Nhóm Xuân Thu Nhã Tập
và câu hỏi ‘Thơ Là Gì?’
Mục Văn Học Nghệ Thuật đã nhiều lần đăng thơ, đôi lần viết về các thi sĩ, có khi khen bài thơ này hay, câu thơ kia xuất sắc, nhưng chưa bao giờ giải nghĩa thơ là gì.
Hẳn nhiên người viết có ý riêng của mình rằng thơ là thế này, thơ là thế kia, song không nói ra, vừa hay mục này trong hai tuần qua lại đăng mấy bài thơ của hai tác giả không phải là thi sĩ chuyên nghiệp, dù nhà văn Văn Quang hay học giả Thạch Trung Giả từng cầm bút suốt đời. Cho nên cũng có người lên tiếng, đại khái, Ồ, thơ của hai ông ấy hay đấy chứ. Ðâu phải cứ thi sĩ mới làm được thơ hay. Mà cứ gì thi sĩ mới làm thơ hay. Nhưng thơ là gì đã?(Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (sinh 1920-?) trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập (1939-?) đồng tác giả của bài Thơ Là Gì. Ảnh trong Từ Ðiển Văn Học Việt Nam, Thế Giới xuất bản, Hà Nội 2000).
Người viết sẽ không tự mình trả lời câu hỏi ấy. Thứ nhất thơ có nhiều loại, nhiều hạng, nhiều thể cách, mà mỗi loại mỗi hạng mỗi thể cách lại hay khác nhau, có sở trường sở đoản khác nhau, vì thế có nhiều thi đoàn khác nhau, một câu trả lời không thể nào bao gồm cho hết các thứ. Thời Cao Bá Quát có Thi đàn Nghệ An, nếu Cao Bá Quát viết đúng: “Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An.” Thời Tản Ðà thơ bỏ vào trong túi đeo lên vai được, như trong câu thơ “Túi thơ đeo khắp ba kỳ,” vì tả như thế thì người đọc nghĩ thơ ấy có lẽ bỏ trong cái chai, cái hũ rồi bỏ vào trong cái túi đeo lên vai được, chứ thơ ấy không bỏ vào trong túi áo được, vì nếu bỏ vào trong túi áo được thì việc gì thi sĩ phải đeo lên vai?
Nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã hiện diện trong văn học sử nước ta, và họ đã cùng ký tên trong một bài viết nhan đề “Thơ Là Gì?”* bởi thế nhờ họ, ta có thể có câu trả lời thơ là cái này, thơ là cái kia, như nhiều người nhiều nhóm từng mệnh danh cho thơ của họ hình thức thế nào, hình thức cổ lỗ hay hình thức tân kỳ, âm điệu ra sao, gần vọng cổ Nam Bình Nam Ai hay gần nhạc Rock, nhạc Jazz, lời lẽ thê thiết nhắc nhở tới điệu Blue hay rộn ràng gợi nhớ tới bài Lambada, v.v...
Nhóm Xuân Thu Nhã Tập thành lập năm 1939, gồm ba bốn nhà thơ, có nhạc sĩ, có họa sĩ, đó là Phạm Văn Hạnh, Ðoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Ðỗ Cung, Nguyễn Lương Ngọc. Ðây là một nhóm nghệ sĩ tinh hoa, nhiều tài năng đặc biệt, dám làm dám nói, mà sau họ khoảng gần nửa thế kỷ, Miền Nam xuất hiện Joseph Huỳnh Văn, có cung cách làm nhớ đến họ.
Người yêu thơ hẳn không quên trong quá khứ từng đọc những câu thơ bao la, bát ngát, những câu Xuân Thu Nhã Tập:
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân xa
Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyện vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa...
Bờ giũ trái xuân xa
Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyện vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa...
(Nguyễn Xuân Sanh, Buồn Xưa)
Sáng nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngày xưa không lạnh nữa Tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh...
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh...
(Ðoàn Phú Tứ, Màu Thời Gian. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã phổ nhạc bài này)
Sau đây mới là vấn đề của bài này: Thơ Là Gì?
“Người ta đã thử và chưa từng giải nghĩa được thơ. Như giai nhân, như đẹp, như trời. Người ta cảm thấy một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo điệu nhịp vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp ta trong cái Ðẹp, và ấp ta nằm trong sự Thật. Man mác của Ðẹp và sâu sắc của Thật. Do trong trẻo gạn nên.
Còn lại “cái gì” mà ta gọi là Thơ.
Một cái không giải thích được, mà không cần giải thích. Nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc. Ðột nhiên ta nhảy đến cửa Trời như nhào vô lòng Mẹ, không xét suy. Bằng con đường thẳng hình ảnh, nhịp điệu, lễ nghi. Âm thanh, màu sắc, mùi giọng được hòa hợp thành những biểu hiệu nhịp nhàng để khêu gợi những rung động siêu việt của bản nhạc vô cùng.
“Có rung động là có thơ. Phải cần và chỉ cần có rung động ấy.
Thơm của hoa, trong của nước, thần của vạn vật, thơ của văn nghệ.”
Thơm của hoa, trong của nước, thần của vạn vật, thơ của văn nghệ.”
(Phạm Văn Hạnh, Ðoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, trong Xuân Thu Nhã Tập, Thơ Là Gì? Tạp chí Thanh Nghị 1942). Viên Linh sao lục, 2014.
Viên Linh