Friday, July 9, 2010

Ruth Talovich

Ruth Talovich,
một người Mỹ mang tâm hồn Việt Nam

Như một đồng nghiệp trong nhật báo Người Việt đã nói: “Dẫu biết rằng ai rồi sẽ cũng đến giờ phút đó, nhưng nghe tin bà mất, tôi vẫn thấy buồn quá.”(Hình phải:Bà Ruth Talovich, trong nhiều năm là bóng dáng quen thuộc của một bà lão người Mỹ trắng đi mua bánh mì sandwich ở tiệm 7-Eleven và cà phê ở Kang Lạc. (Hình: Nguyễn Thị Hợp/Người Việt)

Sự ra đi của bà Ruth Talovich, người vẫn được nhiều người ở Người Việt gọi là “Mom,” không gây nên sự ngạc nhiên bất ngờ, bởi tuổi bà đã cao, thời gian bà nằm viện đã dài. Thế nhưng, một điều gì đó như mất mát, hụt hẫng vẫn xuất hiện trong tâm tư nhiều người đã có thời gian làm việc và gắn bó với bà, “một người yêu dân Việt, lối sống Việt đến mức thiên vị.”

Những tâm sự, những ký ức, những hồi tưởng của Người Việt về bà dưới đây đã phần nào nói lên được hình ảnh của Mom, Ruth Talovich, một người Mỹ mang tâm hồn Việt Nam.

Nhà báo Ðỗ Quí Toàn

Vợ chồng chúng tôi và Ðỗ Ngọc Yến quen bà Ruth Talovich từ khoảng năm 1970.

Bà là một người bạn thân, một người bạn quý của chúng tôi, một người yêu dân Việt, lối sống Việt đến mức thiên vị.

Ruth có phong thái của một phụ nữ được giáo dục theo lối cổ, ở Á Châu, Âu Châu hay Mỹ châu cũng vậy: con người chững chạc, cử chỉ thanh lịch, ăn ở đường hoàng, chính trực.

Khi công ty Ruth đang làm bỏ về Mỹ, Ruth vẫn ở lại Sài Gòn, xin giấy phép làm việc tạm thời ở bộ Lao Ðộng, cứ mấy tháng lại phải xin gia hạn và đóng thuế cho chính phủ Việt Nam. Ruth ở lại dù quân Mỹ đã rút đi, vì yêu người Việt, lối sống Việt, văn hóa Việt; thấy cái gì của người Việt Nam cũng hay cả! Con trai Ruth ở Mỹ qua thăm mẹ, từ đó cũng ghiền nước mắm, từ Sài Gòn qua Ðài Loan sống cho tới bây giờ.

Năm 1975, không nhớ làm sao Ruth tìm được địa chỉ chúng tôi ở Montreal, Canada; và gửi trả chúng tôi 500 đô la, tương đương với số tiền mà Ruth có lần đã vay chúng tôi khi còn ở Sài Gòn, một món nợ mà chính tôi đã quên.

Năm 1980, Ruth đang ở Hawaii, tôi nhắc đến bà với Ðỗ Ngọc Yến thế là Yến mời ngay Ruth về làm chủ biên cho phụ trang Người Việt tiếng Anh. Từ đó, cho tới khi lâm bệnh nặng, Ruth lại sống với người Việt Nam, coi tờ báo là gia đình thứ hai của mình.

Cô Ðỗ Bảo Anh, phó tổng giám đốc Người Việt

Bà Ruth có cách nhìn sự vật hết sức độc đáo. Bà luôn luôn có thể nhìn thấy những khía cạnh bất ngờ từ những điều hết sức bình thường. Bà có thể chuyển tải, một cách dễ dàng, những nhận xét tinh tế của mình, đến độc giả. Với tôi, bà Ruth là viên ngọc quý trong tập thể những người làm báo.

Anh Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút

Những ai học lịch sử Mỹ, hẳn phải rất muốn biết qua giai đoạn “Ðại Khủng Hoảng” kinh tế những năm 1930s. Với đa số người đương thời, “Ðại Khủng Hoảng” là lịch sử, là những dữ kiện xa xăm, chỉ có thể học qua sách vở. Thế mà, tôi lại được một người của giai đoạn ấy, một chứng nhân của Ðại Khủng Hoảng cách đây gần 80 năm, kể cho những điều mắt thấy, tai nghe. Chứng nhân ấy chính là bà Ruth của chúng tôi.

Câu chuyện của bà rõ ràng, rành mạch, và “sống,” đến mức tôi có cảm giác được mang về quá khứ, đặt vào các tiểu bang nông nghiệp của nước Mỹ những ngày khốn khó nhất. Bà Ruth người gốc Kansas, một tiểu bang nông nghiệp miền Trung Tây Hoa Kỳ.

