Thursday, June 19, 2014

Giáo Sư Phạm Biểu Tâm

Giáo Sư Phạm Biểu Tâm,
người thầy y khoa và người hướng đạo gương mẫu


“Tài nối Hoa Đà, đức noi Khổng Tử” 1Tập San Y Sĩ của hội Y Sĩ Việt Nam tại Gia Nã Ðại đến với tôi qua hai đàn anh y khoa, bác sĩ Nghiêm Ðạo Ðại và Lê Quang Dũng, là tập san đặc biệt tưởng niệm Giáo Sư Phạm Biểu Tâm một người thầy đáng kính của nền Y Khoa Việt Nam. Tập san tổng hợp nhiều cây viết và tiếng nói qua các đàn em, bạn và đồng nghiệp của ông như các Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, Ðào Ðức Hoành, Ðào Hữu Anh, Vũ Quí Ðài, Nguyễn Khắc Minh, Bác Sĩ Trần Văn Tích, Bác Sĩ Nghiêm Thị Thuần cùng những học trò đã nổi danh trong ngành phẫu thuật như các Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại, Trần Xuân Ninh, Văn Kỳ Chương, Ðặng Phú Ân, Lê Quang Dũng, đã vẽ lại đầy đủ chân dung và cuộc đời của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm.( GS. Phạm Biểu Tâm (1913 - 1999).

Như mùi bánh Madelaine thơm phức đã đánh thức Marcel Proust “đi tìm lại thời gian đã mất,” tập san với những trang giấy trắng mới còn thơm mùi mực đã đánh thức những kỷ niệm trong tôi về thời gian đi học trường Y, những kỷ niệm với thầy cũ trường xưa đổ về như “để tưởng nhớ một mùi hương” ( Mai Thảo ) nhưng mùi thơm của tập sách đã gợi về hai mùi hương thời gian khác biệt, một mùi thơm của ngôi trường Y Nha Khoa mới, kiến trúc mới ở đường Hồng Bàng Chợ Lớn với mùi gạch mới, tường vôi mới, gỗ mới, khuôn viên mới, được xây lên năm 1962 do Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, được Giáo Sư Phạm Biểu Tâm khánh thành cùng với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và một mùi “đặc biệt” của bệnh viện Bình Dân Sài Gòn nằm trên đường Phan Thanh Giản gần góc đường Cao Thắng quận ba, do nhiều mùi khác nhau từ những khu bệnh giải phẫu, chỉnh trực, ung thư, ngoài da, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, tiết niệu, quang tuyến hòa lẫn, bệnh viện với Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm làm giám đốc năm 1954 sau ngày di cư, hậu thân của bệnh viện Phủ Doãn Hà Nội.

Hình ảnh thầy Phạm Biểu Tâm luôn có mặt trong những bài viết của tôi về các thầy cũ, Giáo Sư Ðào Ðức Hoành, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, cùng những kỷ niệm về Bệnh Viện Bình Dân mặc dầu tôi không phải là học trò của thầy như các bạn cùng lớp với tôi, Phan Thượng Hải, Nguyễn Nho Ðức, Nguyễn Quảng Ðức, Soma Ganesan, Trần Ðông Giang nội trú khu ngoại khoa tổng quát.

