Thursday, November 27, 2014

Saigon

Sài Gòn đi lùi về những ký ức xa xăm

Một câu hỏi không dễ trả lời nếu bạn không trực tiếp nhìn thấy những hình ảnh của khu trung tâm Sài Gòn hôm nay. Với những bức tường được dựng lên che chắn bốn phía, choàng rộng ra từ khu chợ Bến Thành đến Nhà Hát Thành Phố ra đến tận bờ sông - phủ trọn qua đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi.

Đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay ngổn ngang với các công trình xây dựng
làm mất mỹ quan thành phố. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông đang bị biến mất ngay từ khi bạn bước chân xuống khu vực trung tâm. Nó không khác gì khu Zero của New York sau vụ khủng bố 11/9. Mọi thứ đều được xới tung lên không còn thấy đâu là Sài Gòn nữa.

Điều gì đang xảy ra khi chính quyền Cộng Sản thổi bay đi khu chúng cư Eden trên đường Tự Do [Đồng Khởi] và bây giờ là Thương Xá Tax ngay giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi - cũng đang được phá bỏ để chuẩn bị xây lên một khu phức hợp 40 tầng kinh doanh siêu hạng.

Chưa hết, cũng ngay nơi này sẽ là Nhà Ga Trung Tâm của tuyến Metro tỏa đi đến Suối Tiên Thủ Đức và những khu vực khác trong tương lai. Theo như mô tả của giới truyền thông nhà nước thì đây đây là một công trình vĩ đại có một không hai của Việt Nam.

Theo dự tính công trình này sẽ phải chi ra đến hơn 5 tỷ đô la để hoàn thành nó phải đến năm 2020.

Cũng theo tình toán của các nhà hoạch định chính sách thì số tiền này sẽ được vay từ nguồn vốn ODA và sẽ được “thế hệ sau” hoàn trả khi công trình này được đưa vào sử dụng thí nghiệm. Với tham vọng biến thành phố này trở thành một thành phố năng đông công nghiệp, giới chức Cộng Sản đang muốn để lại cho đời sau một món nợ khổng lồ mà không cần biết con cháu mình có trả nỗi hay không.

Nợ nần là chuyện không thể có trong suy nghĩ của một con rùa đang muốn rút ngắn số phận của nó. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao giải được bài toán hắc búa “ùn tắc kẹt xe ngập nước” đang mỗi ngày một trầm kha không phương cứu chữa. Dự án đường sắt thị hay ga tàu điện ngầm Metro là một chủ trương tối ưu để có thể “bỏ túi phết phảy” nhiều hơn - sau đó hạ cánh an toàn - trước khi bộ mặt giao thông đô thị được thay đổi.

Với những đề án táo bạo đúng như tình thần “tiến công cách mạng” chính quyền Sài Gòn đang làm một việc không tiền khoáng hậu đó là xóa sạch hoàn toàn quá khứ của Sài Gòn thuở trước.

Và để làm được những công trình vĩ đại đó không có gì tốt hơn là phải “giải phóng mặt bằng.” Phải chặt bỏ đốn hạ không thương xót những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang phủ che bóng mát cho đường phố trung tâm như Lê Lợi-Nguyễn Huệ-Tôn Đức Thắng, một không gian đô thị nhiệt đới đang mỗi ngày một sa mạc khô cằn trong mưa cuồng nắng hạn.




Khu vực trung tâm Sài Gòn nay không còn một bóng cây xanh. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Người Sài Gòn bây giờ đã phải đau đớn nhìn thành phố của mình bị tan hoang từng ngày theo những công trình hoành tráng không biết bao giờ sẽ hoàn thành. Cây cối bị đốn gục đổ xuống cùng với di sản. Những kiến trúc nghệ thuật xây dựng đã tồn tại hàng trăm năm cũng lần lượt bị thanh toán mặc cho những khẩn cầu xin được “bảo lưu” của dư luận và một số tổ chức quốc tế.

Có người cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi khi cần phải làm mới lại khuôn mặt thành phố. Cũng có nhiều người cay đắng khi thấy trái tim của mình bị cắt bỏ không cần phải “hội chẩn điều trị” khi nó chính là những “nhịp đập sống biểu trưng” của Sài Gòn lộng lẫy ngày xưa.

