Sunday, January 11, 2015

Đỗ Xuân Tê

Ký ức văn nghệ, Saigon một thuở


Viết để tưởng nhớ nghệ sĩ Trần Văn Trạch

Bốn mươi năm nhìn lại, ký ức về chuyến đi trình diễn cuối cùng của Đoàn Văn nghệ VNCH tại hải ngoại (Vientiane, tháng 10-1974) vẫn còn mãi sinh động trong tôi.(Hình phải nghệ sĩ Trần Văn Trạch)

Sinh động vì chính tôi là người trong cuộc được ủy nhiệm làm Trưởng đoàn, lại có quái kiệt Trần văn Trạch làm cố vấn nghệ thuật cùng sự tham gia hầu hết ca sĩ tên tuổi của Sài gòn một thuở (mà đa phần đang đầu quân cho Bộ Dân vận Chiêu hồi của Hoàng Đức Nhã), vừa có lực lượng hùng hậu của hai bộ môn cải lương và sân khấu kịch nói với các nghệ sĩ hàng đầu từ Diệp Lang Thanh Tú cho đến Bạch Tuyết Kim Cương, lại có đoàn vũ tên tuổi của Biệt đoàn văn nghệ quân đội do vũ sư Trịnh Toàn biên đạo, có ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh và các tay đàn tay trống trứ danh, chưa kể các danh hài Bến Nghé và ảo thuật gia chuyên nghiệp Z28 cùng dàn âm thanh ánh sáng vừa nhập về từ Nhật.

Lực lượng của đoàn khá hùng hậu gồm gần trăm đoàn viên, chương trình trình diễn rất qui mô hoành tráng vì đây sẽ là một cuộc so tài giữa hai đoàn văn nghệ, một Nam, một Bắc lần đầu tiên trên một sân khấu quốc tế là Hội chợ triển lãm Quốc tế Vientiane (Lào) khi mà nước bạn vừa có một Chánh phủ Liên hiệp Quốc Cộng và quyền Thủ tướng lại là phe Pathet Lào. Kiều bào của ta rất đông sinh sống trên xứ này và công tác dân vận hải ngoại được cả hai bên Sài gòn/Hà nội cùng quan tâm. Dịp này cũng trùng với lễ hội của dân tộc Lào có tên That Luang, họ vừa cúng kiếng vừa ăn chơi kéo dài cả tháng trong một thủ đô có cả hơn trăm ngôi chùa nằm ngay cạnh dòng sông Mékong, nguồn nước chung của ba nước Đông dương.

Chính vậy mà đoàn văn nghệ lần này được kể là độc đáo, có một không hai trong lịch sử văn nghệ miền Nam, một phần vì ông Hoàng bên Dân Vận là cơ quan chủ quản muốn biểu dương lực lượng, không ngại tốn kém từ chi phí cho tập luyện, y trang, dụng cụ dàn dựng, chuyên chở, đến ăn uống, ăn ở v.v…thậm chí dùng Air Vietnam làm con thoi chuyên chở ca sĩ mỗi tuần một chuyến vừa để thay đổi không khí sân khấu vừa thỏa mãn cho các ngôi sao vẫn có thể hát phòng trà mà không phải ở lại Vientiane suốt ba tuần trình diễn!

Cái hay là trừ thành phần nam nghệ sĩ đa phần là quân đội và một số nữ bên Dân vận, các diva và siêu sao của thủ đô không nhận thù lao trong chuyến đi và chịu ở chung với đoàn dù họ có dư tiền thuê khách sạn. Đổi lại, Vientiane là cảng trung lập có đủ loại hàng hóa đặc biệt từ Pháp nên nghệ sĩ tha hồ shopping và may mặc với giá rất rẻ trước khi về nước cùng thưởng thức những món ăn đặc sản ba miền ngay trên đất Lào.

Nhiệm vụ của chúng tôi những người hướng đẫn đoàn là làm sao phải trên chân những nghệ sĩ phía bên kia và dành được sự mến mộ của kiều bào sống trên đất khách, lại bảo đảm được an ninh cho đoàn khi hai gian hàng cùng mẹ khác cha nằm cạnh nhau vì có chung vần V (Vietnam) trong tổng số gần 30 quốc gia tham dự. Cái khó cho chúng tôi là ông Hoàng gửi cả hai ca sĩ chiêu hồi (Đoàn Chính và Bùi Kiệm) cùng tham gia mà việc này dễ xảy ra cảnh bắt cóc khó lường trước.

