Wednesday, September 11, 2013

9/11

Độc giả Người Việt và ký ức 11 Tháng Chín

Video SBTN

LTS: Hôm nay là ngày 11 Tháng Chín, một ngày không quên trong ký ức nhiều người.

Nhớ lại hình ảnh, tâm trạng của ngày này, 12 năm về trước, trong lúc thế giới vẫn còn đầy những biến động, lòng người hoang mang trước nỗi lo liệu một cuộc chiến nữa có xảy ra không, có lẽ cũng là dịp để mỗi người - nhất là những ai đã đi qua chiến tranh - có cái nhìn, có sự suy ngẫm, và trân trọng hơn một cuộc sống thanh bình mà mình đang có.


Jeniffer Nguyễn - Seattle, "Xin góp một lời cầu nguyện cho các linh hồn đã bỏ mình vì nạn khủng bố trên đất Mỹ và trên khắp thế giới, luôn cả các chiến sĩ hy sinh trên tất cả trận chiến chống khủng bố trên toàn thế giới.” (Hình: Mary Altaffer-Pool/Getty Images)
1.
Sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001, tôi đang ở trong một khu scif của một building cách quốc hội Hoa Kỳ khoảng 10 phút đi bộ, chuẩn bị cho cuộc họp lúc 9 giờ; một đồng nghiệp bước vào cho hay một chiếc phi cơ đã đâm vào một trong hai toà nhà chọc trời. Mọi người còn đang lao xao, không biết vì lý do gì phi công lại gây ra tai nạn như vậy, thì một đồng nghiệp khác vội vã bước vào, cho hay một phi cơ nữa đã lao vào toà nhà chọc trời thứ nhì. Đây không phải tai nạn nữa rồi, mà là một cuộc khủng bố!
 
Mọi người bèn nhanh chóng ra khỏi khu scif, đến bu quanh những chiếc TV dày đặc hình ảnh hai toà nhà bốc khói. Đột nhiên, xướng ngôn viên đài truyền hình đọc tin một chiếc phi cơ nữa đã lao vào Ngũ Giác Đài, tọa lạc bên kia Potomac, con sông chia ranh giới DC và Virginia. Thế là mọi người xách cặp táp vội vàng rời sở. Tôi trở về scif, nhận được cú điện thoại từ headquarter ở Virginia ra lệnh “sơ tán” khỏi DC. Tôi vội vàng back up tất cả tài liệu, công sức của nhóm trong hơn năm qua, vào laptop của mình.
 
Ra khỏi building, tôi nhập vào dòng người hoảng hốt, hối hả bước lên xe điện ngầm rời khỏi thủ đô.
Toa xe của tôi chật cứng người, không còn chỗ ngồi, nên tôi đành đứng gần cửa ra vào. Nhìn quanh, tôi thấy mặt hành khách ai cũng đều đượm vẻ lo âu, sợ hãi. Họ thầm thì truyền miệng nhau những mẩu tin mà họ bắt được, như Department of State và Supreme Court đã bị tấn công (không có thật), và một chiếc phi cơ đã bị không tặc hiện đang hướng về DC, v.v…, càng làm tăng thêm sự sợ hãi cho mọi người.
 
Đột nhiên, tôi nghe tiếng nức nở. Người đàn bà da trắng đứng cạnh tôi ôm mặt khóc. Thấy vậy, mặc dù lòng lo sợ không kém mọi người, tôi nói nhỏ với cô ta, “Don’t worry, you’ll be okay!” Cô ta nhìn tôi rồi nói, “My daughter is at a day care center right outside of the Pentagon.” Rồi cô ta tiếp tục khóc. Tôi bèn an ủi, “Stay calm, she’ll be alright.” Cô ta lau nước mắt rồi nói cám ơn. Xe điện càng lúc càng đông, người ta chen lấn nhau lên, và càng thêm người thì càng nhiều tin xấu.

