Monday, July 5, 2010

Thụy Khuê


Phùng Cung bị bắt

1- Họa sĩ Trần Duy, cựu thư ký toà soạn báo Nhân Văn, trong bài "Một câu hỏi còn chưa được trả lời" đăng ngày 10/7/2009 trên Talawas, viết:
"Chính việc anh Phùng Cung bị bắt làm tôi rất lo sợ và đau buồn, vì Phùng Cung không tham gia Nhân văn ngoài bài viết “Con ngựa già của Chúa Trịnh” nhằm vào một nhân vật có tên tuổi trong Hội Nhà văn (Nguyễn Tuân). Nhưng vì anh Phùng Cung có một số bài viết đầu tay đã chuyển cho một số đàn anh xem để biết, rồi không hiểu bằng cách nào đó những bản thảo ấy lại vào tay lãnh đạo (tôi không được đọc những bài viết ấy) (...)

Tôi nhớ một cuộc họp tại trụ sở Hội Nhà văn ở đường Nguyễn Du năm 1957 dưới sự chủ tọa của Hà Minh Tuân, Nguyên Hồng… người đến họp có đông văn nghệ sĩ, trong đó có Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần…, qua những câu hỏi, những lời xác minh của các anh Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần thì đúng Phùng Cung là tác giả của những bài viết kể trên, và như vậy bản án đã úp lên đời Phùng Cung một tội trạng. Tôi còn nhớ câu của Nguyên Hồng nói sau khi kết thúc buổi họp: “Các anh lúc bình thường đối xử với nhau có vẻ trí thức lắm, nhưng lúc có sự việc xảy ra thì các anh đối xử với nhau không bằng lũ chăn trâu!”. Ra đến cổng anh Nguyên Hồng vỗ vào vai tôi và bảo: “Đã biết sợ chưa!”.

Quả tình tôi rất sợ, tất nhiên sợ về pháp luật là chính nhưng sợ hơn nữa là nhân tâm con người, sự tàn nhẫn của những con người đã bán rẻ nhân phẩm của mình để tự cứu mình, giẫm lên sinh mạng của những người khác để tự thoát thân".

Theo họa sĩ Trần Duy, thì việc Phùng Cung bị tố giác xẩy ra năm 1957, và Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần là những người tố, việc tố này đã khiến Phùng Cung bị kết án.

Chúng tôi so sánh với những tài liệu khác thì không thấy nơi nào ghi năm 1957 đã có việc tố giác Phùng Cung. Vậy có thể họa sĩ Trần Duy đã nhớ lầm vài năm. Hầu hết đều ghi sự việc bắt đầu vào khoảng cuối năm 1960 trở đi, nghiã là sau lớp học Thái Hà hơn một năm.

2- Phùng Hà Phủ viết: "Một buổi sáng như thường lệ, khi mẹ tôi đi làm (lúc đó hai anh em tôi còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học), thì ở nhà, căn hộ mà gia đình tôi ở bị công an mang xe ô tô đến vây bắt khám xét. Sau khi khám nhà và tịch thu toàn bộ sách vở, tài liệu, bố tôi bị đưa ngay vào giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ðó là tháng 5/1961. Kể từ ngày đó mãi cho đến thời gian chuẩn bị ký hiệp định Paris (1973), tức là 12 năm sau, bố tôi mới được tha về nhà. Thời gian đầu bố tôi bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó đưa lên Bất Bạt (Sơn Tây), rồi Yên Bình (Yên Bái), Phong Quang (Lào Cai)".

"Bố tôi bị bắt và giam giữ nhưng không có án mà gọi là đi tập trung cải tạo (...)
Sau này lúc mãn hạn tù, mẹ tôi mới biết bố tôi luôn là đối tượng bị giam cấm cố trong xà lim, bị hạn chế tôi đa tiếp xúc với thân nhân.

