Friday, June 20, 2014

Nguyễn Mạnh Côn

Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Mạnh Côn
Tiễn đưa một thế hệ

Một người bạn cho biết mới đọc lại một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng của Nguyễn Mạnh Côn và vẫn thấy mê câu chuyện của nhà văn đa tài này. Trong tác phẩm của ông, dù thuộc thể loại nào cũng chứa đựng những thao thức về triết lý. Ông Nguyễn Mạnh Côn thuộc thế hệ những thanh niên Việt Nam đầu thập niên 1940, muốn giải phóng quê hương nhưng cũng muốn tham dự vào lịch sử một cách có ý thức. Họ không những tìm đường đòi độc lập dân tộc mà còn đi tìm con đường nào "đúng nhất" để xây dựng đất nước. Có những người thuộc thế hệ ông đã chọn con đường của chủ nghĩa Mác, nhưng tâm hồn Nguyễn Mạnh Côn có đủ mẫn cảm và tinh tế để tránh xa chủ nghĩa cộng sản ngay từ đầu.Và những tác phẩm trong đời ông đã viết đều vẫn đi tìm đường, nói văn hoa thì gọi là đi xây dựng một ý thức hệ khác với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Nguyễn Mạnh Côn đã qua đời từ vài chục năm nay sau khi bị hành hạ về thể xác cũng như tinh thần trong nhà tù cộng sản. Chúng ta có thể đoán rằng trước khi nhắm mắt ông vẫn thao thức đi tìm. Nhưng chắc hẳn ông cũng an lòng ở một điều này, là quyết định của ông từ thời thanh niên đã từ chối chủ nghĩa cộng sản là một quyết định đúng. Ông đã nhìn thấy sản phẩm do chủ nghĩa cộng sản tạo ra, chỉ cần nhìn vào cách sống của những quản giáo, cách cư xử, nói năng của những cán bộ tuyên huấn cho đến các công an. Ông thấy cách họ đối xử với nhau. Và chắc ông phải cảm thấy là loài người không nên sống với nhau như vậy. Mặc dù lúc qua đời ông Nguyễn Mạnh Côn chưa chứng kiến sự sụp đổ của cả hệ thống kinh tế, xã hội cộng sản, nhưng ông cũng có thể nhận thấy ngay rằng một chủ nghĩa đem biến mọi người thành những thứ người như vậy, huấn luyện họ ăn ở với nhau như vậy, thì chắc chắn là sai lầm. Đem chủ nghĩa đó áp đặt cho cả một dân tộc phải theo, không ai được cãi, quả là một tội lớn. Trước khi nhắm mắt, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có thể an tâm là mình không tham dự vào cái tội lớn đó.

Tướng Trần Độ không may mắn như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Ông cũng thuộc thế hệ những người Việt Nam từ thập niên 1940 đã đi tìm một ý thức hệ, và ông đã chọn chủ nghĩa cộng sản. Ông tin tưởng nhiệt thành vào chủ nghĩa đó, đem truyền bá cho nhiều người khác theo ông. Nhưng trong mấy năm cuối của đời ông thì ông biết mình đã sai lầm. Mới ba năm trước ông còn nói vẫn đang đi tìm một kiểu mẫu xã hội hay nhất, đúng nhất, nhưng chưa tìm ra. Chắc trước khi nhắm mắt ông vẫn muốn nhắn bảo những người còn sống hãy tiếp tục đi tìm. Có thể ông cũng ăn năn vì mình đã chọn lầm đường, không những thế còn lôi cuốn nhiều người khác đi theo đường mình đã chọn. Ông nhắc lại nhiều lần rằng chế độ cộng sản mà ông góp công xây dựng nên chỉ là một bộ máy đàn áp, bóc lột nhân dân. Ông biết nó thất bại không mang lại hạnh phúc cho loài người, và chắc cũng cảm thấy guồng máy đó còn huỷ diệt cả nhân tính. Nhưng trong lúc nhắm mắt tâm hồn ông cũng có thể vẫn bình an. Vì khi biết mình đi theo con đường sai lầm thì ông nói thẳng, nói thật điều đó ra, cho thấy ông vẫn giữ được một lương tâm trong sáng. Nhiều người không có thái độ can đảm đó. Có những người biết mình sai nhưng không dám nói thẳng hết, như nhà thơ Chế Lan Viên chỉ dám viết những câu thơ bóng gió.

Đó là một thế hệ những người đi tìm chủ nghĩa. Có người theo chủ nghĩa cộng sản một cách dễ dãi, có những người suốt đời đi tìm một thứ chủ nghĩa khác, không phải mác xít, chống mác xít, hoặc vượt mác xít.

