Bản đồ Nhà Thanh
do Hoàng đế Khang Hi sai vẽ
xác định cương vực của Trung Quốc
chấm dứt ở Đảo Hải Nam
Tóm tắt: Cương vực Trung Quốc là nơi hoàng đế Trung
Quốc thực sự có chủ quyền và kiểm soát, như thu thuế, cử quan lại cai trị. Các
vùng chỉ nằm dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc và chịu triều cống không phải
thuộc cương vực chủ quyền của họ. Cách dễ nhất để coi đâu là cương vực chính
thức của Trung Quốc là xem xét chính sử hoặc các bản đồ cương vực được Hoàng đế
Trung Quốc cho chính thức xuất bản. Những sử liệu và bản đồ địa lý này là tài
liệu chính thức của quốc gia, có giá trị quốc tế mà Trung Quốc có thể dùng để
xác định vùng đất nó có chủ quyền.
Bài viết này chỉ nhằm xác định một sự kiện là Hoàng đế Khang Hi
(康熙 Kangxi) đã sử dụng giáo sĩ dòng tên phương Tây đi khắp nơi đo đạc địa hình
và vẽ bản đồ chính thức cương vực Triều Thanh; công việc này tốn mất gần 10 năm
và kết quả là đã việc xuất bản bản đồ cương vực Trung Quốc có tên là Hoàng
dư toàn lãm đồ (Huangyu quan lan tu皇輿全覽圖) vào năm 1717. Theo bản
đồ này cương vực phía đông nam Trung Quốc chấm dứt ở Đảo Hải Nam. Đây là điểm
đóng góp mới vì từ trước đến nay khi nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều
người kể cả tác giả bài viết này đã trưng ra được bản đồ nhà Thanh nhưng đều là
bản đồ không rõ xuất xứ và không phải là chính thức. Ngày 28 tháng 3 vừa qua,
Thủ Tướng Đức Merkel đã tặng chính bản sao vẽ của Jean-Baptiste Bourguignon
d'Anville của tấm bản đồ và được in tại Đức năm 1735 trên cho Chủ tịch nước Tập
Cận Bình khi ông thăm viếng Trung Quốc.[1]
Giới thiệu
Trước năm 1909 khi phái Lý Chuẩn 李 準 ra Hoàng Sa[2] chính quyền vua chúa Trung Quốc đã
không coi đảo và biển ĐNA vượt qua phía Nam đảo Hải Nam là thuộc họ. Các chúa
Nguyễn và sau này là vua Gia Long, Hoàng Sa đã là nơi vua chúa Việt Nam sai lính
ra đó thường xuyên được ghi lại trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúi Đôn (viết
khoảng khoảng giữa 1776-1784) [3] ,
ghi lại trong chính sử năm 1848[4],
và được người nước ngoài ghi lại tuyên bố của vua Gia Long trong bài viết xuất
bản năm 1837[5] nhưng không thấy có
sự phản đối nào từ phía Trung Quốc.
Rất ngạc nhiên là nhiều học giả Trung Quốc đã không sử dụng
chính sử hay bản đồ chính thức của các triều đại Trung Quốc, đặc biệt là triều
đại cuối cùng là Nhà Thanh, để xác định đâu là cương vực chính thức của Trung
Quốc; họ chỉ sử dụng những các tài liệu ghi chép của những nhà du lịch, thám
hiểm có dịp đi qua và thường chỉ là ghi chép những điều được nghe kể lại.
Học giả Trung Quốc Teh-Kuang Chang[6] đã sử dụng những cuốn sách khảo luận hoặc du lịch viết bởi hay viết lại sau khi nghe thủy thủ và các nhà thám hiểm Trung Quốc nói. Các sách mà ông ta đề cập tới trong bài là sách của người du lịch và thám hiểm gồm:
“Mộng Lương lục/ Meng Liang Lu (Record of a
Day-Dreamer) thời nhà Tống, Đảo Di chí lược/ Dao Yi Zhi Lu (Brief Account
of the Islands) thời nhà Nguyên, Đông Tây dương khảo/ Dong Xi Yang Kao
(Studies on the Oceans East and West) và Thuận phong tương tống/ Shun Feng Xiang
Song (Fair Winds for Escort) thời nhà Minh, Chỉ nam chính pháp/ Zhi Nan
Zheng Fa (Compass Directions) và Hải Quốc văn kiến lục/ Hai Guo Wen Jian Lu
(Records of Things Seen and Heard About the Coastal Regions) thời nhà
Thanh (Qing dynasty) và Canh lộ bạc [bộ] / Geng Lu Bu (Manuals of Sea Routes)
sách hướng dẫn cho dân chài của nhiều thế hệ.”
