Monday, June 8, 2015

TNCS

Còn đâu một thời ‘tị nạn!’

Qua một bài viết của Tiến Sĩ Phan Văn Song vào Tháng Mười Một, 2013, chúng ta được biết trên báo “Ép Phê” số 4 tại Paris (không ghi rõ ngày phát hành) ký giả Xuân Mai đã đưa một tin có 22,417 người Việt tại Pháp bị tước bỏ quyền tị nạn, vì đã phản bội tư cách tị nạn của mình.

Nhưng quyền tị nạn là gì?
Liên Hiệp Quốc định nghĩa về tị nạn như sau: “Đó là người có đủ lý do để sợ rằng bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hoặc vì là thành viên của một đoàn thể xã hội nào, hoặc vì chính kiến, hiện sống ở ngoài quốc gia mà mình mang quốc tịch nhưng không thể nhận được hoặc không muốn nhận sự bảo vệ của quốc gia mà mình mang quốc tịch vì những lý do trên, hoặc là người không có quốc tịch vì ở ngoài quốc gia thường trú nhưng nay không thể trở về quốc gia đó, hoặc là người vì những lý do kể trên không muốn trở về quốc gia thường trú.”

Tại Việt Nam, khi lực lượng Cộng Sản chiếm miền Nam vào Tháng Tư, 1975, hàng trăm ngàn người dân miền Nam tìm cách ra đi. Số đầu tiên do quân đội Hoa Kỳ cứu vớt, chỉ trong ngày đầu tiên đã có tới 2,074 người tị nạn được chuyển an toàn tới hàng không mẫu hạm Midway. Tiếp theo là hàng loạt người chạy trốn Cộng Sản bằng đường biển và đường bộ suốt thập niên 1980 lên hơn một triệu người. Tình hình tương tự ở Lào và Cambodia cũng mở đầu cho hàng trăm ngàn người trốn tránh chính sách áp bức của chính quyền vượt biên giới sang Thái Lan.

“Ông Nguyễn Văn Tuyền, 59 tuổi, đến định cư tại Pháp năm 1980. Với lá đơn thống thiết như sau: ‘Nếu tôi ở lại, nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt giam, đánh đập và bỏ tù không có ngày ra. Vì lý do nhân đạo, tôi trân trọng thỉnh cầu nước Pháp, vui lòng chấp thuận cho tôi được tị nạn chính trị, sống tạm dung trên mảnh đất tự do này, và tôi chỉ trở về quê cũ khi nào quê hương tôi không còn chế độ độc tài Cộng Sản.’”

Nhưng ông Tuyền đã phản bội tư cách tị nạn của ông đến bảy lần từ năm 1995 đến năm 2000. (Theo tài liệu của OFPRA – Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride – Văn Phòng Bảo Vệ Người Tị Nạn và Vô Tổ Quốc).

Ngày 27 Tháng Sáu, 2000, ông Tuyền và 544 Việt kiều Pháp bị OFPRA gởi thơ thông báo rút lại thẻ tị nạn, với lý do trở về quê cũ khi còn chế độ độc tài Cộng Sản.
“Chiếu theo điều 1, khoản 2A của Hiệp Định Geneva ngày 28 Tháng Bảy, 1951, chúng tôi thu hồi thẻ tị nạn, đồng thời cũng trình lên Cao Ủy Tị Nạn LHQ, kể từ nay, OFPRA không còn chịu trách nhiệm với ông, về tình trạng cư trú, xin việc làm, hưởng trợ cấp xã hội theo diện người tị nạn chính trị.”
Được biết, từ năm 1988 đến năm 2000, tổng số người Việt ở Pháp bị truất bỏ quyền tị nạn và quyền lợi, với con số là 22,417.

Bài viết ghi như sau: “Chính phủ Việt Cộng qua các đại sứ từ Võ Văn Sung, Mai Văn Bộ, Trịnh Ngọc Thái đến Nguyễn Chiến Thắng đã coi người Việt Nam là thành phần cực kỳ phản động, cần phải triệt hạ, hoặc áp dụng chính sách gậy ông đập lưng ông. Đó là, dễ dãi trong việc cấp chiếu khán cho họ, để họ bị OFPRA cắt quyền tị nạn và trợ cấp xã hội. Sau khi cấp chiếu khán, tòa đại sứ thông báo danh sách cho Bộ Nội Vụ Pháp biết tên họ của những người vi phạm luật tị nạn. Một khi mất thẻ tị nạn thì mất luôn thẻ thường trú (Carte de Séjour) nên không xin được việc làm. Trường hợp đó, muốn sống ở Pháp trên ba năm, thì phải có sổ thông hành của chính phủ CSVN, để trở thành công dân Việt Cộng cho đến mãn kiếp. Cái thâm độc của Việt Cộng là như thế.”

Tiến Sĩ Phan Văn Song có nói đến việc xin tị nạn ở Pháp, như khi được nước Pháp nhận cho vào, việc đầu tiên là làm đơn xin tị nạn, nói về lý do phải bỏ nước ra đi, nếu ở lại sẽ bị tù đày, kỳ thị và trả thù. Quy chế tị nạn chánh trị được chứng minh bằng tư cách vượt biên trốn chạy ra khỏi biên giới nước Việt Nam của mình, bằng đường bộ, đường biển, vượt biển được tàu buôn vớt, hay vượt biên đến một trại tị nạn ở một nước thứ ba.

