Saturday, September 8, 2012

HS-TS-VN

 
ỦY BAN BẢO VỆ SỰ VẸN TOÀN LÃNH THỔ
TUYÊN CÁO  

về việc Trung Cộng thiết lập thành phố Tam Sa
 trên đảo Phú lâm.
 
Ngày 23 tháng 6 năm 2012, Quốc Vụ Viện Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (TC) phê chuẩn sự thiết lập “Địa Các Tam Sa Thị”, nghĩa là lập thành phố Tam Sa và trụ sở của thành phố này nay đặt tại Đảo Phú Lâm, trên quần đảo Hoàng Sa của Việt nam. Tam Sa nguyên là địa danh một khu vực nhỏ trên đảo Hải Nam, và được dùng làm tên một huyện mà TC lập ra tại đây vào tháng 11 năm 2007, với nhiệm vụ là quản trị 3 quần đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam. Việc nâng cấp đơn vị hành chính này từ cấp huyện lên cấp thành phố là để nêu cao tầm quan trọng của nó và cũng nhắc cho quốc tế biết nay TC thực sự sát nhập vùng lưỡi bò (Biển Đông của Việt nam) vào lãnh thổ Hoa Lục. Để chính thức hoá việc quản trị vùng biển này, TC cho thiết lập một cơ quan hành chánh, dù không có dân chúng lập nghiệp tại đây. Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (ĐHĐBND) tỉnh Hải Nam, tại phiên họp lần thứ 32 ngày 17 tháng 7, 12 đã quyết định thành lập Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Tam Sa. Đây là Cơ quan Quyết Nghị (lập pháp) gồm 45 thành viên, đặt tại ngôi nhà gạch hai tầng lầu trên đảo Phú Lâm có nhiệm vụ ban hành luật lệ về các vấn đề trong khu vực liên hệ.

Đồng thời, Tân Hoa Xã cho biết phiên họp đầu tiên của 'hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa' đã kết thúc hôm thứ Hai 23/7, và đã bầu Bố Tráng, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu Hải Nam, làm Chủ tịch Hội Đồng và Tiêu Kiệt được cử làm Thị trưởng, đứng đầu cơ quan chấp hành của thành phố.

Ngoài ra, Hoàn cầu Thời báo cùng lúc cũng loan tin TC đang xây dựng một nhà tù và nói rõ có mục đích giam giữ các ngư dân nước ngoài mà Bắc Kinh cáo buộc xâm nhập trái phép vùng biển của chúng.

Thêm vào đó, đặc biệt để cảnh giác các quốc gia trong vùng, nhất là đồng minh của họ, TC loan báo quân sự hoá thành phố Tam sa. Phát ngôn viên bộ Quốc phòng TC Dương Vũ Quân cho biết là TC đã thiết lập Bộ Chỉ Huy Quân sự Tam Sa. Thái Hỷ Hồng, đại tá, được cử làm tư lệnh thành phố, và Lưu Triều Nghi, đại tá, làm chính ủy. Đại diện bộ Quốc phòng TC còn nói rằng các nhiệm vụ chính của cơ quan quân sự Tam Sa là huy động lực lượng quốc phòng, bảo vệ thành phố Tam Sa, hỗ trợ phòng chống thảm họa thiên tai. Còn các hoạt động quốc phòng trên biển (ngoài phạm vi hai quần đảo trên) vẫn do hải quân TC phụ trách (China Daily ngày 27 tháng 7, 12)

Đây là 1 trong 2 toà nhà với kiến trúc giống nhau trên đảo Phú Lâm, nay dùng làm Văn Phòng Hành chánh của thành phố

Mặt khác, Đài phát thanh Quốc tế TC phổ biến bản tin nói rằng ngày 28/6, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, một viên chức quốc phòng là Cảnh Nhạn Sinh nói là quân đội TC đã thiết lập chế độ tuần tra bình thường để "phòng ngừa chiến tranh trên vùng biển Trường Sa", trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ « chủ quyền quốc gia »…. ,« quyết tâm và ý chí của quân đội Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là không thể lay chuyển. Bối cảnh mà TC tạo ra có nghĩa là những đội tuần tra sẽ ở trong tư thế sẳn sàng chiến đấu. Cảnh Nhạn Sinh nói thẳng rằng TC sẽ kiên quyết chống lại « mọi hành động gây hấn quân sự từ các nước láng giềng.”

Loan báo quyết định lập bộ tư lệnh Tam Sa và đặt quân đồn trú dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh ấy và nhiệm vụ của nó mang ý nghĩa là quân đội TC sẵn sàng dùng võ lực để đối đầu với các đe doạ để bảo vệ chủ quyền.

Từ thập niên 1970, sau khi chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH, TC xây các doanh trại, các cơ sở, phi trường, bến tàu, lập các kho võ khí, hệ thống viễn thông… khắp nơi. Riêng tại đảo Phú Lâm, báo chí quốc tế lúc đó cho biết TC đưa cả ngàn quân ra trú đóng. Tại đây, chúng đã xây hồ chứa nước ngọt cho quân trú phòng sử dụng. Không có một bóng dáng dân chúng lập nghiệp tại đây.

Tại Trường Sa, hơn một chục kiến trúc quân sự, kiên cố, đồ sộ sừng sững mọc trên mặt nước tại các bãi đá ngầm của Việt nam như Khu Chữ Thập (5 kiến trúc), Khu Vành Khăn (4), trên bãi đá Gạc Ma, Su bi, Colin, Hoa Lau, Chiqua , Châu Viên v.v.

Một Kíến trúc xây trên bãi đá Vành Khăn.