Mà không phải chỉ có thế hệ đó, không phải chỉ có người Việt Nam. Khắp thế giới, cả loài người, từ thế kỷ 18, 19 đến thế kỷ 20 đã có bao nhiêu người thao thức đi tìm như vậy. Tựu chung, họ muốn đem trí khôn ngoan của con người mà tìm hiểu lịch sử, để vẽ ra một bản hoạ đồ cho đồng loại theo đó mà sống cho tốt đẹp, cho lương hảo hơn. Có thể do tấm lòng vị tha, nhưng cũng có thể do ngã mạn quá lớn. Những ông Hitler, Mao Trạch Đông, Khomenei đều mang hoài bão to lớn thay đổi nhân loại cả. Họ đã đem nhân loại ra làm thí nghiệm cho các bản hoạ đồ lớn lao của họ, và làm chết rất nhiều người, làm khổ nhiều người hơn nữa.

Trong khi đó thì loài người vẫn sống, vẫn thay đổi, lịch sử vẫn diễn ra ngoài mọi dự định, mọi tiên đoán của các lý thuyết gia, các lãnh tụ, các uỷ ban kế hoạch, cộng sản cũng như không cộng sản. Những tiến bộ của khoa học từ đầu thế kỷ này đã cho thấy trí khôn ngoan của chúng ta thật ra rất khiêm tốn. Hoài bão muốn thâu tóm cả lịch sử, trước và sau, cả thế giới và cả vũ trụ vào trong một ý thức hệ, một bản hoạ đồ, đó là một ham muốn lớn quá sức con người. Khi biết như vậy rồi thì ý định xây dựng xã hội theo một bản hoạ đồ cố định cũng chấm dứt, thời đại của các ý thức hệ chấm dứt.

Ngày nay chúng ta khiêm tốn hơn, không mong thay đổi thế giới theo một bản hoạ đồ vĩ đại nữa. Thế hệ nào cũng có những người muốn giúp đồng loại sống tốt đẹp và xứng đáng hơn. Nhưng thay vì vẽ ra một hoạ đồ vĩ đại cho cả nhân loại theo thì ngày nay người ta chỉ thảo luận với nhau về những vấn đề nho nhỏ để cải thiện cuộc sống chung. Thí dụ, như mục này mới trình bày hôm qua, một câu hỏi mà xã hội nào cũng phải bàn, là chúng ta làm việc, tạo ra của cải rồi, thì phải đóng bao nhiêu thuế?

Không đặt ra những câu hỏi đơn giản đó thì sẽ tạo ra những cảnh lố bịch lắm. Chẳng hạn như ở những nước tự gọi là theo chủ nghĩa xã hội thì các nhà doanh nghiệp giầu nhất nước lại không đóng góp cho công quỹ, để cho dân lao động nghèo nàn đóng thuế chết bỏ! ƠẨ Trung Quốc trong mười người dân thì 2 người giầu nhất đang làm chủ 80% tài sản chung, để cho tám người khác chia nhau 20% chỗ còn lại. Mà 2 người giầu nhất nước đó chỉ đóng góp được 10% vào số thuế lợi tức cá nhân, để cho 8 người còn lại góp 90% cho công quỹ. Tại sao một chính phủ tự nhận là đại biểu của giai cấp lao động lại gây ra cảnh bất công đó? Vì người ta cứ hô hào những chủ nghĩa trừu tượng, tranh luận những vấn đề lớn lao, không ai thảo luận những chuyện nhỏ nhặt và cụ thể đó.

Có lẽ thế hệ những người như Tướng Trần Độ vẫn còn bị ám ảnh về chuyện ý thức hệ, chứ các thanh niên ngày nay đã vỡ mộng rồi, chẳng còn ai nghĩ đến chuyện đó nữa. Nhưng không đi tìm ý thức hệ không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ nỗi thao thức hướng thiện của mình. Chúng ta vẫn cần bầu nhiệt huyết muốn xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Chúng ta phải tìm cách cải thiện đời sống hiện tại của dân tộc, mà không cần một bản hoạ đồ vĩ đại nào cả. Chính ông Trần Độ cũng đã bắt đầu làm như vậy. Khi còn sống ông đã quyết liệt đòi hỏi cho người dân Việt Nam được bầu cử tự do, có quyền ngôn luận tự do.Trước kia, khi còn tin ở chủ nghĩa cộng sản ông không coi đó là những quyền quan trong, gắn cho chúng nhãn hiệu là các quyền của ý thức hệ tư sản. Nhưng gần đây ông đã thấy rằng những nhãn hiệu đó không có ý nghĩa gì cả, mà các quyền tự do thì rất thiết thực. Có lẽ những người đi dự đám tang ông nên nhớ lại kinh nghiệm đó của ông mà tiếp tục công việc ông đang làm dở dang. Phải đòi hỏi những quyền tự do cụ thể, cho tất cả mọi người dân Việt Nam đều được hưởng. Đó chính là nước đầu để tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!



Ngô Nhân Dụng
@nguoiviet