Monday, June 30, 2014

Lifestyles

Lời trăn trối của bác sĩ qua đời vì ung thư

Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng.

Từ nhỏ, bác sĩ Richard Teo luôn đứng đầu trường trong mọi môn học, từ khoa học đến thể thao. Khi vào ngành y, ông chọn giải phẫu thẩm mỹ vì lợi nhuận của nó vượt qua các ngành nghề khác. Ông trở thành một triệu phú chóng vánh.

Tháng 3/2011, bác sĩ Richard Teo được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông qua đời cuối năm 2012. Câu chuyện cảm động và những lời chia sẻ của ông trước khi mất vài ngày đã và đang được thanh niên khắp nơi theo dõi, lan truyền trên các trang mạng xã hội, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Dưới đây là trích đoạn những tâm sự của bác sĩ Richard Teo về tiền tài, danh vọng, hưởng thụ... với sinh viên tại khóa Nha khoa D1 ở Singapore, tháng 11/2011, 8 tháng sau khi bị chẩn đoán ung thư:
"Tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới trung bình. Tôi học được từ mọi người xung quanh và môi trường sống rằng có thành công thì mới hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi luôn ganh đua ngay từ nhỏ.
Không chỉ học ở trường giỏi, tôi cần thành công trong mọi lĩnh vực, từ các hoạt động tập thể đến chạy đua. Tôi cần đoạt được cúp, phải được giải cao nhất. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi đã vào được và đạt học bổng nghiên cứu của ĐH quốc gia Singapore.

    
dr-richard-teo1-9851-1404124250.jpg Trong khi nghiên cứu, tôi có hai bằng phát minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng tất cả thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi học hoàn tất, tôi thấy theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.( Hình phải : Bác sĩ Richard Teo tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ của mình trước khi biết bị ung thư. Ảnh: Richardteo.com.)

Một người có thể không vui vẻ khi trả 20 USD cho một bác sĩ tổng quát nhưng không ngần ngại trả 10.000 USD để hút mỡ bụng, 15.000 USD sửa ngực… Do vậy, thay vì chữa bệnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Bệnh nhân đến rất đông. Tôi mướn một, hai, ba rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thể nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu bành trướng sang thị trường Indonesia để làm phẫu thuật cho những người giàu ở đó. Họ phung phí tiền bạc một cách dễ dàng. Làm tiền ở đó quá dễ...

Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Thỉnh thoảng tôi dự đua xe ở Sepang, Malaysia. Tôi mua một chiếc Ferrari 430. Sau khi có xe, tôi mua nhà, khu nghỉ mát. Tôi nghĩ phải hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng và bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.

Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp. Đó là tôi của một năm trước đây. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại mình hay vận động mạnh. Tôi đến Bệnh viện đa khoa Singapore và nhờ bạn học chụp cộng hưởng từ để xem có phải bị trật đốt sống hay không. Rồi tôi thực hiện PET scans và được phát hiện đang ở giai đoạn 4 của ung thư phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3-4 tháng tối đa. Tôi chán nản, tuyệt vọng.

Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có - sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa - tất cả những thứ tôi nghĩ mang hạnh phúc - khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari ngủ. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. 

Để tôi chia sẻ với các em một câu chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng tên là Jennifer. Khi chúng tôi đi bộ, nếu thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm thế, sao phải bẩn tay chỉ vì một con ốc sên? Sự thật là cô ta đã cảm được rằng con ốc có thể bị đạp nát chết nếu nằm đó. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tự nhiên thôi. Đối ngược nhau quá, phải không?

Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm nhưng tôi không có. Là một bác sĩ trực trong bệnh viện chuyên trị ung thư NUH (National University Hospital), tôi từng chứng kiến bao nhiêu người chết. Tôi đã thấy họ đau đớn và chịu sự tàn phá của cơ thể vì cơn đau. Tôi cũng đã chứng kiến bệnh nhân nhấn nút morphine tiêm vào máu từng giờ từng phút vì không chịu nổi sự đau đớn dày vò. Nhiều bệnh nhân phải dùng oxygene để thở hơi thở cuối cùng. Nhưng đó là công việc. Khi xong việc tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà vì nghĩ là đã hoàn tất công việc hằng ngày.

Tôi thực sự không hiểu họ đau đớn như thế nào cho đến khi tôi là bệnh nhân. Nếu được làm lại từ đầu với cương vị một bác sĩ, tôi sẽ đổi khác. Vì tôi đã trải qua cơn đau đớn mà bệnh nhân vấp phải nên tôi rất hiểu họ chịu đựng sự dày vò của đau đớn như thế nào.
Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thử thách các em hai điều.

Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng được. Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.

Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Tôi trở nên mê muội đến nỗi chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.

Nhiều khi chúng ta quên mất mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Trong khi khám bệnh, đôi khi chúng ta khuyên bệnh nhân chữa trị bệnh không hẳn có, không rõ rệt và ngay cả khi không cần thiết.

Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.

Tệ hại hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm vừa qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp, hạ thấp họ xuống để nâng mình lên. Điều đó đang xảy ra trong ngành y và ở mọi nơi. Tôi thử thách các em không để đánh mất lương tâm mình. Tôi trả giá đắt cho bài học này. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy.

Thứ hai là đa số chúng ta khi bắt đầu công việc đều chưa có "cảm giác" đối với bệnh nhân. Cho dù trong bệnh viện hay nhà thương tư cũng có vô số bệnh nhân để chữa trị. Tôi chỉ muốn bệnh nhân rời phòng làm việc của tôi càng sớm càng tốt. Đó là sự thật và trở thành một công việc bình thường hằng ngày.

Tôi đã thực sự hiểu bệnh nhân nghĩ về mình thế nào chăng? Thực ra là không. Nỗi lo sợ và lo âu của bệnh nhân và những thứ khác mà họ đã trải qua. Thực ra tôi cũng không biết đến khi tôi lâm trọng bệnh và đó là một sai lầm to nhất của hệ thống y khoa tân tiến. Chúng ta được huấn luyện để trở thành những chuyên gia y cũng như nha khoa nhưng chúng ta lại không hiểu bệnh nhân cảm nhận chúng ta như thế nào.

Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây. Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bệnh nhân.

Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em. Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ 5. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa. Cảm giác khủng khiếp. Và bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến các bệnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi.

Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bệnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất... Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ.

Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.
Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vậy. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.

Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học...".

Vương Linh
(Theo Bacsinoitru.vn, heavenaddress.com)
@internet

Sunday, June 29, 2014

Ông Khai Trí

Ông Khai Trí: Một Đời Ham Mê Sách


Đôi nét về Ông Khai Trí

KhaiTri-NguyenVanKhon“Ông Khai Trí” tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.(Hình phải Chân dung Ông Khai Trí và nhà soạn tự điển Nguyễn Văn Khôn(áo sơ mi trắng,cà vạt đen)

Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách. Ba hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không? nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sach có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mua trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.

Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Tri đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trong nom một cách kín đáo… Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu…
***
imagesaTháng tám năm 2004, người yêu sách Sài Gòn đã đưa tiễn ông Thanh Tuệ, Giám đốc nhà xuất bản An Tiêm về bên kia thế giới, và kế ngay sau đó lại tiễn biệt ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc Nhà Sách, Nhà Xuất bản Khai Trí qua đời ngày 11 tháng ba 2005 tại Sài Gòn. Đối với một lớp người ở miền Nam trước 1975, những cái tên như An Tiêm hay Khai Trí có một ý nghĩa đặc biệt, nó gợi một cảm giác trong sáng của trí tuệ, cái vui sướng của sinh hoạt tinh thần, văn hóa. Riêng Khai Trí đối với thành phố Sài Gòn qua bao nhiêu năm, như là một pháo đài của chữ nghĩa, suốt một thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa, nhà sách kiêm nhà xuất bản ấy đã phát hành, phổ biến, bày bán không biết cơ man nào là ấn phẩm, đã “khai tâm mở trí” cho biết bao nhiêu tâm hồn và trí óc Việt Nam.

Khai TríRa đời từ năm 1952 tại số 62 đường Lê Lơi Sài Gòn (lúc đó hình như còn tên Bonard ) cho đến tháng tư năm 1975, không biết Khai Trí đã đón tiếp bao nhiêu lớp người bước vào cửa hàng sách to lớn của mình. Nhưng cần phải ghi nhớ rằng từ lâu, trước khi hiệu Khai Trí chính thức mở cửa, chủ nhân của nó, vốn người Biên Hòa, đã làm công việc buôn bán văn hóa phẩm tại một quầy sách trên lề đường Lê Lợi. Và trớ trêu thay, tháng năm 1975, trước khi bị bắt, chính ông chủ ấy lại trải một tấm ny-lông lớn trên lề đường, ngay trước hiệu sách của ông để bán nốt những số báo Thiếu Nhi và một ít sách khác còn lại do nhà Khai Trí xuất bản. Có vẻ như là ông khởi nghiệp và kết thúc sự nghiệp ở ngoài lề đường, còn hiệu sách Khai Trí do ông tạo lập ra và hoạt động suốt hai mươi mấy năm sung sức nhất của đời ông thì thuộc về lịch sử chứ không thuộc về ông nữa.
TOSHIBA Exif JPEG

(Nhà sách Sài Gòn bây giờ trước 1975 là nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi)

Từ giữa thập niên 1950, khu trung tâm thành phố Sài Gòn đã có những nhà sách như Vĩnh Bảo, Tự Lực,cũng nằm trên đường Lê Lợi, nhà sách Lê Phan, đầu đường Trần Hưng Đạo, chỗ bến xe buýt ngó qua, và sang trọng hơn là nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do. Tọa lạc tại khu trung tâm, các nhà sách đó đều thuộc loại tầm cỡ, mỗi nhà có một cách trưng bầy và sắc thái sách vở riêng. Riêng nhà Xuân Thu còn nặng tính cách Tây, là hậu thân của một hiệu sách Albert Portail (lâu quá rồi không biết tên viết thế này có đúng không?) trước kia dành riêng cho giới ông tây bà đầm của thời thuộc địa sau được giáo hội Công giáo mua lại đổi tên Xuân Thu, nhìn ra mặt đường Tự Do, nhưng bọc kính kín mít, mở cửa bước vào nghe không khí mát lạnh, sách ngoại ngữ nhiều, trưng bầy nghệ thuật, giá cả cao, rõ ràng là dành cho giới “quý tộc” , đám học sinh lon con ít khi dám bén mảng tới.

