Thursday, November 29, 2012

CSVN

Lưỡi bò và lưỡi liềm
 
Có lẽ chưa bao giờ, một động thái của Trung Cộng liên quan đến chủ quyền được ngang nhiên bàn tán thoải mái như bây giờ ở Việt Nam. Thoải mái là nói theo nghĩa đã được “ẳng” lên trên báo lề phải, chứ không còn dấm dúi, tự bịt miệng như những năm trước đây.
 
Còn nhớ chưa xa, mới vài năm trước đây thôi, nhiều người đã khốn nạn với câu nói “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, dù họ chỉ nói câu đó, mặc chiếc áo hoặc bất cứ hành động gì khẳng định điều đó đều nghiễm nhiên biến thành tội phạm. Thậm chí, có người đã kêu lên: Vậy thì Hoàng Sa – Trường Sa là của ai? Không chỉ báo chí mà một người dân nào dám nói đến điều đó đều là cấm kỵ và chịu hậu quả nặng nề. Cho đến khi, tai họa mất nước sừng sững đứng trước mọi nhà, thì nhà nước Việt Nam hoảng hốt và lúng túng trong mọi xử lý. Khi đó, báo chí mới được mở miệng trong một giới hạn nhất định. Nay thì báo chí có thể kêu lên rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

Tiếc rằng khi được nói như vậy, thì Hoàng Sa đã nằm trong tay Trung Cộng từ lâu, Trường Sa, một phần đã nằm dưới gót giày bọn xâm lược. Còn trên đất liền, khắp nơi từ trong nam đến ngoài Bắc, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng có thể thấy người Trung Quốc nghênh ngang đi lại. Đất đai đang được người Trung Quốc thuê trồng rừng, các công trình quốc gia được các nhà thầu Trung Quốc xây dựng, hàng hóa Trung Quốc ngập tràn lãnh thổ, từ chiếc áo ngực phụ nữ chứa đầy chất lạ đến những lô gà thải độc hại, trái cây nhiễm độc và nhiều vật dụng được nhập về nhiều vô biên.
 
Sau nhiều động tác khiêu khích, dọn đường và lấn chiếm bằng nhiều cách, bỗng nhiên vài năm gần đây, Trung Cộng thò ra cái đường lưỡi bò đứt khúc liếm gần trọn vẹn Biển Đông của Việt Nam. Nếu cái lưỡi bò này không bị chặt đứt, thì sau này Luật Biển Việt Nam sẽ phải sửa đổi nhiều điều khoản. Trong đó sẽ có một điều quy định rằng: Khi điều khiển thuyền bè ở ven biển, phải lưu ý đi dọc bờ, không quay ngang tàu thuyền vuông góc với bờ biển để tránh xâm phạm lãnh hải của nước bạn láng giềng 4 tốt và 16 chữ vàng. Trong trường hợp ai vi phạm ráng chịu và nhà nước sẽ không can thiệp.
 
Khi Trung Cộng quyết định bước chơi mới bằng cái hộ chiếu vẽ hình lưỡi bò, những phản ứng yếu ớt của nhà cầm quyền Hà Nội được người dân chú ý và có nhiều ý kiến khác nhau. Đa số các ý kiến, đều chưa thấy được sự mạnh mẽ cần thiết từ phía nhà nước để đối phó với âm mưu thâm độc này của nhà cầm quyền bành trướng Bắc Kinh. Nhưng, đa số những ý kiến trên các phương tiện truyền thông mà mạng internet là chủ yếu đã chưa đi đến cội nguồn của đường lưỡi bò Bắc Kinh vì sao lại thò ra và làm sao hóa giải.
Đường dây nóng giữa hai Đảng và nhà nước được thành lập, chắc chỉ để thỉnh thoảng cho lãnh đạo hai nước tán tỉnh nhau cùng củng cố “con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội là chính”? Còn chuyện lãnh thổ, tranh chấp, ngư dân bị bắn, bị bắt và bị giết, quân đội Trung Cộng đổ ra Biển Đông chỉ là chuyện nhỏ?
 
Mưu đồ và hành động bành trướng có tính hệ thống
 
Năm 1949, nhà nước Trung Quốc cộng sản được thành lập. Trước đó, nhà nước Việt Nam cộng sản cũng đã được thành lập trên nửa đất nước. Hai bên ra sức tô thắm tình hữu nghị Quốc tế vô sản lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Ở đó, có quy định rất rõ rằng: Khi lợi ích của phong trào Cộng sản quốc tế và lợi ích dân tộc có mâu thuẫn với nhau, thì phải hi sinh lợi ích dân tộc cho lợi ích của phong trào Cộng sản quốc tế”. Có lẽ sự hăng máu và nhiệt tình thực hiện điều này số một là chính quyền Cộng sản Việt Nam. Còn anh bạn vàng Trung Cộng thì không thế, bất cứ lúc nào và ở đâu nếu thấy có lợi cho máu bành trướng, họ luôn tận dụng.
 
Một thời gian dài trong chiến tranh, hết nóng rồi lạnh thì phong trào Cộng sản quốc tế phát triển rồi lục đục, đánh nhau chí tử. Oái oăm thay, những cuộc đánh nhau, tàn sát nhau khốc liệt nhất lại là từ những cuộc chiến của “anh em trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa” là chính. Trong đám hỗn quân hỗn quan XHCN, thì anh nào cũng hô rất to chỉ có mình là theo Chủ nghĩa Mác – Lênin chân chính, còn tất cả thì không xét lại, cũng chỉ là giả cầy. Việt Nam cũng thế, có lẽ vì muốn sự chân chính rõ ràng, nên thực hiện các nguyên tắc của nó khá triệt để.
 
Năm 1958, Trung Cộng tuyên bố về lãnh hải thể hiện mưu đồ bành trướng của chúng, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã nhanh chóng gửi công hàm rằng “Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành…”. Dù công hàm này có giá trị pháp lý hay không, thì cũng cần ghi nhận đây là bước đầu tiên, thể hiện bằng giấy trắng mực đen việc nhà cầm quyền CSVN đã hi sinh lợi ích dân tộc cho chủ nghĩa Bành trướng Bắc Kinh. Nguyên nhân không cần nói ai cũng hiểu, trong cuộc chiến của mình, nhà cầm quyền CSVN đã được nhà cầm quyền Trung cộng đỡ đầu nhiều mặt vì hai nước cùng phe XHCN. Nếu như lúc đó, không phải là Việt Nam, mà là Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc Việt Nam không thuộc phe XHCN lấy Mác – Lênin làm kim chỉ nam thì chắc sẽ không có công hàm 1958 nói trên.

Kế đến, năm 1974, khi Quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay giặc Trung Cộng, nhà cầm quyền Hà Nội đã không có một phản ứng cần thiết khi Tổ quốc bị xâm lăng. Cụ thể là Trung Cộng nuốt gọn Hoàng Sa mà người dân miền Bắc không hề hay biết. Chẳng những thế, sau ngày 30/4 năm 1975, Tổng bí thư Đảng CSVN Lê Duẩn còn lớn tiếng tuyên bố: “Kể từ nay, đất nước ta sạch bóng quân thù” – nghĩa là Hoàng Sa không phải là lãnh thổ Việt Nam? Không phải thế mà chỉ là vì Hoàng Sa đang bị chiếm đóng không phải bởi quân thù mà là anh em XHCN Trung Cộng.

Rồi đến năm 1988, Trường Sa bị tấn công và lấn chiếm trong âm thầm, nhà cầm quyền Việt Nam nghiến răng chịu đựng để tiến tới Hội nghị Thành Đô. Cũng chỉ vì khối cộng sản thi nhau đổ sụp ở Đông âu và trên thế giới, sự đô đơn, sợ hãi đã đẩy nhà cầm quyền CSVN đi đến con đường tìm lại kẻ thù truyền kiếp mà nương náu, mặc dù đã là người dân Việt Nam, ai lại không biết mưu đồ bành trướng của chúng vẫn luôn luôn tồn tại. Điều đơn giản để đi đến kết cục đó, là trên thế giới chỉ còn lại vài ba nước vẫn kiên trì bám trụ Chủ nghĩa Mác – Lênin mà thôi.

Tiếp theo là những năm gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng luôn gây áp lực và ngày càng ngang ngược đòi hỏi hết sức vô lý về lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. Nhưng đáp lại những hành động ngang ngược đó là thái độ ươn hèn, khiếp nhược và sợ hãi từ ngay chính nhà cầm quyền Việt Nam. Ngư dân Việt Nam bị cấm đánh cá trên biển Việt Nam, bị bắt bớ, xua đuổi đánh đập, thậm chí báo chí còn không được gọi đích danh, mà chỉ là “tàu lạ”. Những hành động xâm lấn dần dần tăng cường về cường độ và tần suất bao nhiêu, thì người ta thấy những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam đi ngược lại với thái độ hiếu chiến của bọn bành trướng bấy nhiêu. Nhân dân phẫn uất xuống đường biểu tình, liền bị đàn áp và bôi xấu, báo chí bị bịt miệng. Về báo chí, những tờ báo có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc, đã phớt lờ nguy cơ mất nước, ngược lại chỉ nhăm nhăm chống “diễn biến hòa bình” và thế lực thù địch trong nhân dân với sở trường bôi xấu và kết tội. Thậm chí, những tờ báo Đảng, còn ngang nhiên ca ngợi tướng Tàu hoặc tệ hơn nữa là tuyên truyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc.
Đặc biệt, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước chỉ nhăm nhăm tung tiền dân để diễn tập chống bạo loạn, chống người dân biểu tình do bị cướp đất… Nói chung là chống lại nhân dân. Còn với giặc bên ngoài, thì im như thóc giống.

Khi bọn bành trướng càng hung hăng, nhà cầm quyền Hà Nội càng tổ chức đình đám hơn các lễ lạt “nhớ ơn Trung Cộng”. Trong tất cả những gì có thể làm trước họa xâm lược Tổ Quốc, chỉ có thể là vài lời phát ngôn sáo mòn, cũ rích từ người phát ngôn Bộ ngoại giao mà mỗi lần nghe lại, người ta muốn “phát nôn”.
Một quãng đường khá dài để bọn bành trướng hiểu thế, lực của Việt Nam, đặc biệt là thái độ, tinh thần của nhà nước Việt Nam như thế nào. Và kết cục hôm nay là đường lưỡi bò đã chính thức được đưa lên thành điểm nóng kết hợp “Thành phố Tam Sa”, rồi “bản đồ Tam Sa mới phát hành… Đấy là những hành động xâm lược trắng trợn. Đặc biệt ngày hôm nay, chúng tuyên bố bắt giữ khám xét tất cả tàu thuyền trên biển của Việt Nam.
 
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân? Cái liềm và chiếc búa
 
Người dân Việt Nam ngơ ngác, không hiểu nổi nhà cầm quyền đang định làm gì trước họa mất nước? Đặc biệt nhiều người không thể hiểu và không thể giải thích thái độ của nhà nước trước kẻ thù.
Nhiều câu hỏi được đặt ra.
 
Có phải vì nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc quá hữu nghị, do vậy nhân dân Việt Nam sẵn sàng nhường biển đảo cho Trung Cộng? Xin thưa là không, muôn đời nay,dù có thể mất tất cả, song chủ quyền, lãnh thổ chưa bao giờ bị coi nhẹ hoặc đem ra đổi chác.
Có phải vì nhân dân Việt Nam quá ươn hèn? Chắc chắn là không, lịch sử đã chứng minh rằng những cuộc chiến giữ nước vĩ đại đã từng xảy ra với tinh thần bất khuất đầy kiêu hãnh và lãnh thổ luôn được bảo vệ vẹn toàn.
Có phải vì Trung Quốc quá lớn so với đất nước chúng ta nên phải chấp nhận vị trí chư hầu? Cũng không phải thế, đất nước ta chưa bao giờ lớn so với anh chàng khổng lồ thâm hiểm phương Bắc đầy tham vọng. Nhưng cũng chưa bao giờ khuất phục đầu hàng hoặc ươn hèn như hôm nay.
Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra lời giải đáp: “Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Có thể nhiều người không hiểu, nhưng đây mới là đáp án cho mọi nguy cơ đối với đất nước chúng ta lâu nay. Khi ý thức hệ cộng sản với cái gọi là Chủ nghĩa Mác – Lênin đã từng bị loài người cho vào sọt rác, nhưng ở đây vẫn được đặt cung kính trên bàn thờ, thì hậu quả của nó là khủng khiếp. Chính câu trả lời của ông Nguyễn Sinh Hùng, hiện là Chủ tịch Quốc hội đã cho thấy điều cơ bản rằng cái học thuyết Cộng sản sẵn sàng hi sinh lợi ích dân tộc, quốc gia cho Cộng sản Quốc tế đã lấn át những hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc, quốc gia?
 