Trong đời tôi có những cơ duyên với những người thầy đáng kính. Tôi biết Giáo Sư Phạm Biểu Tâm và Giáo Sư Trần Quang Ðệ trước khi tôi vào học y khoa năm 1968. Hai người thầy, đại Giáo Sư phẫu thuật tổng quát của trường Y Khoa Sài Gòn, là hai khác biệt. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm sinh tại Huế, từ trường tiểu học Huế lên học trung học ở Vinh khi cha ông làm quan Bố Chính tỉnh Thanh Hóa, sáng lập “lò” giải phẫu Bình Dân, còn Giáo Sư Trần Quang Ðệ người Nam, cựu viện trưởng viện đại học Sài Gòn, sáng lập “lò” giải phẫu Chợ Rẫy. Bình Dân đa số gốc Bắc, Chợ Rẫy đa số gốc Nam. Giáo Sư Tâm nhỏ người ăn nói nhỏ nhẹ, Giáo Sư Ðệ cao lớn ăn nói giọng oai vệ, khi tôi mới gặp, hai ông đều nói tiếng Tây, tôi chỉ nể mà không hiểu hai ông bác sĩ nói gì. Năm tôi năm tuổi, trước khi đi học, cha tôi đem tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy để cắt ngón tay thừa bên cạnh ngón tay cái bàn tay phải, ngón tay vướng víu khi cầm viết. Bạn của cha tôi là ông y tá Huệ, phụ tá số một của Bác Sĩ Trần Quang Ðệ trong phòng mổ, (bác Huệ là ba của Nguyễn Hoàng Tuấn bạn học y khoa cùng lớp với tôi) đã đem tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy. Hồi năm tuổi tôi không biết là cậu nhỏ được vinh dự giải phẫu bởi đại giáo sư giải phẫu sau khi nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy hai ngày. Những năm học tiểu học, vào những ngày cuối tuần, tôi hay theo cha mẹ tôi đi dự hội Trung Việt Ái Hữu ở ngã ba Ông Tạ. Cha tôi trong ban quản trị, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm trong thành phần cố vấn của hội. Tôi biết ông qua cặp mắt kính nể của cha tôi và các chú bác trong hội mặc dù ông kém cha tôi mười tuổi. Ông là một hãnh diện của hội, một cựu học sinh trường Vinh, cha làm quan ở Thanh Hóa, là một dân chính gốc Thanh Nghệ Tĩnh! Ông đã làm vẻ vang dân Trung vì đậu trường thuốc ở Hà Nội và đậu thạc sĩ y khoa ở Pháp năm 1948. Ở những năm 1950, bác sĩ y khoa hiếm và được quý trọng trong xã hội. Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm , về sau khi tôi lớn lên mới hiểu hết, được các chú các bác bạn cha tôi trong hội quý trọng là vì nhân cách của ông ngoài nghề y khoa. Cứ mỗi năm, hội Trung Việt Ái Hữu tổ chức cây mùa Xuân và phát phần thưởng cho con em học giỏi. Năm lớp nhất, tôi được sắp hàng trong đám học sinh trường tiểu học Phan Ðình Phùng vào Dinh Ðộc Lập để nhận phần thưởng từ tay Tổng Thống Ngô Ðình Diệm (mặc dù thất vọng, năm ấy tổng thống bận phải để Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ thay mặt) sau đó ngày chúa nhật ở hội Trung Việt Ái Hữu, tôi được nhận phần thưởng từ tay Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm. Giọng nói nhẹ nhàng từ con người nhỏ nhắn của Bác Sĩ Tâm ngày tôi mười một tuổi gây khiến tôi kính phục.|

Bảy năm sau tôi vào y khoa. Năm 1968 Mậu Thân là một năm lịch sử. Vào trường y khoa sau cái Tết biến động, thế hệ chúng tôi được xem là thế hệ y khoa do Hoa Kỳ đào tạo. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, người thầy y khoa nhiều thế hệ, đối với chúng tôi cao vời vợi và khoảng cách giữa thầy và chúng tôi như cha và con. Năm 1968 đem đến nhiều thay đổi nhưng đối với người thầy của chúng tôi năm 1967 trước đó đã đánh dấu khúc quanh của cuộc đời người thầy tận tâm cho y học. Sau khi đậu Thạc Sĩ Y Khoa Pháp năm 1948, ông dạy Y Khoa Ðại Học Hà Nội từ 1949 đến 1954, đồng thời kiêm nhiệm giám đốc Bệnh Viện Yersin Hà Nội (nhà thương Phủ Doãn). Vào Nam sau di cư ông vẫn tiếp tục được cử làm Khoa Trưởng Ðại Học Y Dược và giám đốc Bệnh Viện Bình Dân. Nhưng năm 1967, chính phủ “cách mạng” của chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm một cuộc đảo chính, lật đổ Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm, lập hội đồng khoa mới, lý do là các thầy theo hệ thống Pháp không chịu chuyển ngữ dạy tiếng Việt. Thiếu tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan theo lệnh ông Nguyễn Cao Kỳ làm cuộc đảo chính đưa quân vào trường trái với tinh thần tự trị của viện đại học. Số phận của giáo sư y khoa Phạm Biểu Tâm may mắn hơn là số phận của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.

Bốn mươi bảy năm sau nhìn lại thì cuộc “cách mạng” của ông Kỳ là cuộc cách mạng có tính cách “biểu diễn.” Tài liệu qua nhiều nhân vật trong tập san y sĩ kỳ này cho thấy các thầy thuộc thế hệ được đào tạo thời Pháp đang chuẩn bị một sự thay đổi từ từ như chấp nhận kỳ thi trắc nghiệm và giảng dậy bằng tiếng Việt. Cách mạng của ông Kỳ cũng như cách mạng cộng sản của Hồ Chí Minh là một cuộc “chiến tranh vô ích.” Những cuộc cách mạng đập phá ấy khác với tinh thần của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ khi ông nói trước nhân viên bệnh viên Phủ Doãn sau khi cộng sản nắm chính quyền năm 1954: “Cách mạng có nghĩa là phải làm việc nhiều và tốt hơn nữa.”

