Saturday, September 29, 2012

CT.VN

TỰ-DO Ở VIỆT-NAM
VÀ TRUNG HỌC Ở MỸ

"Tự-do", hai chữ thật đơn giản, nhưng tôi không biết định nghĩa thế nào cho đúng. Ở Việt-Nam, bất cứ văn kiện gì cũng phải mở đầu bằng: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Vậy," Tự-do" là một khẩu hiệu?

Khi lên 5 tuổi, 1983 ở Việt-Nam, tôi đã biết đọc, biết viết và đã hoàn tất chương trình lớp 1. Chẳng may, nhà nước qui định phải đủ 6 tuổi mới được học lớp 1. Vì thế má tôi xin cô giáo cho tôi được "dự thính" - Tức là không có tên trong danh sách chính thức - Cuối năm, mặc dù tôi xuất sắc tất cả các môn và là học trò giỏi nhất lớp; nhưng tôi phải học lại, vì chưa đủ 7 tuổi để lên lớp 2. Mặc dù ba tôi yêu cầu cô giáo viết thư giới thiệu và xác nhận thành tích học tập của tôi để nộp kèm theo đơn xin Thủ-Tướng chính phủ cứu xét cho tôi lên lớp 2. Nhưng có lẽ Thủ-Tướng không nhận được đơn, hay nhận được mà không bận tâm việc nhỏ nhặt như thế, nên không có thư trả lời. Tôi bị bạn bè chế diễu là "dốt, ở lại lớp !" Tôi chỉ biết khóc vì uất ức, về nhà nói lại mà thôi. Tự-do của tôi lúc ấy là sự cứu xét của Thủ-Tướng, nhưng ngài không xét và tôi đã mất nó.

Đến khi thi chuyển cấp lên lớp 6, tôi là một trong những học sinh xuất sắc nhất. Tôi "bị" ban cho "vinh dự" phải chọn Nga văn làm ngoại ngữ. Tất cả học sinh giỏi đều phải học tiếng Nga. Đó là chính sách của nhà nước. Trong khi hầu hết con cháu cán bộ đảng viên miền Bắc đều chạy chọt để học tiếng Anh! Nhà trường lại có điều lệ là mỗi giáo viên được bảo lãnh một con em mình để theo học tiếng Anh. Tại sao cái "vinh dự" của một học sinh giỏi phải nhờ tới sự bảo lãnh của một giáo viên mới thoát được cái "vinh dự" đó? Nếu để tự do chọn lựa, thì chắc chắn không một người bạn nào của tôi ở miền Nam thích học tiếng Nga. Vậy Tự-do đối với tôi lúc ấy là sự bảo lãnh của một cô giáo.
 

Gia đình tôi vượt biên 19 lần thất bại. Năm 1979, mới sinh ra 9 tháng, tôi đã phải ở tù chung với cha mẹ tại Huyện Châu-Thành, tỉnh Bà-Rịa vì tội vượt biên. Sau khi có 2 đứa em nữa, cha mẹ cũng tiếp tục dắt dìu chúng tôi ra đi. Có lần bị bại lộ, chính tôi phải dắt 2 em chạy bộ mấy cây số trong rừng hoang giữa đêm khuya ghê rợn. Cuối cùng, ba tôi quyết định ra đi một mình. Tôi thương ba tôi. Tôi không muốn xa người, nhưng tôi cầu nguyện hằng đêm cho người ra đi trót lọt.

Ba tôi mới vắng nhà hôm trước, nửa đêm hôm sau, nhà tôi bị gõ cửa. Công an lao xao: "Yêu cầu chủ nhà mở cửa!" Nỗi sợ hãi làm tim tôi muốn rớt ra ngoài. Tôi muốn khóc mà không khóc được. Tôi ôm chặt 2 em nằm im thin thít. Má tôi lạng quạng, run rẩy mở đèn. Tra mãi mà cái chìa khóa cứ lộc cộc không lọt vào ổ được. Bên ngoài nhiều cái đèn pin pha vào cửa hối thúc. E rằng ba tôi đã bị bắt, nên công an mới đến xét nhà! Tôi rùng mình nghĩ đến những ngày lao lý của ba tôi mà thấy lòng đau như cắt.

