Sunday, May 10, 2009

Hồi ký Dương Phục‎


Tôi vượt ngục Long Giao

Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 19-5-77. Tất cả trại, bị lùa ra cánh đồng cỏ tranh phát quang. Đám cỏ tranh rậm cao ngang đầu, ngay sát đường cái. Chúng tôi vừa cuốc đất vừa có thể nhìn những người dân đi lại và các chuyến xe đò từ Long Khánh đi Cẩm Mỹ-Cẩm Đường chạy ngang.

Tôi cố ý tìm đám cỏ tranh ngay sát lề đường, vừa cuốc vừa ngóng các chuyến xe đò, vì tôi biết hôm trước thế nào Thủy cũng lên. Tuần trước, vợ chồng tôi đã liên lạc được với nhau qua cái lá thư chui nhét trong cái gói quà trong đợt thăm nuôi của mấy người bạn. Dân cải tạo thường dùng cách này để hẹn vợ lên đón đường, đi lao động, rình những lúc vệ binh lơ là, có thể sáp lại nói chuyện được dăm phút và tiếp tế đồ ăn.

Mãi gần đến trưa, trời nắng gắt, một chiếc xe đò từ Long Khánh lên, dừng lại tại ngã ba Cẩm Đường ngay trước quán cóc bên đường. Một vài người bước xuống, mặc dù cách khá xa, tôi nhận ngay ra Thủy trong bộ bà ba nâu, tay xách giỏ; mặc dù đã biết trước buổi hẹn, tôi chết trân trong cơn xúc động chợt ùa đến khiến tôi như cứng người lại đứng nguyên một chỗ. Thủy đi dọc theo giao thông hào ngăn giữa bờ đường và đám cỏ tranh, mắt dáo dác nhìn tìm trong đám cải tạo đang cuốc đất. Tôi biết Thủy không thể nào nhận ra tôi trong đám người lố nhố đứng trải khắp bãi cỏ. Tôi nhìn quanh tìm đám vệ binh, nhìn thấy một tên nón cối đứng trên mô đất cao theo dõi quan sát toàn bãi lao động. Tôi kéo lê chiếc cuốc băng qua bãi trống, đi về phía băng qua bãi trống, đi về phía Thủy. Tôi biết chắc không thể thoát khỏi cặp mắt của tên vệ binh đứng trên mô đất. Thủy nhìn thấy tôi, khi chúng tôi cách nhau một đám cỏ tranh. Thủy khựng lại, chúng tôi nhìn nhau, xúc động đến độ không có một phản ứng nào, dù một cử chỉ bày tỏ đã được nhìn thấy nhau sau hai năm chia cách. Tôi thấy mắt Thủy nhìn xéo sau lưng tôi như báo động. Tôi quay lại, tên vệ binh đang leo xuống mô đất. Tôi quăng cuốc, chạy nhanh về phía Thủy, nhảy xuống giao thông hào, khom người khuất sau đám cỏ tranh. Thủy ngồi xuống lề đường, tôi thấy môi Thủy mấp máy định nói điều gì, lại ngước lên nhìn về phía sau tôi, cuối cùng chỉ nói:

- Có ít đồ ăn đem cho bố.

Thủy đẩy túi bao cát lăn xuống rãnh hào, móc túi lấy bao thuốc lá Vàm Cỏ, một điếu thuốc rời cầm ngoài giọng rất vội:

- Trong thuốc này có thư rất quan trọng, cẩn thận nghe.

Tôi cầm nhét vội vào túi áo, hỏi:

- Con khỏe không?

Thủy gật đầu:

- Con ngoan lắm.

Tôi nhoài người vỗ vỗ vào tay Thủy:

- Mẹ sao, khỏe chứ, cố cố lên nhé.

Thủy cười cười

- Đừng lo, mẹ con bình an, đầy đủ lắm, nhận được quà tiếp tế của ba mẹ gửi về. Chỉ cần bố phải cố giữ sức khỏe.

Bỗng có tiếng động sau lưng tôi, một giọng nói nhỏ của người bạn cùng tổ báo động:

- Nhanh lên, tên vệ binh đang tới gần đó.

Thủy đứng lên và nói vội “Chiều mẹ trở lại, và quay bước nhanh sang lề đường bên kia, đi ngược về phía ngã ba.

Tôi cầm túi đồ ăn, định dúi vào bụi cỏ, thì tên vệ binh trờ tới quát:

- Đứng lên, đem cái túi đó lên đây.

Tôi bước lên khỏi rãnh hào, tên vệ binh giựt lại cái túi bao cát, trợ mắt sừng sộ.

- Ai cho phép anh hả?

Hắn mở túi, dốc ngược xuống, hai lon guigoz, và vài túi nylon đựng đường thẻ, muối vừng đổ xuống đất. Tôi liếc nhìn quanh, các bạn bè đều dừng tay cuốc, chăm chú theo dõi. Từ xa, tên quản giáo Bút xăm xăm bước nhanh, đến gần tôi, bất thình lình hắn vung tay đấm xối xả vào mặt tôi. Tôi ngã xuống đất, chịu thêm một cú đá mạnh vào ngang sườn.

Tên Bút gằn giọng:

- Đứng dậy, cởi hết quần áo, móc túi áo túi quần ra.

