Monday, November 19, 2012

VH

Hai đứa tôi...

... tản bộbuổi sáng một ngày đầu thu trên con đường vòng hồGreen Lake của thành phố Seattle. Trời se lạnh. Co mình trong chiếc áo ấm hai tay thủ túi chúng tôi im lặng đi bên nhau cùng hồi tưởng về một năm nào xa xưa cũng buổi sớm mù sương hai đứa tôi trong tuổi đôi mươi co ro trong chiếc áo len sánh vai đi trên con đường vòng hồXuân Hương của thành phố Đà Lạt.
 
Haiđứa tôi giống nhau ở nhiều điểm. Cùng là con út trong nhà. Cùng chạc tuổi nhau do đấy thân nhau từ hồi còn bé. Hai đứa tôi cùng mang nghệ sĩ tính thừa hưởng từhai nhà văn nổi tiếng. Cùng ôm giấc mộng viết văn từnhỏ nhưng vì bản chất lười lĩnh và thiếu đam mê cảhai chúng tôi đều không theo được nghiệp bút của cha.
 
Khi chú Sáu của tôi qua đời năm 1942 tuổi của Giang lúc ấy vỏn vẹn ba ngày. Khi bác Tam của Giang mất năm 1963 tuổi tôi hai mươi ba.
Với Giang, Thạch Lam là cái bóng trong tâm tưởng. Với tôi, Nhất Linh là cái hình trong hồi ức.

Giang mở đầu một bài hồi ký viết về cha mình bằng một cái chết:
Chết là giải thoát một đời. Chết là đầu bên kia của sợi giây ngày tháng. Một sớm kia, một tối nào. Tôi hay anh, cũng thế. Bên kia cái chết là nội cỏ ngàn cây hoa mộng hay bên kia cái chết là thảng thốt khổ đau. Tôi đã nhìn thấy nhiều cái chết, nhiều khuôn mặt chết. Quá nhiều. Nhưng không bao giờ, mãi mãi, tôi có thể hình dung được một cái chết, một khuôn mặt chết thân yêu nhất và buồn bã nhất của đời tôi. Cái chết của cha tôi, Thạch Lam.” (Khói Hồ Bay - Thạch Lam, cha tôi trong tâm tưởng).

Giang kết thúc cũng một hồi ký về cha mình bằng một cái bóng:
Tôi vẫn mơ tưởng đến cái thời ông sống, vẫn hoài hủyđi tìm kiếm ông, bởi vì, tôi chưa bao giờ có ông. Còn ông, ông có nhớ chăng đến đứa trẻ ông chỉ để mắt nhìn thoáng qua, rồi gạt tay cho mẹ tôi mang đi chỗ khác, truớc khi ông làm một chuyến đi xa, rất xa. Tôi nói với ông: “không, con không có điều gì bận tâm cả”. Ông giơ tay định vỗ vai tôi, rồi chợt ngừng lại: “chiều rồi, chắc con phải về Hà Nội kẻo tối”. Đến bây giờ tôi chợt nhớ ra là tôi lại sắp mất ông, tôi bật khóc và ôm chặt lấy ông.
Hai tay tôi ôm vào khoảng không. (Khói HồBay - Một buổi chiều đi chơi với Thạch Lam)
 
Năm mươi năm qua...
Tôi bất chợt lùi lại mấy bước nhìn phía sau lưng hai người. Giang, cao hơn tôi, nặng nề hơn, tóc bạc xóa, trắng như tuyết. Tôi, tóc hoa râm, ở gần đỉnh đầu phía sau lộ một khoảng da đầu hói. Tôi nói:
–Chúng mình gìa đi thấy rõ...