Cửa mở. Công an xuất hiện, họ đọc một án lệnh: "Yêu cầu chủ hộ số 121 xuất trình hộ khẩu và tập trung tất cả người nhà..." Má tôi vin vào khung cửa run run: "Dạ... số nhà tôi là 021, trên lầu kia mới là 121..." Công-an đã nhầm số. Rồi những bước chân của họ rầm rập chạy lên cầu thang trên lầu chung cư. Má tôi đóng cửa lại, lặng lẽ đốt một cây nhang lên bàn thờ Phật, qùy xuống, nước mắt ràn rụa. Tôi cũng khóc vì sung sướng, vì không phải ba tôi đã bị bắt. Hạnh phúc và Tự-do đã đến với chúng tôi. Tự-do lúc ấy là sự nhầm lẫn địa chỉ của công an!

Cuối cùng, do sự bảo lãnh của ba tôi, chúng tôi được bước lên phi cơ rời Việt-Nam. Sau cái vẫy tay giã từ bạn hữu, tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc thương cho người ở lại hay đó là giọt lệ tự do?

Ngày Thứ Ba, 27.8.1991, ba tôi đón chúng tôi tại phi trường Los Angeles. Tự do phải chăng là giọt nước mắt đoàn tụ của gia đình tôi sau 1.503 ngày xa cách? (Tính từ ngày ba tôi rời nhà: 16.7.1987)
Ba tôi gấp rút đưa chúng tôi đi khám bác sĩ, đi chích ngừa để kịp hoàn tất thủ tục nhập học. Có lẽ nước Mỹ không muốn một người mang bệnh truyền nhiễm vào lớp để lây lan cho người khác.
Đúng một tuần sau, ngày 3.9.1991, tôi vào học lớp 8 trường Warner trên đường Newland ở thành phố Westminster rất gần khu Phước Lộc Thọ của Little Saigon. Trên đường tới trường, ngang qua ngã tư Westminster và Newland, có người cầm bảng STOP ngăn xe, để tôi băng qua an toàn. Tất cả xe cộ đều phải dừng lại khi bảng STOP đưa lên. Xe nào không kịp dừng, sẽ bị phạt nặng, vì theo luật, tốc độ khu trường học thường không qúa 20 miles/ giờ. Hồi còn ở Việt-Nam, bộ hành tự mình phải lo thân, phải dành ưu tiên cho ô tô cán bộ, luôn luôn bóp còi inh ỏi, coi thường tánh mạng người đi bộ.

Ở Mỹ, học trò thuộc gia đình có lợi tức thấp được ăn sáng và trưa miễn phí tại trường. Ngay lớp 8, tôi cùng các bạn đã được hướng nghiệp sơ qua về y khoa, kinh tế, ngân hàng, khoa học, chính trị, giáo dục, phục vụ cộng đồng...Năm lớp 8, giờ workshop, huấn luyện viên hướng dẫn xử dụng cưa, bào để làm đồ gia dụng. Tôi đã chọn gỗ thật tốt để đóng một cái ghế dựa thật đẹp và sau khi chấm điểm, được đem về nhà làm kỷ niệm.

Tôi cám ơn cô giáo ESL (English as Second Language) ở lớp 8 trường Warner đã chuyển tôi lên lớp regular sau 3 tháng với những bài test khả năng anh ngữ của tôi. Tôi cám ơn những thầy cũ ở lớp ấy đã giúp đỡ tôi trong năm học đầu tiên ngỡ ngàng trên đất Mỹ. Tôi không hề cảm thấy bị kỳ thị hay phân biệt đối xử vì mái tóc đen hay màu da vàng. Nhờ những ân nhân ấy, nên năm lớp 9 ở Westminster high school, tôi được điểm A trong tất cả các môn học. Tôi cảm thấy cánh cửa cơ hội mở rộng khi được thầy cô "đuổi" lên lớp bằng những câu nói đầy khích lệ: "You don't belong in my class pumpkin, sorry! Get outta here!"
Tuy sung sướng khi được học những lớp advanced placement (AP) chung với bạn xuất sắc da trắng tóc vàng, nhưng tôi phải vất vả lắm. Nhiều đêm vì phải thức quá khuya để viết những bài bình luận văn học Mỹ nên tôi đã ngủ gục trong lớp. Khi chuông reo hết tiết, tôi giật mình sợ bị phạt hay xài xể, nhưng trái lại thầy cô lại biểu lộ sự thông cảm qua lời nói ân cần hay thái độ lo lắng đầy tình người.
Trung học Mỹ không phải chỉ dạy học trò theo sách vở lý thuyết hay giáo điều như vẹt, mà luôn tạo cơ hội cho học sinh tham gia thực sự vào thực hành. Vì có ý định theo ngành y, nên tôi gia nhập vào Heath Academy, ngay khi lên lớp 10. Tôi được huấn luyện nhiều giờ trong khi thực tập ở bệnh viện với nhiều loại bệnh nhân khác nhau. Tôi được vào phòng mổ tử thi để thí nghiệm. Trong áo choàng trắng, tôi cũng mang ống nghe trên cổ, đi vắt chân từ phòng bệnh này sang phòng bệnh khác để đo tim mạch, khám da, kiểm tra phân, nước tiểu, lấy máu, chích thuốc... để kịp ghi vào hồ sơ cho đúng lịch trình làm việc của bác sĩ. Lúc nào tôi cũng tâm niệm câu "Làm thầy thuốc lầm là giết một mạng người" . Nên lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận.