Trong khi đó, Khai Trí được coi như nhà sách lớn và đông khách lai vãng nhất, chiếm hai rồi ba đơn vị nhà phố trên một đại lộ quan trọng nhất của trung tâm Sài Gòn. Nhớ lại miền Nam thuở đó, sách vở cũng phong phú thật, và sức tiêu thụ cũng thật lớn. Nhà Khai Trí phô bày tất cả tiềm năng sáng tác, biên khảo, in ấn, xuất bản và tiêu thụ sản phẩm tinh thần của thành phố thủ đô. Sách được trưng bày theo vùng, tiểu thuyết, biên khảo, giáo khoa …, rồi đến báo và tạp chí, rồi văn phòng phẩm, tất cả sắp xếp rất trật tự. Thời thập niên 50, 60, ảnh hưởng tiếng Pháp còn nhiều, chương trình Pháp vẫn còn dạy tại một số trường, nên sách báo từ Pháp gửi qua, bày bán khá dồi dào, nhớ thường có tờ Paris Match, Cine’ Revue, Cinemonde, và sách tiểu thuyết của những tác giả Pháp, cổ điển lẫn hiện đại, sách giáo khoa, từ tiểu học đến đại học, bằng tiếng Pháp …

Thời xưa, về buổi chiều, và nhất là các ngày cuối tuần, ở Sài Gòn thường có mục “bát phố”. Phố đây là vùng trung tâm, gồm chủ yếu là đường Lê Lợi, từ Chợ Bến Thành đến Nhà Hát Lớn, đoạn đường Tự Do, từ nhà thờ Đức Bà đến khoảng quán cà phê Hoàng Gia, đoạn đường Nguyễn Huệ, từ Tòa Đô Chánh đến Tổng Nha Ngân Khố. Dĩ nhiên, cũng phải kể thêm các “vùng phụ cận” gồm chợ Bến Thành và một đoạn đường Lê Thánh Tôn, dù người đi tại đây có mục đích mua sắm nhiều hơn là “văn nghệ”. Buổi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật (thời đó, cuối tuần công sở nghỉ từ chiều thứ bảy ), khu trung tâm Sài Gòn đông như một ngày hội. Công chức, tư chức, thanh niên, học sinh, sinh viên, quân nhân …đi đầy phố. Người ta đi “bát phố” , hai tiếng đó chỉ có nghĩa là dạo chơi, đi lên, đi xuống, có khi không mục đích gì rõ rệt, nhưng mà rất vui, càng đông càng vui. Bạn có thể gặp ở đó rất nhiều tà áo dài, những tà áo trắng của nữ sinh, những tà áo màu của những người lớn tuổi hơn …tung bay quấn quit trong làn gió mát rượi của buổi chiều Sài Gòn từ sông thổi lên, làm quang cảnh trung tâm Sài Gòn thêm duyên dáng. Hàng quán và tiệm buôn bên đường cũng đầy người, người ta dừng lại bên nhà hàng Thanh Thế, Thanh Bạch hay Kim Sơn để ăn một cái gì đó hoặc nhậu vài ly, dẫn người yêu vào Pole Nord hay Givral để nâm nhi vài cốc kem thật ngon, hay ăn phá lấu và uống nước mía Viễn Đông chỗ chùa Chà, hoặc vào Passage Eden ngắm những thứ hàng hóa mà giới trung lưu ít khi dám hỏi mua. Nhưng có một nơi rất bình đẳng, rất văn nghệ, rất trí tuệ mà từ em bé đến giới thanh niên, trung niên lẫn lão thành đều thường xuyên ghé lại, như có một sức hút vô hình, đó là hiệu sách Khai Trí. Cửa hàng sách vừa có chiều sâu vừa có bề rộng, bày tầng tầng sách báo từ trong ra ngoài, lúc nào cũng đầy ắp người.

Ông “Khai Trí”, tức ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân, hình như lúc nào cũng có mặt trong hiệu sách, đi đi lại lại cùng với những nhân viên mặc đồng phục áo dài xanh, hỏi han, chỉ dẫn người đọc đi tìm những thứ mà họ cần. Hẳn nhiên ông đang làm công việc buôn bán, kinh doanh sách, nhưng rõ ràng ông có cái say mê và lòng ân cần của người đang làm văn hóa, ông sung sướng thấy đám người trẻ tuổi đang hăm hở đi vào con đường tìm tòi học hỏi trong cái kho tàng sách vở mênh mông mà ông đang tạo dựng nên. Suốt thập niên 1950-1960, rồi một nửa của 1970, hiệu sách Khai Trí của ông như là một thứ trung tâm văn hóa của đất Sài Gòn, trong khoảng hai thập niên, không biết bao nhiêu lần, người viết những dòng này, từ một kẻ thiếu niên, ròi thanh niên, rồi người lớn, đã lui tới tìm sách vở trong cái vương quốc ấy của ông.

Tôi đã tìm mua ở đó cuốn L’Anglais Vivant Beige (bìa mầu nâu đất) đầu tiên thay vì chỉ biết loại Bleu (bìa mầu xanh) như đã học thời Trung học đệ nhất cấp ở miền Trung, đã thấy ở đó cuốn Legendes des Terres Sereines của Phạm Duy Khiêm, in từ bên Pháp, đã đọc cọp và khám phá cuốn Hương Máu của Nguyễn Văn Xuân, đã nhìn thấy hình bìa của tờ Paris Match vẽ chuột Mickey nhỏ một giọt nước mắt, và biết được Walt Disney đã qua đời …Hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi đã chào đón lớp lớp người, năm này qua năm khác, đi vào đó để đến với thế giới chữ nghĩa; học sinh đi tìm sách giáo khoa cho niên học mới, người ham thích văn học đến để xem tình hình sách báo có gì mới không; giới nghiên cứu, nhà giáo, học giả, đi tìm tài liệu trong bao nhiêu pho sách quý cổ kim, phụ nữ có tủ sách bạn gái, thiếu nhi thì có sách tranh ảnh và truyện nhi đồng, giới sành ngoại ngữ thì đến quầy sách báo nhập từ Pháp, Mỹ …Một thế giới muôn mầu muôn vẻ tập trung tại nhà sách lớn lao này, đã khiến cho cái sinh hoạt náo nhiệt của phố phường trung tâm Sài Gòn ngày xưa bừng lên một ánh sáng trong trẻo, thứ ánh sáng của văn hóa.

Chủ nhân Khai Trí là một người có hoài bão về văn hóa. Ngoài việc bán sách báo và văn phòng phẩm, ông còn làm xuất bản. Ông rất có lòng với giới cầm bút, thường tiêu những món tiền lớn cho tác quyền những sách mà họ đưa tới cho ông xuất bản, hoặc đôi khi chỉ mới là những sách “dự tính viết” thôi. Nguiễn Ngu Í, Nguyễn Hiến Lê, Trần Tuấn Kiệt v .v …một thời đã là những “thân chủ” của ông. Khai Trí cũng là một nhà xuất bản chuyên in Tự Điển của miền Nam, từ những cuốn thông dụng được dùng nhiều trong học giới và nhà trường như Pháp Việt Tự Điển của Đào Đăng Vỹ; Anh Việt, Việt Anh Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn, đến những cuốn tuy cần thiết cho học thuật nhưng khó tiêu thụ như Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu; Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng, v.v….Chỉ riêng lãnh vực từ điển, công khó của ông đối với nền học vấn của quốc dân cũng đã là lớn lao rồi, chưa nói đến biết bao sách giáo khoa, sách nghiên cứu, sách văn học, cùng vô số báo chí đã được ông xuất bản hoặc phát hành, tạo ra một đóng góp khổng lồ cho văn hóa nước nhà trong một giai đoạn lịch sử.

Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, gia sản của ông đã bị tịch thu toàn bộ, ông phải vào vòng tù tội và còn bị dọa tử hình nữa .Nhưng rồi sau một số năm, ông cũng được ra khỏi tù, và ngay lập tức, ông đi lùng kiếm tại những chợ trời sách để mua tất cả ấn phẩm của Khai Trí còn sót lại. Ông đã có một chủ đích, và âm thầm thực hiện trong nhiều năm: chuyển dần dần những sách Khai Trí cũ ấy qua cho gia đình ông hiện ở Mỹ .Bằng cách nào? Bằng cách gửi Bưu điện từng thùng nhỏ một, dĩ nhiên đó là loại sách thuần túy văn học, văn hóa, cộng thêm với hối lộ cho hải quan, số sách ông gửi đều trót lọt, và tính đến năm 1991, khi ông qua tới Mỹ theo diện bảo lãnh của gia đình thì số sách gom lại đã được 5.000 cuốn. Đến Mỹ, ông bắt đầu thực hiện giấc mộng thứ hai của đời ông, là dựng lại nhà sách, nhà xuất bản Khai Trí, với bước đầu là tái bản các sách cũ, và rồi sẽ tiếp tục con đường khai phá văn hóa mà ông đã làm ở Sài Gòn thời trước. Nhưng mọi sự đã trễ! Việc tái bản sách cũ của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó dĩ nhiên có cả sách Khai Trí, đã có người làm rồi, và làm một cách tận tình, từ hơn mười năm trước. Thời điểm đầu thập niên 1990, công việc tái bản coi như đã hoàn tất, nghĩa là không còn gì để tái bản nữa, và nhu cầu của quần chúng Việt Nam tị nạn về sách vở cũ coi như đã bão hòa.