Tôi lồm cồm bò dậy, giả vờ như đang đau lắm, cố tình chống tay xuống đất đứng lên chầm chậm, trong lúc cố suy nghĩ tìm cách thủ tiêu điếu thuốc lá Thủy nói có thư quan trọng nhét trong đó. Tôi bắt đầu cởi quần trước, thật chậm.

Bút quay lại tên vệ binh ra lệnh:

- Xem trong túi đồ ăn có gì không?

Tên vệ binh mở nắp lon guigoz đổ dốc mớ thịt kho mặn tung xuống đất, xé bao nylon muối vừng. Lợi dụng lúc chúng đang chú ý kiểm soát mớ đồ ăn, tôi lùa tay vào túi áo, kẹp trúng điếu thuốc, vòng tay ra sau lưng búng mạnh ra sau.

Tôi tiếp tục cởi áo quăng xuống đất. Bút nhặt lên, lần tay vào từng ve quần áo, móc các túi, lấy ra bao Vàm Cỏ.

Bỗng sau lưng có tiếng một tên vệ binh khác:

- Anh Bút xem này.

Tôi quay lại, tên này đang cúi nhặt điếu thuốc gẫy rời, móc ra một tờ giấy mỏng nhỏ. Bút nhào tới, cầm lấy đọc. Người tôi căng ra hồi hộp “không biết Thủy viết gì trong đó.”

Bút quay lại nhìn tôi, mắt trợn ngược, môi run lên, hắn giựt khẩu súng của tên vệ binh, chĩa ngay ngực tôi, mặt đanh lại.

- Mày dám mưu đồ chống Cách Mạng.

Tôi nghĩ nhanh, không lẽ hắn bắn mình ngay tại đây, và nhô người tới trong phản ứng tự vệ. Bút nhào tới, quay báng súng xuống, dọng thẳng vào mặt tôi. Tôi giựt người ra sau, báng súng quất mạnh vào vai, ngã bật xuống đất.

Tôi nghe giọng Bút run lên “Trói nó lại, đem về trại.” Tên vệ binh nắm tóc tôi kéo ngược lên, bẻ quặt hai tay tôi ra sau, trói bằng sợi dây điện. Hán quát “Đi!”

Tên vệ binh áp tải tôi về trại đúng lúc tiếng kẻng báo hết giờ lao động sáng. Hắn đẩy tôi chúi xuống gần chuồng heo, bước vào căn nhà tôn đặt văn phòng chỉ huy trại. Lát sau, tên Tuất chính trị viên tiểu đoàn bước ra. Tên này mắt lé, mặt đen xám, tôi vẫn nhận ra mặt hắn tái đi tức giận. Tuất lầm lì không nói tiếng nào, mở trói và dùng chiếc còng sắt xích tay tôi vào thành chuồng heo và bỏ đi.

Đám cải tạo lần lượt vác cuốc về trại sau giờ lao động. Tôi nhìn thấy những người bạn thân trong nhóm “Ca Cóng” hàng ngày, Kỷ, Nghĩa, Nguyện, Tá Anh, Lưu Khương nhìn tôi ái ngại. Tá Anh đứng lại tần ngần qua hàng rào kẽm gai, tay phác một cử chỉ vô nghĩa.

Thật lâu sau giờ cơm trưa, tôi vẫn đứng đó, đói vã người đau ê ẩm. Không thấy tên nào đá động gì tới tôi. Chắc bọn chúng đang bàn các xử trí. Tôi cố trấn tỉnh, nhắm mắt cố để đầu óc nghỉ ngơi không suy nghĩ, để chuẩn bị đối phó tình thế sắp tới.

Tôi bỗng chợt nhớ ra Thủy hẹn — “Chiều nay trở lại bãi lao động”. Bụng bỗng đau quặn cơn đau râm ran khắp người. Toàn thân cồn cào trong cơn hoảng hốt lo sợ. Thủy trở lại thế nào cũng bị bọn cán bộ vây bắt, tôi không rõ Thủy viết gì trong lá thư chui đó, nhưng chắc chắn rất trầm trọng nên chúng mới hung dữ với tôi như vậy.

Tôi cuống cuồng nghĩ tới việc phải liều mạng, làm thế nào để báo động cho Thủy?

Gần đến giờ lao động chiều, tên Bút, từ cổng trại đi sang “Khung” theo sau là tá Anh vai vác ba lô dài. Tôi nhận ra túi đồ của tôi đựng chăn màn và vật dụng cá nhân. Tá Anh nằm ngủ cạnh tôi, chắc bị chúng trưng dụng khuân đồ đạc của tôi sang “Khung” để chúng lục soát. Bút ra lệnh cho tá Anh:

- Lấy chăn trải ra, đem hết đồ đạc trong túi bày ra từng món.

Tá Anh lôi ra từng món lỉnh kỉnh bày la liệt trên tấm chăn, trong đó có cả hình vợ con tôi và một xấp thư từ dày của Thủy gửi cho tôi trong hai năm qua.

Bút quay ra đứng nói chuyện với tên Tuất cách đó một quãng xa. Tá Anh cúi xuống tiếp tục bày hàng, không nhìn tôi, và nói thật nhỏ:

- Hồi nãy ở ngoài bãi, Bút tập trung các đội lại, đọc lá thư của vợ ông, bả dặn ông chuẩn bị vượt trại, bả đã móc nối được chuyến vượt biên tháng tới, đã có giấy tờ giả và chỗ trốn cho ông ở Saigon.

