Putin tiếp tục truyền thống
những Sa hoàng cường mạnh
Lời người dịch: Vladimir Fedorovski là một nhà cựu ngoại giao Liên Xô.
Trong những năm 70, ông phụ tá Brejnev trong những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh
đạo Ả Rập. Từ năm 1985 đến 1990 ông được cử làm cố vấn về ngoại giao cho
Gorbatchev trong thời gian perestroika và glasnost. Năm 1990, bất đồng với
chính sách tiền hậu bất nhất của Gorbatchev, ông bỏ ngoại giao, làm phát ngôn
viên cho "Phong trào Cải tổ Dân chủ", chống lại cuộc đảo chính Cộng
sản năm 1991. Năm 1995 ông lấy quốc tịch Pháp và trở thành một nhà văn viết
tiếng Pháp. Những sách viết bằng tiếng Pháp của ông (như những cuốn
"Truyện điện Kremlin", "Truyện Saint-Petersbourg", trở
thành những best-seller và được dịch, xuất bản trong 28 nước. Nhân dịp Putin
được nhiều người nói tới về vụ Ukraina, tôi xin trích dịch đoạn nói về Putin
trong cuốn "Le Roman des Tsars" (Truyện những Sa hoàng) mới được xuất
bản năm 2013. và thêm vào một vài đoạn cũng của Fédorovski viết về Putin trong
tạp chí Le Figaro khi giới thiệu cuốn sách. Trong cuốn này, Fedorovski giải mã
những bí mật của các vị vua chúa nước Nga thần thánh, bắt đầu từ Ivan người
Khủng khiếp (Ivan le Terrible) đến Pie Đại đế, Catơrin đệ Nhị, Nicola đệ Nhị và
người cuối cùng là Putin, được ông coi là một Sa hoàng mới, người muốn làm sống
lại nước Nga hùng cường. Fedorovski phân tích và chứng minh những động lực bí
ẩn của vị chủ nhân điện Cẩm Linh để đi đến kết luận là với vị Sa hoàng mới này,
nhiều bất ngờ đang chờ đợi người Tây phương. Nếu trước những năm 2000, Putin
còn có mục đích làm sao cho nước Nga lấy lại được chỗ của mình trên bàn cờ quốc
tế bằng cách đổi dầu khí lấy kỹ thuật Tây phương, thì, những năm gần đây, Putin
trở nên cứng rắn hơn khi suy luận là: "Chúng ta đã cố gắng nghĩ đến lợi
lộc Tây phương trong sự đổi chác, nhưng chúng ta đã không được trả lại bằng một
trân trọng nào và, đặc biệt là, hệ thống khiên chống tên lửa nhằm chúng ta vẫn
được bảo tồn. Vì vậy chúng ta nên coi sự hợp tác chiến lược với Tây phương là
hoàn toàn vô tích sự."
Một truyền thống lâu dài của những Sa hoàng
mạnh
Vladimir Putin để lại cho tôi hình ảnh một người có rất
nhiều bộ mặt được giấu sau những mặt nạ của các vua chúa Nga trong truyền thống
bizantin.
Cái nhìn của Putin, khi thì lơ là khi thì rất mãnh liệt,
cặp lông mày cau lại và cập môi mấp máy một cách thiếu kiên nhẫn, chứng tỏ một
sự quyết tâm sắt đá, nhưng cũng là một con người lượn lẹo, trơn tuột khó mà nắm
bắt được. Putin rõ ràng đã học được cách đóng những vai trò khác nhau và cho ta
thấy hình ảnh một con ngưởi rất giỏi trong nghệ thuật đánh lạc hướng mọi người.
Đó là cảm tưởng của tôi khi gặp riêng ông ta lần đầu
tiên, khoảng đầu những năm 1990 ở Saint-Petersbourg.