Cơ quan bảo vệ người tị nạn, sau khi người tị nạn tuyên thệ và ký tên hứa không về Việt Nam nữa, sẽ cấp cho họ thẻ tị nạn, gọi là thẻ OFFRA. Với cái thẻ này, người mang thẻ được chứng minh là người “réfugié,” tức là người tị nạn, và từ nay họ cũng là người “vô tổ quốc” (apatride) luôn, đương nhiên sẽ mất luôn quyền công dân, hết còn là người CHXHCN Việt Nam nữa!

Hưởng được quy chế tị nạn là được giấy tạm trú (Carte de séjour temporaire), giấy phép đi làm (Carte du travail), có trợ cấp bảo hiểm xã hội (Sécurité Sociale), có trợ cấp y tế (bác sĩ, bệnh viện), trợ cấp nhà (APL-Allocation Pour le Logement). Ở Pháp còn các loại trợ cấp đặc biệt khác như trợ cấp mẹ đơn chiếc không chồng mà phải nuôi con, trợ cấp cho con bú, nuôi con không có sữa hay không muốn cho con bú, thì có trợ cấp để mua sữa bò hay sữa bột.
Du lịch là chuyện nhân quyền, nên muốn đi du lịch đã có sổ thông hành (Titre de Voyage). Đi đâu cũng được nhưng dân tị nạn Việt Nam bị cấm đi du lịch ở các quốc gia gần nơi mình bỏ xứ ra đi.

Dân tị nạn muốn qua mặt việc kiểm soát về Việt Nam thì đã có tòa lãnh sự lo, họ chỉ cần ghi danh vào Hội Việt Kiều Đoàn kết, Liên Hiệp Việt Kiều, Việt Kiều Yêu Nước, các cơ quan này lo giấy đi du lịch Malaysia, từ đây sẽ về Việt Nam và trở lại. Nhưng những ai đi theo lối này, sẽ bị các cơ quan ngoại giao Cộng Sản thông báo danh sách lại cho cơ quan OFPRA để cắt quyền tị nạn. Trong trường hợp này những ai không vào được quốc tịch Pháp để có dân quyền như một người dân địa phương thì phải có giấy chứng nhận của tòa đại sứ hay lãnh sự quán Việt Nam, chứng nhận họ là công dân Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, có sổ thông hành Việt Nam, sinh viên có ghi danh đại học, hoặc làm việc ở một cơ quan ngoại giao Việt Nam, hay có hợp đồng làm việc với một công ty Pháp hay hãng ngoại quốc tại Pháp, đóng thuế lợi tức cho nước mình cư ngụ để trở thành Việt Kiều đúng nghĩa.
Ngày nay ở Pháp không biết còn ai là thuộc diện tị nạn. Phần lớn đã vào quốc tịch Pháp, số còn lại theo tòa đại sứ Việt Cộng để làm Việt kiều cư ngụ, làm ăn trên đất Pháp.

Liệu ngày nay, bốn triệu người Việt ở ngoại quốc, ai còn mang trong mình cái “căn cước tị nạn” vì Việt Cộng áp chế mà phải bỏ nước ra đi. Trong những người này, ai là tị nạn chính trị, ai là tị nạn áo cơm, ai là Việt Kiều, ai là Việt Cộng, ai đã trở thành lưu vong, ai nhận một đất nước khác làm quê hương?
Theo nguồn tin trong nước, những ngày cuối năm 2014, có một triệu “kiều bào” về Việt Nam đón Tết Ất Mùi … và con số tiền hải ngoại rót về Việt Nam năm 2014 ước tính lên đến $13 tỷ! Nhìn quanh sinh hoạt của cộng đồng người Việt chúng ta ở đây hay ở đó, con số này, dù có bị thổi phồng lên đi nữa cũng là chuyện rõ ràng và đáng buồn!
Không phải chuyện ông Nguyễn Văn Tuyền, tị nạn Cộng Sản ở Pháp năm 1980, từ năm 1995 đến năm 2000 đã trở về Việt Nam bảy lần, tôi biết một người, nguyên là thiếu úy tị nạn đến Mỹ từ năm 1975, tính đến năm 2012 đã trở lại Việt Nam 57 lần. Trong hai năm nay, không còn gặp, tôi không biết con số lượt đi-về này đã tăng thêm bao nhiêu lần nữa?

Chúng tôi đồng ý với kết luận của Tiến Sĩ Phan Văn Song ở Pháp, “Chỉ tội nghiệp cho những người còn tâm huyết ký tên thỉnh nguyện với chánh phủ Mỹ, chánh phủ Úc xin hãy đặt điều kiện nhân quyền với chánh phủ Việt Nam. Người Việt tị nạn chúng ta có ai đặt điều kiện nhân quyền với Hà Nội không, khi hằng năm gởi về $10 tỷ, khi hằng năm trở về du hý, du lịch? Mình không thể nhờ người ta đấu tranh nhân quyền, cho dân chủ, cho tự do, của dân tộc mình, khi mình không làm gì hết!”

Huy Phương
@nguoiviet