Tôi nhìn ra phiá sau ông, bầu trời hơi đục, có vẻ hiu hắt của mùa thu. Một dải núi thấp nhấp nhô cắt nhữngđường viền mờ ảo, tím nhạt. Tôi hơi rùng mình, một cơn gió lạnh lùa qua. Ông đứng sững giữa khoảng không, trống và rộng, bàn tay phải để trên cằm, một ngón tay, ngón tay trỏ, tựa trên đầu mũi cao và thẳng. Đôi mắt sâu và đen nhìn bâng quơ ra phía trước, nhưng không chủ đích, tựa như ông nhìn một hình ảnh nào rất xa xôi trong quá khứ, không có ở nơi này. Tôi cúi xuống loay hoay gỡ những bông cỏ may bám vào gấu quần, đã lâu lắm, có thể hơn năm mươi năm, tôi mới gặp lại những bông cỏ may trên cánh đồng - thời thơ ấu nghèo nàn của những năm tản cư cùng anh chị và mẹ, nhưnhững nhân vật không có thật ở một xóm Đìa xa xôi vùng Nhã Nam, Yên Thế - thời đó ông đã chết rồi”.(Khói Hồ Bay - Buổi chiều đi chơi với Thạch Lam)
 
Giang cũng quay lại nhìn. Hai đứa tôi có vài nét giống nhau như tạc. Mắt sâu, mũi cao, lông mày rậm. Đó là tướng của bà nội chúng tôi. Với đôi mắt sâu sâu, sống mũi cao, lông mày rậm, bà mang nét lai của người tây phương và truyền cho dòng Nguyễn Tường ba đời chúng tôi những nét tây tây ấy. Giang nói:
–Hôm nọ xem cuốn video kịch Đoạn Tuyệt tôi thấy ông trông giống chú Bách quá. Ông có nhận thấy không, chú Bách càng già trông càng giống tây lai.
 
Qua những đối thoại bâng quơ như thế chúng tôi mở đầu câu chuyện về dòng họ. Một chuyện mà chúng tôi vẫn thường bàn trong lúc trà dư tửu hậu. Chúng tôi mặc sức thả lỏng cho óc tưởng tượng.
Tưởng tượng một câu chuyện hư cấu xẩy ra từ lâu lắm trong thế kỷ 16 tại thành phố Hội An, sau này người Pháp còn gọi là Faifo. Hồi đó Hội An là một nơi buôn bán quốc tế phồn thịnh, nhiều thương nhân người Tây phương như Hoà Lan, Pháp, Tây Ban Nha đã đến mở thương hiệu ở đó. Ngoài ra Hội An cũng là cửa ngõ mà các cố đạo người Bồ Đào Nha đến truyền giáo. Một mối tình dị chủng hay một vụ cưỡng bách tình dục xẩy ra giữa một thương nhân hay một ông cố đạo nào đó với một người đàn bà bản xứ đưa đến một đứa con lai. Rồi từ đó cái “gien” của đứa con lai truyền qua nhiều đời, càng về sau nét lai càng nhạt, chỉ giữlại ở đôi mắt và sống mũi. Tôi hỏi Giang:
–Ông là bác sĩ ông nghĩ liệu mình có thểchứng minh câu chuyện tưởng tượng đó bằng DNA?
–That’s possible! Tôi nghĩ đây là một cái thèse tiến sĩ y khoa rất hay cho con cháu của chúng mình sau này.
 
