Wednesday, November 7, 2012

VN

Trông người lại ngẫm đến ta
 
 Tôi đang ở Dubai thăm gia đình (tôi có một đứa cháu làm việc ở Dubai từ 4 năm nay). Đây là lần đầu tiên đến xứ này, tôi có những nhận xét như sau:

Có đến tận nơi mới phần nào biết được nền văn hóa và văn minh Ả Rập vĩ đại như thế nào. So với cái xã hội thối nát từ trên xuống dưới của VN mình, không biết họ hơn (về mặt tổ chức xã hội) bao nhiêu ngàn lần. Trong hai tuần qua, tôi đã được thăm ngôi đền Hồi giáo lớn nhất UAE, tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới (đi thang máy 70 giây lên tầng 124 ngắm cảnh hoàng hôn Dubai), khu Cành Cọ Jumeirah Palm (hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới), khách sạn 7 sao Cánh Buồm (duy nhất trên thế giới), Dubai Mall (lớn nhất thế giới về diện tích)... Tất cả đều vĩ đại ngoài sức tưởng tượng. Nội hệ thống đường xá cũng đủ khiến mình phục sát đất (tối tân hơn California).

Những ông tiểu vương UAE quản lý tài sản quốc gia như của riêng và tất nhiên ông nào cũng giàu cỡ nhất thế giới, nhưng họ cũng lo cho dân chu đáo: mỗi phụ nữ lấy chồng đều được nhà nước cấp cho 1 căn nhà, l chiếc xe hơi và 40.000 Dhm (tương đương 12.000 USD) để sống đời tự lập. Con cái đẻ ra nhà nước bao, y tế và giáo dục free cho toàn dân. Những phúc lợi này chỉ áp dụng cho công dân UAE, hàng triệu lao động Phi luật tân, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh... đến đây làm nô lệ rẻ tiền để nuôi sống gia đình họ tất nhiên không được đãi ngộ một cách hào phóng như vậy.

Dân số ít, bản chất là dân du mục Bedouin, không phải cực kỳ thông minh như dân Do Thái; không phải tiểu vương quốc nào cũng tài nguyên phong phú (chỉ tiểu vương quốc Abu Dhabi là có nhiều dầu hỏa, sản lượng dầu của Dubai chỉ bằng 5% của Abu Dhabi); lãnh thổ nhỏ nằm giữa những ông khổng lồ Iran, Iraq, Saudi Arabia... thế mà họ khéo léo chọn lựa chính sách ngoại giao, kinh tế thế nào để xây dựng được một đất nước phồn thịnh như thế này. Có lẽ thành công của họ nằm ở một số nguyên nhân sau:

1) Họ tận dụng được vị trí chiến lược quan trọng của họ trong vùng Vịnh Ba Tư, chọn đúng bạn đồng minh: dứt khoát đứng về phía Mỹ, cho Mỹ sử dụng lãnh thổ để giải phóng Kuwait trong chiến tranh vùng Vịnh thứ nhất và đánh Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai, cũng như chiến tranh Afghanistan. Việt Nam rõ ràng không tận dụng được vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của mình, chính sách trung lập nửa vời (trung lập nhưng vẫn bám chặt vào tàu) chỉ làm cho tất cả các nước khổng lồ chung quanh đề phòng.

2) Trong việc chọn người tài, họ không đặt ra tiêu chuẩn chọn người thuộc kinh Qu'ran (như tiêu chuẩn thuộc triết học Mác Lê Nin của nước ta) mà mạnh dạn chọn nhân tài của khắp thế giới: CEO của công ty xây dựng khổng lồ Khaleen (xây khu Cành Cọ và nhiều công trình vĩ đại khác) là người Ấn Độ, một thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn Dubai World là người Hàn quốc... Đây chỉ là vài thí dụ, hơn 70% dân số 1,8 triệu của Dubai là người ngoại quốc. Trong số những người góp phần vào công việc hoạch định và xây dựng tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa có một người Việt Nam.