Tá Anh ngẩng lên nhìn về phía hai tên Bút và Tuất vẫn đang đứng nói chuyện, quay lại nhìn tôi:

- Tình trạng ông nguy lắm, cố tìm cách thoát, tụi nó dám xử ông như Ngô Nghĩa lắm.

Tá Anh dợm đứng lên. Tôi nói nhanh:

Hồi nãy bà xã tôi hẹn chiều trở lại bãi. Lát nữa đi lao động, ông cố làm cách nào ra hiệu báo động cho bả biết chuồn lẹ trước khi tụi nó bắt bả.

Tá Anh ngẩn ngơ lẩm bẩm:

- Bà trở lại thì nguy. Tôi sẽ cố, ông cũng phải cố bình tĩnh.

Tá Anh quay lại chỗ hai tên cán bộ báo cáo đồ đạc của tôi và lầm lũi đi về trại.

Bút và Tuất đến lục soát sờ nắn từng món. Xong cầm xấp hình và thư của Thủy đi vào văn phòng trại.

Chúng bỏ mặc tôi đứng bên chuồng heo tới chiều. Sau giờ lao động, Tuất quay lại mở còng, dẫn tôi vào văn phòng trại. Tên thủ trưởng trại ngồi sẵn đó, trên bàn một xấp hồ sơ khai báo của tôi khi mới nhập trại.

Tên thủ trưởng tra hỏi về lý lịch. Tôi lập lại y hệt như những lần khai báo trước. Cuối cùng, hắn đưa cho tôi một xấp giấy trắng và một cái bút.

- Anh viết khai báo tất cả mưu đồ trốn trại. Thành thật thì sẽ được giảm tội. Cố tình man trá, cách mạng sẽ xử trị đích đáng, nghe rõ không?


Cuối cùng, Tuất đem nhốt tôi vào conex, cạnh hàng rào sát kho thực phẩm. cái conex cũ rỉ của quân đội Mỹ để lại, chỉ vừa một người nằm, cửa không có khóa. Chúng dùng một dây sắt cứng luồn qua hai lỗ thủng, cuốn vòng bên ngoài bằng hai khoen và khóa bằng chiếc còng sắt bấm vào khoen. Sàn conex nhớp nháp, lạnh ngắt. Tôi ở đó, trong cái cũi sắt khốn khổ đúng 9 ngày, trước khi vượt thoát.

Trong 9 ngày đó, tôi đã tự hứa, nếu may mắn thoát được, sau này tôi sẽ nhớ mãi những ngày khốn khiếp này. Và tôi đã không quên.

Ngày thứ nhất - buổi sáng sớm, tên vệ binh mở cửa cho tôi đi cầu. Tôi nhìn quanh, cố ghi nhớ các lối đi và các hàng rào kẽm gai bao quanh trại. Tôi quyết định liều trốn, nếu không chúng sẽ xử bắn giống như Ngô Nghĩa ở Trảng Lớn, Tây Ninh. Vấn đề là phải có một thanh sắt nhỏ để phá cửa. Cái lối khóa của chúng, chỉ cần một thanh kim loại cứng lách vào và dùng sức xoắn mạnh nhiều vòng, sợi dây sẽ nóng lên và đứt.

Tôi chỉ nhặt được cạnh nhà cầu hai cái đinh sắt dài, quá ngắn để dùng tay làm thế xoắn. Tuy nhiên, tôi vẫn nhặt bỏ túi phòng hờ.

Buổi chiều, tên Tuất đến dục nộp bản tự khai, tôi viết loanh quanh cho đủ ba trang giấy, không nhận cũng không chối tội “chống phá cách mạng.”

Ngày thứ hai - Ngay sau khi mở cửa cho đi cầu buổi sáng, tên Tuất lôi tôi lên văn phòng trạị Lần này, có một tên cán bộ lạ mặt, có vẻ cao cấp hơn cán bộ trại. Tuất đứng nghiêm người, “Báo cáo đồng chí làm việc”, rồi bỏ đi.

Tên cán bộ này tỏ ra là một tay thẩm vấn chuyên nghiệp. Hắn đi qua đi lại trước mặt tôi, sau một câu hỏi, hắn tát mạnh vào mặt tôi. Tôi chịu trận đòn tới tấp suốt buổi tối với những câu trả lời lập đi lập lại, bắt tôi khai tên các bạn tù cùng âm mưu trốn, tổ chức làm giấy tờ giả và địa điểm sẽ lẩn trốn tại Saigon. Tôi lì đòn, trả lời cứng ngắc “Không biết”. Cuối cùng, hắn dùng thanh gỗ cũ, đầu lởm chởm các mũi đinh rỉ sét, quất liên tiếp vào vai và lưng tôi.

Trước khi thả tôi về lại conex, hắn nói:

- Chúng tao đã bắt được vợ mày chiều hôm qua. Nếu mày thành thật khai báo, vợ chồng mày sẽ được giảm tội. Nếu không vợ mày sẽ bị đòn thay mày.

Lời nói này quất mạnh vào tôi còn hơn trận đòn. Tôi choáng váng, xây xẩm, cúi gầm người xuống đất, cố tránh không nhìn tên cán bộ, dấu cơn uất hận để khỏi chồm người lao vào tên khốn kiếp này.