Bên hồ tây, một đêm đầu mùa thu, hai người đứng bên một cây liễu. Trời cao xanh thẳm, gió hiu hắt. Bên trái hai người là một bụi tre nhỏ, cành hơi ngả nghiêng theo chiều gió. Chú Sáu tôi bàn với cha tôi về câu chuyện văn chương.
Cành lá tre này cũng như những cành là tre khác, không có gì đặc biệt. Nhưng tôi không bao giờnhìn ngắm một cành tre mà không thấy nổi lên trong lòng những ý nghĩ và cảm giác lúc nào cũng giống nhau. Khi thấy các lá tre thổi vút một chiều, tôi cảm thấy một vang động âm thầm và kín đáo trong tâm hồn.
Chúng ta yêu mến cảnh vật và cảm thông với thiên nhiên đã từ lâu lắm rồi. Giữa chúng ta với cảnh vật, với cây cỏ, với núi non, có một sự quen thuộc, một sự thân mật đằm thắm và sâu sắc lạlùng. Một cây đối với chúng ta không phải chỉ là một cái cây: đó là một linh hồn đương sống, cũng mừng vui và cũng đau khổ như chúng ta...
Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không, chứkhông thể học tập mà thành được. Muốn cố sức tìm hiểu thế nào cũng không bằng cái “trực giác” nhiệm màu của tâm hồn nghệ sĩ. Tả cảnh tre trước gió cũng ngần ấy nét, ngần ấy chữ, nhưng sự cảm giác rộng rãi trong không gian và thời gian của người nghệ sĩ chân chính khiến nét họa có linh hồn, có vang động ra xa...
Có hai lối quan sát: một lối quan sát bềngoài và một lối quan sát bề trong. Trông bề ngoài thì chỉ thấy được cái trạng thái sự vật của một cảnh tượng: một hành vi chỉ là một hành vi, chứ không có cái ánh sáng bên trong đem ra soi tỏ, giảng giải và làm thành rộng rãi... Người ta có thể tập nghe cho tinh tường, tập trông cho chu đáo, nhưng không có con mắt của linh hồn thì không bao giờ soi thấu được cái bí mật của tâm lý.
(Thạch Lam - Câu chuyện bên gốc liễu)
 
Giang bảo tôi:
–Ông biết đấy. Mấy chục năm tôi làm cũng khá nhiều thơ và viết cũng nhiều truyện ngắn. Thế mà chả ra nổi một tập thơ hay in được một cuốn truyện. Mấy tháng trước tôi chợt có ý định gom tất cả lại xuất bản thành một cuốn sách xuất bản cho vui, vì thếmới có chuyện tôi gửi ông nhờ ông đánh máy và layout dùm. Bởi tôi rất dốt về computer.
Tôi bảo Giang:
–Hai cuốn sách của tôi xuất bản tôi tự trình bầy lấy. Tôi làm cho ông thì cũng được nhưng không thểnào đẹp bằng dân chuyên môn. Sao ông không nhờ những tay nghề trình bầy và layout, và bỏ tiền in thật đẹp và trang nhã?
–Cũng được. Nhưng ông viết cho tôi đôi lời giới thiệu phần văn xuôi được không?
Tôi im lặng suy nghĩ. Tôi có thể viết cho Giang nhưng tôi không biết viết cách nào. Sau khi bỏ ra gần tháng đánh máy những bài viết của Giang, tôi đã nhập tâm. Thoáng một cái, qua dòng văn của Giang, hình ảnh cha tôi hiện lên lãng đãng trong sương mù.
 
Một buổi sáng mù sương nào ở núi rừng Phi-Nôm, người bác già đã dẫn tôi, một cậu bé chưa đầy mười lăm tuổi, vào khu rừng sau nhà tìm lan. Căn nhà bằng gỗ nằm xa quốc lộ, phía sau mở một con đường vào rừng. Qua một con suối nhỏ róc rách những tiếng reo vui – Ngườiđi lâu chửa thấy về. Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn – là tới rừng rậm. Mùa mưa, rừng âm u và những con vắt lạnh như kim khí bám vào người khiến tôi không có một chút thích thú nào. Ôngđi một đôi ủng cao-su cao đến đầu gối, mỗi lần kiếm được một loại lan lại giảng giải tôi nghe. Tội nghiệp tôi, trời lạnh và trí óc còn mơ đến những bông hoa rực rỡ của cuộc đời, tôi nào có thấy những cánh hoa thanh khiết và cao quí của núi rừng là đẹp. Ông chỉ tôi ngửi từng loại hoa, nhưng hương thơm của lan nhẹ quá, nhẹ đến nỗi khứu giác non nớt của tôi chỉ thấy mùi đất ẩm và gỗ mục. Tháng tám năm đó, ông làm những ngôi đèn ông sao bằng giấy bản mỏng và cả ngày ngồi vẽ từng loại lan trên mặt đèn. Ngày rằmđèn được thắp sáng bằng những ngọn nến nhỏ, những bông lan như nở hết những cánh hoa đẹp nhất, lung linh trong trận mưa nhỏ hạt. Bây giờ ông đã chết. Tôi ngó bông lan mới nở, ngó những lá lan dài và thon nhẹ, những chiếc rễ cây nhỏ bám vào đất ẩm của chiếc vỏ dừa bổ đôi hay một thanh gỗ mục. Tôi đã già rồi chăng. Tôi đọc hai câu thơ nhớ được về lan: Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng. Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần. (Khói Hồ Bay - Mộ Bia)