Học giả Trung Quốc Jian Ming Shen,[7] người đã tự nhận là có ảnh hưởng đến việc viết Tuyên bố năm 2000 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã khám phá ra đảo và biển Đông Nam Á từ thời nhà Hán,[8] đã trích lời giáo sư Wu Fengbin của Đại học Hạ Môn, người đã dùng các bản đồ hay những cuốn sách sau như là chứng cứ: Thanh giáo quảng bị đồ (Shengjiao Guang beitu, 聲教廣被圖, Map of the Vast Reach of [China's Moral] Teaching, 1330), Dư địa đồ (Yudi Tu, 與地圖, Terrestrial Map-bản đồ vùng đất thêm vào, 1311-1320) do nhà đạo học Zhu Siben (朱思本) vẽ, Đông nam hải di đồ (Dongnan Hai Yi Tu, 東南海夷圖, Map of Barbarians in the Southeast Sea (bản đồ của người man di ở Biển Đông Nam Á), Tây nam hải di đồ, Xinan Hai Yi Tu, 西南海夷圖, Map of the barbarians in the Southwest Sea-bản đồ của người man di ở Biển Tây Nam Á). Một số bản đồ này với chữ Yi (夷), chư phiên (zhufan, 諸番) và thiên hạ (tianxia, 天下) là nói về người nước ngoài; còn bản đồ phát triển ảnh hưởng của đạo đức Trung Quốc hoặc về vùng đất thêm cũng là bản đồ nói về các nước ngoài cương vực Trung Quốc. Và tất cả những bản đồ nói đến ở trên được dùng làm chứng cứ là đều do cá nhân vẽ, không thuộc chính sử. [9]
Vậy để xác định việc Trung Quốc trước đây có xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc họ không, cần xem xét sử nhà Minh (1368–1644), nhà Thanh (1644–1912) và bản đồ chính thức của hai triều đại này vì theo qui định được Tòa án Công lý Quốc tế xác định năm 1933 là: “một yêu sách chủ quyền dựa trên cơ sở sự liên tục hành xử chủ quyền gồm có hai yếu tố, và phải chứng tỏ được từng yếu tố có sự hiện diện: ý định và ý chí hành động như một chủ thể, và một số hành xử và bày tỏ thực tiễn quyền làm chủ đó.”[10] ”yêu sách chủ quyền không trên cơ sở luật hay quyền được trao như hiệp ước nhượng địa mà chỉ dựa vào việc liên tục biểu lộ quyền lực liên quan đến hai yếu tố phải có: ý định và ý chí thực hiện chủ quyền, và một số thực hiện hay biểu lộ thực sự chủ quyền đó.”[11] Ý định, ý chí và hiệu lực thực hiện chủ quyền ít nhất phải được xác định trong sử và tài liệu chính thức.
Lịch sử triều Minh (1368–1644) và triều Thanh (1644–1912) đều cho thấy cương vực Trung Quốc chấm dứt ở Đảo Hải Nam; họ đã không màng đến khu vực biển Đông Nam Á vượt ngoài Hải Nam, như vậy thì họ không thể cho rằng đấy là khu vực lịch sử đã lâu đời thuộc về mình được. Các tài liệu do công dân đi qua, nhìn thấy và ghi lại ở những tài liệu dụ ký ghi chép cá nhân không cho phép quốc gia của người công dân đó coi đó mà minh chứng cho chủ quyền quốc gia họ ở đó. Vào thời nhà Thanh, Đảo Hải Nam gồm Quỳnh Châu (Qiongzhu, 瓊州) và Châu Nhai (Zhuya 珠崖) sau hợp lại thành tỉnh Quỳnh. Như vậy vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong cương vực Trung Quốc. Đây là thời gian ở Việt Nam, Chúa Nguyễn (1558 – 1777) và Nhà Nguyễn Việt Nam (1802-1862)[12] đã hành xử chủ quyền liên tục ở đó mà không bị Trung Quốc phản đối.
Trong trường hợp Việt Nam, như đã nói ở trên hoạt động của các chúa Nguyễn ở Hoàng Sa đã được Lê Quí Đông ghi trong Phủ Biên Tạp Lục khoảng giữa 1776-1784 và việc Vua Gia Long tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa và được Taberd ghi lại và xuất bản năm 1837, các hoạt động sau của các Vua sau Gia Long đều được ghi trong chính sử. Những yếu tố trên đã xác định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa theo đúng luật quốc tế nói ở trên.
Xem xét bản đồ chính thức thời nhà Thanh
Như đã nói có rất nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc được xuất bản
ở Trung Quốc cho đến cuối đời nhà Thanh là đế quốc cuối cùng đều không có ghi
nhận Hoàng Sa hay Trường Sa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng bản đồ được
trình bày dưới đây là bản đồ do chính Hoàng đế Khang Hi thời nhà Thanh
(1644-1912) thuê các giáo sĩ phương Tây đo đạc, vẽ và mất 10 năm mới thoàn
thành. Chính vì thế mà mục đích của bài viết này là nhằm xem xét cụ thể tấm bản
đồ này. Có thể nói đây là lần đầu tấm bản đồ này được xem xét với mục đích xác
định cương vực của Trung Quốc.