Đủ giờ thực tập và lý thuyết xong phải trải qua 3 kỳ thi mới được cấp bằng nursing chính thức vào năm tôi 16 tuổi. Mùa Hè tôi thử nộp bằng để làm việc trong chương trình internship ở bệnh viện FHP. Lương thực tập chỉ có 5 đồng rưởi/1 giờ, nhưng tôi vẫn giữ bản sao cái check lãnh lương đầu tiên trên nước Mỹ.

Sau y khoa, tôi cũng thích computer science và Luật. Vào lớp computer, mỗi học sinh 1 máy, tha hồ mò mẫm. Tôi cũng gia nhập vào Mock Trial nghiên cứu về Hình luật cũng như những tố tụng dân sự. Nghiền ngẫm luật lệ, với những "cases law", những án lệ.. để xem các toà trước đã phán quyết ra sao. Cả nhóm phân công, nghiên cứu, bàn cải , viết những biện luận trạng hay cáo trạng, rồi học thuộc lòng.

Sau nhiều huấn luyện, thực tập, giáo sư giao phó cho chúng tôi những vụ án lắt léo, phức tạp. Chúng tôi chia vai. Học sinh không giỏi lắm thì đóng vai nhân chứng. Khá hơn một tí thì làm luật sư biện hộ hay công tố viên. Trước mỗi lần thi đua với các trường khác, chúng tôi phải tập họp ở toà án. Đến giờ đăng đường, tòa án cũng có cảnh sát và luôn luôn có một vị quan tòa thứ thiệt ngồi chấm điểm.

Trong những giây phút nhập vai làm luật sư biện hộ hay đóng vai công tố viên, chúng tôi quên mất mình chỉ là học sinh lớp 10, hay 11. Phe nào cũng uốn 3 tấc lưỡi đem hết tài hùng biện để mong làm trắng án một nghi can vô tội, hay làm cho một tên sát nhân trở thành "guilty". Chúng tôi rất thích thú khi khoác áo luật sư, hay đội lên đầu mái tóc vàng lăn quăn cùng với khước biện trên tay hay cáo trạng, hoặc phán quyết, chứa đựng toàn những terminology là từ ngữ nhà nghề. Mỗi lần thắng được đội trường khác, chúng tôi ôm nhau nhảy cà tưng cà tưng, mặc dù nhóm chúng tôi có Việt-Nam, Tàu, Nhật, Aán, Đại-Hàn, Phi, da đen, tóc vàng mắt xanh...

Về thể thao Team Sport, dĩ nhiên tôi không dám vào đội Football, vì dại gì tranh bóng với các đấu thủ nặng tới 200 pounds, tức gần 100 kí lô, chỉ có nước đứt gân máu mà chết thôi. Với chiều cao của người Việt, tôi cũng không dại gì vào đội basket ball để tranh bóng với đấu thủ cao gần 2m ! Cho nên, tôi chọn Tennis và cũng từng thi đấu với các trường khác. Có khi xe bus của nhà trường phải chở chúng tôi đi xa mấy giờ đồng hồ mới tới sân đấu của trường khác. Chúng tôi chia nhau từng cái cookie, từng uống chung chai nước lạnh, nhưng nhờ sự đoàn kết, dù thắng hay bại chúng tôi cũng thấy vui như thường.