 Một điểm khó khăn nữa là, vốn và nhân lực làm việc để gây dựng nhà xuất bản. Ông Võ Thắng Tiết, Giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam California, đã tiếp xúc nhiều với ông Khai Trí thời gian ông mới qua Mỹ, cho biết rằng các con của ông Khai Trí nói thẳng rằng họ có thể góp ít vốn cho ông theo khả năng của họ, nhưng hoàn toàn không thể giúp được gì ông, vì ai cũng có công việc cả rồi, không thể nào bỏ việc để cùng cha phiêu lưu theo giấc mộng của ông. Hình như ông Khai Trí có gặp ông Nguyễn Tấn Đời để bàn việc góp vốn cho chương trình văn hóa của ông, nhưng không đạt được kết quả. Ông Võ Thắng Tiết cho biết, trong số sách vở ông Khai Trí đã chuyển được sang Mỹ có rất nhiều thứ rất giá trị, như bộ sưu tập đầy đủ của báo Tri Tân và báo Nam Phong, tập san Sử Địa thời VNCH cũng không thiếu một số nào, tất cả sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học. Một lần, nhà Văn Nghệ, trong công việc soạn thảo sách vở của mình, cần nội dung của nguyên một số Sử Địa cũ, ông Khai Trí đã không ngần ngại từ Cali bay qua Texas, sao nguyên cuốn đó để tặng ông Văn Nghệ.

Thực tế của nước Mỹ thời gian ông sang tới nơi, dần dần cho ông biết rằng, ông không thể nào đủ sức gây dựng một sự nghiệp mới: Vốn không đủ, người không có, và ông cũng đã có tuổi rồi. Nhưng tâm hồn ông Khai Trí lúc nào cũng hướng về việc làm cái gì đó cho văn hóa. Nhà ông ở cách khá xa Little Saigon, thế mà ngày nào ông cũng có mặt tại khu này, đi nhặt nhạnh tất cả các thứ báo mà người ta bỏ ở các chợ, đem về đọc và lựa lọc cắt ra những bài vừa ý bỏ vào một cái thùng. Ngoài ra, ông cất giữ tất cả các tạp chí, các đặc san của ngành nghề, hội đoàn mà ông có được. Thời trước, nhiều người có nhận xét rằng ông là một người cực kỳ “ham sách” , đến thời kỳ sau này, nhận xét đó vẫn còn đúng với ông. Thời gian ở Mỹ, ông vẫn cố gắng xuất bản vài cuốn sách, như tuyển tập các bài thơ tình của thi sĩ Việt Nam, các danh ngôn của thế giới. Và ông đã tâm sự với ông Văn Nghệ một ước mơ, có thể gọi là một mộng tưởng, rất lạ của ông: Làm sách cho nước Lào, phát cho dân Lào để giúp phát triển văn hóa của họ!

Sau năm năm ở Mỹ và biết rõ tình hình là chẳng làm được những gì mình mong ước, đến năm 1996 thì ông Khai Trí về lại Việt Nam để sống luôn tại đây, vẫn với một giấc mộng cũ muốn làm mới lại. Nghe nói nhà nước Việt Nam có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu năm 1975, ông về nước với đề nghị: Nhà nước trả lại các cơ sở cho ông, và ông sẽ cùng nhà nước thực hiện các nhà sách tân tiến theo lối Mỹ, trong đó có gian uống cà phê xem sách, có gian thiếu nhi để các em thoải mái tìm tòi,v.v…Nhưng những gì ông “nghe nói” không đúng với thực tế. Nhà sách Khai Trí của ông thì đã thành nhà sách Sài Gòn, quốc doanh rồi, tức là quốc hữu hóa rồi, các nhà cửa khác của ông thì chia chác cho cán bộ, đã 20 năm qua, họ đã bán đi bán lại nhiều lần, giá cả càng ngày càng cao, không tài nào gỡ ra cho được .Cuối cùng người ta cho ông một phòng trong một căn nhà cũ của ông, và ông sống ở đó, cho đến ngày qua đời, với giấc mộng lớn không bao giờ thực hiện được nữa .Nghe nói thời gian gần mười năm ở Sài Gòn, ông lại mày mò xuất bản một ít cuốn sách, loại vô thưởng vô phạt, như kiểu thơ tình yêu. Thôi, nếu coi ông là người quá ghiền sách thì công việc xuất bản nhỏ nhoi đó chỉ là một ít ma túy cho đỡ cơn ghiền, và nếu rộng lượng thì tạm gọi đó là “giấc mộng con đã thành” của ông cũng được.

Theo báo Học Tập của Cộng Sản Việt Nam, năm 1975, họ đã tịch thu và tiêu hủy 60 tấn sách của nhà Khai Trí. Họ đã ra sức tiêu diệt những giá trị trí tuệ của miền Nam, cũng là của Việt Nam, để bắt cả một dân tộc phải tuân theo một loại mà họ gọi là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”, thực chất chỉ là những thứ cặn bã nhai lại của nền văn hóa Cộng sản, học được của Liên Sô và Trung Cộng. Kết quả của tinh thần nô dịch ấy là gì, chúng ta đã thấy rõ từ lâu.Vì thấy rõ từ lâu, miền Nam chúng ta mới có những người như ông Khai Trí và bao người khác cố gắng xây dựng một nền văn hóa xứng đáng cho dân tộc mình. Đối với ông Nguyễn Hùng Trương, đó là giấc mộng của cả một đời. Ông đã có hơn 20 năm của đời ông để thực hiện giấc mộng của ông. Trên thế giới này, không có giấc mộng nào là hoàn tất cả, giấc mộng của ông Khai Trí cũng vậy. Nhưng không sao, những gì ông đã gây dựng nên về học vấn và trí tuệ đã và sẽ lưu lại trên nhiều thế hệ. Lịch sử văn hóa của chúng ta sẽ ghi nhớ những việc ông làm như là những công đức mà một cá nhân đã để ra cả một đời mình để vừa ước mơ vừa thực hiện, mà mục đích không gì khác hơn là góp phần khai thông trí tuệ cho đồng bào của mình.

Phạm Phú Minh

Saturday, June 28, 2014

Truyện ngắn


PHẢM TIẾT

Chữ trinh đáng giá ngàn vàng…
Chữ trinh còn một chút này…

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đuờng…

(Nguyễn Du)

Việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng lòng hồ trong khu vực thủy điện sông Đà khiến tôi lại lên Tu Lý, huyện lỵ Đà Bắc. Ông Quách Ngọc Minh (bạn đọc đã làm quen với ông qua hai truyện ngắn Kiếm sắc và Vàng lửa của tôi) ngờ rằng ngôi mộ này là của bà Ngô Thị Vinh Hoa sống cách cây gần hai trăm năm. Truyền thuyết người Mường vùng này kể rằng bà đã lập ra dòng họ Quách. Hôm dời mộ từ khu vực lòng hồ lên Tu Lý, tôi đã đến xem. Mộ ở vuông đất hẹp, bằng phẳng, cách bờ sông Đà hai trăm năm mươi mét, ở độ cao mười sáu mét kể từ mặt sông. Bao nhiêu năm nay chưa bao giờ lũ sông Đà ngập đến chỗ này. Nhìn bề ngoài, ngôi mộ cổ trông không khác một gò mối lớn. Đào sâu ba mét thấy vỉa gạch.(Hình phải : Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp)

Người chết táng theo lối xưa, trong quan ngoài quách. Quan tài làm bằng gỗ quý, ván dày tám phân, dăm gỗ nhỏ, đưa ra ngoài trời có màu mận chín. Quan tài chạm trổ đơn giản nhưng đẹp mắt. Khi bật nắp quan tài, thấy có một lớp vải lụa hồng. Dưới lớp vải lụa hồng, là một màng trong suốt như thạch, hiện lên hình một phụ nữ đẹp rực rỡ, khuôn mặt tươi tỉnh như người sống, trang phục xiêm y lộng lẫy. Đây là ngôi mộ kết. Tất cả chúng tôi thảy đều kinh hoàng. Thoắt cái, một làn sương mờ trên quan tài ùn lên phủ kín xung quanh. Mười phút sau, làn sương tan hết, trong quan tài chỉ còn một bộ xương đen như mun, lớp vải lụa hồng cũng không thấy nữa. Trong quan tài đầy vụn chè khô, lẫn ở đấy rất nhiều đồ trang sức quý giá. Ông Quách Ngọc Minh tự tay rửa sạch từng đốt xương bằng rượu quý và nước thơm, đặt vào vuông vải trắng trong tiểu sành. Tôi chưa bao giờ chứng kiến lần bốc mộ nào có ấn tượng mạnh như thế. Con gái ông Quách Ngọc Minh là Quách Thị Trình hỏi tôi có biết gì về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ hay không? Tôi băn khoăn quá. Phải là người mơ mộng và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử và hạn chế.

Câu chuyện này kể về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ ấy.