Putin không bao giờ biểu lộ cá tính của mình. Giống như
Sa hoàng Nicolas II ngày trước, ông ta muốn những người tiếp xúc với ông, thấy
ông cũng như họ: một cái gương mà mỗi người nhìn trong gương đều thấy bóng
mình. Nhiều khi ông không ngần ngại lấy lại điệu bộ, những thói tật, những kiểu
cách nói của họ - một kỹ thuật thường được các điệp viên sử dụng, khiến ông ta
có thể tự đặt mình trong khuôn nào cũng được.
Hiện tại, vị chủ nhân điện Cẩm Linh nắm toàn thể mọi bộ
mặt chính trị, vun trồng một cách dễ dàng nghệ thuật đi nước đôi, cáng đáng
cùng mộr lúc, không thành vấn đề, cả quá khứ Liên Xô lẫn lịch sử của đế quốc Sa
hoàng; ông vừa là người quốc gia vừa là người quốc tế, vừa là người tiến bộ,
vừa là người bảo thủ quá khứ, vừa là người theo kinh tế nhà nước đồng thời cũng
theo kinh tế phóng khoáng. Để biện bạch đường lối nhập nhằng của mình, Putin
đưa ra lập luận là dưới sự dẫn đạo của mình, nước Nga đã trở thành một nước
"giầu có và được kính nể".
Trong bối cảnh châu Âu suy nhược, Putin không thấy có một
đối tác nào chắc chắn hơn là Đức, đồng thời Putin cũng thấy tốt hơn là nên cùng
Trung Quốc xây dựng một thế giới khác. Để đạt được mục đích đó, Putin thấy nên
lợi dụng lại những đồng minh cũ của Liên Xô hay, ít nhất là, chơi lại lá bài
một vài nước Hồi giáo, một phần cũng để ngăn những nước này có những đường lối
chính trị chống Nga quá triệt để. Nhưng đó cũng lại chính là những tham số có
thể đưa tới hai cái sai lầm: Con đường chính trị mới này sẽ làm Nga và Tây
phương xa cách nhau thêm, nhất là từ trước tới nay Tây phương vẫn chả bao giờ
coi Nga là đồng minh cả. Tây phương sẽ vẫn tiếp tục đánh giá thấp mối hiểm nguy
đến từ sự tan vỡ lớn lao có tính cách lịch sử giữa 2 phái Hồi giáo Shiít và
Sunít đang thành hình trong thế giới Hồi giáo. Đó cũng là một định đề được vị
chủ nhân điện Cẩm Linh đặt ra trên nền tảng của kinh nghiệm 13 năm nắm quyền
hành tuyệt đối, trên cá tính của mình, trên con đường sự nghiệp của mình, trên
sự suy nghĩ về lịch sử của mình. Sự suy nghĩ này được Putin coi là cốt lõi của
mọi hành động chính trị tiếp diễn.
Ai chính thật là Putin?
Tất cả đều bắt đầu như trong một truyện thần tiên. Thủa
ấy, có một cậu bé tên là Vladimir, sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 ở Leningrad,
con một người thợ gương mẫu, cháu một người làm bếp cho Lênin. Ngay từ khi còn
là học trò, cái mong ước của cậu bé Putin là được trở thành gián điệp của điện
Kremlin. Ngay khi học xong trung học, Putin đã muốn được nhận vào KGB. Người ta
khuyên Putin nên ghi tên vào trường Luật trước đă. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp
Đại học, người thanh niên này, với thân hình bé nhỏ nhưng ham tập luyện thể
thao, được cơ quan mật vụ tuyển vì là một trong những sinh viên xuất sắc nhất.
Cho tới bây giờ, Putin vẫn cho những điệp viên KGB là
thành phần tinh hoa, biết bảo vệ quyền lợi tối cao của đất nước. Những
"người giữ đền" của nước Nga muôn thuở này, vẫn duy trì những phương
pháp đào tạo của mình. Những trường đặc biệt của các cơ quan mật vụ Nga vẫn dạy
cho sinh viên làm sao luôn luôn giữ được bình tĩnh, làm sao quán thông được
nghệ thuật che giấu, nghệ thuật dàn cảnh đồng thời cũng biết nói 2, thậm chí 3,
giọng điệu khác nhau. Những điệp viên có văn hóa chính trị riêng, có tiếng lóng
riêng, và ngay cách pha trò cũng được mã hóa để chỉ cười với nhau. Đó là cả một
cấu trúc tinh thần, cả một trạng thái tâm lí đã bị khắc sâu dấu ấn của một nền
văn hóa mật vụ, trong đó, cái gọi là dân chủ không bao giờ được kể đến. Một
điệp viên đã nói rõ ràng: "Đối với chúng tôi, không nơi nào trên trái đất
có dân chủ. Chỗ nào cũng chỉ là trò giật dây. Chỉ có giật nhiều hay giật
ít.."
