Thursday, July 9, 2009

Hoàng Xuân Hãn


Lê Quí Đôn đi sứ nước Tàu

Ông kể chuyện rằng : « Khi ta mới tám chín tuổi, học sách Luận Ngữ (Khổng Tử) với cha, đến câu « Làm việc biết điều đáng thẹn, đi sứ bốn phương mà không làm nhục mệnh Vua, như thế có thể gọi là kẻ Sĩ » cha tôi hỏi : « Mầy có thể làm như vậy không ? » Tôi đáp : « Chỉ biết thẹn là khó mà thôi. Còn đi sứ làm vẻ vang Nước nhà, làm trọng mệnh Vua, thì có khó gì ? »

Nếu ai xét lịch sử Nam tiến của dân tộc Trung Quốc, thì không thể không ngạc nhiên trước sự ngày nay còn có nước Việt Nam tự chủ trong khi các bộ lạc "Man-di" đã bị thôn tính từ triền sông Dương Tử đến sơn tuyến từ Ấn Độ sang Đông Hải nước ta. Các nước ở phương Nam đã không bị quận huyện, chính nhờ sơn tuyến ấy, chỉ trừ đất Lạc Việt thì có năm đường thủy lục từ biên giới Bắc, châu vào trung nguyên triền sông Nhị, lớn chỉ bằng một phủ của Trung Quốc mà thôi. Sự tồn tại ấy đã nhờ vào các đức tính thông minh, bền bỉ, tự hào của con cháu Lạc dân; biết học tập văn hóa người mà không để thâu hóa; biết lợi dụng hình thế, thời tiết, khí hậu nước mình; biết thừa cơ thế yếu tạm thời của Trung Quốc mà giải phóng nước mình; biết khống chế Nam thùy không để Trung Quốc lừa gạt liên minh để phân tán thế lực ta; biết thâu hóa những dân tộc hoặc cá nhân dị chủng, kể cả những người đến đô hộ mình; và biết nhún nhường, hòa hảo đối với Trung Quốc khi họ không tỏ ý xâm lăng. Với ý thức ấy, các triều đại nước ta đã nhận quan điểm Thiên Triều và Phiên Quốc, cũng như Triều Tiên, Lưu Cẫu, Miến Điện, vân vân ; nghĩa là coi đất mình là Hoàng Đế Thiên Triều phong cho, để làm phên giậu ngăn cản ngoại xâm cho Trung thổ. Vậy muốn làm vua "chính thức" ở Phiên Quốc, phải được Thiên Triều thừa nhận bằng cách ban sắc phong và ấn; khi mất thì kẻ quyền nối phải cáo ai và phải cầu phong. Đáng lí mỗi năm phải tới Thiên Triều ra mắt một lần, nhưng cũng có thể sai phái bộ thay mình mang phẩm vật tới cống, ấy là lễ tuế cống. Nước ta ở xa, cho nên lễ ấy được giảm dần: lễ vật ít, thời kì ba năm một lễ và đưa tới sáu năm một lần. Với những điển lễ không phiền hà và tốn kém bao nhiêu, mà Bắc thùy được yên, và khi có nội loạn hoặc ngoại xâm, vua mình có chỗ cầu cứu. Vì vậy, ngày xưa khi chưa có luật lệ ngoại giao quốc tế, những hình thức phụ thuộc này được coi là dĩ nhiên.

Những người cầm đầu sứ bộ đều chọn trong đám Triều quan trong ngoài năm mươi tuổi, đời Lê ít ra cũng đậu tiến sĩ giỏi văn từ, mẫn tiệp, hoạt bát. Người được chọn coi sự ấy là một danh dự rất cao. Ngoài những lợi lộc như thăng thưởng phẩm hàm, cung cấp bổng lộc, còn là dịp độc nhất được du lịch nước ngoài, nhất là nước mà họ đã chịu văn hoá hoàn toàn, viếng những xứ, thăm những chùa đền thờ những vị tên tuổi rất quen qua sử sách; lại có dịp ngâm vịnh những cảnh cũng rất quen qua các thi hào, được tiếp xúc với các văn nhân Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Lúc về, cũng có thể đem về một số sách và đồ dùng hiếm lạ. Sự sáu năm chỉ mới có ba người được hân hạnh ấy, làm cho cái danh "phụng sứ" được đề cao hơn hết các phẩm tước của vua ban. Khi về, phần lớn góp những sự kiến văn có ghi chép, những thi văn thù ứng và đề vịnh, thành sách để lại cho con cháu và bạn hữu.