Tên Tuất bước vào lôi tôi vào conex vừa lúc trời chạng vạng tối. Tôi nằm vật xuống thiếp đi. Tỉnh dậy, chắc đã khuya lắm, tôi thức tới sáng, bồn chồn đau đớn nghĩ tới Thủy giờ này đang trong một phòng giam nào đó, và bé An ở nhà không biết có ai trông coi?

Tôi vẫn tự hào là người có ý chí mạnh để đối phó với bất cứ một hoàn cảnh nào. Lần này, quả thật tôi muốn xụm trước sự bất lực của chính mình.

Ngày thứ 3 tới ngày thứ 9 - Mọi việc diễn tiến mỗi ngày lập lại với những câu hỏi tương tự, với những trận đòn thay đổi kiểu đánh. Có lần tên cán bộ nổi cơn hung, phang cả điếu thuốc lào vào đầu tôi. Tôi lăn ra vờ bất tỉnh để khỏi bị đòn tiếp.

Có lần tên Tuất nói với tôi:

- Cách mạng đã trừng trị nhiều tên cứng đầu hơn mày. Đợi đến lúc đem ra bãi, mới cuống lên van lạy.

Bấy giờ, tôi biết chắc, dù khai báo thế nào, trước sau chúng cũng cho tôi “ra bãi” như trường hợp trốn trại của Ngô Nghĩa trong cùng thời gian tôi ở Trảng Lớn. Chúng cố khai thác về âm mưu vượt trốn ở trại và những tổ chức làm giấy tờ giả bên ngoài mà chúng nghi là tôi biết. Thật sự tôi không biết gì cả, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn giả vờ nói hớ ra vài câu cho chúng tưởng tôi có biết để chúng kéo dài cuộc điều tra. Khi nào biết không còn khai thác được gì thêm, chắc chắn chúng đem tôi ra xử tử.

Tôi vẫn chưa nghĩ ra cách nào tìm được thanh sắt bẻ khóa cửa. Nhưng tôi vẫn mãnh liệt tin tưởng thế nào cũng thoát, cảm thấy tinh thần và thể xác mình còn đủ mạnh. Tôi làm bộ bệnh hoạn yếu đuối, lúc nào cũng cố tình đi lết một chân. Chúng tưởng tôi bị nhốt lâu tê chân, không cử động được. Thỉnh thoảng, tôi giả vờ ngất xỉu mỗi khi tên cán bộ điều tra hung hãn quá, để khỏi bị cú đòn quá nặng. Nhưng cũng có lần, mặc dù đã vờ xỉu, hắn vẫn đổ nước thuốc lào vào mặt tôi, giựt tóc dậy đánh tiếp.

Đêm thứ tám trong cũi sắt, trời mưa xối xả, hắt đầy nước qua kẽ hở conex. Người tôi ướt sũng, run lập cập, ngồi co ro suốt đêm. Sáng hôm sau, khi tên vệ binh mở cửa, tôi bỗng nhìn thấy một thanh sắt dẹp, nhắn, ai vứt ngay sát hàng rào gần conex. Khi đi cầu về, tôi xin phép tên vệ binh cho cởi quần áo ướt để phơi. Hắn nói “Được”. Tôi vội đi ngay sát rào, cởi áo quần phơi trên rào kẽm gai ngay trên thanh sắt. Tôi chỉ mặc một chiếc quần đùi khi lên văn phòng trình diện tên cán bộ để lãnh trận đòn cuối cùng bị quất bằng dây điện.

Buổi chiều, tôi xin ra hàng rào lấy quần áo. Tên vệ binh đứng sau lưng tôi quãng xa. Tôi vờ làm rơi chiếc áo phủ lên thanh sắt, cúi xuống nhặt, tôi cuốn luôn thanh sắt cầm về conex. Khi tên vệ binh đã khóa cửa bỏ đi, tôi giở ra nhìn kỹ và nhận ra đây là thanh sắt ngang hông “porte bagage” xe đạp, vừa đủ cứng và đủ dẹp để luồn vào sợi dây sắt khóa cửa. Tôi mừng rỡ và hồi hộp nghĩ đến chuyện đào thoát đêm nay, trước khi quá muộn. Tôi cũng biết, nếu bại lộ, chắc chắn chúng sẽ bắn ngay tại chỗ.

Đêm đó, khoảng nửa khuya, trời cũng mưa gió ào ào như đêm trước. Tôi bắt đầu luồn thanh sắt vào dây chằng cửa, nắm hai đầu, bắt đầu xoắn. Tiếng cánh cửa đập vào thành conex kèn kẹt. Cũng may mưa đang dồn dập rơi ào ào trên nóc conex, nên tôi mạnh dạn cong người dùng hết sức bẻ. Loay hoay khoảng một tiếng đồng hồ, vòng dây sắt mới bắt đầu xoắn lại theo chiều quay của thanh sắt, tôi quay thật mạnh nhiều vòng, dây sắt đứt tung ra. Tôi ngồi bệt xuống sàn nghỉ mệt. Trời mưa lạnh, nhưng người tôi toát mồ hôi dầm dề.