Cơ hội của tôi lại tới , khi đắc cử làm lãnh đạo của Key Club. Tôi phải bay tới các tiểu bang khác trong các ngày đại hội lãnh đạo thế giới ( International Convention). Có một lần trong giờ khai mạc, Tổng-Thống Bill Clinton từ Hoa-Thịnh-Đốn điện thoại tới, máy đã khuyếch đại cho cả hội trường cùng nghe. Lãnh đạo của Key Club là học sinh đến từ khắp thế giới như Úc, Anh , Newzealand, Canada... chứ không phải chỉ nội 50 tiểu bang Hoa-Kỳ. Trong sinh hoạt, hằng ngàn học sinh ưu tú, trịnh trọng lịch lãm trong veston, ăn nói khôn ngoan chững chạc trong các cuộc phỏng vấn, không thua gì ứng cử viên nhà nghề. Tôi có lý do để tin tưởng họ có thể trở thành những lãnh đạo thực sự trong tương lai trên xứ sở họ.

Trong ngày "Government Day", sau khi học về luật lệ giao thông và hình phạt về sự vi phạm, tôi được mặc áo cảnh sát và ngồi trên xe tuần cảnh với officer Westminster đi thực tập. Một chiếc xe vi phạm giao thông, officer chớp đèn, và tôi bước xuống viết giấy phạt đúng luật lệ. Tôi phát ticket, người tài xế thấy mặt tôi non choẹt tưởng là dởn chơi nên cười cười. Officer cảnh sát bèn nói với anh ta : "It's real !" Tôi chào tài xế và lên xe, trong khi người tài xế vẫn còn ngơ ngác. Lúc về City Hall, ông Thị-Trưởng của thành phố Westminster là Charles V. Smith đã ký tên và cấp cho tôi một giấy khen "Youth in Government Day". Tại trường Westminster, trong ngày International Day, 23.4.1995, có trình diễn văn nghệ cho tất cả các sắc dân. Sau các tiết mục đặc sắc và phong phú của Mễ Tây-Cơ, Trung-Hoa, Đại-Hàn..Tôi được cử đại diện cho Việt-Nam qua một tiết mục đàn tranh. Tôi xuất hiện trên sân khấu trong chiếc áo dài và khăn vành. Bằng tiếng Anh, tôi đã mở đầu bằng lời giới thiệu: "Thưa qúi vị: Việt-Nam quê hương tôi, một đất nước triền miên đắm chìm trong khói lửa chiến chinh. Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, 30 năm nội chiến từng ngày, đã gây ra vô vàn đổ vở đau thương. Khi đất nước lâm nguy, hằng bao thế hệ đứng lên đáp lời sông núi. Chàng khoác chiến bào xông pha khói tên, nàng trở thành chinh phụ mỏi mòn chờ đợi. Nhưng đã bao mùa Thu trôi qua như nước chảy qua cầu, tin chàng vẫn biền biệt sơn khê ! Thời gian vô vọng và nắng mưa dầu dãi biến nàng thành tượng đá ôm con, đứng ở đầu non với niềm khắc khoải; " Chàng đã về hay chưa"? Đó là một thiên tình sử đẫm đầy máu lệ được nhạc sĩ Lê-Thương diễn tả qua "HÒN VỌNG PHU" sau đây .