Gần cuối triều Lê, đời Cảnh Hưng, hai lễ tuế cống năm 1756 và 1759 cử hành từ kinh đô Thăng Long vào đầu năm 1760. Vả chăng ở nước ta, trước đó 20 năm, đã có chuyện đổi vua mà giấu Thiên Triều. Nguyên là, năm 1735, khi vua Long Đức (Thuần Tông) mất, chúa Trịnh Giang lập em vua lên ngôi với niên hiệu Vĩnh Hựu. Vua Thanh cũng chịu sắc phong. Nhưng đến năm 1740, có phe đảng lập kế truất Trịnh Giang để lập Trịnh Doanh và nhân đó bỏ vua Vĩnh Hựu mà lập con vua trước, với niên hiệu Cảnh Hưng. Việc này tất nhiên không để vua Thanh biết. Vậy thì vua Cảnh Hưng ở ngôi trong 20 năm mà không có sắc phong của vua Thanh. Đối với Thanh, ta vẫn phải lấy tên vua Vĩnh Hựu để giao thiệp, và đối nội thì vua này được tôn làm Thái Thượng Hoàng. Trong khi đang sửa soạn việc tuế cống này, Thái Thượng Hoàng mất (8-6 Kỉ Mão 1759). Triều đình ta nhân dịp, xin phó thêm sứ vụ: việc cáo ai và cầu phong.

Sứ bộ gồm : chánh sứ Trần Huy Mật 45 tuổi, người huyện Đông Sơn xứ Thanh Hóa, đậu tiến sĩ năm 1736; giáp phó sứ (phó sứ số 1) Lê Quí Đôn 33 tuổi, người huyện Diên Hà xứ Hải Dương, đậu bảng nhãn khoa 1752; và ất phó sứ (phó sứ số 2) là Trịnh Xuân Chú 55 tuổi, người huyện Đông Ngạn xứ Kinh Bắc, đậu tiến sĩ khoa 1748. Công chức phụ tá gọi là hành nhân, có 9 người, 3 thông sự (phiên dịch), 2 trung thư (thư kí), 2 y viện (y sĩ) và 2 người thường vụ. Các sứ lại được chọn một số tùy nhân để giúp việc riêng, số là 11 người; và có thể đem theo một người bà con thân cận gọi là môn tử. Lần này với 2 môn tử, sứ bộ gồm tất cả 25 người.

Ngày 28 tháng giêng năm Canh Thìn 1760, sứ bộ qua sông Nhị, đi đường bộ tiến lên Lạng Sơn, rồi tới Ninh Minh là bến đò đầu tỉnh Quảng Tây. Từ đó xuống thuyền, định theo đường sông đến Bắc Kinh, qua Nam Minh, Ngô Châu, Quế Lâm; vượt các cống Linh Cừ nối sông Quế với sông Tương, rồi xuôi dòng đến hồ Động Đình, xuôi sông Dương Tử đến Nam Kinh; chuyển sang sông đào Vận Hà thẳng lên Bắc, vượt Hoàng Hà rồi tới vùng Bắc Kinh. Đến đây đã mùa đông, sông bị giá đóng, sứ bộ phải lên bộ. Ngày mồng 8 tháng 12 mới tới Bắc Kinh. Sứ bộ lưu ngụ Bắc Kinh gần ba tháng, làm trọn các nhiệm vụ sứ thần: hành các lễ Tiến Biểu (dâng tờ trình tuế cống) và Cáo Ai (10-12), lễ Triều Kiến (chào Vua Càn Long, 15-12), lễ Triều Hạ (mừng năm mới 1-1 năm Tân Tị 1761), lễ Yết Văn Miếu (cốt để điều-tra các lệ nghi và tự-khí, 10-l)

Sứ bộ muốn xin về gấp để đón các sứ thần vua Càn Long sai sang phong vương cho vua Cảnh Hưng. Nhưng phải đợi đến ngày mồng 1 tháng 3 mới xuống thuyền về. Lại bị những kẻ tiễn về, lợi dụng sự hộ tống Nam Sứ để buôn bán lậu muối dọc đường, cho nên ngày 24 tháng 12 mới về đến Thái Bình gần bến đổ bộ để về nước. Lệ xưa, quá ngày 23 tháng chạp, thì các việc quan đều đình. Cho nên sứ bộ phải lưu lại trong những ngày tết, và có lẽ phải đợi đến ngày 28 tháng giêng mới qua cửa Nam Quan về nước.