Gần sáng, trời lạnh. Tôi bắt đầu đẩy cửa conex bước ra ngoài, nằm sát đất và bò một hơi băng ngang dãy nhà họp của bọn chỉ huy trại. Đến bãi trồng khoai mì, tôi ngồi dậy, khom lưng chạy lẫn giữa hai luống khoai dẫn ra con đường mòn tôi vẫn đi từ trại ra bãi lao động. Trời tối đen, nhưng tôi đã quá quen thuộc con đường này. Tôi chạy thật nhanh qua bãi đất trống, dẫn tới bãi cỏ tranh, tiếp tục chạy đến giao thông hào cách đây 9 ngày, vợ chồng tôi gặp nhau. Tôi nhảy xuống rãnh hào, nằm dài ra, tim đập mạnh, vừa mệt vừa hồi hộp.

Tôi đã thoát khỏi vòng trại, nhưng còn nhiều bất trắc, và phải rời khu vực này càng xa càng tốt. Tôi biết khu vực dân cư quanh trại cải tạo là làng Công Giáo của dân miền Bắc di cư. Chắc tôi sẽ tìm được sự giúp đỡ.

Trời tờ mờ sáng, tôi nghe tiếng những người dân nói chuyện rầm rận trên đường cái. Tôi nhỏm dậy, leo trên đường, đứng thẳng người, đi ngược về phía chợ Long Giao. Phía trước tôi, lác đác vài bạn hàng đang quảy gánh ra chợ.

Ra tới gần chợ, trời đã sáng rõ. Từ đàng xa, tôi nhìn thấy bến xe Lam bên cạnh các sập chợ. Bỗng những chiếc nón cối lố nhố chung quanh xe. Tôi hoảng hốt, rẽ tắt ngang hông một căn nhà bên lề đường, vòng qua vườn sau nhà này, dẫn ra đường nhỏ giữa làng dân cư. Tôi không thể xuất hiện ở khu vực chợ giờ này. Đám bộ đội đang chờ xe Lam đi Long Khánh có thể từ những trại khác và không biết mặt tôi, nhưng sau 9 ngày nằm cũi, râu ria tôi mọc dài, quần áo nhớp nháp tả tơi, rất dễ bị nhận ra là dân cải tạo trốn trại.

Tôi rảo bước trên con đường trong làng, bọc sau lưng chợ, qua khu xóm bên kia. Tôi nghe thấy tiếng đọc kinh ê a vọng ra từ một căn nhà ven đường. Tôi quyết định xông bừa vào. Người đàn bà đang lần tràng hạt giật mình nhìn lên. Tôi nói nhanh:

- Thưa bác, cháu là cải tạo vừa trốn khỏi trại.

Bà cụ bật đứng dậy:

- Giê Su Ma, lậy Chúa tôi, thế cậu định đi đâu đây?

- Cháu cũng chưa biết. Thưa bác, ở đây có đường xe về thẳng Saigon không?

- Cậu phải ra đường cái, đón xe Lam lên Long Khánh, từ đó có xe đò về Sàigòn. Cậu phải đi nhanh lên, quanh quẩn ở gần đây nguy lắm.

- Thưa bác, cháu không có tiền, xin bác giúp cháu...

Bà cụ tần ngần ái ngại:

- Tôi chỉ có một đồng để cậu đi xe Lam, cậu cầm tạm... Thôi đi bình an nhá. Tội nghiệp quá, Chúa che chở cho cậu.

Tôi cầm một đồng, nói “cám ơn” và quay lại tìm lối ra đường cái. Đành liều vậy, không có cách nào hơn, cứ ra được tới Long Khánh rồi sẽ tính sau. Tôi đứng lấp ló ngoài đường, vẫy bừa chiếc xe Lam đang trờ tới. Xe vượt qua và ngừng lại cách tôi một quãng. Tôi chạy tới, nhào đại lên xe, chui vào ngồi cạnh một người đàn bà, không nhìn những người khác. Xe rồ máy, vưa đúng lúc tôi nhận ra tên vệ binh ở trại, ngồi góc trong cùng băng ghế. Hắn cũng vừa nhận ra tôi, mắt trợn tròn, há hốc mồm kêu: “Ơ! Ơ! mày...” Hắn chồm tới, hai tay nắm vai tôi hét lớn:

- Xe Lam! Đỗ lại! Đỗ lại!

Tôi hất tay hắn ra và dùng hết sức tống mạnh cú đấm vào mặt hắn, và lao ra khỏi xe Lam. Đầu tôi đập xuống mặt đường. Tiếng xe Lam thắng gấp, tiếng tên vệ binh la hét ầm ĩ. Tôi chồm dậy, chạy thục mạng vào xóm nhà ven đường, vừa nhẩy bừa qua một hàng rào kẽm gai tọt vào vườn sau của một căn nhà. Người đàn bà đang ngồi giặt trong vườn, giựt thót người, giơ tay làm dấu thánh giá, kêu lên:

- Chúa ơi! ...

Tôi chạy ngang người bà, xong bước vào nhà, vừa nói:

- Cho tôi trốn tạm, tụi nó đang đuổi theo...

Tôi nhảy tới chiếc giường thấp ở góc nhà, nằm ép xuống đất, lẩn vào tận sát vách, nằm im trong thế áp ngực xuống đất. Tôi nghe tiếng tôi thở dốc và tiếng tim đập thình thịch. Lát sau, tiếng chân chạy thình thịch và tiếng tên vệ binh hỏi:

- Có thấy tên cải tạo qua đây không?