Cũng chính vì thờ phượng cái mớ lý thuyết bạo lực Mác – Lênin mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thật lịch sử quyết tâm xâm lược đất nước ta bằng đường lưỡi bò tự sáng tác. Song đó vốn là căn bệnh chung của cộng sản: Chính quyền sinh ra từ họng súng khi chúng có cơ hội.
Chủ nghĩa Mác – Lênin với biểu tượng của chiếc búa và cái liềm đã được đưa vào áp đặt vào nhân dân ta mấy chục năm nay, đã sinh hoa kết trái trong lòng dân tộc. Tiếc rằng hoa trái của nó đã là những hoa độc và quả đắng. Một đất nước đã từng tự hào trong lịch sử, biết đoàn kết chống ngoại xâm, luôn lấy tình yêu thương và đùm bọc, đoàn kết làm nền tảng giữ nước đến hôm nay lâm vào trạng thái suy đồi mọi mặt. Văn hóa dân tộc bị băng hoại nghiêm trọng, tinh thần xuống cấp thảm hại, sự chia rẽ, phe phái càng ngày càng nặng nề. Tham nhũng và lãng phí làm đất nước đang kiệt quệ…
Sau mấy chục năm lấy học thuyết Mác – Lênin làm nền tảng để quản lý xã hội bằng đấu tranh giai cấp đã đưa đất nước đến thảm cảnh trong ngoài lục đục, trên duới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán.
 
Đó là cơ hội cho đường lưỡi bò vươn ra liếm Biển Đông.
Đó cũng là hậu quả của chiếc búa và lưỡi liềm mấy chục năm tung hoành trên đất nước chúng ta.
Như vậy, cái lưỡi bò hôm nay là hệ quả tất yếu của cái lưỡi liềm mấy chục năm qua.
 
Hà Nội, ngày 30/11/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh

China

Bản đồ hình ngọn đuốc

Hình bản đồ trên trang Hoàn Cầu của Trung QuốcDư luận mạng tiếng Trung đòi xóa bỏ khái niệm "bản đồ hình gà trống" của Trung Quốc để đưa ra hình ảnh "bó buốc" (Right:Hình bản đồ 'bó đuốc' trên trang Hoàn Cầu của Trung Quốc)với cả vùng biển Đông Nam Á là cán đuốc.
 
Cuộc tranh luận lại nóng lên nhất là sau cuộc duyệt binh trên biển tại Thanh Đảo tháng Tư vừa qua với các bài viết ca ngợi nỗ lực của các quân nhân Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa.
 
Tờ Trung Quốc Thanh Niên Báo hôm 29/4 cho lên bài "Tướng Sĩ Nam Sa: Cương vực của tổ quốc không phải là hình gà trống mà là hình ngọn đuốc" gây nhiều đàm luận về khái niệm hải dương của người Trung Quốc.
 
Dẫn lời của một đại tá hải quân, bài báo đã kêu gọi người Trung Quốc hãy nhận thức lại vùng biển Nam Hải với 3 triệu km vuông chính là lãnh thổ quốc gia.
 
Cộng thêm vùng biển này vào, bản đồ Trung Quốc không còn là hình gà trống mà là hình ngọn đuốc đang bốc cháy như hình minh họa trên trang mạng Hoàn Cầu (huanqiu).
 
Lập luận của bài báo này cùng với cách vẽ bản đồ mới, hình ngọn đuốc như được mô tả lập tức được nhiều báo khác biên tập lại và lan rộng trên các phương diện truyền thông mạng ở Trung Quốc.
 
'Tây Sa, Nam Sa'
 
Nguyên bản bài báo còn kèm theo một số tin tức về "cái cán đuốc" thuộc các hòn đảo trên "Tây Sa", "Nam Sa" mà hải quân Trung Quốc mới "thu phục" gần đây từ Việt Nam.
 
Thái độ chiếm đảo của phía Trung Quốc đưa ra rất hiển nhiên và bình thản cho thấy rằng, trong các trận hải chiến (được gọi là tự vệ phản kích tác chiến) ở Hoàng Sa, 19/1/1974 và ở Trường Sa, 14/3/1988 đều có mục đích "lấy lại" một số đảo từ tay Việt Nam.
 
Ví dụ trong trận Hoàng Sa năm 1974, số đảo thu được là Cam Tuyền, San Hô, Kim Ngân...
Trong trận Hoàng Sa này phía Trung Quốc tổn thất 18 quân.
 
Còn trong trận Trường Sa năm 1988, do đại tá Từ Trường Ngân tư lệnh "Tây Sa" hạ lệnh nổ súng chiếm các đảo ngầm đã đánh tan "ý đồ xâm chiếm quần đảo Nam Sa (từ phía Việt nam)".
 
Với phía Trung Quốc, trong thập niên 70 - 80 sự có mặt của Trung Quốc trên Hoàng Sa có ý nghĩa chiến lược quan trọng về mặt quốc tế vì công ước về hải dương của Liên Hiệp Quốc vừa được thông qua.
 
Họ cũng nói rằng hhoạt đầu mới chiếm các đảo ở Hoàng Sa, quân nhân Trung Quốc phải rất vất vả vì môi trường sống ở trên các đảo này rất khắc nghiệt.
Đảo toàn do cát San Hô tạo nên, cây cỏ không mọc được. Nước trên đảo có màu vàng như bia do thấm qua san hô tự nhiên nên vừa mặn vừa chát, chích da chích thịt. Tắm xong, lau người khăn lông trắng biến thành khăn lông vàng.
Với con người sinh hoạt như thế là quá khổ cực. Đối với động vật lại càng thê thảm hơn. Có một câu chuyện kể về một con chó tên A Hoàng đã nhảy xuống biển tự tử vì không thể chịu nổi gió cát giữa biển khơi.

Thế nhưng các "quan binh Trung Quốc" đã quyết tâm khắc phục thiên nhiên.
Mỗi lần khi có người về quê thường đem ra đảo một bao đất.

Đất vàng, đất đỏ, đất đen, đất từ Sơn Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến dần dần vun bồi thổ nhưỡng trên đảo đến độ vào năm 1982, Tân Hoa Xã đã phát tin cho toàn thế giới biết rằng "từ xưa tới nay một ngọn cỏ cũng không mọc nổi thế mà nhờ nổ lực của quan binh, họ đã trồng được 256 cây trên đảo Trung Kiến.

Bài báo còn cho biết tên của các hòn đảo như "Thái Bình" ở Trường Sa, "Vĩnh Hưng" hay "Trung Kiến" ở Hoàng Sa đều được đặt tên từ các soái hạm đổ bộ lên đảo lần đầu.

Theo như thống kê Trung Quốc còn 1400 hòn đảo nhỏ chưa được đặt tên và Tân Hoa Xã đã từng đưa tin rằng chính phủ sẽ tiến hành đặt tên cho các hòn đảo nằm trong vùng quản lý của Trung Quốc.
 
Lãnh hải đại dương
 
Để so sánh khái niệm về lãnh thổ mặt biển bài báo này đã nêu lên trường hợp Nhật Bản với diện tích mặt đất chỉ có 370 ngàn km vuông nhưng có diện tích cương vực tới 4.5 triệu km vuông.
Nhật Bản đã tính 10 phần diện tích mặt biển vào "lãnh thổ".

Cho nên không lý gì Trung Quốc tự "thiến" đi phần lam sắc quốc thổ (lãnh hải ngoài đại dương) của mình.
Bài báo như để lại một cảm xúc phẫn uất trong câu cuối cùng vì trên thực tế nhiều người Trung Quốc vẫn chưa quen với bản đồ hình đuốc.

Chính điều này đã làm dấy lên tinh thần yêu nước, yêu biển và làm chủ nghĩa dân tộc càng dâng cao.
Bài báo kêu gọi nhận thức bản đồ hình ngọn đuốc, phế bỏ hình gà trống đang thu hút tranh luận.

Đa số các ý kiến ở Trung Quốc đều cho đó là hay, tốt, cảm động vì nhiệt tình yêu nước.

Tuy nhiên cũng có một số ít cho rằng ý kiến trên là nói bậy bạ - chẳng lẽ sở hữu được mấy cái đảo nhỏ bãi ngầm với tổng cộng diện tích chưa đầy 2 km vuông (???) lúc thuỷ triều lên mà đòi chiếm luôn 3 triệu km vuông mặt biển.
Cùng lúc, truyền thông Phương Tây cũng theo dõi rất sát các khái niệm và ý định Trung Quốc đưa ra về các vùng biển ở Thái Bình Dương.

Theo báo Anh, tờ The Economist thì ngoài đường chấm đỏ (mà người Việt Nam gọi là hình lưỡi bò) lan xuống Biển Đông, Trung Quốc còn nêu ra một đường chấm xanh dương chạy vòng qua phía Đông đảo Đài Loan lan xuống Malaysia, Brunei, ôm gọn cả Philippines.

Đây là đường một số giới của Hải quân Quân Giải phóng cho là cần thiết để mở rộng tầm hoạt động của họ, thậm chí với mục tiêu đẩy lùi Hoa Kỳ ra khỏi vùng này trên Thái Bình Dương.
Việc thể hiện ý định "chia đôi Thái Bình Dương" với Mỹ không phải là chuyện mới.

Theo Tapei Times 22/02, Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thời gian đó cho hay sau chuyến thăm Thái Lan, Hong Kong và Nam Hàn tuần trước đó rằng một tướng Trung Quốc đã đề nghị với ông rằng hai nước nên chia đôi Thái Bình Dương.
 
Theo gợi ý đó của phía Trung Quốc, họ sẽ 'lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía Tây, để cho Hoa Kỳ lo từ Hawaii sang phía Đông'.
Tất nhiên, vị đô đốc Mỹ đã bác bỏ đề nghị này.
 
Tuy thế, việc các trang mạng tranh luận mạnh mẽ về lãnh hải chứng tỏ tâm lý muốn vươn ra đại dương không chỉ là của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc, mà của cả một phần dư luận dân chúng nước này.

Wednesday, November 28, 2012

VH

Bạn Thơ
 

Bà Tư đứng ở cửa sổ nhìn ra vườn sau, thấy lá cây bắt đầu vàng, mây xám đục bay đầy trời. Bà thở dài, và nói vọng vào phòng khách, nơi ông Tư đang ngồi chăm chú nhìn lên màn ảnh máy vi tính, đọc thơ bạn bè qua liên mạng:

“ Thế là đã qua năm thứ tư rồi, mà cái nhà kho vẫn không được sơn. Anh cứ lần lửa hứa hẹn mãi. Sơn tróc, phô gỗ mục nát bên trong, trông tồi tàn tội nghiệp quá. Mùa nầy anh không sơn kịp, thì em cứ cho một mồi lửa cho yên chuyện. Để mối mọt ăn lan ra sụp luôn căn nhà chính, rồi vợ chồng dắt nhau ra gầm cầu mà ở.”

Ông Tư ngưng đọc. Nhìn qua bà và nói lớn:

“ Ừ, em cứ cho một mồi lửa đi. Rồi sẽ được sung sướng. Cháy lan nhà người khác, vào tù ngồi có cơm bưng nước rót hàng ngày, khỏi đi làm mà được nuôi nấng đàng hoàng tử tế. Suốt ngày đọc sách, xem truyền hình, tập thể thao, đánh cờ. Còn có cả máy vi tính nữa. Ăn thì sang hơn là chúng mình đi ăn tiệm. Em có nhớ hôm trước xem phim không? Bữa ăn của tù, có một đùi gà hầm, bánh mì, khoai tây nghiền, xúp, một ly cối sữa, một trái chuối, và cả bánh ngọt nữa. Mỗi đêm, còn có lính bồng súng gác cho mình ngủ. Nước Mỹ chi tiêu cho mỗi người tù hàng năm từ ba mươi đến bốn mươi lăm ngàn đồng kia mà.”