Những người cùng học với Putin kể lại là Putin, khi nói
về lịch sử nước Nga thường hay kể tên Ivan người Khủng khiếp (Ivan le Terrible)
hay Pierre Đại đế và cho những nhân vật này là tượng trưng của vĩ đại và ý chí.
Theo Putin, những Sa hoàng này, kể cả KGB và quân đội, là những di sản vinh
quang của nước Nga vĩ đại.
Bởi vậy không lạ gì mười lăm năm sau, năm 1991, cùng với
thượng cấp của Putin khi đó là Anatoli Sobtchak, thị trưởng Leningrad, thuộc
phái Canh tân, Putin tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Leningrad lấy lại tên
lịch sử của mình là Saint-Pétersbourg. Cuộc trưng cầu dân ý này được hiểu như
là một sự phủ nhận chế độ cộng sản và như là một bước đi về phía Âu châu, một
bước mang dấu vết của sự nhớ lại quá khứ của đế quốc Sa hoàng.
Saint-Pétersbourg, cái nôi của cách mạng Bolchevic, cũng là chỗ nó bị sụp
đổ." Đó là thời kỳ mà Putin biểu lộ một cách công khai sự tha thiết của
mình đối với quá khứ Sa hoàng ". Anatoli Sobtchak nói với tôi như vậy.
Người chủ nhân tương lai của điện Cẩm Linh rất thích vị Sa hoàng có óc canh tân
là Alexandre II và nhất là vị thủ tướng của Nicola II, Piort Stolypine, người
đề xướng chính sách "thay đổi trong trật tự". Putin lấy câu này làm
phương châm của mình và câu này cũng là công thức gối đầu giường của ông trùm
KGB nổi tiếng, Iouri Andropov, một trong những ông thày tư tưởng của Putin. Khi
Putin lên làm tổng thống Liên bang Nga đầu năm 2000, Putin áp dụng công thức
này và tỏ ra cứng rắn hơn Boris Eltsin, người mình kế vị: Trở thành một Sa
hoàng mới, Putin không nhượng bộ bọn "quí tộc mới", bỏ tù những tay
đầu xỏ như Mikhail Khodorkovski, chủ tịch hãng Ioukos, người giầu nhất nước
Nga, hay đuổi ra khỏi nước.
Thông điệp của Putin rất rõ ràng: "Các ông làm theo
ý của điện Cẩm Linh thì người ta sẽ quên cách các ông làm giầu ra làm sao trong
thời gian lộn xộn, còn nếu các ông vẫn muốn chõ mũi vào chính trị để làm lợi
cho các ông, thì các ông sẽ tự đầy ải mình vào những cái phiền toái tệ hại
nhất...".
Một khi tất cả mọi cơ cấu quốc gia đều bị Putin tập trung
trong tay mình và bị kiểm sát bởi những cơ quan mật vụ, thì có thể nói một chế
độ độc tài đã được tái lập ở nước Nga.
Một sa hoàng mới có thể cầm đầu nước Nga
được không?