Tiếng người đàn bà run bắn:

- Không, không, tôi không thấy...

Tiếng chân tên vệ binh chạy về hướng khác. Lát sau, tiếng người đàn bà nói nhỏ ngay trên đầu tôi:

- Ra đi, chui ra đi...

Tôi lần ra, đứng dậy, chưa kịp nói “cám ơn”, người đàn bà đã cầm lấy tay tôi, nói lắp bắp:

- Tôi thương các cậu cải tạo lắm. Nhưng xin cậu cũng thương tôi, cậu hiểu chứ. Tôi không thể chứa cậu được, nguy hiểm lắm...

Mặt bà tái xanh, nắm tay tôi, lắc lắc, Tôi nói vội:

- Vâng, cháu không dám phiền bác. Nhà có bộ quần áo đàn ông nào không, xin bác cho cháu thay...

Bà nhìn bộ đồ quân đội VN cũ rách bươm của tôi, lắc đầu, giọng run lên như muốn khóc:

- Cậu phải đi ngay, đi ngay đi...

Bà rút tay lại, lùi lại. Tôi quay ra lối trước. còn nghe giọng bà nói với theo:

- Xin Ơn trên phù hộ cậu... Xin Chúa tha tội cho con.

Tôi bấn loạn không biết chạy đâu. Chắn chắn tên vệ binh còn quanh quẩn đâu đây, chắc chắn nhiều tên khác sẽ ùa tới bao vây khu vực này. Tôi bỗng nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên. Tôi quay lại đi nhanh về phía người đàn bà. Bà mở to mắt, hai tay chắp lại trước ngực, kêu nhỏ: “Lạy Chúa Tôi, lạy Chúa tôi...” Tôi hỏi:

- Bác chỉ cho cháu đường tới nhà thờ.

Bà chỉ về hướng tay trái:

- Cậu đi lối này, đến ngã ba rẽ phải, cứ đi thẳng đến bãi đất trống, cậu sẽ nhìn thấy nóc nhà thờ.

Tôi nói “cám ơn”, giơ tay vỗ vỗ vào lưng bà, quay ra cổng và cắm đầu chạy theo lối bà chỉ. Tôi chạy ào vào nhà thờ. Tiếng đọc kinh râm râm, những người ngồi hàng ghế sau quay lại. Tôi sấn tới hỏi lớn:

- Cha ở đâu, xin các bác làm ơn chỉ giúp...

Mọi người kinh ngạc, ngẩn người nhìn tôi, không ai trả lời. Các người ngồi ghế trước cũng quay lại, tiếng đọc kinh nhỏ hẳn. Một thanh niên ở hàng ghế trên đứng dậy, tiến đến bên tôi nói:

- Cha đang ở nhà xứ phía sau nhà thờ, anh đi lối này...

Tôi chạy tuốt lên phía trên, nhìn thoáng lên tượng Chúa trên cao, vọt ra phía cửa hông, vòng ra phía sau. Cửa nhà xứ đóng hờ, tôi đẩy cửa bước vào. Nhà khá rộng, có nhiều phòng. Tôi bước vội vào phòng cuối cùng, cạnh phòng tắm. Căn phòng chỉ có một giường nhỏ, một bộ bàn ghế, một tủ đứng to cao đựng áo . Tôi nhìn quanh, chỗ an toàn nhất vẫn là gầm giường, tôi lại lăn người nằm sấp, sát vách tường.

Lát sau, tôi nghe tiếng bước chân chậm chạp bước vào phòng, nhìn qua chân giường, tôi thấy phần dưới của chiếc áo dòng đen. Tôi không biết có nên chui ra gặp Cha lúc này không, tôi lo ngại sự đột ngột làm Cha hốt hoảng. Một con chó chạy vào phòng, chúi mũi xuống gầm sủa ầm lên. Không có cách nào khác, tôi chui ra, đứng lên nhìn cha chờ đợi. Nét mặt của cha chỉ thoáng ngạc nhiên, nhưng vẫn bình thản.

Tôi nói:

- Con là cải tạo trốn trại, bọn vệ binh đuổi con gấp quá, phải chạy vào đây. Con xin Cha giúp con, cho nấp tạm chỗ nào, rồi con sẽ tìm cách đi chỗ khác sau. Cha giúp con, chúng bắt được con sẽ bắn con ngay.

Cha nói giọng khàn đặc:

- Được, cứ ở đây.

Cha quá già, chắc phải khoảng trên 80 tuổi, mặt nhăn nheo, giọng yếu ớt. Cha không nói gì thêm, không hỏi tôi câu nào, từ từ đi đến tủ áo lễ, lấy chiếc áo , choàng vào người, ra khỏi phòng lên nhà thờ làm lễ.