Trong vụ đi sứ lần này, Lê Quí Đôn đã soạn một sách chép hết sức tường tận mọi sự việc, mọi văn từ và đề là BẮC SỨ THÔNG LỤC gồm 4 quyển: Quyển 1 chép tất cả mọi việc và mọi công văn có liên quan đến sứ vụ trong thời kì trù bị (20-l0 Mậu Dần 1758 - 20-12 Kí Mão 1759). Quyển 2 và quyển 3 chép hành trình đi đến Bắc Kinh, các việc làm dọc đường và lúc ở Bắc Kinh; rồi chép hành trình đi về đến quá Nam Kinh. Chẳng may hai quyển nầy có lẽ đã mất. Quyển 4 kể hành trình khi về, từ Sa Châu, trên sông Dương Tử đến Thái Bình trên sông Tả Giang (từ ngày 26-6 Tân Tị 1761 đến quá 7-1 Nhâm Ngọ 1762). Trong quyển nầy, tác giả chép nhật kí, ghi rõ tên đất, tên người, độ đường, câu chuyện vân vân. Qua đó ta thấy rằng quả thật Lê Quí Đôn là một nhà học giả lỗi lạc, có óc khoa học, thiết thực, cụ thể, đủ mọi tài về văn chương, biết làm thơ, biết kể chuyện, biết kí tải, biết giao thiệp. Không những về lí học, mà cả về sử học, lúc mới hơn 33 tuổi mà đã tinh tường. Ông có trí nhớ lạ thường. Chính ông kể lại, trong khi tham quan mọi nơi, ông đọc các câu đối các biển, lúc về thuyền nhẩm lại đều nhớ hết. Tục truyền rằng ông đọc sách gì một lần đủ nhớ luôn, kể cả những sổ bạ. Người ta lại kể chuyện rằng có lúc ông đọc một bia bị nước lũ dâng chóng ngập chân, ông đã đọc ngang từ dưới lên trên, mà khi về ông cũng chép lại bài bia được. Ví với ngày nay những kẻ có thể đánh cờ trầm mấy chục ván một lần, hay những người tính nhẩm những phép nhân chia hàng chục con số, thì ta thấy rằng những chuyện kể về trí nhớ của ông không ngoa. Từ thủa nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng. Thi đậu tam khôi (ba lần đầu: ở tỉnh, ở kinh và ở cung điện) trong khi cha, là Lê Phú (sau đổi ra Viết) Thứ đang làm quan Triều và cũng xuất thân Tiến Sĩ. Tuy vậy, ông cũng không đậu đại khoa sớm như hai thần đồng đời Trần: Nguyễn Hiền (13 tuổi) và Nguyễn Trung Ngạn (16 tuổi). Nhờ vậy, ông đã có thời giờ đọc và viết sách nhiều trước lúc ra làm quan. Khoa Nhâm Dần 1752 chỉ có 6 tên trên bảng ; ông đứng đầu với bực Bảng Nhãn (năm bực là : Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, Hoàng Giáp và Tiến Sĩ). Tuy bực rất cao, nhưng ai cũng cầm chắc ông đáng bực Trạng Nguyên, nhưng trong bài thi có câu hỏi một chuyện chính trị đời Đường Thái Tông mà Đường Thư không chép và chỉ có ghi trong sách Trinh Quan Chính Yếu. Riêng ông, ông rất tiếc vì tủ sách nhà vốn có sách ấy nhưng có người mượn mất.

Chuyện ông được đi sứ, thì cũng lẽ tất nhiên. Trong bài Đề Từ sách Bắc Sứ Thông Lục, ông kể chuyện rằng : « Khi ta mới tám chín tuổi, học sách Luận Ngữ (Khổng Tử) với cha, đến câu « Làm việc biết điều đáng thẹn, đi sứ bốn phương mà không làm nhục mệnh Vua, như thế có thể gọi là kẻ Sĩ » cha tôi hỏi : « Mầy có thể làm như vậy không ? » Tôi đáp : « Chỉ biết thẹn là khó mà thôi. Còn đi sứ làm vẻ vang Nước nhà, làm trọng mệnh Vua, thì có khó gì ? » Cha tôi cười mà bảo: « thằng bé này có hào khí ! » và dạy rằng: « Ý khí thì cố nhiên nên hào, nhưng không nên quá. Nên không nhún, không rời phẩm cách, nhưng phải nhã nhẵn, nhẹ nhàng, đừng để lộ ra một chút thô suất » Tôi thưa : « vâng.»