"Dân tộc Nga có truyền thống rất lâu dài được trị vì
bởi những vị Sa hoàng cường mạnh", Tổng thống Putin tuyên bố như vậy. 2013
lại đúng là năm kỷ niệm 400 năm triều đại Romanov, Putin chơi một cách tinh vi
lá bài đế quốc Nga như là tượng trưng của nước Nga trật tự và vĩ đại - Putin
cũng đưa ra những quy chiếu khác. Không phải là hệ tư tưởng cộng sản của Lênin
mà là Staline, người đã tiếp tục công nghiệp của đế quốc Nga trường cửu. Putin
muốn chôn cái xác ướp của Lênin. Muốn nó biến đi trong một cái mộ cùng với
những tội ác của chế độ Sô Viết. Putin, không những muốn vinh phong các Sa
hoàng mà còn muốn vinh phong cả Staline - như trong lễ kỷ niệm 70 năm trận đánh
Stalingrad - coi Stalin như một sa hoàng đỏ, người đã chiến thắng Quốc Xã Đức,
xứng đáng là thừa kế của Sa hoàng Ivan, Người khủng khiếp.
Putin trong thâm tâm muốn là người tiếp tục sự nghiệp của
triều đại Romanov. Lấy đế quốc Sa hoàng làm mẫu mực, Putin, với óc độc đoán vẫn
còn hận Tây phương và đổ lỗi cho Tây phương đã làm đế quốc Liên xô sụp đổ. Vì
vậy mà mọi mô hình dân chủ đến từ phương Tây - bắt đầu bằng tự do phát biểu,
minh bạch trong áp phe... đều bị đập tan.
Putin và chân tay dưới quyền suy nghĩ một cách máy móc -
như dưới triều đại Romanov - là "chỗ nào cũng có kẻ thù và nước Nga là một
thành trì bị bao vây tứ phía". Tố cáo "âm mưu của Mỹ", tố cáo
những hành vi và những mưu toan của các tay đầu xỏ và của những gián điệp Tây
phương, được
cho là cách hay nhất để tập hợp dân chúng sau những khẩu hiệu của điện Cẩm Linh.
Nắm trong tay mọi kho tàng của đế quốc Nga, bè phái Putin
gần như lấy lại truyền thống toàn trị thời Nga hoàng. Hoàn toàn trong sự mờ ám,
phe cánh Putin nắm hết mọi ngành: Từ dầu hỏa, khí đốt đến kỹ nghệ làm vũ khí,
viễn thông, những mỏ vàng bạc, những kênh truyền hình, Ngân hàng Trung ương,
cho tới Quốc hội, quân đội, mật vụ, công an và các vùng miền trong đất nước.
Chính ngay Metvêđep, trong cương vị Tổng thống từ năm 2008 đến năm 2012, cũng
chả bao giờ thật sự có được chút tự chủ.
Hệ thống quyền hành do Putin đặt ra là theo hàng dọc từ
trên xuống dưới gồm sự liên kết của ba phần: Điện Cẩm Linh, giới cựu điệp viên
KGB và Giáo hội Chính thống. Quyền lợi cùa bộ ba này xen lẫn nhau đến độ có thể
nói, đa số những kẻ chơi lá bài poke gian lận này đều cùng một bọn với nhau.
Những ai chống lại đều bị vbỏ ra ngoài lề, nhân danh quyền lợi tối cao của đất
nước.
Lẽ ra sự sụp đổ của chế độ cộng sản phải đem đến tự do,
thì chúng ta lại chứng kiến sự toàn thắng của các phương pháp truyền thống được
các triều đình Sa hoàng sử dụng: Đầu độc tư tưởng. Lạm dụng luật pháp gán ghép
chuyện này với chuyện kia để kết tội. Làm săng - ta đe dọa tố cáo, phát giác.
Sử dụng số tiền khổng lồ đến từ dầu khí để thực hiện những âm mưu trong bóng
tối kiểu byzantin, ám sát, thủ tiêu.
Sự khôn khéo tột bực của Putin là lấy hình ảnh đế quốc
Nga làm tượng trưng để đẩy lui hàng chục năm ngày tới của Dân chủ. Putin biết
trở về nguồn (quốc gia-chủng tộc) ở từng sâu nhất trong tâm hồn mỗi người Xlavơ
để áp đặt quyền hành của mình. Cũng như những người phiêu lưu khoa học muốn làm
sống lại những con đi-nô-zo bằng cấy lại DNA, dự kiến của Putin là tái lập lại
đế quốc Nga. Putin luôn luôn bị ám ảnh bởi công trình to lớn này và muốn thực
hiện nó theo phương pháp của mình: đi từng chặng một, không có những chuyển
động bất thần.
