Saturday, January 10, 2015

Vua Hàm Nghi

Vua Hàm Nghi : Cuộc đời nghệ sĩ


Vua Hàm Nghi : Cuộc đời nghệ sĩ  Ngoài hình ảnh một vị vua lưu vong, vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ. Cuộc sống lưu đày và cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi là hai chủ đề được RFI tiếng Việt lần lượt đăng trong hai tạp chí(Bức họa Chiều tà (Le Déclin du jour) của vua Hàm Nghi, vẽ năm 1915 tại Alger.vanhoanghean.com.vn). Trong số tạp chí lần trước, RFI tiếng Việt đã đề cập tới cuộc sống lưu đày của vua tại Alger. Lần này, chúng tôi sẽ đề cập tới cuộc đời nghệ sĩ-họa sĩ của ngài.
Lên ngôi năm 13 tuổi, tại vị trong vòng một năm (07/1884-07/1885), nhà vua trẻ Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) (1871-1944) trở thành biểu tượng chống Pháp của phong trào Cần Vương trong suốt bốn năm.

Bị bắt vào tháng 11/1888, chính phủ Pháp đưa vua Hàm Nghi sang lưu đày tại Alger, từ tháng 01/1889 cho tới cuối đời. Sử sách đề cập tới nhiều phong trào Cần Vương, thế nhưng quãng thời gian sống tại Alger của vua Hàm Nghi vẫn là một khoảng trống và thu hút sự quan tâm của mọi người.

Ban tiếng Việt đài RFI đã có dịp nói chuyện với Amandine Dabat, cháu năm đời của vua Hàm Nghi. Hiện tại, chị đang làm luận văn tiến sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi tại đại học Sorbonne-Paris 4 và có nhiều công trình nghiên cứu về chủ đề này. Chị cho biết, ngoài hình ảnh một vua An Nam lưu vong, vua Hàm Nghi còn là một nghệ sĩ, một họa sĩ. Đây là khía cạnh mà ít người biết tới.

Cuộc đời lưu đày và cuộc đời nghệ sĩ của vua Hàm Nghi là hai chủ đề được RFI tiếng Việt lần lượt đăng trong hai tạp chí. Trong số tạp chí lần trước, RFI tiếng Việt đã đề cập tới cuộc sống lưu đày của vua tại Alger. Lần này, chúng tôi sẽ đề cập tới cuộc đời nghệ sĩ-họa sĩ của ngài.

Khi tới Alger vào tháng 1 năm 1889, Hàm Nghi được đại úy Henri de Vialar tiếp đón và giúp ổn định cuộc sống trong thời gian đầu. Chính trong khoảng thời gian tiếp xúc này, sĩ quan người Pháp này đã phát hiện ra tài năng hội họa của Hàm Nghi, từ giờ được gọi là Hoàng tử Annam (Prince d’Annam). Phiên dịch của Hàm Nghi thuật lại như sau :

« Trong suốt mùa đông năm đó, khi trời xấu, Hoàng từ vẽ để giải buồn và dù không biết luật phối cảnh, những bức họa của ngài không hề thiếu nét tinh xảo hay khéo léo. Nhận thấy khiếu hội họa, gần như thiên bẩm, của nhà vua, đại úy Vialar đã giới thiệu một trong những người bạn của mình là họa sĩ Reynaud và nói rằng nếu ngài muốn học hội họa, họa sĩ sẽ rất vui được làm thầy của ngài. Hàm Nghi chấp nhận tức thì đề xuất trên và đồng ý học với Reynaud mỗi tuần hai buổi, các ngày thứ 3 và 6. Ngay buổi đầu tiên, thầy họa người Pháp mang tới một hộp màu, một giá vẽ và nhiều dụng cụ cần thiết. Và Hoàng tử ngày càng có nhiều tiến bộ. »[1]

Hàm Nghi học vẽ với Marius Reynaud. Sau này, khi sang Pháp, ngài học điêu khắc với nghệ sĩ Auguste Rodin nổi tiếng. Lý do gì khiến chính phủ Pháp tạo điều kiện giúp vua theo đuổi môn nghệ thuật này, cũng như nhiều hoạt động thể thao khác như đấu kiếm hay chơi quần vợt ? Amandine Dabat giải thích :
« Khi vua Hàm Nghi tới Alger, chính phủ Pháp muốn biến ngài thành một người thân Pháp và khiến cuộc sống lưu đày của ngài thoải mái hơn. Chính trong hoàn cảnh này mà chính phủ Pháp đã đề xuất cho vua Hàm Nghi theo học hội họa với họa sĩ theo trường phái phương Đông Marius Reynaud đang sống tại Alger. Ngài học vẽ với Marius Reynaud bắt đầu từ 1889, ngay vài tháng sau khi vua tới Alger. Và trong vòng 15 năm, Marius Reynaud là thầy dạy của ngài.
Sau đó, bắt đầu từ năm 1893, có nghĩa là 4 năm sau khi tới Alger định cư, lần đầu tiên, vua Hàm Nghi được phép tới Pháp lục địa. Ngài được chính phủ Pháp cho phép du lịch trong vòng 3 tháng. Trước tiên, ngài đi điều trị một đợt chữa nước khoáng tại Vichy. Ngài cũng tới Paris, cũng như một số vùng khác của Pháp. Sau đó, ngài lại tới Pháp lục địa vào các năm 1895, 1897 và 1899. Và ngài đã gặp nghệ sĩ điêu khắc Auguste Rodin. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa biết chính xác thời điểm cụ thể. Và chính nghệ sĩ đã đề nghị dạy ngài điêu khắc. Trong suốt vài năm, vua Hàm Nghi học điêu khắc với Rodin. Và trong suốt quãng thời gian sau này, ngài tiếp tục vẽ và điêu khắc. Tại thời điểm này, Rodin đã nhiều tuổi và ông mất vài năm sau đó. »