Cô Yến Trần, nhân viên ban Rao Vặt

“Ruth là người bạn già của tôi. Tôi vẫn nhớ ngày đầu bà đến báo Người Việt để tìm ông Ðỗ Ngọc Yến (người sáng lập tờ báo, đã qua đời), tôi là người tiếp bà.

Cùng bà trải qua những ngày làm việc bên nhau, ngồi cạnh nhau, nên giữa tôi và bà có khá nhiều kỷ niệm.

Tôi vẫn nhớ bà nói bà thích và không bao giờ muốn từ bỏ những gì thân thiết của mình. Cho nên khi công ty thay đổi toàn bộ máy vi tính cũ bằng máy mới hơn, bà Ruth nhất định không cho thay máy của bà. Sau đó, mọi người thay “lén,” bà Ruth giận dữ vô cùng. Người ta phải vào kho lấy lại chiếc máy cũ gắn trả lại cho bà.

Tôi nhớ bà vẫn hay ngạo tôi chuyện tôi không biết ăn nước mắm, trong khi bà là lại người rất thích nước mắm. Bà nói mỗi khi thấy trong người khó chịu, muốn bệnh, chỉ cần uống vào một chén nước mắm là bà thấy khỏe ngay.

Bà là người tử tế, thân thiện, và hay giúp đỡ tôi.

Dẫu biết rằng ai rồi sẽ cũng đến giờ phút đó, nhưng nghe tin tôi vẫn thấy buồn quá.

Cô Minh Phú, nhân viên ban Thương Vụ

Bà Ruth có dáng người gầy ốm nhưng chẳng khi nào thấy bà bị bệnh cảm cúm, ho hen lặt vặt.

Bà phụ trách trang Anh ngữ, mỗi Thứ Năm bà lại lụm khụm gấp từng section Anh ngữ để gởi đi cho khách của bà, bà có nhiều khách lắm. Bà trân trọng những công trình sáng tác trên trang báo của bà.

Thật đáng nể khi một người đến tuổi hưu trí đáng lý được nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc, nhưng với bà vẫn sống một mình, tự lập.

Tôi nhớ mỗi sáng khi lái xe đến sở làm việc tôi hay gặp bà đi bộ trên đường Bolsa. Tôi ngừng xe lại để mời bà lên xe nhưng bà lắc đầu, bà muốn đi bộ để exercise. Rồi trước khi đến sở, bao giờ bà cũng tạt vào tiệm bán cháo Kang Lạc.

Lạ nhất ở bà Ruth là trong bữa ăn trưa ở báo Người Việt, trên bàn ăn phải có chai nước mắm để bà chan vào bát cơm. Không có chai nước mắm bà sẽ rất giận và hờn dỗi không thèm ăn cơm. Bây giờ mỗi lần nhìn chai nước mắm chúng tôi lại nhớ Mom, bà là Mom của tất cả chúng tôi.

Bà ra đi mang theo bao nhiêu nhớ nhung của chúng tôi.

Bà là một người Mỹ mang tâm hồn Việt Nam.

Khi nào cúng bà, nhớ một bát cơm trắng chan nước mắm và nhớ chan nhiều Mom mới vừa ý.

Vĩnh biệt Mom.

Chú Nguyễn Ðồng, ban Kỹ Thuật

Tính tình hòa nhã, vui vẻ với mọi người, ai hỏi nhờ gì, như sửa giùm tiếng Anh chẳng hạn, thì sốt sắng làm ngay không nề hà; trong công việc thì lúc nào cũng đúng giờ, có phương pháp và rất ngăn nắp, đó là bà Ruth.

Ngót trên dưới hai mươi năm làm trang Anh Ngữ Người Việt hằng tuần, tôi nhớ bà Ruth không trễ hẹn bao giờ.

Tôi vẫn nhớ hồi trước còn làm paste-up bằng cách cắt dán, tới đúng lúc là bà đưa cho ngay một xấp giấy in bài - theo cột, đúng chiều ngang cần thiết cho một hoặc hai hay ba cột liền - cùng với xấp hình cần dùng. Sau này chuyển sang làm paste-up bằng máy vi tính, thì bà làm một cái diskette có đánh số và ghi ngày tháng mỗi file rất rõ ràng.

Cô Nguyễn Thị Hợp, ban Kỹ Thuật

Ruth là người của Little Saigon. Hàng ngày, sáng sớm bà thích uống cà phê và nhâm nhi bánh ngọt ở tiệm Kang Lạc. Bà thường khen: bánh Kang Lạc là số một!

Xế trưa, bà thả bộ ra 7/Eleven nơi góc đường Bolsa và Magnolia mua sandwich. Có hôm bà cầm một miếng bìa cứng và nhờ tôi vẽ cành mai và viết chữ “Chúc Mừng Năm Mới” để bà đem dán ở cửa kính tiệm 7/Eleven cho đẹp và có không khí Tết Việt Nam.