Trong tựa sách trên, tựa viết năm 1763, ông lại kể rằng:
« Ở nước Nam ta, tiền bối đi sứ có để lại nhiều tập thơ nhưng chưa ai kể lại các sự việc. Năm Vĩnh Hưu Đinh Tị (1737). Tổn Trai tiên sinh họ Lê (Lê Hữu Kiều, người huyện Đường Hào, đậu Tiến Sĩ khoa 1715) được sung phó sứ đi mừng vua Càn Long lên ngôi, có chép việc sử, nhật trình, đường đi, thơ văn thù ứng, vấn đáp và các sự tích, phong tục nghe thấy, viết thành sách đề là Sử Bắc Kí Sự. Khi ta chưa đậu, ông từng đưa cho ta xem và bảo : « Đây là sách ta lược biên để có thể mang theo trong túi áo. Cậu ngày sau chắc sẽ được chọn đi sứ. Cậu nên sẽ tiếp tục chép nhiều thêm để cho được nhiều sự trạng và lời văn vẻ hơn ».

Theo các chuyện trên, nhiều người đoán trước rằng ông sẽ phụng sứ. Năm 1758, ông được triều đình đề cử trong số sáu người đưa chúa Trịnh Doanh lựa chọn. Trong bài Đề Từ, ông kể rằng: " Chúa thật không muốn ta đi xa. Mùa thu năm Kỉ mão (1759) Chúa bảo Cổn quận công rằng muốn lưu ta ở lại để hầu chính sự; rồi hỏi ý ta. Ta quì tâu: « Cám ơn Thánh Thượng muốn tài bồi cho. Tôi, trên luyến Vua, dưới nhớ cha, há lại không muốn xin ở lại. Nhưng tôi nghĩ rằng từ xưa làm quan, ất nên lịch duyệt cho đủ. Ba năm đi về cũng không phải là lâu. Vậy xin vẫn được đi sang xem chính trị của Thượng Quốc ra sao, nhân vật họ ra sao ? » Chúa bằng lòng ".

Vì còn ít tuổi, chức tước chưa cao, cho nên ông chỉ được sung phó sứ số một, nhưng kì thật thì trong các cuộc ứng đối, ông đứng hàng đầu. Trong phần nhỏ sách kí sự của ông còn lại, ta cũng thấy người Trung Quốc để ý đến ông hơn chánh sứ nhiều. Lời ông viết nối trong Đề Từ: " Từ trước đến nay, văn thần được tuyển đi sứ là trên dưới 50 tuổi. Mà tôi vâng mệnh đi lần này, tuổi mới hơn 30, bề ngoài còn hăng hái sỗ sàng. Tự vui thích chơi bời bay nhảy, cảm tình với xưa, tò mò với nay. Đến đâu cũng đề vịnh (xướng họa với chánh sứ đến vài trăm bài). Đến những chỗ công sảnh, nhà quan, hễ thấy đối liễn, thơ đề trên quạt, ta đều nhẩm ghi để khi về thuyền sao lại . Ta lại được các bậc cao sĩ phu Trung Châu đem thi từ thân tặng. Cho nên trong lúc này có ghi nhiều văn từ thấy ở các công thự, ở phong cảnh núi sông, những lời hỏi đáp với các quan liêu ".

Sự thành tựu của sứ vụ, thì ông tự phê bình trong Đề Từ : " Ta vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm họ Tra đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu, bậc cả, sĩ phu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Lại có sứ Triều Tiên, quan Khâm Sai bạn tống đều là những bậc văn hào. Họ đã không coi mình là người nước ngoài mà khinh, đã tiếp chuyện nhiều lần. Tôi may nhờ hồng phúc, dùng văn tự nói chuyện, may khỏi bị khinh khi, mà còn được tán khen. Các sách Quần Thư Khảo Biện và Thánh Mô Hiền Phạm Lục là những sách tôi soạn trước 30 tuổi, được các người thích và giữ như của quí. Vậy mới biết lòng người không khác nhau. Lấy lòng thành thật chính trực đãi nhau, lấy văn tự làm quen nhau thì người bốn bể đều là anh em cả ... Vả chăng nếu mình rụt rè, tự coi mình là người nơi xa vắng, ít giao tiếp, ít nói năng thì bị người ta khinh bạc, mà dùng tiếng Di Ngôn Di Sứ (lời mọi, sứ mọi) mà chỉ chúng ta ".

