Sunday, June 29, 2014

Ông Khai Trí

Ông Khai Trí: Một Đời Ham Mê Sách


Đôi nét về Ông Khai Trí

KhaiTri-NguyenVanKhon“Ông Khai Trí” tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.(Hình phải Chân dung Ông Khai Trí và nhà soạn tự điển Nguyễn Văn Khôn(áo sơ mi trắng,cà vạt đen)

Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách. Ba hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không? nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sach có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mua trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.

Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Tri đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trong nom một cách kín đáo… Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu…
***
imagesaTháng tám năm 2004, người yêu sách Sài Gòn đã đưa tiễn ông Thanh Tuệ, Giám đốc nhà xuất bản An Tiêm về bên kia thế giới, và kế ngay sau đó lại tiễn biệt ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc Nhà Sách, Nhà Xuất bản Khai Trí qua đời ngày 11 tháng ba 2005 tại Sài Gòn. Đối với một lớp người ở miền Nam trước 1975, những cái tên như An Tiêm hay Khai Trí có một ý nghĩa đặc biệt, nó gợi một cảm giác trong sáng của trí tuệ, cái vui sướng của sinh hoạt tinh thần, văn hóa. Riêng Khai Trí đối với thành phố Sài Gòn qua bao nhiêu năm, như là một pháo đài của chữ nghĩa, suốt một thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa, nhà sách kiêm nhà xuất bản ấy đã phát hành, phổ biến, bày bán không biết cơ man nào là ấn phẩm, đã “khai tâm mở trí” cho biết bao nhiêu tâm hồn và trí óc Việt Nam.

Khai TríRa đời từ năm 1952 tại số 62 đường Lê Lơi Sài Gòn (lúc đó hình như còn tên Bonard ) cho đến tháng tư năm 1975, không biết Khai Trí đã đón tiếp bao nhiêu lớp người bước vào cửa hàng sách to lớn của mình. Nhưng cần phải ghi nhớ rằng từ lâu, trước khi hiệu Khai Trí chính thức mở cửa, chủ nhân của nó, vốn người Biên Hòa, đã làm công việc buôn bán văn hóa phẩm tại một quầy sách trên lề đường Lê Lợi. Và trớ trêu thay, tháng năm 1975, trước khi bị bắt, chính ông chủ ấy lại trải một tấm ny-lông lớn trên lề đường, ngay trước hiệu sách của ông để bán nốt những số báo Thiếu Nhi và một ít sách khác còn lại do nhà Khai Trí xuất bản. Có vẻ như là ông khởi nghiệp và kết thúc sự nghiệp ở ngoài lề đường, còn hiệu sách Khai Trí do ông tạo lập ra và hoạt động suốt hai mươi mấy năm sung sức nhất của đời ông thì thuộc về lịch sử chứ không thuộc về ông nữa.
TOSHIBA Exif JPEG

(Nhà sách Sài Gòn bây giờ trước 1975 là nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi)

Từ giữa thập niên 1950, khu trung tâm thành phố Sài Gòn đã có những nhà sách như Vĩnh Bảo, Tự Lực,cũng nằm trên đường Lê Lợi, nhà sách Lê Phan, đầu đường Trần Hưng Đạo, chỗ bến xe buýt ngó qua, và sang trọng hơn là nhà sách Xuân Thu trên đường Tự Do. Tọa lạc tại khu trung tâm, các nhà sách đó đều thuộc loại tầm cỡ, mỗi nhà có một cách trưng bầy và sắc thái sách vở riêng. Riêng nhà Xuân Thu còn nặng tính cách Tây, là hậu thân của một hiệu sách Albert Portail (lâu quá rồi không biết tên viết thế này có đúng không?) trước kia dành riêng cho giới ông tây bà đầm của thời thuộc địa sau được giáo hội Công giáo mua lại đổi tên Xuân Thu, nhìn ra mặt đường Tự Do, nhưng bọc kính kín mít, mở cửa bước vào nghe không khí mát lạnh, sách ngoại ngữ nhiều, trưng bầy nghệ thuật, giá cả cao, rõ ràng là dành cho giới “quý tộc” , đám học sinh lon con ít khi dám bén mảng tới.