Ngô Thị Vinh Hoa là con thứ mười của Ngô Khải. Khải là hậu duệ của Chương Khánh Công Ngô Từ, ngưởi đã sinh ra bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. Ngô Khải là bậc đại phú, nhà gần chùa Tiên Tích, chuyên buôn hàng tơ lụa. Nhà Khải kho đụn không khác gì phủ Chúa, đầy tớ vài trăm người. Khải giao du rộng, chơi với toàn người sang. Con gái họ Ngô đẹp nổi tiếng Kẻ Chợ, đời này qua đời khác nhiều người được tuyển vào cung. Khải có bảy người con gái thì sáu người đều là thiếp yêu ở phủ Chúa. Vinh Hoa là con gái út. Khải rất yêu chiều. Khi đẻ ra Vinh Hoa, trên nóc nhà bỗng có đám mây ngũ sắc bay đến, tỏa ra ánh sáng rực rỡ, khắp nơi hương thơm ngào ngạt. Trên cổ Vinh Hoa có bảy tràng hoa quấn cổ, xòe lòng tay ra thấy có viên ngọc…ở trong, trên khắc hai chữ “thiên mệnh”. Khải dựng tóc gáy, lập bàn thờ tạ trời đất. Có người bảo rằng: “Trời mượn cửa nhà ông gửi ngọc, liệu mà chăm chút”. Vinh Hoa lớn lên, hát hay, đàn giỏỉ, đẹp lồ lộ nói câu nào thiêng câu ấy. Khải rất sợ. Tỉ như trời nắng chang chang, nàng buột miệng “ngày kia trời mưa”, quả nhiên ngày kia mưa thật. Tỉ như có người đi qua, nàng bảo “mai ông này chết”, quả nhiên người ấy không ốm đau bệnh tật gì hôm sau lăn ra chết. Trai gái lấy nhau thường dắt đến trước mặt nàng nhờ xem, nàng gật đầu là lấy được, nàng lắc đầu thì chịu, ba đầu sáu tay gì lễ cưới cũng không thành.

Nhà Ngô Khảỉ có cửa hàng tơ lụa gần Hồ Gươm. Khi nào Vinh Hoa trông hàng, khách vào mua đông như hội. Ai trót tham, do vải thừa, trả tiền thiếu, khi về nhà nếu không bị chó cắn thì nhà cháy, đại để thế, tai họa không lường được. ở Kẻ Chợ có câu ca:

Biêí điều thì tránh Vinh Hoa
Quịt năm cắc bạc mất nhà như chơi.

Năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Mãn Thanh xong, tìm cách an dân. Nghe theo lời Trần Văn Kỷ, nhà vua cho mời cơm các nhà danh giá thế phiệt trong thành, Khải cũng được mời.

Khi thiếp mời đưa đẹn nhà Khải, Khải cho gọi người quản lý tên là Sâm đến bàn. Khải nói:. “Ta không đi không được, Quang Trung là bậc anh tài, hào hùng lắm. Ta ăn lộc nhà Lê, nhưng cũng không bỏ lộc nhà Trịnh, gì thì gì cũng mang tiếng cơ hội. Bây giờ Quang. Trung mời đến, nên cư xử thế nào cho “phải” Sâm nói: “Đại nhân chớ băn khoăn về chuyện cơ hội hay không cơ hội. Điều ấy vô nghĩa. Có điều Quang Trung đang thịnh, lẽ đời là phải phù thịnh, đại nhân cứ thế mà làm. Ta không phù Quang Trung, sợ cơ ngơi này khó bảo toàn, lấy ai tiếp nối? Lính Tây Sơn chỉ cho mồi lửa, vu cho tàn quân Tôn Sĩ Nghị là xong, lúc đó ta biết kêu ai? Không nói gì đến đại nhân bị hại, bọn Sâm này cũng mất niêu cơm”. Khải cười: “Mày ranh ma lắm. Ta nghe mày”. Nói đoạn bảo Sâm chuẩn bị lễ vật đi dự tiệc.

Sâm là tên đểu cáng, xuất thân lái trâu, từ lâu có ý hại chủ. Chuẩn bị lễ vật cho Khải, Sâm cho vào rương hòm toàn những đồ vàng bạc giả còn vải lụa quý thì cho cắt vụn ra từng đoạn ngắn. Khải không biết gì, cứ thế cho đầy tớ mang vào cung.

Bữa tiệc của vua Quang Trung có đủ mặt mấy trăm gia đình giàu có ở Kẻ Chợ. Khải ngồi chiếu trên cùng. Vua Quang Trung nói: “Ta xuất thân áo vải cờ đào, vì nước xả thân, dẹp yên bốn cõi. Thời chiến ta lấy kẻ có sức lực làm điểm tựa, thời bình ta lấy kẻ có trí lực làm điểm tựa. Nay các ông đến đây, đều là những người có của, tức là những người có trí lực cả; ta cho ăn cho uống, xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ, bán buôn, làm cho nước giàu dân mạnh”. Bọn Khải lạy tạ, ai cũng vui vẻ hứa sẽ vi nước mà làm giầu.

Ăn uống xong, nhân vui vẻ, vua Quang Trung hỏi thức ăn có vừa miệng không, Khải đang say, dại miệng nói rằng: “Ngon thì ngon nhưng chưa biết nấu, hơi ghê ghê, có vị lợm”. Nhà vua cười nhạt, không nói năng gì. Khách dự tiệc lần lượt cho dâng vào các lễ vật mừng, đủ đồ ngọc ngà châu báu; sơn hào hải vị rất lạ. Vua Quang Trung đứng xem, trầm trồ thán phục. Đến lượt Khải, Khải cho đầy tớ khênh vào ba cái rương to, mở ra thấy đồ vàng bạc toàn đồ giả, vải lụa bị cắt ra từng mảnh vụn nhỏ. Khải thất sắc, mọi người có mặt thảy kinh hoàng. Vua Quang Trung giận lắm, mắng rằng: “Thằng Khải kia, tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu lộc thiên hạ, ăn miếng ngon không biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ, có ít của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm tưởng xênh xang ư?”

Khải về nhà, căm tức tên Sâm lắm. Tên Sâm đã bỏ trốn. Đang hoang mang thì đà thấy tướng của Tây Sơn là Đặng Tiến Đông mang quân đến vây, bắt tịch biên gia sản. Khải khóc lóc kêu oan nhưng không sao được. Vinh Hoa từ trong lầu chạy ra, rẽ đám lính Tây Sơn, quỳ trước mặt Đặng Tiến Đông lạy rằng: “Tướng quân tha cho, việc này ở tên đầy tớ khốn nạn. Thân phụ thiếp hồn nhiên, lỡ phạm đến uy trời. Tướng quân vì thiếp mà xét phải trái, sao chỉ vì một gã buôn trâu mà gây oán hận?” Đặng Tiến Đông thấy Vinh Hoa xinh đẹp lạ lùng đánh rơi cả kiếm. Là người có học, Đông biết anh hùng và mỹ nhân ở đời đều hiếm, nông nổi phạm đến có tội với trời. Đông bảo rằng: “Tội của cha nàng đáng chết nhưng quyền tha không phải quyền ta. Nàng muốn giải tội cho cha, phải vào cung mà tâu bày”. Nói rồi Đông quay ra cho lính bao vây dinh thự nhà Khải, còn tự mình dẫn kiệu Vinh Hoa vào cung.

Đặng Tiến Đông vào cung, tâu bày sự việc với vua Quang Trung. Nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay. Vinh Hoa nói năng rành rẽ, đâu vào đấy, nhà vua thích lắm. Nhà vua hỏi gì, nàng trả lời điều ấy, nói thông cả buổi, kim cổ đông tây đủ cả. Bọn Trần Văn Kỷ ngồi nghe toát cả mồ hôi. Nhà vua bảo Vinh Hoa hát. Nàng gẩy đàn hát:

Mây ngũ sắc ứng điềm lành
Con Tạo xoay vần
Ai biết gặp nhau ở đâu
Mộng tưởng hão huyền
Muôn dặm đường trường
Khi cưỡi voi giục trống đánh thành.
Có nhớ ngàý xưa…
Đom đóm lập lòe ở góc vườn không.
Có nhớ mẹ ta cậy nanh ở miệng không.
Mối sầu của ta chỉ có mặt trăng biết
Ngồi trên ngai cao còn biết sợ ai..
Ngọc tỷ cầm trên tay lo việc nước
Biết lo là được, còn thành bại ở trời
ở nơi nguời
Người ngoan không nên…
biện bạch có quỷ thần hay không có quỷ thần
Hay nhìn từng giọt đồng hồ rơi mà run sợ.

Tiếng đàn có khí lạnh, mọi người không ai dám thở. Vua Quang Trung hỏi nhỏ: “Vận Tây Sơn được mấy đời? “ Vinh Hoa bảo: “Sao không hỏi được bao nhiêu ngày”.

Vua Quang Trung giữ Vinh Hoa lại trong cung, rồi sai Đặng Tiến Đông rút quân khỏi nhà Khải. Khi Đông đến nhà Khải thì Khải hổ thẹn đã treo cổ tự tử. Vua Quang Trung thương xót, hối lại thì đã muộn. Nhà vua đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất. Vinh Hoa lập bàn thờ ngay trong cung, thắp hương, tạ vong linh Khải rồi bảo: “Bệ hạ khỏi bận lòng. Phận nào phận ấy. Trời chỉ nhờ cửa sinh, có ai giữ được bố mẹ sống một nghìn năm? Bệ hạ có thương, cho mở kho lấy một đấu vàng để trả đạo hiếu”. Nhà vua gật đầu. Khi đi ra gặp Trần Văn Kỷ, nhà vua bảo: Ta nóng nảy đã đành, ta có lý của ta. Còn cái lũ nhà giàu khốn nạn, chỉ biết mỗi thân mình, Khải bị hạn, sao không có đứa nào đứng ra kêu hộ một tiếng?” Trần Văn Kỷ tâu: “Bệ hạ không hiểu bọn nhà giàu, chúng có thương xót ai bao giờ? Ta có câu: Có độc mới đủ, có phũ như chó mới giàu!…” Nhà vua lại hỏi: “Khải khôn khéo thế, bình sinh cẩn thận, sao sơ suất đến nỗi bị tên đầy tớ kia lừa?” Trần Văn Kỷ tâu: “Đời người ta có vận hạn, Khải không sợ trời, tính ích kỷ, giàu có mà đóng cửa ăn một mình; không biết giúp ai, không biết làm điều phúc, điều thiện, không biết chia lộc cho thiên hạ, trông thấy người hiền ngoảnh mặt đi; khi hạn đến, tránh sao kịp được? Nói chi đến mưu thằng buôn trâu, có khi chỉ vì con ruồi cũng làm tan nghiệp” Nhà vua gật đầu, cho làm ma Khải rất hậu rồi lệnh truy nã tên Sâm.

