad muốn dùng đến võ khí hóa học để dứt điểm quân phiến loạn. Các nước sở hữu loại võ khí này nhận biết hậu quả tàn khốc của việc sử dụng nó cho nên từ lâu đã thỏa thuận phá hủy từ từ và cam kết sẽ không dùng đến nó nữa. Nhận được tin tức vệ tinh tình báo trên và nguy cơ Syria dám dùng đến loại vũ khí ấy, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã phát biểu rằng Mỹ sẽ không ngồi nhìn nếu Syria sử dụng võ khí hóa học. Ông vạch ra "một lằn đỏ" (red line), cái giới hạn mà chính quyền Damascus không thể vượt qua, mà hậu quả của sự vi phạm sẽ là phải chịu đựng một sự không kích bằng phi cơ và phi đạn của Hải quân Hoa Kỳ xuất phát từ ngoài khơi Địa Trung Hải.

        Vào ngày 13/6/13, ông Obama đã cho lệnh gởi võ khí cho phe phiến quân sau khi Mỹ nhận thấy có bằng chứng cho thấy ông Assad đã sử dụng một số lượng nhỏ của loại võ khí này đối với quân phản loạn. Nhưng đến ngày 21/8/13, võ khí hóa học đã được sử dụng làm tử thương dân chúng với con số 1400 người trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em và phụ nữ. Lần này thì mọi người cầm chắc là Mỹ sẽ dội bom Syria. Vấn đề chỉ còn là thời gian.

        Với tư cách Tổng Tư Lệnh quân đội, Tổng Thống Obama có thể ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ không kích có giới hạn Syria. Thế nhưng trên thực tế tình hình không giản dị. Nhân tâm Mỹ không thống nhất. Dân chúng chưa sẵn sàng cho việc Mỹ mở một mặt trận mới. Ông Tổng Thống thừa biết về điều này. Chính vì thế, để tránh rủi ro, ông bèn đi tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc Hội, mà đa số lại không đồng ý cho một giải pháp quân sự. Chỉ trong nội bộ Đảng Dân Chủ của ông trong Quốc Hội thôi ông đã không được đa số ủng hộ, thế thì còn nói gì đến đảng đối lập. Một phần ba các vị dân cử Dân Chủ nói rằng chính phủ cần Quốc Hội hậu thuẫn. Và hơn ba phần tư các vị dân cử Dân Chủ cho rằng hành động quân sự tại Syria dưới hình thức nào cũng có triển vọng lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến lâu dài. Ông Obama đắc cử Tổng Thống nhờ chủ trương chấm dứt chiến tranh, đem quân Mỹ tại A Phú Hãn và Iraq về nước. Vì sự biến chuyển của tình hình thế giới, ông ấy lại làm cho nước Mỹ can dự vào một cuộc chiến khác như thế là ông ấy tự mâu thuẫn và dân chúng khó mà chấp nhận. Kinh tế Hoa Kỳ ngày nay xuống dốc, nợ nần của chính phủ đạt kỷ lục, 16 trillion, ngân sách thâm thủng nặng, phần lớn là do hậu quả của hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Chỉ còn vài tháng nữa nước này sẽ cạn tiền tiêu, các cơ sở của chính phủ sẽ phải đóng cửa. Để tránh tình trạng nguy ngập này rồi ra Quốc Hội sẽ phải cho phép nâng mức nợ tối đa của chính phủ liên bang. Nói cách khác, cho phép chính phủ đi vay nợ tiếp (Hai quốc gia chủ nợ lớn nhất là Trung Hoa và Nhật Bản). Với tình hình như thế triển vọng Hoa Kỳ can thiệp vào Syria dù mạnh mẽ hay giới hạn sẽ khó xảy ra.

        Vì cái vụ Syria sử dụng võ khí hóa học, thế giới lại xôn xao. Anh là đồng minh sát cánh với Hoa Kỳ trong các hoạt động chính trị và quân sự quốc tế. Thế nhưng lần này nghị viện Anh đã khóa tay Thủ Tướng David Camaron và ông ấy tuyên bố tuân thủ ý dân. Sẽ không có chuyện Anh hợp tác với Mỹ để đánh Syria. Một nước Âu Châu khác thường hay có hành động trái ngược với Hoa Kỳ là Pháp lần này lại đóng vai trò như của Anh quốc. Tổng Thống Francois Hollande hăng hái hợp tác với Mỹ trong việc dùng phi cơ oanh tạc Syria vì nhìn thấy sự dã man của chính phủ Assad đối với thường dân của chính nước ấy. Không thể làm ngơ, Pháp muốn trừng phạt Syria về vụ sử dụng võ khí hóa học.