Theo bài viết Traditional Chinese Cartoghraphy and the Myth of Westernization (Kỹ thuật vẽ bản đồ theo truyền thống Trung hoa và huyền thoại về tây phương hóa) của Cordell D.K. Yee,[13] thì trước khi giáo sĩ dòng Tên (Jesuit) Matteo Ricci (1552-1610) và Michelle Ruggieri (1543-1607) đến Quảng đông năm 1583 truyền đạo, người Trung Quốc đã biết dùng cách kẻ ô để vẽ thể hiện khoảng cách trên bản đồ nhưng vẫn chưa biết trái đất không phẳng mà là hình cầu, và chưa biết dùng hệ thống Ptolemaic để diễn đạt.[14] Giáo sĩ Metteo Ricci là người giới thiệu kỹ thuật vẽ chính xác của phương Tây vào Trung Quốc và coi việc đó là phương cách truyền đạo. Ricci đã vẽ lại bản đồ Trung Quốc dựa vào thông tin của Trung Quốc nhưng dùng nguyên tắc vẽ của phương Tây. Những tấm bản đồ này chỉ là chép lại thông tin đã có chứ không dựa vào đo đạc địa hình. Một số người ở Trung Quốc thích thú đã cho khắc in lại, nhưng lại sửa theo cách nhìn nghệ thuật của họ vì giới trí thức coi bản đồ là một vật phẩm nghệ thuật như tranh vẽ và thư họa chứ không coi là khoa học chính xác. Ngay cả Ricci cũng sửa lại địa thế để đặt Trung Quốc nằm ở giữa bản đồ thế giới có lẽ nhằm làm người Trung Quốc hài lòng. Khang Hi (康熙 Kangxi) mới là vị vua để ý đến khoa học phương Tây, như toán học, thiên văn học, cho xây đài thiên văn năm 1644, và quyết định chính thức dùng lịch phương Tây từ 19 tháng 10 1644 vì nó chính xác hơn. Chỉ đến năm 1698 khi các giáo sĩ dòng tên đề nghị Khang Hi cho đo đạc địa hình trung Quốc để vẽ bản đồ vì cho rằng các bản đồ cũ không chính xác và thậm chí sai lạc. Như thế, có thể nói bản đồ theo phương pháp phương Tây được nhà vua sai vẽ chỉ thực sự ra đời do lệnh của Khang Hi.[15]
Cũng theo Cordell D.K. Yee, năm 1698, vào thời vua Khang
Hi (康熙 Kangxi) nhà Thanh, sau khi nghe linh mục dòng Tên (Jesuit) Dominique
Parenin (1665-1759) đề nghị điều tra, đo đạc để vẽ lại bản đồ Trung Quốc vì bản
đồ châu (prefecture), huyện (county, thị (city) lúc đó có nhiều sai sót, Khang
Hi đã yêu cầu Joachim Bouvet (1656-1730) về Pháp kiếm những người có hiểu biết
về thiên văn, toán, địa lý và đo đạc địa hình đem sang Trung Quốc để giúp vẽ lại
bản đồ. Ông này trở về Trung Quốc mang theo 10 người. Sau đó, vua sai vẽ:
Năm 1705 vẽ Tianjin (Thiên Tân 天津), hoàn thành trong 70
ngày.
Năm 1707 vẽ vùng chung quanh Bắc Kinh hoàn thành trong 6
tháng.
Năm 1708 vẽ Vạn lý trường thành, hoàn thành vào năm 1709.
Vua nhà Thanh sau khi thử nghiệm như thế thấy rằng cách vẽ của
Tây phương hơn hẳn cách vẽ bản đồ truyền thống của Trung Quốc nên đã tin cậy
giao cho giáo sĩ dòng Tên vẽ bản đồ cả nước. Bản đồ cả nước này hoàn thành năm
1717 có tên là Hoàng dư toàn lãm đồ (Huangyu quan lan tu
皇輿全覽圖).
Bản đồ này có lịch sử in ấn phức tạp.
Bản 1717 vẽ theo tỷ lệ từ 1: 4000.000 đến 1: 5000.000, in bằng khắc gỗ có 28 tờ bản đồ. Bản đồ có Mông cổ và Mãn châu (manzhou 满洲),[16] phía đông Hami (哈密) ở Tân Cương, nhưng không có Tây Tạng (Xizang 西藏) và Tân Cương (Xin Jiang 新疆) bởi vì bản vẽ do nhóm tới Tây Tạng vẽ không được dùng vì không theo đúng tọa độ và lại có nhiều chỗ sai, còn ở Tân Cương có loạn chính quyền không kiểm soát được nên không thể sai người tới đo đạc địa dư. Mãi đến năm 1755 nhà Thanh mới hoàn thành được việc điều tra, đo đạc Tân cương. [17]