Tôi làm một bài toán thật nhanh trong đầu, nếu có chuyện gì xảy ra lúc này, người ta sẽ đạp nhau mà chết; vả lại, sau trạm Foggy Bottom là đường hầm chạy xuyên sông Potomac, và đây cũng có thể là mục tiêu của bọn khủng bố. Tôi quyết định phải ra khỏi nơi này. Tôi nghĩ, ít ra mình có thể tự chủ trên đôi chân của mình. Khi xe điện đến Foggy Bottom, trạm cuối ở DC trước khi vô đường hầm vào Virginia, tôi len qua đám đông bước ra khỏi toa xe điện. Người đàn bà khóc lúc nãy hỏi vọng theo, “Is this your stop?” Tôi không biết giải thích sao, chỉ trả lời “I have to get off here. Good luck to you!”

Ra khỏi đường hầm xe điện, tôi thấy mọi người hoảng hốt không kém. Ai nấy vừa đi vừa chạy, tay liên tục bấm cell phone, mắt cứ nhìn lên bầu trời như lo sợ tai hoạ sắp sửa giáng lên đầu. Tôi sực nhớ ra là mình chưa liên lạc về nhà, bèn lấy cell phone ra gọi, nhưng cú phone không qua được vì có quá nhiều người gọi cùng một lúc.

Chẳng bao lâu, tôi đi đến Key Bridge, một trong những cây cầu nối VA và DC. Từ trên cầu, nhìn về hướng đông, tôi thấy một cột khói đen bốc cao. Đó là tác phẩm của khủng bố vào Ngũ Giác Đài. Tôi đứng lặng người nhìn cột khói. Đầu óc trống rỗng. Tim nhói đau. Đứng cạnh tôi là một sinh viên của đại học George Washington. Sau đó, tôi cùng anh ta băng qua cầu. Biết tôi dự định đi bộ về trạm East Falls Church, cách đó khoảng 8 miles, anh ta cho biết apartment của anh ở gần đó, và gợi ý cho tôi dùng phone liên lạc về nhà, cũng như cho mượn xe đạp. Tôi chỉ xin được dùng phone để gọi cho vợ và ba má tôi để ở nhà yên tâm. Tấm lòng tử tế của người thanh niên đó, tôi sẽ nhớ mãi.

Sau khi gọi điện về nhà, tôi bắt đầu bước. Thật ra, vợ tôi muốn đi đón tôi, nhưng tôi cản, cũng như tôi có thể tìm phương tiện di chuyển khác; nhưng lúc đó, tôi chỉ muốn đi bộ một mình. Đi để lấy lại bình tĩnh, để giải toả những bức xúc trong tâm, để làm lắng đi những kinh động vừa trải qua, cũng như để thẩm thấu được nỗi đau của những nạn nhân vô tội của hận thù...
(M&M - Virginia)

2.
Sáng ngày 9/11/2001, tới sở, rót ly cà phê, ngồi xuống bàn làm việc, mở web browser, check stock prices.

Ủa hôm nay sao Internet chập chờn vậy kìa? Cả mấy phút rồi mà cái browser vẫn ‘loading’.
Hmm, mấy tay IT quỷ quái làm biếng sao chưa chịu “troubleshoot network connectivity.” Quay qua check email. Email vẫn ok. Delete một đống email không quan trọng, accept vài meeting invitations, rồi thì tôi bắt gặp cái email flagged ‘urgent’ của Finance Department, đại khái là, “Terrorist attacks in New York. Effective immediately all travels are suspended until further notice.”

Hmm, hình ảnh Federal Buiding ở Oklahoma City với Timothy McVeigh mấy năm trước đó ‘flashes back’ trong đầu. Chắc thằng cha nào khùng khùng kiểu McVeigh nữa đây rồi.

Nửa tiếng sau, tôi bước ra khỏi bàn làm việc, ghé lại breakroom lấy ly cà phê thứ hai. Hai bên hành lang vẫn yên lặng. Mọi người vẫn dán mắt vào màn hình computer, tiếng gõ keyboards vẫn nghe lách cách. Một ngày như mọi ngày.