Vinh Hoa ở trong cung, vua Quang Trung rất ân cần, thương xót. Từ quan tới lính, không ai không nể vì. Nàng ăn nói khoan hòa, cư xử thông minh, lịch lãm, bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Đặng Tiến Đông, Vũ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ… ai cũng quý trọng nàng. Nhiều việc triều chính nàng tham dự, mọi ý kiến luận bàn của nàng vua Quang Trung hết sức thán phục, làm gì cũng thành. Cũng có khi nàng múa hát cho mọi người xem. Vua Quang Trung nói: “Ta được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”.

Tuy vua Quang Trung đối xử ân cần, hết lòng yêu thương chiều chuộng, song Vinh Hoa vẫn một mực không cho nhà vua thành thân. Mỗi khi nhà vua ngỏ ý, nàng đều khéo léo chối từ. Nhà vua rất lấy làm buồn. Tuy hàng ngày gặp nhau nhưng nhà vua vẫn không sao gần gụi được.

Ổn định xong Bắc Hà, vua Quang Trung giao việc triều chính cho bọn Ngô Văn Sở rồi kéo quân về Phú Xuân, đưa cả Vinh Hoa theo. ít lâu sau nhà vua bỗng mất đột ngột. Khi lâm chung, có Vinh Hoa đứng hầu bên giường, nhà vua nhìn mãi Vinh Hoa mà không nhắm mắt. Cả triều đình thương cảm. Con trai nhà vua là Nguyễn Quang Toản vuốt mắt cho cha nhưng hễ buông tay ra mắt nhà vua lại mở trừng trừng. Đến cả Hoàng hậu Ngọc Hân cũng thế. Sau Vinh Hoa phải lấy ngón tay út của mình đặt lên hai mi mắt nhà vua thì mắt nhà vua mới nhắm lại được. Sau đấy, chỗ ngón tay út của Vinh Hoa đen như chàm, rửa thế nào cũng không sạch.

Từ khi vua Quang Trung mất, nội bô Tây Sơn rối ren, Nguyễn Quang Toản kéo quân vào Quy Nhơn đánh bác ruột mình là Nguyễn Nhạc. Bọn tướng của Tây Sơn là Vũ Văn Dũng đánh nhau, chia năm xẻ bảy cơ nghiệp. Năm Tân Dậu (1810), vua Gia Long Nguyễn Phúc ánh chiếm Phú Xuân Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc, triều Tây Sơn sụp đổ.

Khi chiếm Phú Xuân, tướng của Gia Long là Vũ Văn Toàn vào trước, kéo quân thẳng vào hậu cung, cướp được nhiều cung tần mỹ nữ, cướp được cả Ngô Thị Vinh Hoa. Quân hồi vô phèng, Toàn hốt rất nhiều vàng bạc. Toàn vốn xuất thân quản tượng, theo vua Gia Long nhưng thâm tâm có ý không phục. Khi vua Gia Long vào thành an dân, kiểm kê kho đụn Tây Sơn, thấy chẳng còn bao nhiêu. Nhà vua hỏi Toàn: “Của cải trong kho, không có cánh mà bay à?” Toàn tâu: “Từ khi Nguyễn Huệ chết, Tây Sơn làm gì có của, chỉ có chuột”. Nhà vua hỏi: “Phi tần không còn ai ư?” Toàn tâu: “Đàn bà trơn mà nhanh như rắn, động ổ là chuồn, biết đâu mà lần?” Nhà vua nín lặng, không nói năng gì.

Ít bữa sau, có người mật báo với vua Gia Long nhà Toàn chứa đầy gái đẹp với đồ vàng bạc. Nhà vua giận lắm, đang đêm đến vây nhà Toàn, thấy Toàn đang ngủ trên giường bèn trói nghiến lại.

Tướng của vua Gia Long là Nguyễn Văn Thành soi đuốc dẫn nhà vua đi xem xét, quả nhiên thấy đúng như lời mật báo. Nhà vua gọi Toàn ra mắng: “Thằng khốn nạn theo voi ăn bã mía kia, đểu cáng chừng nào. Mày mượn danh ta để đi ăn cướp với chơi gái à?” Toàn lạy van: “Bệ hạ tha cho. Toàn theo bệ hạ từ thuở hàn vi, nằm gai nếm mật đắng cay. Nay nghiệp đã thành, muốn hưởng lạc riêng, thế gọi là trả giá đời sống”. Nhà vua cười nhạt: “Mày tưởng công mày to ư? Mày ở gần ta mà không biết ta. Mày kể công với ta làm gì? Mày chỉ dự vào trò chơi của ta. Trò chơi nào chẳng vô công? Mày phạm luật thì mày chịu. Đừng trách ta ác”. Toàn lại lạy van: “Bệ hạ! Bệ hạ! Bệ hạ nói gì vậy? Đẩy vạn con người vào cuộc binh đao là trò chơi sao? “ Nhà vua bảo: “Binh đao là trò chơi của trời. Sao mày lại hỏi ta? Ta chơi trò khác, chơi trò đế vương!” Toàn lại lạy van: “Bệ hạ thương tình! Vàng bạc trả lại bệ hạ! Phi tần trả lại bệ hạ! Chỉ xin bệ hạ ban cho Ngô Thị Vinh Hoa”. Nhà vua nổi giận : “Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt”. Nhà vua vào phòng Ngô Thị Vinh Hoa. Mở cửa ra, thấy Vinh Hoa bị trói, trên người không có mảnh vải che. Gia nhân thưa rằng Toàn muốn làm nhục Vinh Hoa nhưng nàng không chịu, nhà vua rất thương xót. Nhà vua đến gần, thấy Vinh Hoa đẹp quá, bỗng nhiên xây xẩm mặt mày. Nhà vua thở dài, ngã quay ra đất, ngất lịm đi.

Vinh Hoa ở trong cung được nhà vua hết sức yêu chiều. Dần dần nàng hồi tâm lại, đẹp mơn mởn y như lộc mùa xuân. Biết Vinh Hoa có tài múa hát, lại có tài đoán định việc trước sau, nhà vua thích lắm, muốn lấy làm vợ. Nguyễn Văn Thành can: “Bệ hạ! Bệ hạ! Vinh Hoa ở với Nguyễn Huệ bao năm mà Huệ không dám đụng vào thân thể. Thần xin bệ hạ giữ lấy mình rồng! “ Nhà vua bảo: “Thế là Huệ dại, Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác”. Thành hỏi: “Bệ hạ muốn dùng Vinh Hoa ở phần tinh thần hay phần thể xác?” Nhà vua bảo: “Làm đến đại tướng còn ngu. Bậc đế vương giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác”. Thành lắc đầu rồi lui ra.

Vua Gia Long vào cung, tìm Ngô Thị Vinh Hoa, nhà vua bảo nàng. “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong nhà. Vinh Hoa tâu: “Bệ hạ muốn làm vua gà, vua vịt hay sao? “ Nhà vua thở dài: “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện”.

Vinh Hoa tâu: “Ai cũng phải thế”. Nói rồi nàng ôm đàn hát:

Nước có còn không
Nước có mạnh không
Thiên tử là cái gốc lớn thiên hạ
Cây cao, bóng cả
Trùm lên muôn dân
Gió mây có biến hóa
Ghi nhớ trong tâm trường
Nhắc ai tự chủ trương
Giữ chữ “thường”
Chính đạo thuần vương

Nhà vua nghe tiếng đàn, mơ màng, gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, nhà vua không thấy Vinh Hoa đâu nữa, chỉ thấy trên bàn có ghi mấy chữ:

Thời lai phong tống tạ Đà giang
(Thời vận đến, gió đưa lại phía sông Đà)

Nhà vua sai tìm Vinh Hoa khắp nơi nhưng không thấy. ít lâu sau, ở vùng huyện lỵ Đà Bắc (thuộc phủ Hưng Hóa), người ta vớt được một xác phụ nữ quý tộc trôi trên sông, trên tay có bế một đứa bé con còn sống. Quan sở tại báo việc này về triều đình. Vua Gia Long cho người lên xem xét, nhận ra người chết giống hệt Ngô Thị Vinh Hoa. Nhà vua cho làm ma nàng rất hậu, bắt lập miếu thờ. Đứa bé con được những người dân Mường ở đây đón về nuôi. Trong miếu thờ có đôi câu đối của nhà vua ban, ghi rằng:

Sự nhị quân, vĩnh thủ trinh tâm
Lưu vạn cổ, bảo tồn phẩm tiết.
(Thờ hai vua, vẫn giữ lòng trinh
Lưu muôn thuở, còn nguyên phẩm tiết).

Nguyễn Huy Thiệp
@
4phuong.net

Đọc thêm : 
- VÀNG LỬA
- KIẾM SẮC

Friday, June 27, 2014

US vs China

Trí thức Mỹ nói không với Học Viện Khổng Tử của Trung Quốc


Nỗ lực ngoại giao văn hóa của Trung Quốc mới đây gặp phải một thất bại lớn với việc Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử. Trong một thông cáo công bố hồi đầu tuần này, AAUP nói rằng Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được cho là không tôn trọng tự do học thuật.