Bản 1719 vẽ theo tỷ lệ 1: 1.4000.000, in bằng bản khắc đồng do chính giáo sĩ Matteo Ripa thực hiện. Bản đồ này đã có thêm Tây Tạng và phía tây nam tới Mount Everest.[18] Bản này theo Cordell D.K. Yee còn được lưu giữ ở Thư viện Anh (British Library) và Thu viện Đại học Napoli, Ý (Instituto Universitario Orentale di Napoli).[19] Theo trả lời của thủ thư Thư Viện Anh, bản đồ này có tên là “Matteo Ripa map of China in năm 1719. Bản in này dựa theo đo đạc của các giáo sĩ Dòng tên từ 1708 đến 1716. Thư viện Anh hiện có bản in, gọi là K.top. 116.15, 15a. 15b.2 (K.Top là viết tắt của King's Topographical collection).”[20] Bản in có 3 cuộn. Cuộn 1 là phía bắc và đông. Cực đông là Cao Ly. Cực tây là sa mạc Arena. Có ranh giới Tartaria. Không ghi rõ có Tây Tạng, Tân Cương. Ở tấm lớn nhất này có các tỉnh như: Scen Si (Thiểm Tây), Svcciuen, Honan (Hồ Nam), Scian Si (Sơn Tây), Hu quang (Hồ Quảng), Nan King (Nam Kinh), Pe King (Bắc Kinh), Scian tung (có thể là Sơn Đông), Leao Tung (liêu đông). Không có thêm tỉnh nào nữa. Cuộn 2 là phía nam nhưng lại không ghi rõ tỉnh Quảng đông và Vân nam. Chỉ ghi Nanchino. Cực đông ở cuộn này là đảo Đài Loan (Isola Taiwan). Cực đông nam là đảo Hải Nam (Isola Hainan). Cuộn 3 chung chung, không thấy ghi tên tỉnh, không có địa giới rõ ràng, có thể là vùng đất phụ cận với Trung Quốc.[21]
Hoàng dư toàn lãm đồ này cũng được nhắc đến trong
Thanh sử cảo (Qing shi gao清史稿) như sau: “Vào năm Khang Hi thứ 58, toàn
đồ được hoàn thành. Đây là bản đồ toàn diện, gồm 32 tờ. Có riêng bản đồ từng
tỉnh, mỗi tỉnh một tờ.”[22]
Thanh sử cảo mặc dù không hoàn toàn là chính sử vì nó được hoàn thành vào năm
1927 sau khi nhà Thanh đã đổ, nhưng nó được vua nhà Thanh chính thức sai soạn
thảo nên có thể coi là chính thức.
Bản in bằng khắc gỗ 1721 theo tỷ lệ 1:1.200.000,
cũng có tất cả 32 tờ, mỗi tỉnh một tờ, giống như bản 1719. Bản này cũng giống
bản 1719. Bản in gỗ này được mấy linh mục dòng tên gửi về châu Âu và được dùng
làm cơ sở cho quyển sách Description, géographique, historique,
chronologique, politique, et physique de l'empire de la Chine (1735) của Du
Halde và quyển Nouvel atlas de la chine của J.B. Bourguignon.
Năm 1726,[23]
hoàn thành Cổ kim đồ thư tập thành (古今圖書集成 Gujin tushu jicheng,
Complete collection of book and illustrations, past, present) có 216 bản đồ của
bản đồ khu vực hành chính (行政区画 hành chính khu hoạ) nhưng không có Mông
Cổ và Tibet. Các bản đồ này giống như bản đồ được giáo sĩ dòng Tên hoàn thành
nhưng bỏ đi đường vĩ tuyến và kinh tuyến, và nói chung là kết hợp cách vẽ đơn
giản của truyền thống Trung Quốc và nguyên tắc vẽ khoa học của phương tây. Điều
này cho thấy cách vẽ của phương Tây vẫn chưa hoàn toàn cắm rễ ở Trung Quốc vào
lúc đó. Cổ kim đồ thư tập thành được chính quyền nhà Thanh in năm
1728 là sách bách khoa 5.020 tập, gồm các minh họa và trước tác từ thời sớm nhất
đến thời cận đại được soạn dưới thời Khang Hi (Kangxi 康熙) và Ung
Chính (Yongzheng 雍正).
Người thực hiện đầu tiên là Trần Mộng Lôi (Chen Menglei 陳夢雷 và được Tưởng Đình
Tích (Jiang tingxi 蒋廷锡) tiếp tục.
Sách bách khoa này gồm 800.000 trang và chứa 100 triệu chữ. Đề tài gồm từ các
hiện tượng tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn chương và chính phủ. Số bản in chỉ có
60.[24] Một trong những người
trong hoàng gia trông coi soạn là anh em của Ung Chính.
Bản đồ cả nước được in lại trong Traditional Chinese
Cartoghraphy and the Myth of Westernization của Cordell D.K. Yee như đã
nói ở trên, hình FIG. 7.8 trang 183. Hình này cho thấy Trung Quốc chấm dứt về
phía đông nam bằng đảo Hải Nam.
Bản điện tử chụp từ bản chính được giữ ở Thư viện Anh do
Thư viện cung cấp[25]
Có thể coi thêm hình chụp lại Hoàng
Dư toàn lãm đồ 皇輿全覽圖 ở phía dưới. Đây là
bản đồ được quảng cáo trên mạng tiếng Trung.[26] Rõ ràng Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam.