Bà Tư quay lại nói:

“Ở tù mà sướng thế, nên không ai sợ, cứ làm càn, phạm pháp. Tù mà còn viết đơn kiện chính phủ vì nhà bếp nấu ăn không vừa miệng. Chỉ có nước Mỹ mới điên khùng như vậy thôi. Tại sao những khi thất nghiệp, mình không la toáng lên, yêu cầu nhà nước cho mình mỗi năm ba chục ngàn tiêu chơi. Nếu không thì mình cứ phạm pháp, cũng phải tốn hơn chừng đó tiền nuôi mình.”

“ Em làm anh phát ra sáng kiến, anh sẽ đề nghị chính phủ Mỹ ký khế ước, giao cho cọng sản Việt Nam giam giữ tù, để tiết kiệm ngân sách. Cứ cho lên Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời, Thanh Liệt, Sông Bé cải tạo là xong hết. Hàng năm, Mỹ chỉ trả công nuôi và giáo dục mỗi người tù chừng năm trăm hay một ngàn đô, thì nhà nước Việt Nam chỉ chi ra chừng bảy chục đến một trăm đô là quá thừa. Nuôi một triệu tù, thì Việt Nam thu lợi chừng nửa tỉ cho đến một tỉ đồng. Không cần dong tay nài nỉ xin xỏ tiền bạc của cộng đồng thế giới. Chính phủ Mỹ tiết kiệm được ba đến bảy tỉ đô la nuôi tù. Dư ra không biết bao nhiêu nhân lực đem sung vào lực lượng sản xuất. Phía Việt Nam, bắt tù đốn tre, chặt nứa, làm lán trại, trồng bắp, trồng khoai, ăn bo bo, khoai mì, thì chi phí ăn ở mỗi tháng chừng năm bảy đô là cùng. Còn cái lợi lớn khác, là khi mãn tù, anh nào cũng sợ xanh mặt, không bao giờ dám tái phạm nữa. Em cứ xem, mấy ông phi công Mỹ đã ở tù ngoài Bắc thì biết kết quả. Về rồi mới biết quý miếng cơm cháy, quý đời sống. Bởi vậy cho nên nhiều ông thành nghị sĩ, dân biểu, nhà ngoại giao, kỹ nghệ gia, thương gia triệu phú, nhiều lắm và nhiều lắm. Đó không phải nhờ công học tập cải tạo của bọn Bác Đảng sao ?

Bà Tư trở lại vấn đề :

“Nầy, anh đừng nói lảng qua chuyện khác. Em không tội chi đốt nhà để đi tù, rồi anh léng phéng với bà khác. Giao hẹn cho anh, tuần tới, phải sơn xong cái nhà kho. Nếu không thì em sẽ thuê người làm. Họ tính tiền công đến một ngàn rưỡi, rán mà trả tiền, đừng tiếc.”

“ Được rồi. Thứ bảy nầy anh rước một ông Mễ ngoài phố về phụ sơn, chừng một hai ngày thì xong. Em đừng lo.”

“ Làm gì thì làm, em không cần biết. Miễn sao sơn xong cái nhà kho thì thôi.”

Sáng thứ bảy, khi ông Tư còn ngủ nướng thì điện thoại đã reo vang . Bên kia đường dây, một ông bạn mời đến ăn sáng, và xoa mạt chược. Nghe đến mạt chược, ông Tư tỉnh táo hẳn, nói với vợ :

“ Bác Thư mời chúng mình đến ăn sáng, em có đi không?”

“ Không được. Anh đã hứa sơn cái nhà kho rồi. Hôm nay không đi đâu cả.”

Ông Tư tiu nghỉu, nói qua điện thoại với bạn:

“ Tôi sắp ra phố rước một ông Mễ về phụ sơn cái nhà kho. Hôm nay bận, xin hẹn tuần sau.”

“ Rước Mễ làm chi! Tôi có ông bạn mới tới Mỹ chưa được bao lâu, chưa có việc làm, rảnh rang lắm. Anh cho ông ta đến phụ sơn, kiếm chút tiền hút thuốc.”

Ông Tư ngần ngừ, rồi thở dài mà nói:

“ Không phải là tôi chẳng muốn giúp đồng hương, nhưng khó lắm anh ơi. Hồi trước có người bà con tôi mới đến Mỹ, họ năn nỉ tôi cho phụ cắt cây, làm cỏ trong nhà, rồi trả tiền công như trả cho người ngoài. Tôi cho làm và trả công cao hơn thuê người ngoài. Thế mà bây giờ, họ thi xong, hành nghề nha sĩ, đi đâu nó cũng nhắc chuyện hồi mới qua, đi làm công cho tôi, được trả lương tối thiểu. Mình nghe, cứ nhột và không vui. Người khác nghe, tưởng đâu mình lợi dụng, bóc lột sức lao động của người đó.. ”

Ông bạn bên kia đầu giây nói với giọng ép buộc và khẩn thiết:

“ Tôi bảo đảm cho, không có chuyện lấn cấn về sau. Đồng hương không giúp nhau, mà giúp người ngoài, nghe sao xuôi tai ? Hồi mới qua Mỹ, anh cũng mong có ai cho làm bất cứ việc gì, để kiếm chút tiền chứ. Sao mà mau quên hoàn cảnh khó khăn thế ? Chốc nữa, tôi chở anh ấy đến phụ sơn nhà nghe. Không từ chối được đâu.”

Ông Tư nghe mà chột dạ, và nhớ lại những ngày lao đao ban đầu. Đi đâu thấy ai làm việc gì, ông cũng nhìn và mơ ước được thuê vào làm . Không dám mơ được cái việc quý báu như mấy cô thư ký ngân hàng sang trọng, hoặc mấy cô tiếp viên ngồi ở bàn giấy, hay mấy ông gác gian bảo vệ cơ sở ăn mặc đồng phục oai vệ như sinh viên sĩ quan trong quân trường. Thấy họ cao sang quá. Khi thấy mấy ông thợ làm nghề xây cất, lưng đeo dây da to bản lòng thòng hàng chục thứ búa kềm, đồ nghề, ông cũng tự hỏi, biết chăng có ngày ông được như họ. Đọc tiếng Anh, thì ông không ngán, nhưng nghe và nói thì như câm điếc. Mơ ước có công việc làm ăn như trẻ con mơ chuyện thần tiên. Ông ho khan rồi trả lời:

“Xong rồi, anh cứ đem ông bạn qua đây phụ tôi. Sau nầy ông ta có ghét bỏ, thì tôi rán chịu. Bây giờ không nhận cho ông ta làm, thì tôi thấy tự xấu hổ với riêng mình, và không yên tâm.”

Bà Tư càu nhàu vì ông chấp nhận lời đề nghị của ông bạn. Ông nhẹ nhàng bảo vợ:

“ Thôi, làm được điều gì đúng mình cứ làm, cho lương tâm yên ổn. Sau nầy có ai ghét bỏ thì cũng không sợ.”

“ Anh thì hay tình cảm không đúng chỗ. Đi thuê Mễ về làm việc, lần nào cũng thuê mấy người không biết nói tiếng Anh, vì cứ nghĩ đến tình cảnh của anh ngày xưa. Rồi cứ ra dấu, hiểu lầm nhau mãi. Xưa khác, nay khác rồi. Phải đặt quyền lợi của mình lên trên tình cảm yếu đuối.”

“ Được trời cho như ngày nay, mình cũng không nên ôm hết lấy, mà nên chia xẻ chút chút với những kẻ đang khó khăn quanh mình.”

Khi ông Tư chuẩn bị dụng cụ và vật liệu xong, thì người bạn đem ông Phi, người muốn có việc làm đến. Ông nầy đầu hói láng, mày rậm, mang kiếng trắng, ăn mặc áo trắng, quần tây xanh sậm, đàng hoàng như sắp đi phố chứ không phải đi lao động sơn nhà. Hai bên chào hỏi giới thiệu nhau. Ông Tư cười, rào đón trước:

“ Nước mất nhà tan. Chạy qua được đây, toàn cả thiên thần bị đọa xuống trần gian, phải đi làm những việc trái với khả năng, không đúng với sở nguyện. Chúng ta cùng lứa tuổi, cho tôi kêu nhau bằng anh em cho thân mật. Cám ơn anh đến giúp tôi sơn nhà, mai mốt anh mua nhà cần sửa chửa, thì anh thuê tôi làm phụ, đừng thuê người khác nghe.”

Ông Phi cười, nụ cười hơi gượng, và nhìn ông Tư bằng ánh mắt biết ơn vì lời nói tế nhị, tử tế. Ông Phi nói:

“ Trong tù tôi cũng từng gánh phân người, làm đủ công chuyện nhọc nhằn. Bên nhà, tôi cũng đã làm đủ thứ nghề lao động chân tay. Sơn nhà thì nhẹ nhàng dễ dàng như húp cháo thánh.”

Sau khi uống xong tuần trà xã giao, ông Tư ông Phi đưa ra vườn sau, chỉ dẫn cách cạo sơn đã tróc lở trên tường nhà. Ông Tư vào nhà chuẩn bị thêm dụng cụ, để hai người cùng làm cho mau. Bà Tư đứng ở cửa sổ nhìn xuống nhà kho, thấy ông Phi vừa cạo sơn, vừa mấp máy môi, thỉnh thoảng đưa ngón tay chỉ chỏ vào quãng không. Bà lo lắng kêu chồng lại và nói:

“ Anh xem, ông kia lẩm bẩm một mình, tự nói tự nghe. Không chừng ông ta bị bệnh tâm thần. Anh phải cẩn thận, lỡ ông ta lên cơn, lụi cho anh một dao thì khốn đó.”

Nghe vợ nói, ông Tư cũng hơi ngán. Khi ra cạo sơn, ông dè dặt đứng xa ông Phi, để có gì bất trắc thì còn kịp mà chạy. Ông Tư cố lắng tai nghe ông Phi nói gì mà môi ông cứ mấp máy mãi. Lâu lâu, ông Tư liếc mắt canh chừng, nhưng thấy ông Phi vẫn chăm chú làm. Chừng nửa giờ sau, dường như ông Phi quên có ông Tư làm việc bên cạnh, cất tiếng ngâm thơ sang sảng. Ông Tư giật mình hỏi:

“ Anh ngâm thơ? Thơ của ai thế?”

Ông Phi hơi ngượng ngập trả lời:

“ Thơ tôi làm chơi cho vui ấy mà. Thời buổi nầy, còn rất ít người thích thưởng thức thơ văn. Truyền hình, phim truyện, phim nhạc tiến mau quá. Đời sống tốc độ, ít ai còn thì giờ mà ngâm nga thưởng thức cái đẹp trong văn chương. Tôi còn hủ lậu, nên cứ mang lấy cái nghiệp thơ vào mình. Cái nghiệp thiệt ông ạ . Bà con, bạn bè cứ cười tôi sống mơ mộng, không thực tế, thời buổi nầy, thơ văn không làm no bụng bằng bánh mì.”

Ông Tư cười ha hả và nói:

“ Anh làm tôi sợ hết hồn. Bà xã tôi thấy anh lẩm bẩm một mình, tưởng anh có bệnh tâm thần, không dè anh ngâm thơ. Nãy giờ tôi cũng sợ không dám đứng gần anh. Anh là một thi sĩ mà tôi không biết. Tôi cũng khoái đọc thơ lắm. Tôi không nghĩ rằng yêu thích thơ văn là hủ lậu như anh nói. Ngày nào trái tim con người còn biết thổn thức, ngày nào con người còn dùng chữ viết, còn dùng tiếng nói để trao đổi tư tưởng, thì ngày đó thơ văn còn được ưa chuộng. Chỉ khi nào khoa học tiến bộ đến độ con người truyền thông cho nhau bằng làn sóng , chuyển và nhận qua ý nghĩ trong óc thôi, thì e rằng khi đó văn thơ mới có thể tàn lụi. Anh thấy đó, thơ ít ai đọc mà lại được xuất bản ào ào, ai cũng in thơ. Anh bỏ cái cạo sơn xuống, vào trong kho nầy, tôi cho anh xem.”

Ông Tư mở cửa nhà kho, bật đèn và kéo ông Phi vào cái kho bề dài tám thước, bề ngang sáu thước, bốn bên tường có kê kệ đựng sách sát vách. Sách chất đầy kệ từ dưới sàn lên thấu trần. Ông Phi hớn hở nhìn thấy mấy ngàn tập, toàn cả thơ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt. Nhiều cuốn đóng gáy da dã sạm màu, chữ thếp vàng đã nhạt, bìa sờn rách vì thời gian. Ông Phi lẩm bẩm:

“ Thật là ‘Kho Thơ’. Tôi đoan chắc thư viện của thành phố nầy cũng không có nhiều thơ bằng.”