Khói Hồ Bay phần văn xuôi gồm bẩy bài: ba hồi ký, ba tùy bút và một truyện ngắn.
–Ông Giang này, trong văn của ông có ám ảnh thời tiết. Ba bài tùy bút trong cuốn sách của ông thì hai bài có tựa đề “Mưa” và “Những ngày lạnh rớt”,bài tùy bút khác “Thành Phố” và truyện ngắn “Biển Trầm” nội dung cũng nhiều ẩm ướt và lạnh...
Đó là một chiều mưa đầu tháng sáu. Cơn mưa kéo dài từbuổi sáng một cách buồn nản. Những lá cây ngang cửa sổ lay động dịu dàng, hắt những giọt mưa vào mặt kính rồi lại yên lặng kéo ra xa, lấp lánh. Tôi đã ngồi im lặng hàng giờ ngắm những lá cây, cố tìm một bông hoa nào còn sót lại. Những giọt mưa kéo dài thành sợi nhỏ, như tơ trên mạng nhện, theo chiều gió quấn quít vội vã. Buổi chiều lạnh lùng và âm thầm, như không khí âm thầm đốt cháy thành than những thân gỗ tươi”.(Khói Hồ Bay - Biển Trầm)
–Ông nhớ có lần mình bàn với nhau về văn chương, thế nào là một truyện hay? Truyện hay hay không là tùy truyện, tùy người. Với tôi, truyện hay là phải lưu lại cho người đọc một làn không khí bao trùm cái không gian lẫn khí hậu của truyện.
–Ông nói giống ý tôi. Truyện mà tạo được một “khí hậu” theo tôi là truyện thành công. Ông chắcđã đọc Snow Falling on Cedars của David Guterson. Đọc xong truyện này người ta có thể quên hết những tình tiết trong truyện nhưng cái khí hậu mà cuốn sách lưu trong tôi, cái không khí ẩm lạnh đặc thù của miền tây bắc nước Mỹ, nơi tôi sống mấy chục năm nay, thì vẫn thấm mãi vào tôi rất lâu sau khi đọc.
–Khi tôi đánh máy lại bài Biển Trầm tôi bỗng nhớ đến truyện Đêm Vang của ông và tôi thấy văn phong và cách dựng truyện của tôi và ông có đôi phần giống nhau. Ông có thấy thế không?
–Tôi cũng nhận thấy thế. Nhất là ở thể hồi ký. Ông viết về chú Sáu tôi viết về ông cụ đều không theo lối truyền thống mà theo lối văn chương, nó gần với tùy bút hoặc truyện ngắn hơn là hồi ký. Lạmột điều là những bài văn xuôi ông viết ở tuổi đôi mươi, trong thập niên 70 của thế kỷ trước, trong khi những bài tôi viết ở thế kỷ này, lúc tôi đã ngoài 60 tuổi. Vậy mà văn phong của hai đứa mình giống nhau lắm. Ông có nghĩ là cái giống nhau ấy có liên hệ xa gần gì với cái “gien” của dòng họ?
–Có thể ông đã đi quá xa về tính di truyền.
–Không đâu. Ông tin là có di truyền trong nét chữ không? Tôi thì tôi tin lắm. Ông cụ tôi chữ viết nhỏ như chân kiến nhất là về lúc cuối đời. Chữ tôi cũng thế, càng về già càng lí nhí y như chữ ông cụ.Người ngoài nhìn vào khó phân biệt tuồng chữ của hai cha con. Gần đây tôi khám phá ra, một cách gần như sợhãi, tuồng chữ của thằng con trai tôi, dù nó viết bằng Anh ngữ, cũng nhỏ nhí một cách bất thường.
 