Tóm lại, tất cả các hoạt động và hành vi trên của TC được thực hiện trong một tiến trình dài để hợp thức hoá âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của VN và nay như vậy là sát nhập Biển Đông vào lãnh thổ TC. Trong tình trạng này, TC đã tự coi Biển Đông là lãnh thổ của chúng và sẵn sàng bảo vệ bằng võ lực.

Đơn phương tự nhận là chủ nhân ông trên một dải đất mà kẻ xâm lược biết rằng sự chiếm đoạt là bất hợp pháp, TC tìm cách hợp thức (pháp) hoá phần lãnh thổ ấy. Cách nào đây? Ép VC ký hiệp ước như trên vùng biên giới? VC không dám, dù mặc thị/âm thầm tiếp tay cho chúng để đạt mục tiêu này. Chỉ còn cách là hành sử chủ quyền và bảo vệ chủ quyền bằng cách mua chuộc bằng tiền bạc, như vụ bauxite ở Tây Nguyên để kéo dài thời gian, hay hù doạ kể cả bằng cách phô trương sức mạnh đã chuẩn bị sẵn từ nhiều thập niên, hoặc bằng các hoạt động liên tục và kiên trì chứng tỏ hiện diện của chúng một cách thường trực, lâu dài gây sự chú ý của mọi người và lâu dần sẽ chấp nhận thục trạng này, gồm cả bằng cách la lối om sòm/ngăn chặn những ai đi qua, và tố cáo họ vi phạm lãnh thổ dù là hành nghề như đánh bắt hải sản như trường hợp ngư dân VNv.v.. Còn nữa, với tư cách là chủ nhân ông, khi cần chúng có thể đứng ra thương thảo chia sẻ quyền lợi với bất cứ ai có đủ sức mạnh đòi hỏi…. Các hoạt động loại này có thể kéo dài dù nhiều năm, hay cả hàng thế kỷ cũng được và sẽ giúp cho kẻ xâm lược trở thành chủ nhân ông thực sự, bất khả tranh cãi về sau. Tuy nhiên, các hoạt động ấy chỉ được thực hiện, khi chúng tự cảm thấy còn yếu. Khi tự cảm thấy đủ mạnh võ lực, chúng sẽ dùng sức mạnh ấy, để đánh bại các đối thủ và trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng.

Các hoạt động của TC trên Biển Đông để xác nhận chủ quyền.

Có 2 lãnh vực hoạt động là hành sử và bảo vệ chủ quyền.

A.Hành Sử Chủ Quyền

Một mặt, vì đây là hành vi xâm lược lãnh thổ Việt nam một cách bất hợp pháp, và mặt khác vì con đường hàng hải quốc tế chạy qua Biển Đông, nghĩa là nó có liên quan đến quyền lợi thiết yếu của nhiều quốc gia nhất là Hoa Kỳ, trong lúc này, TC lựa chọn các hành vi để hành sử chủ quyền ở một mức độ chừng mục chứng tỏ rằng chúng là chủ Biển Đông một cách hoà bình, cốt để tránh đối đầu trực tiếp về quân sự nhất là với Hoa Kỳ và thế giới. Cần có hiện diện thường trực trên Biển Đông là chính.

1.Hoạt động tuần tra, giám sát bằng phương tiện “dân sự.”

Theo Tân Hoa Xã ngày 04 tháng 07, đội tàu hải giám của TC tuần tra tại « vùng biển do TC quản trị tại Nam Hải », đã quan sát “gần”, để « thu thập chứng cứ, giữ gìn quyền lợi » đối với một số đảo và bãi đá ở miền trung quần đảo Trường Sa. Sáng 3 tháng 7, đội tàu hải giám đó cũng đã đi qua một số bãi ngầm và bãi cạn phía đông quần đảo này.

Vì là nguỵ trang, các tàu hải giám (sơn màu trắng để giảm bớt tính cách gây hấn) được công khai sử dụng để tuần tra khắp Biển Đông. Hiện nay, TC có 4 chiếc và căn cứ của chúng là đảo Hải Nam. AFP dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã nói rằng đó là bốn chiến hạm của hải quân được nguỵ trang là các tàu hải giám, và thuộc quyền quản trị của Quốc gia Hải dương Cục, trực thuộc Bộ Tài Nguyên Lãnh thổ Trung Quốc, chứ không thuộc lực lượng hải quân.

Trong những năm trước đây, các tàu hải giám được dùng để tuần tra, giám sát ngăn chặn ngư dân Việt bắt đánh cá. Chúng bắt bớ họ, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ, hải sản đã bắt được, cướp đoạt tiền bạc, giam cầm và đưa các nạn nhân về các đảo Phú lâm, Lincoln, Hữu Nhật giam giữ, truy tố vì xâm phạm “lãnh hải”, có cả đòi tiền chuộc mạng. Chúng là tác giả nhiều vụ đánh chìm ngư thuyền Việt hành nghề trên Biển Đông, rồi bỏ chạy. Và VC không dám tố cáo, chỉ nói là tàu lạ.

Chúng không ngần ngại bắn giết ngư dân Việt.

Ngoài ra các tàu này còn hộ tống và bảo vệ ngư thuyền TC hành nghề, như ngày 15 tháng 7 vừa qua các tàu hải giám đó hộ tống một đoàn 30 tàu cá TC đến Khu Chữ Thập, phiá Nam quần đảo Truờng Sa.

TC cho biết có kế hoạch cho đến 2020 sẽ có 500 chiếc hải giám để tuần tra, thực thi pháp luật tại các vùng đánh bắt cá, bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân hành nghề, bảo vệ vùng biển và chủ quyền quốc gia cũng như giám sát các đường hàng hải, bảo vệ an ninh hàng hải. 500 chiến này cũng hỗ trợ cho ngư dân Hải Nam nuôi cá lồng nhiệt đới ở Khu Vành Khăn.