Trong khi đó, Khai Trí được coi như nhà sách lớn và đông khách lai vãng nhất, chiếm hai rồi ba đơn vị nhà phố trên một đại lộ quan trọng nhất của trung tâm Sài Gòn. Nhớ lại miền Nam thuở đó, sách vở cũng phong phú thật, và sức tiêu thụ cũng thật lớn. Nhà Khai Trí phô bày tất cả tiềm năng sáng tác, biên khảo, in ấn, xuất bản và tiêu thụ sản phẩm tinh thần của thành phố thủ đô. Sách được trưng bày theo vùng, tiểu thuyết, biên khảo, giáo khoa …, rồi đến báo và tạp chí, rồi văn phòng phẩm, tất cả sắp xếp rất trật tự. Thời thập niên 50, 60, ảnh hưởng tiếng Pháp còn nhiều, chương trình Pháp vẫn còn dạy tại một số trường, nên sách báo từ Pháp gửi qua, bày bán khá dồi dào, nhớ thường có tờ Paris Match, Cine’ Revue, Cinemonde, và sách tiểu thuyết của những tác giả Pháp, cổ điển lẫn hiện đại, sách giáo khoa, từ tiểu học đến đại học, bằng tiếng Pháp …

Thời xưa, về buổi chiều, và nhất là các ngày cuối tuần, ở Sài Gòn thường có mục “bát phố”. Phố đây là vùng trung tâm, gồm chủ yếu là đường Lê Lợi, từ Chợ Bến Thành đến Nhà Hát Lớn, đoạn đường Tự Do, từ nhà thờ Đức Bà đến khoảng quán cà phê Hoàng Gia, đoạn đường Nguyễn Huệ, từ Tòa Đô Chánh đến Tổng Nha Ngân Khố. Dĩ nhiên, cũng phải kể thêm các “vùng phụ cận” gồm chợ Bến Thành và một đoạn đường Lê Thánh Tôn, dù người đi tại đây có mục đích mua sắm nhiều hơn là “văn nghệ”. Buổi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật (thời đó, cuối tuần công sở nghỉ từ chiều thứ bảy ), khu trung tâm Sài Gòn đông như một ngày hội. Công chức, tư chức, thanh niên, học sinh, sinh viên, quân nhân …đi đầy phố. Người ta đi “bát phố” , hai tiếng đó chỉ có nghĩa là dạo chơi, đi lên, đi xuống, có khi không mục đích gì rõ rệt, nhưng mà rất vui, càng đông càng vui. Bạn có thể gặp ở đó rất nhiều tà áo dài, những tà áo trắng của nữ sinh, những tà áo màu của những người lớn tuổi hơn …tung bay quấn quit trong làn gió mát rượi của buổi chiều Sài Gòn từ sông thổi lên, làm quang cảnh trung tâm Sài Gòn thêm duyên dáng. Hàng quán và tiệm buôn bên đường cũng đầy người, người ta dừng lại bên nhà hàng Thanh Thế, Thanh Bạch hay Kim Sơn để ăn một cái gì đó hoặc nhậu vài ly, dẫn người yêu vào Pole Nord hay Givral để nâm nhi vài cốc kem thật ngon, hay ăn phá lấu và uống nước mía Viễn Đông chỗ chùa Chà, hoặc vào Passage Eden ngắm những thứ hàng hóa mà giới trung lưu ít khi dám hỏi mua. Nhưng có một nơi rất bình đẳng, rất văn nghệ, rất trí tuệ mà từ em bé đến giới thanh niên, trung niên lẫn lão thành đều thường xuyên ghé lại, như có một sức hút vô hình, đó là hiệu sách Khai Trí. Cửa hàng sách vừa có chiều sâu vừa có bề rộng, bày tầng tầng sách báo từ trong ra ngoài, lúc nào cũng đầy ắp người.