Người ta còn nhớ câu châm ngôn của Putin: "Những ai
không nhớ Liên Xô là những kẻ không tim, nhưng những ai còn luyến tiếc Liên Xô
là những người không có trí thông minh". Khi người ta hỏi có những quyết
định ngày trước, bây giờ nếu có thể sửa lại, Putin có sửa không, Putin trả lời:
"Không... Nói thật, khi tôi nhìn lại quá khứ, tôi thấy tổng kết những
quyết định từ trước tới nay của tôi đã cho phép tôi còn giữ được quyền
hành".
Putin trong ý nghĩ còn trù tính phải tiếp tục cầm quyền
10 năm nữa mới có thể chế ngự được những thách đố khổng lồ để tái lập lại những
cơ cấu nhà nước bị phá hủy trong thời gian lộn xộn hậu cộng sản. Người ta thấy
ở đây cây cầu lịch sử được vị Tổng thống Liên bang Nga lập ra khi tự coi mình
là hóa thân của vị vua đầu tiên của triều đại Romanov, Misen đệ Nhất, cháu của
Nữ Sa hoàng Anastasia và con của Fedor, được rước về làm Sa hoàng từ tu viện
Ipatiev năm 1613, trong lúc còn đầy những cuộc phân tranh. Triều đại Romanov
này kéo dài đến tận Cách mạng 1917. Đó cũng là định mệnh của Putin được Chúa
lựa chọn để cứu tổ quốc của Putin sau thời kỳ hậu cộng sản - Ảo ảnh, hay là
chiến thuật bí mật của ông chủ điện Cẩm Linh hiện thời...
Liên minh giữa ngai vàng và bệ thờ
Một sự giống nhau nữa giữa Tổng thống Putin và các vị Sa
hoàng là sự trọng vọng Ki Tô giáo. Là người Ki Tô hữu theo chủ nghĩa Sa hoàng,
Putin coi việc công cộng không phải đặt trên nền tảng một sự đối đầu giữa (các
đảng) đa số và đối lập, mà là trên ý tưởng đồng tâm và cùng chung một chính
nghĩa. Putin coi đời sống dân chủ ở Tây phương chỉ là một trò chơi: "người
ta chơi trò dân chủ chỉ cốt để làm vui khán giả." Putin cho giới đầu sỏ
kinh tài Âu - Mỹ còn mạnh thế hơn giới đầu xỏ ở Nga nhiều: khi mà điện Cẩm Linh
cố bịp miệng giới đầu xỏ này thì các nước Tây phương mỗi ngày một thêm phụ
thuộc sức mạnh của đồng tiền.. Cũng như khi đưa ra đường lối chính trị ở Siri,
Putin tự đặt mình trong diễn luận của các vị Sa hoàng là phải hỗ trợ những
người ki Tô giáo Phương Đông đang bị Tây phương vì lợi lộc bỏ rơi khi hỗ trợ
một cách mù quáng những nhóm quá khích Hồi giáo.
Thực chất của quyền hành? Tổng thống Putine tạo lại cho dân tộc Nga một căn cước mới dựa trên những dấu vết của một dân tộc đã xây dựng 2 đế quốc - Sa hoàng và Sô Viết - Dân tộc này đã từng bị pha loãng trong căn cước Sô Viết, nhưng lấy lại được sức lực trong chữ "Trung" đối với Nhà nước - Một khái niệm xuất phát từ giữa thế kỷ thứ XIX với một quyền hành trung ương, một cơ chế hữu hiệu trong sự truyền ngôi, và sự hiện diện của một lãnh đạo quyền uy. Khái niệm này cộng với ảnh hưởng của đạo Chính thống đã trở thành hệ tư tưởng đầu tiên cho nước Nga hậu Sô Viết. Như vậy đã được kiến tạo một trục quyền hành giữa điện Cẩm Linh của Putin và Giáo hội Chính thống Nga giống như dưới thời nhũng Sa hoàng Romanov đầu tiên, vị Giáo trưởng cũng là hoa tiêu phụ.