Hôm chủ nhật 15 tháng 6 vừa qua, ông Lưu Vân Sơn, Bí thư Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đến dự một hội nghị liên tịch của các Học Viện Khổng Tử ở Âu châu tổ chức tại thủ đô Dublin của Ireland (Ái Nhĩ Lan). Tại cuộc họp, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của nhà cầm quyền Bắc Kinh bày tỏ hy vọng là các học viện này sẽ trở thành điều mà ông gọi là “đường xe lửa cao tốc tâm linh” nối liền giấc mơ Trung Quốc với giấc mơ của các nước và giấc mơ của thế giới.

Ông Lưu Vân Sơn đã phát biểu như vậy trong lúc báo chí quốc tế loan tin Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ (AAUP) thúc giục các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những viện này vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản của tự do học thuật và không tôn trọng tự do ngôn luận. Các nhà quan sát nói rằng hành động này của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ là một đòn nặng giáng vào dự án hàng đầu của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm khuyếch trương quyền lực mềm của họ trên thế giới.

Theo tường thuật hôm thứ ba của tờ New York Times, AAUP kêu gọi các trường đại học bảo vệ các nguyên tắc tự do học thuật bằng cách chấm dứt hoặc thương thuyết lại những thỏa thuận đã đưa gần 100 chương trình ngôn ngữ và văn hóa do chính phủ Trung Quốc bảo trợ tới các khuôn viên đại học ở Mỹ và Canada. Một thông cáo của hiệp hội được thành lập từ năm 1915 và có 47.000 hội viên này nói rằng các trường đại học ở Mỹ đã đánh mất sự độc lập và phẩm giá của mình qua việc để cho chính phủ Trung Quốc quyết định về vấn đề  tuyển dụng và giám sát nhân viên giảng dạy, thiết kế học trình và đặt ra những giới hạn về tranh luận bên trong các Học Viện Khổng Tử.

Thông cáo này tố cáo “Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được phép không tôn trọng tự học thuật”, và “hầu hết các thỏa thuận về việc thành lập Học Viện Khổng Tử bao gồm những điều khoản không được tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận đối với các mục tiêu chính trị và cách làm việc của chính phủ Trung Quốc.”

Thông cáo trích dẫn một bài viết của giáo sư Marshall Sahlins trên tạp chí The Nation hồi tháng 10, trong đó vị giáo sư nhân chủng học của Đại học Chicago nói rằng “qua việc để cho Học Viện Khổng Tử được thành lập trong trường của mình, các đại học đó đã tham gia những nỗ lực tuyên truyền chính trị của một chính phủ nước ngoài với một cung cách trái ngược với những giá trị về tự do học hỏi và những phúc lợi của nhân loại.”

Trong thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới. Và đối với các trường đại học nước ngoài, việc dùng tiền bạc của chính phủ Trung Quốc để mở các lớp giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho sinh viên của mình dường như là một việc chỉ có lợi mà không có hại gì cả. Do đó, kể từ khi Học Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004 tới nay, Trung Quốc đã lập ra hơn 400 Học Viện Khổng Tử tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tính đến cuối năm 2013, có 850.000 học viên ghi danh theo học tại các Học Viện Khổng Tử và các lớp học Khổng Tử tại hơn 600 trường trung, tiểu học. Ngoài việc giảng dạy Hán Ngữ, Học Viện Khổng Tử còn dạy các môn học đàn, chơi cờ, thư pháp, hội họa và võ thuật Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết những chương trình giảng dạy tại các Học Viện Khổng Tử được thiết kế để phô bày một hình ảnh tích cực của Đảng Cộng sản đương quyền và có nhiều đề tài cấm kỵ trong học trình. Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Đại học Miami, nói với tờ New York Times rằng phía Trung Quốc thường đòi các trường đại học Mỹ muốn họ giúp thành lập Học Viện Khổng Tử không được thảo luận về Đức Đạt Lai Lạt Ma hay mời nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng này tới thăm trường. Bà Dreyer cho biết có rất nhiều đề tài cấm kỵ từ Tây Tạng, Đài Loan, cho tới kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những vụ đấu đá bên trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.

Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ không phải là tổ chức học thuật đầu tiên phản đối Học Viện Khổng Tử. Tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Giáo chức Đại học Canada cũng đưa ra một thông cáo để hối thúc các trường đại học cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những lý do tương tự.

Tại Việt Nam, việc thiết lập Học Viện Khổng Tử đã diễn ra tương đối chậm chạp vì những yếu tố tế nhị trong lịch sử của mối bang giao giữa hai nước. Mãi đến tháng trung tuần 10 năm ngoái, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Hà Nội, hai nước mới ký kết một thỏa thuận để thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Thỏa thuận đó đã gặp phải sự chỉ trích của khá nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm ở Hà Nội cho Đài phát thanh Úc biết rằng nhiều người Việt Nam lo ngại “Viện Khổng Tử ở Việt Nam không phải chỉ tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học của Khổng Tử, Nho Học. Chức năng đào tạo tiếng Hoa, giới thiệu, quảng bá về văn hóa Trung Quốc, giao lưu văn hóa, tư vấn du học … như giới thiệu cũng chỉ là bề nổi."

Đằng sau nó chắc chắn sẽ là những hoạt động tuyên truyền về một nước Trung Hoa hiện đại, thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc.” Ông Ngô Nhân Dụng, một nhà bình luận nổi tiếng trong giới truyền thông Việt Nam ở hải ngoại cho rằng “Viện Khổng Tử chính nó không nguy hiểm, nhưng sẽ tác hại cho nước Việt Nam nếu chúng được sử dụng cho mục đích tuyên truyền cho chế độ cộng sản Trung Quốc.”

Duy Ái
@VOA

Wednesday, June 25, 2014

Lê Văn Hiếu

Một cựu tỵ nạn Việt Nam
trở thành Thống đốc bang tại Úc


Theo báo chí Úc, ông Lê Văn Hiếu(Hình phải), nguyên là tỵ nạn Việt Nam, được bổ nhiệm làm Thống đốc bang Nam Úc. Hiện là Phó Thống đốc, ông Hiếu sẽ đảm nhiệm chức vụ Thống đốc vào tháng Chín tới đây.

Thủ tướng bang Nam Úc, ông Jay Weatherill cho biết, sau chiến tranh Việt Nam, ông Hiếu đang sang Úc tỵ nạn, cách nay 36 năm. « Ông là người nhập cư gốc Á đầu tiên lên nắm chức vụ Thống đốc trong lịch sử bang Nam Úc ».

Năm 2007, ông đảm nhiệm chức Phó Thống đốc bang Nam Úc. Ông cho biết : « Là một thuyền nhân trẻ, cách nay 36 năm, tôi đã tới đây, không có gì cả, nhưng mang theo một hành trang đầy ắp giấc mơ, đó là giấc mơ được sống trong một đất nước hòa bình, an toàn, tự do và có một cuộc sống đầy ý nghĩa và phát triển ». Ông nói, việc được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc đã là một giấc mơ ngoài sức tưởng tượng của ông.


Theo Tân Thống đốc bang Nam Úc, việc ông bổ nhiệm mang một thông điệp rõ ràng khẳng định sự hội nhập và bình đẳng của xã hội Úc.

Ông Lê Văn Hiếu sinh năm 1954 tại (làng Thạch Hãn,quận Hải Lăng),Quảng Trị, miền trung Việt Nam. Ông đã có gia đình và hai vợ chồng ông đều là thuyền nhân, tới Úc cách nay 36 năm. Họ có hai con trai.

Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Adelaide. Từ năm 1991 đến 2009, ông là Ủy viên cấp cao của Ủy ban điều tra Chứng khoán và Đầu tư Australia.

Ông Hiếu tham gia lãnh đạo và là thành viên của khoảng 30 tổ chức của cộng đồng. Ông tuyên bố không bình luận gì về tình hình người tỵ nạn hiện nay tại Úc, vì không phù hợp với cương vị Thống đốc của ông.

@RFI
Read more :  ABC NEWS


Tuesday, June 24, 2014

Thơ Nguyễn Hữu Quý



KHÓC CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG
(Tưởng nhớ hương hồn Hoàng Thu,
người Việt Nam tự thiêu tại Tampa, Florida, Hoa Kỳ,
vào sáng Thứ Sáu, 20/6/2014).

Khóc cho anh
Khóc cho người nằm xuống
Sống trọn kiếp người giản dị, thanh cao!...


Khóc cho anh
Cho vận nước lao đao
Những mất mát không thể nào kể hết!

Khóc cho anh
Con người yêu nước
Xa Tổ Quốc rồi vẫn còn day dứt
Khi quân thù dày xéo quê hương.

Anh chết tự thiêu thức tỉnh triệu con tim
Đã bấy lâu thờ ơ, vô cảm…
Anh chết để Hoàng, Trường Sa sống mãi
Trong lòng người Đất mẹ Việt Nam!

Vĩnh biệt Hoàng Thu, người vì nước quên thân!
Cái chết đi vào trang vàng sử Việt
Đẹp mãi tên anh con người quả cảm
Vĩnh biệt con người vì nước quên thân!

 25.6.2014
Nguyễn Hữu Quý

Lý Quang Diệu

Lý Quang Diệu viết về Hoa Kỳ.

Tại sao tôi lại tin vào thành công về dài hạn của Hoa Kỳ?

Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một c...hất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.

Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.

Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore. Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.

Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.

Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một Trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.

Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York. Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.

Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.
Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York, bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.

Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.

Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu làm lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, Hoa Kỳ là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí trong các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn.