-Nhân dân Nhật báo Trung Quốc số ra ngày 1 tháng 8, cho biết Chính phủ TC đã cho hạ thủy một tàu tuần tra mới nhất, loại 5.400 tấn. Tàu được thiết kế đặc biệt để bảo vệ "chủ quyền biển".

Kế hoạch thi hành sự hiện diện của hải giám trên Biển Đông là để chứng minh chủ quyền của chúng trên vùng biển này.

Khi đưa một đoàn tàu gọi là « dân sự » của Cục Quản lý Đại dương hay của Cơ quan Ngư chính ra khơi, và tàu thuyền ấy được trang bị vũ khí nặng, có cả trực thăng, Bắc Kinh đang bền bỉ dùng chính sách « sự đã rồi » để áp đặt chủ quyền của họ. Trên bề mặt, đây không phải là “dùng bạo lực” để dành giật chủ quyền, và như vậy né tránh được đòi hỏi ấy của Hoa Kỳ.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức để ngư dân TC hành nghề thường trực trong một kế hoạch qui mô có chủ đích tại Trường Sa .

- Hơn 1.000 tàu cá tại thành phố cảng Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, hôm 1 tháng 8, đã hướng ra biển ngay sau khi lệnh cấm đánh cá kết thúc. Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông Liu Kun đã đến khai mạc lễ hội đánh bắt cá của tỉnh và cho biết thêm rằng hơn 14.000 tàu cá đăng ký tại tỉnh Quảng Đông đã xuất phát đến biển Đông từ ngày 1-8 (Nhật báo Trung Quốc số ra ngày 2-8)

-Còn ở tỉnh Hải Nam, vào 12 giờ trưa ngày 1/8, khi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông hết hiệu lực, ở nơi mà TC gọi là “ngư trường Tam Sa”, thì tổng cộng có 8994 tàu cá với 35.600 ngư dân Hải Nam đồng loạt đổ ra Biển Đông hành nghề. Ngay từ ngày hôm trước, 31/7, rất nhiều tàu cá Hải Nam đã tụ tập về các cảng cá ở đảo Hải Nam, chuẩn bị xăng dầu, tích trữ lương thảo. Một viên chức thuộc Sở Ngư nghiệp và Hải dương thuộc Hải Nam cho biết tất cả các cơ quan trực thuộc đơn vị này đã và đang dốc toàn lực làm công tác chuẩn bị để hỗ trợ cho ngư dân của họ đổ ra Biển Đông đánh bắt từ trưa 1/8 (Nhật báo Hải Nam ngày 1/8).

-Bản tin của Tân Hoa Xã hôm ngày 24 tháng 8, 12 loan báo tàu yểm trợ của Trung Cộng đã được đưa tới khu vực quần đảo Trường Sa để hậu thuẫn cho đoàn tàu đánh cá ấy. Đó là tàu tiếp liệu và chế biến thủy sản có tên là Quỳnh Tam Á F-8138 trọng tải 4,000 tấn của công ty Giang Hải đi từ đảo Hải Nam tới Trường Sa mới đây. Con tàu này có đủ khả năng đánh bắt trên biển, cắt lát sấy khô, ướp lạnh, đồng thời bảo đảm đầy đủ dịch vụ tiếp vận cho các tàu cá ở Trường Sa. Với khả năng tiếp viện thực phẩm, nước uống, nhiên liệu gần hơn và nhanh hơn, đám tàu đánh cá Trung Cộng tràn xuống khu vực Trường Sa từ đầu tháng 8 vừa qua có thể kéo dài thời gian trên biển thay vì phải quay về Hải Nam sớm hơn, tốn nhiên liệu, tiền bạc.

TC xua 23.000 tàu cá xuống biển Đông

3. Các hoạt động khác để hành sử chủ quyền:

- TC dùng Tàu ngư chính để xâm phạm vào sâu trong thềm lục địa VN như cắt dây cáp tàu thăm dò dấu khí của VC như Bình Minh (cách Vũng Tàu, 180 hải lý) và Viking (cách Tuy Hoà, 140 hải lý) như hồi tháng 5 và tháng 6 năm 2011, với lý do “VC đã vi phạm lãnh hải của chúng.”

-Kêu gọi đấu thầu khai thác dầu khí trong phạm vi Thềm Lục Địa và Khu Đặc Quyền Kinh Tế của VN.Vào ngày 23 tháng 6, 2012, tập đoàn dầu khí Hải Dương CNOOC của TC phân lô (9 lô) nằm trên thềm lục địa Miền Trung và Nam của Việt Nam. Các lô trên có tổng diện tích hơn 160.000 km2, chồng lên những lô mà Việt Nam đã đánh số từ 128 đến 132, và từ 145 đến 156, và TC mời các tập đoàn quốc tế đến tham gia đấu thầu, thăm dò dầu khí. Theo Reuters trong bản tin hôm 01/08/2012, “Bắc Kinh mở ra mặt trận này nhằm áp đặt chủ quyền của mình trên vùng Biển Đông, song song với mặt trận ngoại giao và quân sự.” Vào tháng bảy vừa qua, Vương Nghi Lâm, chủ tịch tập đoàn CNOOC đã tuyên bố với báo chí rằng lời mời thầu họ đưa ra về 9 lô ngoài khơi Việt Nam đã thu hút nhiều mối quan tâm từ các công ty Mỹ, dù từ chối cho biết đó là những công ty nào…. Mới đây, ngày 28/08/2012 , CNOOC đã loan báo một quyết định khác, mời quốc tế đấu thầu thăm dò 26 lô dầu khí, đại đa số nằm ngoài vùng Biển Đông. Tuy nhiên, theo bộ Ngoại giao VC, lô dầu khí mang ký hiệu 65/12 lại “nằm cách đảo Cù Mộc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 3 hải lý”

