Wednesday, July 8, 2009

Việt Nam vs Nội chiến Hoa Kỳ


Việt Nam không học được gì
từ kinh nghiệm chấm dứt cuộc nội chiến Hoa Kỳ

(Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái phỏng vấn Thẩm phán Phan Quang Tuệ)

LTS: Trước năm 1975, ông Phan Quang Tuệ là sĩ quan Quân Pháp thuộc Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa. Tiếp theo ông biệt phái về làm việc trong văn phòng chủ tịch Tối Cao Pháp Viện cho đến 1975. Từ 15 năm qua, ông là thẩm phán liên bang Tòa Di Trú San Francisco.

-Người Việt: Xin hỏi cảm tưởng của thẩm phán nhân Ngày Lễ Ðộc Lập 4 Tháng Bảy của Hoa Kỳ?

-Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Năm nay Hoa Kỳ long trọng kỷ niệm 233 năm Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập được công bố vào ngày 4 Tháng Bảy năm 1776 tại Philadelphia. Qua bản tuyên ngôn này, 13 thuộc địa liên hiệp (United Colonies) đã tuyên bố tách rời khỏi triều đình Anh Quốc.

Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập nêu lên 3 nguyên tắc có giá trị trường cửu:
1) Mọi con người đều sanh ra bình đẳng với những quyền bẩm sinh bất khả xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu tìm hạnh phúc;
2) Ðể bảo đảm những quyền nói trên, guồng máy nhà nước đã được thiết lập như những định chế với quyền hạn xuất phát chính do sự ưng thuận của những người dân;
3) Rằng bất cứ lúc nào những chính quyền này đi ngược lại những mục đích trên thì người dân có quyền đứng lên để hoặc thay đổi, hoặc lật đổ chính quyền này, và thay thế vào đó bằng một chính quyền mới, trên những nền tảng mới, theo những nguyên tắc mới, dựa theo cách thức tổ chức mới nhằm thực hiện và bảo đảm an toàn và phúc lợi cho người dân.

Mười một năm sau, vào ngày 17 Tháng Chín năm 1787, những nguyên tắc trên về một thể chế thiếp lập để phục vụ người dân đã thành hình qua Bản Hiến Pháp của Hiệp Chủng Quốc nay đã được 222 tuổi và vẫn là Bản Hiến Pháp duy nhất của Hoa Kỳ.

Bốn năm sau, vào năm 1791, Ðạo Luật Công Dân Quyền gồm 10 điều khoản được công bố qua 10 Tu Chính Hiến Pháp nhằm giới hạn quyền hạn của chính quyền liên bang, bảo vệ quyền lợi của người dân.

Ðây là một quốc gia mà chính quyền được thành lập để bảo vệ cho phúc lợi của người dân. Luật pháp được làm ra trong tinh thần này. Luật pháp xứ sở này không hình sự hóa quyền tự do phát biểu, tham gia sinh hoạt chính trị, thay đổi và ngay cả hủy bỏ chính quyền khi chính quyền phản lại quyền lợi của người dân.

Hai trăm năm trước đây những nguyên tắc nói trên đã được Hoa Kỳ long trọng công nhận. Trong khi đó, hơn hai trăm năm sau, tại Việt Nam, vẫn còn có điều luật như điều khoản 88 áp đặt lên người dân.

-Người Việt: Với Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập ngày 4 Tháng Bảy, một quốc gia mới đã ra đời, nhưng tại sao mãi đến hơn 11 năm sau mới có Bản Hiến Pháp được công bố vào năm 1787?

-Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Danh xưng chính thức của Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập là “The unanimous Declaration of the thirteen United States of America”. Các sử gia vì thế đã không xem Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập như là một bản khai sanh của một tân quốc gia. Trước độc lập người Mỹ vẫn tự xem mình là thần dân của triều đình Anh Quốc, là công dân của từng thuộc địa riêng rẽ như Virginia, Massachusetts, New York. Ngay cả sau độc lập, ý niệm một quốc gia với những người công dân Mỹ vẫn chưa thành hình. Và quả thực trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, cũng như sau này Bản Hiến Pháp không hề có danh từ quốc gia (nation) hay công dân (nationals). Vì thế mãi cho đến trước cuộc nội chiến Nam Bắc người Mỹ vẫn dùng “The United States are...” theo số nhiều. Và cho đến sau khi chấm dứt cuộc nội chiến, người ta mới dùng “The United States is...” theo số ít, ngụ ý từ đấy một quốc gia theo đúng ý nghĩa mới thật sự thành hình.

-Người Việt: Cuộc nội chiến của Mỹ chỉ kéo dài 4 năm nhưng mức độ thiệt hại nhân mạng và của cải vật chất rất cao. Tại sao người dân hai miền Nam-Bắc của Mỹ có thể hòa giải được hận thù với nhau để đưa xứ sở này lên hàng cường quốc duy nhất như hiện nay, phải chăng đó là phép lạ?

-Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Cuộc nội chiến kết thúc Tháng Tư năm 1865. Trước đó chỉ có 6 ngày, Ðại Tướng Robert Lee thống lãnh quân đội Miền Nam vẫn còn tuyên bố là ông có thể cầm cự chiến đấu ít nhất là 20 năm nữa. Thế nhưng, sau khi nhận được báo cáo của vị tướng trẻ John Gordon, rằng đạo quân miền Nam đang bị quân đội miền Bắc bao vây, lương thực cạn, tiếp tế không có, hy vọng tăng viện cũng không, Tướng Lee nói với các tướng bao quanh, “Giờ đây tôi chẳng còn làm gì hơn là đến trình diện và đầu hàng trước tướng Grant.” Và Tướng Lee viết một lá thư xin đầu hàng gửi Ðại tướng Grant, thống lãnh quân đội miền Bắc.