Tôi ngồi xuống ghế, rồi bài 1,2,3 lần lượt độc tấu qua tiếng đàn tranh. Hội trường im phăng phắc, tôi thả hồn theo tiếng vó câu dập dồn, tiếng ngựa hí quân reo vang dậy núi đồi... Cho tới khi tôi đứng lên cúi đầu chào, tiếng vỗ tay bùng lên nhiệt liệt. Bà Kathy Miller, Hiệu-Trưởng trường Westminster bước đến ôm tôi và trao tặng một lẳng hoa với lời chúc "Happy Birthday". Bà Hiệu-Trưởng cũng công bố trước khán giả, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Tôi cầm lẵng hoa trong tay và vô cùng xúc động trong khi tiếng hát " Happy Birthday " vang dội của khán giả ngồi đầy hội trường Westminster. Tôi quá bất ngờ, không thể tưởng tượng được là bà Hiệu-Trưởng và nhà trường đã quan tâm và âm thầm tạo "surprise" cho tôi. Năm lớp 12, tôi còn mất nhiều giờ để luyện thi các lớp AP. Nếu đạt điểm cao trong các kỳ thi này, sẽ miễn học lại những môn đó khi lên đại học. Muốn học đủ 4 năm ngoại ngữ như tiếng Tây-Ban-Nha, Pháp ở trung học, thường phải là học trò bản xứ từ tiểu học Mỹ đi lên. Tôi tới Mỹ năm lớp 8, trên nguyên tắc chỉ được học 2 năm mà thôi. Như vậy khi ra trường sẽ thiếu điểm và " mắc nợ ". Tôi chọn Spanish, nhưng lớp 11 mới được bắt đầu lớp 1, như vậy năm lớp 12 tôi sẽ mới được 2 năm ngoại ngữ. Trong khi dân bản xứ đã học lớp 4. Tôi không chịu " mắc nợ " như vậy, nên một mặt, tôi phải chứng minh khả năng Anh ngữ của tôi không tệ, bằng cách cố gắng đạt điểm cao trong lớp English( Honour). Sau đó, tôi xin cô giáo spanish giới thiệu cho tôi học Spanish 1 & 2 ở đại học. Mùa Hè tôi phải nuốt trọn 2 lớp Spanish vào bụng ( phải pass ). Lấy điểm đại học về trình cho trường, tôi phải làm test final lớp 2 ở trường. Khi nhập học lớp 11, tôi ung dung vào học Spanish lớp 3 cùng chung với những học sinh đã từng học 2 năm ở lớp 9 và 10. " Tụi nó " lé mắt luôn, ngạc nhiên không biết tại sao tôi không được học lớp 1 & 2 như tụi nó, mà lại nhảy phóc vào học lớp 3. Dù sao tôi phải cám ơn Mrs Swenson đã giúp tôi hoàn tất chương trình ngọai ngữ 4 năm trong vòng 2 năm. Tôi cũng được ghi tên vào danh sách Who's Who Among American High School Student. Ở trường, do sự đề nghị của thầy cô, 5 học sinh giỏi nhất trong số 100, được ghi tên vào directory của Who's Who và lưu trữ tại thư viện của lưỡng viện quốc hội Hoa-Kỳ.
Năm học đầu tiên ở Mỹ tôi rất ngạc nhiên tại sao mình học gần chết, mới được điểm A tức là được 4 chấm, điểm tối đa. Vậy tại sao có người Việt-Nam ra trường 5 chấm ? Sau này tôi mới biết đó là nhờ những lớp AP hay honour dành cho học sinh giỏi. Điểm A+ hay điểm A ở những lớp đó sẽ nâng cao điểm GPA (Grade Point Average) lên. Có những học sinh xuất sắc ở lớp 10 đã học hết chương trình lớp 12, cho nên nhà trường giới thiệu đi học trước các lớp cao hơn trên đại học. Điểm A của các lớp trên đại học đem về cho ngày ra trường trung học làm cho điểm GPA cao lên. Năm lớp 10 và 11 ai cũng thi SAT. (Scholastic Assessment Test). Có thể thi SAT nhiều lần để giữ lại lần nào có điểm cao nhất. Thí sinh nào có điểm SAT trên 1.300 và điểm GPA trên 4 chấm là khoẻ lắm rồi, vì các đại học recrute (tuyển mộ) sinh viên dựa trên tiêu chuẩn GPA và SAT. Ngay từ lớp 11, tôi đã được UC David ở Sacramento nhận. Đại học đứng đầu Hoa-Kỳ là Harvard ở Massachusetts, thứ nhì là Yale ở Connecticut, thứ ba là Stanford ở California. Đại học Berkeley ở CA xếp vào hàng thứ 16 và đại học UCLA ở CA xếp hàng thứ 23. UCLA thuộc hệ thống UC, cũng như UC Irvine, UC San Diego... là những đại học có thể nhận độ 10% những học sinh tốt nghiệp high school có điểm GPA cao nhất; trong khi hệ thống Cal State như đại học Fullerton, Long-Beach...ở CA có thể nhận 30 % rộng rãi hơn, trong số những học sinh tốt nghiệp high school.