Ông Phi với tay lật một tập thơ chọn lọc, bên trong có chữ ký của người mua vào năm 1858 . Một thế kỷ rưỡi, từ khi phong trào tìm vàng dậy lên ở California. Cái bìa sách bằng da gần mũn, giấy vàng ố. Ông Phi đọc lướt qua một bài thơ ngắn rồi xuýt xoa:

“ Người xưa làm thơ hay thật. Làm sao mà anh có được cả kho thơ nhiều như thế nầy? Toàn là thơ quý, nhiều cuốn thơ xưa cả vài trăm năm . Những cuốn gáy da, chữ vàng nầy, không mua đâu ra nữa.”

Ông Tư cười sung sướng nói:

“ Mọi chuyện đều có cơ duyên. Ban đầu, tôi chỉ mua một ít cuốn thơ hay mà đọc thôi. Rồi tôi khám phá ra những tiệm sách cũ, họ bán chừng nửa giá. Những sách xưa và quý, thì họ bán đắt lắm, cả bạc trăm, mình không mua nỗi. Họ khôn và kinh nghiệm khiếp lắm. Về sau, ngày nghỉ tôi đi chơi, lùng sách tại các nơi treo bảng bán dồ cũ trên sân cỏ. Nhiều cuốn sách quý, bán vài ba đồng. Rồi tôi đi chợ trời. Có nhiều cuốn sách rất quý, người bán không biết giá trị, chỉ mong tống khứ đi cho đỡ chật chỗ. Mua chừng vài đồng là họ mừng húm. Có cuốn mua chừng hai đồng, mà vào tiệm sách quý, thấy đề giá một hai trăm bạc. Anh nhìn hơn chục tập thơ của Omar Khayyam trên kệ nầy, hôm tôi đi xem triển lãm bán sách quý, có cuốn đề giá hơn năm trăm . Trị giá mấy tập thơ nầy cả mấy ngàn bạc chứ không ít đâu. Thường thì các chủ tiệm sách cũ họ đi lùng và thu mua hết, họ giỏi và thông thái lắm, sách quý ít khi đến tay mình. Về sau, tôi gặp được cơ duyên tốt, kết thân với hai ông Mỹ bán đấu giá tài sản của những người chết. Thỉnh thoảng tôi mời các ông đi ăn tô phở , tô bún bò. Khi nào có bán đấu giá, các ông thông báo cho tôi biết. Các nơi nầy, sách thơ vất bừa bãi như rác. Nhiều cuốn thơ, có lẽ khi còn sống, chủ nhân còn quý hơn vàng. Khi chết rồi, chẵng ai biết đến giá trị. Tôi cứ thế mà hốt với giá rẻ mạt. Người bán cũng mừng, vì tôi hốt bớt rác cho họ. Nhưng cũng có khi người bán tinh lắm, biết sách quý, đề giá cao kinh khủng. Mười phần, thì có đến chín là không bán được, vì những người đi mua đấu giá tài sản ngưởi chết, đa số là dân phàm phu tục tử, văn thơ đối với họ không đáng giá vài xu, cho họ cũng không lấy vì ôm nặng. Bán không được, họ vất vào đống rác, những người thầu hốt rác, đem ra chợ trời, đổ xuống bán một đồng ba bốn cuốn. Nếu mình đến chợ trời đúng lúc, thì cứ hốt đầy xe, để mà về nhà nghe vợ cằn nhằn, bảo là tha rác về nhà. Có khi tôi bị cằn nhằn suốt cả một hai ngày, nhức đầu lắm ông ạ. Nhiều khi, mình đã có hai ba cuốn thơ đó rồi, mà thấy nó bán rẻ quá, thì cũng phải rước về thôi. Đây nầy, anh thấy tôi có bốn tập thơ cùng nhan đề “ Những Bài Thơ Tình Hay Nhất” và có ba cuốn “ Thơ Đọc Nhức Tim”, mười hai tập “ Thơ Omar Khayyam” Nhưng các tập nầy xuất bản vào các năm khác nhau.”

Ông Phi như người say lạc vào mê hồn trận của kho thơ. Ông lật hết tập thơ nầy qua tập thơ kia. Rồi ông cầm một tập thơ, ngồi dựa ngữa ra trên cái ghế xếp mà đọc say sưa. Không cần nhớ đến cái việc sơn nhà mà ông đang được thuê làm. Ông Tư cười cười, lẵng lặng đi ra, cầm cái bay cạo sơn tiếp. Khi ông Tư chợt nhìn đồng hồ, thì thấy đã gần mười hai giờ trưa . Ông vội vã vào lục tủ lạnh, lấy thức ăn, hâm lò vi ba. Lấy thêm một chùm bia, tôm khô, củ kiệu và vài thức nhắm , dọn ra cái bàn đặt dười bóng cây bưởi có trái xanh tròn đu đưa theo gió. Ông nghiêng đầu vào cửa kho và nói:

“ Trưa rồi, mời anh ra ăn, uống vài lon bia, mình nói tiếp chuyện thơ phú.”

Ông Phi ậm ừ vì dang đọc dở trang thơ, ông Tư phải kêu hai ba lần, ông mới lảo đảo bước ra, mắt nheo vì nắng chói. Hai người ngồi trên ghế thấp kê dưới bóng mát tàng cây bưởi. Ông Tư ép ông Phi uống bia, ăn thịt gà xối xì dầu, lòng heo xa xíu. Ông Phi như chưa tỉnh hồn ra khỏi miền thơ, mắt còn mơ màng. Ông nói:

“ Thơ Omar Khayyam hay thật. Ông là người Ba Tư, xứ Hồi Giáo khắc nghiệt, mà làm dược những bài thơ tuyệt diệu. Không có gì cao siêu, rất gần với đời sống. Làm xúc động lòng người. Tôi đọc, khoái quá, tôi có chuyển đoạn sau đây thành thơ lục bát, đọc anh nghe chơi. Ông Phi chạy vào nhà kho, lấy cuốn thơ, có trang xếp góc đánh dấu nói:

“ Đây, đoạn nầy tạm dịch văn xuôi : “Họ đoan chắc với tôi rằng ở Thiên Đường có con gái nhiều vô số . Họ cũng đoan chắc rằng, tôi sẽ tìm được rượu nho và mật ngọt trên Thiên Đường. Nhưng kìa, sao ở trần gian lại cấm rượu và đàn bà. Như thế, thì mai sau ( chết lên Thiên Đường) phần thưởng dành cho tôi là rươu và gái phải không?” Tôi diễn thơ như sau, anh nghe xem: “Thiên Đàng hứa hẹn đông nhiều. Rượu ngon, mật ngọt, yêu kiều gái xuân. Trần gian cấm rượu, giai nhân. Mai sau gái rượu thưởng phần phải chăng?”

Ông Tư khen ông Phi mau mắn, và giàu cảm xúc. Mới đọc qua mà đã diễn thành thơ liền. Ông Phi muốn mượn một tập thơ của Omar Khayyam về để diễn thành thơ Việt ngữ. Ông Tư cười và nói:

“ Chậm mất rồi anh ơi. Học giả Nguyễn văn Hòa đã dịch tập thơ của Omar Khayyam rồi. Tôi chưa được đọc tập thơ do cụ Hòa dịch. Tôi nghĩ, cụ Hòa giỏi về ngữ pháp, nhưng cái năng khiếu vận dụng ngôn ngữ, năng khiếu gây xúc động trong lòng người đọc, thì mỗi người mỗi khác. Nếu thích thơ của Omar Khayyam, anh tìm bản dịch của cụ Hòa , rồi muốn diễn thơ theo lối anh, thì lên lạc với cụ Hòa mà bàn lại cho kỹ. Tôi nhớ anh có nói là “cứ mang cái nghiệp thơ vào mình”. Anh có thể cho tôi biết hơn một chút về cái “nghiệp” đó như thế nào không?. Làm thêm lon bia nữa đi. Mồi còn nhiều, vừa ăn vừa nói chuyện đời chơi.”

Uống một hơi bia, gắp thêm lòng heo nhai, nuốt. Ông Phi mơ màng nói:

“ Mới gặp anh lần đầu mà tôi tưởng như tri kỷ từ lâu. Sở thích cùng đồng điệu . Nói anh đừng cười, tôi tự xem mình như là đứa con của thơ. Bởi tôi được cấu thành do hai câu thơ của bố tôi. Dong dài một chút. Ông ngoại tôi là một người khoa bảng, văn hay chữ tốt, để lại nhiều tập thơ rất hay. Mẹ tôi là con út trong gia đình, nhan sắc mặn mà nỗi tiếng, được ông ngoại tôi cho học cả chữ Pháp lẫn chữ nho. Mẹ tôi thuộc làu làu hàng ngàn bài thơ, hàng ngàn câu ca dao. Khi nào ông ngoại tôi làm được bài thơ đắc ý, thường bảo mẹ tôi ngâm cho ông nghe. Bố tôi con nhà nghèo, hồi đó học hành chưa tới đâu, yêu thầm trộm nhớ mẹ tôi. Một hôm bố tôi nghe có gia đình ông tham tá lục lộ đi coi mắt mẹ tôi. Anh nhớ thời xưa đó, ở Hà Nội có câu “ Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, nghĩa là không tốt nghiệp trường cao đẵng thì đừng hy vọng chi lấy được vợ đẹp, con nhà đàng hoàng. Bố tôi học chưa xong trung học, không nghề nghiệp gì, nghe có người đi coi mắt mẹ tôi, ông quýnh lên. Trăn trở nhiều ngày đêm, viết được hai câu thơ. Chờ đêm về, khi mẹ tôi đang ngồi học bên bàn, cạnh cửa sổ. Ông vén màn, ném lá thơ vào, rồi bỏ chạy như ma đuổi. Mẹ tôi bắt được mở ra đọc, chỉ có hai câu:
“ Đừng ham xe điện tàu bay. Bỏ xe tay mà tội!”

Thiệt tình, vè cũng không phải mà thơ con cóc cũng không phải. Thế mà bố tôi đã trăn trở, mất bảy ngày đêm mới sáng tác được. Nhưng mà lại có hiệu quả mới lạ chứ. Mẹ tôi đọc xong, cảm động, con người gì mà khiêm tốn lạ lùng, tự ví mình với chiếc xe tay khốn khổ . Mẹ tôi trình lá thơ cho ông ngoại tôi xem, ông cười ngất, và khen bố tôi nhân hậu thật thà. Rồi nhất định gả mẹ tôi cho bố tôi, dù ông chưa có nghề nghiệp gì . Bố tôi lấy được vợ, không muốn nhờ nhà vợ đểụ đi học tiếp, bỏ ngang, xin làm thơ ký bưu điện nuôi vợ, nuôi con. Anh xem, thế thì, nhờ thơ mà bố mẹ tôi kết hợp và sinh ra tôi. Tôi là đứa con của thơ, chứ còn gì.”

Ông Tư cười vang và nói:

“ Tôi phục ông cụ của anh quá. Ngoài bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, và Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư của Lý Thường Kiệt ra, tôi chưa thấy bài thơ nào mang kết quả tốt đẹp cho người làm thơ được đến như vậy. Bài thơ hai câu của ông cụ anh đáng đem vào văn học sử. Không phải thơ hay, không phải cao siêu bí ẩn, nhưng bài thơ đem lại kết quả tức thời. Không thiếu chi người phải vắt óc viết đến ba bốn tập thơ ca ngợi người đẹp, mà cũng chưa nên cơm cháo gì.”