Ðọc lịch sử Mỹ, chúng ta thấy Tướng Lee khi đầu hàng tướng Grant, ông mặc quân phục, đeo huy chương trang trọng, và chỉ mong sao binh sĩ thuộc quyền ông được trở về đời sống dân dã làm ăn bình thường thôi. Còn bản thân Tướng Lee, ông đinh ninh thế nào cũng bị bắt và bị treo cổ. Nhưng không ngờ, khi nhận được thư của Tướng Lee, lúc bấy giờ, tại một cánh rừng gần Tòa Thị Xã Appamatox, thuộc tiểu bang Virginia, Tướng Grant, thảo bức thư trả lời Tướng Lee. Tướng Grant viết, “Tôi rất muốn hòa và mong muốn kết thúc cuộc chiến mà không phải tổn thất thêm một nhân mạng nào nữa.” Riêng Tổng Thống Lincoln, mối bận tâm lớn nhất của ông là mối hận thù rất nặng giữa hai miền Nam-Bắc. Ông quyết tâm phải hòa giải được mối hận thù này và ông đã làm được.

-Người Việt: Trong không khí say men chiến thắng, làm cách nào mà đạo quân miền Bắc kềm hãm được hành động trả thù cũng như thái độ hả hê trước sự đầu hàng của quân miền Nam, thưa thẩm phán?

-Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: Lịch sử cho thấy, cách hành xử của người thắng đối với người thua đã mở đầu trang sử mới của đất nước Mỹ. Sau khi gặp Tướng Grant để đầu hàng, Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của Tướng Grant, bắt tay Tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp. Tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà, nơi đôi bên nghị hòa. Khi ngựa Tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau. Trên bao lơn xung quanh Tướng Grant và trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội Liên Hiệp Miền Nam. Tướng Grant còn ra lệnh cho sĩ quan và binh sĩ miền Bắc không được phép reo mừng trên chiến bại của phe miền Nam. Ðiều quan trọng với Tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ.

Ðiều kiện đầu hàng được hai Tướng Lee và Grant ký kết tại Appamatox ngày 9 Tháng Tư năm 1865 thì 3 ngày sau, ngày 12 Tháng Tư mới là ngày quân Liên Hiệp Miền Nam chính thức buông súng đầu hàng. Hai đạo quân dàn đôi bên con đường chạy theo phía Ðông khu rừng Appamatox. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là Tướng Chamberlain. Chỉ huy 28,000 sĩ quan và binh sĩ Liên hiệp Miền Nam là Tướng Gordon. Tướng Chamberlain đã ghi lại trong hồi ký của mình, “Từng đoàn, từng đoàn, họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một dòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Ðây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, một đoàn quân tơi tả, xương xẩu, nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng, họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những đồng đội trên chiến trường.”

Không hề dự định trước, cũng như không hề được chuẩn y trước, Tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh cho quân đội miền Bắc, “Bồng súng chào!”. Một tiếng kèn lệnh vang lên, và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai chào đoàn quân thua trận. Phía đối diện, Tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một giáng đìệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “anh hùng bại trận,” họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ. Và phía hàng quân miền Bắc tiếp tục giữ đúng thế nghiêm. Không có thêm một tiếng kèn. Không có một tiếng trống. Không có một tiếng hô chiến thắng. Không có một tiếng nói. Không cả một tiếng thầm thì. Mà chỉ còn là một hàng quân im phăng phắc. Mọi nhịp thở như ngừng lại. Buổi lễ đầu hàng kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Gần 28,000 người, trên 100,000 tấn vũ khí, đạn dược, quân kỳ, hiệu kỳ lần lượt bỏ xuống. Từng đơn vị tiến lên, gác súng, tháo bao đạn, và xếp súng xuống. Kế đến họ trìu mến cuốn hay xếp quân kỳ, hiệu kỳ, lắm cái tơi tả và lắm cái nhuộm máu đã khô, sau cùng họ khẽ đặt những lá cờ kia xuống mặt đất.

Cuộc Nội Chiến của Mỹ kết thúc như vậy đó. Không có trả thù, không có tắm máu, không có chính sách hạ nhục những người bại trận cùng vợ con họ.

Cách đây hai năm tôi đã tường thuật lại diễn tiến cuộc đình chiến Nam-Bắc năm 1865 trong một bài viết chung với Luật Sư Ðỗ Thái Nhiên.

-Người Việt: Thưa thẩm phán, dân tộc Việt Nam chúng ta học được gì từ kinh nghiệm chấm dứt cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ?

-Thẩm Phán Phan Quang Tuệ: So sánh những gì xảy ra vào Tháng Tư năm 1865 tại Hoa Kỳ và Tháng Tư năm 1975 tại Việt Nam thì ta thấy bài học 110 năm trước tại Hoa Kỳ đã không được áp dụng tại Việt Nam. Trong các loại chiến tranh thì nội chiến là thứ chiến tranh nguy hiểm nhất. Nó tàn phá sự sống và để lại không biết bao nhiêu vết thương trong lòng một dân tộc. Cách thức cuộc chiến Việt Nam chấm dứt ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đã chứng minh điều đó.

-Người Việt: Cám ơn thẩm phán đã trả lời phỏng vấn của Người Việt

Nguồn : Người Việt
Saturday, July 04, 2009