Nhớ lại theo bố tôi kể "khi xẩy ra chuyện", buổi sáng đó bố tôi được triệu tập tới cơ quan để họp. Đến nơi thấy mọi người xung quanh đều có ý lảng tránh mình, thậm chí không dám mời nhau uống chén nước. Ngay cả những bạn rất thân và thường lui tới nhà cũng tìm cách lánh mặt.
Ngay sau đó bố tôi bị đem ra kiểm điểm trước cuộc họp, mà thực chất gần như một buổi đấu tố thời "cải cách" của liên hiệp Hội văn học nghệ thuật (gồm cả đại diện bên văn nghệ quân đội). Chủ trì cuộc đấu tố gồm các ông Võ Hồng Cương, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh... Cảm tưởng đau xót và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi như vậy đều tham gia vào việc "đấu tố".
Ngày hôm đó, ông Trần Dần là người đứng lên "tố" để hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị "tố" là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình. Lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo và còn viết nhiều chuyện chưa in khác - Tất cả nội dung đều tập trung vào lãnh tụ và Đảng cộng sản như: Dạ ký, Chiếc mũ lông, Quản thổi, Kép Nghế... Việc bố tôi bị bắt sau đó là do tham gia làm báo Nhân Văn nhưng theo mẹ tôi còn nhiều lý do khác nữa (...)

Từ ngày ra tù bố tôi sống như người bị câm, hầu như không quan hệ với ai ngay trong các bạn văn quen biết cũ. Những người trực tiếp "tố" bố tôi ngày xưa đều cảm thấy hối hận về việc làm của mình và xin lỗi bố tôi." (Trích Phùng Cung truyện và thơ (Văn Nghệ 2003)

Phùng Hà Phủ, không ghi rõ ngày "xẩy ra chuyện" (khi đó hai anh em mới 4 tuổi và 2 tuổi), chỉ thuật những gì nghe cha mẹ kể lại, có những chi tiết phù hợp với những điều Nguyễn Hữu Hiệu viết trên báo Khởi Hành.

3- Nguyễn Hữu Hiệu viết:
"Theo lệ thường, mỗi năm, hội viên Hội Nhà Văn phải viết bá cáo, tự thuật, tự đánh giá mình đọc trước lãnh đạo.

Trong đợt học tập cuối năm 1960, tổ học tập gồm bọn bốn người cứng đầu kia [Phùng Cung, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt] bị trực tiếp đặt dưới quyền tổ trưởng Võ Hồng Chương [chắc là Võ Hồng Cương]. Trong đợt học tập này T.D. được lãnh đạo viết bản tố cáo dài gần 40 trang viết tay chữ nhỏ như kiến. Phùng Cung bị đấu hai buổi trước đông đảo văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Nhà Văn; bị tố cáo là tên phản động ngoan cố nhất của "Nhân Văn Giai Phẩm".

Chế Lan Viên, cuối cùng, mới đứng lên đề nghị phải lập tức điều Công an đến khám nhà và bắt Phùng Cung.

Nỗi đau nhục bị phản bội chưa qua thì họa khám nhà đã đến. Ngày 19 tháng Chạp năm Canh Tý 1960 [thực ra ngày 19 tháng Chạp năm Canh tý là ngày 4/2/1961]. Công an vây kín ngõ, xồng xộc vào nhà, lục soát, dầy xéo lung tung, tịch thu toàn bộ bản thảo gồm trên ba chục truyện ngắn và rất nhiều thơ. Phùng Cung bị đưa vào Hỏa Lò Hà Nội.

Sau đó, ông bị đưa đi biệt giam qua các trại Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái), Bảo Thắng (Lào Kai) từ đầu 1961 đến cuối 1972. Suốt trong mười một năm bị biệt giam, Phùng Cung bị lao nặng và nhiều bệnh trầm kha khác. Khi được phóng thích ông vẫn bị quản chế rất chặt tại địa phương"

Khi làn sóng Dân chủ đích thực -giấc mơ đời của Phùng Cung- dâng lên de dọa nhận chìm Liên Xô "Thành đồng của Cách Mạng" thì Phùng Cung không được làm "bất cứ việc gì liên quan đến chữ nghĩa" kể cả việc làm gia sư. Đều đặn hàng tuần Công an đến nhà thăm hỏi sức khoẻ, ngồi ì trong nhà khiến không ai dám bén mảng tới. Đông Âu sụp đổ, hình thức quản chế cũng theo đà "đổi mới" theo, nghiã là Công an vẫn đến thăm hỏi như xưa nhưng nhẹ nhàng và ít thường xuyên hơn.