        Chuyện bất ngờ đã xảy ra. Vào đầu tháng 9 tại hội nghị của các nhà lãnh đạo của 20 nước kỹ nghệ tại St Peterburg ở Nga, Tổng Thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp gỡ riêng với Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đưa ra một đề nghị. Nước Nga sẽ nói chuyện với Syria để yêu cầu và áp lực nước ấy phải từ bỏ và chuyển giao tất cảc các kho võ khí hóa học cho cơ quan LHQ. Cho tới hôm nay, đồng minh duy nhất của Syria là Nga. Syria vẫn tiếp tục mua võ khí của Nga để đánh phá phe phản loạn. Không có Nga giúp sức chế độ Assad đã sụp đổ từ lâu rồi. Hai nước này hợp tác với nhau là vì quyền lợi hỗ tương. Có một nước khác luôn ủng hộ Syria tại một nơi khác, LHQ, đó là Trung Hoa. Tàu không ưa Mỹ. Họ cũng chẳng ưa Nga. Thế nhưng khi có cơ hội, hai nước này hợp tác với nhau phá Hoa Kỳ. Nhờ có chân trong HĐBA/LHQ, Nga và Tàu không chấp nhận giải pháp quốc tế dưới hình thức nghị quyết mà các thành phần còn lại thuộc Âu Châu trong Hội Đồng chấp thuận. Họ dùng quyền phủ quyết để phá bĩnh, rất hợp pháp mà Hoa Kỳ, Anh và Pháp chẳng làm gì được. Riêng đối với Syria, lần thứ nhất là vào ngày 4/10/11 Nga và Trung Hoa đã phủ quyết nghị quyết được yểm trợ bởi Âu Châu nhằm đe dọa chế tài đối với Syria nếu nước này không ngưng ngay lập tức các hành động quân sự nhắm vào thường dân. Lần thứ hai là vào ngày 4/2/12 Nga và Trung Hoa đã dùng quyền phủ quyết đối với nghị quyết của HĐBA nhằm hậu thuẫn cho kế hoạch của Khối Liên Minh Ả Rập (Arab League) kêu gọi Assad từ chức. Giải quyết cách nào cũng không xong, thôi thì thế giới hãy cứ đồng ý theo ý kiến của Nga lần thử xem sao, biết đâu dân chúng đỡ chết chóc.
 
Vào ngày 9/9/13 Syria hoan nghênh đề nghị di chuyển hết võ khí hóa học cho LHQ.Thật ra, các nước chẳng mấy tin tưởng sự thành thật của Nga và Syria. Có người cho rằng với nguy cơ ăn bom của Hoa Kỳ và Pháp và sự lung lay của chế độ Syria phải tìm cách hoãn binh. Bấy lâu nay nhà lãnh đạo Nga mất uy tín cá nhân và vai trò của Nga bị lu mờ trên trường quốc tế cho nên họ đang chờ đợi và bất ngờ lợi dụng thời cơ để xác định vị trí của Nga trên diễn đàn thế giới và đóng đúng vai trò quốc tế của họ, thì đây cơ hội đã đến. Mọi người cứ nghĩ là chiến tranh tại Syria sẽ đổi chiều nay mai với sự can dự về quân sự của nhiều nước mà điển hình là Hoa Kỳ và Pháp, bất ngờ Nga nhảy vào và giành lấy sân khấu, chuyển mặt trận từ quân sự sang ngoại giao. Thế là Tổng Thống Mỹ yêu cầu Quốc Hội tạm hoãn, khoan thảo luận việc đồng ý cho Tổng Thống được quyền oanh kích có giới hạn tại Syria, để chờ giải pháp ngoại giao. Rồi hai ông ngoại trưởng của Nga Mỹ kéo nhau sang Geneva họp bàn việc giải giới võ khí hóa học của Syria và đã cùng nhau thỏa thuận về kế hoạch này.

        Không biết đến bao giờ việc này mới đựợc hoàn tất trong đó có sự hợp tác thật sự của Syria. Chỉ nói đến Hoa Kỳ và Nga không thôi, mặc dù hai nước đã đồng ý hủy bỏ võ khí hóa học của họ và họ đã bắt tay thực hiện việc ấy từ lâu mà trên thực tế phải vài năm nữa mới xong. Còn tại Syria, người ta bảo là hồi đầu năm nay, Mỹ biết khá chính xác vị trí các hầm võ khí hóa học của Syria, thế nhưng gần đây Syria đã cho phân tán các võ khí này, như thế kết quả của việc thi hành đề nghị của Nga sẽ như thế nào chẳng ai dám nói chắc.