- TC cảnh cáo, áp lực hay đe doạ các công ty dầu khí ngoại quốc đã, đang hay sẽ thăm dò dấu khí trên thềm lục địa VN, và đòi hỏi các công ty đang hoạt động rút lui, như công ty dầu Ấn độ ONGC đang tìm dầu tại các lô 127 và 128 trên thềm lục địa VN và yêu cầu rút lui khỏi khu vực ấy, dù đã làm, đã hoạt động từ nhiều năm về trước…. Trước đây, TC đã áp lực với các công ty của Hoa Kỳ, Anh, Ý, Nga, v.v.

B.Bảo vệ Chủ Quyền

TC đã chính thức loan báo TC có quyền lợi cốt lõi trên Biển Đông. Với tuyên bố này, TC coi Biển Đông là một phần lãnh thổ phải bảo vệ, kể cả bằng võ lực.

Vậy chúng trù liệu những gì để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của VN mà chúng chiếm đóng trước một tình thế mà cả thế giới chống đối, nhất là từ Hoa Kỳ, để có thể giữ được phần lãnh hải này?

1).Quân sự hoá Tam Sa và lực lượng quân sự cơ hữu trong phạm vi Hoàng Sa và Trường Sa được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh quân sự của Thành Phố Tam Sa. Các cơ sở quân sự cũng thuộc Bộ Chỉ Huy Tam Sa gồm kho tàng, phi trường, hải cảng chiến cụ cùng với quân trú phòng đóng trên các đảo của quần đảo Hoàng Sa, các kiến trúc kiên cố ở Phú Lâm, Lincoln, Hữu Nhật, Hoàng Sa, Quang Hoà, Tri tôn,Cù Mộc … và trên các đảo của quần đảo Trường Sa, các kiến trúc được xây trên các khu bãi đá Chữ Thập, bãi đá Vành Khăn, các đảo đá ngầm: Giác Ma, Chigua, Subi, Hoa Lan, Châu Viên, Len Dao, Colin, ….

Đảo Phú lâm có diện tích lớn nhất trong quần đảo Hoàng sa và đang bị Trung Quốc chiếm giữ, có một vai trò rất lớn vì dủng làm "bàn đạp" thâu tóm Biển Đông.

2). Hải quân TC nằm ngoài khu vực Tam Sa có nhiệm vụ bảo vệ toàn vùng.Căn cử hải quân Tam Á,phía Nam của Đảo Hải Nam đã được thiết lập từ lâu sẽ đóng vai trò chính, đối đầu với các lực lượng thù địch.

Với hai cầu tầu dài 800 m, đã xây xong, đủ cho 8 HKMH cùng đậu cùng một lúc, và 3 cầu tàu cho các tầu ngầm nguyên tử 094, Jin Class, trang bị hoả tiễn tầm xa, mang đầu đạn nguyên tử, hay Song S-20 trang bị hoả tiễn Yingji-8 có thể tấn công HKMH đối phương từ dưới đáy biển, căn cứ Tam Á có một hầm có thể chứa được 20 tầu ngầm 094, được dùng làm bàn đạp để yểm trợ các mũi xung kích cho cuộc chiến.

-Ngoài ra, để yểm trợ cho căn cứ Tam Á, TC vừa thành lập một lữ đoàn hoả tiễn 827 ở tỉnh Quảng Đông. Theo United Daily News của Đài Loan số ra ngày 02/07/2012 thì Lữ đoàn 827 này là một phần của chiến lược đối phó với những nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh. 827 có các hoả tiễn Đông Phong, DF-21D và Đông Phong, DF -16. Hoả tiễn DF -21D là hoả tiễn diệt chiến hạm, có tầm bắn từ 2000 đến 3000 km, có thể bắn trúng mọi mục tiêu đang di chuyển, với độ chính xác rất cao. Còn DF- 16 là hoả tiễn mới, có tầm bắn 1.200 km, có thể tới Hà nội, vì chỉ cách xa 1,000km.

3.Hoạt động quân sự để bảo vệ chủ quyền.

-Ngày 31/7, đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội giải phóng nhân dân, Bộ Quốc phòng TC tuyên bố thành lập "một hệ thống tuần tra trực chiến" tại các vùng biển "thuộc quyền tài phán" của TC, nghĩa là Biển Đông của Việt nam.

Đồng thời đài truyền hình Phượng Hoàng loan báo TC có các loại chiến đấu cơ cất cánh từ căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm như máy bay ném bom JH-7 và Su-30MKK của Lực lượng Không Hải quân TC. Các phi cơ này sẽ được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu “gây hấn” trên phạm vi Biển Đông. Phượng Hoàng còn cho biết rằng với sự trợ giúp của các máy bay tiếp nhiên liệu trên không, tầm tấn công của những chiến đấu cơ này còn có thể “tiếp cận các căn cứ của Mỹ ở Guam, Australia và Diego Garcia".

Ngoài phi trường ra, một số hải cảng cũng sẽ được xây dựng thêm trên đảo Phú Lâm và các đảo khác để yểm trợ hoạt động của các tàu hải quân cỡ lớn (bao gồm cả tàu khu trục) được Bắc Kinh điều động đến Biển Đông làm nhiệm vụ giữ chủ quyền và bành trướng.