Hiện Phùng Cung đang sống lây lất với gia đình tại một căn nhà âm u, lụp xụp tại vùng Quần Ngựa ngoại thành cũ". (Nguyễn Hữu Hiệu, Phùng Cung, Khởi Hành, Bộ mới số 1, tháng 11/1996, trang 7).

Chế Lan Viên ra lệnh bắt Phùng Cung

Tổng hợp những thông tin của Phùng Hà Phủ, Nguyễn Hữu Hiệu và Trần Duy, chúng ta có thể xây dựng lại một thực tại như sau:

Trong đợt học tập cuối năm 1960, T.D. [chắc là Trần Dần], được chỉ định viết bản tố cáo dầy gần 40 trang, [Trần Dần cũng xác nhận việc phải khai các bạn, và các bạn khai mình, để tìm lối thoát, trong nhật ký]. Sau bài tố của Trần Dần, Hoàng Cầm và Lê Đạt, phải đứng lên phụ họa, xác định các tác phẩm mà Phùng Cung viết trong mấy năm qua ngụ ý chống đảng là có thật.

Màn bi kịch này có thể đã được dàn dựng trước, với những yếu tố sau đây:
- Sau khi NVGP bị đình bản, Phùng Cung vẫn tiếp tục sáng tác và ngoài bộ ba Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt còn nhiều người được đọc các sáng tác này, vì họ vẫn công khai trao đổi văn chương ở trụ sở Hội Nhà Văn (khoảng 18 tháng, từ đầu năm 1957 đến tháng 8/58 khi Trần Dần, Lê Đạt bị đi cải tạo đợt đầu). Đặc biệt bài Dạ Ký, dường như đã "nổi tiếng" lắm trong giới văn học và công an đương thời:
"Nghe nói Phùng Cung hay chén chú chén anh với đám Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được phong chức "tay truyện ngắn nhất Đông Dương". Chắc là ở chiếu la đà với nhau, ăn nói càng ganh nhau, ngổ ngáo, bạt mạng. Đương viết tập Dạ Ký đã nghe đồn là tài lắm, dữ lắm" (Tô Hoài, Cát bụi chân ai).

"Quả thật sau đợt học tập này [Thái Hà], những anh em "Nhân Văn" hầu hết đều không dám qua lại nhà nhau, có chạm mặt ở cơ quan cũng không dám chào hỏi nhau, len lén cúi đầu sợ sệt. Riêng có bọn "chúng nó bốn thằng" là Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt vẫn bất chấp, ngang nhiên quấn quýt, trao đổi văn chương, chuyện trò rôm rả, nhất là khi gặp nhau tại trụ sở Hội Nhà Văn 84 Nguyễn Du. Thái độ ngông nghênh này làm gai mắt lãnh đạo. Khi nào Công an chịu bỏ qua?" (Nguyễn Hữu Hiệu).

- Cuối 1960, đầu 1961, khi Phùng Cung bị gọi lên kiểm thảo, bộ ba Trần Dần, Hoàng Cầm Lê Đạt đã bị đánh tan nát. Trần Dần, Lê Đạt, phải đi chăn bò, chăn trâu, bị cách ly. Trong hoàn cảnh như vậy, liệu họ còn có thể từ chối khi "được" chỉ định phải tố Phùng Cung hay không?
- Hay đây chỉ là sự dàn cảnh để mọi người thấy rõ "bộ mặt tồi tệ của bọn Nhân Văn", "bọn chúng tố cáo lẫn nhau" đây, và để cho Chế Lan Viên có cớ ra lệnh khám nhà và bắt "tên phản động" Phùng Cung.

- Chế Lan Viên đã đóng đúng vai trò Tố Hữu trong việc bắt Trần Dần, nhưng một cách "đường đường chính chính", không ám lậu như Tố Hữu.