        Để tranh thủ thời gian và giành phần thắng trong lúc Mỹ và Âu Châu chưa can thiệp vào Syria, quân đội chính phủ dốc toàn lực phi pháo đánh quân phản loạn. Mỹ cũng chẳng chịu ngồi yên. Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ vừa cho chuyển vận võ khí tăng cường cho phiến quân.

        Syria là một tình trạng phức tạp và nan giải. Trong nước có quá nhiều chủng tộc và tôn giáo khác nhau, không phe nào chịu thỏa hiệp với phe nào. Dẹp chế độ Assad đối với Hoa Kỳ không phải là chuyện khó làm. Vấn đề là cho tới giờ này chưa có một khuôn mặt có tầm cỡ, đáng tin cậy và có thể khả dĩ thay thế Assad. Vào thời gian đầu của cuộc tranh đấu chống chế độ, thành phần phiến quân chỉ gồm dân Syria. Ngày nay các tổ chức khủng bố cực đoan tại các nước lân bang Trung Đông đã gởi người của họ qua Syria nhập cuộc. Đó là chưa kể thành phần dân gốc Ả Rập cư ngụ tại các nước Âu Châu cũng đã đến Syria chiến đấu. Và nguy hiểm hơn cả là nhóm Al-qeda cũng có mặt trong thành phần đối nghịch với chính quyền Syria. Mấy nhóm này mà lên cầm quyền thì tai hại khó lường, an ninh của cả vùng Trung Đông trong đó có các vương quốc và Do Thái đồng minh Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng.

        Cái chuyện đem dân chủ Tây phương reo rắc và áp dụng trong thế giới Ả Rập là chuyện không tưởng. Họ quen sinh hoạt theo kiểu bộ tộc. Chủng tộc, và tôn giáo khác nhau, lại cuồng tín, dã man với chính đồng loại, quen sử dụng bạo lực, không quen lề lối dân chủ, các nước Tây phương có thiện chí, thật sự muốn giúp đỡ cũng đành chào thua. Kinh nghiệm của Iraq còn sờ sờ ra đó. Chủ quan quá, dùng chiêu bài dân chủ chống độc tài, sử dụng sức mạnh quân sự, dẹp một đồng minh cũ, tốn biết bao nhiêu tiền của và sinh mạng để rồi ngày nay Mỹ biến Iraq thành đồng minh khắng khít của Iran, kẻ thù nguy hiểm của Hoa Kỳ và Do Thái. Một trường hợp nữa là Ai Cập. Hosni Mubarak, nguyên Tổng Thống nước ấy, đồng minh của Mỹ đã bị bị dân chúng lật đổ với sự đồng ý của Mỹ. Chính phủ dân cử Mohamed Mursi do dân bầu lên sau đó lại là người của Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) một đảng phái cực đoan với chủ trương bài Mỹ. Ông Tổng Thống này đã cùng với nhóm huynh đệ của ông chỉ lo thu tóm quyền lực, phục vụ quyền lợi phe nhóm, đảng phái hơn là quốc gia, kết quả dân chúng ồ ạt nổi lên biểu tình phản đối, đất nước có triển vọng đi đến hỗn loạn. Quân đội lại phải ra tay, đưa hết phe nhóm của ông Mursi vào tù, chờ ngày ra tòa vì cái tội trong lúc cầm quyền đã đàn áp, gây thương vong cho dân chúng. Quân đội Ai Cập có ý muốn đặt Huynh Đệ Hồi Giáo ra ngoài vòng pháp luật. Ai Cập hàng năm nhận cả tỉ đô la viện trợ quân sự từ Mỹ. Tình trạng quân đội nắm quyền là tốt cho Hoa Kỳ và quyền lợi của Mỹ và đồng minh trong vùng. Thế nhưng chính phủ Obama lại hăm he cúp viện trợ cho Ai Cập vì quân đội phá hỏng nền dân chủ mới tái lập chỉ có trên hình thức mà thiếu nội dung ấy.

        Hoa Kỳ cho biết họ chưa hoàn toàn từ bỏ giải pháp quân sự đối với Syria. Hoa Kỳ đang theo dõi để xem hai nước Nga và Syria có thực tâm và nghiêm chỉnh thực thi đề nghị hủy bỏ võ khí hóa học hay không.