Tới breakroom thì gặp mấy gã Product Marketing đang í ố rù rì. Mình hỏi, “No travel for you guys, huh? What’s up in New York?” Tới lúc đó mình mới vỡ lẽ là chuyện rất nghiêm trọng không phải chỉ ở New York mà còn vài chỗ nữa và đã xảy ra cả mấy tiếng đồng hồ rồi.

Hmm, Internet is down, có đọc được news gì đâu? Mãi đến giờ mới biết là hai chiếc phi cơ lủi vào World Trade Center và vài nơi khác, mình không rõ ông anh mình có travel bữa đó không, còn mấy đứa bạn thì sao. Gọi điện thoại ông anh, bắt gặp ổng ở đầu bên kia. Yên lòng. Gọi vài đứa bạn, không đứa nào trả lời. Không biết tụi nói có đi trip qua miền Đông không. Để đó chiều về hẳn hay.

Chiều tối lái xe về nhà. Đường vẫn đông nghịt. Trao đổi với vợ vài câu chuyện lúc ban ngày đã nói với nhau, rồi hai đứa quay qua dán mắt vào TV. Bây giờ mình mới rõ là chuyện quan trọng như thế nào vừa xảy ra lúc sáng. Tụi terrorists lần này scored a big deal rồi. Trầm ngâm.
(Trùm Sò – San Jose)


Vân Nguyễn - Arizona, “Hôm nay là ngày giỗ của biết bao nhiêu người, xin được thắp nén hương lòng xin chia buồn với những gia đình có người thân bị nạn trong cái ngày đau buồn đó.” (Hình: Mike Segar-Pool/Getty Images)

3.
Ngày 9 tháng 11 năm 2001 rơi vào ngày Thứ Ba.
Lùi lại một chút vào ngày Thứ Sáu tuần trước đó, có một sự kiện đáng nhớ.

Hôm đó vào giờ ăn trưa, một đồng nghiệp Mỹ khoe với mọi người là chị của anh sắp kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Cô này làm đám cưới với một sĩ quan cứu hỏa. Hai người đã chọn ngày September 11 tại vì có thể đọc thành 9-1-1. Lúc đó ai cũng trầm trồ khen hai người này chọn ngày cưới thật đặc biệt và có ý nghĩa.
Trở lại vào ngày Thứ Ba, 11 Tháng Chín năm 2001, tôi có ngày nghỉ ở nhà, tự thưởng cho mình cái thú nằm nướng trên giường không phải dậy sớm đi làm.
Với tay vặn radio nghe đài FM, tôi chợt nghe có breaking news: hai chiếc máy bay đâm vào World Trade Center ở New York.
 
Lúc đó chỉ nghĩ là tai nạn hàng không. Nhưng tôi vẫn ngồi dậy, chạy ra phòng khách bật TV lên thì thấy hai tòa nhà khói bay lên. Thỉnh thoảng người ta chiếu lại cảnh chiếc máy bay thứ hai cố ý đâm vào toà nhà. Sau đó nhìn thấy 2 toà nhà từ từ sụm xuống. Nghe cô phóng viên nói có một chiếc khác đâm xuống Bộ Quốc Phòng làm sụp một góc nhưng TV không có chiếu cho thấy hình ảnh đó.
 
Sau đó tiếng cô phóng viên lại nói là có một chiếc nữa đã mất liên lạc không biết ý định đâm xuống chỗ nào, về sau nói là rơi xuống Pennsylvania.
Xen lẫn những sự việc này là TV chiếu những cảnh bụi khói mịt mù, cảnh sát cứu hỏa cố gắng làm việc.
Suốt ngày hôm đó tôi cứ ngồi xem TV, mặc dù TV cũng chỉ lặp đi lặp lại những sự kiện đó thôi.
 
Tôi chạy lại computer mở e-mail thì thấy bạn bè gởi thơ hỏi thăm nhau nhất, là những bạn bè bên ngoài nước Mỹ rất lo lắng. Chợt nhớ ra cô bạn ở NYC, tôi cố gắng liên lạc mà không được mãi đến gần 7 giờ tối Calif. mới nói chuyện được với nó.

