Sunday, July 25, 2010

Ngô Nhân Dụng


Trương Văn Sương là một anh hùng

Video youtube.com - Audio rfa.org

Người tù chính trị Trương Văn Sương là một anh hùng. Lịch sử Việt Nam sẽ ghi tên anh như kiểu mẫu một người tranh đấu cho dân tộc được tự do từ thế kỷ 20 sang tới thế kỷ 21. Cho tới hôm nay, ở tuổi 67, anh đã sống trong tù một nửa đời người vì lý tưởng tự do dân chủ. Chúng ta phải gọi anh Trương Văn Sương là anh hùng, vì trong suốt những năm tháng đó, anh chứng tỏ một tinh thần bất khuất, không khác gì những nhà cách mạng như Tiểu La Nguyễn Thành, Ngô Ðức Kế, Ðặng Thái Thân, Phan Bội Châu, trong thập niên đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên, anh Sương bị tù đầy lâu hơn nhiều so với các vị tiền bối kể trên.(Hình phải: Sau hơn 33 năm tù đầy trở về ngôi nhà nghèo nàn người vợ đã không còn. Anh Trương văn Sương chụp bên di ảnh vợ-Hình ảnh do gia đình cung cấp)

Ngày hôm qua Trương Văn Sương đã về đến thị xã Sóc Trăng, sau một cuộc hành trình gần 2000 cây số kéo dài hơn 80 tiếng đồ hồ, được nghỉ hai đêm ở Ðà Nẵng và Sài Gòn, từ bệnh viện Phủ Lý miền Bắc vào tới một thị xã ở gần mảnh đất cuối cùng ở miền Nam. Nhiều người Việt Nam, ở trong nước và hải ngoại đã khóc khi nghe tin, và nhất là khi được nghe giọng nói bình thản của anh trên các làn sóng. Phương tiện truyền thông hiện đại đã nối liền trái tim, khối óc, cũng như tiếng thổn thức của hàng triệu người Việt trên khắp thế giới. Trước đó cũng nhờ kỹ thuật thông tin hiện đại mà hàng triệu người đã được đọc câu chuyện đời anh, nhất là thái độ bất khuất và những cuộc tranh đấu không ngừng nghỉ của anh trong lao tù, do các bạn tù cũ kể lại, như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, vân vân.

Theo lời anh Trương Văn Sương kể với báo Người Việt: “Cứ sáu tháng thì tôi phải bị cùm, bị biệt giam kỷ luật một lần. Mỗi năm tôi bị bắt đi hai lần như vậy. Lý do là vì họ bắt tôi phải viết lại bản kiểm điểm vì bản kiểm điểm của tôi họ không vừa lòng.

“Họ không vừa lòng ở điểm nào, thưa ông?”

“Trương Văn Sương: Bản kiểm điểm của tôi viết như vầy: ‘Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội và chúng tôi là những người có công với đất nước. Chúng tôi đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Còn với những người có tội thì chính đảng Cộng Sản Việt Nam mới là người có tội. Bằng chứng là các cuộc cải cách ruộng đất đã giết chết bao nhiêu người vô tội tại miền Bắc. Sau đó năm 1975, một lần nữa sau khi chiếm được miền Nam họ đã làm kiệt quệ kinh tế bằng các cuộc cải tạo tư sản. đánh tư bản, đẩy dân đi kinh tế mới, gây cho hàng triệu người vượt biên trong đó hàng trăm ngàn người đã chết. Họ đã buộc hàng trăm ngàn sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đi cải tạo và có biết bao người chết mà không biết thân xác bị vùi dập nơi đâu. Cán bộ thì tham nhũng, thối nát, hiếp đáp dân chúng trong hàng chục năm qua nhưng lại hèn nhát cúi đầu trước các vụ lấn đất, lấn biển của ngoại bang. Hoàng Sa, Trường Sa không được bảo vệ khiến đất nước cha ông đã và đang rơi vào tay quân giặc.’”

Có thể coi những lời trên là một bản tuyên ngôn của tất cả các chiến sĩ người Việt đang tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ, ở khắp thế giới, nhất là những người còn đang bị tù đầy.Trương Văn Sương có thể đọc lại nguyên văn “bản kiểm điểm” qua điện thoại cho cho phóng viên Người Việt ghi, vì anh đã thuộc lòng những “lời khai thành khẩn” đó, sau bao nhiêu lần viết đi viết lại.

Các cựu tù nhân chính trị cùng sống với Trương Văn Sương trong trại giam cho biết bốn ngàn người trong nhà tù Nam Hà đều công nhận Trương Văn Sương là một anh hùng. Vì “anh ta có một khí phách đấu tranh rất can đảm rất dũng cảm, bất khuất,” như lời Nguyễn Khắc Toàn nói. Nhưng khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo Người Việt, Trương Văn Sương đã từ chối danh hiệu đó, “anh em đều cho tôi là người anh hùng, nhưng tôi không dám nhận danh từ này,” Trương Văn Sương khiêm tốn nói.

