Monday, January 12, 2015

Áo dài VN

LƯỢC SỬ ÁO DÀI

Từ lâu, Áo Dài được coi là biểu tượng của văn hóa, vẻ đẹp Việt, một vẻ đẹp vừa thực dụng vừa mơ màng, vừa như muốn giấu kín, nhưng cũng vừa như muốn phô ra tất cả đường cong cơ thể. Đã có không ít nhà văn, nhà thơ, dùng xiết bao lời hay ý đẹp ca tụng Áo Dài, như thể chiếc áo mang trong mình cả ngàn năm lịch sử, chứa đựng cả một bề dày văn hóa mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến.


 Tuy nhiên, lịch sử của Áo Dài không dài như người ta hằng tưởng. Năm 1744 là thời điểm kiểu áo cổ đứng cài khuy ra đời. Đây là một cuộc cải cách quan trọng, xuất phát từ tâm lý độc lập của chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhằm phân biệt lãnh thổ, chính trị, văn hóa giữa Đàng Trong của ông với Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh. Trước năm 1744, người Đàng Trong cũng như người Đàng Ngoài, họ đều chia sẻ với nhau những thói quen ăn mặc, đều để tóc dài buông xõa và khoác lên mình chiếc áo giao lĩnh có cổ áo đan chéo trước ngực tương tự những chiếc kimono. Năm 1744, lần đầu tiên, chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định toàn bộ người dân Huế và các vùng đất phía Nam nằm trong sự cai trị - cát cứ của ông phải mặc kiểu áo mới: cổ đứng, cài khuy về bên phải, kết hợp với chiếc quần hai ống, được gợi ý từ kiểu áo của người Trung Hoa. Người ta gọi chúng là Quần chân Áo chít. Kiểu tóc lúc này cũng không còn buông xõa như trước đây, mà thay vào đó, người ta búi chúng lại, rồi dùng vải che tóc, quấn quanh đầu.

Những năm 1820 – 1830, thời vua Minh Mạng triều Nguyễn trị vì, Quần chân Áo chít được phổ biến toàn quốc, kèm theo loạt lệnh cấm đoán những dạng trang phục cũ của người dân Bắc kỳ. “Tháng 8 có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng …” Câu ca dao được lưu lại trong trí nhớ dân gian đã gián tiếp phản ánh thời kỳ phổ biến kiểu dáng Áo Dài cài khuy này. Không ít trí thức trung thành với nhà Lê cũng như nhiều phụ nữ nghèo đã bất chấp những lệnh cấm và lệnh áp đặt trang phục của vua Minh Mạng. Để rồi cuối cùng, một số kiểu trang phục cũ của người Bắc kỳ như áo Tứ thân – váy đụp vẫn được lưu giữ bền chắc, song song với sự phổ biến của kiểu áo mới. Kiểu Áo Dài bấy giờ hẹp tay, vạt buông quá gối, không ôm người, không mang lại bất kỳ cảm giác khêu gợi hay kích thích từ vẻ đẹp của hình thể đàn bà.

Đầu thế kỷ XX, dưới bàn tay của các họa sĩ như Cát Tường, Lê Phổ, Quân chần Áo chít dần được cách tân. Kiểu áo của nữ giới dần ôm sát, chạy dọc theo đường cong cơ thể. Sự thanh thoát, khêu gợi của nó càng trở nên nổi bật, khi người ta sử dụng những chất liệu mềm nhẹ, mỏng mảnh để may áo. Chiếc quần hai ống mặc kèm trước đây màu đen, nâu hoặc đỏ, tía; giờ đây, theo phong trào Âu hóa, đã chuyển sang màu trắng, được phổ biến rộng rãi vào khoảng những năm 1920. Sau sự ra đời của những dạng áo dài cách tân như Áo Dài cổ thuyền (không cổ) vào năm 1961, qua những cuộc trình diễn Áo Dài diễn ra trong Nam ngoài Bắc, một loạt các dạng áo mới ra đời mà mẫu số chung chỉ còn lại hai vạt xẻ dài kéo lên quá eo.

Áo Dài thời Nguyễn, đặc biệt là những chiếc áo trong cung, được thêu, dệt cầu kỳ, với những đường may tinh tế, toát lên vẻ đẹp sang trọng, thâm trầm vốn có của người phương Đông, dường cuốn hút tôi hơn nhiều, so với những kiểu dáng tân thời, mà trong đó có những dạng thiết kế lai căng quá mức. Dù rằng, lịch sử của Áo Dài không so được với kiểu áo Giao lĩnh, Tứ thân, song nó cũng đã mang trong mình cả một câu chuyện dài ngót 300 năm; và cũng đã làm tốn giấy mực của biết bao thế hệ văn nhân Việt Nam.

Kiểu Áo Dài chúng ta thường thấy hiện nay, hòa lẫn những nét kín đáo, trầm mặc với vẻ khêu gợi, mượt mà, ấn chứng sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp vào đời sống Việt Nam truyền thống. Trong khi người Việt Nam hiện đại một mực ca ngợi chiếc áo tân thời, họ đã vô tình lãng quên quá khứ, quên đi kiểu áo trước khi có sự pha trộn màu sắc phương Tây. Và cũng chẳng mấy ai đặt may, mặc lại kiểu dáng áo cổ truyền.

 Triển lãm Áo Dài của Thái Kim Lan và Veronika Witte, bởi vậy trở nên đáng quý vô cùng. Đây là một trong những cơ hội hiếm có, để chính người Việt hiện đại có dịp ngoảnh lại, chiêm ngưỡng những nét đẹp cổ kính của Áo Dài trong quá khứ, có dịp được phản tư thẩm mỹ, quan điểm của mình đối với chiếc Áo Dài, lâu nay vẫn vận trên người.

Trần Quang Đức
Đọc thêm :