Chính vấn đề các viên chức Thanh ở biên giới vẫn luôn luôn dùng tiếng DI (mọi) để trỏ người mình, kể cả sứ thần, là một điều mỗi lúc sứ ta sang, đều phải tranh biện phản đối và đòi cải cách. Khi đi về đến Quế Lâm, sứ bộ gửi tờ trình cho viên Tuần phủ Quảng Tây xin cho các viên chức sắp gặp sứ bộ, thôi dùng chữ DI. Đại ý tờ trình như sau : Trong các công văn và khi tiếp đón sứ thần mọi nơi đều gọi hai tiếng An Nam . " Thế mà ngày chúng tôi đến cửa Quan, quan đạo Tả Giang tới mở khóa, sứ thần vào lạy Long Đình, thì lễ sinh xướng lễ chỉ hô : Di quan, Di mục, trỏ rõ sự nghiêm ngặt, làm chúng tôi hổ thẹn rất sâu. Đến khi tới Nam Ninh, yết quan Đạo Đài, đến Ngô Châu yết quan Hiệp, giữa đám đông người mà vẫn dùng chữ DI ". Sứ thần xin theo lệ đời Ủng Chính thứ 9 (173l) giới thiệu các sứ thần bằng chức danh. Viên Bố Chánh biện luận một cách khôn khéo rồi nhận lời, như ta sẽ thấy trong tờ trình của sứ bộ gửi về chúa Trịnh Doanh.

Tờ trình nầy rất quí, vì được làm bằng tiếng Việt, có lẽ để người Thanh không đọc được, nếu chúng tò mò. Tuy cả ba sứ thần cùng kí tờ nầy, nhưng tôi tôi tin rằng chính Lê Quí Đôn đã thảo. Cũng như trong các văn kiện bằng nôm thời xưa, bài trình nầy thường dùng Hán văn xen vào trong câu Việt ngữ. Tôi sẽ viết những phần ấy bằng chữ nghiêng và kèm lời tôi diễn nôm ở sau trong vòng đơn. Sau đây tôi sẽ trích một vài đoạn (Toàn bài đã được in với chử nôm trong Tập san Sử địa số 6, Sàigòn 1967) :

" Tháng 10 ( năm Tân Mão 1761) ngày mồng 7, chúng tôi đến Quảng Tây tỉnh thành (Quế Lâm) ... Ngày mồng 9, quan phủ Quế Lâm xuống khám thuyền (xét đồ quốc cấm đem về nước). Kì trước, chúng tôi tiến quan (qua cửa Nam Quan) với vào chí kiến (chào) quan Nam Ninh, thì nó cũng chiếu cựu lệ, nó xướng rằng : « Di quan kiến » (quan mọi chào). Kì nầy chúng tôi cũng có đầu văn (nộp thư) nơi quan vũ viện đạo đạt tình diêu xin hành văn đạo, phủ, hễ nghi chú văn thư, đình DI QUAN tự (đến quan Tuần Vũ, kể rõ thắc mắc, xin gửi tờ sức cho các đạo, các phủ, bảo: phàm trong nghi lễ, văn thư, sẽ thôi dùng chữ di quan, nghĩa là Quan mọi). Tối hôm ấy, quan Bố Chánh họ Diệp (tên Tồn Nhân) truyền hai quan bạn tống (quan Thanh đi kèm sứ bộ) với thông sự (phiên dịch) lên Công đường; trước hỏi: « Ủy vấn Cống sứ nhất lộ tân khổ ? » (thăm hỏi các Cống sứ, dọc đường khó nhọc không). Sau lấy trình văn bảo rằng: « Nghiện cá thậm hảo, thuyết đắc hoạt lí. Đạn cổ ngữ văn : THUẤN sinh ư Gia phùng, đông di chi nhân dã; Văn vương sinh ư Kì chu, tây di chi nhân dã. DI tự nguyên phi khinh mạn Quí quốc. Kim Sứ thần dĩ thử vi ngôn, dĩ mông Vũ đài chuẩn doãn, hành nhất giác công văn, truyền Tả giang đạo cấp các phủ, tự hậu đình hô DI tự xưng AN NAM quốc sứ ...» (Văn này rất hay, nói rất đúng lí. Nhưng lời xưa đã nói : vua Thuận sinh đất Gia phùng, là người mọi phía đông; vua Văn vương sinh đất Kì Chu, là người Mọi phía Tây. Dùng chữ Di vốn không phải để kinh nhờn Quí quốc. Nay sứ thần đã đem sự nầy bày tỏ nên lời thì đã được nhờ ơn quan Tuần vũ bằng lòng nghe. Đã gửi một ống công văn truyền cho đạo Tả giang và các phu, dặn từ rày về sau đừng hô chữ DI nữa, và gọi là Cống sứ nước AN NAM. Sứ có thể về nước thưa với Quốc vương được rõ. . .)

