Thursday, July 29, 2010

Bùi Thụy Đào Nguyên


Vì sao tôi đam mê sử

Sử chủ yếu là để ghi chép sự việc.Ngọn bút chép sử bao giờ cũng giữ nghị luận rất nghiêm: ca ngợi thời thịnh trị thì sáng tỏ chẳng kém mặt trời, mặt trăng; lên án lũ loạn tặc thì gay gắt không thua sương thu giá buốt.Người thiện có thể theo đó mà bắt chước, kẻ ác có thể biết mà tự răn… (Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư)

Ngẫm cũng là lạ, tôi đang tìm kiếm tư liệu để viết về người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thì bất ngờ biết thêm một người Anh hùng khác là Lâm Quang Ky; tương tự, tôi đang viết bài về Tổng đốc Hoàng Diệu thì gặp thêm Tán lý Nguyễn Cao…

Cứ thế, những dòng chữ nơi trang web, trang sách sử, như cứ thôi thúc tôi tìm hiểu thêm về họ, rồi viết thêm về họ.
Vài người bạn thân thấy tôi thức khuya dậy sớm, đã lao tâm mà chẳng có xu nào vì việc làm vừa kể, đã khuyên can, đại khái bạn bảo tôi phải giữ gìn sức khỏe; không cần phải khơi lại những câu chuyện cũ để làm gì, khi sử sách đã biên chép nhiều rồi…

Nghe lời, tôi khép sách lại, tắt máy vi tính rồi đi dung dăng dung dẻ với chúng bạn.

Vui quá, dọc đường về, định bụng sẽ không biên chép gì nữa cả; ấy vậy mà vào khoảng hai, ba giờ ngay đêm ấy thôi, khi tôi bất chợt tỉnh giấc, rồi cứ nằm trằn trọc mãi vì những dòng chữ nơi trang sách, trang web hồi ban sáng, & những hình bóng của những gì xa xưa, do tôi mường tượng ra như lôi kéo nhau về.

Vậy là, tôi lại mở máy, mở sách…. Đầu óc lẩm cẩm tự suy nghĩ rằng:

Sử là để biên chép việc của Trời, của Đất và của Người.
Trước vấn đề to tát này, ngay cả sử quan Phan Huy Chú còn than là khó:

Người xưa vẫn phàn nàn và cho rằng việc trước thuật là khó. Huống chi ngày nay, sách vở đã tản mát, muốn hiểu suốt được cổ kim, phân biệt được việc hay và việc dở, góp nhặt chữ nghĩa của thiên cổ để làm sách thông dụng cho đời, thì đến bậc học rộng tài cao còn lấy làm ngại, nói chi người sức học còn tầm thường như ta…(Trích tựa bộ Lịch Triều Hiến Chương loại chí).

Thế thì, chuyện trước tác, đánh giá để dành cho bậc đại khoa, mình chỉ nên làm công việc sao chép lại một số đoạn của chính sử hay chỉ là câu chuyện được truyền miệng trong dân gian rồi kết nối lại thành bài, thi thoảng lạm bàn vài câu để người thiện có thể theo đó mà bắt chước, kẻ ác có thể biết mà tự răn…

Vả lại, ở mỗi thời kỳ, mức độ cảm nhận về một sự kiện hay một nhân vật nào đó, chắc gì không có điểm lưng cạn khác nhau…

Nói khác hơn, sử nên là trang sách luôn được mở và người biên chép sử phải là người có trọng trách nhở; để làm gì? để người hôm nay và người hôm mai hiểu rằng đối với lịch sử của non sông, của dân tộc; chúng ta không chỉ ngẩng cao đầu nhìn về phía có lắm pháo hoa, mà còn phải biết cúi đầu rồi thầm ngậm ngùi cho nơi nhiều máu xương và nước mắt đã dỗ ra vì non sông, dân tộc nữa.

Phần riêng, sử là môn học mà tôi đam mê từ thời thơ trẻ.Cho nên, dù bây giờ tôi chẳng còn được cắp sách đến giảng trường, nhưng bất kỳ lúc nào rảnh rang tôi đều tìm đến những trang sách, trang web mà mình đã trót yêu mến.

Đọc rồi tra khảo lại rồi post lên diễn đàn để bày tỏ, để chia sẻ, và để ai đó cùng cảm nhận với mình rằng non sông Việt, ở tầng lớp nào cũng có những đấng Anh hùng, ngay cả ở tầng lớp áo vải.

Và quan lại Việt xưa đâu phải đa phần là những kẻ bất tài, tư túi, quen thói cửa quyền … mà là những người luôn rèn luyện bản thân, biết lắng nghe ý dân, biết đứng về phía nhân dân, cống hiến hết sức mình cho dân, cho nước…

Thật lòng, mỗi khi tôi suy ngẫm về những nhân cách đáng quí trọng ấy, bỗng dưng mình muốn làm một việc gì đó, dù nhỏ bé cho thôn xóm, cho cộng đồng. Không biết ai đã nói, những tấm gương sáng sẽ đẩy lùi mọi thứ bóng tối. Và tôi tin điều đó cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

Bùi Thụy Đào Nguyên
Long Xuyên, đêm 26/10/2007
Nguồn ngoisaoblog