Ông Phi cười và nói tiếp:

“ Tôi cũng phục ông cụ tôi vô cùng, viết được hai câu thơ như vậy mà dám đem gởi cho mẹ tôi, một người con gái thơ phú đầy mình. Được vợ, nguồn thơ của bố tôi tịt ngòi từ đó. Không biết có phải vì bố tôi thấy tài năng và kiến thức về thơ của ông, so với vợ, cũng như vũng nước mưa bên đường so với đại dương mênh mông chăng. May thay, ông không làm thơ thêm, nếu không thì chắc người đời cũng khổ lây, vì phải nhăn mặt mà đọc thơ ông. Tôi lớn lên trong lời ru thơ của mẹ, những câu ca dao, những câu Kiều, những Chinh Phụ Ngâm, Tì Bà Hành, đến nỗi khi vào trường, không học, mà tôi thuộc làu nhiều tác phẩm thơ, từ câu đầu đến câu cuối. Lạ lùng, học bài thì không thuộc, nhưng đọc thơ qua một lần là tôi nhớ làu làu. Tôi thuộc gần hết các bài thơ hay thời tiền chiến, thời hiện đại, và thuộc luôn thơ của bạn bè thân thiết. Thời nhỏ đi học, tôi viện cớ trời nắng, trời mưa, đòi ở lại buổi trưa tại trường, để nhịn ăn trưa, dành tiền mua sách, mua thơ. Thời đó tôi ốm nhom vì nhịn ăn mà mua sách. Mới học tương đương với lớp bảy, lớp tám bây giờ, tôi để cái đầu bù xù như tổ quạ, bạn bè kêu tôi là Chateaubrian, tên một thi sĩ danh tiếng của Pháp. Bố tôi đánh đòn đến mấy, cũng không hạ được cái đầu tóc bù xù của tôi. Tôi tưởng mình là nhà thơ lớn thật, vơ vẫn làm thơ, không chịu học bài. Có hôm làm luận văn, tôi viết theo lối văn vần lục bát. Thầy giáo phê vào bài luận đó là “Nhảm nhí” và cho hai điểm trên mười. Thế mà cũng không làm tôi tỉnh ngộ. Tôi bị thi rớt trung học khi vào vấn đáp vì môn quốc văn. Cô giáo hỏi tôi về “ ý nghĩa tiếng đàn trong truyện Kiều”, tôi nghĩ là mình trúng tủ, nói thao thao bất tuyệt. Cô ngắt lời tôi mấy lần, mà tôi cứ nói cho sướng miệng. Cô giận thằng nhỏ ngông nghênh, bảo là lạc đề, cho tôi số không. Năm đó tôi ở lại lớp, phẫn chí, làm được tập thơ cả bảy tám chục bài. Tập thơ mất, tôi không còn nhớ bài nào, nhưng có lẽ không đến nỗi có thể so sánh với thơ của ông bố tôi. Dạo đó, vì đọc tiểu sử của các nhà thơ, tôi nghĩ là phải có nàng thơ, thi sĩ mới có nhiều cảm hứng, làm thơ hay. Tôi quyết định chọn cô bé ở xóm trên làm nàng thơ của tôi. Và không ngờ, tôi đâm ra yêu thật cái cô gái có tay dài như tay vượn, và môi dày che cái răng khểnh đó. Tôi làm thơ ca ngợi nàng, xa gần tả tình tả cảnh. Làm thành một tập thơ, nhan đề là “ Cánh Nhạn Bên Trời”. Bởi nàng tên là Yến. Tôi đưa tập thơ cho một anh bạn trong xóm đọc. Anh nầy lựa chừng hai chục bài ưng ý nhất, chép lại thành một tập thơ, lấy tên là “ Gọi Yến Mây Ngàn”. Chữ anh nầy đẹp lắm, viết tay mà vuông vắn tròn trịa, đều đặn như chữ in. Cuốn thơ của anh cắt xén gọn gàng, thuê thợ đóng bìa cứng gáy da. Anh đem tặng cô Yến, và bảo là thơ của anh làm tặng cho cô. Tôi không biết chuyện nầy. Khi tôi rụt rè đưa tặng cô Yến tập thơ của tôi, cô cũng nhận. Mấy ngày sau, cô ném tập thơ vào mặt tôi mà mắng: “ Đạo thơ của người khác, không biết xấu hổ”. Tôi xấu hổ vì bị ném tập thơ vào mặt, và thất tình, tôi xin đi sĩ quan Thủ Đức. Thấy tôi bỏ học, bố mẹ tôi buồn phiền lắm. Nhưng nhờ võ vẽ năm ba câu thơ, vào quân trường tôi được sung vào ban văn nghệ chuyên làm báo, khỏi đi học bãi, khỏi đi tập tành. Nửa khóa học đã qua, mà tôi chẵng bao giờ ra bãi tập cả, tôi sợ thi rớt ra trung sĩ, một hôm trốn ban văn nghệ theo các bạn ra bãi tập. Khi học cận chiến, huấn luyện viên hô “Thủ thế”. Trong khi toàn thể khóa sinh nhảy ra, chân trước chân sau, hai bàn tay xòe ra, khủy tay co lại che ngang ngực, thì tôi rùn chân xuống, hay bàn tay mắm lại tựa vào hông theo thế thủ mà tôi biết. Khi thấy mình khác bạn bè, tôi sửa thế lại, thì huấn luyện viên đã hét lên: “Anh kia, vào đây đã nửa khóa rồi, mà chưa biết thế thủ. Sao mà đần độn đến thế. Phạt anh hai trăm cái hít đất, chạy năm vòng sân”. Khi tôi vừa thi hành hình phạt xong, mệt muốn ngất người, đang nôn ọe xây xẩm, thì khóa sinh trực ra tận bãi tập, kêu tôi về trình diện sĩ quan trưởng ban văn nghệ. Ông chữi bới vuốt mặt không kịp, bảo tôi trốn làm văn nghệ, và phạt thêm hai trăm cái hít đất. Tôi xin trình bày, định nói với ông là không đi học, thì sau nầy làm sao mà thi cử, nhưng ông gạt đi, không cho tôi nói. Bạn bè cho tôi biết, các khóa sinh hoạt động thường trực cho các ban ngành, thì sẽ được các ông sĩ quan trưởng ban gởi gắm khi thi cuối khóa, khỏi lo làm bài được hay không. Nhưng số tôi mạt, trước khi thi thì vị sĩ quan trưởng ban văn nghệ bị thuyên chuyển về đơn vị khác. Không ai gởi gắm, chúng tôi may mắn, thi đậu nhưng chót bảng. May mà không thi rớt, phải ra trung sĩ. Bỡi vậy, bọn trong ban văn nghệ chúng tôi bị về trấn đóng những nơi khỉ ho cò gáy. Tôi bị đưa về Đông Hà, gần giới tuyến. Cũng nhờ gần đại học Huế, nên mấy năm sau, khi đã có tú tài hai, tôi ghi danh đại học văn khoa Huế. Lâu lâu chạy đi chạy về Đông Hà – Huế, hốt hoảng dự vài buổi học rồi về đơn vị. Trở lại đời sinh viên bán chính thức, tôi thấy lòng vui và yêu đời hơn. Bài vở tôi chỉ học qua loa, thi đậu hay rớt cũng không quan trọng, thế mà bốn năm, tôi lấy được cái cử nhân văn chương. Cũng vì thơ phú, mà tôi dính với một cô sinh viên bạn học, là vợ tôi bây giờ. Cô đọc được thơ tôi đăng trên báo quân đội. Đúng là thơ là cái nghiệp của đời tôi. Bố tôi cũng nhờ thơ mà được vợ, tôi cũng vì thơ mà có vợ. Thật tình dạo đó, tôi cũng chưa dám lập gia đình, vì đời lính, sống chết chưa biết ngày nào, mà lương tiền cũng không dồi dào chi. Lấy nhau là đem nhau vào vất vả, âu lo. Cuộc sống khó khăn của thực tế sẽ chôn đi bao nhiêu thiên đường mộng mơ đẹp đẽ. Trước khi lập gia đình, tiền lương của tôi hầu như chỉ để ăn và cúng cho các tiệm sách. Đi đâu cũng lè kè mang theo mấy thùng sách như của gia bảo. Có khi hầm trú ẩn của tôi thành một cái thư viện nho nhỏ cho anh em binh sĩ giải trí đỡ buồn nơi tiền đồn heo hút. Khi sách quá nhiều, thì gởi về nhà bố mẹ tôi. Sau khi có gia đình, thì lâu lâu mới lén lút mua được cuốn sách. Vì nếu vợ tôi biết được, thì ồn ào nhà cửa. Một điều lạ lùng nữa, vợ tôi vì thích thơ của tôi mà lấy tôi. Nhưng sau khi lấy nhau rồi, thì bà không muốn tôi làm thơ nữa. Mỗi lần viết thơ, tôi phải lén lút, dấu diếm như làm việc quốc cấm.”

Ông Tư mở thêm lon bia nữa, nài ép ông Phi:

“ Làm thêm ít lon bia nữa, có sức mà kể chuyện xưa. Ăn nhiều vào, loại gà xì dầu nầy, mua ở tiệm đặc biệt, tận San Francisco đó. Chuyện anh kể vui quá. Rồi sao nữa trong cái nghiệp chướng hệ lụy của thơ văn?”

Bốn năm lon bia đã nung mặt ông Phi đỏ bừng, hai mắt lờ đờ. Vừa nhai, ông Phi vừa kể tiếp:

“ Cuộc đời lắm chuyện ly kỳ. Năm sáu năm sau, kể khi tôi tôi thất tình bỏ đi lính, thì tôi gặp lại anh bạn ăn cắp thơ tôi, và cuỗm luôn cả nàng thơ của tôi. Khi đó tôi đã là đại úy đại đội trưởng. Anh bạn là chuẩn úy mới ra trường được gởi đến đơn vị tôi. Khi trình diện tôi, anh bạn xanh mặt, vì sợ tôi trả thù. Tôi làm như không biết và không nhớ chuyện xưa, vồn vả chào hỏi đón tiếp anh ấy. Cái hình ảnh nàng thơ xưa đã lu mờ hẵn trong trái tim tôi, đó chỉ là mối tình thầm kín vớ vẩn dại dột của tuổi mới lớn. Thất tình một cách ngu xuẫn, vì đã có tình ý chi với nhau đâu. Thế mà bỏ học, làm cha mẹ khổ buồn. Anh bạn cũng làm như không nhớ chuyện xưa. Sau nầy biết đời sống khốn đốn của anh bạn với nàng thơ xưa, tôi càng tử tế hơn, vì biết ơn anh đã lãnh dùm cho tôi cái cán búa. Nàng thơ xưa của tôi, nay trở thành bà chằng lửa dữ dằn, nạt nộ chồng con như tát nước. Không còn đẹp như trong lời thơ tôi khi trước: “Em hiền Thánh Nữ đồng trinh. Trái tim nhân ái, nuôi tình trăm năm .” . Sau khi tôi lấy được cái bằng cử nhân, và nhờ một số thơ đăng rải rác trên báo quân đội, tôi được đưa về cục tâm lý chiến. Bỡi vậy nên khi miền Nam thua trận, phải đi tù, chúng đày tôi ra miền Bắc. Trong tù, chúng tôi vẫn làm thơ và lén lút đọc cho nhau nghe. Bọn cai tù biết được, biệt giam tôi vào cái hầm kín, cái từng địa ngục nầy, ngày thì nóng như lò thiêu xác, đêm thì lạnh như hầm băng. Tôi sống sót được nhờ thơ. Ngày đêm tôi làm thơ, đọc thơ, nghĩ thơ, và thở ra hơi thơ để cầm giữ sự sống, để chống chỏi với cô đơn, đói khát, đau đớn thể xác. Trong các hầm giam nầy, khó ai sống sót qua một tuần. Thường thì thi thể tội nhân được khiêng ra, đã thành cái xác khô, thối hoắc. Thế mà tôi sống sót qua ba tháng. Xác tôi được kéo ra, chúng định ra lệnh đem chôn, nhưng có người nói tôi chưa chết. Tôi nằm thoi thóp thêm mấy tháng nữa ở nơi mà chúng nó gọi là bệnh xá. Bọn quản giáo nghĩ là tôi sắp chết, cho về nhà, để làm rạng đức khoan hồng của ‘cách mạng.’ Nhờ vợ con chăm nom thuốc men, tôi không chết. Nếu không được về, thì đã gởi thây mgoài núi rừng Bắc Việt là chuyện chắc.