- Ba người nắm hồ sơ và hoạt động đắc lực nhất trong vụ thanh trừng NVGP là Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông và Đào Vũ. Nhưng Chế Lan Viên khôn khéo hơn hai người kia, ông không viết bài đánh nên không có văn bản "để đời".

Nhưng ông thù Phùng Cung vì bài Dạ Ký, trong đó Phùng Cung vẽ biếm họa một số chân dung văn học, đặc biệt bốn vị "tứ bất tử": Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh và Nguyễn Đình Thi, có thêm "đương kim vô địch khôn" Tô Hoài, và vẽ cả các bạn đồng hành Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt.

Tất nhiên Chế Lan Viên không thể thích bức chân dung "nhà thơ giả thiểu số" chuyên dùng khoa "Phật vận" tức là "lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đong đánh giá sự gian ngay" mà Phùng Cung hoạ về mình. Bài Dạ Ký đối với bốn vị lãnh đạo văn nghệ "tứ bất tử" là không thể chấp nhận được. Đặc biệt với Chế Lan Viên, sự "phạm thượng" có thể sánh ngang vụ Việt Bắc đối với Tố Hữu.

- Phùng Cung bị bắt và bị tịch thu toàn bộ bản thảo gồm trên ba chục truyện ngắn và rất nhiều thơ (theo Nguyễn Hữu Hiệu). Vậy những bản thảo này hiện ở đâu? Từ khi được tha về cho đến lúc mất, Phùng Cung chỉ viết lại (hay sửa lại) được 10 truyện ngắn, in năm 2003 tại hải ngoại.
Như vậy, có thể nói, bài Dạ Ký là cái họa lớn của Phùng Cung, lớn hơn Con ngựa già của chúa Trịnh.

Trong Cát bụi chân ai, viết về Phùng Cung năm 1990, giọng Tô Hoài vẫn còn cay đắng:
"Tan lớp ở Thái Hà ít lâu, Phùng Cung bị bắt. Phùng Cung công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan hội văn nghệ từ trên Tuyên Quang. Ở rừng những việc tủn mủn không tên, sổ sách công văn, giữ thư viện, làm lán mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan... Nghĩ đến Phùng Cung, tôi nhớ những việc linh tinh hàng ngày ở cơ quan kháng chiến (...) Phùng Cung ở cơ quan nào dạt đến, không nhớ. Chơi vui, cũng không để ý, kể cả việc hệ trọng khi tôi nhờ Phùng Cung đi đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy. Đọc truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh" của Phùng Cung đăng trên báo Nhân Văn tôi cũng gật gù đại khái "thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm cháo đấy, con ạ". Cũng điếu đóm tập tành như mình ngày xưa, đâu đã mà có sừng có mỏ ngay.

Phùng Cung bị bắt khi "nhân văn, nhân võ" đã được dọn dẹp êm ắng, đã tàn. Nghe nói Phùng Cung hay chén chú chén anh với đám Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được phong chức "tay truyện ngắn nhất Đông Dương". Chắc là ở chiếu la đà với nhau, ăn nói càng ganh nhau, ngổ ngáo, bạt mạng. Đương viết tập Dạ Ký đã nghe đồn là tài lắm, dữ lắm".

Tôi không thể tưởng tượng một Phùng Cung thế nào, tôi không biết được. Tôi vẫn mơ màng chúng tôi, cây số ba, cây số bảy trên Tuyên, phở Dơi, cà phê Pháo, anh chàng mặt xanh xám vỏ dưa hấu về vệt vết nặn trứng cá, cứ ngồi lừ rừ bên bàn đọc sách, có lúc gãi ghẻ hay lúi húi làm gì, con mắt đo đỏ mà tinh vặt, như chú mèo vờ lù rù rình chuột. Về Hà Nội, đôi ba lần chúng tôi láng cháng lên cà phê Phúc Châu phố trên. Hình như Phùng Cung quê ở Sơn Tây và nỗi nhà địa chủ phú nông thế nào đấy, cũng không bao giờ nói và tôi cũng không hỏi.