Trong cuộc đối thoại trên với Nguyễn Nam Phong trên Diễn Ðàn Dân Chủ, Trương Văn Sương nói ông vẫn “chưa thoát khỏi vòng kim cô” vì ông chỉ được tạm tha, đình hoãn không ở tù để về nhà chữa bệnh; mà theo ông nghĩ thì chắc Việt Cộng sợ ông chết trong tù chúng mang tiếng. Linh Mục Nguyễn Văn Lý khi được đưa về Tổng giáo phận Huế vào tháng 3 năm 2010 cũng với lý do tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh. Theo lệnh của Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An tại Hà Nội thì ông Trương Văn Sương chỉ được trả tự do “tạm.” Khi được Việt Cộng đưa về tận nhà, có bác sĩ đi theo dọc đường, tới nhà mình ông mới biết cái lệnh quái gở đó.

Nhà báo tự do ở Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Toàn đã nhiều lần gọi ông Trương Văn Sương là Nelson Mandela của Việt Nam! Tính thời gian ở tù tổng cộng hơn 33 năm thì Trương Văn Sương bị mất tự do lâu hơn vị tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Nam Phi; tuy nhiên ông không phải là người lãnh đạo một phong trào chính trị lớn như ông Mandela. Trong 6 năm đi “tù cải tạo” và hơn 24 năm bị cầm tù sau cùng vừa qua, có thể coi Trương Văn Sương là một trong những “anh hùng vô danh,” một trong muôn ngàn chiến sĩ đã và còn đang tranh đấu cho quyền tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam.

Theo một nguồn tin thì thân phụ Trương Văn Sương là người gốc Hoa, thân mẫu gốc Khmer, sinh ra, lớn lên Sóc Trăng. Nhà báo Hà Nội Nguyễn Khắc Toàn kể ông đã “làm bổn phận của một công dân với đất nước thời trai trẻ khi ông còn là một sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh khi thể chế dân chủ này còn tồn tại trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.”

Khi về đến nhà Trương Văn Sương mới biết người vợ thân yêu quý là bà Lê Thị Lệ đã qua đời vào năm 2007, (Hình phải : Nhà anh Trương Văn Sương ở số 124/9 đường 30-4 . Thành phố Sóc Trăng) và người con gái thứ 2, Trương Thị Diễm cũng đã mất vì bị bệnh. Nhìn vào những bức hình do cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển chụp, chúng ta thấy hình ảnh Trương Văn Sương đang cúi đầu lễ trước bàn thờ người vợ quá cố, mà lần cuối cùng ra thăm chồng đã từ gần 10 năm trước. Cũng ta cũng nhìn thấy ngôi nhà tiều tụy mà các con anh đang sống, ai cũng phải mủi lòng trước hoàn cảnh nghèo nàn, giống như hàng triệu người Việt Nam khác đang sống ở những vùng như Sóc Trăng. Chúng ta phải cảm phục và kính trọng sự hy sinh lớn lao của Trương Văn Sương, vì dân tộc, vì lý tưởng hy sinh cả gia đình mình. Phải liên tưởng tới những vị anh hùng, các nhà cách mạng chống Pháp thế kỷ trước, như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Anh nói với báo Người Việt: “Tôi có ba con, hai trai một gái. Bảy cháu nội và hai cháu ngoại. Nhưng không có đứa nào đi học đàng hoàng cả. Ðó là nỗi đau nhất của tôi từ xưa tới nay. Nghèo quá mà làm sao đi học cho được. Hơn nữa, cha của tụi nó ở tù vì ‘tội phản cách mạng’ nên tụi nó đâu dám chường ra với người ta mà học hành đàng hoàng! Vừa nghèo vừa dốt nát! Kết quả sau bao nhiêu năm trong tù còn lại với gia đình tôi như thế.”

Có thể nói suốt cuộc đời của Trương Văn Sương là tranh đấu. Năm 1975, ông mang cấp bậc trung úy, làm chi khu trưởng trong tỉnh Ba Xuyên. Sau đó, ông bị đưa đi tù cải tạo sáu năm tại Quảng Bình. Ra khỏi trại, ông tìm đường vượt biên sang Thái Lan rồi tham gia tổ chức kháng chiến của ông Trần Văn Bá, Lê Quốc Túy và Hồ Thái Bạch, xâm nhập vào Việt Nam nhằm xây dựng những cơ sở đấu tranh vũ trang chống cộng sản; nhưng thất bại. Hơn 200 người trong tổ chức này bị bắt và bị giam trong nhiều nhà tù, nhiều người đã chết vì bệnh hoặc vượt ngục bị giết. Hai trăm vị anh hùng vô danh. Các ông Trần Văn Bá, Lê Quốc Túy và Hồ Thái Bạch đều bị cộng sản sát hại.