Chúng tôi im lặng. Hai đứa nhìn ra mặt hồ. Trên mặt hồ thu phẳng lặng hai con vịt sóng đôi lướt trên mặt nước tạo nếp nhăn rẽ hai bên. Đó là đôi Canadian geese. Con lớn màu tuyệt đẹp: đầu đen lánh, cổ trắng, đôi cánh màu lục biếc. Con nhỏ màu đất tầm thường giống màu cánh con chim sẻ. Tôi nghĩ thầm: loài vịt Gia Nã Đại này thật lạ, con đực lớn xác nhưng lười biếng và thụ động trong viêc truyền giống, trời phải phú cho chàng một bộ mã thật đẹp để quyến rũ những nàng vịt mái.
 
–Ông Giang này, cái này thì tôi tin rằng do di truyền: nỗi buồn bàng bạc trong văn ông. Một nỗi buồn không nguồn cội từ trong hồn tỏa ra ngoại giới y nhưcâu thơ mở đầu bài Thu Rừng của Huy Cận: Bỗng dưng buồn bã không gian... Hầu nhưtôi luôn luôn bắt gặp trong mỗi đoạn văn ông một nỗi buồn thầm kín nó lấp ló đằng sau mọi niềm vui nhưchỉ rình chờ để xuất hiện vào những lúc bất ngờnhất. Văn ông, cũng như văn Thạch Lam, Nhất Linh bàng bạc cái sợi tóc rất mỏng manh của hạnh phúc. Ông đã thừa hưởng mà không tự biết cái “gien” buồn nằm sẵn trong dòng máu mình, nó nằm trong ông kỹ hơn người khác vì ông có bản chất thi sĩ và vì ông là nhà thơ duy nhất của dòng họ.
Có những nỗi buồn đến rất tình cờ, không báo trước.Đang ngồi nói chuyện với mấy người bạn thân, nhấp một ngụm cà phê còn giữ đầy hơi nóng, bỗng cảm thấy cái chất nước sánh đen kia thấm vào lưỡi, dịu dàng và buồn bã biết bao. Một người bạn nào, sau khi hút một hơi thuốc dài, những ngón tay đặt trên đầu gối hơi rung rung, đọc một câu thơ ở đâu đó bất chợt nhớ được, rồi lại im lặng nuốt những làn khói mỏng và đục như vẩn mây vào tận trong phổi. Lồng ngực bỗng ran lên một hơi ấm rất nhẹ và êm, tưởng chừng những câu thơ đó đã biến thành máu chạy loang vào cơthể. Những nỗi buồn ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta, không hẹn hò, như một người tình nhân đến tình cờvào một ngày trời mưa, rất mưa. (Khói Hồ Bay - Những ngày lạnh rớt...)

Cái buồn đọng trong không gian của một thành phố, dù là một thành phố dấu yêu.
Tôi chợt hiểu tại sao tôi không thể rời xa thành phố này. Thành phố như một cái nôi đã ấp ủ tôi bao nhiêu năm,đã đón tôi như đón một cánh bướm non. Có con đường nào tôi không từng đi qua, những quán nước tiệm ăn nào tôi đã cùng bạn bè và người yêu ngồi suốt thời niên thiếu. Ngôi nhà của mẹ tôi trong một ngõ hẻm tồi tàn, những nỗi đớn đau của cuộc tình tan vỡ. Đêm nào tôi còn đi lang thang khắp các hè đường, khóc nức nở một mình, sát mặt vào vỏ cây cho đến khi rướm máu. Bây giờ mẹ tôi đã chết, nhưng tôi cảm thấy mỗi phân vuông không khí trong thành phố này mẹ tôi đã thở, và tôi đang thở mỗi ngày luồng không khí ấm áp đi qua buồng phổi yếu đuối của bà. Có quá nhiều người trong thành phố, nhưng thành phố sống trong tim mỗi người như một nỗi mến yêu thầm kín, còn dấu tận đáy lòng.(Khói Hồ Bay- Thành Phố)