Cũng cần nói lẽ ra Nghệ sĩ Trần Văn Trạch làm trưởng đoàn mới đúng vì uy tín cá nhân và bề dày sự nghiệp văn nghệ của anh, chưa kể anh đang làm giám đốc văn nghệ của Bộ Dân Vận, một chức vụ lần đầu anh tham gia chánh quyền khi chịu đầu quân cho ông Hoàng mà nhờ anh mới qui tụ được nhiều nghệ sĩ triển vọng và tên tuổi cho Bộ. Nhưng lực lượng của đoàn 70% là nam nữ nghệ sĩ bên quân đội nên để dễ điều động và lo các mặt an ninh hành chánh, bộ Dân vận và tổng cục CTCT đồng ý cử tôi vai trưởng và anh Trạch làm phó. Biết thân phận đàn em trong làng văn nghệ và từng là fan của anh, tôi xin anh giữ chức Cố vấn nghệ thuật và mặc nhiên anh là người toàn quyền trong trách nhiệm trình diễn và sau này khi chuyến đi thành công thì chính anh là người đã có công đạo diễn từ A đến Z.

Thật sự không phải lần này (1974), chánh quyền ta mới gửi các đoàn văn nghệ sang Lào trình diễn, từ mười năm trước mỗi năm vào dịp lễ hội đều có đoàn của Biệt đoàn văn nghệ trung ương sang đây và cá nhân tôi cũng có vài lần tiếp cận qua nhiệm vụ này, nên chúng tôi biết rõ thị hiếu thưởng thức của kiều bào muốn gì.

Gần đến ngày khai mạc trong khi chúng tôi chuẩn bị tích cực dàn dựng sân khẩu, thì gian hàng bên vẫn im hơi lặng tiếng, có tin đồn là thấy bên VNCH lực lượng hùng hậu quá, lại có lợi điểm là kiều bào ta có chiều hướng thích kiểu văn nghệ mìền Nam, từ nhạc vàng cho đến ca kịch cải lương, chứ không mặn loại nhạc hồng với giọng hát cao vút của trường phái Đông u, dù phần vũ (múa) của họ có phần nổi trội. Chuyện đồn trở thành sự thật, bên họ quyết định bỏ phần văn nghệ và chỉ cho trình chiếu phim trong những ngày triển lãm. Anh Trạch và tôi thở phào khi không phải tranh tài và bị chia khán giả, càng đôn đốc nghệ sĩ của Đoàn diễn cho thật tốt để tranh thủ thiện cảm của bà con.

Buổi chiều khai mạc, người ta ghi nhận quyền thủ tướng Lào đã ghé gian hàng VNCH lâu hơn bất cứ gian hàng nào khác, chỉ vì màn vũ Trống Mê Linh với hơn 30 trống lớn nhỏ qua phần trình diễn xuất sắc của vũ công Thu Thủy, một nghệ sĩ múa sẽ trở thành huyền thoại nếu đừng có tháng tư đen. Những ngày kế tiếp, hằng đêm đều có gần ba tiếng đồng hồ trình diễn văn nghệ, cụ thể phần đầu là ca múa nhạc ảo thuật, phần hai là một vở kịch, tuồng hay cải lương. Bà con tham dự có đêm lên tới năm ngàn người, đứng lấn sang cả gian hàng Bắc Việt, trong đó có cả kiều bào mình bên Thái (bên kia sông Mékong) sang.