Những lúc tản bộ ở khu phố Little Saigon, vì bà từng là giáo sư hội họa nên bà thích gom nhặt lá vàng, cành cây khô và những vật dụng bỏ rơi trên đường, đem về dán lên tường ngay chỗ làm việc của bà. Bà cười và nói: “mình vừa đi tìm những tác phẩm nghệ thuật vừa làm sạch Little Saigon.”

Nhà báo Phạm Quốc Bảo

Từng chứng kiến cảnh tượng 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn, bà cho đó là biến cố như một cuộc động đất lớn nhất trong đời bà. Sau đó bà về ngay New York sống. Hằng ngày đi làm, bà thấy người dân ở thành phố ấy sống quá “yên bình trong một trạng thái luôn bấp bênh... Người ta không muốn đề cấp bất cứ điều gì về Việt Nam nữa.” Và lúc đó bà Ruth tự nhiên lại luôn luôn nhớ đến những cảnh tượng Sài Gòn như những kỷ niệm đột nhiên mỗi lúc một sống lại trong ký ức bà, với một nỗi bùi ngùi thương cảm.

... Bà Ruth cho biết nước mắm của người Việt Nam ta là một thứ nước chấm bổ dưỡng nhất và quyến rũ nhất. Bà cho rằng nước mắm là một tiêu biểu nét văn hóa của dân Việt trong vấn đề dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngoài nước mắm, bà Ruth không hề đụng đũa vào thứ mắm Việt Nam nào khác cả.
(trích “Dấu Ấn Văn Hóa Việt Ở Ruth Talovich”, xuất bản năm 1995)

Nhà báo Cổ Lũy

Người đàn bà nhan sắc mảnh mai với cái nhìn bình thản tiếp tục để đôi mắt mầu thủy tinh xanh xám vào cảnh bên ngoài cửa sổ máy bay.

Có phải vì đây mà nàng bỏ ra đi - như nàng đã bỏ lại sau nhiều lần trước đây, bước những bước chân dài và lâu, thản nhiên và cương quyết bỏ lại mầu xanh phía sau, lên thành phố theo đuổi học hành mỹ thuật “vô tích sự,” khác hẳn những phụ nữ cùng tuổi đương thời. Như nàng đã là một trong con số phụ nữ nhỏ bé khoác lên đồng phục bộ Quốc Phòng, làm việc trong bộ phận đồ bản trận mạc Thế Chiến 2. Như nàng đã dứt khoát với “gia đình;” như nàng đang ra đi với hành trang thật nhẹ nhõm - và cũng không định rõ một ngày về.

Tiffany Lê, phóng viên

Tôi nghe đến tên bà Ruth khi vào làm phóng viên cho báo Người Việt được một tuần. Bà là nhân vật trong bài viết đầu tiên của tôi. Tôi vui vì điều đó.

Tôi biết bà Ruth đã làm việc như một quân nhân trong cuộc chiến ở Việt Nam. Bà yêu quê hương bà cũng như yêu con người Việt Nam.

Tôi biết bà từng dạy vẽ cho những người tù như một phương pháp trị liệu cho họ.

Tôi ngưỡng mộ bà dù chúng tôi không có nhiều cơ hội để nói chuyện với nhau. Khi tôi trông thấy bà ở trung tâm Alzheimer hồi Tháng Ba vừa qua, người bà cũng như giọng nói bà rất yếu, thế nhưng tôi nhìn thấy trong mắt người phụ nữ đó một tình yêu thương vô bờ. Tôi cầu mong sao sẽ có nhiều người phụ nữ giống như bà Ruth vậy.

Nhà báo Khôi Nguyên

Nhớ về “Mom Nước Mắm”

Những ai từng làm việc chung với bà Ruth Talovich đều quen gọi bà bằng cái tên trìu mến: 'Mom.' Tôi cũng vậy!

Nhưng tôi thích gắn thêm hai chữ “nước mắm” vào sau chữ “Mom” vì chưa thấy ai “yêu” nước mắm như bà.

Cái cách mà bà ăn cơm với nước mắm thật khó ai “dám” bắt chước. Ðó là chan nước mắm nguyên chất vào cơm như người ta chan canh.

‘Mom’ yêu nước mắm đến độ, một hôm nhà ăn của Người Việt hết nước mắm, thế là bà nhịn luôn bữa cơm trưa.

Tôi không biết sau khi “nghỉ hưu” và rời báo Người Việt bà có còn “yêu” nước mắm như thế nữa hay không? Nhưng tôi tin rằng, nước mắm, báo Người Việt, người Việt Nam, đất nước Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc đời của ‘Mom’, ngay cả khi bà về bên kia thế giới.

Ngọc Lan
Nguồn nguoi-viet.com
Đọc thêm : nguoi-viet