        Ngày 21/8 không phải là lần đầu tiên Syria sử dụng võ khí hóa học. Nghe nói, thực ra đó là lần thứ 11. Assad nổi tiếng tàn ác. Đến độ Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon liệt ông ta vào tội diệt chủng và đáng được đem ra tòa án quốc tế xét xử. Trong lúc chờ đợi cho giải pháp ngoại giao thành hình, Tổng Thống Nga Vladimir Putin biểu lộ một hành động tranh thủ nhân tâm Mỹ và ly gián nội bộ Hoa Kỳ. Vào Thứ Tư tuần qua ông ấy cho đăng một bài viết trên nhật báo New York Times. Bài này nhắm thẳng vào dân chúng Mỹ, những người đã quá mệt mỏi vì chiến tranh và vì thế không sẵn sàng can dự vào một cuộc chiến mới. Trong đoạn kết ông ấy cho biết đã nghiên cứu cẩn thận bài diễn văn toàn quốc của ông Obama hôm Thứ Ba - trong đó Tổng Thống Mỹ yêu cầu Quốc Hội khoan họp cho giải pháp quân sự, chờ xem mặt ngoại giao diễn tiến ra sao và xác định giải pháp quân sự sẽ không được từ bỏ, vẫn có thể được dùng với sự ủng hộ của dân chúng thông qua Quốc Hội nếu ngoại giao thất bại vì thiếu sự thành tâm của đối phương -  ông Putin không đồng ý với câu nói của ông Obama liên quan đến "American exeptionalism" (chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ), rằng chính sách của nước này làm cho Mỹ trở nên khác biệt, rằng đây là việc cực kỳ nguy hiểm nhằm khuyến khích dân chúng tự xem là ngoại lệ dù với bất cứ động lực nào. Ông ấy viết, có những nước lớn, và có những nước nhỏ, giàu và nghèo, truyền thống dân chủ lâu đời và đang tìm đường tiến đến dân chủ. Chính sách cũng khác biệt nữa. Ông ấy kết luận, chúng ta tất cả đều khác nhau, nhưng chúng ta đều nhờ ơn Thượng Đế, chúng ta không được quên rằng Thượng Đế tạo ra con người bình đẳng.

        Tổng Thống Putin quá chủ quan, xem thường dư luận Hoa Kỳ. Việc làm của ông ta đã chạm vào tự ái của một dân tộc. Hầu hết đại diện dân cử hai đảng không muốn thấy một người ngoại quốc dùng phương tiện báo chí Hoa Kỳ để dạy dỗ họ. Ông ấy can đảm có thừa. Con người của ông ấy như thế nào thì cả thế giới đều đã biết. Xuất thân từ một sĩ quan mật vụ, với đầy đủ đặc tính giảo hoạt, dã man, ích kỷ và hoàn toàn không có một sự tin tưởng của quần chúng. Sau khi chế độ Cộng sản ở Liên Xô sụp đổ, ông ấy theo phò Tổng Thống Yeltsin của Nga với ý đồ thu tóm quyền lực tối cao sau này sau khi đã có hứa hẹn cá nhân với người tiền nhiệm. Làm Tổng Thống hai nhiệm kỳ, tổng cộng 8 năm, vẫn chưa thỏa mãn lòng tham. Sau đó làm Thủ Tướng cho Tổng Thống Dmitry Medvedev nhưng tóm trọn quyền hành trong tay, biến Tổng Thống thành bù nhìn. Toa rập với Quốc Hội sửa đổi Hiến Pháp, cho phép đương sự tái tranh cử Tổng Thống với nhiệm kỳ mới 6 năm. Dân chúng rầm rộ biểu tình phản đối, ông ta cho cảnh sát công an đàn áp. Có nhân viên tình báo biết rõ tẩy của ông ta, đào thoát sang Anh, mật vụ Nga theo dõi dùng chất độc giết chết trong khách sạn tại Luân Đôn. Có nữ phóng viên viết bài bất lợi cho ông ta, bà ấy bị hạ sát giữa thủ đô. Tàu ngầm nguyên tử Nga gặp trục trặc có nguy cơ bị chìm dưới đáy biển và thủy thủ đoàn sắp mất mạng, Thụy Điển lên tiếng đem chuyên viên với kỹ thuật cao đến nơi cưa tầu Nga, cứu sống thủy thủ đoàn, ông Tổng Thống không biết có phải chỉ vì tự ái quốc gia, từ chối sự giúp đỡ của nước khác, để mặc cho binh sĩ nước mình chết từ từ dưới đáy biển. Các nhân vật có tiềm năng và thật giàu có có triển vọng là đối thủ chính trị của ông Putin tại Nga đều bị chính phủ lần lượt tìm cách truy tố, đưa vào đường tù tội, rất trắng trợn và cuối cùng trở thành nghèo hết.