Cái buồn nằm sẵn trong sự nhàm chán của cuộc sống thường nhật.
Chồng hồ sơ trình ký còn nằm trên bàn, không bao giờ thấp đi, tựa như có một bộ máy đẩy hàng ngàn hàng vạn hồ sơ khác, tích tụ từ muôn đời,được dấu kín đáo dưới mặt bàn hay chôn trong lòngđất. Tôi đã làm việc bao nhiêu buổi chiều trong đời và còn bao nhiêu buổi chiều chờ đợi. Đã gần tới giờnghỉ việc. Ngoài cửa phòng là một hành lang rộng, giờnày chắc những nhân viên đã thu dọn giấy tờ, ngồi nói chuyện chờ tiếng kẻng khua vang rời rạc hay chờtôi ra về sớm hơn. Về nhà, hôn nhẹ lên môi người vợquen thuộc đến độ không ý thức được ý nghĩa của sự tiếp xúc, như phản ứng bình thường đã được lặpđi lặp lại mỗi ngày, như bước chân vào cửa, thay quần áo, đọc sơ qua tờ báo phát hành buổi chiều, chờ đứa con lớn đi học về rồi cả nhà quây quần quanh bàn ăn. Những món ăn thường lệ không gây thích thú, được sắpđặt theo một thời khóa biểu vô hình. Nói chuyện vu vơvề người bạn này người bạn khác. Buổi tối nay có người rủ đánh bài hay giục vợ sửa soạn đi coi một phim mới trong tuần, hoặc thăm người chị ở tỉnh xa mới về. Mấy đứa con ngồi coi truyền hình, cãi nhau vềchương trình phát hình được đăng tải phần nhiều sai lầm trên các cột báo nhỏ trang tư. Tôi bỗng thấy thèm uống một ly cà phê trên phố, một mình, sống lại cái không khí buồn nản nhưng quyến rũ, những ngày rất xa, rất xa và không bao giờ còn trở lại.”. (Khói Hồ Bay - Biển Trầm)
 
*
Hai đứa tôi đi được nửa vòng Green Lake. Nhìn qua mặt hồphía bên kia là rặng phong mà mùa thu đã chuyển sắc lá sang màu đỏ ối. Thu ở Washington hay thu ở Vermont cũng thế thôi. Lao xao. Rào rạt. Mênh mông. Và sầu lá đỏ...

gió thổi lao xao thềm cỏ úa
rào rạt ngàn cây lá đổi màu
trên những sắc xanh sầu lá đỏ
quạnh hưu vàng rơi hồn mênh mông
(Khói Hồ Bay - Thu ở Vermont)
 
Không như Giang, tôi không phải là nhà thơ. Tôi không bao giờlàm thơ. Nếu cố gượng làm thì hầu như chắc chắn thơtôi sẽ dở. Nhưng trong thâm tâm tôi ước ao mình là thi sĩ hơn là nhà văn bởi vì không hiểu sao tôi vẫn cho thơlà đỉnh nghệ thuật cao nhất của loài người.
Tôi chỉ có một an ủi là hình như văn phong của tôi cũng bàng bạc chất thơ, như tôi đã nhìn thấy rất rõ trong văn xuôi của Giang.

Xin cảm ơn Giang về đoá hoa hồng mà Giang đã tặng cho muôn vàn những người không bao giờ làm thơ, trong số có tôi.
 
Để hiểu một bài thơ trước tiên phải là thi sĩ. Ôi cái lập luận đanh thép đó vô duyên và trơ trẽn làm sao. Người ta không phải cứ làm thơ là trở thành thi sĩ. Có người suốt đời không làm một câu thơ nào cũng có thểlà thi sĩ biết bao. Phải chọn giữa một người làm thơkhông có tâm hồn thi sĩ và một thi sĩ nhưng không bao giờlàm thơ, tôi xin gửi tới những người không làm thơ bao giờ đoá hoa hồng của một mùa đẹp nhất.” (Khói Hồ Bay - Những ngày lạnh rớt...)
 
 Nguyễn Tường Thiết