Thực chất của quyền hành? Tổng thống Putine tạo lại cho dân tộc Nga một căn cước mới dựa trên những dấu vết của một dân tộc đã xây dựng 2 đế quốc - Sa hoàng và Sô Viết - Dân tộc này đã từng bị pha loãng trong căn cước Sô Viết, nhưng lấy lại được sức lực trong chữ "Trung" đối với Nhà nước - Một khái niệm xuất phát từ giữa thế kỷ thứ XIX với một quyền hành trung ương, một cơ chế hữu hiệu trong sự truyền ngôi, và sự hiện diện của một lãnh đạo quyền uy. Khái niệm này cộng với ảnh hưởng của đạo Chính thống đã trở thành hệ tư tưởng đầu tiên cho nước Nga hậu Sô Viết. Như vậy đã được kiến tạo một trục quyền hành giữa điện Cẩm Linh của Putin và Giáo hội Chính thống Nga giống như dưới thời nhũng Sa hoàng Romanov đầu tiên, vị Giáo trưởng cũng là hoa tiêu phụ.
Giống Putin, Giáo trưởng Kyrill cũng sinh trưởng ở
Leningrad và cững từ thiên hà KGB ra. "Không một thày tu nào muốn trở
thành giám mục mà không từ KGB mà ra", cựu đại biểu Quốc hội Gleb
Yakounine chẩn đoán như vậy. Ông này là một thày tu hoàn tục đã đọc được tài
liệu lưu trữ của KGB khi Liên Xô sụp đổ. Dưới tên mã hóa "Mikhailov",
Kyrill đã bắt đầu hoạt động cho KGB từ đầu những năm 1970 trước khi được cử làm
đại diện Giáo trưởng tại Genevơ. Ông này rất thích phong cảnh Thụy Sĩ và xe hơi
loại chiến cho tới một bữa, chạy quá mau trên một con đường núi, xe BMW của ông
bị đụng vào sườn núi. Cùng trong xe có một đại tá KGB và người con trai của ông
này. Người này bị gẫy xương bả vai. Kyrill vội vã trở về nước và con đường sự
nghiệp được lên nhanh như diều. Được lên hàng Tổng giám mục năm 1991, được bầu
làm Giáo trưởng ngày 17-1-2009 thay thế Giáo trưởng Alexis II và được tôn phong
làm Giáo trưởng Mốt Cu và toàn thể nước Nga ngày 1 tháng Hai 2009.
Hiện bây giờ không thể chối cãi, Kyrill là
một diễn viên chính trị có uy tín lớn lôi kéo được nhiều người và là một quân
bài chủ của Putin: "Đừng nghe những kẻ khích động, hãy trở về nhà và cầu
nguyện... Quyền con người chỉ là một cớ được bịa ra để nhục mạ những giá trị
quốc gia", giáo trưởng Kyrill tuyên bố như vậy trên đài truyền hình trước
ngày có những cuộc biểu tình chống gian lận trong cuộc bầu Quốc hội tháng Hai
năm 2012. Sau hết, sự liên minh giữa ngai vàng và bệ thờ, giáo trưởng thứ 16
của Mốt Cu và toàn thể nước Nga đã nói một câu đầy nghĩa tượng trưng một cuộc họp
mặt với Putin: "Chức vụ tổng thống của ông là một phép lạ của
Chúa"... Cách đây 4 thế kỷ, sau cuộc bầu vị Sa hoàng thứ nhất của triều
đại Romanov, Giáo hội Chính thống Nga cũng tuyên bố như vậy... Năm 1991 người
ta đã nghĩ là "lịch sử đã chấm dứt", theo câu nói của Hegel được
Fukuyama lấy lại. Nhưng với nước Nga, lịch sử các Sa hoàng sẽ không bao giờ
chấm dứt. Đó là điều mà mọi người khách nước ngoài đều phải ngẫm nghĩ trước khi
đi đến Mốt Cu