Ngày 13.6.1996, tôi tốt nghiệp trung học tại trường Westminster, trên đường Goldenwest, cũng thuộc thành phố westminster. Điểm GPA tốt nghiệp của tôi là 4.15. Học sinh tốt nghiệp thủ khoa (valedictorian) đọc diễn văn tốt nghiệp là Đặng-Tiêu, điểm GPA là 4.85. Trong 32 học sinh đứng đầu, đã có 19 người Việt-Nam. Điều này chứng minh Mỹ là đất nước của cơ hội. Nếu nước Mỹ cũng xét lý lịch liệt sĩ, đảng viên Cách-Mạng v.v...thì chừng nào mới tới phiên 19 học sinh Việt-Nam đứng đầu danh sách tốt nghiệp ? Hầu hết những thủ khoa ra trường ở trường Westminster gần đây đều là Việt-Nam. Tôi phải cúi đầu khâm phục tinh thần mã thượng của người Mỹ.

Gia đình tôi được đoàn tụ dưới nhiệm kỳ của Tổng-Thống George Herbert Walker Bush, là Tổng-Thống thứ 41 của Hoa-kỳ. Người ký tên giấy khen President's Award for Educational Excellence trong ngày tôi tốt nghiệp trung học lại là Tổng-Thống Bill Clinton. Cử tri Mỹ đã tô điểm trong lòng tôi một đóa hoa dân chủ. Với lá phiếu của họ, một nhân vật được nắm giữ quyền lực tối cao. Thể chế này, khác với Việt-Nam. Chủ-Tịch Trường-Chinh tuyên bố: "Người Cộng-Sản chưa bao giờ chia xẻ quyền bính với bất cứ ai." Thành thử trong chế độ quân chủ, cha truyền con nối. Cộng-Sản cũng là một siêu quân chủ. Đàn anh trao lại cho đàn em trong đảng mà thôi.

Bốn năm dài ở trường trung học Westminster, với những thành công và thất bại, tôi cũng nếm trải biết bao kỷ niệm buồn vui. Cũng có lúc tôi hoài niệm về các thầy cô và bạn bè ở lại quê nhà. Không biết các bạn nhỏ lớp sau này có còn bị bắt buột phải học tiếng Nga như cái thời của tôi hay không ? Tôi luôn luôn thương kính thầy cô giáo, dù họ ở Mỹ hay đang ở Việt-Nam . Nếu không đi Mỹ, ngày ấy tôi sẽ thi văn toàn quốc. ( Sau khi đã được chấm hạng nhất kỳ thi văn cấp thành phố ). Để chuẩn bị thi văn toàn quốc, tôi đã đọc rất nhiều sách và thơ văn. Khi tôi đọc bài thơ của Tố-Hữu , đến câu: ..." Tiếng đầu lòng con gọi Mác Lê(*)" Má tôi tung cửa buồng ngủ, lớn tiếng: " Dẹp đi! Đọc chi đồ thối đó! Chỉ có thứ không cha, không mẹ, ở lỗ nẻ chui lên mới nói như vậy."
Cho tới bây giờ tôi mới hiểu được tại sao ngày ấy má tôi cay cú như thế.

Ngày 9.3.2001 vừa qua, trong chương trình talk show của bà Oprah, Billy Gilman 12 tuổi, sinh năm 1988 tại Rhode Island, đã học năm thứ 2 đại học. Ước vọng của cậu là làm tổng thống Hoa-Kỳ năm 36 tuổi (2024). Tôi thành thật chúc mừng cậu đã không sinh ra ở Việt-Nam. Ở vào tuổi cậu, bạn bè tôi ở Việt-Nam, có là thiên tài xuất chúng đi nữa, cũng phải học ở lớp 6 mà thôi./ -

PHẠM THỊ TỪ ÁI
@motgoctroi
 
BÀI VIẾT ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG CỦA PHẠM THỊ TỪ ÁI.
 
Trong kết quả Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đợt sơ kết IV, năm đầu tiên 2000-2001, có tác giả Phạm Thị Từ Ái (21 tuổi), cư dân Nam California, cựu học sinh trường Westminster, được trao tặng giải thưởng đặc biệt, với bài viết mang tựa đề “Tự Do ở Việt Nam và Trung Học ởÛ Mỹ”. Vì sự sơ xuất của nhóm biên tập, trong sách “Viết Về Nước Mỹ” tập I và II –và cả khi nội dung sách được phổ biến trên Việt Báo Online- đã không có bài viết kể trên.
Nhóm biên tập trân trọng cáo lỗi cùng cô Phạm Thị Từ Ái và xin phổ biến bổ túc trên Việt Báo Online bài viết được giải thưởng của tác giả Từ Ái.