Khang Hi toàn lãm đồ 康熙全覽圖
(Hoàng dư toàn lãm đồ皇輿全覽圖)
Bản đồ Hoàng dư toàn lãm đồ này là cơ sở cho
những bản đồ khác được xuất bản sau đó ở Trung Quốc mà nguồn gốc tác giả và có
khi cả nhà xuất bản cũng không rõ. Dưới đây là một số bản đồ được giữ ở các thư
viện phương Tây có thể tham khảo qua mạng, tất cả đều cho thấy Trung Quốc hay
tỉnh Quảng Đông không có Hoàng sa hay Trường sa:
1. Hoàng dư toàn lãm phân tỉnh đồ
(皇與全覽分省圖 Huang yu quan lan fen sheng tu)
được lưu giữ ở Thư viện Quốc hội Mỹ (US Libary of Congress): Bản đồ
này có thể coi trên mạng. [28]
Tập bản đồ này có bản đồ tỉnh Quảng Đông nhưng tỉnh Quảng Đông chỉ có Đảo Hải
Nam và không có đất đai nào khác ở phía đông nam. Bản đồ này chứa trong một túi
riêng, được tặng cho Thư viện Quốc hội Mỹ vào năm 1884, và ghi năm xuất bản là
1693. Cách vẽ rõ ràng theo nguyên tắc tây phương, không thể có trước khi Khang
Hi yêu cầu giáo sĩ vẽ từ năm 1705. Năm xuất bản ghi 1693 chắc là lầm lẫn. Bản đồ
phải được vẽ sau 1717, sau khi Hoàng dư toàn lãm đồ ra đời và có vẻ là bản copy.
2. Đại Thanh nhất thống toàn đồ
(大 清一
統全 圖 Da
qing yi tong quan tu), hiện đang lưu giữ ở Thư viện Quốc
gia Úc[29] mà tác giả bài viết
này tìm ra trên mạng và đã đưa cho nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo nghiên cứu thêm[30]. Bản đồ này, dựa theo phân tích
của Cordell D.K Yee (đã nhắc đến ở trên) cũng như bản đồ trong Cổ kim đồ
thư tập thành chỉ là bản sao chép của bản đồ chính thức Hoàng
Dư toàn lãm đồ nói đến ở trên, không có
hai tỉnh Tân cương và Tây Tạng, nhưng được vẽ theo lối kết hợp giữa phương Tây
và Trung hoa. Bản đồ này gồm 12 phần riêng, phần 1 là vẽ toàn Trung hoa được in
lại ở dưới. Phần 12 về Quảng Đông chấm dứt ở đảo Hải Nam như phần 1. Theo Thư
viện Úc được coi là vẽ khoảng 1800 – 1899, nhưng không rõ xuất xứ. Bản đồ này
rất giống bản đồ in lại ở Fig 7.8 trong bài của Cordell D.K. Yee. [31] Đại Nam Nhất thống toàn đồ ở
Thư viện Quốc gia Úc được in ở dưới.
Đại Thanh nhất thống toàn đồ
3. Hoàng dư toàn đồ (Huangyu Quantu皇輿全圖) là bản đồ chính thức cuối thời nhà Thanh.
Vào năm 1890 chính quyền nhà Thanh muốn chuẩn hóa việc vẽ bản
đồ các địa phương và vùng hành chính nên cho lập Hội điển quán
(huidianquan會典館)(bureau of institutional studies) và ra lệnh cho vẽ bản đồ địa
phương để lập thành bản đồ cả nước theo phương pháp phương Tây nhưng nhiều địa
phương chỉ dựa vào bản đồ của các linh mục dòng tên đã vẽ để vẽ lại vì họ không
thể hiểu nguyên tắc.[32] Kết quả
là Hoàng dư toàn đồ (Huangyu Quantu皇輿全圖 Complete map of the
empire, 1899, trong Khâm định đại Thanh hội điển (Qinding Da Qing huidian
欽定大淸會典), gồm 24 bộ (Beijing Huidianguan, 1899) là bản đồ mang tính chính thức vì
được Huidianguan in. Phương pháp vẽ không hoàn toàn theo Tây phương mà kết hợp
với phương pháp truyền thống của Trung Quốc tức là khoảng cách là đường thẳng
chim bay.[33]
Kết luận
Như vậy có thể kết luận là có bản đồ do Khang Hi sai giáo sĩ
dòng tên vẽ, tức là Trung Quốc đã từng có một bản đồ chính thức có giá trị trên
cơ sở luật pháp quốc tế. Theo bản đồ này cương vực Trung Quỗ chấm dứt ở đảo Hải
Nam và không có gì thay đổi sau đó. Điều này cũng phù hợp với chính sử của Trung
Quốc thời nhà Minh (Minh Sử) và thời nhà Thanh (Thanh Sử cảo). Hồ Bạch Thảo một
nhà nghiên cứu Việt Nam đã xem xét Thanh Sử Cảo và cho thấy rõ rằng
Thanh Sử Cảo cũng không đả động đến Hoàng Sa và Trường Sa và cũng cho
thấy nước “Tầu” chấm dứt với đảo Hải Nam. [34] [35]
Hồ Bạch Thảo cũng xem xét Minh Sử là sử chính thức của nhà Minh, trước
nhà Thanh cũng cho thấy là địa dư Trung Quốc chấm dứt ở Hải Nam. Tác giả bài
viết này đã tóm tắt cả hai bài viết trên trong một bài viết trước đây. [36]
Bản đồ Trung Quốc có đường chữ U 9-đoạn gãy ra đời vào năm 1947 là do Bai Meichu, một viên chức của Cộng Hòa Dân quốc Trung Hoa (bây giờ là Đài Loan) tự vẽ ra năm 1947.[37] Bản đồ tự chế không phản ánh lịch sử thật sự về cương vực Trung Quốc này đã được nhà nước Trung Quốc sử dụng, ngược với truyền thống Luật quốc tế, để tuyên bố chủ quyền trên khu vực đảo và biển rộng lớn trong đường chữ U, chiếm tới 85% biển Đông Nam Á. Họ đã dùng những tài liệu phi chính thống ghi chép mơ hồ về vùng biển người Hán đã đi qua để cho rằng chúng thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Hán (206 BC–220 AD).[38] Điều xác quyết này ngược hoàn toàn với chính sử hai triều đại Minh, Thanh và bản đồ do chính Vua Khang Hi Nhà Thanh ra lệnh biên soạn. Các giáo sĩ dòng Tên đã mất 10 năm mới đo đạc và vẽ xong. Không có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Đảo Hải Nam, Tỉnh Quảng Đông không phải là điều sơ suất với với công trình 10 năm này. Mãi đến 1909 Trung Quốc, và cũng chỉ là chính quyền Tỉnh Quảng Đông mới gửi người ra tìm hiểu Hoàng Sa và mãi đến năm 1952, Chu Ân Lai của Trung Quốc mới lần đầu tiên yêu sách Trường Sa. Cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại là chuyện bịa, không đúng sự thật.