        Vào tháng 6, 2013 một nhân viên tình báo trẻ Hoa Kỳ tên là Edward Snowden mang theo một laptop với tài liệu tình báo mật bên trong đào thoát sang Hong Kong, lãnh thổ của Trung Quốc. Anh này phản bội đất nước, tiết lộ tin tức mật bất lợi cho Hoa Kỳ. Nước Tàu để cho anh ta sang Nga, thông qua sự giúp đỡ của Wikileak, toà Đại Sứ Ecuador tại Anh và cơ quan mật vụ Nga. Ông Putin bảo Snowden là người tranh đấu cho nhân quyền chứ không phải là gián điệp phản bội đất nước của mình. Ai mà không biết Nga và Tàu là hai nước trong đó dân chúng làm gì có dân quyền và nhân quyền! Hai nước ấy mà bàn đến dân quyền và nhân quyền là cả một sự mỉa mai và xem thường dư luận. Để xem cuộc đời Snowden sẽ ra sao sau khi Nga đã vắt hết chanh. Bây giờ chắc đương sự đã thấy sự khác biệt giữa một bên là Hoa Kỳ và một bên là Nga Hoa liên quan đến quan niệm và sự thực thi dân quyền và nhân quyền rồi.

        Lúc đầu Putin lập lững, cho thế giới thấy Nga không hoan hỉ chấp nhận anh này với tư cách tỵ nạn trong khi vẫn tiếp tục nói xấu "nước bạn Hoa Kỳ". Mỹ răn đe, bất cứ nước nào nhận anh này sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả. Cuối cùng vào ngày 1/8/13 Nga cho Snowden tỵ nạn tạm thời. Chuyện này Hoa Kỳ sẽ nhớ rất lâu. Phản ứng đầu tiên của Hoa Kỳ về việc này là Tổng Thống Mỹ đã quyết định hủy bỏ cuộc họp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ Nga vào cuối tháng 8 vừa qua tại Moscow.

        Ông Putin là một  người với những đặc tính vừa được đề cập ở trên làm cho không mấy ai có thể đặt tin tưởng vào. Nơi nào mà Nga và Tàu can thiệp vào nơi ấy khó khá, còn bị chết là đằng khác. Đề cập đến hai nước này, cộng sản thuộc hàng sư phụ, khiến người nghe lại nhớ đến câu nói của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn văn Thiệu năm nào, và luôn xem đấy là một lời nhắc nhở và cần cảnh giác.

        Tổng Thống Nga lợi dụng tình thế, dùng hình thức tuyên truyền đạt nhiều mục đích cùng một lúc qua bài viết, tự đánh bóng cá nhân, ly gián vị lãnh đạo một cường quốc và công chúng, ngược lại, nhận lãnh hậu quả phẫn nộ mạnh mẽ từ chính giới và người dân Hoa Kỳ.

        American exeptionalism nên được hiểu là chủ nghĩa cá biệt Hoa Kỳ. Nó có nghĩa là sự khác biệt về phẩm chất so với các nước khác. Nó không bao hàm cái nghĩa Hoa Kỳ tốt hơn các nước khác hay có một nền văn hóa siêu việt. Hoa Kỳ có ưu điểm là có khả năng làm được và dám làm những việc nước khác không làm nổi hay không dám làm cho chính mình và cho người khác. Khác biệt là ở điểm này. Đó là một ưu điểm của Hoa Kỳ. Chính vì thế mà một chính trị gia nổi tiếng của Anh Quốc, Winston Churchill chẳng đã từng ca tụng người Mỹ là gì, qua câu nói: "Bạn có thể luôn luôn trông cậy vào người Hoa Kỳ làm đúng việc - sau khi họ đã thử hết các giải pháp khác." (You can always count on the Americans to do the right thing - after they've tried everything else)

        Cơ hội Hoa Kỳ can thiệp vào Syria bất ngờ bị trì hoãn. Dân chúng Syria chắc là phải chịu điêu linh lâu hơn nữa. Con người, đất nước xem ra chẳng qua cũng là thời vận hết cả.

        "Càng có thể nhìn ngược lại xa chừng nào bạn lại càng có thể nhìn tới trước xa chừng ấy." (The farther backward you can look, the farther forward you can see. Winston Churchill)

        "Xây dựng sẽ phải là công việc chậm chạp và khó khăn cần đến nhiều năm. Phá hủy có thể là một hành động thiếu thận trọng chỉ mất mỗi một ngày" (To build may have to be the slow and laborous task of years. To destroy can be the thoughtless act of a single day. – Winston Churchill)

Nguyễn Văn Huy
16/9/2013