Thương Xá Tax, Chung Cư Eden, Rạp Rex, Café GivRal Borgda... Công viên ghế đá hàng cây và những kỉ niệm một thời giờ đây đã thành quá vãng. Nói đúng hơn nó đã trở thành kí ức từ 30 tháng 4, 1975 sau khi chính quyền Quân Quản Việt Cộng chiếm lĩnh Sài Gòn.

Chỉ khác một chút là nó bị chết chậm hơn vì những khẩu hiệu “bảo tồn bảo tang di tích” mà chế độ vẫn hàng ngày ra rả.

Nói cho đúng hơn thì Sài Gòn trung tâm đã bị chiếm đoạt toàn bộ từng mét đất vàng những căn nhà mặt tiền trên đường Nguyễn Huệ-Lê
Lợi Hàm Nghi.

Thứ đến là chia nhau từng căn hộ sang trọng trong những khu chung cư cao cấp như Eden, Hai Bà Trưng-Trần Hưng Đạo...Và để biện hộ cho sự đập phá để làm mới từ những “khu đất vàng,” chiêu bài “giải phóng” một lần nữa được phất lên để cướp đoạt lại những gì của “người anh em đồng chí” đang trú ngụ trong những công trình xuống cấp trầm trọng - dơ bẩn nhếch nhác sau mấy chục năm ròng hưởng thụ.

Thực ra thì người Sài Gòn không còn dính dáng gì đến những lợi ích của những con chuột đương thời đang chen chúc giành ăn nhau trong “chiếc bình quí” của Sài Gòn mà họ đã chiếm giữ gần 40 năm cũng không quan tâm gì với những công trình “tầm vóc” đang sắp sửa xây dựng lên.

Suy cho cùng thì họ có “đập chiếc bình quí đó” để thay hồn đổi cốt thì cũng là một cách “giải phóng” cho những con chuột đã no nê sau một mùa thóc lúa.

Người Sài Gòn chỉ biết xuôi tay bất lực thương tiếc những ngôi nhà hàng cây góc phố kỉ niệm đang bị phế bỏ.

Họ hi vọng những kẻ “thắng cuộc” sẽ còn một chút lương tri mà không tàn hại những con đường những phố phường xưa cũ.

Nhưng họ cũng không ngây thơ đến độ tin rằng những “ý thức bào tàng sẽ tồn tại” trong cái đầu của những kẻ đang cai trị bằng sự ngẫu hứng cách mạng.

Họ chỉ mong nó sẽ được sống với niềm tin mong manh - một ngày nào đó sẽ có sự đổi thay...

Nó sẽ làm người ta nhớ đau đớn một thể chế Tự Do đã mất vẫn còn sừng sững bức bối trong ánh nhìn - bởi những công trình được mệnh danh là văn hóa của Người Sài Gòn hiện hữu như gai đâm trong mắt.

Vậy nên chặt bỏ hạ gục - biến nó thành tro bụi - để xây dựng nên một khuôn mặt đô thị hiện đại mới - cho dù có thể vay mượn tiêu tốn hàng tỷ đô la. Cho dù hiện thời nó không cần thiết và nếu nó có hình thành theo đúng tiến độ như mơ ước thì cũng như những công trình Metro khác trong khu vực. Nhà nước sẽ cũng không thể thu được đồng “lợi nhuận” nào và nhân dân cũng không được hưởng một chút lợi ích nào so với số nợ kinh thiên mà mình và thế hệ mai sau phải gánh chịu.

Một du khách nước ngoài nói với tôi rằng, “Sài Gòn tương lai đang tốc hành đi về ‘Suối Tiên’ trên những chuyến Metro không tải huyền thoại của người Cộng Sản. Còn Sài Gòn thì đang đi lùi về với những ký ức xa xăm nhất từ trí nhớ của những cư dân thời hiện đại... Nó chỉ là kỉ niệm. Nhưng là một thứ kỉ niệm dữ dội của mai sau - khi một ngày nào đó những hàng cây xanh kia sống lại, không phải để che bóng mát mà đúng hơn nó nhắc nhớ rằng nơi đây xưa kia đã từng một ‘Hòn Ngọc rạng ngời’ của toàn bộ Đông Nam Châu Á.”

Nguyễn Sài Gòn