Tàu vận tải chở khách lớn nhất TC có tên "chuỗi ngọc lục bảo Bố Hải" lớp Roro đã rời cảng Yên Đài (một cảng nằm ở bờ biển phía đông TC) xuống phía Nam. Tàu được nguỵ trang là “tàu dân sự” với trọng tải 36.000 tấn được thiết kế để có thể chở được quân nhân và phương tiện quân sự hạng nặng. Tàu dài 178m, rộng 28m, có thể chở 2.000 quân và hơn 300 chiến cụ cùng lúc. Đây là chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này. TC đang có kế hoạch đóng 3 chiếc cùng lớp. Theo lời của giám đốc Cục vận tải quân sự thuộc quân khu Tế Nam, những chiếc tàu thuộc lớp này cho phép chuyển một số lượng lớn quân và chiến cụ.

HKMH Thi Lang sẽ được điều động đến Biển Đông. TC còn dự trù xây dựng thêm 3 HKMH nữa để thành lập 2 hạm đội Biển Xanh. Các HKMH này sẽ đồn trú tại căn cứ Tám Á (Du Lâm), Hải Nam. Về các kiến trúc quân sự, doanh trại, hải càng, quân trú phòng, cơ sở thông tin viễn liên, tàu ngầm nguyên tử, kho đạn v.v., xem thêm

Ngày 01/07/2012 Tân Hoa Xã đưa tin Bắc Kinh đã bố trí bốn tàu hải giám tại đảo đá ngầm mang tên Đá Châu Viên do Việt Nam đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, mà phía TC gọi là đảo Hoa Dương, làm căng thẳng thêm tình hình tại Biển Đông. Đá Châu Viên, tên quốc tế là Cuarteron Reef, là một bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa bị quân TC chiếm đóng từ năm 1988, cùng với 5 đảo đá khác là Gạc Ma, Chiqua, Đá Ba Đầu, Len Đảo và Colin. Châu Viên là một đảo san hô, phần cao nhất ở phía bắc, có độ cao 1,5 m so với mặt biển. Kể từ năm 2011, TC đã cho xây dựng những pháo đài kiên cố và sân bãi có thế chịu đựng được sức gió với vận tốc 71 hải lý/ km giờ, tức cấp 10/12 theo thang sức gió Beaufort. Bắc Kinh còn trang bị các thiết bị thông tin cao tần và siêu cao tần, radar cũng như đại bác dành cho hải quân và đại bác phòng không trên đảo. TC có thể sử dụng đảo san hô này làm căn cứ cho các chiến hạm của họ.

Trước các hành vi xâm lược trắng trợn này của bọn bành trướng Bắc Kinh, UBBVSVTLT nghiêm trọng

TUYÊN CÁO

A. Đối với Trung Cộng:

1. Chủ quyền của Việt nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự kiện không thể tranh cãi.

Thực vậy, chủ quyền của Việt nam trên Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh trong các tài liệu sau:

a-) “Bạch Thư về Âm Mưu của Đảng Cộng Sản Trung Hoa Chiếm Đoạt Hoàng Sa và Trường Sa với Sự Đồng Loã của Đảng Cộng Sản Việt nam” do UBBVSVTLT công bố ngày 10 tháng 5, năm 2008, gồm chủ quyền:

- về địa lý: Phần II: Yếu Tố Địa Lý và Bản Đồ Về Chủ Quyền ( các trang 11- 12, 15-17 và 33-34)

- về lịch sử: Phần III: Chủ Quyền Việt nam Trên Các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa về Lịch Sử ( các trang 13-18)

- về pháp lý: Phần IV: Chủ Quyền về Pháp Lý ( các trang 19-25)

Bạch Thư này còn gồm 3 Bản Tuyên Bố của UB BVSVTLT sau đây:

1) Tuyên bố ngày 8 tháng 8, 2006 v/v TC vẽ lại Bản Đồ Biên Giới trong đó gồm cả Biển Đông (lưỡi bò) vào tháng 6 năm 2006, các trang 4-7;

2) Tuyên bố ngày 12 tháng 12, 2007 v/v Lên án TC thiết lập Cơ Quan Hành Chánh (huyện) Tam Sa, các trang 7-8; và

3) Tuyên Bố ngày 21 tháng 12 năm 2007 Phản Kháng Về Vụ Tam Sa Lần Thứ 2, các trang 8-11

Ghi chú: Bản Bạch Thư Tiếng Anh đã được Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị gửi đến 192 nguyên thủ quốc gia qua văn phòng Đại Diện các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhân dịp họ đến họp Đại Hội Đồng tại Nữu Ước năm 2008, và Trung Tâm Nghiên Cứu VN gửi đến một số cơ quan Nghiên Cứu về Đông Nam Á trên thế giới; Cộng Đồng người Việt Liên Bang Úc Châu phổ biến 250 Bản cho các lãnh đạo xứ này; tại Canada, Âu Châu và ngay tại Hoa Kỳ, một số tổ chức cũng đã tiếp tay phổ biến Bạch Thư như vậy…

b-) Cuốn Hồ Sơ Hoàng Sa & Trường Sa và Chủ Quyền Dân Tộc, 2008, gồm:

Bản Đồ Chủ Quyền, Chương I:

1) từ thế kỷ 17 do học giả VN vẽ (các trang 15-20);

2) từ thế kỷ 16 do học giả ngoại quôc vẽ (các trang 21-28);

3) Bản đồ cổ của Trung Hoa với gianh giới cực Nam của nước này là Đảo Hải Nam -không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa (các trang 36-37).