Sinh viên y khoa lớp chúng tôi chỉ bắt đầu gặp Giáo Sư Pham Biểu Tâm vào năm thứ hai, sau năm dự bị và năm thứ nhất, khi được đi thực tập lâm sàng và được thầy giảng môn triệu chứng học trong giảng đường. Ông giản dị, từ tốn, giọng nhỏ nhẹ nhưng thâm thúy, người ông trông không có gì hấp dẫn khi mới tiếp xúc, người ốm, mặt gầy, tóc quăn (Bác Sĩ Nguyễn Chấn Hùng nói những người tóc quăn thông minh, đàn anh của tôi cũng tóc quăn!) dạy trong giảng đường chừng mực, cái vẽ thông thái của ông khác với vẽ thông thái của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.

Ở bệnh viện Bình Dân, chúng tôi chỉ được gặp ông sau khi đi qua các giảng nghiệm viên khu giải phẫu tổng quát, Bác Sĩ Nguyễn Khắc Lân, Bác Sĩ Nguyễn Minh Tuyến, Tôi còn nhớ ông dạy lâm sàng, dặn dò phải “xem bệnh nhân như người nhà, nếu bệnh nhân lớn tuổi xem họ như cha mẹ.” Ông đã dạy chúng tôi cách khám bệnh “nghe, sờ, gõ,” xin phép bệnh nhân được cởi áo trước khi khám bệnh. “Phút đầu gặp gỡ ấy” với bệnh nhân phòng 8 bệnh viện Bình Dân bên cạnh người thầy là những giây phút không quên trong đời. Cách khám bệnh nhân ấy rất nhân bản. Ông kính trọng bệnh nhân, thực hành những lời ông đã dặn học trò, và ông đã săn sóc bệnh nhân với tấm lòng nhân ái, có lẽ vì bản thân ông cũng đã là một bài học cho chính ông. Năm 2000, Giáo Sư Nguyễn Khắc Minh có ghé nhà tôi ở Galveston, ông đã được mẹ vợ tôi, “chị Vân Anh” y tá trưởng phòng dụng cụ lâu đời ở bệnh viện Phủ Doãn và Bình Dân, kể lại câu chuyện thầy Phạm Biểu Tâm đau ruột dư để lâu ngày mới mổ, khi đánh thuốc mê áp huyết bị xuống thấp và gần ngưng thở phải được cấp cứu bằng phương pháp Sylvester. Năm ngoái, sau bài viết về Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, tôi qua California được thầy Ninh và sau đó cũng được Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại kể lại thầy Tâm đã khóc sau khi con thầy mất vì bệnh lao màng óc, một căn bệnh ngặt nghèo không chữa được bằng thuốc Steptomycin chích bởi tay Giáo Sư Ninh.

Năm thứ nhất y khoa, tôi vào bệnh viện Bình Dân đi theo các anh nội trú Nguyễn Chấn Hùng, Nguyễn Lương Truyền, Ðặng Phú Ân, Nguyễn Văn Quang để học mổ và phụ mổ, sống và thức khuya để học như những con chuột cống trực gác trong nhà thương buổi tối. Tôi đã chứng kiến những cái nhìn kính trọng của các anh nội trú với thầy, chưa được thấy thầy mổ nhưng bà mẹ vợ tương lai cũng đã khuyên tôi “nếu muốn theo ngành giải phẫu con nên theo thầy Tâm, ông mổ cẩn thận.” Cách mổ của các học trò ruột của thầy vào lúc ấy như Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại (sau 1975 là Giáo Sư giải phẫu đại học Pittsburgh) Bác Sĩ Lê Quang Dũng, Bác Sĩ Nguyễn Khắc Lân, Bác Sĩ Nguyễn Minh Tuyến, Bác Sĩ Văn Kỳ Chương cho thấy đức tính cẩn thận của thầy đã truyền cho học trò. Ông luôn luôn nhắc nhở các nội trú bệnh viện Bình Dân không nên ham mổ. Năm 1975, tôi đã tận mắt nhìn thấy kinh nghiêm giảng dạy của thầy. Một đêm tháng sáu năm 1975 tôi đưa cha tôi vào bệnh viện Bình Dân sau khi ông lên cơn đau bụng. Khoảng thời gian này là những năm tháng cuối của cha tôi. Ông bị nhiều chứng bệnh nặng. Bác Sĩ Phan Văn Tường hôm ấy trực đã khám cho cha tôi, định bệnh viêm ruột dư định đưa lên bàn mổ nhưng vẫn phải đợi thầy Tâm vào xem lại. Mười giờ đêm thầy Tâm vào thăm bệnh cho cha tôi, sau khi khám lại kỹ lưỡng ông nói với tôi: “Anh nên hội chẩn với Hồ Hội, tôi nghĩ ông cụ đau bụng vì bệnh nội thương.” Bác Sĩ Hồ Hội (trên tôi một năm) đã chuyển cha tôi về bệnh viện Chợ Quán để chữa bệnh gan. Hình ảnh và giọng nói của thầy Phạm Biểu Tâm đứng cạnh cha tôi trên giường bệnh đúng 39 năm sau vẫn không phai mờ trong ký ức tôi.

