Tuesday, November 6, 2012

USA

Chuyện đi bầu

Hôm nay đọc báo tôi thấy một độc giả hỏi nhà báo là ông ấy muốn biết Ernest Hemingway đã viết về bốn việc cần làm trong đời để chứng tỏ tính cách đàn ông, thế bốn việc ấy là gì?

Nhà báo trả lời:

1/Trồng một cái cây
2/Đấu bò
3/Viết một cuốn sách
4/Có một đứa con trai.

Đọc xong tôi giật cả mình. Soát xét lại bản thân, tôi chưa hề làm được một trong bốn việc kể trên.
Như thế theo tiêu chuẩn của Ernest Hemingway, tôi chẳng phải là một nam nhi.

Ernest Hemingway nói thế người đời đáng tin lắm vì dẫu sao căn cứ vào thành tích của ông ấy thì ông ấy là một nhân vật khả tín. Là một nhà báo và một nhà viết tiểu thuyết Hoa Kỳ, lại từng đoạt đượcgiải Nobel về Văn Chương, nói ra như thế là phải đúng rồi.

Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, hóa ra đâu phải chỉ có một mình tôi là không làm được bốn việc kể trên đâu. Thiếu gì các anh đàn ông khác giống như tôi. Như thế tôi đâu có đơn độc một mình, và vì thế cũng chẳng có gì buồn cả. Có người còn bảo là câu nói ấy không chắc là do ông nhà văn nổi tiếng ấy nói. Biết đâu lời nói ấy do một người nào đó phát biểu rồi gán bừa cho nhà văn có tên tuổi như thế để làm tăng giá trị của nó chăng?

Tôi lại chợt nhớ ra hôm nay là ngày Thứ Ba sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Mười Một. Và đối với dân chúng Hoa Kỳ, là môt ngày trọng đại, Cái ngày mà toàn thể cử tri hành xử quyền công dân để chọn nhà lãnh đạo quốc gia. Thời gian tranh cử Tổng Thống của các ứng cử viên đã qua. Hôm nay vận mạng của họ, vào Tòa Bạch Ốc và ngồi bốn năm trong ấy, hưởng các đặc quyền đặc lợi dành cho một nguyên thủ của một cường quốc, lại tùy thuộc một phần nào vào một cử tri như tôi, tôi mới nhận ra tôi chính là ông chủ của ông Tổng Thống Mỹ, và như thế tôi cảm thấy mình quan trọng quá trời.

Tôi thấy việc bầu cử này đâu có khác cái việc thứ tư mà ông Hemingway đã nói; làm bố một đứa con trai, ở phần trên đâu. Một người phụ nữ trước khi sinh ra được một anh con trai người ấy phải có bầu thông qua sự tiếp tay của ông chồng. Không có người đàn ông, người đàn bà không thể có bầu và vì thế chẳng có chuyện sinh nở. Thế thì một hành động khiến cho một người khác có bầu và một hành động khác là đi bầu, hai thứ này có khác gì nhau đâu. Tôi lại còn nghĩ, đi bầu, sử dụng quyền công dân còn quan trọng hơn việc làm cho người khác có bầu để sinh ra một anh con trai nữa. Sinh ra một người con cùng lắm gia đình sẽ có sự thay đổi nhưng lại rất giới hạn, chỉ trong phạm vi gia đình mà thôi. Nhưng bầu cho một ứng cử viên vào Tòa Bạch Ốc, kết quả là tình hình quốc gia và thế giới có cơ thay đổi lớn. Một người cử tri làm một việc lớn đại sự như thế hẳn nhiên người ấy phải là một nam nhi rồi. Như thế câu nói của Ernest Hemingway được hiểu rộng ra, thích ứng với hoàn cảnh của ngày hôm nay, sẽ là bao gồm cả việc đi bầu vào đó. Sáng nay, tôi đã chọn mặt gởi vàng xong rồi, như thế tôi rõ là một nam nhi rồi, chẳng còn thắc mắc hồ nghi gì nữa.

Ở nhiều nước khác dân chúng tranh đấu sống chết để dành lại cái quyền làm chủ. Đi bầu là quyền công dân. Cái chuyện chọn người nào không quan trọng. Bầu đúng người thì đất nước và dân chúng được nhờ. Bầu sai người cũng chả sao, vì cùng lắm sau bốn năm dân chúng sẽ bầu lại. Và ngay trong bốn năm ấy, Quốc Hội gồm các đại diện dân cử và giới truyền thông với tự do báo chí và ngôn luận sẽ theo dõi và hành động thích ứng khi Hành Pháp có đi trật đường rầy. Điểm quan trọng là sống ở một nước dân chủ, người dân ý thức và hành sử được bổn phận và quyền công dân của mình và sẵn sàng nhận lãnh hậu quả do hành động của mình gây ra.

Hằng ngày vào lúc 5 giờ chiều đài truyền hình ViệtFace băng tần 57.2 trình chiếu một cuộc hội luận xoay quanh đề tài tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2012. Thành phần tham dự gồm có ba người, một nữ hai nam, gồm một phụ nữ
trẻ, xinh đẹp, vui vẻ hoạt bát hướng dẫn chương trình; TT, một nhà báo; NC, và một nhà văn; TVC. Qua phần đóng góp ý kiến của mỗi người, khán giả có một cái nhìn rõ hơn về cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ, biết được lập trường và đặc điểm của mỗi ứng cử viên và thủ tục bầu cử gián tiếp thông qua cử tri đoàn. Trong phần kết thúc cuộc hội luận liên quan đến kỳ tranh cử Tổng Thống năm nay, cô TT người hướng dẫn chương trình có nói một câu là, người nào có đi bầu ngày mai, người ấy mới có quyền phê phán hay chỉ trích nhà lãnh đạo, còn người nào đã tự động từ bỏ cái quyền công dân của mình; không tham gia vào sinh hoạt chính trị quốc gia, người ấy không có tư cách để phê phán nhà lãnh đạo. Người đẹp như thế nói phải củ cải cũng phải nghe chứ cứ gì là tôi!