@internet

Monday, June 23, 2014

Trần Gia Phụng

ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI DỨT KHOÁT


Trong cuộc mít-tinh của Hiệp Hội Hữu Nghị Nhân Dân Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 15-5-2014, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) Tập Cẩm Bình tuyên bố rằng: “Không có gene xâm lược trong máu người Trung Quốc”.
 
Trong khi các báo điện tử trong nước, hoặc các blog tư nhân đưa tin nầy thì nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN), các chức sắc, Ban Khoa giáo trung ương đảng, Bộ Thông tin văn hóa, và các chuyên viên của nhà nước CS nín khe. Có lẽ họ cho lời tuyên bố của Tập Cẩm Bình là chuyện nội bộ Trung Quốc, CSVN không xía vào. Họ quên rằng từ khi nước Việt lập quốc, Trung Quốc đã bao lần xâm lược Việt Nam. Hay đó là chuyện thời quân chủ phong kiến, chẳng liên quan gì đến chế độ CS anh em giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc hiện nay? Thế thì người CSVN cố tình quên rằng năm 1979, CSTQ thổi kèn trên thế giới và thổi kèn ngoài mặt trận, tràn quân tàn phá sáu tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam là gì?

Gần đây hơn nữa, ngày 8-6-2014, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố năm (05) bằng chứng CSVN đã nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Tài liệu nầy được viết bằng tiếng Anh và được Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc (China Radio International -CRI) dịch qua tiếng Việt. Năm bằng chứng đó là:

1) Ngày 16-5-1956, trong buổi tiếp đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội là Lý Chí Dân, thứ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nam là Ung Văn Khiêm đã nói: “Căn cứ vào những tư liệu của Việt Nam và xét về mặt lịch sử, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là thuộc về lãnh thổ Trung Quốc“. Vụ trưởng Á châu vụ Bộ Ngoại giao Bắc Việt Nam Lê Lộc còn tiếp lời: “Xét từ lịch sử, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa đã thuộc về Trung Quốc ngay từ đời Nhà Tống”.
2) Công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958.
3) Tuyên bố của Bắc Việt Nam ngày 9-5-1965 về việc quân Mỹ lập khu tác chiến ở Việt Nam, có đoạn viết: “Việc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xác định toàn cõi Việt Nam và vùng ngoài bờ biển Việt Nam rộng khoảng 100 hải lý cùng một bộ phận lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoà là khu tác chiến của lực lượng vũ trang Mỹ”, đây là đe dọa trực tiếp “đối với an ninh của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước láng giềng”.
4) Tập Bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Bắc Việt ấn hành tại Hà Nội năm 1972, ghi tên hai quần đảo quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng hai địa danh do Trung Quốc đặt là Tây Sa và Nam Sa.
5) Cuối cùng là sách Địa lý lớp chín phổ thông toàn tập của nhà xuất bàn Giáo Dục, Hà Nội, 1974, trong chương “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”, mục “Điều kiện tự nhiên”, ở trang 4, có đoạn viết: “Vòng cung đảo từ các đảo Nam sa, Tây sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn … làm thành một bức “trường thành” bảo vệ lục địa Trung Quốc. (Hiện nay, Đài loan và các đảo xung quanh còn bị đế quốc Hoa kỳ và bọn tay sai Tưởng Giới Thạch chiếm giữ, đấy là một mối đe dọa đối với nền an ninh của Trung quốc, của Viễn đông và miền tây Thái bình dương). (Dân Làm Báo, trích ngày 13-6-2014) (Xin mời vào Google.com, dùng tiếng Việt đánh chữ khóa “Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố 5 bằng chứng về Hoàng Sa và Trường Sa”, thì có nhiều thông tin về vụ việc nầy.)

Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố năm bằng chứng CSVN nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc theo trong kế hoạch từng bước rất lớp lang của đảng CSTQ. 
 
Đầu tiên, sau khi Trung Quốc cắm giàn khoan 981 ở vùng biển Hoàng Sa và bị dân chúng Việt Nam biểu tình dữ dội, đồng thời bị nhà cầm quyền CSVN lên tiếng phản đối, thì CSTQ cho người đưa ra công hàm Phạm Văn Đồng (bước thừ nhứt). Nhà cầm quyền CSVN một mặt cấm biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước, một mặt thủ tướng CSVN lên tiếng đòi kiện Trung Quốc để vuốt ve tự ái dân chúng, thì CSTQ đưa ra vụ sách giáo khoa (bước thứ hai). Cộng sản Việt Nam vẫn còn hậm hực, chưa chịu yên, thì bộ Ngoại giao Trung Quốc bồi thêm đòn thứ ba, đưa ra năm bằng chứng kể trên.

Cách thức đe dọa của Trung Quốc từ từ theo liều lượng nặng dần dần, và ngang đây bắt đầu có hiệu lực. Trước những bằng chứng do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra ngày 8-6-2014, lần nầy Bộ chính trị đảng CSVN đành im lặng, nhà nước CSVN im lặng, quốc hội Việt Nam do đảng CSVN kiểm soát im lặng. Các quan chức cao cấp; tổng bí thư đảng CSVN, chủ tịch nước CSVN, chủ tịch Quốc hội CSVN, thủ tướng CSVN cũng tịnh khẩu, không nói năng thêm gì nữa. Báo chí trong nước và các web trong nước có lẽ được lịnh của nhà nước CS cũng im lặng. Thật là một sự im lặng tuyệt đối từ trên xuống dưới.

Các nhà lãnh đạo đảng CSVN phải im lặng vì há miệng mắc quai, và nếu không im lặng thì CSTQ chắc chắn sẽ tung thêm ngón đòn thứ tư độc địa hơn nữa. Đó là“Kỷ yếu hội nghị đồng thuận bình thường hóa quan hệ hai nước”, ký kết tại Hội nghị Thành Đô (Chengdu), thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) vào ngày 4-9-1990, giữa đại diện đảng CSVN gồm có Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng và đại diện đảng CSTQ gồm có Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Lý Bằng (Li Peng). 
 
Hai bên cam kết giữ bí mật nội dung văn bản nầy, nhưng nếu đảng CSVN không tôn trọng những điều đã bí mật cam kết, thì đảng CSTQ không có lý do gì mà giữ bí mật văn bản nầy nữa. Cho đến nay, người Việt Nam chưa biết nội dung văn bản Thành Đô, nhưng chắc chắn đảng CSVN đã cam kết những điều gì đó để được Trung Quốc giúp đỡ nhằm duy trì quyền lực của đảng CSVN, dầu có hại cho đất nước. Đây cũng có thể là một văn tự bán nước sau công hàm Phạm Văn Đồng, vì bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đều rất thất vọng, chán nản, nhưng chỉ nói xa nói gần chứ không dám nói thẳng ra. Kết quả là một người bị cất chức, còn người kia xin từ chức vì không muốn liên hệ đến tội phản quốc.

Có một điều lạ nữa là ngay sau công bố ngày 8-6-2014 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì khoảng gần 2 giờ sáng ngày 9-6-2014, Xí Nghiệp Bản Đồ Đà Lạt (XNBĐĐL) bị cháy nặng nề, tiêu hủy một phần ba (1/3) tòa nhà đồ sộ làm khu văn phòng, xưởng chế bản, hệ thống máy tính…

Xí Nghiệp Bản Đồ Đà Lạt thuộc Bộ Quốc phòng CSVN, số 14 đường Yersin Đà Lạt. Trụ sở xí nghiệp nầy được xây dựng năm 1939 và hoàn thành năm 1943 thời còn Pháp thuộc, tường dày, rất kiên cố. Trước năm 1975, đây là Nha Địa Dư Quốc Gia-Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Báo chí trong nước đưa tin nầy sáng 9-6-2014, và cho biết thượng tá Vũ Đình Hợi, giám đốc Cục Bản Đồ Đà Lạt, tuyên bố rằng: “Những tài liệu quan trọng liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia đã được chuyển giao Bộ Quốc phòng quản lý… Sau trận hỏa hoạn mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Vị trí xảy ra vụ hỏa hoạn là nơi làm việc của nhân viên, không phải nơi lưu trữ như dư luận đồn đoán…”

Ông giám đốc nói thế là đúng sách vở, chứ không lẽ ông giám đốc lại thú nhận là đã cháy nhiều tài liệu quý hiếm lưu trữ trong XNBĐĐL? Một câu hỏi được đặt ra là tại sao XNBĐĐL lại cháy ngay sau ngày Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố 5 bằng chứng bán nước của đảng CSVN, và cháy vào buổi khuya chẳng có người làm việc? Cháy do tai nạn hay do phá hoại? Ai là kẻ gây ra tai nạn hay chủ mưu phá hoại? Phá hoại để làm gì? Phải chăng phá hoại nhắm tiêu hủy tài liệu gốc về bản đồ? Liệu những tài liệu gốc về bản đồ vùng biên giới Việt Nam Trung Quốc và về bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa có bị cháy chưa? Không ai có thể xác minh điều nầy trừ chính đảng CSVN.

Một điều đặc biệt nữa là từ năm 1960, nghĩa là hai năm sau công hàm Phạm Văn Đồng, và cùng một năm đảng Lao Động (tức đảng CSVN) tuyên bố quyết định tấn công VNCH, thì phủ thủ tướng Hà Nội nhận người do Trung Quốc gởi sang làm chuyên gia cho Cục Đo đạc và Bản đồ. Hồ sơ lưu trữ thấy có một người tên là Trương Hồng Kiên làm chuyên gia tại Cục Đo đạc và Bản đồ. Nói cách khác, từ năm 1960, chuyên viên Trung Quốc đã nằm vùng trong Cục Đo Đạc và Bản đồ ở Hà Nội. Sau đây là giấy chứng nhận của phủ thủ tướng Hà Nội:

Sự hiện diện của chuyên gia Trung Quốc tại Cục Đo đạc và Bản đồ có liên hệ gì đến việc thực hiện các bản đồ trong tập Bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Bắc Việt ấn hành tại Hà Nội năm 1972, ghi tên hai quần đảo quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng hai địa danh do Trung Quốc đặt là Tây Sa và Nam Sa? Và có liên hệ gì đến sách Địa lý lớp chín phổ thông toàn tập của nhà xuất bàn Giáo Dục, Hà Nội, 1974 không? Có chuyên viên Trung Quốc khi XNBĐĐL bị cháy sáng sớm 9-6-2014?