Trong số đông đảo dân ngoại quốc đến Dubai lao động có rất đông người Phi luật tân, họ làm đủ thứ ngành nghề, từ chuyên viên kỹ thuật cao, nhân viên văn phòng, đến người hầu trông con và giữ nhà cho các gia đình. Đành rằng người Phi có lợi thế hơn người Việt ở ngôn ngữ, nhưng chính phủ Phi coi rất trọng nguồn ngoại tệ này và tạo điều kiện để giúp đỡ và bênh vực công dân của họ đi ra nước ngoài lao động. Ở VN muốn sang Dubai lao động, ứng viên phải chạy chọt tối thiểu từ 1300 đến 1600 USD chưa kể các phí khác (thí dụ phí học Anh ngữ), số tiền này không phải nông dân nghèo nào muốn đổi đời cũng có thể chạy ra được. Mức lương tối thiểu khởi đầu ở Dubai dành cho lao động chân tay nam là khoảng hơn 100 USD/tháng, nữ khoảng gần 200 USD/tháng, điều này có nghĩa người lao động phải vắt sức làm cu li trong hàng năm chỉ để gỡ vốn. Đó là lý do nhiều công nhân Việt Nam bỏ trốn sau khi sang được nước ngoài. Tôi có dịp nói chuyện với một nữ công nhân vệ sinh người Việt ở Ikea Dubai, cô này kể năm 2006 cô sang Dubai cùng một nhóm 16 công nhân nữ và 16 công nhân nam, sau một thời gian ngắn, tất cả 16 công nhân nam đều bỏ trốn vì lao động quá vất vả và lương thấp. Trong 16 công nhân nữ chỉ có cô và 7 bạn nữa trụ được tới nay, số còn lại đã lần lượt xin về.

3) Năm 1966 phát hiện dầu ở Dubai, họ bắt đầu tận dụng tài nguyên này để phát triển hạ tầng cơ sở: xây dựng đường xá, trường học, nhà thương, phi trường, bến cảng... Đồng thời để phòng ngừa tương lai cạn kiệt nguồn tài nguyên ít ỏi này, họ thu hút đầu tư của thế giới bằng chính sách zero thuế lợi tức cá nhân cũng như doanh nghiệp. Đầu thập niên 80 họ bắt đầu kế hoạch xây dựng vĩ đại để biến Dubai thành trung tâm du lịch lớn của thế giới. Kết quả là ngày nay Dubai có một nền kinh tế đa dạng, xoay quanh du lịch, thương mại, ngân hàng, địa ốc... tất cả đều thuộc tầm cỡ thế giới. Chính nhờ chính sách khôn ngoan này, cuộc khủng hoảng địa ốc và tài chính năm 2010 vừa qua không gây ra ảnh hưởng lâu dài cho Dubai cũng như cho liên hiệp các tiểu vương quốc Ả rập UAE.

4) Các tiểu vương là chủ vĩnh viễn tiểu vương quốc nên họ không cần đục khoét cho nhanh và cho nhiều trước khi hết nhiệm kỳ như ở các nước chậm phát triển.

5) Họ có niềm tin tôn giáo rất mạnh. Thánh đường có ở khắp nơi, dân chúng mỗi ngày hướng về Mecca cầu nguyện 5 lần. Họ rõ ràng tin Allah có thật nên ít dám làm bậy.

Năm 1971 UAE mới được thành lập sau khi thoát khỏi chế độ bảo hộ của người Anh, từ đấy đến nay mới hơn 40 năm!
 
 Trần Đình Tuấn
 
 Dựa theo sách vở tôi được biết các dân tộc thuộc khối Ả rập có cùng nguồn gốc với dân Do Thái. Cả thế giới đều công nhận người Do Thái rất thông minh. Là kẻ thù của khối Ả rập và lại bị bao vây thường trưc bởi khối ấy, lại thêm tài nguyên hạn chế, nếu không thông minh, đảm lược và thực tế dân tộc Do Thái khó mà tồn tại được. Dù có một đồng minh mạnh là Hoa Kỳ, thế nhưng Do Thái phần lớn vẫn phải tự lực cánh sinh. Đó là một bài học lịch sử thực tế cho các dân tộc muốn vươn lên và phát triển. Tin mới nhất cho biết Việt Nam đang có chương trình mua nhiều loại võ khí tối tân của Do Thái. Bấy lâu nay dường như nhiều người chú ý đến Do Thái mà quên đi thế giới Ả rập. Vì cùng nguồn gốc họ cũng là những dân tộc thông minh. Vì có tài nguyên và biết tận dụng cho lợi ích quốc gia, các nước Ả rập đã phát triển rất mạnh. Các giới chức cao cấp của họ thuộc hàng vương giả quý tộc phần lớn đều tốt nghiệp các đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Khi có dịp xem đài truyền hình Mỹ phỏng vấn họ tôi thấy các giới chức ấy trả lời thẳng đại diện truyền hình bằng tiếng Anh về những câu hỏi liên quan đến chính trị, kinh tế, tài chánh và quân sự. Cho nên các nước Ả rập có tiến bộ vượt bực, có khi còn hơn cả Âu Mỹ, là chuyện thường tình.