Ở Việt Nam, dân chúng phải chịu đựng cái ách độc tài vì chưa giành lại được cái quyền làm chủ đất nước. Lãnh đạo toàn do phe đảng tự chọn lựa lẫn nhau mà nhiều khi dân chúng cũng chẳng biết mặt biết tên. Dân chúng chẳng có biết khả năng thực sự của họ, về làm việc, về ăn nói, và ưu tiên trách nhiệm của lớp lãnh đạo đối với đất nước và người dân như thế nào. Ấy thế mà toàn dân chẳng được quyền bầu cử, chọn người thay mặt lãnh đạo quốc gia, chẳng được phê phán việc làm, hành vi và tư cách của nhà lãnh đạo. Một đảng duy nhất nắm độc quyền trong việc tuyển chọn người trong nội bộ, đưa ra điều hành đất nước, bắt cả nước phải theo, tai tiếng đầy rẫy, bất công lan tràn, quốc tế nhìn vào trông rất khó coi, chẳng ra cái thể thống gì cả. Nhìn vào nước người ta mình phải ngượng. Bao nhiêu tháng trời, các ứng cử viên phải bỏ công đi khắp các tiểu bang, trình bày cho cử tri thấy chương trình hoạt động tương lai của mình, và lập trường tranh cử của mình, và hứa với công chúng là sẽ phục vụ tốt cho người dân một khi họ được cử tri tín nhiệm và dồn phiếu cho họ. Khoẻ mạnh như thế, khả năng như thế, chịu khó như thế, công lao thì giờ tiền bạc bỏ ra như thế, thế mà ứng cử viên còn chưa thuyết phục nổi cử tri để dành phần thắng về mình!
 
Nói tóm lại, kinh nghiệm sinh hoạt chính trị của xứ người nếu áp dụng được có thể giúp đỡ nước ta và dân ta tiến bộ: cần có ít nhất hai đảng chính trị, đối lập đúng đắn, một nền tư pháp độc lập, một nền báo chí tự do và một định chế giám sát hữu hiệu.

Hiện nay hai ứng cử viên Tổng Thống là đương kim Tổng Thống Barack Obama (Dân Chủ) và cựu Thống Đốc Mitt Romney (Cộng Hoà) đang có số phiếu nghiêng ngửa nhau. Thông thường đương kim Tổng Thống có triển vọng tái đắc cử vì ông ấy có nhiều lợi thế thực tế. Trừ phi đương kim Tổng Thống làm việc quá tệ trong bốn năm của nhiệm kỳ đầu, dân chúng chán ngán và bất mãn, cử tri sẽ dồn phiếu cho đại diện của đảng đối lập.

Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Trong hai tuần qua, nước Mỹ gặp xui xẻo vì thiên tai. Cơn bão Sandy đã thổi qua và tàn phá nhiều tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ, gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản lớn lao, dân chúng nhiều nơi đang lâm vào tình trạng đói và rét, vừa thiếu thốn từ chỗ ở, quần áo, thực phẩm, đồ dùng, lại phải chịu đựng cái lạnh gần đông đá. Đáp ứng hoàn cảnh thiên tai, các Thống Đốc New York và New Jersey và Thị Trưởng New York đã hành động cụ thể để giúp đỡ dân chúng tiểu bang và thành phố. Nhân cơ hội này Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đã đích thân đến tận nơi và sát cánh đi thị sát với các nhà lãnh đạo địa phương. Ông ấy với tư cách Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh quân đội đã vận dụng tài nguyên quốc gia nhằm giúp đỡ các vùng thiên tai bão lụt. Hình ảnh của một ông Tổng Thống Dân Chủ với sự hiện diện của ông Thống Đốc Cộng Hòa đi các nơi hứa hẹn và hành động nhanh chóng giúp đỡ các nạn nhân thiên tai và cộng thêm lời ca tụng tận tình đối với ông Tổng Thống của hai ông Thị Trưởng New York và Thống Đốc New Jersey khiến số đông dân chúng rất hài lòng về ông Obama, phản ảnh qua các cuộc thăm dò dư luận của giới truyền thông. Triển vọng tái đắc cử của ông Obama nhờ thế lại tăng lên.

Từ bây giờ đến chiều hai ứng cử viên mỗi người ngồi chờ ở một nơi, người thì Chicago, Illinois, kẻ thì Boston, Massachusetts, cứ thế là hy vọng và hồi hộp. Chỉ có cử tri đã thi hành xong nghĩa vụ và thực hiện quyền công dân của mình xong rồi là cảm thấy khỏe ru. Làm Tổng Thống cũng cần có số. Để xem Trời chọn ai đây?

"Một chính trị gia nghĩ về cuộc bầu cử tới. Còn một chính khách thì lại nghĩ về thế hệ tới."
(A politician thinks of the next election. A statesman, of the next generation. - James Freeman Clarke)

"Người ta chẳng có bao giờ ăn gian nói dối nhiều cho bằng thời gian sau một cuộc đi săn, suốt thời chiến hay trước một cuộc bầu cử." (People never lie so much as after a hunt, during a war or before an election. - Otto von Bismarch)

"Một trong những lý do dân chúng không ưa chính trị là vì chính trị gia hiếm khi xem sự thật là mục tiêu của họ. Thắng cử và quyền lực mới là mục tiêu chính.
(One of the reasons people hate politics is that truth is rarely a politician's objective. Election and power are. - Cal Thomas)
 
Nguyễn Văn Huy