Trở lại với công bố ngày 8-6-2014 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì chúng ta cần tách bạch làm hai phần rõ rệt:


1) Phải thẩm định lại giá trị của các tài liệu nầy, ví dụ bản công bố nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời nhà Tống là điều hoàn toàn phi lý, vì cho đến năm 1974, VNCH vẫn còn quản lý hai quần đảo nầy. Trung Quốc đem hạm đội đến đánh cướp ngày 19-1-1974. Tập Bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Bắc Việt ấn hành tại Hà Nội năm 1972, và sách Địa lý lớp chin phổ thông toàn tập là của Bắc Việt Nam, chứ không phải của Nam Việt Nam tức VNCH. Trước năm 1974, Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc tổ chức hành chánh của VNCH và không bao giờ có tên Tây Sa và Trường Sa. 


 2) Dù đúng hay sai, bốn bằng chứng sau do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra gồm công hàm Phạm Văn Đồng, tuyên bố ngày 9-5-1965 của Bắc Việt cộng sản, tập Bản đồ thế giới năm 1972, và sách Địa lý lớp chín phổ thông toàn tập năm 1974 của Bắc Việt Nam là chuyện giữa nhà nước CSVN Bắc Việt Nam với Trung Quốc, chứ không phải của nhân dân Việt Nam. Phải tách nhân dân Việt Nam ra khỏi chuyện nầy vì nhân dân Việt Nam luôn luôn xem Hoàng Sa và Trường Sa là di sản do tổ tiên để lại, là lãnh thổ Việt Nam.


Bốn bằng chứng nầy cho thấy ĐẢNG CSVN CHỦ TRƯƠNG BÁN NƯỚC CÓ KẾ HOẠCH từ thời Hồ Chí Minh cho đến ngày nay, và cũng cho thấy rằng HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG CSVN CHẲNG YÊU NƯỚC mà họ chỉ lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, hy sinh xương máu của nhân dân Việt Nam nhằm thỏa mãn cuồng vọng quyền lực của đảng CSVN và để phục vụ cho sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, mà đại diện là Liên Xô và Trung Quốc, như Lê Duẫn đã có lần xác nhận với đám cận thần sau khi cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”.


Vì vậy, cuộc chiến tranh ba mươi năm (1946-1975) do CSVN hai lần gây ra là cuộc chiến hoàn toàn phi lý, không có chính nghĩa và chỉ là cuộc chiến ý thức hệ để thiết lập một chế độ độc tài toàn trị, và nhất là nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc. Việc CSVN nhượng đảo, nhượng biển cho Trung Quốc càng làm sáng lên chính nghĩa quốc gia, dân tộc và nhân bản của các chính thể Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa, dầu các chính thể nầy chưa được hoàn hảo, nhưng luôn luôn bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ do tổ tiên để lại.

Trước đây, khi bất cứ ai tố cáo CSVN bán nước thì đảng CSVN, báo chí CSVN, và cả những người thiên tả, những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản đều phản bác lại, cho rằng đó là luận điệu tuyên truyền chống nhà nước “cách mạng” CSVN. Bây giớ, với bằng chứng rành rành như thế nầy, thì không còn chối cãi gì nữa. Vì vậy, đã đến lúc toàn dân dân Việt Nam phải có thái độ dứt khoát rõ ràng với chế độ CSVN vì không thể để cho CSVN tiếp tục phản dân hại nước.


Trước hết, là những người yêu nước đã lên đường năm 1945, đi theo “cách mạng” vì lầm tin chủ nghĩa cộng sản, lầm tin vào đảng CSVN, đã trọn đời hy sinh vì một lý tưởng xấu, để rồi cuối cùng bị phản bội một cách trắng trợn. Những tội lỗi của chế độ CSVN có phần trách nhiệm của quý vị vì chính quý vị đã dày công xây dựng chế độ nầy. Xin quý vị ít nhất vào cuối đời, quý vị hãy lên tiếng để bày tỏ cho con cháu biết rõ sự thật, giúp con cháu khỏi bị một lần nữa lầm đường lạc lối như thế hệ quý vị năm 1945.


Những thức giả (chứ không phải là trí thức) dưới chế độ CSVN hiện nay, như những sĩ quan quân đội, những giáo sư đại học, những chuyên viên các ngành, những nhà nghiên cứu, các văn thi sĩ, các nhà bình luận, ký giả báo chí; xưa nay quý vị lơ là với tình hình đất nước, và làm thinh cộng sinh với chế độ CSVN, nay chắc chắn hơn ai hết, quý vị biết rõ CSVN bán nước, hại dân, thì quý vị còn chờ đợi gì nữa mà chưa ly khai với đảng CSVN? Quý vị tiếp tục cộng sinh với đảng CSVN là quý vị tiếp sức cho CSVN gây họa cho tương lai đất nước.


Những sinh viên thiên tả thời VNCH, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, ở Đại học Sài Gòn cũng như Đại học Huế, biểu tình rầm rộ chống chính thể VNCH trong thập niên 60 và 70, nay trước những bằng chứng phản quốc cụ thể của CSVN, sao quý vị không xuống đường như thời VNCH, và quý vị cũng chẳng lên tiếng tý nào, nghĩa là làm sao? Hãy can đảm tiếp nối hành động cuối đời của ông Lê Hiếu Đằng, để chuộc lại


Không ai có thể trách các thế hệ trẻ ngày nay, vì từ năm 1974, các anh chị em đã bị CSVN nhồi sọ rằng Tây Sa và Nam Sa là của Trung Quốc, các anh chị em đâu có biết Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở đâu? Vì vậy giới du học sinh Việt Nam từ trong nước ra ngoài du học, trong các ngày gần đây đi biểu tình chống Trung Quốc sau vụ giàn khoan 981, vì lòng yêu nước của anh chị em, chứ anh chị em đâu có biết chuyện Hoàng Sa và Trường Sa. Các anh chị em cũng không biết là cái lá cờ đỏ mà các anh chị em vác trên vai đi biểu tình chống Trung Quốc, chính là lá cờ của chế độ đã nhượng Hoàng Sa và Trường Sa của tổ quốc cho Trung Quốc từ lâu rồi. Các anh chị em nghĩ sao về các bằng chứng do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra? Anh chị em hãy thử đặt câu hỏi với các tòa đại sứ CSVN vể các bằng chứng nầy, và thêm một câu hỏi nữa là tại sao trong nước cấm biểu tình chống Trung Quốc mà ở Hải ngoại, các tòa đại sứ CSVN lại ra lịnh du học sinh vác cờ đi biểu tình?


Các anh chị em theo dõi, quan sát sự im lặng nhịn nhục của lãnh đạo đảng CSVN trước công bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-6-2014, chắc chắn anh chị em đã hiểu nội tình rồi. Các anh chị em đừng để cho CSVN lợi dụng làm con cờ thí cho CSVN. Các anh chị em là những người ra nước ngoài học hành, hiểu nhiều, biết rộng, vậy hãy thức tỉnh và hãy đoạn tuyệt với CSVN ngay từ bây giờ để sau nầy khỏi hối hận. Các bậc cha chú, các bậc đàn anh của anh chị em đã hy sinh cho một lý tưởng xấu. Các anh chị em đừng phục vụ cho một chế độ xấu.


Tình trạng đảng CSVN ngày nay không còn có thể cứu vãn được nữa. Cứu vãn cũng vô ích. Chủ nghĩa CS đã bị dẹp bỏ từ mấy chục năn nay ở ngay đất nước của Marx, của Lenin, của Stalin. Chủ nghĩa CS bây giờ chỉ là cái vỏ bọc của những chế độ độc tài tàn bạo như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên. Chủ nghĩa CS bây giờ ở Việt Nam chỉ gồm những tên tay sai của Bắc Kinh từ thời kẻ sáng lập là Hồ Chí Minh. Đã ký văn tự bán nước thì không còn lý do gì mà chống chế với Trung Quốc.

Nếu còn đảng CSVN thì còn làm tay sai cho Trung Quốc, còn những mật ước giữa CSVN với Trung Quốc mà nhân dân Việt Nam không biết đâu mà lường trước được. Việt Nam chúng ta muốn chấm dứt tình trạng nầy, thì nhân dân Việt Nam phải xóa sổ chế độ CSVN, để chấm dứt những cam kết bí mật của chế độ nầy với Trung Quốc.


Khi nhân dân Việt Nam không thừa nhận chế độ CSVN, chứng tỏ nhân dân Việt Nam cũng không thừa nhận những cam kết bán nước của chế độ CSVN. Lúc đó, mới có thể nói chuyện đòi đất, đòi biển trở lại. Đã đến lúc những đảng viện CSVN phải đánh giá lại đảng CSVN và ly khai đảng nầy. Đã đến lúc các thức giả trong nước phải đoạn tuyệt với chế độ CSVN để khỏi mang tội đồng lõa với phản quốc. Đã đến lúc thanh niên sinh viên Việt Nam phải tranh đấu để xóa sổ chế độ CSVN để xây dựng một tương lai tười đẹp hơn. Đã đến lúc nhân dân Việt Nam phải dứt khoát hành động! Nếu không, thời kỳ bắc thuộc đen tối đang chờ đợi Việt Nam.
 
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)