" Vả tiết nầy, chúng tôi trộm xem quan Trung Quốc có lòng kính trọng Bản quốc, dĩ cập kì sứ (vì đó trọng cả sứ ta). Từ ngày chúng tôi tiến Kinh, Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Giang Nam, Sơn Đông, ngũ tỉnh ấy, quan Tổng đốc, Tuần vũ đều đặc ủy thuộc liêu, quan viên hộ tống. Khi khởi lục, thì duyên đồ châu huyện bôn tẩu cung ứng, trương mạc kết thể (khi lên bộ thì dọc đường các quan châu huyện chạy cung cấp đồ ăn đồ dùng, trương màn kết vải màu để đón rước). Khi vào triều hạ (chầu mừng vua Càn Long) thì quan Nội các, Lục bộ đại-thần đều tựu vấn, hữu lời tưởng lao (tới hỏi thăm, có lời khen lao). Mấy (với) như cống sứ Cao Li cống sinh nước Lưu Cầu, gặp chúng tôi cũng hỏi han thư từ vãng phục. Kẻ thì rằng lập chí trung hậu, kẻ thì rằng Văn vật chi thịnh. Chúng tôi đều tùy sự đối đáp. Chuyện đối là sứ thần chức phận, chúng tôi không dám ghi lai lịch phiền độc (kể chi tiết làm nhàm tai).

" Chúng tôi bồi thần tam viên, với hành nhân cửu danh, tùy nhân thập tam danh (ba sứ thần, 9 phái viên, 13 tùy phái) muôn nhờ hồng phúc đều được bình ninh. Như môn tử (con em) chúng tôi cũng có đem sang, cũng đều được mạnh khoẻ cả. Chúng tôi gửi dộng (tâu) lạy BỀ TRÊN muôn muôn năm. Tư cẩn khải (nay kính thưa) ".

Tờ khái này có lẽ viết ngày 13 tháng Chạp năm Tân Mão 1761. Sứ bộ tưởng trước Tết sẽ về đến nhà, nhưng phải đợi gần một tháng ở Thái Bình, quan Thanh mới chịu mở cửa Quan. Tiếc rằng bản Bắc Sứ Thông Lục đã bị mất phần cuối, cho nên ta không còn biết hành trình từ Thái Bình về và có quả thật bọn biên lai Trung Quốc có bỏ tiếng DI chăng. Tuy vậy phần còn lại cho ta biết nhiều câu chuyện giữa Lê Quí Đôn với các nhân vật nước Thanh khi phải đợi lâu và ăn Tết ở Thái Bình. Sau đây sẽ kể một vài chuyện.

Chuyện khám thuyền - Khi thuyền về đến Quế Lâm, theo lệ, quan Thanh xuống khám thuyền để tịch thu các vật và sách cấm. Đồ cấm có vũ khí và diêm tiêu dùng làm thuốc súng. Các cống sứ phải làm tờ cam kết, trong đó có nói :

" Năm Càn Long thứ 25, chúng tôi vâng mệnh Quốc vương mang tuế cống và tờ biểu và nghi vật tới dâng. May được Thánh ân ban cho quốc vương vải vóc, trong đó có thứ đoạn hoa Đại Mãng, Thổ Qua. Còn như diêm tiêu, quân khí và tất cả những món hàng cấm thì không hề mang về. Đó là điều chúng tôi cam-kết là thật ". Tất cả sứ bộ phải khai các sách đã mua, rồi phải gánh các hòm sách lên Trạm Ân Đình. Quan Thanh giữ lại một số, rồi bảo khai giá tiền mua để được bồi thường. Trong số sách bị thu có bộ UYÊN GIAM LOẠI HÀM là một thứ tự vựng bách khoa về văn học gồm 450 quyển, vua Khang Hi sai soạn. Lê Quí Đôn phải làm đơn xin trả lại, viện lẽ rằng trong sứ vụ Phạm Khiêm Ích (1724) vua Ủng Chính đã ban bộ sách ấy cho vua mình. Quan Thanh bằng lòng, nhưng giữ lại 23 bộ sách khác trị giá chỉ hơn 4 lạng bạc. Đó là những sách có tính cách chính trị, kinh tế, bói toán, địa lí, y khoa, thần tiên. Của riêng Lê Quí Đôn, có 5 sách bị thâu : Phong Thần Diễn Nghĩa, Nam Du Bắc Du, Uyên Hải Tử Bình, Tử Vi Đẩu Số và Mai Hoa Dịch Số. Qua những tên sách nầy ta có thể đoán rằng ông tin bói toán và thích tiểu thuyết phong thần.