Phần ăn khách vẫn là những ca khúc quê hương do các ca sĩ thượng thặng của Sài gòn đương thời, đáng chú ý là các ca sĩ trẻ Hương Lan, Sơn Ca, Họa Mi cũng được ái mộ nhiệt tình, các vở kịch có (nữ hoàng sân khấu) Kim Cương thủ vai và các tuồng cải lương có (cải lương chi bảo) Bạch Tuyết đóng vai chính. Nhìn chung về mặt trình diễn đoàn văn nghệ VNCH tranh thủ trọn vẹn cảm tình của kiều bào mình và nhiều khách du ngoạn triển lãm, kể cả cư dân địa phương của nước chủ nhà vốn hiền hòa và hiếu khách. Có cái lạ là văn hóa Việt ảnh hưởng đậm trên đất Lào, bạn có thể dùng tiếng Việt khi giao tế mua bán, hai ngôn ngữ chính là Việt (cho giới bình dân) và Pháp cho người có học) rất phổ biến ở Vientiane. Các Chú Sam (Mỹ) chưa có ảnh hưởng ở đây, vì vậy đoàn đã phải chuẩn bị nhiều bản nhạc Pháp do khán giả yêu cầu.

Nay nhắc lại chuyến đi, trong vai trưởng đoàn xin được ghi lại vài giai thoại xoay quanh một số nhân vật và sự kiện bên lề. Bằng cảm nghĩ riêng cùng sự trân trọng, ái mộ nghệ sĩ, tác giả không có ý đi sâu vào đời tư cá nhân.

Trước hết linh hồn của Đoàn vẫn là Nghệ sĩ Trần văn Trạch, anh quán xuyến đủ chuyện từ sắp xếp chương trình đến phối trí các vai, nhờ uy tín của anh mà tạo được sư đoàn kết gắn bó cho đoàn, nhất là các nữ nghệ sĩ toàn người nổi tiếng không ai chịu thua ai. Anh cũng được kiều bào biết tiếng từ đầu thập niên 50, nên hay yêu cầu anh ca những bản nhạc Pháp và diễn các trò hài quái kiệt của anh, dầu vậy công việc đạo diễn nghệ thuật cho đoàn vẫn là chính. Người nghệ sĩ chuyên hát bài Xổ số Kiến thiết mỗi thứ ba hàng tuần đem niềm hi vọng cho hàng triệu dân miền Nam mơ thành triệu phú trong suốt cuộc lưu diễn đã tỏ được bản lãnh vừa khiêm tốn vừa chuyên nghiệp của một nghệ sĩ lớn trên đất Lào.

Bên cải lương thì cô đào Bạch Tuyết được khán giả hết sức ái mộ, nhiều người đã khóc khi xem những cảnh mùi do cô thủ vai. Biết tôi mê cải lương, nhiều đêm khi diễn xong cô hay chạy tìm tôi phía khán giả, ngả đầu trên vai khóc như con nít. Lúc này ở quê nhà cô đang cặp bồ với Charles Đức, một Việt kiều Pháp sau 75 làm ăn với bên cộng sản, hình như cô yêu anh chàng này thực sự chẳng phải vì tiền. Tôi biết cô vừa yêu nghề yêu quê hương nên chịu ở lại không ra nước ngoài dù có điều kiện.

Bên thoại kịch thì kiều bào lần đầu được giáp mặt với Kim Cương cũng là tác giả viết vở Lá Sầu Riêng thì họ vô cùng hạnh phúc.Tài nghệ bậc thầy của người nghệ sĩ này đã diễn hết mình cho bà con mà còn làm vẻ vang cho nền kịch nói miền Nam. Ở tuổi gần 40, cô mới có môt đứa bé trai và một người chồng là một sĩ quan (cộng hòa) rất trẻ. Ngày nào cô cũng than nhớ con và đưa hình thằng nhỏ cho tôi xem. Tôi vốn hâm mộ Kim Cương từ hồi còn đi học, nhưng một năm sau không ngờ có tin đồn thổi cô là cán bộ trí vận quân hàm đại úy. Thực hư thế nào vì đi cải tạo tôi không được rõ, nhưng có một điều tôi được người bạn hiện định cư tại Canada thì vào khoảng sau khi nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát, để bảo vệ cho cô, cả chồng và đứa con được đưa vào nhà khách của Thành ủy, một khách sạn cũ cạnh Dinh Độc lập, bạn tôi lúc đó còn được giữ lại làm quản lý. Anh nhớ rõ hai khuôn mặt là Hun Xen và Kim Cương có thời là khách vãng lai. Hi vọng chuyện này chỉ là giai thoại, chứ là thật thì xin khâm phục những người móc nối được cô, một nghệ sĩ mà qua nghề nghiệp, giao lưu và lối sống chúng tôi tưởng phải là người vượt biên đầu tiên.