Ông “Khai Trí”, tức ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân, hình như lúc nào cũng có mặt trong hiệu sách, đi đi lại lại cùng với những nhân viên mặc đồng phục áo dài xanh, hỏi han, chỉ dẫn người đọc đi tìm những thứ mà họ cần. Hẳn nhiên ông đang làm công việc buôn bán, kinh doanh sách, nhưng rõ ràng ông có cái say mê và lòng ân cần của người đang làm văn hóa, ông sung sướng thấy đám người trẻ tuổi đang hăm hở đi vào con đường tìm tòi học hỏi trong cái kho tàng sách vở mênh mông mà ông đang tạo dựng nên. Suốt thập niên 1950-1960, rồi một nửa của 1970, hiệu sách Khai Trí của ông như là một thứ trung tâm văn hóa của đất Sài Gòn, trong khoảng hai thập niên, không biết bao nhiêu lần, người viết những dòng này, từ một kẻ thiếu niên, ròi thanh niên, rồi người lớn, đã lui tới tìm sách vở trong cái vương quốc ấy của ông.

Tôi đã tìm mua ở đó cuốn L’Anglais Vivant Beige (bìa mầu nâu đất) đầu tiên thay vì chỉ biết loại Bleu (bìa mầu xanh) như đã học thời Trung học đệ nhất cấp ở miền Trung, đã thấy ở đó cuốn Legendes des Terres Sereines của Phạm Duy Khiêm, in từ bên Pháp, đã đọc cọp và khám phá cuốn Hương Máu của Nguyễn Văn Xuân, đã nhìn thấy hình bìa của tờ Paris Match vẽ chuột Mickey nhỏ một giọt nước mắt, và biết được Walt Disney đã qua đời …Hiệu sách Khai Trí trên đường Lê Lợi đã chào đón lớp lớp người, năm này qua năm khác, đi vào đó để đến với thế giới chữ nghĩa; học sinh đi tìm sách giáo khoa cho niên học mới, người ham thích văn học đến để xem tình hình sách báo có gì mới không; giới nghiên cứu, nhà giáo, học giả, đi tìm tài liệu trong bao nhiêu pho sách quý cổ kim, phụ nữ có tủ sách bạn gái, thiếu nhi thì có sách tranh ảnh và truyện nhi đồng, giới sành ngoại ngữ thì đến quầy sách báo nhập từ Pháp, Mỹ …Một thế giới muôn mầu muôn vẻ tập trung tại nhà sách lớn lao này, đã khiến cho cái sinh hoạt náo nhiệt của phố phường trung tâm Sài Gòn ngày xưa bừng lên một ánh sáng trong trẻo, thứ ánh sáng của văn hóa.

Chủ nhân Khai Trí là một người có hoài bão về văn hóa. Ngoài việc bán sách báo và văn phòng phẩm, ông còn làm xuất bản. Ông rất có lòng với giới cầm bút, thường tiêu những món tiền lớn cho tác quyền những sách mà họ đưa tới cho ông xuất bản, hoặc đôi khi chỉ mới là những sách “dự tính viết” thôi. Nguiễn Ngu Í, Nguyễn Hiến Lê, Trần Tuấn Kiệt v .v …một thời đã là những “thân chủ” của ông. Khai Trí cũng là một nhà xuất bản chuyên in Tự Điển của miền Nam, từ những cuốn thông dụng được dùng nhiều trong học giới và nhà trường như Pháp Việt Tự Điển của Đào Đăng Vỹ; Anh Việt, Việt Anh Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn, đến những cuốn tuy cần thiết cho học thuật nhưng khó tiêu thụ như Hán Việt Từ Điển của Thiều Chửu; Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng, v.v….Chỉ riêng lãnh vực từ điển, công khó của ông đối với nền học vấn của quốc dân cũng đã là lớn lao rồi, chưa nói đến biết bao sách giáo khoa, sách nghiên cứu, sách văn học, cùng vô số báo chí đã được ông xuất bản hoặc phát hành, tạo ra một đóng góp khổng lồ cho văn hóa nước nhà trong một giai đoạn lịch sử.

Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam năm 1975, gia sản của ông đã bị tịch thu toàn bộ, ông phải vào vòng tù tội và còn bị dọa tử hình nữa .Nhưng rồi sau một số năm, ông cũng được ra khỏi tù, và ngay lập tức, ông đi lùng kiếm tại những chợ trời sách để mua tất cả ấn phẩm của Khai Trí còn sót lại. Ông đã có một chủ đích, và âm thầm thực hiện trong nhiều năm: chuyển dần dần những sách Khai Trí cũ ấy qua cho gia đình ông hiện ở Mỹ .Bằng cách nào? Bằng cách gửi Bưu điện từng thùng nhỏ một, dĩ nhiên đó là loại sách thuần túy văn học, văn hóa, cộng thêm với hối lộ cho hải quan, số sách ông gửi đều trót lọt, và tính đến năm 1991, khi ông qua tới Mỹ theo diện bảo lãnh của gia đình thì số sách gom lại đã được 5.000 cuốn. Đến Mỹ, ông bắt đầu thực hiện giấc mộng thứ hai của đời ông, là dựng lại nhà sách, nhà xuất bản Khai Trí, với bước đầu là tái bản các sách cũ, và rồi sẽ tiếp tục con đường khai phá văn hóa mà ông đã làm ở Sài Gòn thời trước. Nhưng mọi sự đã trễ! Việc tái bản sách cũ của Việt Nam Cộng Hòa, trong đó dĩ nhiên có cả sách Khai Trí, đã có người làm rồi, và làm một cách tận tình, từ hơn mười năm trước. Thời điểm đầu thập niên 1990, công việc tái bản coi như đã hoàn tất, nghĩa là không còn gì để tái bản nữa, và nhu cầu của quần chúng Việt Nam tị nạn về sách vở cũ coi như đã bão hòa.

 Một điểm khó khăn nữa là, vốn và nhân lực làm việc để gây dựng nhà xuất bản. Ông Võ Thắng Tiết, Giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ ở Nam California, đã tiếp xúc nhiều với ông Khai Trí thời gian ông mới qua Mỹ, cho biết rằng các con của ông Khai Trí nói thẳng rằng họ có thể góp ít vốn cho ông theo khả năng của họ, nhưng hoàn toàn không thể giúp được gì ông, vì ai cũng có công việc cả rồi, không thể nào bỏ việc để cùng cha phiêu lưu theo giấc mộng của ông. Hình như ông Khai Trí có gặp ông Nguyễn Tấn Đời để bàn việc góp vốn cho chương trình văn hóa của ông, nhưng không đạt được kết quả. Ông Võ Thắng Tiết cho biết, trong số sách vở ông Khai Trí đã chuyển được sang Mỹ có rất nhiều thứ rất giá trị, như bộ sưu tập đầy đủ của báo Tri Tân và báo Nam Phong, tập san Sử Địa thời VNCH cũng không thiếu một số nào, tất cả sắp xếp rất ngăn nắp và khoa học. Một lần, nhà Văn Nghệ, trong công việc soạn thảo sách vở của mình, cần nội dung của nguyên một số Sử Địa cũ, ông Khai Trí đã không ngần ngại từ Cali bay qua Texas, sao nguyên cuốn đó để tặng ông Văn Nghệ.

Thực tế của nước Mỹ thời gian ông sang tới nơi, dần dần cho ông biết rằng, ông không thể nào đủ sức gây dựng một sự nghiệp mới: Vốn không đủ, người không có, và ông cũng đã có tuổi rồi. Nhưng tâm hồn ông Khai Trí lúc nào cũng hướng về việc làm cái gì đó cho văn hóa. Nhà ông ở cách khá xa Little Saigon, thế mà ngày nào ông cũng có mặt tại khu này, đi nhặt nhạnh tất cả các thứ báo mà người ta bỏ ở các chợ, đem về đọc và lựa lọc cắt ra những bài vừa ý bỏ vào một cái thùng. Ngoài ra, ông cất giữ tất cả các tạp chí, các đặc san của ngành nghề, hội đoàn mà ông có được. Thời trước, nhiều người có nhận xét rằng ông là một người cực kỳ “ham sách” , đến thời kỳ sau này, nhận xét đó vẫn còn đúng với ông. Thời gian ở Mỹ, ông vẫn cố gắng xuất bản vài cuốn sách, như tuyển tập các bài thơ tình của thi sĩ Việt Nam, các danh ngôn của thế giới. Và ông đã tâm sự với ông Văn Nghệ một ước mơ, có thể gọi là một mộng tưởng, rất lạ của ông: Làm sách cho nước Lào, phát cho dân Lào để giúp phát triển văn hóa của họ!