Năm thứ năm y khoa, tôi đậu kỳ thi nội trú các bệnh viện, về làm nội trú khu ung thư với Giáo Sư Ðào Ðức Hoành (đáng lẽ tôi phải chọn làm nội trú khu giải phẫu tổng quát trước khi làm nội trú khu ung thư mới đúng con đường giải phẫu). Vì vậy cái duyên giữa tôi với thầy cũng chỉ là cái duyên “Kính nhi viễn chi” cho đến ngày ba mươi tháng 4 năm 1975, cái ngày đổi đời của cả đất nước thì tôi mới có duyên gần gũi với thầy.

Ngày 1 tháng 5, trước khi ủy ban quân quản tiếp thu bệnh viện Bình Dân, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm tập hợp nội trú vá các bác sĩ điều trị, ông thay Giáo Sư Ðào Ðức Hoành giám đốc bệnh viện đã di tản, bằng giọng nói nhỏ nhẹ ông kết luận bài nói chuyện ngắn bằng câu cay đắng: “ Nay cách mạng thành công, trong đây có anh đã đạt được mục đích, nếu thấy tôi có lỗi cứ lên đây tát tai tôi.” Tôi không hiểu ông muốn ám chỉ ai lúc đó, trong số bác sĩ và nhân viên bệnh viện không ai là cán bộ nằm vùng, về sau chỉ một số theo ngọn gió 30 tháng 4 đổi chiều quay lại đạp những giá trị cũ để tiến lên, hay là vì ông đã có nhiều kinh nghiệm trong đời ngay cả trước khi Việt cộng vào Sài Gòn. Năm 1967 ông bị đảo chính vì bị xem là thành phần thủ cựu thân Pháp nhưng cộng sản vào ông có thể bị kết tội thân Mỹ vì ông đã mời Giáo Sư Henry Bahnson đại học Pittsburg cộng tác chương trình hậu đại học phẫu khoa ở Bệnh Viện Bình Dân từ năm 1972. Ông đã phải đối đầu với sinh viên, những sinh viên quá khích, như năm 1972 sinh viên chống chương trình nội trú, đòi bỏ chế độ nội trú như Pháp để có một chương trình nội trú cho tất cả sinh viên như ở Hoa Kỳ. Sinh viên Bùi Trọng Hậu (em ruột Bác Sĩ Bùi Mộng Hùng học trò giải phẫu của ông) đã bước lên sân khấu cầm micro chỉ mặt ông đang ngồi hàng đầu la mắng ông là người không biết cải thiện. Năm đó sinh viên chống thi nội trú một phần cũng vì chống giáo sư Khoa Trưởng Ðặng Văn Chiếu. Ông đã điềm đạm cầm micro đáp lại anh Hậu “sở dĩ chưa có chương trình nội trú cho mọi người vì ngân khoản bộ y tế hạn hẹp chưa có thể thực hiện được.” Một lần khác, vào đêm thứ năm ở Bệnh Viện Bình Dân, đêm học hỏi với những trường hợp bệnh lý, bàn thảo giữa các sinh viên, giáo sư và giảng nghiệm viên. Ðêm hôm đó một lần nữa, ông lại bị nội trú nội khoa Nguyễn Xuân Ngãi, một sinh viên xuất sắc chuyên về ngành nội khoa cầm micro dạy cho giáo sư giải phẫu nổi tiếng Phạm Biểu Tâm một bài học: “Thầy là người cổ lỗ sĩ, không học cái mới, thủng ruột vì sốt thương hàn bây giờ Mỹ không mổ chỉ cho trụ sinh và đặt ống hút.” Ông trả lời nhã nhặn “chúng tôi đã già nếu có gì mới các anh xin chỉ bảo.” Ðêm hôm ấy bạn tôi Soma Ganesan nổi nóng nói với tôi “mày chặn cửa sau, tao chặn cửa hông cho thằng Ngãi một bài học” chuyện đánh nhau không xảy ra nhưng tôi cố đọc sách và qua Mỹ củng cố hỏi các bác sĩ giải phẫu mà không tìm ra câu trả lời chữa nội khoa cho bệnh thủng ruột do biến chứng bệnh sốt thương hàn.


Việt Nguyên