Tham khảo
1. Laura Hostetler, Global or Local? Exploring Connections
between Chinese and European Geographical Knowledge During the Early Modern
Period, EASTM 26 (2007): 117-135.
2. Richard J. Smith, Mapping China's World : Cultural
Cartography in Late Imperial Times, http://www.kunstpedia.com/articles/mapping-chinas-world--cultural-cartography-in-late-imperial-times.html?page=1.
3. Cordell D.K. Yee, Chương 7, Traditional Chinese Cartoghraphy
and the Myth of Westernization trong The History of Cartography, Volume
2, Book 2, the University of Chicago Press, 1994. http://www.press.uchicago.edu/books/HOC/HOC_V2_B2/Volume2_Book2.html.
4. Roderick M. Barron, China in Maps: Columbus to Kangxi,
Colloquium on Information Science:
HKUST Library Series no. 6 - 6 June 2002, Hongkong University
of Science and Technology.
http://library.ust.hk/info/colloq/jun2002/barron-talk.html
[1] Rachel
Lu, A Merkel, a Map, a Message to China?, Foreign Policy, April 1,
2014.
http://www.foreignpolicy.com/articles/2014/04/01/merkel_map_message_china
[2] Năm nào 1902
hay 1909? Kiểm tra nhiều tài liệu đáng tin cậy thì thấy năm 1909 là chính xác.
Chỉ có 1 nguồn tài liệu cho rằng Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1902, đó là từ Marwyn
Samuels trong Contest for the South China Sea, New York/London, 1982, tr.
53 cho rằng năm 1902 tầu kiểm tra dưới sự điều khiển của đô đốc Lý Chuẩn
(Lichun/lizhun) ra Paracels. Marwyn Samuels lấy nguồn tài liệu từ bài của Yeh
Han-ming và Wu Jui-ch’ing đăng trên Min-pao Yeuh’k’am (Ming Pao Monthly
101, May 1974, 9-20). Ba nguồn tài liệu khác cổ hơn cho rằng Lý Chuẩn được gửi
ra Hoàng Sa năm 1909 chỉ vì phản ứng với việc Nhật gửi tầu ra đó năm 1907.
Nguồn 1): Nhà ngoại giao của Trung Hoa Dân Quốc Shuhsi Hsu trong Japan
and the Third Powers, Shuhsi Hsu, Shanghai, Kelly & Walsh, Limited,
1941, p. 574. Nguồn 2): Bà Monique Chemillier-Gendreau, trong
Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law
International, 2000, tr. 99-100 cũng cho rằng chuyến đi là vào năm 1909, có
trích tác giả Jian Zhou và tác giả P.A. Lapique. Tác giả Lapique lúc đó sống ở
Hồng Kông PA, có viết bài A propos de iles Paracels (đăng trong Extreme-Asie
- Revue Indochinoise, năm 1929). Nguồn 3): Theo Phạm Hoàng Quân,
trong Nam Hải chư đảo – đảo danh trong thư tịch hiện đại, đăng trong Tạp chí
nghiên cứu và phát triển, số 6 (65), 2007, đọc sách Trung Quốc Lý Chuẩn
Tuần Hải Ký (李準 巡 海 記) cho thấy Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm Thanh Tuyên
Thống nguyên niên (清宣统元年), tức là năm 1909. Trên mạng tiếng Hoa, cũng đã có sự
thừa nhận rộng rãi năm 1909 là năm Lý Chuẩn ra Hoàng Sa, như ở đây chẳng hạn:
http://blog.sina.com.cn/s/blog_6462fa9a0100hzyy.html
[3] Lê Quí Đôn ghi
trong Phủ Biên Tạp Lục (府編雜錄) khoảng giữa 1776-1784.
[4] Đại Nam
Thực lục Tiền Biên (大南寔錄先編, Veritable Records of Pre Đại Nam) [70]
and Đại Nam Thực Lục Chính Biên (大南寔錄正編, Veritable Records of Đại
Nam): Cả hai cuốn xuất bản năm 1848.