Sau năm năm ở Mỹ và biết rõ tình hình là chẳng làm được những gì mình mong ước, đến năm 1996 thì ông Khai Trí về lại Việt Nam để sống luôn tại đây, vẫn với một giấc mộng cũ muốn làm mới lại. Nghe nói nhà nước Việt Nam có chủ trương trả lại nhà cửa đã tịch thu năm 1975, ông về nước với đề nghị: Nhà nước trả lại các cơ sở cho ông, và ông sẽ cùng nhà nước thực hiện các nhà sách tân tiến theo lối Mỹ, trong đó có gian uống cà phê xem sách, có gian thiếu nhi để các em thoải mái tìm tòi,v.v…Nhưng những gì ông “nghe nói” không đúng với thực tế. Nhà sách Khai Trí của ông thì đã thành nhà sách Sài Gòn, quốc doanh rồi, tức là quốc hữu hóa rồi, các nhà cửa khác của ông thì chia chác cho cán bộ, đã 20 năm qua, họ đã bán đi bán lại nhiều lần, giá cả càng ngày càng cao, không tài nào gỡ ra cho được .Cuối cùng người ta cho ông một phòng trong một căn nhà cũ của ông, và ông sống ở đó, cho đến ngày qua đời, với giấc mộng lớn không bao giờ thực hiện được nữa .Nghe nói thời gian gần mười năm ở Sài Gòn, ông lại mày mò xuất bản một ít cuốn sách, loại vô thưởng vô phạt, như kiểu thơ tình yêu. Thôi, nếu coi ông là người quá ghiền sách thì công việc xuất bản nhỏ nhoi đó chỉ là một ít ma túy cho đỡ cơn ghiền, và nếu rộng lượng thì tạm gọi đó là “giấc mộng con đã thành” của ông cũng được.

Theo báo Học Tập của Cộng Sản Việt Nam, năm 1975, họ đã tịch thu và tiêu hủy 60 tấn sách của nhà Khai Trí. Họ đã ra sức tiêu diệt những giá trị trí tuệ của miền Nam, cũng là của Việt Nam, để bắt cả một dân tộc phải tuân theo một loại mà họ gọi là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”, thực chất chỉ là những thứ cặn bã nhai lại của nền văn hóa Cộng sản, học được của Liên Sô và Trung Cộng. Kết quả của tinh thần nô dịch ấy là gì, chúng ta đã thấy rõ từ lâu.Vì thấy rõ từ lâu, miền Nam chúng ta mới có những người như ông Khai Trí và bao người khác cố gắng xây dựng một nền văn hóa xứng đáng cho dân tộc mình. Đối với ông Nguyễn Hùng Trương, đó là giấc mộng của cả một đời. Ông đã có hơn 20 năm của đời ông để thực hiện giấc mộng của ông. Trên thế giới này, không có giấc mộng nào là hoàn tất cả, giấc mộng của ông Khai Trí cũng vậy. Nhưng không sao, những gì ông đã gây dựng nên về học vấn và trí tuệ đã và sẽ lưu lại trên nhiều thế hệ. Lịch sử văn hóa của chúng ta sẽ ghi nhớ những việc ông làm như là những công đức mà một cá nhân đã để ra cả một đời mình để vừa ước mơ vừa thực hiện, mà mục đích không gì khác hơn là góp phần khai thông trí tuệ cho đồng bào của mình.

Phạm Phú Minh