Đó là Trung Đông. Còn ở Á châu, tôi lại càng ngạc nhiên khi nhận ra Nam Hàn, một quốc gia có cùng hoàn cảnh địa dư, lịch sử như Việt Nam đã phát triển tột độ về mọi mặt. Qua các phim Đại Hàn và tin tức báo chí, tôi thấy các nhà lãnh đạo chính trị, tài chánh của nước ấy có background vững vàng, đề ra và thực hiện những chương trình phát triển kinh doanh có tầm vóc quốc tế. Lãnh đạo Nam Hàn sang tận các nước Âu châu ký kết hoặc mở đường cho giới kinh doanh của nước các hiệp ước hợp tác thương mại. Từ tài chánh cho đến điện ảnh họ có một cái nhìn rất xa, vượt quá biên cương của nước họ. Họ có can đảm dứt bỏ thói hư tật xấu cản đường cho sự tiến bộ của đất nước. Ngay từ thời còn độc tài quân phiệt cai trị, giới lãnh đạo Nam Hàn đã có tầm nhìn rộng rãi có lợi cho đất nước họ. Và đặc biệt họ không sợ hy sinh tính mạng trong việc theo đuổi mục tiêu chung.

Nói như thế để chúng ta thấy nguyên nhân của sự phát triển về nhiều phương diện tại Việt Nam trong bấy lâu nay rất chậm chạp. Không thể đổ lỗi cho chiến tranh được nữa. Chiến tranh đã không còn trên đất nước gần 40 năm nay rồi.

Vậy thì nguyên nhân của sự việc là vì đâu?

Đất nước thiếu lãnh đạo.
Giới lãnh đạo không có "vision". Nếu có thì tầm nhìn rất gần.
Du nhập máy móc và áp dụng một chủ thuyết ngoại lai đã lỗi thời và ngoan cố không chịu sửa đổi.
Tính ích kỷ: chỉ nghĩ đến bản thân, gia đình, phe đảng hơn là nghĩ và lo cho dân tộc và đất nước.
Vì ích kỷ cho nên chỉ lo kèn cựa lẫn nhau, tranh giành quyền lợi trước mắt.
Tính ngạo mạn: xem mình là nhất, không chịu học hỏi và áp dụng cái sai của người. Ngạo mạn dẫn đến mờ mịt, không nhìn ra lẽ phải. Kiêu ngạo đi liền với ngoan cố, chày cối, không có can đảm nhìn nhận sự sai lấm của mình để phục thiện và sửa đổi. Cái tính khí này được diễn tả trong hai bài viết tiêu biểu Bệnh Anh Hùng của tác giả Đinh Từ Thức và Chỉ Là Giấc Mơ của tác giả Lữ Giang.
Tính không biết ngượng. Không thấy cái sự lãnh đạo của mình bết bát, đưa đất nước đến tình trạng tụt hậu của ngày hôm nay so sánh với các nước khác trên thế giới.
Không có can đảm nhìn nhận là cơ chế sai lầm, lì lợm không chịu thay đổi cơ chế, lùi xuống nhường quyền lãnh đạo cho người có khả năng.

Nguyên nhân của sự kém phát triển còn nhiều không kể hết được.
 
Chúng ta ở xa chỉ biết vậy chẳng thể làm gì hơn. Đó là trách nhiệm của hơn 80 triệu người dân trong nước. Thay đổi để tiến bộ hay không là tùy họ thôi.

 Nguyễn Văn Huy