[5] Giám mục Jean
Louis Taberd viết về việc vua Gia Long cắm cờ Việt Nam tại Hoàng Sa năm 1816
trong bài viết Note on the Geography of Cochin China, dịch ra tiếng Anh và đăng
trên Journal of the Asiatic Society of Bengal, số 69, 1837, trang
745.
"The Pracel or Parocels, is a labyrinth of small islands,
rocks and sand-banks, which appears to extend up to the 11th degree of north
latitude, in the 107th parallel of longitude from Paris. Some navigators have
traversed part of these shoals with a boldness more fortunate than prudent, but
others have suffered in the attempt. The Cochin Chinese called them Cón uáng
[Cách ghi Cát Vàng tức Hoàng Sa vào giai đoạn đầu của chữ Việt]. Although
this kind of archipelago presents nothing but rocks and great depths which
promises more inconveniences than advantages, the king GIA LONG thought he had
increased his dominions by this sorry addition. In 1816, he went with solemnity
to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not
likely any body will dispute with him."
Tác giả cám ơn anh Thái Văn Cầu người có sưu tầm tạp chí hiếm
trên và đã giúp tìm trích đoạn trên. Có lẽ đây là lần đầu trích đoạn trên được
sử dụng. Chú thích này nằm chỉnh lại sai sót của nhiều tác giả, kể cả người viết
này khi trích dẫn đoạn trên dựa vào người khác nhưng không có nguyên tác để tham
khảo.
Đoạn viết bằng tiếng Pháp với ý tương tự của Taberd được
Adolphe Philibert Dubois de Jancigny trích ra trong Histoire
et Description De Tous Les Peuples. Japon, Indo-Chine, Empire Birman (Ou Ava),
Siam, Annam (Ou Cochinchine), Peninsule Malaise, Etc., Paris, Firmin Didot
Frères, Fils et Cie, 1850, trang. 555.
“Nous n’entrerons pas dans l’énumération des principales
iles dépendantes de la Cochinchine; nous ferons seulement observer que depuis de
34 ans l’archipel des Paracels nommé par les Annami-tes Cát Vàng ou Hoàng Sa
(sable jaune) véritable labyrinthe de petits ilôts de rocs et de bancs de sable
justement redoutés des navigateurs a été occupé pas les Cochinchinois.
“Nous ignorons s’ils y ont fondé un établissement, mais il
est certain que l’empereur Gia Long a tenu à ajouter ce singulier fleuron à
couronne, car il jugea à propos d’en aller prendre possession en personne, et ce
fut en l’année 1816 qu’il y arbore solenellement le drapeau cochinchinois.”
Bà Monique Chemillier-Gendreau cũng nói đến bài viết này trong
Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, op.cit., chú số 40
trang 68 và trang 180.
Ngoài tài liệu trên, Taberd cũng xuất bản Dictionarium
Anamitico Latinum, 1838, bởi J. Marshnam, in tại Serampore (Bengale) và
được sao chụp lại trong sách cùng tên, NXB Văn Hòa vàn Trung Tâm Nghiên cứu Quốc
học, 2004, Việt Nam. Trong xuất bản phẩm này có bản đồ Annam Đại Quốc Họa
Đồ - Tabula Geographica Imperii Ananmitici trong đó An Nam có vẽ thêm đảo
Hoàng Sa (Paracels).
[6] Teh-Kuang
Chang, “China's claim of sovereignty over Spratly and Paracel Islands: A
historical and legal perspective”, Case Western Reserve Journal of
International Law; Summer 91, Vol. 23 Issue 3.
[7] Jian Ming
Shen, (1) Territorial aspects of the growth of South China Sea disputes trong
sách Security Flashpoints: Oil Island, Sea Access and Military Confrontation
do Myron H. Norquist và John Norton Moore chủ biên, The Hague, Boston:
Nijhoff, 1988. (2) Cùng tác giả, China’s sovereignty over the South China
Islands: a historical perspective, Chinese Journal of International Law,
vol. 1, no. 1, 2002.
[8]
http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm
[9] Có thể coi thêm mục đích và lịch sử vẽ
bản đồ của Trung Quốc ở đây: Richard J. Smith, Mapping China's World : Cultural
Cartography in Late Imperial Times, http://www.kunstpedia.com/articles/mapping-chinas-world--cultural-cartography-in-late-imperial-times.html?page=1.
[10] “A claim to
sovereignty based upon continued display of authority involves two elements,
each of which must be shown to exist: the intention and will to act as
sovereign, and some actual exercise or display of such authority.” International
Court of Justice, Advisory Opinion concerning Western Sahara, ICJ Reports 1975,
p. 43.
[11] Monique
Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands,
op.cit. trang 50.
[12] 1862 là năm
Việt Nam bị bại trận và phải nhường Pháp ba tỉnh Nam Kỳ.
[13] Cordell
D.K. Yee, Chương 7, Traditional Chinese Cartoghraphy and the Myth of
Westernization trong The History of Cartography, Volume 2, Book 2, the
University of Chicago Press, 1994. http://www.press.uchicago.edu/books/HOC/HOC_V2_B2/Volume2_Book2.html
[14] Cordell
D.K. Yee, đầu trang 171.