Hình Ảnh Các Đảo Bị TC Chiếm Đóng, Chương II

Trên Hoàng Sa, từ trang 45 đến 72 và trên Trường Sa, từ trang 73-95.
c-) Cuốn Chủ Quyền Lãnh Thổ và Bành Trướng Trung Cộng, Hồ Sơ Bản Đồ và Hình Ảnh, 2010, gồm trên 200 bản đồ và hình ảnh.

Riêng tại Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, từ trang 104 đến 135, có 44 hình về cơ sở và 17 hình về hoạt động của quân trú phòng.

Trong vùng Trường Sa, có nhiều kiến trúc quân sự, kiên cố, đồ sộ, sừng sững mọc khỏi măt nước. Tại Khu Bãi Đá Vành Khăn, có 8 hình; Khu Chữ Thập, có 5 hình, và khoảng 20 hình khác trên các bãi đá hay cồn nằm sâu phía Nam Trường Sa.

Hầu hết các bãi đá hay cồn đều có toạ độ.

d-) TC không có bằng cớ về chủ quyền:

Một sự kiện cần phải nêu ra là vào tháng 6 năm 1994, để thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông, TC cử 10 học giả sang họp với 100 học giả Đài Loan để tìm bằng chứng về chủ quyền trong âm mưu bành trướng của chủ nghĩa bá quyền của Hán tộc. Sau buổi Hội Nghị được tổ chức vào ngày 28 và 29 tháng 6 tại Đài Bắc, vì không tìm được bằng chứng nào, và vì đuối lý, bọn Tàu Cộng và Tàu Đài Loan đã cấu kết với nhau ra một tuyên cáo nói một cách mơ hồ rằng Trung Hoa có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông. Họ còn kêu gọi Hoa Kiều trên khắp thế giới giúp họ tìm kiếm bằng chứng về chủ quyền này. Sau đó, thỉnh thoảng có bài báo của Hoa Lục in bản tin nói rằng một học giả nọ kiếm được một mảnh lọ bằng đất tại hòn đảo này, một mảnh bát tại hòn đảo kia, ngụ ý rằng Hoa Lục làm chủ các đảo ấy.

Phản ứng về Tuyên bố của đám học giả TC và Đài Loan.

Vì ở trong nước, giới trí thức im tiếng và lãnh đạo VC câm lặng, một phiên họp gồm 30 trí thức hải ngoại được triệu tập tại Viện Nghiên Cứu Hoover về Chiến Tranh Cách Mạng và Hoà Bình tại Đại học Stanford vào ngày 22 tháng 7, 1994 . Hội Nghị lên tiếng bác bỏ luận điệu của đám học giả trên. Bản Lên Tiếng ấy tuyên bố rằng Biển Đông thuộc quyền sở hữu của Việt nam về phương diện địa lý, lịch sử, pháp lý và VN đã hành sử chủ quyền từ lâu đời.

Rồi kế đó, UBBVSVTLT, hậu thân của Nhóm Trí Thức, được thành lập để nối tiếp hoạt động trên và vào ngày 29 tháng 4 năm 1995 công bố Tuyên Cáo phủ nhận giá trị pháp lý của Văn Thư hành chánh mà Phạm văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 gủi cho Chu ân Lai về việc Hànội xác nhận chủ quyền của Hoa Lục trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ủy Ban tái xác nhận chủ quyền của VN trên hai quần đảo ấy

e-) Cuối cùng, ngay cả trong giới trí thức Trung Hoa có nhiều người phản bác chủ quyền của TC trên Biển Đông.

Ngày 14 tháng 6 năm 2012, một buổi hội thảo có tên là “Nam Hải tranh đoan, quốc gia chủ quyền dữ quốc tế quy tắc” (Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế) được Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức tại Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thiên Tắc. Hai diễn giả chính là học giả Lý Lệnh Hoa, Nghiên cứu viên Trung tâm Thông Tin Hải Dương Trung Quốc và Giáo sư Thời Đoàn Hoằng,

Học giả Lý Lệnh Hoa nói:

"Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta vạch ra Đường 9 đoạn không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật...",

“Chả có căn cứ gì! Đó chỉ là tuyên bố đơn phương năm 1947 mà thôi!. Trong nước có các nhà luật học, cả các đồng nghiệp ở Đài Loan cũng có chung nhận thức như thế. Hồi đó, các nước ven bờ có nước còn chưa độc lập, nó chỉ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà thôi.”

Ngày 13 tháng 8 năm 2012, học giả Lý Lệnh Hoa đã bác bỏ Ðường lưỡi bò. Ông cũng cho đăng trên blog của ông loạt bài viết của một học giả Trung Quốc khác có bút danh “Bao Phác Tiên Nhân” về vấn đề này.

Trích từ “Quanlambao - Ngay học giả Trung Quốc - Những người có tri thức đều không thể dối trá theo luận điệu của Trung Nam Hải được”

-Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa Xã cũng có cùng một lập trường trên:

“Gần đây, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, nhất là sau khi Trung Quốc có những bước đi ngang ngược, bất chấp lẽ phải và sự thật như khẳng định yêu sách về Đường Lưỡi Bò, lập ra cái gọi là thành phố Tam Sa”, Biên tập viên Chu Phương “cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, và cũng đòi xóa bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa”…

Ngày 17-7, ông cho đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”. Trong đó ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế… Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông). Một đường biên giới đứt đoạn rất thô, màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.

Ngày 29-6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập “thành phố Tam Sa là trò cười quốc tế”, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!. “Thiết lập thành phố Tam Sa là hành động tự cô lập mình của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa chữa!”.