Tôi nghĩ chắc cha già không nắm vững mức độ trầm trọng; bọn vệ binh trại giờ này đang túa ra bao vây và lục soát khu vực này, chắc nhà thờ phải là nơi chúng chú ý nhất. Tôi nghĩ phải tìm nơi trú ẩn nào an toàn hơn cái phòng trống trải này. Tôi quan sát tủ áo lễ cao quá đầu, hơn nửa phần trên bằng kính trong suốt, phần còn lại bằng gỗ kín; trong tủ treo đầy áo dài. Tôi mở tủ, bước vào, ngồi bệt xuống, thu người nằm gọn trong phần dưới được che kín, bên ngoài không thể nhìn thấy. Tôi cố hết sức thu gọn hai chân, hai vai chụm xuống, đầu bật ngửa ra sau, phần ót tựa vào bả vai, phần đỉnh tựa vào vách tủ, cố thu gọn cái đầu sát xuống để khỏi nhô lên trên cửa kính. Trong tư thế đó, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy, tôi nghe tiếng ho của Cha già, tôi chắc cha không biết tôi nằm trong này, tôi đẩy cửa bước ra, chợt khựng lại vì trong phòng, ngoài Cha già còn có một người đàn bà đứng tuổi. Bà nhìn tôi, không hề tỏ vẻ ngạc nhiên, có lẽ Cha đã nói với bà về tôi.

Cha nói:

- Nằm trong ấy sao chịu được. Thôi cứ ra nằm giường nghỉ đi.

Tôi nói như thuyết phục Cha:

- Xin Cha cứ để con nằm trong tủ. Con sợ chúng sẽ lục soát ở đây.

Cha gật đầu, kể lại hồi nãy chúng đã lục soát rồi, chúng vào một số nhà ở ven đường cái, đến khám xét nhà thờ nhưng chúng không vào nhà xứ.

Cha hỏi U già có gì cho tôi ăn không? U già gật đầu. Cha nói:

- Anh theo U Nhàn xuống nhà dưới ăn cơm.

U Nhàn vội nói:

- Thôi để con đem lên đây, dưới đó có nhiều người hay ra vào.

Cha gật đầu, rồi bỏ ra phòng ngoài. Cha không hề hỏi tôi định ở đây bao lâu và dự định thoát khỏi vùng này bằng cách nào.

U Nhàn đem cho tôi một tô cơm lớn và một bát canh nóng. Ăn xong, tôi vội chui trở vào tủ, nằm lại trong tư thế chân cong, đầu quẹo và cố dỗ dành giấc ngủ. Khi tôi thức dậy, trời đã tối, tôi nghe tiếng nói chuyện trong phòng. Giọng Cha và một giọng đàn ông khác. Tôi khẽ nhích người, nhô đầu lên phần cửa kính, ánh đèn tối tù mù, nhưng tôi vẫn nhận ra một vị linh mục trẻ đang ngồi ăn cơm với Cha già. Hai Cha đang nói chuyện liên quan đến sinh hoạt giáo xứ, tôi đoán Cha trẻ là phó xứ của Cha già. Ông khoảng 40 tuổi, nét mặt rất trí thức và có vẻ đẹp khắc khổ, giọng nói trầm ấm, mạch lạc tương phản với Cha già hiền lành chậm chạp. Tôi hy vọng nếu có dịp nói chuyện với Cha trẻ, chắc có thể được Cha giúp tìm cách đưa ra khỏi vùng đất nguy hiểm này.

Tôi không nghe hai Cha nhắc đến tôi trong suốt bữa ăn. Cha trẻ có vẻ không biết việc tôi trốn ở đây. Tôi đoán, chắc Cha già chỉ cho mình U Nhàn biết.

Xong bữa ăn, Cha trẻ chào đi ra khỏi phòng, tôi chắc Cha trẻ ở phòng bên cạnh. Cha già đến bên tủ gọi tôi:

- Anh ra ăn cơm.

Cha để phần cho tôi vài miếng thịt heo và một đĩa rau, tôi ăn bằng bát và đũa của Cha. U Nhàn vào phòng cùng với Cha và tôi bàn việc giúp tôi thoát khỏi vùng này. Cha già đề nghị sáng sớm mai, năm giờ sáng đã có xe Lam chạy về Long Khánh, tôi nên đón chuyến sớm nhất, từ Long Khánh đi xe đò về được Hố nai là an toàn. Cha đưa cho tôi tiền xe. U Nhàn dặn tôi phải dúi tiền cho lơ xe đò để đi chui. U Nhàn nói:

- Nhưng anh phải đi tắm, cạo râu, thay quần áo đi đã.

Cha cho tôi bộ quần áo của Cha, khá chật nhưng tôi vẫn cố mặc vào.

Đêm đó, tôi được ngủ một giấc ngon lành trên chiếc giường nệm, Cha nhường cho tôi và ra nằm ngoài phòng khách.

Sáng hôm sau, tiếng chuông nhà thờ làm tôi thức dậy, tôi sửa soạn vội vã. Không thấy Cha già đâu, chắc Cha đã lên nhà thờ chuẩn bị lễ sáng sớm. Cũng không thấy U Nhàn để chào từ giã. Tôi đi ngang phòng tắm, mở cửa sau, đi vòng ra phía trước, trời đã chạng vạng sáng, tôi lẻn tìm lối ra đường cái đón xe Lam.

Lát sau, chuyến xe chạy tới, từ đằng xa, tôi thấy loáng thoáng mấy cái đầu nón cối trên xe, tôi thụt lui, nấp sau gốc cây, chờ cho xe đi qua. Không thể đứng đón xe kiểu này, quá nhiều bất trắc biết đâu không chạm trán ngay một tên vệ binh khác biết mặt tôi như sáng hôm qua. Vả lại biết đâu bọn chúng không trải những trạm kiểm soát xe Lam dọc đường từ đây lên Long Khánh. Tôi quay trở lại nhà xứ, đi vòng theo lối cũ vào cửa sau nhưng cánh cửa đã khóa. Tôi nghe tiếng lục đục trong phòng tắm, tôi đu người bám vào hai lỗ hở, nhìn vào thấy Cha trẻ đang đánh răng, tôi khẽ gọi:

- Cha mở cửa sau cho con.

