Lần thức tỉnh sau cùng?
Sau ngày 30 tháng Tư, 1975, người dân miền Bắc nói chung và những đảng viên cộng sản nói riêng lần đầu tiên bước chân vào Sài Gòn và miền Nam, mới vỡ ra một sự thật, đó là cuộc sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam khá hơn chế độ XHCN ở miền Bắc về rất nhiều mặt.
Kinh tế là cái đập vào mắt mọi người ngay lập tức và dễ nhìn ra nhất khi so sánh từ bộ mặt các đô thị cho tới nông thôn hai miền, thu nhập, mức sống của người dân, số lượng, chất lượng, sự phong phú của các chủng loại sản phẩm, hàng hóa trong đời sống hàng ngày, rồi tổng sản lượng quốc gia, vị trí nền kinh tế của mỗi miền so với các nước trong khu vực…
Đến chất lượng của nền giáo dục, y tế, thành tựu về văn hóa nghệ thuật xét trên tiêu chí tự do sáng tác, sự đa dạng, phong phú trong các tác phẩm. Quan trọng hơn là một môi trường sống tự do dân chủ được thể hiện từ tự do báo chí, lập hội, lập đảng, biểu tình phản đối Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tự do tiếp nhận thông tin …
Trí thức miền Bắc nhận ra sự khác biệt này khi tiếp xúc với kho báo chí, sách vở, tư liệu, dịch thuật mênh mông đa chiều của chế độ miền Nam. Trong lúc miền Bắc chỉ được đọc/nghe/xem báo chí quốc doanh của nhà nước, tư liệu dịch thuật thì chỉ từ Liên Xô và các nước XHCN anh em, ai lén lút nghe đài BBC có thể bị tù ngay thì ở miền Nam báo đài, sách vở các nước từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả tư tưởng của Mác của Mao…được in ấn, lưu hành rộng rãi.
Phóng viên nước ngoài được tự do sục sạo khắp nơi, tác nghiệp đưa tin và phải nói thật, chính sự tự do này cũng là con dao hai lưỡi đối với chế độ VNCH trong khi phải đương đầu với cái loa tuyên truyền một chiều phát hết cỡ của truyền thông báo chí cộng sản. Nhưng tự do dân chủ thì phải như vậy.
Trước đó, người dân miền Bắc luôn được nghe đảng và nhà nước tuyên truyền rằng cuộc sống của đồng bào miền Nam vô cùng khốn khổ vì bị Mỹ ngụy kìm kẹp, đồng bào miền Nam đang rên siết dưới gót giày ngoại xâm, phải hy sinh tất cả để giải phóng miền Nam…
Trước thực tế rành rành sau đất nước thống nhất, những “cái loa” của đảng lại tìm cách ngụy biện rằng đó chỉ là phồn vinh giả tạo, miền Nam giàu là do Mỹ viện trợ, chứ còn đời sống xã hội thì thối nát, toàn đĩ điếm, xì ke, tham nhũng…
Mặc dù vậy, trong lòng nhiều người, chắc chắn niềm tin vào đảng, vào nhà nước cộng sản đã giảm sút khá nhiều, thậm chí có những người thực sự thức tỉnh vì nhận ra mình, cha ông mình đã bị lừa.
Theo thời gian, những giá trị của VNCH đã từ từ, lặng lẽ hoặc công khai được phục hồi. Từ việc chuyển đổi mô hình từ kinh tế quốc doanh, tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường dù vẫn còn cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, bỏ ngăn sông cấm chợ, bỏ các mô hình làm chủ tập thể như hợp tác xã, nông trường…trở lại với tư nhân, tư hữu.
Từ việc một số lượng không nhỏ sách của miền Nam trước năm 1975 được cho in ấn, tái xuất bản, một số lượng lớn các ca khúc của miền Nam được phổ biến, trình diễn công khai (cần phải nói thêm rằng âm nhạc miền Nam chưa bao giờ hoàn toàn chết trong suốt 40 năm qua, ngay cả trong thời kỳ đầu khi bị lên án là đồi trụy, phản động…thì người dân vẫn lén lút nghe).
Trong đời sống hàng ngày nhiều thứ cũng dần dần xuất hiện trở lại. Chẳng hạn, việc cho phép cô giáo tiểu học, trung học rồi đến nữ sinh trung học lại được mặc áo dài, trang phục công sở nam mặc veston thắt cravate đi giày, nữ ăn mặc đẹp, lịch sự thay vì cung cách xuề xòa một thời được đề cao.
Trong các cơ quan công sở hành chính thay vì gọi “sếp”, gọi cấp trên là anh Hai, Chị Ba, chú Tư…thân mật theo kiểu gia đình đã trở lại thành ông/bà lịch sự.
Những từ ngữ trong giao dịch công sở, giấy tờ hành chính, trong giáo dục, bằng cấp, đời sống…một thời cứ Việt hóa một cách thô thiển như “xưởng đẻ”, chiến sĩ gái, bài nói (diễn văn), các bạn nghe đài (quý thính giả), hát đôi (song ca), hát tốp hoặc tốp ca (hợp ca)…từ từ “đổi mới thành cũ”, kể cả CMND cũng trở lại là thẻ căn cước…
Nhưng cái án nặng nề nhất mà chế độ VNCH bị đảng và nhà nước cộng sản “đóng đinh” bao năm là một chế độ ngụy quyền, tay sai bán nước, đã hằn thành nếp nghĩ trong đầu óc bao thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trước đây cũng như người dân cả nước thời hậu chiến.