Hôm sau tôi trở lại làm việc, mọi người vẫn còn nói về chuyện này, trông người nào cũng lo lắng và bất an.
(Sò Sò – Orange County)

4.
Vậy mà cũng đã hơn chục năm rồi từ ngày xảy ra vụ 9/11.

Lúc đó tôi làm ở Long Island, New York cách nơi World Trade Center (Twin Towers) khoảng 30 miles. Nhưng trên đường đi làm hàng ngày tôi thường nhìn thấy New York landmark từ những cây cầu nối liền New Jersey/New York .

Sáng Thứ Ba ngày 9/11/2001, tôi đi làm cũng như mọi ngày. Vào tới hãng đang tán dóc với đồng nghiệp thì có người báo có một chiếc máy bay đâm vô một trong hai tòa nhà của WTC.

Sau đó nghe thêm một chiếc nữa, nhưng tụi tôi tưởng chỉ có một chiếc mà nhiều người tường thuật khác nhau. Cả đám chạy lên nóc building dòm về phía Manhattan quan sát, nhưng có thấy gì đâu.
Rồi thì nghe thông báo cho mọi người về, và khuyên nên “car pooling” vì ngoài đường đã bắt đầu kẹt xe. Lúc đó muốn gọi điện thoại cũng không được. Thấy mọi người hớt hãi, hoang mang và giúp đỡ lẫn nhau để tìm đường về với gia đình, mới thấy mọi người đối với nhau đầy tình người.

Từ building chỗ làm đã thấy highway kẹt cứng xe. Bàn tán vài phút, tôi quyết định bỏ xe lại ở hãng và đi xe chung với một đồng nghiệp. Đứa lái, đứa chỉ đường thì may ra mới rời khỏi nơi Long Island.

Muốn trở về New Jersey thì tụi tôi phải chạy ngược về hướng thành phố Queens và Bronx. Nhiều lúc phải tìm đường local chạy để tránh kẹt xe. Có một đoạn đường tụi tôi chạy dọc theo highway thì thấy NYC skyline xa xa bên bờ sông. Hai đứa mở radio nghe theo dõi trong suốt đoạn đường. Lâu lâu lại nghe tường thuật chuyện đang xảy ra ở Pentagon, rồi ở Pennsylvenia. Tới lúc nghe một tòa nhà sập, rồi cái thứ hai sập thì cường độ panic của mọi người trên highway lúc bấy giờ rất là hỗn loạn.

Những cây cầu nối liền đảo NYC và đất liền New Jersey bắt đầu chặn và đóng lại vì sợ kẹt xe trên cầu dài lỡ có chuyện gì thiệt mạng còn nhiều hơn. Từng cây cầu bị đóng, thành ra tụi tôi cứ trực chỉ hướng North chạy cho tới gần tiểu bang Connecticut thì có highway về lại New Jersey.

Khi hai toà nhà sập, tụi này không nghe gì vì cách một con sông lớn, nhưng chúng tôi nhìn thấy sự hình thành của bụi khói quyện thành một màu xám bao phủ bốc lên từ một góc của thành phố. Bụi khói cứ theo chiều gió mà lang ra.

Sau khi xảy ra chuyện 9/11, thì cuộc sống sinh hoạt ở New York không còn như xưa. Sự di chuyển vào thành phố New York có phần khắc khe hơn. Đường commute đi làm của tôi càng thêm khó khăn nên tôi phải tìm một việc làm khác để không phải bị ngồi kẹt cứng ở highway nhiều khi không biết chừng nào mới về tới nhà.

Đã hơn 10 năm, tôi vẫn có dịp về New York nhưng chưa bao giờ đi coi nơi công trường xây cất Freedoom Tower thay thế The Twin Towers. Tôi muốn giữ trong tôi hình ảnh đẹp của New York thuở nào với hai tòa tháp cao ngất biểu tượng của một nền kinh tế Mỹ giàu mạnh.
(Tâm La – California)

Ngọc Lan (tổng hợp)