Tôi bám lấy thành phố, dù công an đêm ngày thúc dục đuổi tôi đi kinh tế mới. Tôi hành nghề hớt tóc vĩa hè. Treo một cái gương, đặt một chiếc ghế trong hẻm của xóm Tắm Ngựa. Hớt tóc cho bà con quanh xóm. Ai trả bao nhiêu cũng được. Thời đó, mọi sinh hoạt đều được quốc doanh hóa, duy không có quốc doanh hớt tóc. Thế mà nhờ đó, tôi lại có cơm cháo qua ngày. Tôi vừa hớt tóc, vừa ngâm thơ cho thiên hạ nghe, ai cũng khoái, khách hớt tóc của tôi nườm nượp. Nhưng rồi tai họa tới, cũng vì thơ cả. Có người tố cáo tôi đọc và làm thơ “phản động”. Công an bắt tôi và soát nhà, lòi ra tập thơ cả mấy trăm bài, làm sao mà khỏi có thơ “ phản động”. Tôi bị gán tội biệt kích văn nghệ, gián điệp Mỹ gài lại, để làm cuộc chiến tranh văn hóa, tâm lý. Chúng gán cho tôi là kẽ sáng tác ra những bài ca dân gian chế diễu, mĩa mai chính quyền. Tôi không nhận tội. Chúng lại biệt giam tôi một lần nữa tại Chí Hòa. Một năm nằm trong phòng biệt giam. Không cho liên lạc gia đình, bà con. Nằm trong đó, tôi thèm đọc, thèm một miếng giấy có chữ, không cần nội dung, có chữ mà đọc cho đỡ ghiền, đỡ cô đơn. Mùa hè trời nóng nực, cứ sáu ngày chúng cho đi tắm một lần. Mỗi lần được ra tắm là sướng lắm, sướng hơn cả lần đầu tiên được hôn người con gái. Vì được thấy mặt trời, thấy ánh sáng chói chan, và nhất là được thở không khí trong lành đầy lồng ngực. Lại được tắm trong vòng năm phút, nước chảy trên người như xối cả hạnh phúc, xối cả sung sướng lên thịt da, lên đầu tóc, chảy len vào từng kẽ tay, khe chân. Sướng lắm. Thế mà có lần được ra tắm, tôi thấy một miếng giấy báo nhỏ, miếng giấy chùi đít có vệt phân khô của ai đó bay ra khỏi thùng phân khi đem đi đổ. Trên miếng giấy báo đó, tôi thấy loáng thoáng từng giòng như có một bài thơ. Tôi mừng run lên. Giả vờ làm rớt cái khăn lên miếng giấy, rồi cúi xuống lượm khăn, cặp luôn miếng giấy dấu vào trong khăn. Thế là bỏ một lần tắm quý báu. Đem mảnh giấy báo về phòng, tôi dùng khăn thấm nước nhẹ nhàng chùi vệt phân trên giấy, kỹ lưỡng hơn các nhà khảo cổ lượm được di tích nhiều ngàn năm trước. Tôi đọc được, đó là bài thơ ca tụng lao động sản xuất của một gã bồi bút. Nhưng tôi thấy sung sướng, sảng khoái, và niềm cô đơn thèm khát chữ nghĩa được thỏa mãn. Tôi cất kỹ như một báu vật, lâu lâu đem ra đọc như để tự đãi mình. Cho đến ngày ra khỏi biệt giam, tôi không biết mình đã đọc tấm giấy kia được bao nhiêu ngàn lần. Kỳ lắm anh ạ. Cho đến bây giờ, mỗi khi ngồi bàn cầu, tôi cũng phải có cái gì để đọc mới đi cầu được. Nếu không thì cừ ngồi hoài. Có khi đến nhà lạ, không có sách vở báo chí trong nhà cầu, tôi phài cầm cái ống kem đánh răng, săm soi mà đọc những giòng chữ in trên đó, để có thể đi cầu được. Đó là một thói quen không tốt, nhưng cũng là một thứ hạnh phúc nho nhỏ của cuộc đời tầm thường nầy. Nhà cầu bên mình, tối tăm, chật chội, ẩm thấp, hôi hám, ruồi nhặng vi vút oanh tạc, thế mà tôi cũng phải có cái chi đọc. Huống chi nhà tiêu bên nầy rộng như phòng ngủ, sạch sẻ như phòng khách, thơm tho, có nhạc mềm nhè nhẹ ru đưa, thì cứ ngồi trên bồn cầu mà đọc sách, là sung sướng ngất trời. Hạnh phúc đơn giản thế, tội chi mà không hưởng.”

Hai ông Tư và Phi, mỗi ông đã cạn hết bảy tám lon bia, ăn gần hết con gà, dĩa tôm khô và lon củ kiệu. Mặt họ đỏ lửng, mắt mờ lim dim. Ông Phi nhớ đến công việc phải làm, đứng dậy nói lè nhè:

“ Thôi, rán làm việc một chút. Bóng nắng đã xế. Chuyện trò mãi không bao giờ hết. Thơ với thẩn. Nợ với nần. Nghiệp với chướng.”

Ông cầm cái bay cạo lên tường, nhưng say quá, cái bay cứ rớt xuống đất mãi. Ông Tư cũng ngật ngừ, loạng choạng đi vào nhà kho, kéo hai cái ghế xếp bật ra, kê dưới gốc bưởi và kêu ông Phi:

“ Thôi anh ơi. Tội chi mà không nằm xuống đây chợp một giấc cho đã đời. Dễ chi có được một ngày vui như hôm nay.”
 
Ông Tư và ông Phi nằm dưới bóng mát cây bưởi mà thi nhau ngáy như kéo gỗ. Thỉnh thoảng ông Phi mấp máy môi, ngâm thơ trong giấc ngủ. Mấy con chim nhỏ trên cành, nghiêng đầu liếc mắt nhìn xuống hai ông bạn thơ nằm ngủ, rồi cất tiếng hót nhẹ nhàng như lời ru.

Khi hai ông thức giấc, thì nắng chiều đã nhạt và gác nghiêng nghiêng. Bầy ruồi và ong áo-cánh-vàng đậu đầy mấy dĩa thức ăn, chia phần ăn nhậu. Ông Tư đứng dậy vươn vai, nhìn cái nhà kho mà lo ngại. Khi bà Tư về, thế nào cũng cằn nhằn, to tiếng gây gỗ ồn ào, vì hai ông chỉ mới cạo được vài mãng sơn nhỏ trên tường.

Ông Tư tuyên bố ngày làm việc đã mãn. Đưa ông Phi ra về. Ông Phi thì cứ nhìn lại cái kho, như ái ngại lắm. Khi ra khỏi cỗng, ông Tư cầm tiền trả công đưa cho ông Phi. Ông Phi gạt đi và nói:

“ Tôi có làm gì đâu mà trả công? Còn được ăn nhậu, đọc thơ, tâm sự dong dài. Đáng ra, nếu tôi có tiền, thì phải trả ngược lại cho anh là khác. Đừng làm tôi áy náy, không yên tâm.”

Ông Tư nài nỉ, nhét tiền dúi vào túi quần ông Phi, nói với giọng khẩn khoản:

“ Thì cũng mất một ngày công của anh. Được biết anh, có được một ngày vui như hôm nay, thì bạc ngàn cũng mua không ra. Đời có nhiều thứ còn quý báu hơn bạc tiền.”

“ Vâng, tôi nhận cho anh vui lòng, nhưng để cái kho đó, tuần sau tôi đến sơn cho anh, làm cho xong mới thôi, không nhận thêm đồng tiền công nào cả. Chỉ cần cho tôi mượn vài cuốn thơ đọc chơi là được rồi.”

Hai ông bạn thơ cầm tay nhau cười sung sướng.  

 
Tràm Cà Mau
@  vnthuquan               

Tuesday, November 27, 2012

CSVN


Những tấm hộ chiếu và nỗi nhục của người Việt
 
Tấm hộ chiếu bành trướng và những phản ứng
 
Mấy hôm nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới xôn xao về tấm hộ chiếu Trung Cộng vẽ đường lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông, phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ, Đài Loan, Nam Hàn vào hộ chiếu cấp cho công dân họ đi khắp thế giới. Đây là một đòn bẩn, nhằm buộc các nước vào thế khó, nếu đóng dấu chứng thực vào tấm hộ chiếu này, nghĩa là công nhận phần lãnh thổ tham vọng đó thuộc Trung Cộng.
 
Nói đến những đòn bẩn của anh bạn 16 chữ vàng và 4 tốt của đảng và nhà nước ta, thì kể suốt ngày không hết. Không chỉ chuyện bây giờ mà từ ngàn xưa đến nay vẫn thế, ai mà không biết. Dù với thời đại nào, chính thể nào ở Trung Hoa, thì âm mưu bành trướng bá quyền vẫn là một hằng số, không thay đổi. Vấn đề biết vậy, nhưng hành động với nó ra sao, là điều cần bàn. (Hình phải:Tấm hộ chiếu bành trướng vẽ đường lưỡi bò)

Khắp nơi trên thế giới, những phản ứng mạnh mẽ đã được đưa ra: Ấn Độ quyết định cấp thị tờ thực khẳng định phần lãnh thổ tranh chấp là của mình. Còn Philippines thì Bộ trưởng Ngoại giao chính thức gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là “tuyên bố vô lý về không gian hàng hải và là vi phạm luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, còn Đài Loan cũng lên tiếng phản đối điều này.

Ở Việt Nam, người dân mới tá hỏa tam tinh chỉ biết tin đó khi Người phát ngôn BNG trả lời câu hỏi của một phóng viên tọc mạch về cái hộ chiếu bành trướng. Thậm chí, còn được nghe rằng đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Thế rồi báo chí tung tin rằng “cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã đóng dấu hủy vào 111 hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào VN”. Thực chất là chỉ đóng dấu hủy vào những thị thực mà Việt Nam đã cấp, đã dán vào cái hộ chiếu có hình lưỡi bò, chứ đâu dám đóng dấu hủy vào hộ chiếu của anh bạn vàng(!)
Thậm chí, ngày hôm nay, báo chí Việt Nam còn hớn hở đưa tin “Mỹ không chứng thực hộ chiếu “đường lưỡi bò” của Trung Quốc”. Nhưng thực chất chỉ là ‘Mỹ không thừa nhận “lưỡi bò” trên hộ chiếu TQ” chứ không phải không cấp thị thực như báo chí đã loan tin trước đó.

Thực ra, anh bạn vàng thâm hiểm phương Bắc đâu cần sự công nhận ngay bằng lời của Mỹ, Anh hay Pháp hoặc bất cứ nước nào. Nó cứ âm thầm để đó, đến một lúc nào đó cần thiết sẽ đưa ra lu loa rằng anh đã đóng dấu vào đây là công nhận cái này. Bài học về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng vẫn còn đó. Mà việc này, đâu có ảnh hưởng gì đến Mỹ mà Mỹ phải không chứng thực. Những kẻ mất nhà, mất nước hẳn hoi còn ú ớ không dám kêu lên, thì vạ gì nước Mỹ phải làm điều đó?
Thế rồi, báo chí “lề trái” lại tọc mạch khui ra rằng cái hộ chiếu bành trướng đó, Trung Cộng đã thực hiện từ đời tám hoánh nào rồi, tức là cách đây tận nửa năm.
 
Cảm giác gì với tấm hộ chiếu bành trướng?
 
Thử nghĩ xem, khi một tên cướp đến nhà bạn, mang trên tay tờ giấy xác nhận ngôi nhà, mảnh vườn ông cha bạn để lại và hiện bạn đang ở là của nó. Bạn sẽ nghĩ gì và bạn sẽ làm gì? Nếu không thẳng tay tát vào mặt nó, thì ít nhất bạn sẽ xé nhỏ tờ giấy vứt vào mặt nó, đuổi thẳng cổ nó ra khỏi cửa mà rằng: “Cút ngay, bọn ăn cướp”.
 
Ở đây, mấy tháng qua, nhà nước ta vẫn để những kẻ đó vào đất nước mình, nghênh ngang đi lại như không. Động tác chỉ có thể làm là cấp một tờ thị thực rời khác cho chúng vào ra mà thôi. Còn mọi thông tin khác thì bịt mất.
 
Trong nửa năm qua, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung cộng, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng nghĩ gì khi cầm trên tay tấm bản đồ hình lưỡi bò để đóng dấu xác nhận lên đó khi người Trung Quốc đưa đến cho họ? Họ có thấy vinh quang khi Tổ Quốc đang ngang nhiên bị cướp trắng trợn bằng văn bản trước mặt mình? Nếu họ thấy căm phẫn, bất bình chắc chắn sẽ không phải đến tận bây giờ nhân dân mới biết được âm mưu và thủ đoạn của bọn bành trướng đối với đất nước, Tổ Quốc chúng ta qua câu hỏi của một phóng viên nào đó với Người phát ngôn? Còn nếu họ không thấy sự bất bình hoặc căm phẫn thì họ là ai?
 