Theo Sina.com, Zhoufang.blshe.com. Bản Việt ngữ của Tiền Phong

2. Sát nhập 2 quần đảo này vào lãnh thổ Hoa Lục qua việc thiết lập thành phố Tam Sa với sự phối trí và phô trương võ lực để thị uy là hành vi hoàn toàn bất hợp pháp.

Dân tộc Việt nam cực lực phản kháng và lên án hành vi này, và không bao giờ chấp nhận hành vi xâm lăng của bọn bá quyền Bắc Kinh. Một nghìn năm trong quá khứ bọn Hán tộc đã thất bại trong âm mưu xâm chiếm lãnh thổ Việt nam. Cái gương của Ô Mã Nhi, Thoát Hoan… trước đây và Phương quang Kính (vào ngày 19 tháng 4, 1975) ngày nay còn sờ sờ ra đó.

Việc sát nhập này là kết quả của một chuỗi hành vi bất hợp pháp từ nhiều thập niên qua của bọn bành trướng Bắc Kinh. Quốc dân Việt nam sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết đòi lại các giải đất đã mất, trên đất liền cũng như ngoài biển khơi, dù phải đấu tranh lâu dài.

B. Đối với VC.

Vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa, Hồ chí Minh cùng tất cả đồng bọn qua nhiều thế hệ cầm quyền trong Đảng Cộng Sản Việt nam phải chịu trách nhiệm về sự mất mát lãnh thổ trên đất liền và lãnh hải về tay TC.

Sự đóng góp cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc xâm lăng Việt nam là một tội ác lớn lao đối với dân tộc, không thể tha thứ được. Không có cách gì có thể biện minh cho các thái độ và hành động phản lại quyền lợi của dân tộc như VC đã và đang làm với vai trò như một Thái Thú đích thực phục vụ qyền lợi của quan thày TC mà mọi người chứng kiến qua nhiều thập niên. Quốc dân Việt không bao giờ tha thứ cho chúng. Lãnh đạo VC phải biết rằng dù được chút phần thưởng tiền bạc trước mắt, dù được quân giặc tiến cử và bảo trợ ở ngôi vị lãnh đạo như hiện nay, bọn bành trướng Bắc Kinh không bao giờ cưu mang các kẻ đã phản bội dân tộc của mình. Tấm gương còn sờ sờ trước mắt là Pol Pot đã thực hiện những gì mà Bắc Kinh đã dạy, như có cả gan và nhiệt tâm giết 1/3 dân Cao Miên trong tổng số 6 triệu người, vào những ngày sau khi CS Miên chiếm được chính quyền vào 1975. Pol Pot và đồng bọn đã bị quan thày TC bỏ rơi một cách nhục nhã, cay đắng. Vì nhu cầu phải hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề Miên, lãnh đạo Bắc Kinh cuối cùng nhẫn tâm bỏ rơi những tên đầy tớ dù nhất mực trung thành như Pol Pot. Qua các thương thuyết để giải quyết vấn đề Miên, Mỹ không muốn giết y, đã khuyến cáo Bắc Kinh nên đưa y sang Hoa Lục tị nạn. Nhưng Bắc Kinh lặng yên, ngược còn lại hi sinh kẻ đã làm tay sai trung thành cho mình, chỉ vì chúng e ngại đã dính líu / cấu kết với một kẻ bị mà cả thế giới lên án là phạm tội diệt chủng, một tội phạm ghê tởm mà cả nhân loại lên án.

Ủy Ban đòi hỏi VC phải có can đảm và dứt khoát đứng về phía dân tộc trước tình thế lâm nguy của đất nước mà do chính Đảng CSVN gây ra, từ thời Hồ chí Minh cho đến nay. Không thể để tình trạng mập mờ là hợp tác “toàn diện” với kẻ thù của dân tộc như thế này tiếp tục xảy ra. Tình trạng này rõ rệt đây là một nguỵ trang, mua thời gian giúp cho kẻ thù mỗi ngày củng cố thêm cơ sở vật chất lẫn tinh thần để thôn tính VN, kể cả bằng phương tiện hoà bình. Phải có một lập trường công khai, dứt khoát, quyết liệt với kẻ thù của dân tộc và tìm mọi cơ hội hiện có, như mọi người trong và ngoài nước đã lên tiếng rất nhiều lần để bảo vệ đất nước, dân tộc. Có như thế mới cứu được dân tộc khỏi vòng đen tối trước mắt, và chuộc lại các tội lỗi đã phạm phải và cầu mong được quốc dân tha thứ.

Riêng về vấn đề Biển Đông, Ủy Ban đòi hỏi VC bắt đầu vài việc nhỏ nhặt sau đây:

1.Công khai huỷ bỏ ngay Văn Thư của Phạm văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1954 và lập hồ sơ đưa vấn đề xâm lăng Biển Đông ra Toà án quốc tế. Trong quá khứ TC viện dẫn văn thư này làm nền tảng pháp lý để xâm chiếm Biển Đông: đưa một hạm đội chiếm Hoàng Sa thuộc VNCH tháng 1 năm 1974; mang 4 khu trục hạm vây, bắn giết bằng trọng pháo 64 công binh VC, không võ trang, đang lội nước, mang tiếp tế trên vai cho đồng đội đóng trên đảo Gạc Ma, hồi tháng 3 năm 1988 và chiếm 6 đảo cùng thời gian này.

Văn thư ấy là nguồn gốc đưa đến việc xâm chiếm toàn thể Biển Đông ngày nay. Tiêu huỷ nền tảng ấy là làm cho TC không còn có lý do biên minh cho việc xâm lăng.