[15] Cordell
D.K. Yee, trang 179.
[16] Cordell
D.K. Yee, trang 181.
[17] Cordell
D.K. Yee, trang 185-186.
[18]
http://baike.baidu.com/view/105361.htm
[19] Theo chú
thích 37.
[20] King George
III’s Topographical Collection, British Library, London.
[21] Thông tin
cụ thể trong bài là do Lê Phương làm việc cho Thông Tấn Xã Việt Nam ở London
tiếp xúc giúp lấy thông tin cho tác giả, sau khi đã xem xét bản đồ ở Thư viện
Anh. Có thể liên lạc với Thư viện Anh để xin phép và mua bản chụp. http://www.bl.uk/reshelp/atyourdesk/imaging/imaginghome.html
to place the order and to http://www.bl.uk/reshelp/atyourdesk/permissions/permission.html
to obtain permission to reproduce the images supplied by us.
[22] Cordell
D.K. Yee, trang 183. Trích từ Qing shi gao jiaozhu清史稿校註, chương 290 (11.8773),
ghi chú 35.
[24]
http://en.wikipedia.org/wiki/Gujin_Tushu_Jicheng.
[25] Bản chụp
lại ở đây không cho phép nhìn chi tiết nhưng bản e-map của Thư viện Anh cho phép
tập trung (zoom) đi vào chi tiết từng địa điểm có ghi chú địa danh bằng chữ Hán.
[26]
http://www.google.com/imgres?imgurl=http://new.astronote.org/data/file/ancient/%EA%B0%95%ED%9D%AC%EC%A0%84%EB%8F%84%280.05%29.jpg&imgrefurl=http://new.astronote.org/bbs/board.php?bo_table%3Dancient%26wr_id%3D24156%26page%3D4&h=958&w=1390&sz=511&tbnid=vPmMLnaXd0wwDM:&tbnh=90&tbnw=131&zoom=1&usg=__paCxK7JJCNHoYmi2cj5HSTdo0H4=&docid=Tu9NzraTExmnqM&hl=en&sa=X&ei=40GkUN-8F4bu0gGgrICwDQ&ved=0CEgQ9QEwBQ&dur=1180
[28] http://www.loc.gov/resource/g7821fm.gct00232/#seq-7
. Để coi cho rõ có thể bấm vào đây: http://memory.loc.gov/cgi-bin/image-services/jp2.py?data=/home/www/data/gmd/gmd7m/g7821m/g7821fm/gct00232/ca000007.jp2&res=3
[29]
http://www.nla.gov.au/apps/cdview/?pi=nla.map-lms639-s1-v
[30] http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tiep-noi-chuyen-hoang-sa-va-truong-sa-ra-soat-trong-111ai-thanh-nhat-thong-toan-111o/?searchterm=h%E1%BB%93%20b%E1%BA%A1ch%20th%E1%BA%A3o
[31] Cordell
D.K. Yee, trang 183.
[32] Cordell
D.K. Yee, trang 195.
[33] Cordell
d.K. Yee trang 200.
[34] Hồ Bạch
Thảo, Tiếp tục rà soát cái gọi là Tây Sa (Hoàng Sa)và Nam Sa
(Trường Sa) trongĐẠI THANH NHẤT THỐNG TOÀN ĐỒ, Diễn Đàn. http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tiep-noi-chuyen-hoang-sa-va-truong-sa-ra-soat-trong-111ai-thanh-nhat-thong-toan-111o/?searchterm=h%E1%BB%93%20b%E1%BA%A1ch%20th%E1%BA%A3o
và “Lãnh hải Trung Quốc dưới thời nhà Minh,” Diễn Đàn (an online
Vietnamese journal published in France, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/lanh-hai-trung-quoc-duoi-thoi-nha-minh/?searchterm=h%E1%BB%93%20b%E1%BA%A1ch%20th%E1%BA%A3o
[35] Vũ Quang
Việt, Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên
chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế, Thời Đại Mới, tháng 7 năm 2010.
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_VuQuangViet.htm.
[36] Coi Vũ
Quang Việt,op. cit.,
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai19/201019_VuQuangViet.htm.
[37] Peter
Kien-Hong Yu, The Chinese (Broken) U-shaped line in the South China Sea: Points,
Lines and Zones, Current Southeast Asia, vol 25, no. 3, 2003. trang 407.
Yu viết: “Rất có thể là anh ta bị thúc đẩy bởi bản năng chiếm hữu từ đáy lòng
như ngạn ngữ đã nói, ý tưởng đã là 9 phần mười của luật). Thật vậy, Bai thấy
Pháp chiềm hữu (từ tháng 7 năm 1933 6 đảo ở Nam Sa (hay Spratly) và đã nói hay
có thể coi là tự cảm thấy bằng cách nào đấy phải bảo vệ chủ quyền của Trung
Quốc.”
[38] Coi: The
Issue of South China Sea, Ministry of Foreign Affairs People's Republic of China
June 2000, trên mạng của Federation of American Scientist:
http://www.fas.org/news/china/2000/china-000600.htm.
Tranh chấp Biển Đông Nam Á: đi tìm giải pháp hòa bình và công
lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế.
Vũ Quang Việt