Saturday, July 24, 2010

ASEAN - ARF 2010


Hoa Kỳ nói thẳng với Trung Quốc:
Không đứng ngoài tranh chấp biển Ðông

Video : youtube - Audio : VOA

HÀ NỘI (NV) - Tại 'Diễn Đàn ASEAN – ARF’ở Hà Nội, trong một cử chỉ rõ rệt nhất từ trước đến nay từ Hoa Kỳ, Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton bề ngoài nói không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông, nhưng sẽ không đứng ngoài.(Hình phải:Ngoại trưởng Hillary Clinton đến dự ‘Diễn Đàn ASEAN – ARF’ tại Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

“Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia của mình đối với vấn đề tự do hải hành, tự do tiếp cận các các vùng biển chung của Châu Á cũng như tôn trọng luật lệ quốc tế về biển Ðông.” Bà Clinton nói ở Hà Nội: “Hoa Kỳ hậu thuẫn cho tiến trình giải quyết bằng ngoại giao của tất cả các nước tuyên bố chủ quyền của các vụ tranh chấp lãnh thổ mà không bị ép buộc. Chúng tôi chống dùng võ lực hay đe dọa võ lực của bất cứ nước nào.”

Bà Clinton nói Hoa Kỳ sẵn sàng đứng ra dàn xếp để tiến tới thương thảo đa phương, giải quyết tranh chấp chủ quyền biển Ðông.

“Bằng câu nói đó, Ngoại Trưởng Hillary Clinton cho Bắc Kinh biết là Hoa Kỳ không chấp nhận thái độ hung hăng của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển Ðông,” ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Úc, nói với báo Người Việt qua cuộc phỏng vấn điện thoại hôm Thứ Sáu.

Ông Carl Thayer nói thêm với Người Việt: “Tôi cho rằng điều này sẽ làm cho Bắc Kinh bực bội, nhưng họ phải chấp nhận thôi vì họ không có sức mạnh quân sự để đối đầu với Hoa Kỳ.”

Nhiều lần trước đây, người ta chỉ thấy Hoa Thịnh Ðốn bắn tiếng không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp và chỉ đòi quyền tự do sử dụng đường biển quốc tế trên biển Ðông.

Lần này, tại Hà Nội và có mặt cả đại diện Trung Quốc, người ta thấy Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm rõ rệt hơn đối với vấn đề tranh chấp biển Ðông khi chen vào cùng giải quyết chuyện gai góc mà các nước ASEAN không tự giải quyết nổi với Trung Quốc dù là Trung Quốc-ASEAN như một tập thể hay với từng nước riêng biệt như chủ trương xé nhỏ để bắt nạt như Bắc Kinh vẫn đòi hỏi.

Tháng 5, 2009, khi Việt Nam và Malaysia nộp hồ sơ xác định thềm lục địa mở rộng trên biển Ðông theo công ước quốc tế về luật biển, Trung Quốc đã phủ nhận và công bố đường “lưỡi bò” chủ quyền biển Ðông của họ chiếm đến 80% trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các nước khác gồm cả Việt Nam chỉ còn lại một rẻo biển hẹp dọc theo bờ.

Lời tuyên bố can dự trực tiếp của bà Clinton chắc hẳn làm Bắc Kinh khó chịu. Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì có mặt ở cuộc họp không phản ứng ngay lập tức của bà Clinton nhưng một số viên chức Hoa Kỳ có mặt trong cuộc họp cho hay ông Trì lập lại nhiều lần chủ trương của họ lâu nay là giải quyết tranh chấp song phương với từng nước.

Bà Clinton cho rằng con đường vận chuyển hàng hải trên Biển Ðông là con đường huyết mạch của mọi quốc gia và không có nước nào được quyền ngăn cản việc lưu thông của nó. Bà khuyến cáo các bên nên tôn trọng các điều khoản được ghi trong công ước về biển và lãnh hải do Liên Hiệp Quốc soạn thảo.

Bà Clinton nhấn mạnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương gắn kết với nhau bằng đường biển, do đó hòa bình và an ninh trên biển cũng như an toàn hàng hải là điều rất quan trọng. Bà đặc biệt lưu ý các bên nên tuân thủ Tuyên Bố Chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Ðông (DOC).

Các bản tin trên các kênh truyền hình lớn của Mỹ đã đưa tin này vào lúc phái đoàn Trung Quốc cũng có mặt tại hội nghị. Các biên tập viên báo chí tham gia hội nghị tiên đoán rằng sẽ có một cuộc đối đầu khác của Trung Quốc với Hoa Kỳ thông qua vấn đề này.

Bà Clinton cũng báo trước trong cuộc họp báo rằng tháng 10 tới đây Tổng Thống Obama sẽ không đến Hà Nội dự Hội Nghị Cấp Cao Ðông Á như tin các báo đã loan vào ngày hôm qua. Tuy nhiên bà cho biết chính bà sẽ trở lại để dự phiên họp quan trọng này.

Cũng khoảng thời gian đó, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates sẽ có mặt ở Việt Nam, để dự hội nghị với các vị bộ trưởng quốc phòng các nước trong khu vực.

Trong khi đó bản tin mới nhất gửi đi từ hãng tin Bloomberg viết rằng, sau cuộc họp báo, Ngoại Trưởng Clinton đã có cuộc gặp gỡ riêng với Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì và ông này cho biết Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các quốc gia tranh chấp.

Tuy nhiên bà ngoại trưởng Hoa kỳ quan ngại rằng Trung Quốc đang chủ động coi biển Ðông là của riêng mình qua các vụ xảy ra trên đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc cũng làm các nước trong khu vực lo lắng khi xây dựng hạm đội riêng mình để chủ động ngoài biển khơi, cản trở Exxon Mobil và BP ngưng thăm dò khai thác dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam làm cho Hoa Kỳ rất quan tâm.

Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1, 1974 rồi sau đó từ 1988 đến 1995 chiếm một số đảo đá ngầm do Việt Nam và Phi Luật Tân xác nhận chủ quyền.

Vùng Biển Ðông quanh hai quần đảo này, ngoài nguồn lợi hải sản, còn được tin là chứa đựng tiềm năng dầu khí rất lớn dưới lòng đất. Ðây là một trong những lý do chính thúc đẩy Trung Quốc tuyên bố đường “lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Ðông.

Từ năm ngoái đến đầu năm nay, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận qui mô quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, biểu dương sức mạnh quân sự lớn mạnh ăn trùm các nước nhỏ trong khu vực. Nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc đâm chìm hay bắt về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc. (TN)


Nguồn : nguoi-viet.com
Đọc thêm: nytimes.com - state.gov