Cư dân mạng chỉ biết kêu lên rằng Nhục. Mà không thể nói là không nhục nhã, khi tên cướp xông vào tận nhà đưa giấy cho anh, bắt anh công nhận nhà đất của anh là của nó mà anh phải im lặng, phải nghiến răng âm thầm chịu đựng. Nỗi nhục đó to lớn biết nhường nào.
 
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kêu lên trên mạng xã hội: “Nếu thiếu mồi nhậu đi xin: Không nhục, nếu thiếu tiền uống rượu xin hỏi bạn: Không nhục, nếu thiếu tiền đổ xăng xin bạn: Không nhục, nếu bạn không cho phải nằm nhà: Không nhục. Nhưng nó in đường lưỡi bò mà im re hay chỉ thều thào mấy câu lấy lệ: Quá Nhục”. Thì ra vậy, người dân Việt Nam thấy nhục, thấy căm phẫn, thấy bất bình khi cầm tấm hộ chiếu bành trướng của ngoại bang muốn ăn cướp cả Tổ Quốc mình.
 
Chợt nhớ lời Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn: “Trông thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ… Nay các ngươi: nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”. Đã hơn 700 năm, sao lời Hịch như vẫn còn tính thời sự hôm nay?
Thế mới biết người xưa đâu có vô cảm, vô liêm sỉ như người nay.
 
Lại nhớ chuyện cầm tấm hộ chiếu
 
Còn nhớ, cách đây không lâu, sau buổi họp với UBND Thành phố Hà Nội, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã đơn sơ nói lên tâm sự của mình, ngài nói: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Thế rồi báo chí nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam đăng tin buổi họp kết quả tốt đẹp…
 
Nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau, hệ thống báo chí được huy động tối đa ra sức cắt xén câu nói của ngài thành “chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” để thóa mạ, để vu cáo, để đánh đòn hội đồng và kích động cơn lên đồng khát máu tập thể đối với Ngài. Thậm chí, nhà cầm quyền Hà Nội còn tổ chức hàng đoàn, hàng đống các lực lượng để bao vây, để cô lập Tòa TGM Hà Nội và tập thể giáo dân cả đêm kêu gào “giết, giết Kiệt”. Nhân dân lại oằn lưng trả tiền cho những hành động chống lại nhân dân này. Nguyễn Chí Đức, người đảng viên Cộng sản đã công khai ra khỏi đảng kể với tôi trong một lần đi biểu tình rằng: “Bọn được huy động chống lại người biểu tình yêu nước hôm nay, cũng như em ngày trước thôi. Chính em cũng đã được trả tiền để đi bao vây Tòa TGM Hà Nội, gọi là quần chúng tự phát”. Không thể nói gì hơn màn truyền thông vu cáo đầy máu và bạo lực này của hệ thống tuyên truyền dối trá trong nhà nước Cộng sản.
 
Người ta thấy trong sự kiện đó, những nhà báo tỏ rõ sự uất ức nhất khi “nước Việt Nam bị coi thường”(sic) đã không ngừng lu loa, kêu gào và lên giọng cao đạo, giảng giải về truyền thống yêu nước, về Tổ Quốc, về “cái tổ” của mình bị vấy bẩn như Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Năng An và đám bồi bút…
 
Thế nhưng, Trời có mắt. Những trò bỉ ổi đó nhanh chóng bị bóc trần và có tác dụng ngược lại. Những báo, đài, những tờ báo, cái loa to mồm thóa mạ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhanh chóng hiện nguyên hình là tay sai của giặc Tàu khi Tổ Quốc bị xâm lăng, là những “Lưỡi bò” trong lòng nước Việt. Điều này được chứng minh rất rõ ràng là khi đất nước đã chính thức bị xâm lược bằng đội quân bành trướng đem quân đội, vũ khí vào lãnh thổ của Tổ Quốc, tất cả những nhà báo, những nhà văn, những nhà truyền hình luôn mạnh mồm về tự hào là con người Việt Nam, là Người Việt, là Tổ Quốc thiêng liêng, dân tộc vĩ đại… đã lặn mất tăm. Thậm chí, người to mồm nhất như Trần Đăng Tuấn cũng đã lặn đi để tìm vào một lĩnh vực béo bở hơn là “Cơm có thịt”. Xin thưa rằng nếu đường lưỡi bò của Trung Cộng thành hiện thực, và sau đó là lãnh thổ Việt Nam biến thành “một phần không thể tách rời” của lãnh thổ Trung Quốc, thì khi đó ngay cả đất còn không có ở, lấy đâu ra cơm với thịt. Ngày xưa Trần Quốc Tuấn đã chẳng từng nói thế này sao: “Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai”.
 
Những câu nói hào sảng rằng “Hôm nay, người Việt ra nước ngoài được cầm quyển hộ chiếu Việt Nam trên tay là do cả sông máu Việt đã đổ ra, cả núi xương Việt đã chất chồng để có độc lập tự do” (Trần Đăng Tuấn – Gửi ông không muốn làm người Việt). Hôm nay, chẳng lẽ Trần Đăng Tuấn không biết rằng cái “núi xương Việt” đó đã nhanh chóng vô nghĩa khi đất nước bị anh bạn vàng 4 tốt biến thành của họ đơn giản lắm, nhẹ nhàng lắm trong sự câm miệng của chính ông?
 
Nỗi nhục khi cầm tấm hộ chiếu ra nước ngoài bị kỳ thị, chắc cũng sẽ không bằng người Việt cầm tấm hộ chiếu Việt Nam bị bất thình lình cấm xuất cảnh để nhìn cảnh ngược lại, bọn cầm hộ chiếu lưỡi bò cứ ung dung ra vào Việt Nam như chỗ không người.
 
Nỗi nhục khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài bị phân biệt, kỳ thị… có lẽ giờ đây cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhục cầm tấm hộ chiếu bành trướng ghi rõ lãnh thổ đất nước mình là của nó mà vẫn phải im lặng, không thể “ẳng” lên một tiếng.
Sao không ẳng lên một tiếng, hỡi các “nhà báo, nhà đài yêu nước” tưng bừng ăn lương của nhân dân?
 
Sao không ra những lời tuyên bố mạnh mẽ, sắt máu, sao không đưa đám công an, cảnh sát, chó và vũ khí ra ngăn chặn những tên xâm lược, hỡi các nhà lãnh đạo đã từng xua quân đi chiếm đất đai của dân, của các tôn giáo?
 
Có nỗi nhục nào lớn hơn?

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Hà Nội, ngày 27/11/2012.
@facebook/nhv

USA

Từ Benghazi Đến Petraeus

...nếu bị bật mí trong những ngày sôi động nhất chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử...

Ngày 11 tháng 9 vừa qua, kỷ niệm đúng 11 năm ngày Al Qaeda đánh Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn, tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi bị đốt cháy, Đại Sứ Mỹ và ba nhân viên bị chết. Dĩ nhiên, tình hình khi đó rối beng, chẳng ai biết rõ chuyện gì đã xẩy ra. Nhất là khi vụ cháy xẩy ra ngay sau khi dân Ai Cập đột nhập tòa đại sứ Mỹ tại Cairo, kéo cờ Al Qaeda lên, để phản đối một khúc phim video vớ vẩn 15 phút sỉ vả Tiên Tri Mohamed.

Tin tức đầu tiên chính quyền Obama phổ biến ra báo chí là cũng y như trường hợp của Ai Cập, dân Libya nổi trận lôi đình vì cái khúc phim xúc phạm Tiên Tri nên đã xuống đường biểu tình chống Mỹ và đốt tòa lãnh sự. Năm ngày sau, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice lên năm đài truyền hình trong một ngày để xác nhận lời giải thích trên.

Nhưng chẳng bao lâu sau, thiên hạ bắt đầu thắc mắc vì hàng loạt câu hỏi được nêu lên, làm cho câu chuyện … có cái gì không ổn.

- Tại sao sau một biến cố bạo động khiến Đại Sứ và ba nhân viên chết mà TT Obama hay Ngoại Trưởng Hillary không lên tiếng? Hay Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia, Giám Đốc CIA, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tư Lệnh Mặt Trận Trung Đông, không ai lên tiếng? Mà lại đưa ra bà đại sứ tại LHQ là người chỉ chịu trách nhiệm về quan hệ của Mỹ với tổ chức này. Liên Hiệp Quốc ăn thua gì đến chuyện lãnh sự quán Mỹ bị tấn công? Cũng không khác gì đưa đại sứ Mỹ tại… Uganda ra giải thích thôi. Có phải là ai đó có chủ ý đưa bà Susan Rice ra nói bừa rồi sau đó có cớ nói bà Rice không phải là người nắm vững vấn đề? TNS John McCain lên tiếng chỉ trích bà Rice thì ngay lập tức bị đài “phe ta” MSNBC tố cáo là kỳ thị nam nữ và chủng tộc vì bà Rice là da đen. Cái “áo giáp da đen” vẫn là vũ khí sở trường phòng thân của chính quyền Obama. Khi phe cấp tiến chỉ trích bà ngoại trưởng Condoleezza Rice của TT Bush và bà Sarah Palin thì truyền thông dòng chính không bao giờ đề cập chuyện kỳ thị nam nữ hay màu da.

- Ba ngày sau khi bà Rice lên tiếng, hãng thông tấn Reuters và đài CBS lần đầu tiên loan tin chẳng có dân chúng biểu tình gì trước toà lãnh sự Benghazi hết. Chỉ có một đám người vũ trang bắn lựu đạn và tưới xăng đốt toà lãnh sự, đúng lúc đại sứ Mỹ đang có mặt tại đó. Chỉ sau khi cuộc tấn công kết thúc, đám khủng bố bỏ đi rồi thì dân chúng mới xúm đến xem, và một số đã chạy vào kéo được đại sứ Mỹ ra, mang đi nhà thương cấp cứu nhưng đã quá muộn.

- Rồi những tin khác dồn dập xẩy ra, như chính quyền Libya ba ngày trước đó, đã cảnh báo chính quyền Obama là sẽ có khủng bố tấn công, đích thân tổng thống Libya khẳng định không có cuộc biểu tình chống phim video gì mà chỉ là đột kích của quân khủng bố, tòa lãnh sự tại Benghazi đã nhiều lần bị khủng bố tấn công lẻ tẻ, và ông đại sứ đã yêu cầu tăng cường an ninh, nhưng bị bác. Ai bác vì lý do gì là điều vẫn chưa rõ ràng. Rồi khi tòa lãnh sự bị tấn công và cầu cứu thì Bộ Tư Lệnh Mỹ đặt tại Ý, cách đó hai tiếng phản lực, đã được lệnh không được tiếp cứu. Tại sao? Ai ra lệnh? Điều lạ lùng là ngày tấn công là ngày 9/11, vậy mà chẳng ai ở Hoa Thịnh Đốn có vẻ lo lắng Al Qaeda có thể sẽ làm một cái gì đó, tại một nơi mà lực lượng Al Qaeda mạnh nhất, võ trang đầy đủ và hoạt động công khai sau khi đã góp công, làm “đồng minh” với Mỹ lật đổ Khaddafi.

- Chưa đủ, đích thân TT Obama ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khẳng định nước Mỹ không chấp nhận khủng bố, nhưng đồng thời cũng không chấp nhận những hành động xúc phạm tôn giáo khác như cuốn phim đã làm. TT Obama khôn khéo không nói thẳng là khúc phim đó đã là nguyên nhân trực tiếp của vụ tấn công tại Benghazi, nhưng không ai không hiểu được ý nghiã câu tuyên bố của tổng thống.

- Sau đó, trước những thắc mắc ngày một lớn, tướng Petraeus, Giám Đốc CIA, bị gọi ra trước quốc hội điều trần và nói y chang những gì bà đại sứ Susan Rice đã nói: đây là cuộc nổi dậy tự phát của dân chúng, không phải là tấn công của Al Qaeda.

- Mãi hai tuần sau cuộc tấn công, TT Obama và bà Hillary đổi giọng, xác nhận là còn quá sớm để có thể khẳng định chuyện gì đã xẩy ra, và nội vụ còn đang trong vòng điều tra. Nếu còn đang điều tra và chưa ai biết gì rõ ràng thì tại sao bà Rice, tướng Petraeus, và cả TT Obama đều nhấn mạnh đây là dân chúng tự phát biểu tình chống một cuốn phim?