Lại bao nhiêu năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng cù rù, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ.
- Phùng Cung phải không?
- Tôi đây.
- Còn sống về được à?
- Cũng không hiểu tại sao anh ạ.
(...)
- Anh có biết tôi phải tù bao nhiêu năm?
- Không biết.
- Vâng tù biệt giam mười một năm.
Đã tù, lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về. Lại lâu lắm không gặp gỡ. Ngỡ như Phùng Cung đã làm sao. Nhưng một hôm, có người sở Công an đến nhờ tôi ký chứng nhận quãng công tác ở cơ quan sau cùng Phùng Cung làm việc, trước khi phải tù.
Tôi hỏi người công an trẻ tuổi cầm giấy.
- Chứng nhận để làm gì?
- Có liên tục công tác mới đủ năm cầm sổ hưu. Thủ tục ạ.
- Liên tục cả ở cơ quan nhà tù?
Anh công an cười hồn nhiên, chào"cám ơn bác".

Gần đây, nghe Phùng Cung đã chuyển lên ở trên Quần Ngựa. Nghe nói đã khấm khá, làm nhà mới. Lại thấy bảo đương viết, viết hồi ký-hay tiếp tục Dạ ký, sau hơn ba mươi năm, hả đời? Định có hôm nào lên chơi, vẫn chưa đi được." (Cát bụi chân ai, Bản Hồng Lĩnh, Cali, 1993, trang 120-123).

Những dòng trên đây phản ảnh khá rõ tình cảm Tô Hoài dành cho cái xóm "nhà lá" mà ông gọi mỉa là "nhân văn, nhân võ". Đặc biệt Phùng Cung, hồi trẻ, được ông mô tả: "anh chàng mặt xanh xám vỏ dưa hấu về vệt vết nặn trứng cá, cứ ngồi lừ rừ bên bàn đọc sách, có lúc gãi ghẻ hay lúi húi làm gì, con mắt đo đỏ mà tinh vặt, như chú mèo vờ lù rù rình chuột". Người thanh niên này làm việc dưới quyền ông, chỉ được ông giao cho việc vặt, đại loại "công tác chạy hiệu", "Ở rừng", làm "những việc tủn mủn", "đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan"... Việc quan trọng nhất được ông sai là "đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy". Và khi đọc Con ngựa già của chúa Trịnh, ông nghĩ "thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm cháo đấy, con ạ". Sau khi đi tù 12 năm, về, đến thăm, ông rủa thầm "Đã tù, lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù".... Thế mà vẫn không chừa, vẫn lại chứng nào tật ấy: "Lại thấy bảo đương viết, viết hồi ký-hay tiếp tục Dạ ký, sau hơn ba mươi năm, hả đời?"

Những dòng này viết năm 1990, hơn bốn mươi năm sau khi NVGP bị dẹp, mà giọng Tô Hoài vẫn chưa thôi miệt thị và hằn học, như vậy đủ biết mấy trang Dạ Ký của Phùng Cung, nặng nợ như thế nào.
Nhưng chỉ một Dạ Ký thôi, có lẽ chưa đủ để "lĩnh án" 12 năm. Dạ Ký là cái cớ đầu tiên cho những người lãnh đạo văn nghệ bị Phùng Cung biếm họa nổi giận. Để Chế Lan Viên ra lệnh bắt. Việc tù tội tiếp sau, dựa trên toàn bộ tác phẩm thơ văn của Phùng Cung, một nội dung đào sâu vào tận gốc chính sách tiêu diệt văn hoá của đảng, áp dụng từ cách mạng tháng Tám:
"Giải thoát" và "Mộ phách" viết về sự bức tử nghề ca trù và tuồng chèo cổ.
"Biệt tích" là sự thủ tiêu nghề thợ mộc chân chính.
"Mạt kiếp" là cái đói và cái chết của người cùng đinh.
"Phòng tuyên truyền điạ ngục" là cơ quan dụ dỗ con người bỏ trần gian để về với thiên đường địa ngục...

Đọc tiếp chương 2: Mộ Phách
- Mồ chôn văn hoá

Trích trong” Phần XIV: Phùng Cung - Chương 1: Tại sao Phùng Cung bị bắt, bị biệt giam không có án?”của Thụy Khuê.RFI

Thụy Khuê
Nguồn : rfi.fr