Chuyện bút đàm với học giả Trung Quốc - Ngoài những nhịp dọc đường, Lê Quí Đôn tiếp chuyện với những quan địa phương, tặng thơ đáp câu đối, hoặc đàm đạo thường xuyên, Bắc Sứ Thông Lục còn giữ được lời ghi những buổi bút đàm với một Nho gia và sử gia có học uyên thâm, là CHU BỘI LIÊN bấy giờ được phái đến Quảng Tây chấm hương thi. Ý chừng y đang khảo cứu về địa dư vùng Nam qua lịch đại; cho nên y hỏi Lê Quí Đôn về sự biến cải địa danh ở nuớc ta từ đời Tần Hán đến đời Minh. Ông trả lời rất đầy đủ , ghi đến hơn 2000 chữ. Đọc qua, ngày nay chúng ta thấy ông đã thuộc những phần địa chí trong các sử thư Trung Quốc. Không những ông đã dẫn chứng lấy trong Nhị Thập Tứ Sử, mà còn dẫn những ngoại thư như Giao Quảng Xuân Thư của họ Vương và Nhĩ Thu của Trương Tân. Không những ông bàn địa dư Giao Chỉ mà còn so sánh với sử địa Triều Tiên. Trái với nhiều học giả nước ta đời xưa, ông đã để ấn tượng là người uyên bác về quốc sử khi mới hơn 30 tuổi. Ông lại đưa hai quyển sách đã soạn, Thánh Mô Hiền Phạm Lục và Quần Thư Khảo Biện cho Chu xem và xin đề tựa. Chu đã thấy rằng ông có chí, học rộng, cảm thấy nước ta có văn học, và " tiếc rằng Quế Đường (hiệu ông) sinh ở Nam Phiên, không thể ở lâu tại Trung Châu. Nếu được ở Trung Châu vài năm, cùng thầy có tiếng đạo đức văn chương giảng giải và nghiên cứu để tìm tình tứ Chu Công, Khổng Tử, thì ta không thể lường được ông sẽ tiến đến đâu " (Xem tựa sách Thánh Mô Hiền Phạm Lục). Qua câu phê bình đạo mạo của một văn gia đứng tuổi ớ Trung Châu đối với một dân phiên thổ, tuy đậu bảng nhãn, nhưng trẻ vào bậc học trò mình, ta cảm thấy sự ngạc nhiên và kính nể của người cao sĩ Trung Quốc đối với Lê Quí Đôn và đối với nước ta. Nguyên Thủy Chu Bội Liên đã nghe người khác mách rằng sách Thái Tử Tuyên Kí nói rằng An Nam thờ Giải Tấn (một quan nhà Minh sai sang cai trị nước ta sau khi Hồ Quí Li bị bắt. Xem tập-san Khoa-học Xã hội số 4 trang 121) và coi y như bậc Thánh, cho nên khinh thường trình độ văn học nước ta. Y có nói đến sự ấy trong bài tựa dẫn trên. Vì vậy Lê Quí Đôn đã phải biện bác dông dài, kể những người nước ta có văn danh trước khi Giải Tấn tới, Trương Hán Siêu, Nguyễn Bá Quát, Nguyên Trung Ngạn, Phạm Sư mạnh, Chu Văn An đời Trần. Trước nữa đời thuộc Đường, đã có bảy người đậu Tiến Sĩ và Khương Công Phụ lại đậu chế khoa. Cho đến những người Minh sang cai trị An Nam, thì Hoàng Phúc còn để tiếng lại; chứ Giải Tấn thì không ai biết đến.

Ông nói tiếp: « Nó là một khách thương qua chơi, sao có thể đến Quốc tử giám (Văn miếu), mà biết rõ điển chương, văn hiến của nước tôi » (trong Thuyết Linh nói An Nam không thờ Khổng Tử, mà thờ Giải Tấn).

Chuyện kiến trúc thành quách - Chu Bội Liên chấp nhận lời biện bác ấy rồi chuyển sang hỏi về cửa thành.