Ngay từ 29 tháng 4 năm 1995 của thế kỷ trước, Ủy Ban đã ra một tuyên bố rằng văn thư ấy là “vô hiệu”. Ủy Ban đòi hỏi VC phải huỷ bỏ văn thư ấy, bằng cách hoặc làm một văn thư công khai gửi cho TC hay Bộ Ngoại Giao VC chỉ ra một tuyên cáo đơn phương tuyên bố Văn Thư của Phạm văn Đông là vô giá trị, và vô hiệu lực.

Về hình thức trong quốc tế công pháp, hành vi như vậy là đủ và có giá trị.

Ngoài ra, Ủy Ban đòi hỏi VC phải đưa vấn đề xâm lăng này ra Toà án quốc tế.

VC vẫn giữ im lặng. Tuy nhiên, ngày 23 tháng 9, 2008, Ký giả Lý Kiên Trúc, chủ nhiệm Báo Văn Hoá, ở Nam Calfornia có phỏng vấn Lê công Phụng, Đại sứ VC tại Hoa Thịnh Đốn về vấn đề náy, Phụng đã trả lời: “.. Cũng đã có nhiều người nói là có thể đưa ra toà án quốc tế, đưa lên Liên Hiệp Quốc để đấu tranh chuyện này. Chúng ta cũng đang dự tính…” Ủy Ban nhắc lại rằng về phương diện thủ tục, chỉ có Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), vì là chủ thể quyền lợi, mới có “danh nghĩa”, mới có quyền nêu vấn đề này. Không một ai khác hơn là CHXHCNVN có thể làm được, kể cả Đảng CSVN, dù được Hiến Pháp của CHXHCNVN phong cho một vị trí cao hơn Nhà Nước. Phi luật Tân đang làm gương cho VC về vấn đề này, dù TC mới chỉ “xâm lăng” trên lý thuyết bằng “bản đồ đường lưỡi bò.”

2. Muốn bảo vệ được đất nước, chống được ngoại xâm, Ủy Ban đòi hỏi phải tạo dựng sức mạnh dân tộc. Chỉ khi mà dân tộc Việt kết hợp thành một khối, xây dựng một sức mạnh với ý chí quyết thắng, mọi người như một, cùng một lòng, thì không những bảo vệ được đất nước, mà còn lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa. Tinh thần và khí thế của sinh viên, thanh niên và quần chúng yêu nước ở trong nước qua các cuộc biểu tình năm 2007 nhân vụ TC thiết lập huyện Tam Sa để cướp đoạt Biển Đông và vụ TC cắt dây cáp tàu Bình Minh và Viking táhng 5 và 6 năm 2011 vừa qua (dù mọi người biết là của một công ty quốc doanh mà lãnh đạo VC chiếm đoạt làm của riêng) đã nói lên tinh thần ấy.

Muốn thế, phải dân chủ hoá đất nước. Cần có một lộ trình thực hiện mục tiêu này. Việc làm nhỏ trước mắt và khởi đầu là VC phải thả tất cả những ai bị bắt về việc “hô hào Hoàng Sa và Trường Sa là của VN”, thả tất cả tù nhân lương tâm, chấm dứt việc bắt bớ đàn áp dân chúng về nhiều lý do khác nhau, và để cho dân chúng được tự do.

Miến Điện là một gương sáng, cần phải học.

3. Chính thức kêu gọi các cường quốc có quan tâm và có quyền lợi hỗ trợ cuộc đấu tranh này. Phải tạo một liên minh quốc tế. Nhờ các hậu thuẫn đó, VC phải phản ứng quyết liệt, thực tiễn đối với mỗi hành vi xâm lăng của TC, thay vì chỉ tuyên bố xuông là Hoàng Sa và Trường Sa về phương diện lịch sử là của VN…., như nhắc đi nhắc lại từ hơn mấy chục năm nay. Kể cả sự việc quan trọng xảy ra trong tháng qua, như TC sát nhập Biển Đông vào lãnh thổ Hoa Lục, VC cũng dùng một luận điệu tuyên bố như trên, dù Hội Nghề Cá được phép dùng danh từ nặng nề: TC xâm lược, và như thế có lẽ lãnh đạo Đảng VC và Nhà Nước VN né tránh được vị thế có vẻ như xúc phạm với quan thày. Nên nhớ rằng vào tháng 4 vừa qua, TC cho một số tàu đánh cá của chúng đến hành nghề tại vùng đảo Scarborough của Phi, có sự hộ tống của Hải Quân TC với thái độ và hành vi hung hãn làm ra vẻ như đánh chiếm lãnh thổ Phi đến nơi. Phi rất gay gắt chống lại. Cuối cùng Hải quân TC phải rút lui vì “trận bão” sắp tới, không phải do áp lực quốc tế. Đây là bài học khác phải noi theo./.

Làm tại California ngày 1 tháng 9 năm 2012
Đại Diện: Nguyễn văn Canh

Tài liệu:

- Nguyễn văn Canh, Cộng Sản Trên Đất Việt, Quyển II: Việt Cộng và Thế Giới, Kiến Quốc, In lần 2, 2002.
- UBBVSVTLT, Bạch Thư về Âm Mưu Của Đảng Cộng Sản Trung Hoa Chiếm Đoạt Hoàng Sa và Trường Sa với Sự Đồng Loã Của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Center For Vietnam Studies, 2008, Ấn Bản Tiếng Việt.
- Nguyễn văn Canh, Hồ Sơ Hoàng Sa & Trường Sa và Chủ Quyền Dân Tộc, Center For Vietnam Studies, các ấn bản 2008, 2009 và 2010.
- Nguyễn văn Canh, Chủ Quyền Lãnh Thổ và Bành Trướng Trung Cộng, Bản Đồ và Hình Ảnh, Center For Vietnam Studies, 2010, 2011