Thursday, November 6, 2014

Trần Trung Đạo

Trách nhiệm của thế hệ

(Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ)

Chủ Nhật ngày 9 tháng 11 này, nhân dân Đức kỷ niệm 25 năm Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Phía CS Đông Đức gọi Bức Tường Bá Linh là Tường Chống Phát Xít ngụ ý Tây Đức vẫn là tàn dư của Đức Quốc Xã trong lúc Tây Đức gọi là Bức Tường Ô Nhục. Ngày 3 tháng 10, 1990, nước Đức chính thức thống nhất và mở đầu cho kỷ nguyên phát triển vượt bực để trở thành quốc gia giàu có nhất Châu Âu.(Ảnh Trần Trung Đạo chụp tại “Jewish Museum Berlin” tháng 8-2014)
...
Trong niềm vui thống nhất và cường thịnh của Đức, không thể quên rằng lịch sử quốc gia này vẫn còn một chương tội lỗi. Đó là chính sách diệt chủng Do Thái của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai.
 
Người Do Thái nguyền rủa Hitler, nhân loại kết án Hitler, nhưng nhân dân Đức trước khi có thái độ tương tự, họ phải biết trách các thế hệ Đức trong hơn thập niên từ 1930-1945 của thế kỷ 20, bởi vì chính dân Đức thời đó bằng con đường bầu cử hợp pháp đã đồng ý đặt mình dưới sự lãnh đạo của Hitler và không ít vẫn trung thành với Hitler cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. 
 
Trách nhiệm của các thế hệ Đức trong thời gian đó cho đến nay vẫn chưa được giải thích một cách tận tường trước nhân loại.

Các thế hệ Việt Nam hôm nay tuy chưa bao giờ bầu đảng Cộng sản để lãnh đạo, chắc chắn cũng sẽ phải trả lời cho các thế hệ mai sau về thái độ thờ ơ, thỏa hiệp, yếu hèn của họ trước tình trạng băng hoại đạo đức, lạc hậu kinh tế, thất thoát tài nguyên, mất mát lãnh thổ và suy yếu chủ quyền đất nước.

Lịch sử không phải là một ngôi miếu để thờ cúng nhưng là một đời sống luôn đổi mới. Truyền thống chỉ là một thói quen lỗi thời nếu truyền thống không được hiện đại hóa. Angkor Wat, Angkor Thom nguy nga, đồ sộ nhưng không cứu được một phần tư dân tộc Khờ Me khỏi bàn tay Pol Pot. Tương tự, Ấn Độ, một dân tộc có nền văn minh lâu đời nhất nhân loại và trải qua các thời đại hoàng kim từ Ashoka đến Gupta, cũng đã chịu đựng hàng loạt ngoại xâm từ Mông Cổ, Hồi Giáo và thực dân Anh kéo dài suốt 600 năm.

Việt Nam cũng thế. Nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ và làm ngơ trước hiểm họa Trung Cộng hôm nay, rồi lịch sử dân tộc với những chiến công hiển hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần cũng sẽ là những tấm bia trong một ngôi đền cổ.
 
Hãy tưởng tượng, nếu tất cả chúng ta đều im lặng, làm ngơ, chịu nhục trước hiểm họa mất nước, rồi bốn ngàn năm nữa, những đứa trẻ dòng Việt tộc, đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận biết bao khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó.


Đừng để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai ngôi đền cổ mà ngay hôm nay hãy xây cho họ một căn nhà Việt Nam Mới tự do, dân chủ, công bằng, bác ái.

Trần Trung Đạo