Quay sang phía ca nhạc thì khó nói ai hay hơn ai vì phụ thuộc khán giả là fan của ai. Phải nói ngàn năm một thuở dân xứ Vạn Tượng mới tận mắt thấy mặt và nghe giọng ca của các ca sĩ Sài gòn mà họ ái mộ qua phát thanh hay băng nhạc. Bản nhạc gây nhiều nước mắt cho bà con là Xuân này con không về do Duy Khánh ca và bản Đêm đông do nữ ca sĩ Bạch Yến hát.

Có người sẽ hỏi sao có Bạch Yến ở đây khi người ca sĩ này đã rời VN cả chục năm trước. Đúng vậy, cô là ca sĩ duy nhất không có tên trong Đoàn, nhưng lại là nghệ sĩ được ái mô nhất trong các ca sĩ hát cho kiều bào phần vì giọng hát truyền cảm điêu luyện phần vì chính cô cũng là một người Việt xa quê. Anh Trạch và tôi mừng vì nhờ cô mà phần ca nhạc của đoàn thêm phong phú khởi sắc nhưng cũng khá nhức đầu vì điều ong tiếng ve khi dành cho Bạch Yến nhiều ưu đãi trên sân khấu.

Bạch Yến đến Vientiane do cơ quan tôi giới thiệu nhân cô vừa về thăm quê. Cô xin hát với tư cách riêng, chịu bỏ tiền túi vừa di chuyển vừa ăn ở, không nhận thù lao. Cô gặp tôi, tình cờ lại là fan của cô từ thuở cô đi mô tô bay, nay thì đã trở thành một ca sĩ tầm vóc quốc tế, hát ba ngôn ngữ Pháp, Anh, Tây ban nha đều điêu luyện. Cô xin được đứng riêng trên sân khấu như một kiều bào hát cho kiều bào, phần nhạc đệm cho tập dượt (mỗi sáng) và trình diễn (mỗi đêm) cô yêu cầu là ban Shotguns của đơn vị tôi. Thời gian cô hát là một tuần và mỗi đêm để cô hát tối thiểu 5 bài không kể được yêu cầu thêm từ khán giả.

Cái khó cho chúng tôi là cô đòi đứng riêng trên sân khấu, lại hát tới 5 bài (các ca sĩ khác chỉ hai bài mỗi đêm), cuối cùng anh Trạch giải quyết bằng cách cô sẽ diễn trong phần giữa của chương trình, giữa hai phần đổi màn sân khấu và được giới thiệu như một kiều bào hát cho người xa quê theo ý cô. Tiếng hát của cô làm bà con tốn nhiều nước mắt, bản Đêm đông được yêu cầu mỗi đêm. Các bản nhạc Pháp được yêu cầu ngoài dự kiến. Riêng tôi vẫn ấn tượng bài Tình bơ vơ do Lam Phương viết riêng cho cô khi con chim yến bay xa Tổ quốc. Cô cũng rất nể anh Trạch như một đàn anh kỳ cựu và anh Trạch không ngờ BY trở thành cháu dâu của mình mấy năm sau khi chim đã mỏi cánh cô chịu lập gia đình và kết hôn với người con trai của giáo sư tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê.


Đoàn từ giã Lào sau ba tuần trình diễn. Trước ngày về nước lại là Quốc khánh của VNCH, đại sứ Hoàng Cơ Thụy yêu cầu đoàn giúp vui cho buổi tiếp tân khoản đãi ngoại giao đoàn và một số viên chức cao cấp của chánh phủ Lào. Những tiết mục hay nhất được chọn lọc nhưng có một điềm lạ là không khí tiếp tân buồn như đám giỗ, sau nghiệm lại thì đây cũng là buổi tiếp tân cuối cùng của Đại sứ quán mình trên đất khách. Mặc nhiên từ đấy về sau anh em chúng tôi cùng những nghệ sĩ Sài gòn một thuở chẳng còn dịp trở lại Vientiane.

Đỗ Xuân Tê

Cali, Tháng 10 - 2014
@vietbao