Nghệ thuật, mối liên lạc với quê hương

Từ một trò giải trí, học kĩ thuật hội họa phương tây trở thành niềm đam mê thực thụ. Nhà vua có thể bỏ cả ngày để chiêm ngưỡng và phác họa lên khung tranh cảnh thiên nhiên quanh nhà. Ngoài ra, tĩnh vật và chân dung cũng là những chủ đề chính trong tranh của Hàm Nghi. Trong một cuộc hội thảo gần đây, Amandine Dabat từng nhận xét : « Trong bối cảnh lưu đày, làm nghệ thuật đã tạo cơ hội cho vua Hàm Nghi lưu lại mối liên hệ với Đông Dương và nghệ thuật là không gian tự do, qua đó ngài có thể thoải mái thể hiện sự gắn bó với quê hương. »

Amandine Dabat : « Khi vua Hàm Nghi vẽ, ngài được tự do thể hiện những gì mình muốn vì chúng ta biết là ngài không có quyền thể hiện ý kiến chính trị của mình và ngài cũng không có quyền nói về chính trị hay liên lạc với Đông Dương. Vì thế, đối với ngài, làm nghệ thuật là một cách để giữ liên hệ với Việt Nam. Với ngài, nghệ thuật là một không gian thể hiện tự do của mình, vì ngài không có quyền liên lạc với Đông Dương. Suốt đời, ngài bị coi là một nhà chính trị, một nhà vua bị phế truất, một người Việt Nam chống đối người Pháp hay một kẻ thù nguy hiểm của nước Pháp. Và vua Hàm Nghi muốn thay đổi hình ảnh chính trị này, hình ảnh mà sau vài năm không còn phù hợp với con người ngài. Nhưng đó lại là hình ảnh mà chính phủ Pháp lưu giữ lại.

Chính vì thế mà, đối với vua Hàm Nghi, hội họa, nghệ thuật không chỉ là một khoảng trời tự do, mà còn là cái gì đó rất riêng tư để ngài có thể thoải mái thực hiện trong đời tư mà không phải lo lắng. Đó là không gian để ngài có thể thể hiện những gì mình muốn. Chính vì thế, đây là chiếc cầu nối nghệ thuật để ngài thể hiện tình cảm gắn bó đối với Việt Nam, dù rằng các tác phẩm đều thể hiện phong cảnh tại Algérie hay Pháp đại lục. Một điều thú vị khác là phần lớn chủ đề tranh của vua Hàm Nghi là phong cảnh. Ngoài ra cũng có một vài tranh chân dung, một vài lính thủy, nhưng tuyệt đối không hề có tranh về chủ đề chính trị. »

Amandine Dabat nhận xét có thể thấy được nét văn hóa Việt Nam của vua Hàm Nghi qua cách ngài xử lý quanh cảnh, với vị trí các cây cổ thụ nổi bật bên trái của tranh. Cách phân bổ này được lấy cảm hứng từ bố cục truyền thống quang cảnh Việt Nam, ví dụ như vị trí các cây cổ thụ đơn độc giữa đồng làm nổi bật sự hiện diện các không gian thiêng liêng hay những nơi thờ cúng. Tổng quan tranh của ngài toát lên một cảm giác u sầu lặng lẽ như thầm gợi lên nỗi nhớ quê hương của người xa xứ. Vì thế, Amandine Dabat cho rằng vua Hàm Nghi cố thể hiện mối liên hệ mật thiết với quê hương, qua cách thể hiện phong cảnh Algérie hay Pháp lục địa theo những hình ảnh mà ngài còn lưu lại được về Việt Nam.

Từng học điêu khắc với Auguste Rodin

Từ năm 1904, Hàm Nghi học điêu khắc với nghệ sĩ nổi tiếng Auguste Rodin. Những năm 1920 đánh dấu sự thăng hoa đối với sự nghiệp của ngài. Nếu như con người thường vắng mặt trong các tác phẩm hội họa, thì trong điêu khắc, Hàm Nghi tìm cách thể hiện những khuôn mặt phụ nữ, hay con người, qua những bức tượng bán thân.