Đối với những người dân lặng lẽ tìm cách mở mắt cho mình qua báo chí tư liệu “lề trái” trong và ngoài nước, từ lâu đã nhận ra nhiều sự thật phía sau “hào quang” chiến thắng và tính chính danh, chính nghĩa của đảng cộng sản trong cả hai cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, sự thật về mối quan hệ Việt-Trung trong suốt bao nhiêu năm…
Thật ra, thông qua đường lối chính trị ngoại giao cho tới cách hành xử của phần lớn các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản, người dân VN cũng như thế giới không khó khăn gì để nhận ra đảng cộng sản hèn hạ, bạc nhược trước Trung Cộng như thế nào, thật sự là một cái đảng bán nước ra sao. Nhưng muốn thuyết phục tất cả những ai còn mơ hồ, hoặc vẫn còn chút niềm tin vào nhà cầm quyền VN thì phải có bằng chứng giấy trắng mực đen.
Và dần dần những bằng chứng đó đã bị lộ ra, từ chính “bạn vàng” Trung Quốc. Từ công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, bản đồ, sách giáo khoa do nước VNDCCH phát hành công nhận Trường Sa-Hoàng Sa là của Trung Quốc… được chính Trung Cộng đính kèm làm bằng khi kiện VN ra trước Liên Hiệp Quốc ngày 9 tháng Sáu vừa qua.
Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ. Đừng quên trong suốt bao nhiêu năm qua, giữa hai đảng, hai nhà nước Việt-Trung đã có bao nhiêu bản ký kết, hiệp ước trong bí mật, rồi nào Hiệp định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Trung Quốc 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ tháng 12 năm 2000, Hội nghị Thành Đô 1990…
Không ai biết được hai bên đã ký kết thỏa thuận những gì, chỉ biết Ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, hàng trăm kilomet vuông dọc biên giới phía Bắc, hàng ngàn hải lý vuông lãnh hải thuộc vịnh Bắc Bộ…trở thành của Trung Cộng, do chính đảng và nhà nước cộng sản VN tự tay dâng cho giặc. Chưa kể một phần Trường Sa và nhiều địa điểm bị Trung Cộng cưỡng chiếm qua các cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, trận Gạc Ma 1988…
Và bây giờ, điều chua chát là nhà cầm quyền VN phải viện dẫn đến thực tế Hoàng Sa lúc bấy giờ đang thuộc quyền quản lý của chính quyền VNCH, bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm từ năm 1974, để “chạy tội” cho công hàm 1958, hay những “Tấm bia chủ quyền thời VNCH trở thành di tích quốc gia” (Báo Thanh Niên)…
Và bây giờ, trước lòng tham vô đáy, sự hung hăng ngang ngược của Trung Cộng, nhiều nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á đều mong muốn được là đồng minh của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, kể cả VN, vẫn luôn tự hào đã đánh đuổi “đế quốc Mỹ xâm lược”.
Ai sai lầm, ai bán nước, câu trả lời đã quá rõ ràng. Chưa kể, nếu nói là một chế độ tay sai, đánh thuê, thì chính đảng cộng sản VN còn tự hào thừa nhận “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”, chính đảng cộng sản cũng phải dựa vào lương thực, quân tranh quân dụng, tiền bạc, vũ khí, đạn dược, cố vấn, kể cả con người…của các nước XHCN anh em để có thể đánh Mỹ và VNCH.
Như thế là sau 39 năm, cái tiếng oan trong lịch sử “một chế độ tay sai, đánh thuê, bán nước” của chế độ VNCH đã được gột rửa, đối với những ai hiểu biết.
39 năm lâu hay là mau? Có thể gọi là mau nếu so với quãng đường lịch sử dài mấy ngàn năm của một quốc gia, nhưng riêng trong hoàn cảnh ngặt nghèo của VN, khi cơn ác mộng mất nước, bị lệ thuộc lâu dài vào Trung Cộng đang lơ lửng trước mắt và thời gian còn lại quá ít, thì mọi sự thật được bạch hóa đều trở nên quá chậm.
Dù sao, đối với tất cả những ai thức tỉnh trước sự thật về đảng cộng sản VN lần này, có lẽ sẽ là sự thức tỉnh sau cùng, và không bao giờ còn chút mơ hồ, lầm lẫn nào nữa. Bởi với một dân tộc có một lịch sử cay đắng “1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày…” (ca khúc “Gia tài của Mẹ”, Trịnh Công Sơn), tội bán nước luôn luôn là tội lớn nhất, không thể tha thứ.
Với cái tội bán nước có bằng chứng, có quá trình, tiếp tục một cách lâu dài và đem lại quá nhiều hệ lụy cho đất nước, dân tộc, đảng và nhà nước cộng sản còn lý do nào để có thể tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước?
Song Chi