- Sau ngày bầu cử, TT Obama bênh vực bà Rice, cho rằng chỉ trích bà Rice nói láo là không công bằng vì bà không dính dáng gì đến vụ Benghazi hết (nguyên văn của TT Obama: “nothing to do with Benghazi”): tại sao lại đưa một người “không dính dáng” gì đến vụ Benghazi ra trước truyền hình năm lần để giải thích vụ Benghazi? Bà Rice sau đó chính thức lên tiếng, đổ thừa bà đã nhận tin tức sai lầm từ các cơ quan an ninh. Đổ thừa luôn luôn là sách lược cơ bản của chính quyền Obama.

Nói cách khác, chính quyền Obama làm đủ mọi cách –mà mỗi cách lại đẻ ra thêm vài câu hỏi- để chứng minh đây không phải là một cuộc tấn công của khủng bố. Nếu nhìn nhận là Al Qaeda đã tấn công thì coi như khẩu hiệu “Bin Laden chết, nước Mỹ an toàn hơn” chỉ là huyênh hoang quá sớm. Chưa đầy một tháng nữa là bầu cử, và chuyện giết Bin Laden đang là khẩu hiệu ăn tiền nhất, bây giờ mà khẩu hiệu đó sứt mẻ thì ai biết được cử tri Mỹ nghĩ sao? Bằng mọi giá tin xấu Al Qaeda vẫn còn đủ sức đốt toà lãnh sự Mỹ và giết đại sứ Mỹ phải được dấu nhẹm trước ngày bầu cử. Bầu cử xong xuôi, gạo đã thành cơm thì tính sau.

Câu chuyện tới đây tưởng là đủ rắc rối, đủ nhức đầu. Nhưng mới là món điểm tâm. Món ăn chính bắt đầu ngay sau bầu cử. Ba ngày sau bầu cử, trái bom CIA nổ lớn: cựu tướng David Petraeus, Giám Đốc CIA, từ chức.

Trong bất ngờ hoàn toàn, tướng Petraeus từ chức và thú nhận đã có người tình,(Hình phải:Paula Broadwell) do đó, cảm thấy không xứng đáng với trách nhiệm quá quan trọng, và cần về hưu non, thu xếp lại chuyện phòng the của ông. Dù sao ông tướng vẫn có tinh thần tự trọng hơn ông tổng thống trốn lính đã từng lem nhem với cô Monica.

Ông thú nhận trong một thời gian ngắn, từ cuối năm 2010 qua muà xuân 2011, đã lem nhem với một sinh viên Harvard, đi theo phỏng vấn ông tại chiến trường Iraq và Afghanistan để viết luận án tiến sĩ về đời ông. Quan hệ hai người hình như ngưng tại đó. Cho đến khi ĐT Petraeus (Hình phải) trở về Mỹ làm Giám Đốc CIA, thì hai người móc nối lại, và bắt đầu đi xa hơn, phỏng vấn nhau trên... giường ngủ. Nội câu chuyện tại sao đổ bể cũng đủ để cả chục nhà văn có đề tài viết tiểu thuyết rẻ tiền.
 
Một buổi sáng đẹp trời, một bà tên Jill Kelley (Hình phải)khiếu nại với FBI vì bà nhận được cả trăm emails ký dưới nhiều tên khác nhau, nhục mạ và đe dọa bà phải tránh xa ông Petraeus. FBI mau mắn tìm ra ngay thủ phạm mấy cái emails đó là một bà tên Paula Broadwell. FBI vào hộp thư của bà Broadwell, và đọc cả ngàn emails, khám phá ra bà này có liên lạc email thường xuyên với tướng Petraues, xác nhận hai người có quan hệ tình dục với nhau cả mấy tháng trời. Thì ra bà Broadwell ghen nên kiếm chuyện với bà Kelley mà bà tưởng đang có quan hệ đặc biệt với tướng Petraeus. 
 
Câu chuyện đến đây vẫn chưa đủ... mắm muối. FBI tiếp tục đọc mấy chục ngàn emails của cả ba người, và khám phá ra thêm nữa là bà Kelley dường như là mèo của một ông đại tướng khác, tướng John Allen (Hình phải), Tư Lệnh Mặt Trận Iraq, đang được TT Obama đề nghị thăng chức Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tướng Allen và bà Kelley trao đổi đâu hơn ba chục ngàn trang emails trong hai ba năm quan hệ với nhau. Với thời gian dành để viết cả chục ngàn emails, không hiểu tướng Allen còn bao nhiêu thời giờ nghĩ đến lính của ông đang đánh nhau ngoài mặt trận!

Cả hai ông tướng đều có vợ và cả hai bà Kelley và Broadwell đều có chồng. Bà Kelley chẳng ai hiểu rõ làm nghề ngỗng gì, chỉ biết là một bà nhà giàu, thường tổ chức gây quỹ giúp các binh sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận, giao thiệp rộng rãi với giới thượng lưu chính trị, có quen biết và ăn cơm vài lần với TT Obama. Bà Broadwell là sinh viên Harvard, đang viết luận án tiến sĩ.

Nồi cháo heo đổ tràn lan ra nhà bếp! Câu chuyện dấm dớ hai bà vợ bé đánh ghen nhau đưa ra ánh sáng những vấn đề trọng đại nhất liên quan đến an ninh quốc gia, có thể liên hệ luôn đến cuộc bầu tổng thống!

Dù đã từ chức, tướng Petraeus vẫn phải ra trước Hạ Viện điều trần. Đây là lần thứ hai ông ra trước quốc hội về vụ Benghazi. Lần này, ông xác nhận là CIA ngay từ ngày đầu đã biết là không có dân chúng biểu tình gì hết, và trong vòng 72 tiếng đồng hồ đã biết Al Qaeda là thủ phạm, cho đặc công bắn lựu đạn và đổ xăng đốt tòa lãnh sự. Ông đã viết báo cáo, được đưa qua Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao duyệt trước khi đưa lên PTT Biden và TT Obama. Và trong đoạn đường dài đó, không ai biết bao nhiêu viên chức đã đọc qua, và sửa đổi những gì, để rồi cuối cùng khi đến tay TT Obama thì những đoạn về Al Qaeda bị “đục bỏ” và thay vào đó là những nối kết chuyện tấn công với cuốn phim xúc phạm Tiên Tri Mohamed.

Công bằng mà nói, cho đến nay, không có một bằng chứng nào là TT Obama đích thân ra lệnh bao che vụ khủng bố tấn công như Nixon đã bao che vụ Watergate. Có thể chỉ là các phụ tá của ông đã bao che ông trước ngày bầu cử. Câu hỏi lớn ở đây: Ai –hay là những ai- đã kiểm duyệt, đục bỏ báo cáo của tướng Petraeus? Câu chuyện này cũng nêu lên vấn đề TT Obama thật sự có kiểm soát được nội các của ông không? Hay là đã bị che mắt hoàn toàn? Có phải đó là hậu quả tất yếu của việc bầu một tay mơ, không chút kinh nghiệm chính quyền nào vào chức vụ phức tạp nhất thế giới không? Để rồi ông bị cả bộ máy hành chánh bịt mắt?

Câu hỏi khác, quan trọng không kém, là cả hai tướng Petraeus và Allen đều giữ những trách nhiệm cực kỳ cao và nhạy cảm, biết được những tin tức tối mật về an ninh quốc gia và cuộc chiến đang xôi động. Hai bà Kelley và Broadwell có phải chỉ là hai bà “ham vui”, hay lại là hai gián điệp? Qua mấy chục ngàn emails trao đổi, đã có bí mật quân sự, an ninh, quốc phòng, chính trị nào bị lọt ra không?

Câu hỏi nữa mà cả nước Mỹ thắc mắc là làm sao emails của hai ông đại tướng –một ông Giám đốc CIA, một ông Tư Lệnh Mặt Trận- được bảo vệ qua đủ cách tối tân nhất, lại đã được FBI đọc hết một cách quá dễ dàng như vậy? Như vậy, chắc mấy ông Nga, Tầu, Anh, Pháp, Iran,... chắc cũng đọc được hết? Thế thì emails của tất cả các công dân hạng nhì như chúng ta đều có thể bị FBI đọc bất cứ lúc nào, kể cả hàng ngàn emails đã xóa đi từ lâu rồi sao? Vậy thì cái chế độ gọi là tự do này còn gì là tự do? Còn gì là quyền bảo mật cá nhân? Tổ chức cấp tiến cực đoan ACLU (American Civil Liberties Union) không bao giờ bỏ lỡ cơ hội tố TT Bush nghe lén điện thoại không xin án lệnh, không biết bây giờ phản ứng ra sao khi FBI đọc lén hàng chục ngàn emails của hai ông tướng và hai bà “vợ bé” trong cả nửa năm mà chẳng cần giấy phép của tòa nào? Cũng không thấy các báo New York Times hay Washington Post đặt vấn đề gì về chuyện đọc lén này. Thử tưởng tượng đây là chuyện xẩy ra dưới thời Bush xem?

Câu hỏi lớn nữa là ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử tổng thống. Qua hai lần điều trần tréo cẳng ngỗng trước quốc hội, ông đại tướng lần đầu đã nói láo theo bà Rice, không hơn không kém.

Tại sao ông Petraeus nói láo trong lần điều trần thứ nhất? Không ai rõ. Có thể ông là một quân nhân thuần tuý, tuân lệnh của Tổng Tư Lệnh Obama, phải nói như vậy. Cũng có một giả thuyết khác do nhà báo Krauthammer đưa ra là ông tướng bị Tòa Bạch Ốc bắt chẹt.

Tòa Bạch Ốc sau này chính thức loan báo TT Obama không biết gì về vấn đề tướng Petraeus lem nhem và bị điều tra cho đến chiều tối ngày bầu cử 6 tháng 11 mới được thông báo, một ngẫu nhiên thật khó tin. FBI đã bắt đầu điều tra, đọc lén emails của ĐT Petraeus từ mùa hè, mấy tháng trước ngày bầu cử. Không ai có thể tin được là FBI có quyền bí mật theo dõi Giám Đốc CIA cả mấy tháng trời mà không có sự cho phép hoặc hay biết của tổng thống.

Câu trả lời, theo nhà báo Krauthammer là TT Obama biết hết ngay từ đầu, và đã bắt chẹt tướng Petraeus phải ra trước quốc hội hồi tháng Chín, lập lại lập luận của bà Susan Rice, đổi lấy việc chính quyền Obama có thể ém nhẹm luôn câu chuyện lem nhem và để tướng Petraeus tiếp tục giữ chức Giám Đốc CIA, đến sau bầu cử thì câu chuyện sẽ được cho chìm xuồng, rồi ông Petraeus sẽ lẳng lặng từ chức về hưu khi TT Obama thành lập nội các mới. Nhưng câu chuyện không trôi chẩy theo dự tính vì đã quá lớn, với mấy chục ngàn emails, liên quan đến hai vị đại tướng chứ không phải một, và một số lớn sĩ quan tham mưu của hai ông tướng đều biết, thế nào báo chí cũng biết được. Thành ra phải đi đến quyết định mau chóng là cho tướng Petraeus từ chức, nhưng chỉ được từ chức sau ngày bầu cử. Đây là một đại xì-căng-đan nếu bị bật mí trong những ngày sôi động nhất chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử.

Câu chuyện còn đang dang dở, chưa ai biết hạ hồi ra sao. Chỉ biết là chính quyền Obama đã dấu nhiều sự thật trong hai vụ Benghazi và Petraeus trước ngày bầu cử. Nếu những sự thật đó được phơi bầy ra hết trước ngày bầu cử thì ai biết được hậu quả đã như thế nào? Trong câu chuyện Benghazi, yếu tố khủng bố tấn công đã trở thành chuyện nhỏ. Cách đối phó và thông báo tin tức cho cử tri Mỹ mới là vấn đề chính. Cũng như dưới thời Nixon, chuyện ăn cắp tài liệu của đảng Dân Chủ tại Watergate là chuyện nhỏ, chuyện lớn là chuyện TT Nixon tìm cách bao che dấu diếm, để rồi bị mất chức.

Nhiệm kỳ hai của TT Obama bắt đầu dưới một bầu trời không mấy tươi sáng.

Vũ Linh
(25-11-12)
@vietbao