Ngoài ảnh hưởng từ Auguste Rodin, trong những tác phẩm của ngài cũng toát lên kỹ thuật của nhà điêu khắc Aristide Maillot. Hơn nữa, Hàm Nghi luôn thể hiện như một nghệ sĩ phương Tây và một nghệ nhân Việt Nam. Không phải tác phẩm nào của ngài cũng được kí ở dưới. Ngài chỉ kí những tranh được coi là hoàn thiện. 
 
Amandine Dabat nhận thấy tính hai mặt trong các chủ đề giữa tranh sơn dầu và tượng của Hàm Nghi. Đó chính là sự đoạn tuyệt giữa hai thế giới. Một bên là huyển ảo với lòng thương nhớ quê hương được thể hiện qua thực tế. Còn bên kia là thực tại với những con người quanh nghệ sĩ, được thể hiện trong không gian ba chiều.

Trong xưởng vẽ của mình, tại « Villa des Pins », và sau này là tại « Villa Gia Long », ngài bỏ rất nhiều thời gian cho môn nghệ thuật mà ngài đam mê. Cuộc sống lưu đày đã tạo cho ngài cơ hội phát triển năng khiếu nghệ thuật của mình. Vị vua bị truất ngôi và lưu đày trở thành một nghệ sĩ kín tiếng và say mê. Thế nhưng, công chúng vẫn chưa biết tới những tác phẩm của ngài.

Giá trị các tác phẩm 
        
Ngày 24/11/2010, RFI tiếng Việt có mặt tại nhà Drouot nơi tổ chức bán đấu giá bức tranh sơn dầu « Sur la route d’El Biar » (Trên đường El Biar, 35X46 cm) hay còn có tên khác là « Chiều tà » (Le Déclin du jour) do Hàm Nghi vẽ vào năm 1915. Được định giá từ 800 tới 1200 euro, cuối cùng tác phẩm được bán với giá 8800 euro, đã trừ chi phí (hoặc hơn 10000 euro bao gồm các chi phí khác).

Amandine Dabat : « Tôi cũng có mặt ngày 24/11/2010 tại buổi bán đấu giá tại Drouot. Theo những gì tôi biết, thì đúng, đây là lần đầu tiên một tác phẩm của vua Hàm Nghi được bán đấu giá và được triển lãm cho công chúng chiêm ngưỡng. »

Tuy nhiên, tác phẩm này không thuộc bộ sưu tập của gia đình vua Hàm Nghi. Hiện nay, phần lớn các tác phẩm của ngài được lưu trong các bộ sưu tập cá nhân. Vì sinh thời, Hàm Nghi không bán tranh mà chỉ tặng cho những người thân cận. Ví dụ, theo lời khuyên của thầy dạy Marius Reynaud, ngài đã từng tặng một bức tranh tĩnh vật cho Toàn quyền Pháp tại Algérie và một bức khác cho Vialar nhân dịp Năm Mới.

Hậu duệ của vua Hàm Nghi từ chối cho biết số lượng tác phẩm mà gia đình đang bảo quản.
Amandine Dabat : « Tình trạng các bức tranh được bảo quản hiện nay khá tốt. Gia đình lưu giữ một số các tác phẩm của ngài, một số khác được lưu giữ tại các gia đình hậu duệ của bạn bè vua Hàm Nghi. Đó là những người được ngài tặng tranh vào thời kì đó. Vì thế, toàn bộ tác phẩm của ngài khá tản mát. »

Khi được hỏi về ý kiến đánh giá của các chuyên gia hội họa về những tác phẩm của Hàm Nghi, Amandine Dabat cho biết :
« Cho tới nay, không một chuyên gia nào đánh giá tác phẩm của ngài. Hiện tại, tôi là người đang viết luận văn tiến sĩ về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi. Vì thế, có thể nói, tôi là người kiểm nghiệm và đánh giá những tác phẩm của ngài. Đây là một phần nghiên cứu vẫn đang được thực hiện và tôi vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính thức vì công việc nghiên cứu vẫn chưa kết thúc. » 
 
Ngoài cuộc triển lãm tác phẩm được đấu giá vào tháng 11/2010, những tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi vẫn là một ẩn số đối với công chúng. Hiện tại, gia đình hậu duệ vua Hàm Nghi chưa có ý định triển lãm các tác phẩm của ngài.
Amandine Dabat : « Về phần mình, tôi rất mong muốn là một ngày việc này có thể thực hiện được. Nhưng một mình tôi không thể quyết định được. Và hiện nay, câu hỏi này không nằm trong chương trình của gia đình. »

Phải chăng, gia đình hậu duệ muốn giữ chúng như kho báu vô giá và chỉ lưu truyền trong nội bộ dòng họ ? Hay phải chăng, đây cũng là lòng tôn trọng với cách sống mà vua Hàm Nghi đã lựa chọn : kín đáo và không phô trương ?
*
[1] Amandine Dabat, « Hàm Nghi artiste : le peintre et le sculpteur » (Hàm Nghi nghệ sĩ: hoạ sĩ và nhà điêu khắc).