Y hỏi : « Tôi nghe nói rằng thành xứ Phù Nam (Cam-bu-chia) có bốn cửa, cửa Tiền hướng Đông. Thấy chép như vậy trong sách Giang Đông Cựu Sự, nhưng tôi lấy làm nghi, vậy cửa Tiền ở Quí quốc quả như thế không ? »

Ông đáp : « Từ xưa, dựng đô lập ấp, phải xem âm dương, xét trời đất, nhắm trước sau, thẩm cao thấp; kết-quả là chưa có cửa Tiền thành nào không quay về hướng mặt trời. Ngày xưa, đương triều nhà Nguyên trước, có thể cửa Tiền ở thành Phù Nam ngảnh về Đông, nhưng tôi không thể biết (Lê Quí Đôn có lẽ đã đọc sách Chân Lạp Phong Thổ Kí của Chu Đạt Quan đời Nguyên tả thành Angkor). Còn như Đô Thành nước tôi, thì cùng một chế với thành quách xưa nay. Vả chăng, chín cửa thành Kinh sư (Bắc Kinh) và những dinh thự sáu bộ và các Tự, các Viện đều bởi quan thái-giám nước tôi tên Nguyễn An xây nên đời Vĩnh Lạc Việc ấy được chép trong sách Hoàng Minh thông kỉ. Nhân tiện xin trình ».

Chu nói : « Quí quốc có nhiều người tài nghệ như thế, mà tôi nghe rằng hiện nay, các trị sở tại trấn, phủ, huyện đều không có thành quách, là tại sao ? »

Lê Quí Đôn đáp : « Sách Hán chí chép : Giao chỉ có hơn 60 thành. Gần đây, trong khoảng triều Minh cai trị, cũng đắp hơn 20 thành. Không phải rằng nước tôi không biết giữ nếp cũ, nhưng ban đầu, khi quốc triều (Lê) mới lập, đã san bằng hết. Chỉ ở trấn thị, đắp luỹ đất mà thôi . Tôi trộm nghĩ rằng đó bởi có thâm ý...»

Chu hỏi : « Tại sao ? »

Đáp : « Nước nhỏ tôi và nước lớn Ngài, sự thể không giống nhau. Nay may được Thánh triều ôm ấp vỗ về, hai nước thành một nhà, không phải trở lại lo nữa. Nhưng trong buổi đầu triều Nguyên và triều Minh, bị tụi biên thần tham công mà sinh sự với nước tôi. Chúng tôi sợ bị đột nhập. Nếu tụ nhau ở trong một thành, ngồi để chịu vây đánh, thì chẳng là kế hay. Dân chúng là lính, làng mạc là của. Nếu ở linh tinh phân tán, thì muốn đánh cũng không chỗ nào mà đánh, muốn cướp cũng không thấy đâu mà cướp. Trái lại, nhân chỗ họ mà phá rối, đặt phục mà cản đường. Làm như vậy mới có thể giữ nước ».

Những câu trả lời trên thật là lí thú. Một mặt, nhờ Lê Quí Đôn nhắc lại, chúng ta được biết cái cửa Thiên An Môn cùng 8 cửa khác của thành Bắc Kinh là công trình của người nước ta, cũng như doanh thự trong thành. Việc nầy người Trung Quốc đời nay vẫn biết. Một mặt khác, ông đã giải thích một cách chí lí chiến lược " của không nhà trống ", phân tán du kích, để cảnh giác người Thanh. Chu Bội Liên phải khen rằng: « Sứ quân biện cực tài ! Nhưng cuối cùng, tôi cho rằng như thế không bằng xây thành quách làm hiểm trở mà tự thủ ... ! »

Rồi sau khi Lê Quí Đôn lí luận bác thuyết Việt Thường hiến bạch trị cho Chu Vương và Chu Vương cho xe chỉ nam, Bội Liên mừng rỡ mà khen : « Bàn luận thật là khoái, khiến người thán phục và kính trọng ! ».

Và ngày nay, đọc đến đây, cũng phải thán phục một người trẻ tuổi, học tiếng nước ngoài, phải theo đòi cử nghiệp, mà đã kiến thức mông mênh, lí luận chắc chắn, ứng đối mẫn tiệp như Lê Quí Đôn. Thật ông đã làm đúng như lời hứa với cha khi tám chín tuổi: làm vẻ vang Nước nhà.

Hoàng Xuân Hãn
Mùa đông năm Kỉ mùi

Phụ bản:Vui Xuân ở gò Đống Đa
Tranh bột màu của họa sĩ Ngọc Lộc

Nguồn
diendan.org
Đọc thêm