Tôi tụt xuống, ra đứng ở cánh cửa chờ. Tiếng lách cách mở khóa, cánh cửa hé mở. Cha trẻ ló đầu ra thấy tôi, Cha ngẩn người kinh ngạc:

- Anh là ai? Chuyện gì vậy?

- Con là cải tạo trốn trong phòng này từ hôm qua.

Tôi vưa nói vừa lách người vào. Cha trẻ bỗng dang hai tay ấn vào vai tôi, đẩy mạnh ra ngoài, tôi chồm tới, nghe tiếng khóa cửa phía trong, tôi đập cửa kêu gọi:

- Cha già đã cho con nấp trong tủ áo từ hôm qua, sáng nay cho con tiền xe nhưng con không đón được, nên mới trở lại. Xin cha mở cửa cho con.

Không nghe thấy tiếng trả lời, chỉ nghe tiếng chân lui xa.

Tôi vòng ra lối trước gõ cửa, bên trong hoàn toàn im lặng.

Tôi không biết U Nhàn ở đâu để tìm. Tôi đành đi lên nhà thờ, còn sớm nên chỉ lác đác vài người đi lễ ngồi hàng ghế trên. Cha già đang ngồi trong tòa giải tội. Tôi đi thẳng lên đến gần Cha, tôi quỳ xuống, nói nhỏ qua cửa lưới:

- Con không đi được, xin cha cho con trở lại phòng cũ.

Cha già đứng dậy, đi vòng qua tòa giải tội, không nhìn tôi. Cha từ tốn đi ra khỏi nhà thờ, xuống nhà xứ. Tôi đi theo sau lưng, Cha mở cửa cho tôi vào, không nói với tôi một tiếng. Tôi bước vào, nghe tiếng khóa cửa bên ngoài. Tôi lại chui nằm lại trong tủ.

Sau giờ lễ, Cha già trở lại phòng, tôi nghe tiếng Cha nói chuyện bình thản với một người nào khác. Cha nói Cha bị mệt và nhờ người kia sáng sớm mai đem xe chở dùm Cha lên bệnh viện Hố Nai.

Tôi nằm đó tới trưa. U Nhàn gõ cửa, đem cho tôi một bát xôi. U lặng lẽ không hỏi tôi một câu nào, nét mặt đầy ái ngại lo âu. Tôi ở trong tủ suốt ngày. Đến tối, tôi lại thấy Cha trẻ vào ăn cơm với Cha già. Hai Cha vẫn nói chuyện bình thản về công việc Giáo Xứ. Không ai nhắc tới tôi. Cha trẻ vẫn nói chuyện công tác Họ Đạo, giọng trầm ấm, linh hoạt nồng nhiệt như tối hôm qua. Chắc chắn, Cha trẻ không sao ngờ được tôi đang nấp trong tủ chỉ cách có hai bước.

Sau bữa cơm Cha già lại gọi tôi ra ăn. Cha chỉ nói vắn tắt với tôi sáng sớm Cha đi Hố Nai bằng xe nhà, tôi cứ việc theo Cha ra xe, ngồi cạnh Cha và đừng nói chuyện gì với người lái xe.

Mờ sáng hôm sau, đúng như lời Cha dặn, chiếc xe La Dalat chờ sẵn ngay trước nhà xứ. Tôi ngồi cạnh Cha già ở băng sau, phía trước thêm một người đàn ông ngồi cạnh tài xế. Chiếc xe rời Giáo xứ Long Giao chạy về Hố Nai êm xuôi. Dọc đường, Cha già lim dim ngủ, không nói với ai tiếng nào tôi cũng im lặng suốt chuyến đi. Chỉ có hai người ngồi trước thỉnh thoảng nói chuyện nhỏ. Cả hai đều không quay lại, hỏi tôi một tiếng. Chắc họ cũng được Cha già căn dặn.

Xe dừng lại trước bệnh viện Sao Mai. Tôi xuống xe, định nói vài lời từ giã cha nhưng không sao mở miệng được. Cha từ tốn cầm tay tôi, giọng mệt mỏi chậm chạp:

- Thôi, con đi bình an. Chúa sẽ che chở con.

Tôi biết bây giờ nếu tôi nói bất cứ điều gì, tôi sẽ bật khóc. Tôi chỉ gật đầu chào Cha và quay lưng rảo bước bên lề đường, đi về phía chợ Sặt. Tôi chợt nhớ tôi chưa hề biết tên Cha. Tôi quay lại xe, thở hổn hển. Cha nhìn tôi chờ đợi.

- Thưa Cha, con chưa được biết tên Cha.

Lần đầu tiên, tôi thấy Cha cười: - Cha tên Trác. Con tên gì?

Tôi nói tên và lần này không sao cầm được nước mắt...

*Cha Trác đã mất tại Long Giao, Long Khánh năm 1982

Dương Phục
San Diego - 16-6-1983