Khi Trương Văn Sương về tới nhà thì bao nhiêu bạn cũ và mới đã đến thăm, các nhà báo ở hải ngoại đã gọi điện thoại về. Những nhân vật đối kháng chế độ như cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển thuộc Ðảng Dân Chủ Nhân Dân Việt Nam từ Sài Gòn; Nguyễn Ngọc Quang từ Ðồng Nai; Nguyễn Thu Trâm thuộc khối 8406 từ Sài Gòn đã tìm được địa chỉ về tận căn lều tồi tàn ở Sóc Trăng để chào đón, mừng ông trở về. Ðây có lẽ là một điều bất ngờ đối với một người tù trở về. Những cú điện thoại từ nước ngoài phỏng vấn cũng là một hiện tượng mới. Nhưng hầu như Trương Văn Sương không tỏ vẻ ngạc nhiên.

Cuộc đời Trương Văn Sương đang bước vào một giai đoạn mới. Các bạn tù cũ và các người đấu tranh cho dân chủ đã trình bày cho anh biết rõ trong 24 năm qua thế giới và đồng bào sống ngoài nhà tù đã thay đổi ra sao. Ðể anh biết công cuộc đấu tranh công khai được phát động từ hơn mười năm qua đã tiến triển như thế nào. Cả hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô đã tan rã nhanh chóng. Ðồng bào Việt Nam không sợ cộng sản nữa, đã đứng lên đình công, biểu tình đòi quyền lợi đất đai, đòi tự do tôn giáo, đòi bảo vệ tổ quốc, và đòi dân chủ. Giới trí thức văn nghệ sĩ ở khắp nước can đảm lên tiếng trên các mạng lưới, về những vấn đề lớn của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh mới, vũ khí là các phương tiện kỹ thuật, như điện thoại di động, máy tính, Internet, ngòi bút, tiếng nói, báo chí tự do... vân vân. Trong cuộc điện đàm với Nguyễn Khắc Toàn, Trương Văn Sương tỏ ra ông đã biết và hiểu rõ ý nghĩa của tất cả các tin tức mới đó; cho thấy dù ở tuổi gần 70 và sau 33 năm tù, ông vẫn đầy phong độ của một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

“Và cuối cùng thì ước nguyện của ông đối với đồng bào, dân tộc như thế nào? Nhật báo Người Việt hỏi. “Tôi vẫn muốn dân tộc Việt Nam bây giờ nên hướng về tương lai. Nên đối xử với nhau trong tinh thần nhân đạo. Hãy để quá khứ về quá khứ.”

Chúng ta không được phép quên những người chiến sĩ khác còn đang trong tù ngục cộng sản, những chiến sĩ sau cùng vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu. Theo lời cựu tù nhân Nguyễn Ngọc Quang thì còn một đại úy Việt Nam Cộng Hòa là Nguyễn Hữu Cầu, quê Kiên Giang, đang trở thành người tù chính trị lâu năm nhất sau khi Trương Văn Sương về nhà. Năm 1975 anh Cầu bị bắt đi “tù cải tạo” hơn 6 năm, đến cuối năm 1981 được về. Sống ở bên ngoài được đúng 1 năm thì bị bắt giam trở lại vì anh đã viết thư tố cáo những tội ác tày đình của các quan chức tỉnh Kiên Giang, quê hương anh. Bản tố cáo nêu rõ các tên này “phạm tội giết người diệt khẩu, buôn bán xì-ke, ma túy, lợi dụng chức quyền tham ô tham nhũng, hãm hiếp, giết người,” vân vân. Trong thời gian đó, Nguyễn Tấn Dũng là một quan chức công an cấp tỉnh, từng nổi tiếng làm giàu nhanh chóng qua việc bán bãi cho dân vượt biên, nay đang giữ chức thủ tướng. Một quan chức tỉnh Kiên Giang khác lúc đó là Lê Hồng Anh, đã leo lên đến chức bộ trưởng Bộ Công An, ủy viên Bộ Chính Trị. Hiện cựu Ðại Úy Nguyễn Hữu Cầu bị giữ trong khu tù chính trị Biệt Giam Riêng, phân trại K2, Z30A, Xuân Lộc, Ðồng Nai.

Tất cả chúng ta hãnh diện về những chiến hữu, Ðại Úy Nguyễn Hữu Cầu và Trung Úy Trương Văn Sương. Mong anh Cầu sớm được tự do và anh Sương sẽ được nghỉ ngơi dưỡng bệnh, các anh sẽ sống thêm vài chục năm nữa như anh Sương mới nói. Chắc chắn nước Việt Nam sẽ được sống trong dân chủ tự do. Các anh có lẽ không mong sẽ lên làm tổng thống như Nelson Mandela nhưng ít nhất các anh cũng sẽ được như những Andrei Sakharov hay Alexander Solzhenitsyn, họ đã từng bị chế độ Xô Viết bỏ tù, họ đã sống đủ lâu để chứng kiến cảnh dân tộc Nga thoát khỏi gông cùm cộng sản.

Ngô Nhân Dụng
Nguồn nguoi-viet.com

Địa chỉ liên lạc anh Trương Văn Sương,
qua người con trai trưởng của anh là:

Ô.Trương Văn Dũng.
Số nhà 124/9 đường 30-4
Phường 3 – Khóm 2.
Thành phố Sóc Trăng.
VIỆT NAM.

Home phone : 011.84.79.361.7269